Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2009/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 23 tháng 03 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số: 09/TTr-STTTT ngày 12/3/2009 về việc trình phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:

1.1. Mục tiêu tổng quát:

- Củng cố, hoàn thiện các dịch vụ truyền thống. Phát triển các dịch vụ tài chính mới như: dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ; các dịch vụ đại lý cho viễn thông. Xây dựng các điểm phục vụ tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

- Phát triển các chỉ tiêu viễn thông đạt mức khá của cả nước. Phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và Internet đến tất cả các xã, thôn trong tỉnh. Đảm bảo hạ tầng viễn thông, Internet và các dịch vụ viễn thông cho ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan.

- Phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

1.2.1. Về bưu chính:

- Giảm chỉ tiêu số dân phục vụ bình quân xuống mức < 2.000 người/điểm phục vụ, chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân đạt 1km/điểm phục vụ.

- Duy trì tốc độ tăng doanh thu hàng năm từ 18% - 20%. Tỷ trọng doanh thu ngành bưu chính đạt < 4% vào năm 2010 và < 3% vào năm 2020.

1.2.2. Về viễn thông, Internet:

- Phát triển mạng viễn thông theo hướng hội nhập với truyền thông.

- Các trường học, bệnh viện kết nối và sử dụng có hiệu quả dịch vụ Internet, có sự liên kết phối hợp giữa các sở ban ngành trong tỉnh.

- Các sở, ban ngành, chính quyền cấp tỉnh và huyện xã được kết nối Internet vào mạng diện rộng của tỉnh; Đảm bảo các dịch vụ trong môi trường Internet cho phép phát triển dịch vụ hành chính, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, tài chính, hải quan v.v.

- Đến năm 2010, phấn đấu các chỉ tiêu viễn thông đạt mức cao của cả nước (mật độ điện thoại cố định là 36% và điện thoại di động là 81%, mật độ thuê bao Internet đạt 16%, số dân sử dụng Internet đạt 40%, toàn bộ thuê bao Internet là thuê bao băng rộng); xây dựng hạ tầng thông tin phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng.

- Đến năm 2015, quang hóa thay thế cáp đồng, 100% xã có cáp quang đến trung tâm; 100% xã có nút mạng, tiến hành cung cấp đa dịch vụ, tốc độ cao, đảm bảo thực hiện đúng các chỉ tiêu công bố; ngầm hóa 90% mạng cáp; chỉ tiêu viễn thông duy trì ở mức cao, mật độ thuê bao cố định đạt 63%, di động đạt 91%, mật độ Internet đạt 55%, số dân sử dụng Internet đạt 80%; tốc độ tăng doanh thu đạt trên 20%.

- Đến năm 2020, duy trì chỉ tiêu viễn thông ở mức cao, mật độ thuê bao cố định đạt 68%, di động đạt 92%, tất cả nhu cầu sử dụng Internet đều được đáp ứng; truyền hình cáp (bao gồm cả hữu tuyến lẫn vô tuyến): cung cấp trong phạm vi toàn tỉnh đến cấp thôn, bản; tốc độ tăng doanh thu duy trì ở mức 20%.

II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2020

2.1. Quy hoạch phát triển bưu chính:

2.1.1. Mạng bưu cục, điểm phục vụ:

Nhằm đảm bảo hạ tầng đồng bộ, quy hoạch mạng điểm phục vụ như sau:

- Thành phố Vũng Tàu: Đô thị lớn nhất, đạt tiêu chuẩn đô thị loại II với chức năng là Trung tâm du lịch, dịch vụ dầu khí, dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh tế cảng; trong giai đoạn 2010 - 2020 sẽ phát triển khu đô thị mới tại Long Sơn. Thành phố gồm 16 phường và 1 xã đảo, quy hoạch 40 điểm tại các phường và xã đảo trong đó mỗi phường bình quân 3 điểm đại lý và kiot.

- Thị xã Bà Rịa: Là trung tâm hành chính của tỉnh; đồng thời, là trung tâm thương mại, giao thương lớn nhất nội tỉnh. Hiện nay là đô thị loại IV, nâng lên đô thị loại III vào năm 2010. Quy hoạch tại thị xã 21 điểm đại lý và kiốt.

- Huyện Tân Thành: tập trung phát triển tại khu đô thị mới Phú Mỹ, sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2010 và đạt tiêu chuẩn loại III vào năm 2015. Đây là đô thị công nghiệp, cảng. Quy hoạch 35 điểm đại lý và kiốt tại huyện, trong đó tập trung phát triển tại Phú Mỹ, Vạn Hạnh, Mỹ Xuân, Tân Phước, Phước Lộc, Hải Sơn…

- Huyện Châu Đức: Ngoài thị trấn Ngãi Giao là trung tâm huyện sẽ phát triển thêm thị trấn Kim Long. Quy hoạch tại huyện Châu Đức 16 điểm đại lý và kiốt.

- Huyện Xuyên Mộc: Ngoài thị trấn Phước Bửu hiện là trung tâm huyện sẽ phát triển thêm các thị trấn: Hòa Bình, Bình Châu, Hồ Tràm. Quy hoạch tại huyện Xuyên Mộc 17 điểm đại lý và kiốt.

- Huyện Long Điền: sẽ tiếp tục phát triển 2 thị trấn: Long Điền là trung tâm huyện; thị trấn Long Hải phát triển đô thị mới với chức năng là đô thị du lịch. Quy hoạch 23 điểm đại lý và kiốt tại Long Điền.

- Huyện Đất Đỏ: sẽ phát triển 2 thị trấn: thị trấn Đất Đỏ là trung tâm huyện và thị trấn Phước Hải là đô thị du lịch. Quy hoạch tại Đất Đỏ 14 điểm đại lý và kiốt.

- Huyện Côn Đảo: sẽ phát triển thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao, trong giai đoạn đến 2010 sẽ hình thành các thị trấn Côn Sơn, Bến Đầm và Cỏ Ống với quy mô dân số khoảng 14 ngàn người. Đến năm 2020 sẽ hình thành tại Côn Đảo đô thị hiện đại, toàn đảo là một đô thị lớn. Phát triển 15 điểm đại lý và kiốt tại đây.

Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2020 phát triển mạng điểm bưu điện văn hóa thôn, kết hợp điểm phục vụ bưu chính với điểm văn hóa thôn, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ bưu chính.

2.1.2. Mạng vận chuyển:

Hiện trạng mạng vận chuyển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện, tuy nhiên cần nâng cao chất lượng mạng vận chuyển bằng cách tăng tần xuất các tuyến đường thư cấp 2, cấp 3.

Mạng đường thư cấp 2:

- Tuyến Vũng Tàu - Tân Thành (vận chuyển báo chí): sử dụng ôtô, tần xuất 1 chuyến/ngày.

- Tuyến Vũng Tàu - Tân Thành: sử dụng ôtô, tần xuất 2 chuyến/ngày.

- Tuyến Vũng Tàu - Long Điền: sử dụng ôtô, tần xuất 2 chuyến/ngày.

- Tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo: sử dụng phương tiện tàu thủy, cự ly 93 hải lý.

Hệ thống mạng đường thư cấp 3 với 33 tuyến, trong đó 13/33 tuyến có tần xuất 1 chuyến/ngày. Cần nâng tần xuất của 20 tuyến còn lại lên 2 chuyến/ngày.

Ngoài việc nâng tần xuất chuyến thư, cần nâng thêm số điểm trao đổi túi gói trên đường, trong đó đặc biệt chú ý đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu du lịch sẽ phát triển trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng việc chuyển phát thư trong nội huyện bằng cách kết hợp với trung tâm chia chọn tự động chia chọn đến cấp xã trong từng huyện.

2.1.3. Dịch vụ bưu chính:

- Phổ cập đa dạng dịch vụ, cung cấp dịch vụ công ích và giảm thời gian toàn trình.

- Nâng cao chất lượng phổ cập dịch vụ, rút ngắn thời gian phát báo và công văn xuống xã, mở dịch vụ chuyển tiền, thanh toán, chuyển phát nhanh, bưu kiện toàn mạng bưu cục. Tại các điểm bưu điện văn hóa xã mở dịch vụ chuyển tiền, bưu kiện.

- Chú trọng các dịch vụ công ích và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nông thôn, trong thời gian tới xây dựng nguồn tư liệu hướng dẫn sản xuất và chế biến nông sản tại các điểm bưu điện văn hóa xã. Giai đoạn tiếp theo triển khai cung cấp thông tin thương mại nông nghiệp.

- Phát triển mạng chuyển phát an toàn, tin cậy đồng bộ với các dịch vụ hoàn thiện hàng hóa, dịch vụ tài chính bưu chính vv…, tạo ra kênh phân phối và thanh toán hàng hóa phù hợp với nhu cầu phát triển thương mại và góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong tương lai (mỗi bưu cục phấn đấu trở thành một nút mạng Internet phục vụ nhu cầu tìm kiếm, mua bán và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử).

- Phát triển các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước)…

- Xây dựng các điểm phục vụ đến các điểm dân cư vùng sâu, vùng xa, mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng rộng rãi mọi lĩnh vực và giải trí.

- Ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hóa trong khai thác, chấp nhận và tin học hóa các công đoạn bưu chính. Đến năm 2015 hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa cấp tỉnh, khâu chia chọn được tự động hóa trong toàn tỉnh do trung tâm chia chọn tự động thực hiện. Lộ trình ứng dụng tin học hóa cấp bưu cục, điểm phục vụ thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2015.

2.2. Quy hoạch phát triển viễn thông:

2.2.1. Mạng chuyển mạch:

- Năm 2009: Không phát triển hệ thống các tổng đài chuyển mạch cũ, bước đầu triển khai các dịch vụ mới chủ yếu là các dịch vụ Internet băng rộng và các dịch vụ ứng dụng của hệ thống Call Center; nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định tăng trên 100 ngàn thuê bao, cần nâng cấp hệ thống tổng đài tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Giai đoạn 2010 - 2011: Tiến hành lắp đặt các thiết bị cổng đa phương tiện Media Gateway. Theo dự báo số thuê bao phát triển giai đoạn này đạt gần 114.400 thuê bao. Tiến hành lắp đặt mới các thiết bị Media Gateway tại mỗi huyện, thị xã, thành phố.

- Giai đoạn 2012 - 2015: Tiến hành thay thế toàn bộ các tổng đài hiện có trên mạng bằng các tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ Multiservice Access. Ngoài việc thay mới để chuyển đổi các thuê bao cũ, tỉnh cần phát triển các điểm chuyển mạch mới (MSA). Theo dự báo số thuê bao phát triển giai đoạn 2011 - 2015 là 306.807 thuê bao. Thay thế 3 tổng đài trung tâm bằng 2 tổng đài đa dịch vụ băng rộng Multiservice Switch đặt ở trung tâm thành phố Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Nâng cấp dung lượng đáp ứng nhu cầu người dân.

2.2.2. Mạng truyền dẫn:

- Giai đoạn đến năm 2010: Cáp quang hóa các tuyến đường trục trên toàn tỉnh, ngầm hóa các tuyến cáp quang đến các tuyến phố có thể xin cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, ngầm hóa cáp quang tại các khu vực mới xây dựng, ngầm hóa trong các ngõ trong khu vực thành phố Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa; thay thế toàn bộ mạng cáp đồng, giảm bán kính phục vụ và tạo mạch vòng ring tăng độ an toàn vật lý.

Cụ thể xây dựng các tuyến cáp quang như sau:

* Xây dựng tuyến cáp quang từ Hắc Dịch - Cù Bị 1 - Cù Bị 2 - Kim Long dài 18km.  

* Xây dựng tuyến cáp quang từ Kim Long - Thạch Long - Đạt Long dài 3,5km.

* Xây dựng tuyến cáp quang từ Hòa Hội - Đội 6 xã Hòa Bình - Phước Bửu cáp quang hóa đến tổng đài mới khu vực Đội 6 xã Hòa Bình huyện Xuyên Mộc, đồng thời tạo mạch vòng ring với các điểm chuyển mạch Phước Bửu, Xuyên Mộc, Hòa Bình. Chiều dài tuyến cáp 12km.

* Xây dựng tuyến cáp từ Hòa Hiệp - Bình Châu (điểm chuyển mạch mới tại thôn 7) tạo mạch vòng ring với các điểm chuyển mạch Hòa Hiệp, Phú Quý (điểm chuyển mạch mới), Hòa Hội, Bưng Riềng. Chiều dài tuyến cáp là 21km.

Phát triển mạng cáp quang đến cấp xã (tất cả các xã đều có cáp quang đến) ước tính tổng chiều dài cáp quang xây dựng khoảng 200km. Cáp quang đến xã có thể là cáp treo.

- Giai đoạn 2011 - 2015: Tỉnh đầu tư, xây dựng mạng cáp quang đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ban ngành, huyện ủy, và Ủy ban nhân dân huyện để kết nối mạng diện rộng Internet dùng cơ sở hạ tầng mạng chính phủ điện tử. Điểm kết nối là các trạm cáp quang của doanh nghiệp, đường truyền nội tỉnh dùng chung với mạng cáp quang nội tỉnh. Trung tâm điều hành quản lý mạng đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mạng cáp quang đến cụm dân cư, đảm bảo tất cả các cụm dân cư đều có hộp cáp kéo đến. Ước tính chiều dài cho thực hiện mục tiêu này là 500km cáp quang.

2.2.3. Mạng ngoại vi:

Thực hiện ngầm hóa đến khu vực dân cư, cụm dân cư, khu công nghiệp. Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiện đại hóa. Tiến độ xây dựng tuyến cống bể theo dự án nâng cấp và xây dựng mới đường đô thị.

Khi có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu xây dựng tuyến cáp ngoại vi bắt buộc phải sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Không cho phép có nhiều tuyến cáp chôn trên một tuyến đường. Các doanh nghiệp phải cùng đầu tư và sử dụng chung bể, hộp kỹ thuật, số lượng ống dẫn cáp tùy thuộc nhu cầu từng doanh nghiệp và sử dụng riêng. Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối để thông tin cho các doanh nghiệp tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị và phối hợp tổ chức các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng mạng đồng bộ với các ngành khác trong đó theo quy hoạch của Sở Giao thông vận tải về quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông thì đối với khu vực dọc đường quốc lộ thực hiện ngầm hóa sau chỉ giới đỏ và vùng nội đô thực hiện ngầm hóa cách vỉa hè 1,5m.

- Giai đoạn đến năm 2010: hoàn thiện ngầm hóa tại thành phố Vũng Tàu và thị xã Bà Rịa, ngầm hóa những tuyến phố chính, toàn bộ các tuyến đường trục.

- Giai đoạn 2011 - 2015: ngầm hóa mạng cáp tại các trung tâm huyện, các thị trấn, các khu công nghiệp, khu du lịch, các bến cảng trong tỉnh. Tiến độ xây dựng các tuyến cáp ngầm đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị. Trong đó chiều dài cáp đồng không quá 2 km.

- Giai đoạn 2016 - 2020: ngầm hóa cáp quang đến từng thuê bao trên toàn tỉnh.

2.2.4. Thông tin di động:

Thông tin di động phát triển theo hướng mở rộng vùng phủ sóng, đến năm 2010 phủ sóng toàn tỉnh, mỗi huyện cần triển khai các trạm BTS, tăng chất lượng phủ sóng tại thành phố, thị xã, trung tâm huyện, các điểm du lịch, khu công nghiệp, trong phạm vi bán kính 500m đối với khu vực thị xã, 2km với khu thị trấn các huyện quy hoạch một cột cao sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Giai đoạn 2010 - 2015 tăng thêm các vị trí phát sóng, mở rộng dung lượng các BTS, tăng mạnh số máy thu phát tại các trạm đã lắp đặt để nâng cao chất lượng phục vụ mạng.

Đến năm 2010 số thuê bao điện thoại di động trong tỉnh đạt mật độ 81%, đến năm 2015 số thuê bao di động đạt mật độ 91%. Như vậy giai đoạn đến năm 2010 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải tăng thêm 360 vị trí trạm phát sóng, giai đoạn 2011 - 2015 tăng thêm 97 vị trí trạm phát sóng. Với số vị trí trạm phát sóng tăng như vậy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đảm bảo chỉ tiêu 100% các xã có sóng di động.

Giai đoạn 2016 - 2020: Thông tin di động ứng dụng công nghệ truy nhập vô tuyến băng rộng Wimax. Cấu trúc mạng di động sẽ là mạng di động với truy nhập vô tuyến WCDMA và Wimax, phần chuyển mạch và các ứng dụng của mạng di động sẽ được tích hợp với mạng lõi NGN. Tiến hành lắp đặt mạng Wifi trong các khu nhà cao tầng, khu chung cư và các cơ quan.

2.2.5. Internet:

Triển khai thiết bị truy nhập DSLAM đến trung tâm các huyện, các xã có kinh tế phát triển trong tỉnh đảm bảo số lượng thuê bao tăng.

Đến năm 2010 toàn bộ thuê bao phát triển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là thuê bao băng rộng, đạt mật độ 16 thuê bao/100 dân. Năm 2015 mật độ thuê bao đạt 55 thuê bao/100 dân.

Ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các điểm truy nhập Internet không dây (Wifi, Wimax …) tại trung tâm thành phố, thị xã, các điểm du lịch, khách sạn, trường học, bệnh viện, các khu đô thị, khu dân cư mới, các khu công nghiệp.

2.2.6. Thị trường viễn thông:

Cần xây dựng mạng phân phối dịch vụ và nhanh chóng triển khai việc bán lại dịch vụ khi Nhà nước ban hành quy định.

Đối với dịch vụ Internet: không có doanh nghiệp nào chiếm quá 60% thị phần.

Đối với dịch vụ thông tin di động: không có doanh nghiệp nào chiếm quá 80% thị phần.

2.2.7. Dịch vụ viễn thông:

Chú trọng củng cố và nâng cao các dịch vụ viễn thông cố định truyền thống. Mở rộng các loại hình dịch vụ khác như: dịch vụ thông tin, giải trí, thương mại, các dịch vụ chuyển mạng giữ số và dịch vụ phân tách mạch vòng nội hạt. Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động và truy nhập vô tuyến.

Nâng cao băng thông và cải thiện chất lượng các dịch vụ Internet. Phục vụ tốt cho các ứng dụng công nghệ thông tin về hành chính, thương mại điện tử, đào tạo từ xa, y tế từ xa… Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tại các điểm bưu điện văn hóa xã; thực hiện phổ cập dịch vụ Internet về cấp xã, thôn; xây dựng trung tâm thông tin cơ sở để cung cấp các thông tin hữu ích về kinh tế xã hội, khoa học giáo dục cho mọi tổ chức, cá nhân, tầng lớp nhân dân…

2.2.8. Mạng viễn thông nông thôn: Thay thế mạng viễn thông nông thôn thành mạng viễn thông hiện đại. Lắp đặt và tổ chức lại các trạm thông tin vệ tinh VSAT-IP dùng cho những xã có nhu cầu sử dụng thấp và có địa hình đặc biệt khó khăn, cự ly xa, không thể sử dụng phương thức truyền dẫn viba và chưa đủ điều kiện để kéo cáp quang.

2.2.9. Thông tin phục vụ phòng chống lụt bão: Đa dạng hóa các mạng viễn thông với đa loại hình cung cấp dịch vụ, dự phòng sự cố mất liên lạc cục bộ trong nội mạng, chia sẻ tài nguyên truyền dẫn, hỗ trợ ứng cứu giữa các mạng. Gia cố toàn bộ hệ thống cột cao ven biển đảm bảo chịu được bão cấp 12.

Truyền dẫn cáp quang phải nối vòng toàn bộ các tổng đài vệ tinh, thực hiện truyền dẫn quang - viba dự phòng lẫn nhau tại một số tuyến quan trọng, đảm bảo các phương án ứng cứu trong và sau bão lụt. Sử dụng các xe lưu động của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động nhằm khắc phục tình trạng mất thông tin liên lạc sau bão.

2.3. Phát triển truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện:

Quy hoạch phân bổ kênh tần số cho các đài phát thanh FM băng tần 87 - 108Mhz đến năm 2015 như sau:

- Đài phát thanh Thành phố Vũng Tàu: tần số 92MHz, công suất lớn nhất được phép là 2kw; Kênh VoV5 (đối ngoại): tần số 98,8 MHz, công suất lớn nhất được phép là 10kw.

- Quy hoạch phân bổ tần số cho truyền hình tương tự mặt đất băng tần UHF và VHF; Đài phát thanh truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu đặt điểm phát sóng tại thành phố Vũng Tàu đảm bảo truyền phát các kênh truyền hình VTV 1,2,3, kênh địa phương, các đài duyên hải băng tần 7,9 MHz.

2.4. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2009-2010 và 2011-2020 (có phụ lục kèm theo)

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

3.1. Phát triển thị trường dịch vụ bưu chính, viễn thông:

3.1.1. Đa dạng hóa dịch vụ bưu chính, viễn thông và hấp dẫn mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường:

a. Về Bưu chính

- Tận dụng mọi nguồn lực để cung cấp và phổ cập dịch vụ, khuyến khích mọi thành phần tham gia thị trường bưu chính.

- Đa dạng hóa dịch vụ bằng cách mở rộng danh mục dịch vụ, triển khai cung cấp các dịch vụ giải trí thông qua Internet. Nâng cao hiệu quả của mạng điểm phục vụ.

- Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành để phát triển các dịch vụ khác. Mở rộng các loại hình dịch vụ ở bưu cục và điểm bưu điện văn hóa xã chú trọng dịch vụ về thông tin nông nghiệp và giải trí.

b. Về Viễn thông

- Tăng cường thúc đẩy các hình thức bán lại dịch vụ viễn thông và Internet nhằm huy động mọi nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội để phát triển viễn thông.

3.1.2. Cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn:

Đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và cung cấp các dịch vụ đặc biệt có liên quan tới bảo mật thông tin và an toàn mạng lưới.

3.2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông:

- Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, điện lực, truyền hình, giao thông vận tải và các ngành cơ sở hạ tầng khác trên địa bàn tỉnh.

- Việc kết nối các mạng viễn thông phải được thực hiện trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên viễn thông và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng.

- Tạo mọi điều kiện cấp đất xây dựng và mở rộng mạng điểm phục vụ và điểm Bưu điện văn hóa xã.

- Tỉnh tạo điều kiện và đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông đến các xã, xây dựng tuyến cáp quang đến các khu công nghiệp, xây dựng mạng và các điểm phục vụ tại các khu du lịch.

3.3. Huy động vốn đầu tư:

3.3.1. Vốn đầu tư từ ngân sách:

Chủ yếu cho đầu tư phát triển các dịch vụ công ích phục vụ sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, phổ cập các dịch vụ cơ bản cho các khu vực còn khó khăn về thông tin liên lạc.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp tại các điểm BĐVHX, ưu tiên cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực hiện đề án “Trung tâm thông tin cơ sở” gồm các thông tin kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, giáo dục phổ thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống thiên tai.

3.3.2. Vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và ngoài nước:

Thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích phát triển hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông hoạt động tại địa phương cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn hình thức liên doanh, liên kết (hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC, liên doanh).

3.4. Phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ chuyên gia quản lý, kinh tế, kỹ thuật giỏi trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông để thu hút lao động có chất lượng chuyển về công tác tại địa phương.

- Chú trọng đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân viên ở các điểm Bưu điện Văn hóa xã. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn chủ các cửa hàng, đại lý dịch vụ về bưu chính, viễn thông, Internet công cộng về công tác quản lý, kỹ thuật sử dụng và khai thác các dịch vụ…

- Điều chỉnh cơ cấu lao động trong ngành bưu chính, viễn thông và Internet theo hướng tăng cường thuê dịch vụ, nhân công bên ngoài để tận dụng lực lượng lao động xã hội và tăng năng suất lao động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và Internet.

- Liên kết với các trường đại học trong nước và nước ngoài nhằm tìm ra giải pháp nâng cao năng lực, cập nhật công nghệ theo chiến lược dài lâu, đảm bảo hệ thống nguồn nhân lực có thể đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

3.5. Giải pháp về khoa học công nghệ:

3.5.1. Về lĩnh vực Bưu chính: Hiện đại hóa công nghệ bưu chính chủ yếu đi vào hiện đại hóa bưu cục, sử dụng các thiết bị bưu chính hiện đại, kết hợp với các trung tâm chia chọn tự động thực hiện tới cấp huyện.

3.5.2. Về lĩnh vực Viễn thông: Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đổi mới tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Định hướng tập trung nghiên cứu triển khai ứng dụng dịch vụ mới, dịch vụ giải trí và cung cấp nội dung. Công nghệ mới phải phù hợp với hiện trạng cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện tại tại Việt Nam và thế giới, đảm bảo khả năng nâng cấp, phát triển và kết nối với các nước trên thế giới.

Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện:

1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông: Lập kế hoạch triển khai thực hiện, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Sau mỗi kỳ quy hoạch, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng thời kỳ; nếu có những phát sinh, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Công bố công khai Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020.

2. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện tốt quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TT&TT;
- TTr. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- VP. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị, thành phố;
- TT. Công báo tỉnh;
- Lưu VT-TH (V4).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 20/2009/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển Bưu chính, Viễn thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 20/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/03/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Võ Thành Kỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản