Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/2005/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2005 |
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 05/1998/QĐ-TTg ngày 24/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Quốc gia Nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch & Vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 53/1998/QĐ-UB ngày 07/10/1998 của UBND Thành phố về việc xác định lại chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cho Trung tâm Nước sinh hoạt & Vệ sinh môi trường nông thôn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại tờ trình số 145/TTr-SNN-TL, ngày 23.11. 2004 về việc quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn Hà Nộin (ý kiến của Sở Tư pháp tại công văn số 2910/CV-STP ngày 16.12.2004).
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về việc quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn Thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Công nghiệp, Giao thông công chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư Tài chính; Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, xã, thị trấn; Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT Nông thôn và các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ trạm cấp nước sạch nông thôn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
VỀ VIỆC QUẢN LÝ, KHAI THÁC HỆ THỐNG CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20 /2005/QĐ-UB, ngày 14 tháng 2 năm 2005 của UBND Thành phố Hà Nội)
Điều 1: Văn bản này quy định trách nhiệm việc quản lý và tổ chức quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn để cung cấp nước sạch cho nhân dân địa phương và duy trì hệ thống ổn định, lâu dài.
Điều 2: Uỷ ban nhân dân (UBND) xã. thị trấn gọi chung là UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản công thuộc hệ thống cấp nước sạch nông thôn đã được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, nhân dân địa phương tham gia đóng góp để khai thác cấp nưóc sạch cho nhân dân.
Điều 3: Tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn, sau khi hoàn thành, có trách nhiệm bàn giao cho UBND cấp xã toàn bộ công trình, hồ sơ thiết kế, thi công, dự toán và quyết toán công trình để địa phương quản lý sử dụng.
Điều 4: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn Hà Nội. Sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện việc quản lý khai thác theo quy định này.
HỆ THỐNG CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN
Điều 5: Hệ thống cấp nước sạch nông thôn bao gồm:
1. Hệ thống cấp nước sạch nông thôn lấy nguồn khai thác nước ngầm tại chỗ và đường ống dẫn nước sạch.
2. Hệ thống cấp nước sạch nông thôn lấy nguồn từ đường ống dẫn nước sạch của các Công ty Kinh doanh nước sạch thành phố.
3. Hệ thống cấp nước sạch nông thôn lấy nguồn khai thác nước mặt tại chỗ và đường ống dẫn nước sạch.
Điều 6: Mục đích sử dụng của hệ thống cấp nước sạch nông thôn:
1/. Cung cấp nước sạch cho nhân dân để ăn, uống, sinh hoạt gia đình, nơi công cộng của địa phương.
2/. Phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập thể và gia đình.
3/. Phục vụ sản xuất nhỏ, nghề truyền thống hộ gia đình.
4/. Phục vụ nơi vui chơi, văn hoá của địa phương.
5/. Phục vụ các nhu cầu khác tuỳ theo công suất đầu mối bơm nước.
Điều 7: Tài sản hệ thống cấp nước sạch nông thôn, gồm:
1/. Tài sản công:
- Giếng khoan khai thác nước ngầm hoặc công trình khai thác nước mặt.
- Các thiết bị điện, các loại máy bơm, thiết bị lọc nước, khử trùng.
- Hệ thống lọc nước, nhà trạm bơm, bể chứa nước.
- Các công trình phụ trợ khác của khu đầu mối.
- Đường ống chính, đường ống nhánh và đồng hồ đo nước đầu ống nhánh vào ngõ.
- Quyền sử dụng đất của khu đầu mối, đường ống chính, ống nhánh đi qua.
2/. Tài sản tập thể và gia đình:
- Đường ống dẫn nước sạch từ đường ống nhánh vào ngõ và hộ gia đình.
- Đồng hồ đo nước của hộ gia đình.
- Bể chứa nước sạch của hộ gia đình.
Điều 8: Trách nhiệm quản lý tài sản:
- UBND xã có trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo vệ, sửa chữa, thay thế tài sản công.
- Cộng đồng dân trong ngõ và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý, bảo vệ sửa chữa, thay thế tài sản tập thể và gia đình theo sự hướng dẫn của UBND cấp xã.
Điều 9: Mỗi hệ thống cấp nước sạch nông thôn, UBND cấp xã quyết định thành lập một Ban (Tổ) quản lý nước sạch để giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc UBND cấp xã uỷ quyền quản lý tài sản, khai thác công trình cung cấp nước sạch cho nhân dân.
Điều 10: Ban (Tổ) quản lý khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn được thu, chi và tự trang trải về tài chính theo phương thức báo sổ trong hoạt động tài chính của UBND cấp xã hoặc UBND cấp xã uỷ quyền; thực hiện cơ chế hoạt động tài chính theo sự hướng dẫn của ngành tài chính.
Điều 11: UBND xã xây dựng quy chế hoạt động của cụ thể sát với địa phương, thể hiện trách nhiệm của Ban (Tổ) quản lý nước sạch, nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ, vận hành, định kỳ duy tu bảo dưỡng hệ thống, sửa chữa an toàn lao động, chế độ và lịch thu tiền nước phổ biến rộng rãi để toàn dân biết, giám sát và thực hiện.
Điều 12: Tổ chức của Ban (Tổ) quản lý nước sạch phải gọn, lực lượng quản lý phải có hiểu biết chuyên môn trong công việc được giao, hoạt động có hiệu quả nhằm đảm bảo giá thu tiền nước sạch không vượt quá mức quy định, giảm chi phí trong quản lý để tự trang trải về mặt tài chính.
Điều 13: UBND Thành phố giao cho Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT) hàng năm có kế hoạch kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng Ban (Tổ) quản lý nước sạch nông thôn, lấy mẫu nước xét nghiệm kiểm tra chất lượng nước sạch của nhân dân.
Điều 14: Chi phí cho công tác quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn gồm:
1/. Chi phí tiền điện bơm nước.
2/. Chi phí tiền công quản lý, bảo vệ, vận hành, thu tiền nước cho Ban (Tổ) quản lý nước sạch.
3/. Chi phí sửa chữa, thay thế nhỏ thường xuyên.
4/. Chi phí bảo dưỡng định kỳ hệ thống.
5/. Khấu hao tài sản nhà trạm, thiết bị.
6/. Chi phí quản lý chất lượng nước.
7/. Thực hiện nghĩa vụ các chính sách với Nhà nước (nếucó).
8/. Chi phí khác.
Căn cứ vào chi phí hợp lý cho công tác quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôn quy định tại điều 14 của quy định này, Uỷ ban nhân dân xã quy định giá thành một mét khối (m3) nước sạch theo quy định của Nhà nước, phù hợp với đặc điểm của hệ thống và tình hình địa phương.
Điều 16: UBND xã chịu trách nhiệm, hoặc UBND cấp xã uỷ quyền về thu, chi tài chính phải rõ ràng công khai. Thu đúng đối tượng, chi đúng mục đích nhằm đảm bảo tự trang trải về tài chính cho nhiệm vụ quản lý khai thác hệ thống nước sạch phục vụ nhân dân địa phương được ổn định và lâu dài.
Điều 17: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong quản lý, hoạt động cung cấp nước sạch nông thôn được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 18: Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 19: UBND huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã có hệ thống cấp nước sạch nông thôn tổ chức triển khai, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động quản lý hệ thống nước sạch và tài chính để thực hiện quy định này.
Điều 20: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND huyện tập hợp ý kiến của UBND cấp xã và phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo, đề xuất với UBND Thành phố để điều chỉnh bổ sung kịp thời.
Điều 21: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các huyện và Chủ tịch UBND cấp xã có hệ thống cấp nước sạch nông thôn, Giám đốc trung tâm Nước sạch & VSMT Nông thôn có trách nhiệm thi hành quy định này.
| TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1Quyết định 53/2004/QĐ-UB về việc giao kế hoạch các dự án sử dụng nguồn vốn chi phí thoát nước của Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội năm 2004 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 17/2003/CT-UB về tăng cường quản lý, phát triển cấp nước và sử dụng tiết kiệm nước sạch trên địa bàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- 3Quyết định 05/1998/QĐ-TTg về quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 104/2000/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
Quyết định 20/2005/QĐ-UB về Quản lý, khai thác hệ thống cấp nước sạch nông thôntrên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 20/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/02/2005
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Quý Đôn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/03/2005
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra