Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 196/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 18 tháng 6 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHỢ TAM CỜ, THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG LÀ CHỢ THÍ ĐIỂM ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12;

Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Quyết định số 1655/QĐ-BKHĐT ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 18/01/2013 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ và dự toán chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013;

Căn cứ văn bản số 1522/BCT-TTTN ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Bộ Công thương về việc xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 23/TTr-SCT ngày 29 tháng 5 năm 2013 về việc phê duyệt dự án xây dựng mô hình Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang là chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Dự án xây dựng mô hình Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang là chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (có Dự án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang là chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được phê duyệt tại Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin Truyền thông, khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (Thi hành);
- Kho bạc Nhà nước TQ;
- Báo TQ, Đài PTTH tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện;
- CV: TH, TC, VX, NLN;
- Lưu VT (Hoa TC 30)

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thực

 

DỰ ÁN

XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHỢ TAM CỜ, THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG LÀ CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Phần I

ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA DỰ ÁN

1. Tên Dự án: Xây dựng mô hình Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang là Chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Cơ quan chủ trì thực hiện Dự án: Sở Công Thương.

3. Các cơ quan phối hợp thực hiện Dự án: Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang và các cơ quan liên quan.

4. Mục tiêu của Dự án:

- Xây dựng mô hình chung cho chợ vệ sinh an toàn thực phẩm với hệ thống tiêu chí đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành của nhà nước; đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận tiện cho quá trình mua, bán góp phần tăng cường hiệu quả kinh tế, xã hội của chợ.

- Nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh vệ sinh an toàn thực phẩm của đơn vị quản lý chợ và các hộ, cá nhân kinh doanh tại chợ.

- Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ nói riêng.

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thành công để triển khai, nhân rộng (theo lộ trình) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

5. Yêu cầu của Dự án

- Việc xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt trong hệ thống chợ của tỉnh đã được quy hoạch, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc phát triển thị trường trong tỉnh.

- Phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương; đảm bảo tính kế thừa, hệ thống và phát triển ổn định, lâu dài.

6. Thời gian triển khai thực hiện Dự án: Năm 2013

7. Đối tượng hưởng lợi Dự án:

- Người tiêu dùng thực phẩm, nông sản chủ yếu thống qua chợ,

- Các đối tượng kinh doanh tại chợ,

- Ban Quản lý chợ.

8. Khái toán và nguồn kinh phí thực hiện Dự án:

Tổng kinh phí của Dự án: 650 triệu đồng, trong đó:

- Hộ kinh doanh đầu tư: 100 triệu đồng;

- Nhà nước hỗ trợ: 550 triệu đồng.

* Nguồn kinh phí: Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2013 và nguồn ngân sách tỉnh.

Phần II

ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2005 - 2012

I. THỰC TRẠNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2005 - 2012

1. Tình hình kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Tuên Quang giai đoạn 2005 - 2012

1.1. Số chợ hoạt động kinh doanh ngành hàng thực phẩm

Toàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2013 có 01 chợ hạng I, 02 chợ hạng II, 87 chợ hạng III. Trong đó, 100% các chợ đều có kinh doanh ngành hàng thực phẩm. Mô hình hoạt động phổ biến trong các chợ là kinh doanh hàng tiêu dùng hàng ngày, dệt may, giày dép và kinh doanh hàng thực phẩm.

1.2. Nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho các chợ

Theo kết quả điều tra sơ bộ tại các chợ thì nguồn hàng thực phẩm cung ứng cho chợ chủ yếu do người kinh doanh mua trực tiếp từ người sản xuất, người kinh doanh khác và do người sản xuất trực tiếp bán lẻ. Ngoài các sản phẩm có bao bì, nhãn hiệu xác định được nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng, còn hàng thực phẩm không bao bì, nhãn mác thì khó xác định nguồn gốc, xuất xứ. Nguyên nhân chính do tập quán kinh doanh không hóa đơn, chứng từ của đa số thương nhân kinh doanh tại chợ.

1.3. Các mặt hàng thực phẩm chủ yếu kinh doanh tại các chợ:

Theo điều tra, khảo sát các mặt hàng thực phẩm kinh doanh chủ yếu trong chợ gồm: Rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thủy sản; thực phẩm công nghệ, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn; ăn, uống giải khát; gạo, sản phẩm chế biến từ tinh bột các loại.

1.4. Số lượng và tình hình hoạt động của thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ:

Tổng số hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh hiện có trên 6.140 hộ. Lực lượng tham gia kinh doanh tại chợ chủ yếu là thương nghiệp tư nhân (hộ kinh doanh) và người sản xuất nhỏ trực tiếp bán sản phẩm. Thành phần thương nghiệp nhà nước và thương nghiệp hợp tác xã chiếm tỷ trọng rất ít. Thành phần thương nghiệp tư nhân là lực lượng chính cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng. Các ngành hàng kinh doanh chính trên chợ hiện nay là thực phẩm tươi sống, nông sản khô và sơ chế, thực phẩm công nghệ, ... những ngành hàng này chiếm gần 80% tổng số hộ kinh doanh; trong đó, hàng thực phẩm tươi sống có số hộ kinh doanh lớn nhất, chiếm trên 40%.

1.5. Cách thức kiểm tra nguồn hàng thực phẩm vào chợ:

- Việc quản lý chất lượng hàng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, do hàng hóa không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng rau củ quả. Đối với các sản phẩm gia súc gia cầm như thịt lợn, thịt bò, thịt gà; trứng gia cầm trước khi đưa vào bày bán tại chợ, cơ quan thú y địa phương kiểm tra và đóng dấu. Tuy nhiên, vẫn còn một số chợ trên địa bàn, công tác kiểm dịch chưa được tiến hành thường xuyên do không có lực lượng kiểm dịch tại chợ, cũng như điều kiện của từng địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến điều kiện giết mổ, đưa sản phẩm vào lưu thông tại chợ, mà còn đặt niềm tin vào cơ quan nhà nước và hộ kinh doanh về các mặt hàng thực phẩm đang lưu thông tại chợ.

- Đơn vị thực hiện kiểm tra thường sử dụng phương pháp test nhanh, lấy mẫu kiểm tra và kiểm tra Giấy chứng nhận đã qua tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vi phạm thường gặp là không có Giấy chứng nhận đã qua tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y; hình thức xử lý tùy theo từng trường hợp sẽ lập biên bản xử phạt, buộc tiêu hủy, cảnh cáo, thu hồi giấy phép kinh doanh …

- Đối với thương nhân kinh doanh hàng thực phẩm, hầu như không có phương tiện kiểm tra nguồn hàng kinh doanh, chỉ đơn giản kiểm tra thời hạn sử dụng in trên bao bì đối với hàng thực phẩm công nghệ, còn hàng thực phẩm tươi sống thì qua cảm quan, kinh nghiệm và tin tưởng đối tượng cung cấp lâu năm.

1.6. Phương thức mua bán hàng thực phẩm trong chợ:

Phương thức giao dịch chủ yếu là bán lẻ thông qua giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, đối với chợ có quy mô lớn, có cả hình thức bán lẻ và bán buôn.

1.7. Trang thiết bị của thương nhân kinh doanh hàng hàng thực phẩm tại chợ:

- Diện tích kệ/quầy hàng được xây dựng với kính thước, chất liệu khác nhau (tôn, gạch men, gỗ, tre, nứa), song các kệ bán hàng được xây dựng, ốp gạch men chiếm tỷ lệ nhỏ.

- Sử dụng thiết bị bảo quản sản phẩm: Đa phần các hộ kinh doanh hàng thủy sản sử dụng máy sục ôxy hoăc nước đá (chiếm 60%), có khoảng 50% hộ kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống sử dụng thùng chứa nước cho hoạt động kinh doanh; có ít số hộ sử dụng tủ lạnh, bảo ôn để thực phẩm chế biến sẵn, ăn uống, giải khát, thủy sản.

- Cân đối chứng: Chỉ có ở chợ trung tâm thành phố, trung tâm huyện; các chợ trên địa bàn nông thôn hầu như chưa được trang bị cân đối chứng.

Nhìn chung, trang thiết bị của thương nhân kinh doanh hàng thực phẩm tại khu vực chợ trung tâm thành phố Tuyên Quang về cơ bản đảm bảo cho hoạt động kinh doanh. Ngược lại, trang thiết bị của thương nhân kinh doanh hàng thực phẩm tại các chợ ở khu vực nông thôn còn lạc hậu, sơ sài.

1.8. Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại các chợ:

Các chợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thường tập trung ở ven lộ và các khu dân cư tập trung; nhiều chợ nằm ven sông, suối. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu trao đổi hàng hoá trong dân cư, quy mô và phạm vi trao đổi của một số chợ xã ngày càng mở rộng, vươn đến các xã khác.

Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại các chợ thuộc mọi tầng lớp nhân dân, phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Qua điều tra cho thấy: Đối tượng tiêu dùng thực phẩm tại chợ phần lớn là người tiêu dùng địa phương (chiếm 76%), khách vãng lai (chiếm 17%), cơ sở ăn uống (chiếm 7%).

1.9. Cơ sở vật chất của chợ phục vụ quá trình kinh doanh hàng thực phẩm:

Qua tổng hợp điều tra trên 80 chợ, cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm như sau :

- 100% chợ có nơi tập kết rác thải tạm thời, rác thải đều được tổ chức thu gom và làm vệ sinh chợ; có khoảng 20% số chợ được trang bị công cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

- 09 chợ ở khu vực thành thị và 01 chợ nông thôn (Chợ Văn hóa Nà Ho) có lắp đặt hệ thống điện ánh sáng, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh. Phần lớn các chợ vùng nông thôn sử dụng nước giếng đào, nước suối; hiện đều thiếu các hạng mục phụ trợ như: tường rào, nhà vệ sinh, hố chứa rác thải, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện. Bên cạnh những hạng mục công trình được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, vẫn có những khu lều lán tạm

- Hệ thống cống thoát nước khu vực chợ đã được đầu tư nâng cấp ở mức độ nhất định, nhưng vẫn còn nhiều chợ vào mùa mưa bị ngập úng. Một số chợ ở tình trạng chợ lán tạm, không có hệ thống thoát nước thì để thoát ra môi trường tự nhiên.

2. Tình hình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2005 -2012

2.1. Nhận thức của thương nhân, người tiêu dùng và cán bộ quản lý chợ về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ

- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh nói riêng ngày càng được các ngành, các địa phương chú trọng và xã hội đặc biệt quan tâm.

- Thời gian qua, các văn bản về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ; các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ vệ sinh an toàn thực phẩm cho các thương nhân, từng bước đã tác động đến nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người sản xuất, người kinh doanh; điều kiện về cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu giao lưu hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Người tiêu dùng ở thành thị đã có nhận thức khá rõ và xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên có sự cảnh giác đối với những thông tin liên quan đến hàng thực phẩm. Một bộ phận người tiêu dùng ở nông thôn do nhận thức chưa cao, chưa phân biệt được hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc rõ ràng... Đồng thời, do tập quán tiêu dùng dễ dãi, vô tình đã tiếp tay cho các đối tượng sản xuất, chế biến kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Việc tuyên truyền sâu rộng về vệ sinh an toàn thực phẩm qua các phương tiện thông tin đại chúng đã có tác dụng tích cực về nâng cao năng lực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác giám sát yếu tố nguy cơ, phòng ngừa, hạn chế xảy ra ngộ độc do thực phẩm gây ra, cũng như giúp cho người kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh thực phẩm tại các chợ, nâng cao nhận thức, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Qua điều tra, khảo sát 100 hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang thì đã có 97 hộ đã được nghe, đọc về vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tờ rơi, Internet...

- Để nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn cho các đối tượng làm công tác quản ký chợ cũng như thương nhận kinh doanh tại chợ, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực quản lý cho cán bộ quản lý chợ trong việc quản lý, hướng dẫn, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với các tiêu chí quy định.

2.2. Tình hình thực hiện quy định của pháp luật và nội quy chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm của thương nhân kinh doanh trong chợ

Mặc dù, một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm tại siêu thị nhưng hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh chưa phát triển nhiều, vì thế chợ dân sinh vẫn là kênh phân phối hàng ngày của người dân hiện nay. Tuy vậy, nỗi lo thường trực của người tiêu dùng vẫn là chất lượng sản phẩm, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe bởi ai cũng dễ dàng nhận thấy ở nhiều cửa hàng, quầy hàng thực phẩm chín được bày bán cạnh hàng thực phẩm tươi sống. Các loại gia vị thực phẩm bao bì bằng tiếng nước ngoài bày bán công khai, không có tem phụ theo quy định, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản có chất tăng trưởng, rau, quả có chất kích thích hoặc nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Bên cạnh nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường ở các chợ cũng trong tình trạng báo động. Ở hầu hết các chợ, cơ sở vật chất nhiều chợ đã xuống cấp, nền chợ ẩm thấp, nước thải tù đọng, không bảo đảm vệ sinh môi trường. Tình trạng giết mổ gia cầm trong chợ vẫn còn, không có khu giết mổ riêng, hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường. Một số hộ kinh doanh còn bày thịt gia súc, gia cầm vào những mẹt nhỏ, vỏ bìa cattông đặt ngay dưới nền đất ẩm, không quan tâm tới vấn đề ô nhiễm thực phẩm…

Hầu hết các chợ đều bố trí khu vực ẩm thực bao gồm thực phẩm ăn ngay và ăn uống bình dân phục vụ chính cho thương nhân kinh doanh tại chợ. Nhiều quầy hàng thực phẩm chín không có tủ kính che đậy, nơi chế biến, các bàn ăn và người chế biến thực phẩm hầu như không bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, người chế biến không mặc bảo hộ lao động, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ; sự hiểu biết về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của những người tham gia chế biến còn hạn chế.

2.3. Số vụ vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua do cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

- Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu từ khâu sản xuất, chế biến cho đến khâu đưa ra kinh doanh đến tay người tiêu dùng. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm Sở Y tế và các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các loại thực phẩm nguy cơ cao, kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, lấy mẫu kiểm nghiệm và test nhanh. Qua báo cáo của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm - Sở Y tế, từ năm 2006 đến năm 2012 đã tổ chức trên 10.000 cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, kiểm tra 2.477 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 2.477 cơ sở vi phạm; cảnh cáo, nhắc nhở 1.970 cơ sở, phạt tiền 238 cơ sở; số tiền thu phạt 189,8 triệu đồng.

- Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, vi phạm phổ biến nhất là: không giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thực hiện đầy đủ điều kiện trong kinh doanh, không giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, không khám sức khỏe theo quy định, không công bố chất lượng, chứng nhận công bố chất lượng hết hạn, hàng quá hạn sử dụng, không kiểm dịch thú y, thực phẩm giả nhãn hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ,... nguyên nhân chủ yếu do sự thiếu biết về pháp luật của người kinh doanh, do lợi nhuận cao từ thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả đem lại. Từ năm 2005 đến năm 2012, đã tổ chức kiểm tra 16.400 lượt cơ sở kinh doanh, số vụ vi phạm là 2.709 vụ, trong đó : nhắc nhở 240 trường hợp, xử lý 2.469 vụ vi phạm; số tiền thu phạt là 2.285,4 triệu đồng.

- Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ vào các đợt cao điểm các sự kiện trong năm như ngày lễ, tết ... khá tốt. Tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương.

3. Đánh giá chung về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh

3.1. Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm

- Công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã có hiệu ứng tích cực, các ngành các cấp quan tâm và chỉ đạo sâu sát, có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm, các ngành, các cấp đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy trong thời gian qua công tác thông tin, truyền thông tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên, đã góp phần nâng cao được nhận thức, ý thức của người dân đối với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm.

- Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng liên quan về kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được tăng cường. Tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương. Qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

3.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

- Một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng an toàn trong tỉnh đã được hình thành nhưng vẫn chưa thật sự bền vững và ổn định. Việc đầu tư cho vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến nông sản hàng hoá tại địa phương còn nhiều hạn chế; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn chưa được đầu tư nhiều; sản phẩm chưa có thương hiệu nên giá trị hàng hóa thấp, khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường là thách thức lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất theo hướng an toàn.

- Việc quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, xuất xứ địa lý của sản phẩm nên thực phẩm an toàn chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, vì vậy chưa tạo động lực cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh chưa trang bị các thiết bị dùng để kiểm tra nhanh nhằm phát hiện các chất bảo quản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do hạn chế về kinh phí, trình độ của cán bộ làm công tác quản lý chợ còn thấp, đối tượng quản lý chợ thường thay đổi; một số nơi hoạt động còn lúng túng, cần được tiếp tục củng cố, bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng theo yêu cầu.

- Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến, bảo quản thực phẩm, mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn còn và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do: công tác tuyên truyền quy định pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên; do lợi nhuận cao trong kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; do tập quán, thói quen ăn uống và buôn bán thực phẩm của người dân.

- Hiện nay công tác quản lý chất lượng thực phẩm vẫn còn khá nhiều hạn chế, nhất là công tác lấy mẫu kiểm nghiệm. Cả tỉnh chỉ có Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh thực hiện công tác này nhưng cũng không thực hiện được thường xuyên, mà chỉ tập trung chủ yếu vào thời điểm “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” và dịp Tết Nguyên đán hàng năm; mặt khác, việc xử lý vi phạm còn nương nhẹ, chưa kiên quyết.

II. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

Tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trực thuộc Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang (Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 18/9/2009); đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh (Quyết định số 234/QĐ-CT ngày 10/3/2011); ban hành Kế hoạch số 342/KH-BCĐ ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 trên địa bàn tỉnh, …

Qua đó, đã triển khai kế hoạch hoạt động chi tiết của từng năm và tổ chức thực hiện công tác an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến huyện, xã. Sở Y tế đã căn cứ vào các kế hoạch, chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và các Bộ, Ngành liên quan, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trình Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phê duyệt, tổ chức phân công triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch đề ra....

2. Tác động của hệ thống văn bản pháp luật đối với công tác vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ

Thực hiện các văn bản quy định, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh đối với công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, công tác tuyên truyền giáo dục đã có sự chuyển biến và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội, đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng trong bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đã hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hệ thống văn bản của Trung ương và của tỉnh là hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chính đáng và người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm thực phẩm tại chợ. Hiện tại, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm. Nhiều cán bộ được cử tham gia các khóa đào tạo do Sở Y tế tổ chức; một số Trung tâm Y tế huyện, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác thanh, kiểm tra và công tác truyền thông về đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như các cơ chế chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp, chuyển đổi mô hình quản lý chợ nên cơ sở vật chất các chợ trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, là điều kiện rất quan trọng nhằm nâng cao công tác vệ sinh an toàn thực phảm tại các chợ.

3. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách và biện pháp của tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm

3.1. Chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định về việc vệ sinh an toàn thực phẩm

Ủy ban nhân dân tỉnh đã và tiếp tục chỉ đạo thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tập trung chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm; ban hành Kế hoạch số 342/KH-BCĐ ngày 01 tháng 4 năm 2013 của Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

3.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cơ chế, chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chợ trên địa bàn tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua được thực hiện khá tốt, bám sát các chủ đề của “Tháng hành động”, Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, các đợt có vấn đề về một số thực phẩm và dịch bệnh xảy ra. Kết quả tuyên truyền từ năm 2010 - 2012:

Số TT

Hoạt động

Số lượng/buổi

Số người nghe/ phạm vi bao phủ

1

Tọa đàm

12.664

391.638

2

Tập huấn chuyên môn

56

2.760

3

Tập huấn

94

8.307

4

Phát thanh

11.156

Toàn tỉnh

5

Truyền hình

174

Toàn tỉnh

6

Báo viết

90

Toàn tỉnh

7

Băng rôn, áp phích

53.324

Toàn tỉnh

Nguồn: Chi cục VSATTP- Sở Y tế

3.3. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, cơ chế chính sách về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Việc thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những công việc được quan tâm hàng đầu, nhằm đảm bảo sức khỏe, quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng, hàng năm Sở Y tế và các ngành chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất các loại thực phẩm nguy cơ cao, kiểm tra định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, lấy mẫu kiểm nghiệm và test nhanh. Trong đó, có kiểm tra tại các chợ, các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, các sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, ... Kết quả, cơ sở thực phẩm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đúng quy định qua từng năm như sau:

Đơn vị tính: Cơ sở

Số TT

Loại hình

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

Cơ sở sản xuất

160

132

123

2

Kinh doanh thực phẩm

2.632

3.016

3.340

3

Dịch vụ ăn uống.

1.247

1208

1.236

Nguồn: Chi Cục VSATTP-Sở Y tế

Nhìn chung, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều tiến bộ. Số lượt kiểm tra, số mẫu kiểm nghiệm định kỳ và số test nhanh được thực hiện nhiều hơn. Song cần có các khảo sát, đánh giá nguy cơ ngộ độc của các loại thực phẩm thiết yếu như sữa, rượu, gạo, rau, thịt, nước đóng chai, đóng bình, các chế phẩm từ động vật trong hàng năm và định hướng chỉ đạo kiểm tra định kỳ, nhằm cảnh báo trong cộng đồng một cách kịp thời.

3.4. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ

Thời gian qua, liên ngành Y tế, Quản lý thị trường, Cảnh sát môi trường, Chi cục thú y,… đã có hoạt động phối hợp đồng bộ đi vào nề nếp và thường xuyên triển khai thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm như công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh. Đặc biệt là trong công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, thực phẩm không an toàn và nguồn thực phẩm gia súc, gia cầm trong mùa dịch bệnh. Qua đó, góp phần chuyển biến mạnh mẽ ý thức tại các cấp, các ngành, ý thức nhà sản xuất, kinh doanh về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Đánh giá chung về công tác quản lý nhà nước đối với vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ

4.1. Kết quả đạt được

- Nhìn chung, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phảm tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền, các ngành chức năng quan tâm và tổ chức triển khai đạt hiệu quả, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được hạn chế. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các hộ kinh doanh, người quản lý và một bộ phận người tiêu dùng đã được nâng lên một bước.... Các lực lượng chức năng thường xuyên triển khai công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm góp phần hạn chế tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ.

- Phần lớn các chợ trong mạng lưới chợ của tỉnh Tuyên Quang đã được xây dựng hoặc nâng cấp khá trang trang, trong đó có khu bán hàng thực phẩm đáp ứng yêu cầu bước đầu về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như thuận lợi cho việc mua, bán hàng hóa.

+ Công tác công tác phổ biến kiến thức vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh nói chung và tại các chợ nói riêng đã được các ngành, các cấp quan tâm và đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn xã hội, đặc biệt vào những thời gian cao điểm như ngày lễ, tết... Hàng năm vào các kỳ cao điểm Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, kế hoạch thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi thực hiện đều có tổ chức tổng kết, đánh giá và triển khai kế hoạch hoạt động tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh cũng như tại các chợ trên địa bàn. Qua đó nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của cán bộ, nhân viên, người quản lý, kinh doanh và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt.

+ Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm luôn được duy trì và thực hiện tốt công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong chợ. Hầu hết các chợ trung tâm đều có kế hoạch giám sát và có các biện pháp xử lý, khắc phục khi xảy ra ngộ độc thực phẩm tại chợ.

4.2. Hạn chế, tồn tại và nguyên nhân:

- Hạ tầng chợ phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm chưa đảm bảo tốt việc bảo quản, chế biến hàng hóa cũng như kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đơn vị quản lý chợ khi phát hiện, xử lý các thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ (chủ yếu ở quy mô hộ kinh doanh) có vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì chủ yếu là nhắc nhở, nên chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm; nhiều trường hợp không có khả năng thi hành quyết định xử phạt.

- Trình độ tiêu dùng của một bộ phận dân cư còn thấp đã tạo điều kiện cho thương nhân kinh doanh thực phẩm, kinh doanh những hàng hóa kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được lưu thông tại chợ. Mặt khác, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số hộ sản xuất chưa tốt còn chạy theo lợi nhuận nên chưa tôn trọng quy trình sản xuất, đưa sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào bán tại chợ..

- Công tác kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn tiến hành ở mức độ nhất định. Mặt khác, công tác kiểm tra và ngăn chặn các nguy cơ ngộ độc thực phẩm do các hóa chất độc hại cũng như các vi khuẩn có hại gây ra còn gặp khó khăn, do các cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm tra trên địa bàn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu hiện tại. Việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, trên thực tế để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài, trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải đình chỉ kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm. Công tác kiểm dịch trước khi đưa thực phẩm vào kinh doanh mua bán tại chợ đôi lúc chưa được quan tâm, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ.

III. TÌNH HÌNH THỰC TRẠNG VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CHỢ TAM CỜ, THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

1. Thực trạng số hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm tại chợ

- Chợ Tam Cờ là chợ hạng I nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới chợ của tỉnh. Diện tích: 20.393 m2; có trên 500 điểm kinh doanh. Số hộ kinh doanh cố định, thường xuyên (tính đến 31.12.2012): 517 hộ, trong đó có 300 hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm, lương thực, ăn uồng.

- Chi tiết số hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm, lương thực, ăn uống:

 

Tổng cộng

Hộ

300

 

Nhà đình C

Hộ

45

1

Hàng chè khô

Hộ

16

2

Hàng thuốc nam

Hộ

1

3

Hàng lương thực

Hộ

28

 

Nhà đình G

Hộ

59

4

Hàng rau thơm

Hộ

6

5

Hàng củ quả

Hộ

5

5

Hàng rau xanh

Hộ

48

 

Nhà đình H

Hộ

41

6

Hàng hoa tươi

Hộ

10

7

Hàng quả

Hộ

13

8

Hàng rau xanh

 

18

 

Ki ốt hàng rào

Hộ

81

9

Hàng bánh kẹo

Hộ

4

10

Hàng thực phẩm khô

Hộ

15

11

Hàng thịt lợn

Hộ

62

 

Khu ngoài trời

Hộ

74

12

Hàng ăn

Hộ

9

13

Hàng giò chả

Hộ

8

14

Hàng đông lạnh

Hộ

6

15

Hàng chứng

Hộ

8

16

Hàng bún

Hộ

6

17

Hàng gà mổ

Hộ

7

18

Hàng thịt chó

Hộ

10

19

Hàng củ quả

Hộ

8

20

Hàng ăn chín

Hộ

6

21

Hàng cá tươi

Hộ

6

2. Thực trạng cơ sở vật chất của chợ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm

2.1. Cơ sở vật chất hiện có

- Chợ có 06 Nhà đình chợ, các dãy ki ốt bám theo mặt trong hàng rào và khu vực kinh doanh ngoài trời đều được xây dựng kiên cố; mặt nền, đường đi đều đã bê tông hóa; hệ thống điện, nước sinh hoạt đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng, Chợ có nhà vệ sinh; hệ thống cống, rãnh thoát nước; các thùng, sọt chứa rác thải tạm thời.

- Các Nhà đình C, G, H, ki ốt hàng rào, khu ngoài trời được bố trí các ngành hàng thực phẩm, lương thực, ăn uống khá tách biệt với các khu vực kinh doanh hàng hóa khác.

- Khu vực kinh doanh thịt tươi sống được đầu tư xây dựng trên 60 bàn bán hàng mặt lát gạch men trắng.

- Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải của chợ do Công ty quản lý, xây dựng phát triển đô thị thực hiện hàng ngày.

2.2. Tồn tại

Mặt nền chợ ở một số khu vực và hệ thống rãnh, cống, hố gas thoát nước thải đã xuống cấp; hiệu quả thoát nước thấp, gây lắng đọng nhiều ngày, tạo mùi hôi thối (gây ô nghiễm không khí). Nước thải của chợ chưa được xử lý đảm bảo theo quy định, theo cống đổ thẳng ra Sông Lô (gây ô nghiễm nguồn nước).

3. Thực trạng một số tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ

3.1. Thực trạng

a) Về cơ sở vật chất:

- Khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được chia theo nhóm hàng riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến;

- Nơi tập trung rác thải, phương thức thu gom rác phù hợp với phương thức thu gom rác của thành phố.

- Rác thải được thu gom, xử lý hàng ngày;

- Có thiết bị lạnh (do thương nhân tự trang bị) để bảo quản thực phẩm;

- Có nhà vệ sinh, chậu rửa tay và thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ;

- Có đủ nước sạch sử dụng trong chợ;

- Hàng thực phẩm chế biến đã được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói hợp vệ sinh;

- Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ (đối với hộ kinh doanh cố định) đều được khám, xác nhận của cơ quan y tế đạt tiêu chuẩn sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm;

- Phần lớn thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ được phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; có Giấy chứng nhận đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ:

- Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống:

+ Bàn bày bán thực phẩm đảm bảo cao cách mặt đất ít nhất 60cm;

+ Mặt bàn bày bán thực phẩm tươi sống được lát gạch men trắng;

+ Trang thiết bị, dụng cụ có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu bảo đảm yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm;

+ Thịt gia súc tươi sống bán tại chợ phần lớn đã có sự kiểm soát và chứng nhận của cơ quan thú y (đóng dầu kiểm định);

+ Đồ chứa đựng, dụng cụ, thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh, được rửa sạch, khử trùng trước và sau khi sử dụng;

- Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm chín và dịch vụ ăn uống:

+ Bố trí ở một khu vực riêng, ít ảnh hưởng về hơi, khói, mùi… tới các ngành hàng kinh doanh khác;

+ Có dụng cụ, đồ chứa đựng và khu vực trưng bày riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín;

+ Có bàn, giá bày bán thực phẩm cao cách mặt đất 60cm;

+ Một số hộ kinh doanh đã có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng; ngăn được sự xâm nhập của ruồi và các côn trùng, động vật khác;

+ Bảo đảm có đủ nước và đá sạch.

c) Công tác thanh tra, kiểm tra

Hoạt động thanh, kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn chợ được duy trì thường xuyên theo quy định của pháp luật.

3.2. Những tồn tại

a) Về cơ sở vật chất:

- Mặt nền chợ ở một số khu vực và hệ thống thu gom nước thải đã xuống cấp, thoát nước kém. Nước thải của chưa được xử lý đổ thẳng ra Sông Lô;

- Chưa có các biện pháp phân loại rác thải;

- Chưa có hệ thống kho hàng, các thiết bị thiết bị lạnh công suất lớn để làm dịch vụ gửi hàng, bảo quản thực phẩm;

- Chưa có biển hiệu “Chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh sinh toàn thực phẩm” tại các cửa ra vào chợ; chưa có biển hiệu ghi tên người bán hàng, số điện thoại... (theo quy cách thống nhất do đơn vị quản lý chợ quy định) tại quầy bán.

b) Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ:

Chưa thực hiện trang bị bảo hộ lao động như: tạp dề, găng tay, khẩu trang; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với thực phẩm;

Nhiều hộ kinh doanh chưa có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng; ngăn được sự xâm nhập của ruồi và các côn trùng, động vật khác.

c) Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ:

- Mặc dù được bố trí ở một khu vực riêng, nhưng vẫn gây ảnh hưởng về hơi, khói, mùi… tới các ngành hàng kinh doanh khác;

- Nơi chế biến không cách xa cống rãnh.

d) Cán bộ chuyên trách chưa được trang bị thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ.

Phần III

PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Căn cứ để lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm

1.1. Chợ Tam Cờ là chợ hạng I nằm trong quy hoạch chợ của địa phương, đang hoạt động có hiệu quả;

1.2. Có khu kinh doanh hàng thực phẩm khá riêng biệt;

1.3. Chủ thể kinh doanh hàng thực phẩm là các hộ kinh doanh cố định, phần lớn đều đã có đăng ký kinh doanh;

1.4. Có điều kiện xác định được nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ;

1.5. Có chủ thể quản lý chợ: Ban Quản lý chợ;

1.6. Chợ đã có nội quy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Những tiêu chí chủ yếu của mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

2.1. Tiêu chí về thực phẩm kinh doanh tại chợ:

- Thực phẩm kinh doanh trong chợ có nguồn gốc rõ ràng, an toàn. Không bày bán thực phẩm giả, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất lượng không bảo đảm;

- Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm phải có sự kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan thú y;

- Hàng thực phẩm chế biến được bảo quản trong tủ kính hoặc che đậy, bao gói hợp vệ sinh; phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi đầy đủ trên bao, gói;

- Không sử dụng và bày bán các chất phụ gia, phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế; Không sử dụng chất bảo quản thực phẩm và chất tẩy rửa không được phép sử dụng hoặc sử dụng quá mức cho phép;

- Nước sử dụng chế biến thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn quy định;

- Tất cả các loại thực phẩm phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, tủ cách ly khỏi mặt đất tối thiểu 60cm.

2.2. Tiêu chí về người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ:

- Người trực tiếp kinh doanh thực phẩm tại chợ phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm;

- Có Giấy khám sức khỏe định kỳ (hàng năm);

- 100 % thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ được phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; có Giấy chứng nhận đã được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- 100 % thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Trang bị bảo hộ lao động như: tạp dề, găng tay, khẩu trang; giữ gìn vệ sinh cá nhân; rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với thực phẩm.

2.3. Tiêu chí về cơ sở vật chất, kỹ thuật:

a) Đối với toàn bộ chợ:

- Khu vực chế biến, kinh doanh thực phẩm được chia theo nhóm hàng riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã chế biến;

- Có khu xử lý chất thải (rác thải rắn và nước thải) trong chợ đảm bảo theo quy định. Hệ thống thu gom rác thải phải đảm bảo các yêu cầu: Nơi tập trung rác thải phải cách ly với các không gian hoạt động của chợ, được bố trí tại các góc khuất, cạnh đường giao thông để xe thu gom rác dễ ra vào hàng ngày. Phương thức thu gom rác phù hợp với phương thức thu gom rác của thành phố. Hướng vận chuyển rác thải không chồng chéo lên các luồng giao thông trong chợ. Cần có các biện pháp phân loại rác thải. Các khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống, đồ ăn uống khi thiết kế cần chú ý tới việc xử lý rác thải và phương thức làm vệ sinh định kỳ trong ngày.

- Hệ thống cống rãnh đảm bảo kín, thoát nước tốt, không gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Dụng cụ chứa rác thải phải có nắp đậy và được thu gom, xử lý hàng ngày;

- Có kho (hoặc thiết bị) lạnh để bảo quản thực phẩm phù hợp với quy mô kinh doanh thực phẩm của chợ;

- Khu giết mổ gia cầm (nếu có) phải bố trí riêng, cách biệt khu bày bán thực phẩm.

- Có nhà vệ sinh, chậu rửa tay và thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ;

- Có đủ nước sạch sử dụng trong chợ;

- Có biển hiệu “Chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh sinh toàn thực phẩm” tại các cửa ra vào chợ.

b) Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tại chợ:

- Đối với khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống:

+ Bàn hoặc giá bày bán thực phẩm phải cao cách mặt đất ít nhất 60cm;

+ Mặt bàn bày bán thực phẩm tươi sống được chế tạo bằng vật liệu dễ dàng làm vệ sinh (inox, gạch men ...);

+ Trang thiết bị, dụng cụ có bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu bảo đảm yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm;

+ Đồ chứa đựng, dụng cụ, thiết bị chế biến, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh, được rửa sạch, khử trùng trước và sau khi sử dụng, không gây ô nghiễm thực phẩm;

+ Sử dụng chất tẩy, rửa, chất diệt khuẩn, chất tiêu độc an toàn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng con người và không gây ô nghiễm môi trường;

+ Có biển hiệu ghi tên người bán hàng, số điện thoại,... tại quầy bán (theo quy cách thống nhất do đơn vị quản lý chợ quy định).

- Đối với khu vực kinh doanh thực phẩmchín và dịch vụ ăn uống:

+ Bố trí ở một khu vực riêng, tránh những ảnh hưởng về hơi, khói, mùi… tới các ngành hàng kinh doanh khác;

+ Có dụng cụ, đồ chứa đựng và khu vực trưng bày riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín;

+ Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm) và thực hiện quy trình chế biến một chiều (từ nguyên liệu đầu vào, sơ chế, chế biến thành sản phẩm đầu ra được bố trí theo một chiều duy nhất, giữa các khâu chế biến phải bảo được tách biệt tránh gây ô nhiễm chéo);

+ Có quần áo bảo hộ, có mũ chụp tóc, bao tay trang bị cho người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm;

+ Có bàn hoặc giá bày bán thực phẩm cao cách mặt đất ít nhất 60cm;

+ Có tủ kính hoặc thiết bị bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng; ngăn được sự xâm nhập của ruồi và các côn trùng, động vật khác;

+ Bảo đảm có đủ nước và đá sạch;

+ Có dụng cụ chứa đựng rác thải có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày;

+ Có biển hiệu ghi tên người bán hàng, số điện thoại... (theo quy cách thống nhất do đơn vị quản lý chợ quy định) tại quầy bán;

2.4. Công tác thanh tra, kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất) việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn chợ được duy trì thường xuyên theo quy định của pháp luật. Cán bộ chuyên trách được trang bị thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ.

3. Quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể tham gia mô hình (Cán bộ của Ban Quản lý chợ; thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ)

3.1. Quyền lợi:

Thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ:

- Được phổ biến, tuyên truyền và phát miễn phí một số văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Được dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Được hỗ trợ kinh phí khám sức khoẻ;

- Một số thương nhân kinh doanh thực phẩm tiêu biểu được cấp miễn phí một số trang bị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: bàn hoặc mặt bàn bán thực phẩm tươi sống, tủ kính đựng thực phẩm chế biến (chủng loại và số lượng tùy theo điều kiện cụ thể).

Cán bộ quản lý chợ:

- Cán bộ quản lý chợ và một số đại diện thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ được đi tham quan, học kinh nghiệm của các chợ (trong và ngoài tỉnh) làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Cán bộ chuyên trách kiểm tra chất lượng thực phẩm kinh doanh trong chợ của đơn vị quản lý chợ được tập huấn miễn phí về nghiệp vụ kiểm tra và được cấp một số thiết bị kiểm tra.

3.2. Trách nhiệm

a) Trách nhiệm chung:

- Tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Trách nhiệm cụ thể đối với Ban Quản lý chợ:

- Phối hợp với ban Quản lý Dự án thực hiện những tiêu chí chủ yếu của mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh thực phẩm trong chợ bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm. Hướng dẫn thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Tổ chức các dịch vụ tại chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Xây dựng nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nội quy mẫu theo Quyết định số 773/2003/QĐ-BTM ngày 24 tháng 6 năm 2003 do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) ban hành để trình Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ, trong đó quy định rõ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức điều hành và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền;

- Ngoài ra, thực hiện những trách nhiệm có liên quan khác được quy định tại Điều 9 của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Thông tư 06/2003/TT-BTM ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Quản lý chợ;

- Sử dụng hệ thống loa truyền thanh tuyên truyền, vận động thương nhân trong chợ chấp hành tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

c) Trách nhiệm cụ thể của thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ

- Cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và Nội quy của chợ về vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Không bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

- Giữ gìn vệ sinh tại địa điểm kinh doanh;

- Thực hiện đúng các tiêu chí đối với người kinh doanh của mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI

1. Lập, trình đề cương, dự toán Dự án. Điều tra, khảo sát; lập, trình phê duyệt Dự án.

2. Hỗ trợ hoạt động phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật và các quy định trong sản xuất, kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các hình thưc: Thông tin truyền hình; báo; banzone, áp phích, tờ rơi.

3. Tổ chức các Lớp tập huấn kiến thức chuyên môn về vệ sinh an toàn thự phẩm.

4. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ kiểm tra chất lượng thực phẩm tại chợ; biển hiệu “chợ vệ sinh an toàn thực phẩm”; một số trang, thiết bị bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người kinh doanh.

5. Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải và rác thải; cải thiện điều kiện phòng chống cháy nổ trong khu vực chợ, hệ thống chiếu sáng khu vực kinh doanh hàng thực phẩm, hàng ăn uống.

6. Hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu thực phẩm tại chợ. Hỗ trợ người kinh doanh thực phẩm về kinh phí khám sức khỏe.

7. Hỗ trợ kinh phí tổ chức đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm thực tế triển khai công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ ở các tỉnh bạn.

8. Tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ theo tiêu chí đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động người kinh doanh chủ động thực hiện đóng mới quầy, tủ; mua sắm trang, thiết bị phục vụ kinh doanh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Hỗ trợ vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng an toàn thực phẩm.

10. Tổ chức khen thưởng, sơ kết, tổng kết.

Phần thứ ba

GIẢI PHÁP HỖ TRỢ THỰC HIỆN DỰ ÁN “MÔ HÌNH CHỢ THÍ ĐIỂM BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM”

I. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật và các quy định trong sản xuất, kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân thông qua báo, đài truyền thanh, đài phát thanh - truyền hình.

2. Tập huấn kiến thức chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cán bộ quản lý chuyên ngành của Sở Công thương, cán bộ của các phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện, thành phố, cán bộ Ban Quản lý chợ, hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ.

II. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ QUY HOẠCH KHU VỰC NUÔI, TRỒNG VÀ SẢN XUẤT CÁC SẢN PHẨM THỰC PHẨM BẢO ĐẢM VỆ SINH

1. Xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản tập trung theo hướng an toàn sinh học để cung cấp cho chợ

- Tổ chức sản xuất theo hướng gắn kết các khâu từ sản xuất chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tại chợ; phát huy vai trò của các tổ nhóm, hợp tác xã, hộ trang trại. Xã hội hoá các hình thức đào tạo nghề, kỹ thuật chăn nuôi, thú y.

- Chuyển đổi mạnh mẽ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại. Nuôi trong hàng rào ngăn cách, không chăn thả tự do, đảm bảo an toàn sinh học. Giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ tại các vùng đông dân cư­­.

- Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi cho phù hợp đặc điểm sinh thái và lợi thế từng vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các loại vật nuôi, đảm bảo phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường:

+ Đối với chăn nuôi gia súc: tập trung tổ chức sản xuất giống chất lượng cao; phát triển vùng chăn nuôi trang trại, quy mô công nghiệp.

+ Đối với chăn nuôi gia cầm: xây dựng các vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, công nghiệp an toàn sinh học có kiểm soát chặt chẽ.

+ Đối với nuôi thủy sản: Tập trung vào vật nuôi phù hợp điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường, không sử dụng các loại hoá chất kháng sinh độc hại cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

- Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có nguồn thịt sạch cung cấp vào chợ.

2. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn

Tập trung quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại khu vực thành phố thành vùng sản xuất hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm rau an toàn đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng và cộng đồng.

3. Quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Trên cơ sở hiện trạng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố, cần rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo đủ lượng gia súc, gia cầm sau giết mổ phục vụ nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn cho chợ và cho nhân dân trong khu vực thành phố.

III. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI

1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước khi sản phẩm lưu thông tại chợ

- Đơn vị quản lý chợ thường xuyên kiểm tra trong và ngoài khu vực chợ về nguồn gốc sản phẩm, về các thông tin liên quan đến sản phẩm. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, cần có sự phối hợp chặc chẽ với cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

- Khi phát hiện ra các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Những sản phẩm vi phạm phải được thu hồi, tiêu hủy theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học trong phòng chống dịch, bệnh cây trồng, vật nuôi trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ

2.1. Đối với cây trồng:

- Xây dựng mô hình sản xuất cây giống rau đảm bảo chất lượng: nhằm mục đích cung cấp cây giống rau sạch bệnh, có chất lượng cao trên địa bàn các vùng quy hoạch. Từ đó giúp giảm chi phí trong sản xuất đặc biệt là lượng thuốc bảo vệ thực vật/vụ rau, rút ngắn được thời gian sản xuất trên đồng ruộng và tăng độ đồng đều về chất lượng sản phẩm khi thu hoạch để đưa vào tiêu thụ.

- Xây dựng mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả và rau gia vị với cơ cấu hợp lý trong điều kiện nhà lưới và ngoài tự nhiên có áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất rau an toàn. Mục tiêu nhằm tạo ra các mô hình điểm thực sự hiệu quả kinh tế để cho người dân học tập và làm theo, từ đó nhân rộng diện tích ra toàn vùng.

2.2. Đối với vật nuôi:

Tăng cường các biện pháp thú y tại các cơ sở chăn nuôi tập trung và nuôi phân tán. Kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông tiêu thụ thực phẩm đến chợ trước khi đưa sản phẩm bán lẻ đến người tiêu dùng.

IV. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ ĐỐI VỚI CÁC CHỦ THỂ THAM GIA MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

Để mô hình đi vào cuộc sống, cần huy động triệt để nguồn vốn tham gia đầu tư cho mô hình, trong đó:

1. Ngân sách Trung ương: tập trung hỗ trợ đầu tư một số trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh và kiểm tra chất lượng thực phẩm tại chợ; hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải và rác thải, môi trường, phòng chống cháy nổ trong khu vực chợ, hệ thống chiếu sáng khu vực kinh doanh hàng thực phẩm, hàng ăn uống, chi phí lập Dự án, tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chi khen thưởng, họp sơ kết, tổng kết, kinh phí đi khảo sát thực tế công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ trong và ngoài tỉnh,...

2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ: Thực hiện các công tác thuộc nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; về quy hoạch khu vực nuôi, trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm vệ sinh; về phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi.

3. Vốn huy động xã hội hóa: Đóng mới quầy, tủ; mua sắm trang, thiết bị phục vụ kinh doanh nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

V. NHÓM GIẢI PHÁP VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CÓ LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CHỢ

1. Tăng cường công tác thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm giữa các cấp, các ngành

- Huy động các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương tham gia vào công tác tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên và tăng cường trong các đợt định kỳ như lễ, tết dưới nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi...

- Tuyên truyền các quy định của pháp luật, kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Tổ chức tốt các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ

- Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, các kế hoạch thanh, kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung ương, của tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm đối với chợ. Xử lý nghiêm và thực hiện việc công bố các hành vi vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh không lành mạnh,… nhất là đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh chế biến, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

- Các ngành chức năng như: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động tham mưu cho tỉnh ra các quyết định thanh tra, kiểm tra đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình các cấp, các ngành làm tốt chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

Bên cạnh thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định chung của Trung ương, của Tỉnh, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm theo chức năng quản lý của ngành; chỉ đạo các phòng, ban, các đơn vị thuộc ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như công tác thanh, kiểm tra để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Xây dựng và ban hành các văn bản nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở tăng cường sự phối hợp liên ngành, trong đó ngành y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

4. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân thành phố

Để nâng cao được nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, Ủy ban nhân dân thành phố cần giao trách nhiệm cụ thể cho một cơ quan trong việc tham mưu thực hiện chợ mô hình chợ an toàn thực phẩm; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra các thương nhân hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại chợ, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

VI. NHÓM GIẢI PHÁP BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA CÁC CHỦ THỂ THAM GIA MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

1. Lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, mở các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia mô hình thí điểm

- Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các thương nhân tại chợ, coi đây là điều kiện quan trọng, không thể thiếu để nâng cao nhận thức của mọi cán bộ quản lý và thương nhân kinh doanh tại chợ mô hình. Nhằm tạo điều kiện để các thương nhân kinh doanh thực phẩm được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần bổ sung thêm kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thông qua các lớp tập huấn, cán bộ, người lao động trong Ban Quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ được trang bị những kiến thức cơ bản về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ công tác quản lý cũng như trong trong chế biến thực phẩm, các yếu tố làm cho thực phẩm không an toàn; hướng dẫn các cách thực hành, lựa chọn thực phẩm an toàn. Ngoài ra, các thương nhân còn được tìm hiểu các văn bản quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định xử phạt đối với các thương nhân kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh,... để chủ động phòng ngừa, góp phần hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Thời gian tập huấn, hướng dẫn có thể dài, ngắn khác nhau song cần bố trí nội dung phù hợp với độ tuổi, trình độ tiếp thu và không làm ảnh hưởng đến thời gian bán hàng của thương nhân.

2. Quan tâm tổ chức cho đơn vị quản lý chợ và các hộ kinh doanh đi khảo sát thực tế công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ trong và ngoài tỉnh

Để tăng cường công tác quản lý chợ cũng như nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các chợ trên địa bàn tỉnh, cần tạo điều kiện cho đơn vị quản lý chợ và các hộ kinh doanh đi học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ trong và ngoài tỉnh.

VII. NHÓM GIẢI PHÁP XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành

Xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn thành phố hiện nay. Các hành vi vi phạm thường gặp như: sản xuất, kinh doanh các loại nông sản có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã bị biến chất, nhiễm bẩn, có tạp chất lạ hoặc nhiễm các chất độc hại có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người; sản xuất, kinh doanh thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh không được phép có trong thực phẩm hoặc vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, các vi chất dinh dưỡng, các chất hỗ trợ chế biến không được phép sử dụng hoặc sử dụng không đúng liều lượng, giới hạn quy định hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ... Để xử lý được những vi phạm này, trước hết cần tăng cường đội ngũ cán bộ thanh, kiểm tra có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp để tăng cường cho lĩnh vực này.

2. Xử lý các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nội quy chợ đã được phê duyệt

Vi phạm Nội quy chợ thường gặp tại chợ hiện nay là không giữ gìn vệ sinh chung, phóng uế, xả rác, đổ nước, chất thải, xác động vật chết, thức ăn ôi thiu bừa bãi trong phạm vi chợ; bán hàng kém phẩm chất,...

Để ngăn ngừa các vi phạm về quy định của Nội quy chợ, cần xây dựng đội ngũ những người làm công tác quản lý của Ban Quản lý chợ có trình độ hiểu biết pháp luật và hiểu biết về công tác quản lý chợ nói chung, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng. Có chế độ đãi ngộ hợp lý để giúp đội ngũ này yên tâm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾ HOẠCH VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN DỰ ÁN

STT

NỘI DUNG

THỜI ĐIỂM HOÀN THÀNH

1

Khảo sát thực tế, nghiên cứu lựa chọn chợ đưa vào mô hình thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện Dự án

Từ 10/3 đến 30/5/2013

2

Triển khai thực hiện Dự án trên thực tiễn

Từ 6/2013

5

Tổng kết, đánh giá tác động về kinh tế, xã hội của việc thực hiện Dự án, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương; đồng thời xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình theo lộ trình được UBND tỉnh phê duyệt.

Tháng 12/2013

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND thành phố Tuyên Quang thực hiện theo các nội dung Dự án được duyệt.

- Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn đơn vị quản lý chợ được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm thực hiện các yêu cầu của mô hình chợ thí điểm. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu của mô hình chợ thí điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổng kết rút kinh nghiệm việc xây dựng mô hình chợ thí điểm.

- Chủ trì, phối hợp đơn vi chức năng tập huấn nghiệp vụ quản lý và khai thác, phát triển chợ và các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đối tượng liên quan.

- Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ trong và ngoài tỉnh, rút kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế địa phương.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra việc đầu tư xây dựng các hạng mục thuộc nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho chợ vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổng hợp kết quả đầu tư chợ vệ sinh an toàn thực phẩm, báo cáo định kỳ và đột xuất về Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Trách nhiệm của các sở

2.1. Sở Y tế

- Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đến các thương nhân kinh doanh tại chợ,

- Tham mưu tỉnh ban hành các văn bản nhằm khuyến khích tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định về việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, có quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp giấy chứng nhận cho tất cả các hộ tiểu thương trong chợ và cán bộ Ban Quản lý chợ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ; phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất.

- Chủ trì thực hiện và hướng dẫn cán bộ Ban Quản lý chợ định kỳ, đột xuất lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong chợ; cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm trong chợ.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì thẩm định, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ theo mô hình thí điểm, trình duyệt theo quy định.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phân khai nguồn vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ đầu tư chợ đảm bảo vệ sinh an taonf thực phẩm.

- Hàng năm, lập danh mục và kế hoạch nhu cầu vốn ngân sách (Trung ương và địa phương) hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ theo mô hình thí điểm.

2.3. Sở Tài chính

- Sở Tài chính phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và các ngành có liên quan căn cứ chính sách chế độ hiện hành của nhà nước, của tỉnh thẩm định dự toán kinh phí phần ngân sách tỉnh hỗ trợ cho Dự án xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các ngành chức năng liên quan trong việc hướng dẫn về giá đối với các mặt hàng tại chợ thuộc diện kê khai giá theo quy định.

2.4. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Thực hiện giải pháp quy hoạch khu vực nuôi, trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm vệ sinh; giải pháp phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi.

- Công bố, hướng dẫn thực hiện các quy hoạch nuôi trồng, sản xuất đã được duyệt đến UBND thành phố và người sản xuất; gắn vùng nuôi tập trung với cơ sở chế biến, kinh doanh theo quy hoạch. Thông tin cho Sở Công thương và đơn vị Quản lý chợ về quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, các khu giết mổ tập trung, các cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc ngành mình quản lý để góp phần giúp các hộ kinh doanh thực phẩm và ăn uống tại chợ mua được các sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phổ biến kiến thức, thông tin, kinh nghiệm trong phòng ngừa, chữa trị các dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho các đối tượng là nông dân biết để chủ động trong sản xuất.

- Đề xuất các chính sách hỗ trợ về vốn, cây con giống nhằm khuyến khích người nông dân trồng rau an toàn, người chăn nuôi, giết mỗ đúng quy trình, hợp vệ sinh, bảo đảm quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

- Quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, giết mổ, sơ chế, bảo quản đối với các sản phẩm thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang

- Phối hợp với Sở Công thương triển khai tổ chức thực hiện xây dựng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm theo Dự án được duyệt.

- Chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư chợ vệ sinh an toàn thực phẩm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt việc đầu tư xây dựng trên địa bàn quản lý.

- Chủ động công tác thanh kiểm tra các chợ mô hình vệ sinh na toàn thực phẩm trên địa bàn, xử lý kịp thời các vi phạm.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường Tân Quang được lựa chọn xây dựng mô hình chợ vệ sinh an toàn thực phẩm tham gia thực hiện xây dựng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm theo Dự án được duyệt. Theo dõi, đôn đốc các Ban Quản lý chợ thực hiện tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn.

4. Trách nhiệm của Ban Quản lý chợ tham gia mô hình thí điểm

- Thực hiện báo cáo thực trạng tình hình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ theo yêu cầu của Sở Công thương.

- Xây dựng Nội quy chợ theo quy định trình Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp quản lý chợ, trong đó quy định rõ yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức điều hành và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiêu chuẩn mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Sở Công thương.

- Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh thực phẩm trong chợ bảo đảm các yêu cầu về trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với tính chất của mặt hàng thực phẩm;

- Tổ chức các dịch vụ phục vụ tại chợ nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chợ; hướng dẫn thương nhân kinh doanh thực phẩm trong chợ thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Dự toán kinh phí các hạng mục, các trang thiết bị trong chợ cần đầu tư xây dựng, mua sắm đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ theo hướng dẫn của Sở Công Thương; tổ chức xây dựng, mua sắm các hạng mục công trình, các trang, thiết bị đảm bảo đúng quy định.

Thanh, quyết toán vốn hỗ trợ đầu tư với cơ quan tài chính theo quy định hiện hành (nếu có).

III. KIẾN NGHỊ ĐỂ HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

1. Lộ trình nhân rộng mô hình thí điểm

Sau khi Dự án xây dựng “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” hoàn thành, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội nghị đánh giá hiệu quả của mô hình để kiến nghị nhân rộng cho các chợ trên địa bàn tỉnh.

1.1. Dự kiến số lượng chợ dự kiến nhân rộng hàng năm theo mô hình chợ thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2014-2015 có 07 chợ, gồm:

Năm 2014:

- Thành phố Tuyên Quang: Chợ Bình Thuận.

- Huyện Yên Sơn: Chợ xã Mỹ Bằng.

- Huyện Hàm Yên: Chợ Đức Ninh.

Năm 2015:

- Huyện Sơn Dương: Chợ Tân Trào.

- Huyện Chiêm Hóa: Chợ xã Hòa Phú.

- Huyện Na Hang: Chợ Trung tâm thị trấn.

- Huyện Lâm Bình: Chợ Lăng Can.

1.2. Kinh phí thực hiện:

Nguồn kinh phí phục vụ công tác nhân rộng mô hình chợ thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2014-2015 được bố trí từ các nguồn:

- Nguồn Trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu Quốc gia hàng năm.

- Nguồn ngân sách địa phương.

- Nguồn xã hội hóa.

- Nguồn thu phí chợ được trích để lại theo quy định hiện hành.

2. Đề xuất đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

Hàng năm bố trí ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ nằm trong kế hoạch nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

3. Đề xuất đối với Bộ Công Thương

- Hướng dẫn tỉnh Tuyên Quang xây dựng chợ vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chợ trong Chương trình Dự án.

- Hàng năm hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các Sở Công Thương để thực hiện các hoạt động.

- Hướng dẫn Sở Công Thương tổ chức cho cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh thực phẩm, ăn uống tại các chợ xây dựng theo mô hình thí điểm; tìm hiểu thực tế công tác vệ sinh an taonf thực phẩm tại một số chợ trong và ngoài tỉnh để học tập và rút kinh nghiệm.

- Tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của các chợ được xây dựng và hoạt động theo mô hình thí điểm của tỉnh Tuyên Quang trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Đề xuất đối với Bộ Y tế

- Đẩy mạnh công tác thông tin và giáo dục truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cộng đồng. Đẩy mạnh việc thanh kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và đánh giá thực hiện kế hoạch hàng năm.

- Đầu tư trang bị các xét nghiệm nhanh cho Ban Quản lý chợ; doanh nghiệp quản lý và kinh doanh chợ.

- Hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang thực hiện các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, đánh giá thực trạng tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật trong nông sản, rau; hỗ trợ thực hiện các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản, đánh giá thực trạng tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật trong nông sản, rau.

- Ban hành Quy định, các tiêu chí chung về chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để địa phương làm căn cứ quản lý.

5. Đề xuất đối với đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các chợ thực hiện theo mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Đề xuất đối với đối với Bộ Tài chính

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Tuyên Quang nhân rộng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh an tòa thực phẩm trong chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 - 2015

7. Đề xuất đối với đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, Dự án sản xuất thủy hải sản, nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản, thủy hải sản. Có hướng dẫn về mặt chuyên ngành đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các giải pháp sản xuất, nuôi trồng và sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để cung ứng nguồn hàng cho các chợ./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 196/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Dự án xây dựng mô hình Chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang là chợ thí điểm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

  • Số hiệu: 196/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Trần Ngọc Thực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản