Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 199-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2013

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRAO ĐỔI, ĐỐI THOẠI LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XI;

- Xét đề nghị của Hội đồng Lý luận Trung ương,

Ban Bí thư quy định về trao đổi, đối thoại lý luận chính trị như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng và nội dung trao đổi, đối thoại

1- Phạm vi, đối tượng: Quy định này xác định phạm vi về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Lý luận Trung ương và công dân Việt Nam trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động trao đổi, đối thoại lý luận chính trị.

2- Nội dung trao đổi, đối thoại: Bao gồm các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1- Mục đích

- Thông qua trao đổi, đối thoại lý luận chính trị, phát huy trí tuệ, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết của các nhà trí thức khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các nhà lãnh đạo, quản lý nhằm phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, khuyến nghị góp phần làm rõ những vấn đề còn có nhận thức khác nhau liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Qua đó thúc đẩy việc nghiên cứu, tạo sự thống nhất, đồng thuận xã hội, sự gắn bó giữa Đảng với trí thức, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng.

2- Yêu cầu

- Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, khách quan khoa học, với tinh thần xây dựng trong trao đổi, đối thoại.

- Tôn trọng các cách tiếp cận khác nhau, các ý kiến khác nhau trên tinh thần khoa học và văn hóa trong trao đổi, đối thoại để hướng tới tìm ra chân lý.

- Sử dụng và quản lý tài liệu liên quan đến kết quả trao đổi, đối thoại lý luận chính trị theo quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ bí mật. Có cơ chế sử dụng những ý kiến đóng góp có giá trị.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức hoạt động trao đổi, đối thoại

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Hoạt động tự nguyện vì lợi ích phát triển đất nước; không sử dụng các kết quả trao đổi, đối thoại vào mục đích cá nhân dưới mọi hình thức.

Chương II

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Điều kiện tổ chức hoạt động trao đổi, đối thoại lý luận chính trị

Hoạt động trao đổi, đối thoại lý luận chính trị thực hiện dưới hình thức tọa đàm khoa học, được tiến hành khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Cá nhân chủ động đề xuất được Hội đồng Lý luận Trung ương chấp thuận; hoặc Hội đồng Lý luận Trung ương có yêu cầu và cá nhân được mời chấp thuận trao đổi, đối thoại.

- Hội đồng Lý luận Trung ương bố trí, sắp xếp được người đại diện trao đổi, đối thoại, thời gian, địa điểm và các điều kiện cần thiết khác.

- Các bên tham gia trao đổi, đối thoại chấp thuận và cam kết thực hiện đúng Quy định này.

Điều 5. Hội đồng Lý luận Trung ương là đầu mối tổ chức trao đổi, đối thoại lý luận chính trị, có quyền hạn và trách nhiệm cụ thể như sau:

1- Quyền hạn

- Tổ chức và quản lý hoạt động trao đổi, đối thoại lý luận chính trị bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tính chất, hình thức của tọa đàm khoa học.

- Tiếp nhận những yêu cầu, đề nghị trao đổi, đối thoại lý luận chính trị về một hoặc một số chủ đề nhất định.

- Quyết định về thành phần tham gia, thời gian, địa điểm, hình thức và quy mô hoạt động trao đổi, đối thoại.

- Quyết định công bố hoặc không công bố các nội dung, ý kiến trao đổi, đối thoại sau khi tọa đàm.

2- Trách nhiệm

- Bảo đảm đúng các nguyên tắc hoạt động của trao đổi, đối thoại lý luận chính trị nêu tại Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tham gia trao đổi, đối thoại; giữ bí mật thông tin cá nhân tham gia trao đổi, đối thoại theo yêu cầu của cá nhân.

- Báo cáo tổng hợp khách quan, trung thực các ý kiến trao đổi, đối thoại và các thông tin, tư liệu có liên quan theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, thẩm định, phản biện, xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

- Lưu giữ đầy đủ tất cả các tài liệu, tư liệu trao đổi, đối thoại, như: các báo cáo bằng văn bản hoặc bằng bản điện tử (file), các tư liệu ghi âm và hình ảnh, các biên bản họp (nếu có); bảo đảm bí mật đối với các thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.

- Bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động trao đổi, đối thoại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động trao đổi, đối thoại.

Điều 6. Quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân tham gia trao đổi, đối thoại lý luận chính trị

1- Quyền hạn

- Được trình bày quan điểm, ý kiến của cá nhân về các chủ đề đã thống nhất với Hội đồng Lý luận Trung ương.

- Được trao đổi, đối thoại thẳng thắn, bình đẳng, bảo vệ chính kiến. Đồng thời được bình luận, phản biện về các vấn đề nảy sinh trong trao đổi, đối thoại, làm sáng tỏ vấn đề, hướng đến thống nhất nhận thức.

- Được ghi nhận sự đóng góp thể hiện ở các khuyến nghị nêu trong tọa đàm về các vấn đề liên quan đến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.

- Được bảo đảm quyền tác giả đối với các ý kiến của cá nhân theo quy định của pháp luật.

2- Trách nhiệm

- Thực hiện đúng các nguyên tắc của trao đổi, đối thoại lý luận chính trị nêu tại Quy định này và các quy định của pháp luật liên quan.

- Gửi tài liệu, nêu yêu cầu cụ thể và thống nhất với Hội đồng Lý luận Trung ương về chủ đề và các vấn đề cần trao đổi, đối thoại.

- Bảo đảm độ trung thực nguồn thông tin, ý kiến trích dẫn. Hợp tác, bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe các ý kiến khác nhau trong quá trình trao đổi, đối thoại.

- Không lợi dụng trao đổi, đối thoại để tuyên truyền, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ danh dự của tổ chức và cá nhân khác; không đề cập đến các nội dung không liên quan đến chủ đề trao đổi, đối thoại.

- Không tự ý ghi âm hoặc sử dụng bất cứ phương tiện gì để phát tán, phát ngôn, công bố tài liệu, khi chưa được sự đồng ý của Hội đồng Lý luận Trung ương.

- Không làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Hội đồng Lý luận Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

Điều 8. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu, đề xuất trình Ban Bí thư xem xét, quyết định bổ sung, sửa đổi.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng Lý luận Trung ương,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 199-QĐ/TW năm 2013 về trao đổi, đối thoại lý luận chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 199-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/09/2013
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản