Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2008/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Khoa học Sức khỏe trình độ đại học và cao đẳng ngày 29 tháng 12 năm 2006;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình khung giáo dục đại học khối ngành Khoa học Sức khỏe trình độ đại học và cao đẳng, bao gồm:
1. Y học dự phòng, trình độ đại học.
2. Kỹ thuật Y học dự phòng, trình độ cao đẳng.
3. Kỹ thuật Dinh dưỡng tiết chế, trình độ cao đẳng.
4. Kỹ thuật Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm, trình độ cao đẳng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ Chương trình khung kèm theo Quyết định này được dùng trong các đại học, học viện, trường đại học và cao đẳng được giao nhiệm vụ đào tạo các ngành học này ở trình độ đại học hoặc cao đẳng.
Điều 3. Căn cứ chương trình khung đã được quy định tại Quyết định này, Giám đốc các đại học, học viện và Hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng tổ chức xây dựng chương trình giáo dục cụ thể của trường; tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình các môn học để sử dụng chính thức trong trường trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Giám đốc hoặc Hiệu trưởng thành lập.
Điều 4. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám đốc các đại học, học viện và hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Ngành đào tạo: Y học dự phòng
- Mã ngành đào tạo:
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Đào tạo Bác sỹ Y học dự phòng có y đức và kỹ năng nghề nghiệp để xác định, đề xuất và tham gia tổ chức giải quyết các vấn đề cơ bản của sức khỏe cộng đồng, có khả năng tự học vươn lên đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh cho nhân dân.
- Tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
- Tôn trọng và chân thành lắng nghe ý kiến của cộng đồng về các nhu cầu sức khỏe và các giải pháp can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng;
- Có tinh thần hợp tác và phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ;
- Trung thực, khách quan, có tinh thần học tập vươn lên.
- Có kiến thức khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn và y sinh học cơ sở làm nền tảng cho y học dự phòng;
- Có kiến thức tổng quát về y học dự phòng để xác định các yếu tố của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp tác động đến sức khỏe của cộng đồng;
- Có kiến thức cần thiết để phân tích và lập kế hoạch can thiệp các vấn đề sức khỏe của cộng đồng;
- Có kiến thức về những bệnh thông thường và một số bệnh cấp cứu;
- Có phương pháp luận khoa học trong nghiên cứu khoa học dự phòng;
- Có hiểu biết về pháp luật, chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Thu thập và phân tích thông tin về sức khỏe cộng đồng và y tế công cộng;
- Phát hiện và giám sát các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của các vấn đề sức khỏe cộng đồng và y tế công cộng;
- Phân tích các vấn đề và chọn ưu tiên;
- Lập kế hoạch can thiệp;
- Tổ chức thực hiện và giám sát;
- Thực hiện được một số kỹ thuật, xét nghiệm trong y học dự phòng;
- Đánh giá hiệu quả một số can thiệp y học dự phòng và y tế công cộng;
- Thực hiện một số phương pháp truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng;
- Lồng ghép, phối hợp các hoạt động y học dự phòng và y tế công cộng;
- Phát hiện và xử lý bệnh thông thường;
- Xử trí ban đầu một số cấp cứu ở cộng đồng.
2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo
- Khối lượng kiến thức tối thiểu: 318 đơn vị học trình (đvht)
- Thời gian đào tạo: 6 năm
2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT | Khối lượng học tập | Đơn vị học trình | ||
TS | LT | TH | ||
1 | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu (chưa kể học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng) | 41 | 41 | 0 |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu (các môn cơ sở và chuyên ngành) - Kiến thức cơ sở của khối ngành - Kiến thức cơ sở của ngành - Kiến thức ngành (kể cả chuyên ngành) - Kiến thức bổ trợ - Thực tập nghề nghiệp và thi tốt nghiệp | 277
35 85 147 0 10 |
20 57 77
0 |
15 28 70
10 |
(TS: Tổng số, LT: Lý thuyết; TH: Thực hành)
3.1. Danh mục các học phần bắt buộc
3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương 41 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Triết học Mác – Lê nin | 6 | 6 | 0 |
2 | Kinh tế chính trị | 5 | 5 | 0 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 4 | 4 | 0 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 4 | 4 | 0 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 3 | 3 | 0 |
6 | Nhà nước và pháp luật | 2 | 2 | 0 |
7 | Tâm lý học | 3 | 3 | 0 |
8 | Y đức | 2 | 2 | 0 |
9 | Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành) | 12 | 12 | 0 |
10* | Giáo dục thể chất | 5 |
|
|
11* | Giáo dục quốc phòng và Y học quân sự | 11 |
|
|
(* Chưa tính các học phần 10 và 11)
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 227 đvht
3.1.2.1. Kiến thức cơ sở của khối ngành 29 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Xác suất thống kê | 2 | 2 | 0 |
2 | Thống kê y học | 4 | 2 | 2 |
3 | Tin học cơ bản | 4 | 2 | 2 |
4 | Tin học ứng dựng | 3 | 1 | 2 |
5 | Lý sinh | 4 | 3 | 1 |
6 | Hóa học | 5 | 4 | 1 |
7 | Sinh học đại cương | 4 | 3 | 1 |
8 | Di truyền học | 3 | 2 | 1 |
3.1.2.2. Kiến thức cơ sở của ngành 65 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Giải phẫu | 5 | 4 | 1 |
2 | Mô phôi | 5 | 4 | 1 |
3 | Sinh lý học | 5 | 4 | 1 |
4 | Hóa sinh | 5 | 4 | 1 |
5 | Vi sinh học | 5 | 4 | 1 |
6 | Ký sinh trùng | 5 | 3 | 2 |
7 | Giải phẫu bệnh | 3 | 2 | 1 |
8 | Sinh lý bệnh – Miễn dịch | 5 | 4 | 1 |
9 | Dược lý và độc chất | 5 | 4 | 1 |
10 | Chẩn đoán hình ành | 2 | 1 | 1 |
11 | Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm 1 | 3 | 2 | 1 |
12 | Điều dưỡng cơ bản | 3 | 2 | 1 |
13 | Khoa học môi trường và sức khỏe môi trường 1 | 4 | 3 | 1 |
14 | Sức khỏe nghề nghiệp 1 | 2 | 1 | 1 |
15 | Dịch tễ học 1 | 4 | 3 | 1 |
16 | Khoa học hành vi và giáo dục sức khỏe 1 | 2 | 2 | 0 |
17 | Thực tập Y học dự phòng 1 | 2 | 0 | 2 |
3.1.2.3. Kiến thức ngành 113 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Nội cơ sở | 5 | 3 | 2 |
2 | Ngoại cơ sở | 5 | 3 | 2 |
3 | Nội bệnh lý | 5 | 3 | 2 |
4 | Ngoại bệnh lý | 5 | 3 | 2 |
5 | Phụ sản | 5 | 3 | 2 |
6 | Nhi | 5 | 3 | 2 |
7 | Truyền nhiễm | 5 | 3 | 2 |
8 | Y học cổ truyền | 4 | 2 | 2 |
9 | Lao | 3 | 2 | 1 |
10 | Răng hàm mặt | 3 | 2 | 1 |
11 | Tai mũi họng | 3 | 2 | 1 |
12 | Mắt | 3 | 2 | 1 |
13 | Da liễu | 3 | 2 | 1 |
14 | Phục hồi chức năng | 4 | 2 | 2 |
15 | Thần kinh | 3 | 2 | 1 |
16 | Sức khỏe tâm thần | 3 | 2 | 1 |
17 | Sức khỏe sinh sản | 1 | 1 | 0 |
18 | Kinh tế y tế | 3 | 2 | 1 |
19 | Tổ chức và quản lý y tế | 5 | 3 | 2 |
20 | Thực tế Y học dự phòng 2 | 2 | 0 | 2 |
21 | Y xã hội học và Nhân học Y học | 3 | 2 | 1 |
22 | Sức khỏe lứa tuổi | 3 | 2 | 1 |
23 | Sức khỏe môi trường 2 | 5 | 4 | 1 |
24 | Sức khỏe nghề nghiệp 2 | 5 | 4 | 1 |
25 | Dịch tễ học 2 | 5 | 3 | 2 |
26 | Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm 2 | 5 | 3 | 2 |
27 | Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe 2 | 2 | 1 | 1 |
28 | Dân số học | 3 | 2 | 1 |
29 | Phương pháp nghiên cứu sức khoẻ cộng đồng | 5 | 2 | 3 |
30 | Thực tế Y học dự phòng 3 | 2 | 0 | 2 |
3.2. Mô tả nội dung khối kiến thức bắt buộc
1. Triết học Mác – Lênin: 6 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 29 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình môn Triết học Mác – Lênin dùng cho các khối ngành khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên, kỹ thuật; Chương trình môn Kinh tế Chính trị Mác – Lênin dùng cho khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh; Chương trình môn Kinh tế Chính trị Mác – Lênin dùng cho các ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh trong các trường đại học.
2. Kinh tế chính trị Mác- Lênin: 5 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 45/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 29 tháng 10 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình môn Triết học Mác – Lênin dùng cho các khối ngành khoa học xã hội, nhân văn, tự nhiên, kỹ thuật; Chương trình môn Kinh tế Chính trị Mác – Lênin dùng cho khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh; Chương trình môn Kinh tế Chính trị Mác – Lênin dùng cho các ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh trong các trường đại học.
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học: 4 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 34/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành đề cương môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học trình độ đại học.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 4 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 41/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 27 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành đề cương chi tiết học phần Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trình độ đại học dùng cho các đại học, học viện và các trường đại học.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học, cao đẳng.
6. Nhà nước và pháp luật: 2 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam. Cấu trúc của bộ máy nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy nhà nước XHCN Việt Nam.
7. Tâm lý học: 3 đvht
Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về tâm lý và tâm lý y học; giải thích được một cách biện chứng về các hiện tượng tâm lý, cơ chế tác động của các yếu tố tâm lý tới sức khỏe; vận dụng được kiến thức tâm lý trong giao tiếp với bệnh nhân, với cộng nghiệp, với cộng đồng và giúp bệnh nhân vượt qua được một số khó khăn về mặt tâm lý.
8. Y đức: 2 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên các nguyên lý cơ bản của đạo đức y học trong thực hành lâm sàng và nghiên cứu khoa học; trình bày được trách nhiệm của người bác sỹ thực hành nghề nghiệp tốt theo quy định của Bộ Y tế và Hiệp hội y học thế giới; phân tích được các tình huống xảy ra trong nghề nghiệp theo nguyên lý đạo đức y học; thực hiện đúng trách nhiệm của người sinh viên y khoa trong giao tiếp với bệnh nhân/gia đình bệnh nhân/các thành viên khác trong nhóm và trong thực hành nghề nghiệp dựa trên các quy định chung của quốc tế và Việt Nam.
9. Ngoại ngữ: 12 đvht
Nội dung học tập tương ứng với trình độ ngoại ngữ C và ngoại ngữ chuyên ngành y (của ngoại ngữ chính mà sinh viên đăng ký học). Chương trình này giúp người học có khả năng nói, đọc, viết, nghe hiểu những giao tiếp thông thường và chuyên ngành y. Có thể áp dụng để tham khảo một số tài liệu y văn.
10. Giáo dục thể chất: 5 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12 tháng 9 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành tạm thời Bộ chương trình Giáo dục Đại học Đại cương (giai đoạn 1) dùng cho các trường Đại học và các trường Cao đẳng Sư phạm và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12 tháng 4 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục thể chất giai đoạn II các trường đại học và cao đẳng (không chuyên thể dục thể thao).
11. Giáo dục Quốc phòng và Y học quân sự: 11 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 81/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình Giáo dục Quốc phòng – An ninh trình độ đại học và cao đẳng.
12. Xác suất thống kê: 2 đvht
Cung cấp các khái niệm cơ bản về xác suất và thống kê; nêu các bước của bài toán kiểm định giả thiết thống kê; áp dụng các bài toán thống kê phù hợp trong xử lý các số liệu y học.
13. Thống kê y học: 4 đvht
Cung cấp một số khái niệm thống kê cơ bản áp dụng trong khoa học sức khỏe và y học dự phòng như phân bố chuẩn, thống kê mô tả, thống kê suy luận; phân loại và xác định được các biến số cần thiết trong nghiên cứu, cách chọn mẫu, tính toán cỡ mẫu, cách thu thập, phân tích, tổ chức và trình bày số liệu; sử dụng được máy tính hỗ trợ cho việc xác định cỡ mẫu, thiết kế công cụ thu thập số liệu, phân tích và trình bày số liệu.
14. Tin học cơ bản: 4 đvht
Soạn thảo văn bản hoàn chỉnh bằng Word; dùng Excel hoặc FoxPro để nhập số liệu và làm các bài toán ứng dụng.
15. Lý sinh: 4 đvht
Cung cấp kiến thức về các quá trình, hiện tượng vật lý cơ bản xảy ra trong cơ thể sống; các nguyên lý của các ứng dụng kỹ thuật vật lý chính trong chẩn đoán và điều trị; các ứng dụng chính của các yếu tố vật lý lên cơ thể sống phục vụ mục đích bảo vệ môi trường và cơ thể.
16. Hóa học: 5 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về hóa học, hóa phân tích, hướng dẫn thực hiện một số thí nghiệm để bổ sung cho lý thuyết và làm quen với một số thao tác trong phòng thí nghiệm nói chung và phòng xét nghiệm nói riêng.
17. Sinh học đại cương: 4 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên các nguyên lý sinh học cơ bản và hiện đại (nhất là sinh học phân tử); phục vụ thiết thực cho các môn y học cơ sở và lâm sàng; làm được một số kỹ thuật để minh họa kiến thức sinh học đại cương.
18. Di truyền học đại cương: 3 đvht
Học phần sẽ giới thiệu về cơ sở vật chất và các quy luật di truyền chi phối các tính trạng của người; giải thích nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh của một số bệnh, tật di truyền ở người; chỉ định và thực hiện được một số xét nghiệm di truyền cần thiết, tư vấn di truyền được cho một số trường hợp bệnh tật di truyền thường gặp; thực hiện được một số xét nghiệm di truyền y học.
19. Giải phẫu: 5 đvht
Học phần giới thiệu những kiến thức cơ bản về vị trí, hình thể, liên quan và cấu tạo của các bộ phận/cơ quan/hệ cơ quan của cơ thể người; nhận biết và nêu đúng được tên gọi của những chi tiết giải phẫu chính của các bộ phận/cơ quan cơ thể người; nêu lên được những liên hệ về chức năng và lâm sàng thích hợp.
20. Mô phôi: 5 đvht
Mô tả cấu tạo hình thái vi thể, siêu vi thể và hóa học của các mô và các bộ phận chủ yếu của những cơ quan trong cơ thể người bình thường; giải thích mối liên quan giữa cấu tạo và chức năng của các mô và các cơ quan.
Mô tả hình thành và phát triển của phôi người từ khi thụ tinh đến giai đoạn hình thành mầm các cơ quan; sự hình thành và phát triển, cấu tạo và chức năng của các bộ phận phụ của phôi thai người; mô tả sự hình thành và phát triển bình thường của một số cơ quan; giải thích được sự hình thành một số dị dạng bẩm sinh thường gặp.
21. Sinh lý học: 5 đvht
Các kiến thức cơ bản về chức năng, hoạt động của các cơ quan, hệ thống cơ quan và điều hòa chức năng trong mối liên hệ thống nhất giữa chúng với nhau và giữa cơ thể với môi trường; vận dụng được những kiến thức cơ bản sinh lý học để giải thích một số rối loạn chức năng và áp dụng vào việc học tập các môn lâm sàng.
22. Hóa sinh: 5 đvht
Học phần giới thiệu những kiến thức cơ bản và có hệ thống về hóa sinh bao gồm: các sinh chất chủ yếu và chuyển hóa của chúng ở tế bào của cơ thể sống; trình bày nguyên tắc, cách xác định và ý nghĩa một số xét nghiệm hóa sinh lâm sàng thông thường; vận dụng và liên hệ những kiến thức hóa sinh vào việc học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực y học.
23. Vi sinh học: 5 đvht
Học phần giới thiệu về các đặc điểm: hình dạng, cấu trúc, nuôi cấy, kháng nguyên và miễn dịch của vi sinh vật y học; mối quan hệ vi sinh vật, môi trường và cơ thề, khả năng và cơ chế gây bệnh của vi sinh vật; các phương pháp xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh; các nguyên tắc phòng bệnh và điều trị các bệnh nhiễm vi sinh vật.
24. Ký sinh trùng: 5 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về đặc điểm sinh học, hình thể, cấu tạo của ký sinh trùng: đặc điểm sinh lý, sinh thái và chu kỳ phát triển của các loại ký sinh trùng (KST) chủ yếu ở Việt Nam; đặc điểm dịch tễ ký sinh trùng ở Việt Nam; phân tích đặc điểm bệnh học và tác hại do ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng; phân tích mối liên quan giữa vấn đề ký sinh trùng và sức khỏe cộng đồng; giới thiệu một số phương pháp chẩn đoán bệnh ký sinh trùng và nguyên tắc điều trị cá thể, điều trị cộng đồng; các nguyên tắc và biện pháp phòng chống ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng.
25. Giải phẫu bệnh: 3 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên các kiến thức cơ bản về những biến đổi hình thái học của tế bào và mô trong quá trình bệnh lý; nhận định được mối quan hệ giữa hình thái và chức năng; giữa con người và môi trường sống trong việc phân tích những biểu hiện lâm sàng của bệnh; vận dụng kiến thức đã học cả về lý thuyết và thực hành để xác định chẩn đoán một số bệnh thường gặp ở Việt Nam, tìm hiểu nguyên nhân để đóng góp cho điều trị, phòng bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu.
26. Sinh lý bệnh – miễn dịch: 5 đvht
Học phần giới thiệu quy luật hoạt động của các cơ quan, hệ thống cơ quan bị bệnh, các quá trình bệnh lý điển hình – quy luật hoạt động của bệnh nói chung để vận dụng vào thực hành lâm sàng. So sánh phân biệt bản chất và hiện tượng trong công tác phòng, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học trên cơ sở phân tích và tổng hợp các hiện tượng bệnh lý.
Giải thích và mô tả về hệ thống các cơ quan và tế bào tham gia vào đáp ứng miễn dịch; các giai đoạn, các yếu tố tham gia vào sự hình thành đáp ứng miễn dịch của cơ thể; vai trò của hệ thống miễn dịch không đặc hiệu và hệ thống miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thể dịch và miễn dịch qua trung gian tế bào) trong khả năng đề kháng phòng chống bệnh tật của cơ thể; những điểm cơ bản nhất về cơ chế rối loạn đáp ứng miễn dịch trong bệnh lý quá mẫn, thiểu năng miễn dịch và tự miễn.
27. Dược lý và độc chất: 5 đvht
Học phần giới thiệu về cơ chế tác dụng và tác dụng dược lý của các nhóm thuốc; áp dụng điều trị và độc tính của các thuốc đại diện cho từng nhóm; phân tích các thông số dược động học cơ bản để biết sử dụng thuốc an toàn hợp lý.
28. Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm: 11 đvht
Áp dụng kiến thức về khoa học dinh dưỡng và khoa học thực phẩm để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho các đối tượng ở cộng đồng; vận dụng được các kiến thức đánh giá và giám sát dinh dưỡng trong theo dõi và phát hiện những vấn đề dinh dưỡng ở cộng đồng. Áp dụng được các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc tổ chức quản lý vệ sinh thực phẩm, ăn uống cộng đồng và phòng chống ngộ độc thực phẩm.
29. Điều dưỡng cơ bản: 3 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên về các nội dung của hoạt động chăm sóc sức khỏe mà người điều dưỡng phải làm; mô tả các quy trình kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, các tai biến xảy ra trong và sau khi làm thủ thuật; trình bày cách xử trí với từng tai biến. Nguyên tắc cơ bản và xử trí thành thạo các tình huống sơ cứu thông thường.
30. Nội cơ sở: 5 đvht
Với học phần nội cơ sở sinh viên sẽ được học về kỹ thuật khám toàn thân và các tạng; các tổn thương cơ bản của bệnh, các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và X quang chính của bệnh; phân biệt được bệnh này với bệnh khác, các nguyên nhân chính của các hội chứng.
31. Ngoại cơ sở: 5 đvht
Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về cách khám, các triệu chứng và các hội chứng của các bệnh ngoại khoa thường gặp; một số kiến thức cơ bản về gây tê, gây mê, vô khuẩn và tiệt khuẩn trong ngoại khoa. Khai thác bệnh sử, tiền sử, khám và phát hiện được các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, các hội chứng của các bệnh ngoại khoa thường gặp.
32. Nội bệnh lý: 5 đvht
Là học phần tiếp theo của học phần nội cơ sở. Học phần nội bệnh lý sẽ giới thiệu về những cơ chế gây bệnh, tổn thương cơ bản của bệnh; triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và một số dấu hiệu X quang chính của bệnh; nêu được các tiêu chuẩn chẩn đoán một số bệnh thường gặp. Phân biệt được bệnh này với bệnh khác; nguyên tắc điều trị và các thuốc điều trị chính, áp dụng điều trị thực tế.
33. Ngoại bệnh lý: 5 đvht
Là học phần tiếp theo của học phần ngoại cơ sở. Trong học phần này sinh viên được giới thiệu về đặc điểm dịch tễ học, sinh bệnh học, tổn thương giải phẫu bệnh của các bệnh ngoại khoa thường gặp; mô tả các triệu chứng lâm sàng của các bệnh ngoại khoa thường gặp. Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt các bệnh ngoại khoa thường gặp; các nguyên tắc xử trí ban đầu, chỉ định và nguyên tắc điều trị các bệnh ngoại khoa thường gặp.
34. Phụ sản: 5 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về chẩn đoán, biết cách theo dõi các trường hợp thai nghén bình thường; chẩn đoán, định hướng và xử trí bước đầu một số trường hợp sản phụ khoa cấp cứu; chẩn đoán những trường hợp thai nghén bệnh lý, một số bệnh phụ khoa thường gặp. Kết hợp với học phần giáo dục sức khỏe và tổ chức quản lý y tế sinh viên có khả năng thực hiện được công tác tư vấn về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cộng đồng.
35. Nhi: 5 đvht
Học phần sẽ giới thiệu những vấn đề chính của chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, các ưu tiên nhi khoa và chương trình quốc gia về lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh. Trình bày những đặc điểm giải phẫu và sinh lý chủ yếu của các hệ thống và các bộ phận cơ thể trẻ em. Đánh giá được sự phát triển thể chất, tinh thần và vận động của trẻ từ sơ sinh đến tuổi trưởng thành. Các kiến thức cơ bản về bệnh lý trẻ em: dịch tễ học, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và các nguyên tắc xử trí bệnh. Chẩn đoán và xử trí các bệnh và các cấp cứu nội khoa thường gặp ở trẻ em. Thực hiện tư vấn giáo dục sức khỏe cho bà mẹ/người nuôi dưỡng trẻ về chăm sóc nuôi dưỡng và phòng bệnh cho trẻ em.
36. Truyền nhiễm: 5 đvht
Học phần giúp sinh viên nắm vững các triệu chứng lâm sàng thể điển hình của các bệnh truyền nhiễm thông thường và các thể lâm sàng, biến chứng của bệnh. Ra các quyết định làm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán bệnh, điều trị một số bệnh truyền nhiễm thường gặp, thể điển hình. Phát hiện, sơ cứu và chuyển kịp thời các trường hợp bệnh nặng lên tuyến trên điều trị. Giới thiệu các biện pháp phòng một số bệnh truyền nhiễm phổ biến gây dịch tại địa phương.
37. Y học cổ truyền: 4 đvht
Học phần này sẽ giảng cho sinh viên những điểm cơ bản về lý luận, thuốc đông dược và các phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Kết hợp được y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh thông thường. Thực hành thành thạo các thủ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm để điều trị một số bệnh thường gặp trên lâm sàng.
38. Lao: 3 đvht
Học phần giới thiệu tình hình bệnh lao hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới. Các triệu chứng lâm sàng nghi lao, nguyên tắc và phác đồ điều trị lao trong chương trình chống lao Quốc gia; nhận thức được tầm quan trọng của bệnh lao trong cộng đồng và tư vấn được các biện pháp phòng ngừa lao; chẩn đoán được một số thể lao điển hình thường gặp.
39. Răng hàm mặt: 3 đvht
Học phần này sẽ giới thiệu cho sinh viên đặc điểm hình thái và mối quan hệ với chức năng của răng và bộ răng (răng sữa và răng vĩnh viễn). Tình hình và phương hướng giải quyết các vấn đề răng miệng ở Việt Nam, nguyên nhân, phương pháp điều trị và dự phòng các bệnh răng miệng phổ biến: sâu răng và nha chu viêm. Liệt kê và nêu được đặc điểm chủ yếu của các nhiễm trùng. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh răng miệng cho cá nhân và cộng đồng.
40. Tai mũi họng: 3 đvht
Sinh viên sẽ được học về dịch tễ học và nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng của các bệnh tai mũi họng thông thường. Chẩn đoán và xử trí được một số bệnh thông thường, một số bệnh cấp cứu và chấn thương tai mũi họng thường gặp; chẩn đoán định hướng và chuyển kịp thời các bệnh thuộc chuyên khoa tai mũi họng đi đúng tuyến chuyên khoa. Tư vấn tuyên truyền phòng bệnh tai mũi họng.
41. Mắt: 3 đvht
Học phần giúp sinh viên hiểu được vai trò và mối liên quan bệnh mắt và bệnh toàn thân; sử dụng được một số phương tiện khám mắt thông thường; phát hiện và chẩn đoán được một số bệnh mắt thông thường; sơ cứu và điều trị được một số bệnh cấp cứu về mắt thường gặp. Hướng dẫn được cộng đồng thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng chống bệnh mắt.
42. Da liễu: 4 đvht
Học phần giới thiệu các thương tổn cơ bản của các bệnh da liễu thông thường; cách điều trị, tư vấn được cách phòng chống các bệnh dự án liễu thông thường ở tuyến cơ sở. Các nội dung cơ bản của chương trình phòng chống bệnh phong và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
43. Phục hồi chức năng: 4 đvht
Học phần mô tả quá trình tàn tật và nêu các định nghĩa khiếm khuyết, giảm khả năng và tàn tật; trình bày các biện pháp phòng ngừa khiếm khuyết, giảm khả năng và tàn tật; trình bày các nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản trong phục hồi chức năng: vận động điều trị, giao tiếp, sử dụng các dụng cụ phục hồi chức năng. Đánh giá được tình trạng một bệnh nhân tổn thương tủy sống. Thực hiện được một số bài tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống.
44. Thần kinh: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng khám và phát hiện một số triệu chứng thần kinh thường gặp: hệ thống thần kinh vận động, cảm giác, khám phản xạ … Trình bày được một số hội chứng cơ bản trong thần kinh: hội chứng liệt nửa người, hội chứng liệt hai chân, hội chứng đau đầu, tăng áp lực nội sọ, hội chứng thắt lưng hông.
45. Sức khỏe tâm thần: 3 đvht
Trình bày được nội dung của tâm thần học hiện đại và kể được các nguy cơ chủ yếu về sức khỏe tâm thần hiện nay. Phát hiện đúng các biểu hiện về triệu chứng, hội chứng học thường học trong thực hành tâm thần học; xử trí được các trạng thái cấp cứu trong tâm thần như: kích động, tự sát …. Chẩn đoán được một số bệnh nhân tâm thần thường gặp tâm phân liệt, loạn thần triệu chứng, trầm cảm, nghiện ma túy, lạm dụng rượu… Biết tổ chức chăm sóc theo dõi bệnh nhân ở cộng đồng; vận dụng được các phương pháp điều trị (liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý trong điều trị, dự phòng các rối loạn tâm thần).
46. Ung thư: 3 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên các kiến thức cơ bản, đại cương về ung thư. Chẩn đoán sơ bộ một số bệnh ung thư thường gặp ở Việt Nam: ung thư phế quản phổi, ung thư tuyến vú, ống tiêu hóa, vòm mũi họng, cổ tử cung, u lympho ác tính, khoang miệng, gan … Dự phòng và phát hiện sớm một số loại bệnh ung thư thường gặp.
47. Y học hạt nhân: 2 đvht
Học phần sẽ giảng về nguyên lý và ưu điểm của một số phương pháp chẩn đoán y học hạt nhân in vitro như IRMA, RIA và ứng dụng. Cơ chế, nguyên lý và ưu điểm chẩn đoán y học hạt nhân in vitro thường dùng. Sử dụng các kỹ thuật y học hạt nhân thích hợp trong công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành của mình. Cơ chế, nguyên lý và ưu nhược điểm một số phương pháp điều trị phổ biến bằng y học hạt nhân. Nguyên lý, cơ chế, các biện pháp kiểm soát và an toàn bức xạ.
48. Dị ứng: 3 đvht
Học phần này sẽ giới thiệu những khái niệm cơ bản và hiện đại về các bệnh dị ứng và tự miễn. Khám, chẩn đoán và xử trí một số bệnh dị ứng và tự miễn hay gặp. Xử trí nhanh và chính xác một số trường hợp cấp cứu dị ứng: sốc phản vệ, cơ hen phế quản nặng, mày đay cấp tính, phù Quincks … Hướng dẫn được cách phòng các bệnh dị ứng hay gặp ở cộng đồng.
49. Dịch tễ học: 11 đvht
Trình bày được các khái niệm và nguyên lý cơ bản của dịch tễ học; tính toán được các chỉ số sức khỏe chủ yếu của cộng đồng, mô tả được tình hình sức khỏe và bệnh tật của cộng đồng. Trình bày được cách xác định yếu tố nguy cơ phát triển của bệnh. Trình bày được cách đánh giá một chương trình can thiệp.
50. Sức khỏe môi trường: 12 đvht
Trình bày được các định nghĩa và khái niệm về các yếu tố ảnh hưởng lên sức khỏe; các yếu tố gây ô nhiễm: nguồn gốc, yếu tố nguy cơ môi trường tác động lên sức khỏe con người; trình bày các biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững cho các vùng sinh thái khác nhau. Khảo sát đánh giá một số yếu tố môi trường, tác động của môi trường lên sức khỏe.
51. Sức khỏe nghề nghiệp: 7 đvht
Xác định và đánh giá được các yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động. Trình bày được các ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ có trong lao động ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động; đề xuất các giải pháp cải thiện điều kiện lao động và phòng chống tai nạn lao động. Áp dụng được các phương pháp dịch tễ học trong nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp.
52. Tổ chức và quản lý y tế: 5 đvht
Trình bày được khái niệm và các thành phần của hệ thống y tế; các nguyên tắc, mô hình hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ mạng lưới y tế Việt Nam từ trung ương đến địa phương và mối quan hệ giữa ngành y tế với các ngành liên quan trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trình bày được các nguyên lý cơ bản về quản lý y tế, lập kế hoạch, tổ chức điều hành, theo dõi, giám sát và đánh giá các hoạt động/chương trình y học dự phòng, trên cơ sở đó lập được kế hoạch hành động theo vấn đề y học dự phòng cụ thể và thực hiện được một số nội dung quản lý y tế cơ bản. Trình bày được khái niệm, quy trình chính sách y tế; phân tích và đánh giá chính sách thuộc lĩnh vực y tế dự phòng; trình bày một số chính sách lớn về y học dự phòng của Việt Nam hiện hành.
53. Kinh tế y tế: 3 đvht
Trình bày các khái niệm cơ bản về kinh tế, kinh tế y tế; mối quan hệ giữa kinh tế và phát triển; các bước của quá trình phân tích chi phí. So sánh các mô hình tài chính y tế; phân tích ưu, nhược điểm của viện phí; phân tích khó khăn khi thực hiện bảo hiểm y tế; phân tích chi phí cho một dự án, chi phí hộ gia đình cho sức khỏe; phân tích, lựa chọn can thiệp y tế dựa trên các đánh giá kinh tế y tế.
54. Giáo dục sức khỏe: 3 đvht
Trình bày được khái niệm về truyền thông – giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe, phân tích được vai trò của truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao sức khỏe trong công tác chăm sóc sức khỏe. Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe và quá trình thay đổi hành vi sức khỏe. Trình bày được quá trình truyền thông và các yêu cầu làm cho truyền thông giáo dục sức khỏe có hiệu quả. Phân tích các kỹ năng cần rèn luyện trong truyền thông giáo dục sức khỏe. Trình bày được các phương pháp, phương tiện truyền thông – giáo dục sức khỏe; lập được kế hoạch truyền thông – giáo dục sức khỏe cho một chương trình cụ thể. Trình bày các nội dung quản lý đặc trưng trong truyền thông giáo dục sức khỏe.
4.1. Thực hành cận lâm sàng: Tại các phòng thí nghiệm của trường, bệnh viện, viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực y học dự phòng.
4.2. Thực hành lâm sàng: tại các phòng tiền lâm sàng của các trường, khoa y.
4.3. Thực hành bệnh viện: tại các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố.
4.4. Thực tế tại cộng đồng: một số nhà máy, xí nghiệp, cụm dân cư, cơ sở y tế tại các địa phương.
4.5. Cơ sở thực hành của nhà trường tại cộng đồng.
4.6. Các trung tâm y tế dự phòng trung ương và địa phương.
5.1. Thời gian ôn thi và khóa luận: Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5.2. Thời gian thi: Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo
5.3. Hình thức thi: Gồm hai phần khóa luận tốt nghiệp và thi thực hành, điểm thi của từng phần độc lập nhau.
Khóa luận tốt nghiệp: Thực hiện khóa luận tốt nghiệp theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.
Thi thực hành: Thực hiện các kỹ thuật y học dự phòng.
6. Hướng dẫn thực hiện chương trình khung
Chương trình khung giáo dục đại học là những quy định của nhà nước về cấu trúc, khối lượng và nội dung kiến thức cho từng ngành đào tạo và ứng với từng trình độ đào tạo. Đây là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình khung đào tạo Bác sỹ Y học dự phòng được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế thống nhất ban hành và thực hiện ở tất cả các trường/khoa y có đào tạo bác sỹ Y học dự phòng. Việc triển khai chi tiết thực hiện chương trình và giám sát chất lượng chuyên môn do Bộ Y tế chỉ đạo thực hiện. Phần nội dung chương trình bắt buộc, các trường tổ chức giảng dạy đủ khối kiến thức đã quy định. Phần nội dung chương trình tự chọn (đặc thù), tùy theo đặc điểm riêng của mỗi trường mà xây dựng phần đặc thù của trường mình.
Trên cơ sở các đơn vị học trình bắt buộc và đơn vị học trình tự chọn (đặc thù) đã được phê duyệt, từng trường tổ chức biên soạn chương trình chi tiết từng môn học, trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và tổ chức thực hiện.
6.2. Kế hoạch sắp xếp nội dung và quỹ thời gian
Các trường chủ động bố trí và điều chỉnh các học phần của các học kỳ nhưng phải đảm bảo tính lôgic và hệ thống của chương trình đào tạo theo trình tự để sinh viên học các môn khoa học cơ bản, y học cơ sở, tiền lâm sàng, lâm sàng, môn chuyên ngành y học dự phòng. Trong đó các môn chuyên ngành trọng tâm là: dịch tễ học, sức khỏe nghề nghiệp, sức khỏe môi trường, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, tổ chức và quản lý y tế.
Trên cơ sở chương trình khung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, các trường sắp xếp chương trình và triển khai thực hiện, có thể áp dụng phương pháp mới như lồng ghép, cấu trúc chương trình theo khối thời gian (block) … nhưng cần thận trọng trong nghiên cứu, chuẩn bị kỹ.
6.3. Thực tập, thực hành lâm sàng, thực tế tại cộng đồng
6.3.1. Thực tập:
Tổ chức thực hiện thực tập tại các phòng thí nghiệm theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế. Tùy theo yêu cầu của nghề nghiệp trên nguyên tắc đảm bảo mục tiêu và chất lượng đào tạo, nhà trường quy định điểm kết thúc mỗi học phần là tổng hợp của điểm lý thuyết và điểm thực tập.
6.3.2. Thực hành lâm sàng
Nên sắp xếp đưa sinh viên đi thực hành lâm sàng bệnh viện càng sớm càng tốt, thường được bắt đầu vào học kỳ IV hoặc V và bố trí từ 4 buổi/tuần hoặc 6 buổi/tuần, cả buổi sáng và buổi chiều.
6.3.3. Thực tế tại cộng đồng
Trong khóa học có thực hành cộng đồng, có thể sắp xếp như sau:
+ Đợt I: vào năm thứ ba sau khi sinh viên đã học xong các môn y học cơ sở, y học tiền lâm sàng, cơ sở chuyên ngành.
+ Đợt II: vào cuối năm thứ năm sau khi sinh viên đã học xong các môn chuyên ngành.
+ Đợt III: Thực hành nghiên cứu tại cộng đồng.
+ Đợt IV: Thực hành nghiên cứu, thu thập số liệu phục vụ cho hoàn thành khóa luận tốt nghiệp
- Tăng cường tính chủ động học tập của sinh viên.
- Tăng cường các phương tiện nghe nhìn, phương pháp dạy/học tích cực.
- Đảm bảo sách giáo khoa và tài liệu tham khảo cho sinh viên.
- Khi đã có tương đối đủ sách giáo khoa khuyến khích giảm số giờ lên lớp lý thuyết trong chương trình để sinh viên có thời gian tự học.
- Các buổi thực tập trong phòng thí nghiệm, thảo luận trên lớp và thực tế cộng đồng được hướng dẫn bởi các giảng viên của nhà trường có kết hợp với các giảng viên kiêm nhiệm tại cơ sở, tổ chức kiểm tra thi kết thúc mỗi đơn vị học trình.
6.5. Kiểm tra, thi (theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Kiểm tra sau mỗi đơn vị học trình (lượng giá quá trình đào tạo).
Thi sau mỗi học phần để tích lũy chứng chỉ (lượng giá kết thúc).
Đối với các môn khoa học cơ bản và y học cơ sở, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có một điểm thi (điểm chứng chỉ).
Đối với các môn học chuyên ngành (y học dự phòng), sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có một điểm thi (một chứng chỉ) hoặc hai điểm thi (chứng chỉ lý thuyết và thực hành)
Cách tính điểm: Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
- Trình độ đào tạo: Cao đẳng
- Ngành đào tạo: Kỹ thuật Y học dự phòng
- Mã ngành đào tạo:
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Đào tạo Kỹ thuật viên cao đẳng Y học dự phòng có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để làm được các kỹ thuật về y học dự phòng tại các trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở y tế; có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong tỷ mỹ; chính xác, trung thực; có sức khỏe và có khả năng học tập vươn lên.
- Tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
- Có tinh thần hợp tác và phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ;
- Tác phong tỷ mỹ, chính xác, trung thực, khách quan và có tinh thần học tập vươn lên.
- Kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở làm nền tảng cho kỹ thuật y học dự phòng;
- Kiến thức cần thiết về kỹ thuật y học dự phòng;
- Luật pháp về y học dự phòng và công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
- Thực hiện các quy trình kỹ thuật y học dự phòng, nhận định và phân tích kết quả xét nghiệm y học dự phòng;
- Tham gia giám sát dịch tễ học (Các bệnh nhiễm trùng, sức khỏe môi trường, sức khỏe học đường, sức khỏe nghề nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm…) và đề xuất các giải pháp xử lý;
- Thực hiện truyền thông – giáo dục sức khỏe về lĩnh vực y học dự phòng và các chương trình y tế quốc gia;
- Sử dụng, bảo quản trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Phát hiện các hỏng hóc và hiệu chỉnh được các sai lệch đơn giản của trang thiết bị;
- Thực hiện các quy định về an toàn lao động và sơ cứu các tai nạn ở phòng xét nghiệm;
- Tổ chức, quản lý phòng xét nghiệm y học dự phòng ở các tuyến y tế;
- Thực hiện lưu trữ sổ sách, thống kê, báo cáo về công tác y tế dự phòng theo quy định.
2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo
- Khối lượng kiến thức tối thiểu: 180 đơn vị học trình (đvht)
- Thời gian đào tạo: 3 năm
2.2. Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT | Khối lượng học tập | Đơn vị học trình | ||
TS | LT | TH | ||
1 | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu (chưa kể học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng) | 31 | 31 | 0 |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu (các môn cơ sở và chuyên ngành) - Kiến thức cơ sở của khối ngành - Kiến thức cơ sở của ngành - Kiến thức ngành - Kiến thức bổ trợ - Thi tốt nghiệp | 149
20 35 84 0 10 |
15 19 34
|
5 16 50
|
| Tổng cộng | 180 |
|
|
3.1. Danh mục các học phần bắt buộc
3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương 31 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Triết học Mác – Lê nin | 4 | 4 | 0 |
2 | Kinh tế chính trị Mác Lênin | 4 | 4 | 0 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 3 | 3 | 0 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 3 | 3 | 0 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 3 | 3 | 0 |
6 | Nhà nước và pháp luật | 2 | 2 | 0 |
7 | Tâm lý học và Y đức | 2 | 2 | 0 |
8 | Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành) | 10 | 10 | 0 |
9* | Giáo dục thể chất | 3 | 0 | 3 |
10* | Giáo dục quốc phòng và Y học quân sự | 9 |
|
|
(* Chưa tính các học phần 9 và 10)
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp 103 đvht
3.1.2.1. Kiến thức cơ sở khối ngành 12 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Tin học | 3 | 1 | 2 |
2 | Vật lý đại cương – Lý sinh | 2 | 2 | 0 |
3 | Hóa học | 3 | 3 | 0 |
4 | Sinh học đại cương và Di truyền | 4 | 3 | 1 |
3.1.2.2. Kiến thức cơ sở ngành 25 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Giải phẫu học | 2 | 1 | 1 |
2 | Mô phôi | 2 | 1 | 1 |
3 | Sinh lý học | 2 | 1 | 1 |
4 | Sinh lý bệnh - Miễn dịch | 2 | 1 | 1 |
5 | Giải phẫu bệnh | 2 | 2 | 1 |
6 | Dược học | 2 | 1 | 1 |
7 | Bệnh học cơ sở | 4 | 3 | 1 |
8 | Tổ chức quản lý y tế | 2 | 1 | 1 |
9 | Giáo dục sức khỏe | 2 | 1 | 1 |
10 | Dân số – Sức khỏe sinh sản | 2 | 1 | 1 |
11 | Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu | 3 | 2 | 1 |
3.1.2.3. Kiến thức ngành 66 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Kỹ thuật xét nghiệm cơ bản – An toàn sinh học I | 4 | 2 | 2 |
2 | Kỹ thuật xét nghiệm cơ bản – An toàn sinh học II | 2 | 0 | 2 |
3 | Hóa phân tích | 2 | 1 | 1 |
4 | Hóa sinh | 4 | 2 | 2 |
5 | Vi sinh vật I | 3 | 2 | 1 |
6 | Vi sinh vật II | 2 | 1 | 1 |
7 | Ký sinh trùng | 4 | 2 | 2 |
8 | Huyết học | 4 | 2 | 2 |
9 | Độc chất học | 3 | 1 | 2 |
10 | Vaccin – Huyết thanh | 2 | 1 | 1 |
11 | Dịch tễ học | 4 | 2 | 2 |
12 | Xác suất – Thống kê y học | 3 | 1 | 2 |
13 | Dinh dưỡng | 2 | 1 | 1 |
14 | An toàn vệ sinh thực phẩm | 4 | 2 | 2 |
15 | Sửa khỏa môi trường | 3 | 1 | 2 |
16 | Sức khỏe học đường | 2 | 1 | 1 |
17 | Sức khỏe nghề nghiệp | 3 | 1 | 2 |
18 | Chương trình y tế quốc gia | 2 | 2 | 0 |
19 | Kiểm tra chất lượng xét nghiệm | 2 | 1 | 1 |
20 | Thực tập y học dự phòng I | 3 | 0 | 3 |
21 | Thực tập y học dự phòng II | 3 | 0 | 3 |
22 | Thực tập tốt nghiệp và Thực tế cộng đồng | 5 | 0 | 5 |
3.2. Mô tả nội dung các phần học bắt buộc
1. Triết học Mác – Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
2. Kinh tế chính trị Mác- Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin; Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học trình độ cao đẳng.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 47/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trình độ cao đẳng.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học, cao đẳng.
6. Nhà nước và pháp luật: 2 đvht
Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam. Cấu trúc của bộ máy nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước XHCN Việt Nam.
7. Tâm lý học và y đức: 2 đvht
Học phần cung cấp các kiến thức về tâm lý y học. Nội dung bao gồm: Khái niệm về tâm lý; các quá trình, trạng thái tâm lý; tâm lý học nhân cách; Stress tâm lý; tâm lý bệnh nhân và tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân; bệnh y sinh; chẩn đoán và liệu pháp tâm lý; khái niệm đạo đức và đạo đức nghề nghiệp.
8. Ngoại ngữ (Tiếng Anh): 10 đvht
Chương trình gồm 3 học phần: Tiếng Anh 1, 2, 3. Nội dung học tập tương ứng với trình độ Elementary. Chương trình này giúp người học có khả năng nói, đọc, viết, nghe hiểu những giao tiếp thông thường và chuyên ngành y (một số bệnh thông thường, các công việc hàng ngày của các kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ).
9. Giáo dục Thể chất: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12 tháng 9 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành tạm thời Bộ chương trình Giáo dục Đại học Đại cương (giai đoạn 1) dùng cho các trường Đại học và các trường Cao đẳng Sư phạm và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12 tháng 4 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục thể chất giai đoạn II các trường đại học và cao đẳng (không chuyên thể dục thể thao).
10. Giáo dục Quốc phòng và Y học quân sự: 9 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 81/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình Giáo dục Quốc phòng – An ninh trình độ đại học và cao đẳng.
11. Tin học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tin học, có kỹ năng sử dụng máy vi tính và các phầm mềm thông dụng nhất.
12. Vật lý đại cương - Lý sinh: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về lý sinh y học, cơ chế vật lý của những quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể con người. Ứng dụng các phương pháp lý sinh trong lĩnh vực y học.
13. Hóa học: 3 đvht
Nội dung bao gồm những kiến thức cơ bản về hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ và ứng dụng vào nghiên cứu lĩnh vực y học.
14. Sinh học đại cương và Di truyền: 4 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức về sinh học và di truyền. Nội dung bao gồm: Cấu trúc, chức năng sinh học của tế bào; sự phân chia tế bào; sự phát sinh giao tử ở người; sinh học phát triển; các quy luật di truyền; nhiễm sắc thể (NST) và bệnh học NST ở người; di truyền giới tính và bệnh học; sinh học phân tử và sinh thái học.
15. Giải phẫu học: 2 đvht
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức về hình thể, cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể người bình thường: Giải phẫu hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ xương khớp; giải phẫu chi trên, chi dưới, giải phẫu đầu mặt cổ, ngũ quan; giải phẫu thân mình; giải phẫu hệ thần kinh.
16. Mô học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về mô học và kỹ năng nhận dạng cấu trúc, hình thái vi thể của các mô, cơ quan chủ yếu trong cơ thể người bình thường. Nội dung bao gồm: Cấu trúc, hình thái của biểu mô, mô liên kết, mô cơ, mô tim, mô thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ nội tiết.
17. Sinh lý học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về chức năng, hoạt động chức năng và điều hòa hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể người bình thường. Nội dung bao gồm: Sinh lý máu, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa; chuyển hóa – điều hòa nhiệt, tiết niệu, nội tiết, sinh dục và hệ thần kinh trung ương.
18. Sinh lý bệnh – miễn dịch: 2 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức về khái niệm bệnh nguyên, bệnh sinh, kiến thức cơ bản về rối loạn hoạt động chức năng chủ yếu của các cơ quan và hệ thống trong một số bệnh phổ biến. Nội dung bao gồm: khái niệm về bệnh; miễn dịch học cơ bản và bệnh lý; rối loạn chuyển hóa Glucid, Protid, Lipid, chuyển hóa nước – điện giải, thăng bằng kiềm toan; sinh lý bệnh quá trình viêm, thân nhiệt, sốt; sinh lý bệnh hệ thống tạo máu, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu; sinh lý bệnh chức năng gan.
19. Giải phẫu bệnh: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về giải phẫu bệnh và kỹ năng nhận dạng tổn thương đại thể và vi thể của bệnh.
20. Dược lý học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tác dụng và cách sử dụng các thuốc thông thường, tác dụng không mong muốn của thuốc và cách phòng ngừa.
21. Bệnh học cơ sở: 4 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, hướng xử trí và dự phòng và chăm sóc một số bệnh thường gặp liên quan đến nội khoa, nhi khoa, truyền nhiễm, ngoại khoa và sản khoa.
22. Tổ chức quản lý y tế: 2 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên những kiến thức về hệ thống y tế Việt Nam và các chương trình y tế quốc gia. Nội dung bao gồm: Quan điểm y tế của Đảng và Nhà nước; quản lý y tế và quản lý y tế cơ sở; hệ thống tổ chức ngành y tế; chiến lược ngành y tế Việt Nam; tổ chức và quản lý bệnh viện.
23. Giáo dục sức khỏe: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức về giáo dục sức khỏe và kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe.
24. Dân số - Sức khỏe sinh sản: 1 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức cơ bản về dân số, chiến lược phát triển dân số Việt Nam và sức khỏe sinh sản. Nội dung bao gồm: Đại cương về dân số; công tác kế hoạch hóa gia đình; lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình; đại cương sức khỏe – sức khỏe sinh sản; sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục; vấn đề tình dục và những yếu tố ảnh hưởng tình dục; giáo dục sức khỏe giới tính.
25. Điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức và kỹ năng cơ bản về điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu. Nội dung bao gồm: Giới thiệu ngành Điều dưỡng; bản chất, chức năng điều dưỡng; vô khuẩn và tiệt khuẩn; kỹ thuật chăm sóc cơ bản và kỹ thuật sơ cứu và cấp cứu thông thường.
26. Kỹ thuật xét nghiệm cơ bản – An toàn sinh học: 5 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng để sử dụng, bảo quản các trang thiết bị máy móc thông thường của phòng xét nghiệm (kính hiển vi, máy li tâm, nồi hấp ướt, tủ ấm, tủ sấy …) và thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm như kỹ thuật tiêm truyền súc vật, khử khuẩn phòng xét nghiệm, pha thuốc nhuộm và nuôi cấy vi khuẩn. An toàn sinh học trong các labo, phòng xét nghiệm. Đề phòng và sơ cứu các tai nạn thường gặp trong phòng xét nghiệm.
27. Hóa phân tích: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức, kỹ năng về các phương pháp phân tích định tính, định lượng trong xét nghiệm. Pha chế dung dịch chuẩn, thuốc thử thông thường trong phòng xét nghiệm đúng tiêu chuẩn.
28. Hóa sinh: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về thành phần cấu tạo, vai trò và sự chuyển hóa các chất trong cơ thể sống. Kỹ năng lấy mẫu, làm các xét nghiệm sinh hóa thông thường (Máu, nước tiểu, dịch não tủy) và đọc chính xác các kết quả xét nghiệm hóa sinh thông thường. Nội dung bao gồm: Đại cương hóa sinh, Enzym; hóa học và chuyển hóa Glucid, Lipid, Protid; chuyển hóa muối nước; Hóa sinh gan, thận và các dịch cơ thể. Định lượng các chất trong máu, nước tiểu (Glucose, Urê, Cholesterol, Pro-tein …).
29. Vi sinh vật I: 3 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức, kỹ năng về vi sinh y học: Đặc điểm sinh vật học, khả năng gây bệnh và nhận định được hình thể của một số loại vi khuẩn, virus gây bệnh. Pha chế các môi trường cơ bản nuôi cấy vi khuẩn và nuôi cấy vi khuẩn theo đúng quy trình. Pha chế thuốc nhuộm và thực hiện nhuộm vi khuẩn bằng các phương pháp thông thường.
30. Vi sinh vật II: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức, kỹ năng xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn, virus gây bệnh. Đọc chính xác các kết quả xét nghiệm vi sinh.
31. Ký sinh trùng: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về ký sinh trùng – côn trùng y học. Lấy mẫu bệnh phẩm, pha chế thuốc nhuộm và thực hiện các xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng, nấm. Làm tiêu bản các loại côn trùng và nhận định được hình thể của những ký sinh trùng phổ biến.
32. Huyết học: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về các tế bào máu, cơ chế cầm máu – đông máu, truyền máu, những rối loạn bất thường về máu. Thực hiện chính xác một số kỹ thuật xét nghiệm cơ bản về huyết học – đông máu – truyền máu.
33. Độc chất học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về cách lấy mẫu, xử lý, bảo quản mẫu vật để làm xét nghiệm độc chất. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm phát hiện một số ngộ độc thông thường. Nội dung bao gồm: Đại cương về độc chất học; phương pháp lấy mẫu, giao nhận, xử lý, bảo quản trước khi gửi tới cơ sở chẩn đoán; xác định ngộ độc các loại thuốc trừ sâu, bả chuột, kim loại nặng, một số loại Alcaloid độc.
34. Vaccin – Huyết thanh: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức, kỹ năng cơ bản về các loại vaccin, phương pháp và quy trình gây miễn dịch, tiêm chủng mở rộng và cách vận chuyển, bảo quản và kiểm định vaccin.
35. Dịch tễ học: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ, diễn biến, các biện pháp phòng chống dịch và đặc điểm dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp. Nội dung bao gồm: Dịch tễ học đại cương; quá trình dịch, cảm nhiễm, miễn dịch, vaccin; giám sát và phòng chống dịch; dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp; giám sát dịch tễ HIV/AIDS.
36. Xác suất – Thống kê y học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về xác suất, thống kê y học, một số tham số đặc trưng trong thống kê. Lập bảng tổng hợp báo cáo về các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Sử dụng phầm mềm thống kê y tế.
37. Dinh dưỡng: 2 đvht
Học phần bao gồm kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe, vai trò, nhu cầu các chất dinh dưỡng cho các lứa tuổi và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Giúp cho người kỹ thuật viên tham gia vào công tác điều tra, giám sát dinh dưỡng cộng đồng.
38. An toàn vệ sinh thực phẩm: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về An toàn vệ sinh thực phẩm: Các quy phạm pháp luật và hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Quá trình chuyển hóa thức ăn. Một số ngộ độc thực phẩm thường gặp. Các phương pháp điều tra ngộ độc thực phẩm. Làm được một số xét nghiệm thông thường về vệ sinh thực phẩm và thực hiện công tác giám sát vệ sinh các cơ sở sản xuất, phân phối lương thực, thực phẩm.
39. Sức khỏe – Môi trường: 3 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về mối quan hệ sức khỏe, môi trường và bệnh tật, các yếu tố nguy cơ của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống. Làm được một số xét nghiệm đánh giá ô nhiễm môi trường. Nội dung bao gồm: Khái niệm về môi trường và sức khỏe, ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước; đánh giá tác động môi trường, đánh giá nguy cơ và kiểm soát các chất thải nguy hiểm.
40. Sức khỏe học đường: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức, kỹ năng cơ bản về vệ sinh, trang thiết bị lớp học, trường học. Tham gia tư vấn cho cán bộ địa phương về vệ sinh xây dựng, trang thiết bị trường học. Phát hiện, đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh và giáo dục sức khỏe để phòng chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường.
41. Sức khỏe nghề nghiệp: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về sức khỏe nghề nghiệp (môi trường lao động, tâm lý lao động, bệnh nghề nghiệp, công tác vệ sinh an toàn lao động). Sử dụng các thiết bị đo và đánh giá một số yếu tố cơ bản trong môi trường lao động (vi khí hậu, bụi, ánh sáng, tiếng ồn, rung, áp lực, phóng xạ), các yếu tố hóa học độc hại (CO, CO2, H2S, NH3, SO2, NO2, Cl2 …).
42. Chương trình y tế quốc gia: 1 đvht
Nội dung học phần bao gồm kiến thức về các chương trình y tế quốc gia và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình đó tại cộng đồng.
43. Kiểm tra chất lượng xét nghiệm: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về công tác kiểm tra chất lượng xét nghiệm. Nội dung bao gồm: Các biện pháp cần thiết đảm bảo độ tin cậy của kết quả trước, trong và sau khi xét nghiệm, giải thích được nguyên nhân sai số và đề xuất cách xử lý.
44. Thực tập y học dự phòng (Thực tập I, II): 6 đvht
Học phần giúp cho sinh viên vận dụng những kiến thức chuyên ngành để sử dụng các trang thiết bị, pha chế các môi trường xét nghiệm và thực hiện các quy trình kỹ thuật y học dự phòng, giám sát dịch tễ học (các bệnh nhiễm trùng, sức khỏe môi trường, sức khỏe học đường, sức khỏe nghề nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm…). Thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe về lĩnh vực y học dự phòng và các chương trình y tế quốc gia. Rèn luyện đạo đức người kỹ thuật viên cẩn thận, tỷ mỷ, chính xác và trung thực. Thực hiện kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, người bệnh và cộng đồng.
4.1. Các phòng thực tập và phòng Tiền lâm sàng của bộ môn Y tế cộng cộng; bộ môn Xét nghiệm và các bộ môn khác tại trường và tại Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Dinh dưỡng.
4.2. Thực hành lâm sàng tại các khoa Xét nghiệm độc chất học, Hóa sinh, Vi sinh, Ký sinh trùng, Huyết học và khoa Dinh dưỡng thuộc các viện, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng.
4.3. Thực tập tốt nghiệp: Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, các trung tâm y tế dự phòng, khoa xét nghiệm của bệnh viện.
5.1. Thời gian ôn và thi: Từ 8 đến 10 tuần tương đương 10 đvht.
5.2. Nội dung và hình thức thi: Do Hiệu trưởng quyết định.
Thi tốt nghiệp gồm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Mỗi phần được tính điểm độc lập.
5.2.1. Thi lý thuyết:
- Nội dung: Bao gồm kiến thức một số môn y học cơ sở có liên quan và các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Thi viết câu hỏi truyền thống có cải tiến hoặc thi câu hỏi trắc nghiệm, hoặc phối hợp cả hai hình thức.
5.2.2. Thi thực hành:
- Nội dung: Bao gồm các kỹ năng thực hành các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Mỗi sinh viên phải thao tác thực hành tối thiểu 2 kỹ thuật (có kết quả sản phẩm) trong các môn chuyên ngành theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
6. Hướng dẫn thực hiện chương trình khung
Chương trình khung giáo dục đại học là những quy định của Nhà nước về cấu trúc, khối lượng và nội dung kiến thức cho từng ngành đào tạo và ứng với từng trình độ đào tạo. Đây là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc.
6.1. Chương trình
- Chương trình khung đào tạo trình độ cao đẳng ngành Kỹ thuật y học dự phòng được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng đưa ra tại mục 4 chỉ là các quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 2 và 3, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức 180 đơn vị học trình (ĐVHT); trong đó 139 ĐVHT bắt buộc, 31 ĐVHT tự chọn (đặc thù) và 10 ĐVHT thi tốt nghiệp.
- Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập và thực hành tại cơ sở. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác định phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục trình độ cao đẳng là 3 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.
6.2. Tổ chức dạy học
Việc tổ chức dạy – học được thực hiện theo từng học phần hoặc lồng ghép phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và được Hiệu trưởng phê duyệt.
Trưởng các bộ môn phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung, kế hoạch giảng dạy môn học đã được phê duyệt.
Giảng viên phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch bài giảng đã được Trưởng bộ môn phê duyệt.
Phải đảm bảo đủ giáo trình, tài liệu, trang thiết bị, phương tiện cho dạy – học, đặc biệt quan tâm tới việc dạy – học thực hành, thực tập.
6.3. Phương pháp dạy – học
Áp dụng phương pháp dạy học tích cực, kích thích và hướng dẫn sinh viên chủ động tham gia, gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn. Khuyến khích sinh viên tự học và nghiên cứu khoa học.
6.4. Đánh giá (theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mỗi học phần phải có kiểm tra thường kỳ và thi kết thúc học phần. Việc ra đề thi do giảng viên dạy học phần đó hoặc những giảng viên có cùng chuyên môn chuẩn bị, hoặc lấy từ ngân hàng đề thi. Đề thi, đáp án và thang điểm phải được Trưởng bộ môn phê duyệt. Hiệu trưởng duyệt các hình thức thi thích hợp cho từng học phần theo đề nghị của Trưởng bộ môn.
Đối với các môn học khoa học cơ bản và y học cơ sở, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có một điểm thi.
Đối với các môn học chuyên ngành, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có hai điểm thi (lý thuyết và thực hành)./.
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
- Trình độ đào tạo: Cao đẳng
- Ngành đào tạo: Kỹ thuật Dinh dưỡng Tiết chế
- Mã ngành đào tạo:
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Đào tạo Kỹ thuật viên cao đẳng về dinh dưỡng và tiết chế có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện được các nội dung chăm sóc dinh dưỡng; các chế độ dinh dưỡng tiết chế tại các cơ sở điều trị, bệnh viện, cộng đồng và các cơ sở dịch vụ có liên quan tới dinh dưỡng và thực phẩm; có phẩm chất đạo đức tốt; có khả năng học tập vươn lên.
1.2.1. Về thái độ
- Tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
- Có tinh thần hợp tác và phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ;
- Có tinh thần học tập vươn lên.
1.2.2. Về kiến thức
- Kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở làm nền tảng cho dinh dưỡng và tiết chế;
- Kiến thức cần thiết về dinh dưỡng và tiết chế;
- Luật pháp, chính sách về dinh dưỡng, tiết chế và công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
1.2.3. Về kỹ năng:
- Thực hiện các hoạt động chăm sóc và can thiệp dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng;
- Tiến hành các kỹ thuật đánh giá dinh dưỡng theo đúng quy trình;
- Xây dựng các thực đơn bình thường và bệnh lý theo chỉ định;
- Thực hành tư vấn dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng;
- Thực hiện đảm bảo chất lượng thực phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Tham gia quản lý kế hoạch, hồ sơ, thống kê, báo cáo và thực phẩm, dinh dưỡng và tiết chế.
2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo
- Khối lượng kiến thức tối thiểu: 180 đơn vị học trình (ĐVHT)
- Thời gian đào tạo: 3 năm
2.2 Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT | Khối lượng học tập | Đơn vị học trình | ||
TS | LT | TH | ||
1 | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu (chưa kể học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng) | 31 | 31 | 0 |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu (các môn cơ sở và chuyên ngành) - Kiến thức cơ sở của khối ngành - Kiến thức cơ sở của ngành - Kiến thức ngành - Kiến thức bổ trợ - Thi tốt nghiệp |
19 46 74 0 10 |
13 29 30
|
6 17 44
|
| Tổng cộng | 180 |
|
|
3.1. Danh mục các học phần bắt buộc
3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương 31 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Triết học Mác – Lênin | 4 | 4 | 0 |
2 | Kinh tế chính trị Mác Lênin | 4 | 4 | 0 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 3 | 3 | 0 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 3 | 3 | 0 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 3 | 3 | 0 |
6 | Nhà nước và pháp luật | 2 | 2 | 0 |
7 | Tâm lý học và Y đức | 2 | 2 | 0 |
8 | Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành) | 10 | 10 | 0 |
9* | Giáo dục thể chất | 3 | 0 | 3 |
10* | Giáo dục quốc phòng và Y học quân sự | 9 |
|
|
(* Chưa tính các học phần 9 và 10)
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 103 đvht
3.1.2.1. Kiến thức cơ sở khối ngành 13 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Tin học | 3 | 1 | 2 |
2 | Xác suất thống kê | 2 | 2 | 0 |
3 | Vật lý đại cương – Lý sinh | 2 | 2 | 0 |
4 | Hóa học | 3 | 3 | 0 |
5 | Sinh học đại cương và Di truyền | 3 | 2 | 1 |
3.1.2.2. Kiến thức cơ sở ngành 34 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Giải phẫu học | 3 | 2 | 1 |
2 | Mô phôi | 2 | 1 | 1 |
3 | Sinh lý học | 3 | 2 | 1 |
4 | Sinh lý bệnh – Miễn dịch | 2 | 2 | 0 |
5 | Giải phẫu bệnh | 2 | 1 | 1 |
6 | Dược học | 2 | 1 | 1 |
7 | Hóa sinh | 3 | 2 | 1 |
8 | Vi sinh vật | 3 | 2 | 1 |
9 | Ký sinh trùng | 2 | 1 | 1 |
10 | Sức khỏe môi trường | 2 | 1 | 1 |
11 | Dịch tễ học | 2 | 2 | 0 |
12 | Tổ chức quản lý y tế - Chương trình y tế QG | 2 | 2 | 0 |
13 | Giáo dục sức khỏe | 2 | 1 | 1 |
14 | Dân số - Sức khỏe sinh sản | 1 | 1 | 0 |
15 | Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu | 3 | 2 | 1 |
3.1.2.3. Kiến thức ngành 56 đvht
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Bệnh học I (Nội, nhi, truyền nhiễm) | 5 | 3 | 2 |
2 | Bệnh học II (Ngoại, sản) | 4 | 2 | 2 |
3 | Dinh dưỡng cơ sở | 2 | 2 | 0 |
4 | Thực phẩm học | 2 | 1 | 1 |
5 | Đánh giá, can thiệp dinh dưỡng | 2 | 1 | 1 |
6 | An toàn vệ sinh thực phẩm | 3 | 2 | 1 |
7 | Dinh dưỡng cộng đồng | 4 | 2 | 2 |
8 | Giáo dục truyền thông dinh dưỡng | 2 | 1 | 1 |
9 | Dinh dưỡng điều trị I | 5 | 2 | 3 |
10 | Dinh dưỡng điều trị II | 2 | 1 | 1 |
11 | Tiết chế dinh dưỡng I | 4 | 2 | 2 |
12 | Tiết chế dinh dưỡng II | 2 | 0 | 2 |
13 | Tư vấn dinh dưỡng – tiết chế | 3 | 1 | 2 |
14 | Tổ chức khoa dinh dưỡng | 2 | 1 | 1 |
15 | Kỹ thuật chế biến thức ăn | 3 | 2 | 1 |
16 | Thực hành dinh dưỡng – tiết chế I | 3 | 0 | 3 |
17 | Thực hành dinh dưỡng – tiết chế II | 3 | 0 | 3 |
18 | Thực tập tốt nghiệp và Thực tế cộng đồng | 5 | 0 | 5 |
3.2. Mô tả nội dung các phần học bắt buộc
1. Triết học Mác – Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin; Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
2. Kinh tế chính trị Mác- Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin; Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học trình độ cao đẳng.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 47/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trình độ cao đẳng.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học, cao đẳng.
6. Nhà nước và pháp luật: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam. Cấu trúc của bộ máy Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước XHCN Việt Nam.
7. Tâm lý học và y đức: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức về tâm lý y học. Nội dung bao gồm: Khái niệm về tâm lý; các quá trình, trạng thái tâm lý; tâm lý học nhân cách; Stress tâm lý; tâm lý bệnh nhân và tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân; bệnh y sinh; chẩn đoán và liệu pháp tâm lý; khái niệm đạo đức và đạo đức nghề nghiệp.
8. Ngoại ngữ (Tiếng Anh): 10 đvht
Chương trình gồm 3 học phần: Tiếng Anh 1, 2, 3. Nội dung học tập tương ứng với trình độ Elementary. Chương trình này giúp người học có khả năng nói, đọc, viết, nghe hiểu những giao tiếp thông thường và chuyên ngành y (một số bệnh thông thường, các công việc hàng ngày của các kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ).
9. Giáo dục Thể chất: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12 tháng 9 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành tạm thời Bộ chương trình Giáo dục Đại học Đại cương (giai đoạn 1) dùng cho các trường Đại học và các trường Cao đẳng Sư phạm và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12 tháng 4 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục thể chất giai đoạn II các trường đại học và cao đẳng (không chuyên thể dục thể thao).
10. Giáo dục Quốc phòng và Y học quân sự: 9 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 81/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục Quốc phòng – An ninh trình độ đại học và cao đẳng.
11. Tin học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tin học, có kỹ năng sử dụng máy vi tính và các phầm mềm thông dụng nhất.
12. Xác suất thống kê: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên kiến thức cơ bản về xác suất và thống kê (các TEST thống kê) nhằm phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo và nghiên cứu khoa học.
13. Vật lý đại cương - Lý sinh: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về lý sinh y học, cơ chế vật lý của những quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể con người. Ứng dụng các phương pháp lý sinh trong lĩnh vực y học.
14. Hóa học: 3 đvht
Nội dung bao gồm những kiến thức cơ bản về hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ và ứng dụng vào nghiên cứu lĩnh vực y học.
15. Sinh học đại cương và Di truyền: 3 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức về sinh học và di truyền. Nội dung bao gồm: Cấu trúc, chức năng sinh học của tế bào; sự phân chia tế bào; sự phát sinh giao tử ở người; sinh học phát triển; các quy luật di truyền; nhiễm sắc thể và bệnh học NST ở người; di truyền giới tính và bệnh học; sinh học phân tử và sinh thái học.
16. Giải phẫu học: 3 đvht
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức về hình thể, cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể người bình thường: Giải phẫu hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ xương khớp; giải phẫu chi trên, chi dưới, giải phẫu đầu mặt cổ, ngũ quan; giải phẫu thân mình; giải phẫu hệ thần kinh.
17. Mô học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về mô học và kỹ năng nhận dạng cấu trúc, hình thái vi thể của các mô, cơ quan chủ yếu trong cơ thể người bình thường. Nội dung bao gồm: Cấu trúc, hình thái của biểu mô, mô liên kết, mô cơ, mô tim, mô thần kinh, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ nội tiết.
18. Sinh lý học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về chức năng, hoạt động chức năng và điều hòa hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể người bình thường. Nội dung bao gồm: Sinh lý máu, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa; chuyển hóa – điều hòa nhiệt, tiết niệu, nội tiết, sinh dục và hệ thần kinh trung ương.
19. Sinh lý bệnh – miễn dịch: 2 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức về khái niệm bệnh nguyên, bệnh sinh; kiến thức cơ bản về rối loạn hoạt động chức năng chủ yếu của các cơ quan và hệ thống trong một số bệnh phổ biến. Nội dung bao gồm: khái niệm về bệnh, miễn dịch học cơ bản và bệnh lý; rối loạn chuyển hóa Glucid, Protid, Lipid, chuyển hóa nước – điện giải, thăng bằng kiềm toan; sinh lý bệnh quá trình viêm, thân nhiệt, sốt; sinh lý bệnh hệ thống tạo máu, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu; sinh lý bệnh chức năng gan.
20. Giải phẫu bệnh: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về giải phẫu bệnh và kỹ năng nhận dạng tổn thương đại thể và vi thể của bệnh.
21. Dược lý học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tác dụng và cách sử dụng các thuốc thông thường, tác dụng không mong muốn của thuốc và cách phòng ngừa.
22. Hóa sinh: 3 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức về thành phần cấu tạo hóa học, sự chuyển hóa các chất trong cơ thể sống và kỹ năng nhận định một số kết quả xét nghiệm hóa sinh thông thường: đại cương hóa sinh; hóa học Glucid, Lipid, Protid, Hemoglobin, acid Nucleic; vitamin, enzym, hormon; chuyển hóa các chất, chuyển hóa năng lượng, điều hòa chuyển hóa; hóa sinh gan, thận và các dịch cơ thể.
23. Vi sinh: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về vi sinh y học và kỹ năng nhận định hình thể của một số loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Nội dung bao gồm: đại cương về vi sinh y học; sinh lý của vi khuẩn; miễn dịch; Vaccin – huyết thanh; một số vi khuẩn, vi rút gây bệnh thường gặp.
24. Ký sinh trùng: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về ký sinh trùng y học và kỹ năng nhận định hình thể của một số loại ký sinh trùng phổ biến. Nội dung bao gồm: đại cương về ký sinh trùng y học; các loại giun sán, đơn bào, nấm, tiết túc thường gặp.
25. Sức khỏe – Môi trường: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về mối quan hệ sức khỏe, môi trường và bệnh tật, các yếu tố nguy cơ của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống. Nội dung bao gồm: Khái niệm về môi trường và sức khỏe; vệ sinh môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước; đánh giá tác động môi trường.
26. Dịch tễ học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ, diễn biến, các biện pháp phòng chống dịch và đặc điểm dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp. Nội dung bao gồm: Dịch tễ học đại cương; quá trình dịch, cảm nhiễm, miễn dịch, vaccin; giám sát và phòng chống dịch; dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp.
27. Tổ chức quản lý y tế - chương trình y tế quốc gia: 2 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên những kiến thức về hệ thống y tế Việt Nam và các chương trình y tế quốc gia. Nội dung bao gồm: quan điểm y tế của Đảng và Nhà nước; quản lý y tế và quản lý y tế cơ sở, hệ thống tổ chức ngành y tế; chiến lược ngành y tế Việt Nam; tổ chức và quản lý bệnh viện; các chương trình y tế quốc gia.
28. Giáo dục sức khỏe: 2 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức về giáo dục sức khỏe và kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe.
29. Dân số - Sức khỏe sinh sản: 1 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức cơ bản về dân số, chiến lược phát triển dân số Việt Nam và sức khỏe sinh sản. Nội dung bao gồm: Đại cương về dân số; công tác kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu dân số - KHHGĐ; đại cương sức khỏe – sức khỏe sinh sản; sức khỏe sinh sản - sức khỏe tình dục; vấn đề tình dục và những yếu tố ảnh hưởng tình dục; giáo dục sức khỏe giới tính.
30. Điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu: 3 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức và kỹ năng cơ bản về điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu. Nội dung bao gồm: Giới thiệu ngành điều dưỡng; bản chất, chức năng điều dưỡng; vô khuẩn và tiệt khuẩn; kỹ thuật chăm sóc cơ bản và kỹ thuật sơ cứu và cấp cứu thông thường; tiếp đón bệnh nhân nhập viện, xuất viện, chuyển viện; quản lý và ghi chép hồ sơ bệnh nhân.
31. Bệnh học I: 5 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, hướng xử trí, cách phòng và kỹ năng chăm sóc một số bệnh thường gặp và cấp cứu liên quan đến nội khoa, nhi khoa và truyền nhiễm.
32. Bệnh học II: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, hướng xử trí, cách phòng và kỹ năng chăm sóc một số bệnh thường gặp và cấp cứu liên quan đến ngoại khoa, sản khoa.
33. Dinh dưỡng cơ sở: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng học: Vai trò và nhu cầu của Protein, Lipid và Glucidc; vai trò và nhu cầu của các vitamin, acid folic; vai trò và nhu cầu của các chất khoáng đối với cơ thể con người.
34. Thực phẩm học: 2 đvht
Học phần bao gồm những nội dung: giá trị dinh dưỡng và đặc điểm vệ sinh của thực phẩm; các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm; các biện pháp quản lý chất lượng thực phẩm.
35. Đánh giá, can thiệp dinh dưỡng: 2 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng về đánh giá, can thiệp dinh dưỡng: mục tiêu, nội dung của đánh giá và giám sát dinh dưỡng; chỉ tiêu giám sát dinh dưỡng, giám sát dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp; nguyên tắc cơ bản trong can thiệp dinh dưỡng; tiến hành xây dựng chương trình can thiệp dinh dưỡng.
36. An toàn vệ sinh thực phẩm: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về an toàn vệ sinh thực phẩm: phân loại thực phẩm an toàn và không an toàn; biết cách sử dụng các phụ gia, chất bảo quản và màu thực phẩm trong chế biến thức ăn; một số loại ngộ độc thức ăn thường gặp và cách xử trí ngộ độc thực phẩm của cá nhân, tập thể và đề phòng các bệnh do thực phẩm. Hệ thống quản lý chất lượng và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện kỹ thuật kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm.
37. Dinh dưỡng cộng đồng: 4 đvht
Học phần bao gồm những kiến thức, kỹ năng về dinh dưỡng cộng đồng: đặc điểm và chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và cho con bú, cho trẻ nhỏ, vị thành niên, người trưởng thành và cho người già; mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và nguyên nhân các bệnh thiếu và thừa dinh dưỡng thường gặp ở Việt Nam. Các phương pháp đánh giá tình trạng thiếu và thừa dinh dưỡng; các biện pháp giải quyết vấn đề dinh dưỡng ở cộng đồng. Căn cứ khoa học và xu hướng của các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng. Những nguyên tắc cơ bản trong can thiệp dinh dưỡng. Xây dựng chương trình, các bước tiến hành chương trình can thiệp dinh dưỡng. Lập kế hoạch, quản lý và báo cáo về dinh dưỡng.
37. Giáo dục và truyền thông dinh dưỡng: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về giáo dục truyền thông dinh dưỡng: vai trò, đối tượng và nội dung của giáo dục truyền thông dinh dưỡng; nguyên tắc, cơ sở của quá trình thay đổi hành vi dinh dưỡng. Các hình thức và kỹ năng cần thiết trong giáo dục truyền thông dinh dưỡng. Kỹ năng tổ chức thực hiện truyền thông giáo dục dinh dưỡng.
38. Dinh dưỡng điều trị I: 5 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về dinh dưỡng điều trị: cơ sở và những yếu tố quyết định sự thành công của dinh dưỡng điều trị các nguyên tắc dinh dưỡng, cơ sở xây dựng chế độ dinh dưỡng điều trị trong các bệnh nội khoa, nhi khoa, truyền nhiễm.
39. Dinh dưỡng điều trị II: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về dinh dưỡng điều trị: quy trình chăm sóc dinh dưỡng trong bệnh viện, tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc y tế khác. Các nguyên tắc, cơ sở xây dựng chế độ dinh dưỡng điều trị các bệnh ngoại khoa. Chỉ định các chế độ ăn cơ bản trong một số bệnh thường gặp ở bệnh viện và cộng đồng. Tiêu chuẩn chẩn đoán và nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho một số bệnh có can thiệp tiết chế dinh dưỡng.
40. Tiết chế dinh dưỡng I: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về tiết chế dinh dưỡng: vai trò và mối liên quan của tiết chế dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị các bệnh mãn tính có liên quan tới thói quen sống; các yếu tố tăng cường và hạn chế của tiết chế dinh dưỡng trong dự phòng và điều trị; nguyên tắc dinh dưỡng trong thực hành tiết chế dinh dưỡng một số bệnh; các kỹ năng sàng lọc, đánh giá, xây dựng kế hoạch tiết chế dinh dưỡng, quản lý bệnh nhân nội, ngoại trú và sau khi ra viện.
41. Tiết chế dinh dưỡng II: 2 đvht
Học phần bao gồm những kiến thức, kỹ năng: khai thác và sử dụng thông tin trong thực hành tiết chế dinh dưỡng. Nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân, của cộng đồng và các đối tượng. Kỹ năng đánh giá dinh dưỡng, xây dựng kế hoạch điều trị và theo dõi người bệnh. Xây dựng thực đơn các chế độ dinh dưỡng thông thường và bệnh lý. Công cụ, kỹ năng và phương pháp đánh giá xây dựng khẩu phần ăn trong bệnh viện, tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng. Kỹ thuật chế biến các món ăn bệnh lý và tổ chức bữa ăn hợp lý.
42. Tư vấn tiết chế dinh dưỡng: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về: các nguyên tắc và kỹ năng giáo dục truyền thông trong thực hành tư vấn tiết chế dinh dưỡng cho các đối tượng. Kỹ năng giao tiếp, đối thoại và truyền tải kiến thức trong tư vấn tiết chế dinh dưỡng. Các nguyên tắc và kỹ năng tiến hành tư vấn tiết chế dinh dưỡng cho các đối tượng tại bệnh viện, cộng đồng và các cơ sở chăm sóc y tế.
43. Tổ chức khoa dinh dưỡng: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về vai trò và chức năng của các dịch vụ chế biến. Chu trình thực phẩm, bảo quản và phân phối thực phẩm. Tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm, các loại ngộ độc thức ăn và biện pháp dự phòng các bệnh do thực phẩm trong khoa dinh dưỡng. Tổ chức hoạt động khoa dinh dưỡng. Nguyên tắc và quy trình xây dựng bếp ăn, hệ thống dụng cụ chế biến, kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm trong khoa dinh dưỡng.
44. Kỹ thuật chế biến thức ăn: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng phân loại, lựa chọn thực phẩm, các phương pháp chế biến, nấu ăn cơ bản. Phương pháp đánh giá thay đổi hóa lý của thực phẩm trước và sau chế biến. Kỹ thuật nấu các món ăn thông thường, sắp xếp các món ăn phục vụ cá nhân và tập thể. Phương pháp an toàn vệ sinh thực phẩm. Mối liên quan giữa dịch vụ ăn uống và tiết chế dinh dưỡng trong bệnh viện.
45. Thực tập dinh dưỡng tiết chế (Thực tập I, II): 6 đvht
Học phần giúp cho sinh viên vận dụng những kiến thức chuyên ngành để xây dựng kế hoạch, nội dung chăm sóc dinh dưỡng; thực hiện các chế độ dinh dưỡng tiết chế tại các cơ sở điều trị, cộng đồng và các cơ sở dịch vụ có liên quan đến dinh dưỡng, thực phẩm. Thực hiện các kỹ thuật đánh giá dinh dưỡng. Kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm tại khoa dinh dưỡng bệnh viện. Xác định nhu cầu và xây dựng thực đơn phù hợp cho các đối tượng tại bệnh viện, các cơ sở chăm sóc y tế và cộng đồng. Chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng tại bệnh viện và cộng đồng. Rèn luyện đạo đức người kỹ thuật viên cẩn thận, tỷ mỹ, chính xác và trung thực. Thực hiện kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, người bệnh.
4.1. Các phòng thực tập và phòng Tiền lâm sàng của bộ môn Dinh dưỡng – Tiết chế và các bộ môn khác tại trường và tại Viện Dinh dưỡng.
4.2. Thực hành lâm sàng tại các khoa Xét nghiệm Vi sinh, Ký sinh trùng, Hóa sinh; khoa Dinh dưỡng thuộc các viện, bệnh viện.
4.3. Thực tập tốt nghiệp và thực tế cộng đồng: Viện Dinh dưỡng; Các trung tâm y tế dự phòng. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cộng đồng. Các cơ sở, nhà máy chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống.
5.1. Thời gian ôn và thi:
Từ 6 đến 8 tuần tương đương 10 đvht.
5.2. Nội dung và hình thức thi: Do Hiệu trưởng quyết định.
Thi tốt nghiệp gồm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Mỗi phần được tính điểm độc lập.
5.2.1. Thi lý thuyết:
- Nội dung: Bao gồm kiến thức một số môn y học cơ sở có liên quan và các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Thi viết câu hỏi truyền thống có cải tiến hoặc thi câu hỏi trắc nghiệm, hoặc phối hợp cả hai hình thức.
5.2.2. Thi thực hành:
- Nội dung: Bao gồm các kỹ năng thực hành các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Mỗi sinh viên phải thao tác thực hành tối thiểu 2 kỹ thuật (có kết quả sản phẩm) trong các môn chuyên ngành theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
6. Hướng dẫn thực hiện chương trình khung
Chương trình khung giáo dục đại học là những quy định của nhà nước về cấu trúc, khối lượng và nội dung kiến thức cho từng ngành đào tạo và ứng với từng trình độ đào tạo. Đây là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc.
- Chương trình khung trình độ cao đẳng ngành Kỹ thuật dinh dưỡng và tiết chế được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng đưa ra tại mục 4 chỉ là các quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 2 và 3, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức 180 đơn vị học trình (ĐVHT); trong đó 139 ĐVHT bắt buộc, 31 ĐVHT tự chọn (đặc thù) và 10 ĐVHT thi tốt nghiệp.
- Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập và thực hành tại cơ sở. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác định phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục trình độ cao đẳng là 3 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.
Việc tổ chức dạy – học được thực hiện theo từng học phần hoặc lồng ghép phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và được Hiệu trưởng phê duyệt.
Trưởng các bộ môn phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung, kế hoạch giảng dạy môn học đã được phê duyệt.
Giảng viên phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch bài giảng đã được Trưởng bộ môn phê duyệt.
Phải đảm bảo đủ giáo trình, tài liệu, trang thiết bị, phương tiện cho dạy – học, đặc biệt quan tâm tới việc dạy – học thực hành, thực tập.
Áp dụng phương pháp dạy học tích cực, kích thích và hướng dẫn sinh viên chủ động tham gia, gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn. Khuyến khích sinh viên tự học và nghiên cứu khoa học.
6.4. Đánh giá (theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mỗi học phần phải có kiểm tra thường kỳ và thi kết thúc học phần. Việc ra đề thi do giảng viên dạy học phần đó hoặc những giảng viên có cùng chuyên môn chuẩn bị, hoặc lấy từ ngân hàng đề thi. Đề thi, đáp án và thang điểm phải được Trưởng bộ môn phê duyệt. Hiệu trưởng duyệt các hình thức thi thích hợp cho từng học phần theo đề nghị của Trưởng bộ môn.
Đối với các môn học khoa học cơ bản và y học cơ sở, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có một điểm thi.
Đối với các môn học chuyên ngành, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có hai điểm thi (lý thuyết và thực hành)./.
CHƯƠNG TRÌNH KHUNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
- Trình độ đào tạo: Cao đẳng
- Ngành đào tạo: Kỹ thuật Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)
- Mã ngành đào tạo:
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Đào tạo Kỹ thuật viên trình độ cao đẳng Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để làm được các kỹ thuật kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở y tế, các trung tâm kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tham gia kiểm tra chất lượng ATVSTP; có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong tỷ mỷ, chính xác, trung thực; có sức khỏe; và khả năng học tập vươn lên.
1.2.1. Về thái độ
- Tận tụy với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
- Tác phong tỷ mỷ, chính xác, trung thực, khách quan và có tinh thần học tập vươn lên.
1.2.2. Về kiến thức
- Kiến thức khoa học cơ bản và y học cơ sở làm nền tảng cho công tác kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Kiến thức cần thiết về kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Luật pháp về an toàn vệ sinh thực phẩm và công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
1.2.3. Về kỹ năng:
- Thực hiện được các quy trình kiểm nghiệm và đánh giá kết quả kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Thực hiện giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát ngộ độc thực phẩm, và đề xuất các biện pháp xử lý;
- Tham gia truyền thông, tư vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Thực hiện các quy định về an toàn lao động ở phòng xét nghiệm;
- Tổ chức, quản lý phòng xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Quản lý, thống kê và lưu trữ dữ liệu, báo cáo theo quy định;
- Sử dụng, bảo quản trang thiết bị, vật tư, hóa chất. Phát hiện các hỏng hóc và hiệu chỉnh các sai lệch đơn giản của trang thiết bị.
2.1. Khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian đào tạo
- Khối lượng kiến thức tối thiểu: 180 đơn vị học trình (ĐVHT)
- Thời gian đào tạo: 3 năm
2.2 Cấu trúc kiến thức của chương trình đào tạo
TT | Khối lượng học tập | Đơn vị học trình | ||
TS | LT | TH | ||
1 | Kiến thức giáo dục đại cương tối thiểu (chưa kể học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng) | 31 | 31 | 0 |
2 | Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp tối thiểu (các môn cơ sở và chuyên ngành) - Kiến thức cơ sở của khối ngành - Kiến thức cơ sở của ngành - Kiến thức ngành - Kiến thức bổ trợ - Thực tập và thi tốt nghiệp | 149
19 46 74 0 10 |
13 29 30
|
6 17 44
|
| Tổng cộng | 180 |
|
|
3.1. Danh mục các học phần bắt buộc
3.1.1. Kiến thức giáo dục đại cương 31 đvht (31 đvht LT + 0 đvht TH)
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số ĐVHT | Phân bố ĐVHT | |
LT | TH | |||
1 | Triết học Mác – Lênin | 4 | 4 | 0 |
2 | Kinh tế chính trị Mác Lênin | 4 | 4 | 0 |
3 | Chủ nghĩa xã hội khoa học | 3 | 3 | 0 |
4 | Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam | 3 | 3 | 0 |
5 | Tư tưởng Hồ Chí Minh | 3 | 3 | 0 |
6 | Nhà nước và pháp luật | 2 | 2 | 0 |
7 | Tâm lý học và Y đức | 2 | 2 | 0 |
8 | Ngoại ngữ (có ngoại ngữ chuyên ngành) | 10 | 10 | 0 |
9* | Giáo dục thể chất | 3 | 0 | 3 |
10* | Giáo dục quốc phòng và Y học quân sự | 9 |
|
|
(* Chưa tính các học phần 9 và 10)
3.1.2. Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 103 đvht (55 đvht LT + 48 đvht TH)
3.1.2.1. Kiến thức cơ sở khối ngành 13 đvht (10 đvht LT + 3đvht TH)
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Tin học | 3 | 1 | 2 |
2 | Xác suất thống kê | 2 | 2 | 0 |
3 | Vật lý đại cương – Lý sinh | 2 | 2 | 0 |
4 | Hóa học | 3 | 3 | 0 |
5 | Sinh học đại cương và Di truyền | 3 | 2 | 1 |
3.1.2.2. Kiến thức cơ sở ngành 34 đvht (23 đvht LT + 11 đvht TH)
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Giải phẫu học | 2 | 2 | 1 |
2 | Sinh lý học | 2 | 1 | 1 |
3 | Sinh lý bệnh – Miễn dịch | 2 | 1 | 1 |
4 | Dược học | 3 | 2 | 1 |
5 | Hóa sinh | 3 | 2 | 1 |
6 | Vi sinh vật | 3 | 2 | 1 |
7 | Ký sinh trùng | 2 | 1 | 1 |
8 | Độc chất học | 2 | 1 | 1 |
9 | Cơ sở dinh dưỡng học – ATVSTP | 2 | 2 | 0 |
10 | Bệnh học cơ sở | 3 | 2 | 1 |
11 | Bệnh học dinh dưỡng và thực phẩm | 2 | 2 | 0 |
12 | Sức khỏe môi trường | 2 | 1 | 1 |
13 | Dịch tễ học | 2 | 2 | 0 |
14 | Tổ chức y tế - Chương trình y tế quốc gia | 2 | 2 | 0 |
15 | Điều dưỡng cơ bản – Cấp cứu ban đầu | 2 | 1 | 1 |
3.1.2.3. Kiến thức ngành 56 đvht (22 đvht LT + 34 đvht TH)
TT | Tên môn học/học phần | Tổng số đvht | Phân bố đvht | |
LT | TH | |||
1 | Thực phẩm học | 2 | 2 | 0 |
2 | Kỹ thuật xét nghiệm cơ bản | 5 | 2 | 3 |
3 | Kỹ thuật hóa phân tích thực phẩm I | 4 | 3 | 1 |
4 | Kỹ thuật hóa phân tích thực phẩm II | 3 | 2 | 1 |
5 | Kỹ thuật kiểm nghiệm thực phẩm | 4 | 2 | 2 |
6 | Kỹ thuật phân tích nấm mốc thực phẩm | 3 | 1 | 2 |
7 | Kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm I | 4 | 2 | 2 |
8 | Kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm II | 2 | 0 | 2 |
9 | Kỹ thuật phân tích ký sinh trùng thực phẩm | 3 | 1 | 2 |
10 | Kỹ thuật phân tích độc chất học thực phẩm | 3 | 1 | 2 |
11 | Truyền thông giáo dục an toàn vệ sinh thực phẩm | 3 | 1 | 2 |
12 | Điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm | 4 | 2 | 2 |
13 | Kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm | 3 | 2 | 1 |
14 | Đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm | 2 | 1 | 1 |
15 | Thực tập kiểm nghiệm ATVSTP I | 3 | 0 | 3 |
16 | Thực tập kiểm nghiệm ATVSTP II | 3 | 0 | 3 |
17 | Thực tập tốt nghiệp và Thực tế cộng đồng | 5 | 0 | 5 |
3.2. Mô tả nội dung các phần học bắt buộc
1. Triết học Mác – Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
2. Kinh tế chính trị Mác- Lênin: 4 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 19/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học: Triết học Mác – Lênin; Kinh tế Chính trị Mác – Lê nin (khối ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh); Kinh tế Chính trị Mác – Lênin (khối ngành không chuyên Kinh tế - Quản trị Kinh doanh) trình độ Cao đẳng.
3. Chủ nghĩa xã hội khoa học: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 45/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học trình độ cao đẳng.
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 3 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 47/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trình độ cao đẳng.
5. Tư tưởng Hồ Chí Minh: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 35/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31 tháng 7 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh trình độ đại học, cao đẳng.
6. Nhà nước và pháp luật: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam. Cấu trúc của bộ máy Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước XHCN Việt Nam.
7. Tâm lý học và y đức: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức về tâm lý y học. Nội dung bao gồm: Khái niệm về tâm lý; các quá trình, trạng thái tâm lý; tâm lý học nhân cách; Stress tâm lý; tâm lý bệnh nhân và tâm lý tiếp xúc với bệnh nhân; bệnh y sinh; chẩn đoán và liệu pháp tâm lý; khái niệm đạo đức và đạo đức nghề nghiệp.
8. Ngoại ngữ (Tiếng Anh): 10 đvht
Chương trình gồm 3 học phần: Tiếng Anh 1, 2, 3. Nội dung học tập tương ứng với trình độ Elementary. Chương trình này giúp người học có khả năng nói, đọc, viết, nghe hiểu những giao tiếp thông thường và chuyên ngành y (Một số bệnh thông thường, các công việc hàng ngày của các kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ).
9. Giáo dục Thể chất: 3 đvht
Nội dung ban hành kèm theo Quyết định số 3244/GD-ĐT ngày 12 tháng 9 năm 1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành tạm thời Bộ chương trình Giáo dục Đại học Đại cương (giai đoạn 1) dùng cho các trường Đại học và các trường Cao đẳng Sư phạm và Quyết định số 1262/GD-ĐT ngày 12 tháng 4 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Giáo dục thể chất giai đoạn II các trường đại học và cao đẳng (không chuyên thể dục thể thao).
10. Giáo dục Quốc phòng và Y học quân sự: 9 đvht
Nội dung ban hành tại Quyết định số 81/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình Giáo dục Quốc phòng – An ninh trình độ đại học và cao đẳng.
11. Tin học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tin học, có kỹ năng sử dụng máy vi tính và các phầm mềm thông dụng nhất.
12. Xác suất thống kê: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về xác suất và thống kê (các TEST thống kê) nhằm phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo và nghiên cứu khoa học.
13. Vật lý đại cương - Lý sinh: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức cơ bản về lý sinh y học, cơ chế vật lý của những quá trình sinh học xảy ra trong cơ thể con người. Ứng dụng các phương pháp lý sinh trong lĩnh vực y học.
14. Hóa học: 3 đvht
Nội dung bao gồm những kiến thức cơ bản về hóa học vô cơ và hóa học hữu cơ và ứng dụng vào nghiên cứu lĩnh vực y học.
15. Sinh học đại cương và Di truyền: 3 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức về sinh học và di truyền. Nội dung bao gồm: Cấu trúc, chức năng sinh học của tế bào; sự phân chia tế bào; sự phát sinh giao tử ở người; sinh học phát triển; các quy luật di truyền; nhiễm sắc thể (NST) và bệnh học NST ở người; di truyền giới tính và bệnh học; sinh học phân tử và sinh thái học.
16. Giải phẫu học: 2 đvht
Nội dung học phần bao gồm những kiến thức về hình thể, cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể người bình thường: Giải phẫu hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu, hệ sinh dục, hệ xương khớp; giải phẫu chi trên, chi dưới, giải phẫu đầu mặt cổ, ngũ quan; giải phẫu thân mình; giải phẫu hệ thần kinh.
17. Sinh lý học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về chức năng, hoạt động chức năng và điều hòa chức năng của các cơ quan trong cơ thể người bình thường. Nội dung bao gồm: Sinh lý máu, tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa; chuyển hóa – điều hòa nhiệt, tiết niệu, nội tiết, sinh dục và hệ thần kinh trung ương.
18. Sinh lý bệnh – miễn dịch: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về khái niệm bệnh nguyên, bệnh sinh, kiến thức cơ bản về rối loạn hoạt động chức năng chủ yếu của các cơ quan và hệ thống trong một số bệnh phổ biến. Nội dung bao gồm: khái niệm về bệnh; miễn dịch học cơ bản và bệnh lý; rối loạn chuyển hóa Glucid, Protid, Lipid, chuyển hóa nước – điện giải, thăng bằng kiềm toan; sinh lý bệnh quá trình viêm, thân nhiệt, sốt; sinh lý bệnh hệ thống tạo máu, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu; sinh lý bệnh chức năng gan.
19. Dược lý học: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về tác dụng và cách sử dụng các thuốc thông thường, tác dụng không mong muốn của thuốc và cách phòng ngừa.
20. Hóa sinh: 3 đvht
Nội dung bao gồm kiến thức về thành phần cấu tạo hóa học, sự chuyển hóa các chất trong cơ thể sống và kỹ năng nhận định một số kết quả xét nghiệm hóa sinh thông thường: đại cương hóa sinh; hóa học Glucid, Lipid, Protid, Hemoglobin, acid Nucleic; vitamin, enzym, hormon; chuyển hóa các chất, chuyển hóa năng lượng, điều hòa chuyển hóa; hóa sinh gan, thận và các dịch cơ thể.
21. Vi sinh: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về vi sinh y học và kỹ năng nhận định hình thể của một số loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp. Nội dung bao gồm: đại cương về vi sinh y học; một số vi khuẩn và virus gây bệnh thường gặp.
22. Ký sinh trùng: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về ký sinh trùng y học và kỹ năng nhận định hình thể của một số loại ký sinh trùng phổ biến. Nội dung bao gồm: đại cương về ký sinh trùng y học; các loại giun sán, đơn bào, nấm, tiết túc thường gặp.
23. Độc chất học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về cách lấy mẫu, xử lý, bảo quản mẫu để làm xét nghiệm độc chất. Thực hiện kỹ thuật xét nghiệm, phát hiện một số ngộ độc thông thường. Nội dung bao gồm: đại cương về độc chất học; phương pháp lấy mẫu, giao nhận, xử lý; bảo quản trước khi gửi tới cơ sở chẩn đoán. Xác định ngộ độc các loại thuốc trừ sâu, bả chuột, kim loại nặng, một số loại Alcaloid độc.
24. Cơ sở dinh dưỡng – An toàn vệ sinh thực phẩm: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về các chất dinh dưỡng: vai trò và nhu cầu của Protein, Lipid và Glucid; vai trò và nhu cầu của các vitamin, acid folic; vai trò và nhu cầu của các chất khoáng đối với cơ thể con người. Vai trò của An toàn vệ sinh thực phẩm.
25. Bệnh học cơ sở: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, hướng xử trí và dự phòng một số bệnh liên quan đến nội khoa, nhi khoa, truyền nhiễm, ngoại khoa và sản khoa thường gặp.
26. Bệnh học dinh dưỡng và thực phẩm: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức về: mối liên quan giữa thực phẩm và các bệnh dinh dưỡng. Những đặc điểm và chế độ dinh dưỡng cho các đối tượng. Các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Các biện pháp giải quyết vấn đề dinh dưỡng, An toàn vệ sinh thực phẩm ở cộng đồng.
27. Sức khỏe – Môi trường: 2 đvht
Học phần giúp sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về mối quan hệ sức khỏe, môi trường và bệnh tật, các yếu tố nguy cơ của môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống. Nội dung bao gồm: những khái niệm về môi trường và sức khỏe; vệ sinh môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước; đánh giá tác động môi trường.
28. Dịch tễ học: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ, diễn biến, các biện pháp phòng chống dịch và đặc điểm dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp. Nội dung bao gồm: Dịch tễ học đại cương; quá trình dịch, cảm nhiễm, miễn dịch, vaccin; giám sát và phòng chống dịch; dịch tễ học một số bệnh truyền nhiễm thường gặp.
29. Tổ chức quản lý y tế - chương trình y tế quốc gia: 2 đvht
Học phần giới thiệu cho sinh viên những kiến thức về hệ thống y tế Việt Nam và các chương trình y tế quốc gia. Nội dung bao gồm: Quan điểm y tế của Đảng và Nhà nước; quản lý y tế và quản lý cơ sở; hệ thống tổ chức ngành y tế; chiến lược ngành y tế Việt Nam; tổ chức và quản lý bệnh viện; các chương trình y tế quốc gia; dân số - sức khỏe sinh sản.
30. Điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức và kỹ năng cơ bản về điều dưỡng cơ bản và cấp cứu ban đầu. Nội dung bao gồm: Giới thiệu ngành điều dưỡng; bản chất, chức năng điều dưỡng; vô khuẩn và tiệt khuẩn; kỹ thuật chăm sóc cơ bản và kỹ thuật sơ cứu và cấp cứu thông thường.
31. Thực phẩm học: 2 đvht
Học phần bao gồm những nội dung: giá trị dinh dưỡng và đặc điểm vệ sinh của thực phẩm; các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm; các biện pháp quản lý chất lượng thực phẩm.
32. Kỹ thuật xét nghiệm cơ bản: 5 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về xét nghiệm cơ bản: phân loại, nguyên tắc sử dụng, bảo quản các trang thiết bị máy móc thông thường của phòng xét nghiệm (kính hiển vi, máy li tâm, nồi hấp ướt, tủ ấm, tủ sấy …). Khái niệm chung về kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm: tiêu chuẩn thực phẩm và các quy định pháp chế hiện hành. Quy trình lấy mẫu, xử lý mẫu, các phương pháp cơ bản trong xét nghiệm ATVSTP. Trình bày kết quả và báo cáo. Đề phòng và sơ cứu các tai nạn thường gặp trong phòng thí nghiệm.
33. Kỹ thuật hóa phân tích thực phẩm I: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về cân bằng hóa học và các phương pháp phân tích hóa học.
34. Kỹ thuật hóa phân tích thực phẩm II: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về các phương pháp phân tích hóa lý thực phẩm: các đại lượng đặc trưng cho bức xạ ánh sáng, mối quan hệ giữa mức năng lượng nguyên tử và phân tử với sự hấp thụ và phát xạ ánh sáng. Nguyên tắc của các phương pháp định tính, định lượng bằng kỹ thuật quang phổ tử ngoại, khả biến (UV – Vis). Kỹ thuật xác định nồng độ dung dịch bằng phổ UV – Vis và các yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả. Nguyên lý, các yếu tố ảnh hưởng và ứng dụng kỹ thuật chiết lỏng và chiết pha rắn. Nguyên tắc, ứng dụng của kỹ thuật phổ hồng ngoại, phổ huỳnh quang và phổ hấp thụ nguyên tử. Nguyên tắc và ứng dụng các phương pháp định tính, định lượng bằng kỹ thuật sắc ký khí, sắc ký lỏng. Nguyên lý, ứng dụng của phép đo pH, đo cực phổ và chuẩn độ đo thế, đo ampe.
35. Kỹ thuật kiểm nghiệm thực phẩm: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về kiểm nghiệm thực phẩm. Nội dung bao gồm: các yêu cầu của công tác kiểm nghiệm; đảm bảo chất lượng kiểm nghiệm; các phương pháp kiểm nghiệm
36. Kỹ thuật phân tích nấm mốc thực phẩm: 3 đvht
Học phần bao gồm những kiến thức, kỹ năng về: khái niệm, phân loại nấm mốc liên quan tới ATVSTP; các nguyên tắc và kỹ thuật kiểm nghiệm phân tích nấm mốc thực phẩm cơ bản (kỹ thuật xác định tổng số bào tử nấm men, nấm mốc; nhóm nấm mốc A.flavius, A.niger, Afumigatus; nhóm nấm mốc A.parasitius, A.versicolor …).
37. Kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm I: 4 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm: khái niệm và phân loại vi sinh thực phẩm liên quan tới ATVSTP; kỹ thuật phân tích vi khuẩn chỉ điểm vệ sinh thực phẩm (kỹ thuật xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliform, Ecoli, Chất lượng, Cl.perfringrus).
38. Kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm II: 2 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật phân tích vi sinh thực phẩm: kỹ thuật phân tích vi khuẩn gây bệnh (kỹ thuật định danh Salmonella, Listeria monocytogenes, campylobacter jejuni; S.aureus …).
39. Kỹ thuật phân tích ký sinh trùng thực phẩm: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật phân tích ký sinh trùng thực phẩm: phân loại ký sinh trùng thực phẩm; kỹ thuật phân tích ký sinh trùng (kỹ thuật kiểm trứng giun, ấu trùng, giun sán, đơn bào trong thực phẩm).
40. Kỹ thuật phân tích độc chất học thực phẩm: 3 đvht
Học phần cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng về phân tích độc chất thực phẩm: khái niệm, phân loại độc chất liên quan tới ATVSTP. Các nguyên tắc và kỹ thuật xét nghiệm phân tích độc chất thực phẩm cơ bản (kỹ thuật xét nghiệm các kim loại nặng, các chất phụ gia, phẩm màu và chất bảo quản trong thực phẩm; kỹ thuật xét nghiệm các chất chống oxy hóa, chất chống nấm men, nấm mốc; vi nấm (aflatoxin), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm chlor hữu cơ, lân hữu cơ, dư lượng một số kháng sinh trong thực phẩm…).
41. Truyền thông giáo dục an toàn vệ sinh thực phẩm: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng về truyền thông giáo dục ATVSTP: đặc điểm truyền thông giáo dục đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nội dung và kỹ năng tư vấn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hoạt động chỉ đạo tuyến đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và các nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.
42. Điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm: 4 đvht
Học phần bao gồm những kiến thức về khái niệm, đặc điểm dịch tễ học và một số loại ngộ độc thực phẩm thường gặp; những quy định pháp luật về ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; kỹ năng về các phương pháp điều tra ngộ độc thực phẩm cơ bản.
43. Kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm: 3 đvht
Học phần giúp cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm: khái niệm, những thuật ngữ về tiêu chuẩn thực phẩm và kiểm nghiệm thực phẩm; một số khái niệm về phụ gia thực phẩm, ghi nhãn và bao gói thực phẩm; các phương pháp lấy mẫu, lưu mẫu thực phẩm và bảo quản thực phẩm; một số biện pháp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Các nội dung kiểm tra, quản lý và công bố chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; hệ thống quản lý chất lượng và các quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
44. Đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm: 2 đvht
Học phần gồm các kiến thức, kỹ năng đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm: khái niệm ô nhiễm thực phẩm; các nguy cơ và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; các nguyên tắc quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
45. Thực tập kiểm nghiệm ATVSTP (Thực tập I, II): 6 đvht
Học phần giúp cho sinh viên vận dụng những kiến thức chuyên ngành để thực hiện các kỹ thuật kiểm nghiệm ATVSTP; tham gia kiểm tra chất lượng vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm công cộng; thực hiện giáo dục truyền thông ATVSTP tại cộng đồng. Thực hiện công tác hành chính, quản lý hồ sơ, lưu trữ sổ sách, thống kê, báo cáo và quản lý, bảo quản trang thiết bị, vật tư trong đơn vị. Rèn luyện đạo đức người kỹ thuật viên cẩn thận, tỷ mỷ, chính xác và trung thực; thực hiện kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp, người bệnh và cộng đồng.
4.1. Các phòng thực tập và phòng Tiền lâm sàng của bộ môn Kiểm nghiệm ATVSTP, bô môn Xét nghiệm và các bộ môn khác tại trường, tại Viện Dinh dưỡng và các trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP.
4.2. Thực hành lâm sàng tại các khoa Xét nghiệm độc chất học, Hóa sinh, Vi sinh, Ký sinh trùng, khoa Dinh dưỡng thuộc các viện, bệnh viện; các trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP.
4.3. Thực tập tốt nghiệp và thực tế cộng đồng: Viện Dinh dưỡng; các trung tâm kiểm nghiệm ATVSTP. Các trung tâm y tế dự phòng; các cơ sở, nhà máy sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
5.1. Thời gian ôn và thi: 10 ĐVHT (tương đương từ 8 đến 10 tuần).
5.2. Nội dung và hình thức thi: Do Hiệu trưởng quyết định.
Thi tốt nghiệp gồm 2 phần: Lý thuyết và thực hành. Mỗi phần được tính điểm độc lập.
5.2.1. Thi lý thuyết:
- Nội dung: Bao gồm kiến thức một số môn y học cơ sở có liên quan và các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Thi viết câu hỏi truyền thống có cải tiến hoặc thi câu hỏi trắc nghiệm, hoặc phối hợp cả hai hình thức.
5.2.2. Thi thực hành:
- Nội dung: Bao gồm các kỹ năng thực hành các môn chuyên ngành;
- Hình thức thi: Mỗi sinh viên phải thao tác thực hành tối thiểu 2 kỹ thuật (có kết quả sản phẩm) trong các môn chuyên ngành theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên.
6. Hướng dẫn thực hiện chương trình khung
Chương trình khung giáo dục đại học là những quy định của nhà nước về cấu trúc, khối lượng và nội dung kiến thức cho từng ngành đào tạo và ứng với từng trình độ đào tạo. Đây là cơ sở giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chất lượng đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc.
- Chương trình khung trình độ cao đẳng ngành Kỹ thuật Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc phát triển các chương trình cấu trúc kiểu đơn ngành (Single Major). Danh mục các học phần (môn học) và khối lượng đưa ra tại mục 4 chỉ là các quy định bắt buộc tối thiểu. Căn cứ vào mục tiêu, thời gian đào tạo, khối lượng và cơ cấu kiến thức quy định tại các mục 2 và 3, các trường bổ sung những học phần cần thiết để xây dựng chương trình đào tạo cụ thể của trường mình với tổng khối lượng kiến thức 180 đơn vị học trình (ĐVHT); trong đó 139 ĐVHT bắt buộc, 31 ĐVHT tự chọn (đặc thù) và 10 ĐVHT thi tốt nghiệp.
- Chương trình được biên soạn theo hướng tinh giản số giờ lý thuyết, dành nhiều thời gian cho sinh viên tự nghiên cứu, đọc tài liệu, thảo luận, làm các bài tập và thực hành tại cơ sở. Khối lượng kiến thức của chương trình đã được xác định phù hợp với khuôn khổ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cho một chương trình giáo dục trình độ cao đẳng là 3 năm. Chương trình cũng được biên soạn theo hướng đổi mới các phương pháp dạy và học đại học.
Việc tổ chức dạy – học được thực hiện theo từng học phần hoặc lồng ghép phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và được Hiệu trưởng phê duyệt.
Trưởng các bộ môn phải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung, kế hoạch giảng dạy môn học đã được phê duyệt.
Giảng viên phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch bài giảng đã được Trưởng bộ môn phê duyệt.
Phải đảm bảo đủ giáo trình, tài liệu, trang thiết bị, phương tiện cho dạy – học, đặc biệt quan tâm tới việc dạy – học thực hành, thực tập.
Áp dụng phương pháp dạy học tích cực, kích thích và hướng dẫn sinh viên chủ động tham gia, gắn lý thuyết với thực hành, thực tiễn. Khuyến khích sinh viên tự học và nghiên cứu khoa học.
6.4. Đánh giá (theo Quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Mỗi học phần phải có kiểm tra thường kỳ và thi kết thúc học phần. Việc ra đề thi do giảng viên dạy học phần đó hoặc những giảng viên có cùng chuyên môn chuẩn bị, hoặc lấy từ ngân hàng đề thi. Đề thi, đáp án và thang điểm phải được Trưởng bộ môn phê duyệt. Hiệu trưởng hoặc người được Hiệu trưởng ủy quyền duyệt các hình thức thi thích hợp cho từng học phần theo đề nghị của Trưởng bộ môn.
Đối với các môn học khoa học cơ bản và y học cơ sở, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có một điểm thi.
Đối với các môn học chuyên ngành, sau mỗi môn học/học phần sinh viên phải có hai điểm thi (lý thuyết và thực hành)./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 30/2020/TT-BGDĐT về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình khung giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 2Quyết định 567/QĐ-BGDĐT năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2020
- 3Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Thông tư 30/2020/TT-BGDĐT về bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình khung giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 2Quyết định 567/QĐ-BGDĐT năm 2021 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2020
- 3Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
Quyết định 20/2008/QĐ-BGDĐT về Chương trình khung giáo dục đại học Khối ngành Khoa học Sức khỏe trình độ đại học và cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 20/2008/QĐ-BGDĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/04/2008
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Bành Tiến Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 261 đến số 262
- Ngày hiệu lực: 24/05/2008
- Ngày hết hiệu lực: 01/11/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra