Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1982/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam với những nội dung sau đây:

1. Tên gọi:

a) Tên tiếng Việt: Khung trình độ quốc gia Việt Nam, viết tắt là KTĐQG;

b) Tên tiếng Anh: Vietnamese Qualifications Framework, viết tắt là VQF.

2. Mục tiêu:

a) Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

b) Thiết lập cơ chế kết nối hiệu quả giữa yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của bên sử dụng lao động với hệ thống các trình độ đào tạo thông qua các hoạt động đào tạo, đo lường, kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng;

c) Làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực;

d) Thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực;

đ) Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

3. Phạm vi điều chỉnh:

Khung trình độ quốc gia Việt Nam được áp dụng đối với các trình độ được quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp và Luật giáo dục đại học.

4. Cấu trúc:

Cấu trúc Khung trình độ quốc gia Việt Nam như sau:

a) Bậc trình độ:

Bao gồm 8 bậc: Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.

b) Chuẩn đầu ra bao gồm:

- Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết;

- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử;

- Mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

c) Khối lượng học tập tối thiểu, được tính bằng số tín chỉ người học phải tích lũy cho mỗi trình độ;

d) Văn bằng, chứng chỉ là văn bản công nhận kết quả học tập của một cơ sở giáo dục đối với một cá nhân sau khi kết thúc một khóa học, đáp ứng chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục quy định.

5. Mô tả nội dung các bậc trình độ:

a) Bậc 1: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức phổ thông, cơ bản; kỹ năng thao tác cơ bản để thực hiện một hoặc một vài công việc đơn giản có tính lặp lại của một nghề xác định trong môi trường làm việc không thay đổi, với sự giám sát của người hướng dẫn.

Bậc 1 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 5 tín chỉ.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 1 được cấp chứng chỉ sơ cấp I.

b) Bậc 2: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế và lý thuyết về hoạt động trong phạm vi hẹp của một nghề, kiến thức phổ thông, cơ bản về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật; kỹ năng thực hành nghề nghiệp dựa trên các kỹ thuật tiêu chuẩn để thực hiện một số công việc có tính lặp lại trong môi trường rất ít thay đổi dưới sự giám sát của người hướng dẫn, có thể tự chủ trong một vài hoạt động cụ thể.

Bậc 2 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 2 được cấp chứng chỉ sơ cấp II.

c) Bậc 3: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế và lý thuyết về một số nội dung trong phạm vi của một nghề đào tạo; kiến thức phổ thông về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật; kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để có thể làm việc độc lập trong các điều kiện ổn định và môi trường quen thuộc.

Bậc 3 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 25 tín chỉ.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 3 được cấp chứng chỉ sơ cấp III.

d) Bậc 4: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế và lý thuyết cần thiết trong phạm vi của một ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các công việc có tính thường xuyên hoặc phức tạp, làm việc độc lập hay theo nhóm trong điều kiện biết trước và có thể thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, và trách nhiệm đối với nhóm, có năng lực hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc đã được định sẵn.

Bậc 4 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 4 được cấp bằng trung cấp.

đ) Bậc 5: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết rộng về một ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin; có kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để giải quyết những công việc hoặc vấn đề phức tạp, làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hướng dẫn tối thiểu, giám sát, đánh giá đối với nhóm thực hiện những nhiệm vụ xác định.

Bậc 5 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 5 được cấp bằng cao đẳng.

e) Bậc 6: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện, chuyên sâu về một ngành đào tạo, kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật; có kỹ năng nhận thức liên quan đến phản biện, phân tích, tổng hợp; kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp; làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm trong việc hướng dẫn, truyền bá, phổ biến kiến thức, thuộc ngành đào tạo, giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ.

Bậc 6 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 6 được cấp bằng đại học.

g) Bậc 7: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu, rộng ở mức độ làm chủ kiến thức trong phạm vi của ngành đào tạo; có kỹ năng phản biện, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin một cách khoa học và tiên tiến; kỹ năng nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp; kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức trong các lĩnh vực chuyên môn, có khả năng tự định hướng, thích nghi với môi trường nghề nghiệp thay đổi; có khả năng hướng dẫn người khác thực hiện nhiệm vụ và khả năng quản lý, đánh giá, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động nghề nghiệp.

Bậc 7 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp đại học.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 7 được cấp bằng thạc sĩ.

Người có bằng tốt nghiệp đại học chương trình đào tạo có khối lượng học tập tối thiểu 150 tín chỉ, đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương Bậc 7 được công nhận có trình độ tương đương Bậc 7.

h) Bậc 8: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế và lý thuyết tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của chuyên ngành đào tạo; có kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin, phát hiện và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo; có kỹ năng tư duy, nghiên cứu độc lập, độc đáo, sáng tạo tri thức mới; có kỹ năng truyền bá, phổ biến tri thức, thiết lập mạng lưới hợp tác quốc gia và quốc tế trong quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn; thể hiện năng lực sáng tạo, có khả năng tự định hướng và dẫn dắt chuyên môn, khả năng đưa ra các kết luận, khuyến cáo khoa học mang tính chuyên gia.

Bậc 8 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ đối với người có bằng thạc sĩ, tối thiểu 120 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp đại học.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 8 được cấp bằng tiến sĩ.

Người có trình độ tương đương Bậc 7, hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa có khối lượng học tập tối thiểu 90 tín chỉ và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương Bậc 8 được công nhận có trình độ tương đương Bậc 8.

6. Bảng mô tả Khung trình độ quốc gia Việt Nam được trình bày tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện tham chiếu các trình độ giáo dục đại học của Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và các khung trình độ quốc gia khác;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu liên quan để triển khai xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục đại học;

d) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng;

đ) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng định mức, dự toán kinh phí cho việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học cho từng giai đoạn.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì quản lý, thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện tham chiếu các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) và các khung trình độ quốc gia khác;

c) Chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan xây dựng quan hệ giữa tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp quốc gia với các trình độ đào tạo quốc gia;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục, các viện nghiên cứu liên quan để triển khai xây dựng, phê duyệt chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm cho từng trình độ, từng lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc giáo dục nghề nghiệp;

đ) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát chương trình đào tạo, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; kiểm định chất lượng chương trình đào tạo dựa trên các minh chứng được xác định theo chuẩn đầu ra và các điều kiện bảo đảm chất lượng;

e) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng định mức, dự toán kinh phí cho việc triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp cho từng giai đoạn.

3. Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chi kinh phí triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam theo các quy định hiện hành của pháp luật.

4. Các bộ, ngành liên quan

a) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện xây dựng chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành;

b) Chỉ đạo các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo;

c) Cung cấp thông tin về ngành, nghề, yêu cầu về trình độ tương ứng vị trí việc làm; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp làm cơ sở xây dựng và phát triển chuẩn đầu ra của các trình độ.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả áp dụng Khung trình độ quốc gia Việt Nam tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.

6. Trách nhiệm của các hiệp hội nghề nghiệp và đại diện các ngành sản xuất, dịch vụ

a) Nghiên cứu, đề xuất hồ sơ năng lực, yêu cầu kiến thức, kỹ năng của các vị trí việc làm trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn của hiệp hội;

b) Tham gia các hội đồng khối ngành, hội đồng ngành đề xuất yêu cầu về trình độ, đề xuất chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo cho từng lĩnh vực và ngành đào tạo;

c) Tham gia vào việc đánh giá chất lượng đào tạo theo chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo các ngành, khối ngành; khuyến nghị cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục trong việc điều chỉnh, bổ sung chuẩn đầu ra và minh chứng kèm theo phù hợp với yêu cầu của từng vị trí việc làm.

7. Trách nhiệm các cơ sở giáo dục

a) Rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung, phương pháp thực hiện chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động và cam kết thực hiện chương trình theo chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo;

b) Triển khai việc tự đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra và các minh chứng kèm theo.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Hội đồng Quốc gia giáo dục và PTNL;
- Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Vũ Đức Đam

 

PHỤ LỤC

BẢNG MÔ TẢ KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM
(Kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

Bậc trình độ

 

Chuẩn đầu ra

Người tốt nghiệp khóa đào tạo phải có:

Khối lượng học tập tối thiểu

Văn bằng, chứng chỉ

Kiến thức

Kỹ năng

Mức tự chủ và trách nhiệm

1

- Kiến thức thực tế và sự hiểu biết trong phạm vi hẹp về một vài công việc của một nghề xác định.

- Kiến thức cơ bản về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, học tập nâng cao và chuẩn bị cho công việc nghề nghiệp.

- Kỹ năng thực hành cơ bản, lao động chân tay, trực tiếp;

- Kỹ năng giao tiếp cơ bản trong môi trường quen thuộc.

- Thực hiện một số công việc đơn giản, có tính lặp lại, dưới sự giúp đỡ của người hướng dẫn.

- Làm việc với sự giám sát chặt chẽ, tuân theo hướng dẫn hoặc làm theo mẫu.

- Tự đánh giá và đánh giá công việc với sự giúp đỡ của người hướng dẫn.

5 Tín chỉ

Chứng chỉ I

2

- Kiến thức thực tế và lý thuyết về hoạt động trong phạm vi hẹp của một nghề.

- Kiến thức phổ thông về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, công việc nghề nghiệp và học tập nâng cao.

- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành để áp dụng các phương pháp, công cụ, tài liệu thích hợp và thông tin sẵn có.

- Kỹ năng giao tiếp để trình bày kết quả hoặc báo cáo công việc của bản thân.

- Thực hiện một số công việc có tính thường xuyên, tự chủ tương đối trong môi trường quen thuộc;

- Làm việc trong môi trường không quen thuộc với chỉ dẫn của người hướng dẫn;

- Tự đánh giá và đánh giá kết quả của nhiệm vụ được giao.

15 Tín chỉ

Chứng chỉ II

3

- Kiến thức thực tế và lý thuyết về những nguyên tắc, quá trình và khái niệm thông thường trong phạm vi của một nghề đào tạo;

- Kiến thức phổ thông về tự nhiên, văn hóa, xã hội và pháp luật phục vụ cuộc sống, công việc nghề nghiệp, và học tập nâng cao.

- Kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin liên quan đến công việc nghề nghiệp nhất định.

- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành để làm việc hoặc giải quyết công việc một cách độc lập.

- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc.

- Làm việc độc lập trong các điều kiện ổn định và môi trường quen thuộc;

- Thực hiện công việc được giao và tự đánh giá kết quả theo các tiêu chí đã được xác định.

- Tham gia làm việc theo tổ, nhóm và chịu trách nhiệm một phần đối với kết quả công việc.

25 Tín chỉ

Chứng chỉ III

4

- Kiến thức thực tế và lý thuyết tương đối rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.

- Kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn.

- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.

- Kỹ năng nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ, giải quyết vấn đề bằng việc lựa chọn và áp dụng các phương pháp cơ bản, công cụ, tài liệu và thông tin.

- Kỹ năng sử dụng các thuật ngữ chuyên môn của ngành, nghề đào tạo trong giao tiếp hiệu quả tại nơi làm việc; phản biện và sử dụng các giải pháp thay thế; đánh giá chất lượng công việc và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

- Có năng lực ngoại ngữ bậc 1/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam

- Làm việc độc lập trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm một phần đối với nhóm.

- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện công việc đã định sẵn.

- Đánh giá hoạt động của nhóm và kết quả thực hiện.

35 Tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THPT, 50 Tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp THCS

Bằng Trung cấp

5

- Kiến thức thực tế và lý thuyết rộng trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.

- Kiến thức cơ bản về chính trị; văn hóa, xã hội và pháp luật đáp ứng yêu cầu công việc nghề nghiệp và hoạt động xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn.

- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.

- Kiến thức thực tế về quản lý, nguyên tắc và phương pháp lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá các quá trình thực hiện trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo.

- Kỹ năng nhận thức và tư duy sáng tạo để xác định, phân tích và đánh giá thông tin trong phạm vi rộng;

- Kỹ năng thực hành nghề nghiệp giải quyết phần lớn các công việc phức tạp trong phạm vi của ngành, nghề đào tạo;

- Kỹ năng nhận thức, tư duy sáng tạo để xác định, phân tích và đánh giá thông tin trong phạm vi rộng.

- Kỹ năng truyền đạt hiệu quả các thông tin, ý tưởng, giải pháp tới người khác tại nơi làm việc;

- Có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam

- Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc, vấn đề phức tạp trong điều kiện làm việc thay đổi.

- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định; chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.

- Đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

 

 

60 Tín chỉ

Bằng Cao đẳng

6

- Kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng trong phạm vi của ngành đào tạo.

- Kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật.

- Kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc.

- Kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể.

- Kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn.

- Kỹ năng cần thiết để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp.

- Kỹ năng dẫn dắt, khởi nghiệp, tạo việc làm cho mình và cho người khác.

- Kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi.

- Kỹ năng đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của các thành viên trong nhóm.

- Kỹ năng truyền đạt vấn đề và giải pháp tới người khác tại nơi làm việc; chuyển tải, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong việc thực hiện những nhiệm vụ cụ thể hoặc phức tạp.

- Có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.

- Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm.

- Hướng dẫn, giám sát những người khác thực hiện nhiệm vụ xác định.

- Tự định hướng, đưa ra kết luận chuyên môn và có thể bảo vệ được quan điểm cá nhân.

- Lập kế hoạch, điều phối, quản lý các nguồn lực, đánh giá và cải thiện hiệu quả các hoạt động.

120-180  Tín chỉ

Bằng Đại học

7

- Kiến thức thực tế và lý thuyết sâu, rộng, tiên tiến, nắm vững các nguyên lý và học thuyết cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu thuộc chuyên ngành đào tạo.

- Kiến thức liên ngành có liên quan.

- Kiến thức chung về quản trị và quản lý. 

- Kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề một cách khoa học;

- Có kỹ năng truyền đạt tri thức dựa trên nghiên cứu, thảo luận các vấn đề chuyên môn và khoa học với người cùng ngành và với những người khác.

- Kỹ năng tổ chức, quản trị và quản lý các hoạt động nghề nghiệp tiên tiến.

- Kỹ năng nghiên cứu phát triển và sử dụng các công nghệ một cách sáng tạo trong lĩnh vực học thuật và nghề nghiệp.

- Có trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 4/6 Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.

- Nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến quan trọng.

- Thích nghi, tự định hướng và hướng dẫn người khác.

- Đưa ra những kết luận mang tính chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn.

- Quản lý, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn.

30-60 Tín chỉ

Bằng Thạc sĩ

8

- Kiến thức tiên tiến, chuyên sâu ở vị trí hàng đầu của một lĩnh vực khoa học;

- Kiến thức cốt lõi, nền tảng thuộc lĩnh vực của chuyên ngành đào tạo.

- Kiến thức về tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới.

- Kiến thức về quản trị tổ chức.

- Kỹ năng làm chủ các lý thuyết khoa học, phương pháp, công cụ phục vụ nghiên cứu và phát triển.

- Kỹ năng tổng hợp, làm giàu và bổ sung tri thức chuyên môn.

- Kỹ năng suy luận, phân tích các vấn đề khoa học và đưa ra những hướng xử lý một cách sáng tạo, độc đáo.

- Kỹ năng quản lý, điều hành chuyên môn trong nghiên cứu và phát triển.

- Tham gia thảo luận trong nước và quốc tế thuộc ngành hoặc lĩnh vực nghiên cứu và phổ biến các kết quả nghiên cứu.

- Nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới.

- Đưa ra các ý tưởng, kiến thức mới trong những hoàn cảnh phức tạp và khác nhau.

- Thích ứng, tự định hướng và dẫn dắt những người khác.

- Phán quyết, ra quyết định mang tính chuyên gia.

- Quản lý nghiên cứu và có trách nhiệm cao trong việc học tập để phát triển tri thức chuyên nghiệp, kinh nghiệm và sáng tạo ra ý tưởng mới và quá trình mới.

90-120 Tín chỉ

Bằng Tiến sĩ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1982/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1982/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2016
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1171 đến số 1172
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản