Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1954/QĐ-UBND

An Giang, ngày 21 tháng 6 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ KÊU GỌI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 6 năm 215;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Chương trình số 59/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 115/TTr-SKHĐT-DN ngày 16 tháng 6 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VỀ KÊU GỌI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 1954/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Chương trình số 59/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 như sau:

A. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Những kết quả đạt được:

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới giáp 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia), là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ mang nét đặc trưng riêng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng sinh sống, từ đó tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ; có vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí; có cả di chỉ nền văn hóa Óc Eo - Ba Thê; đặc biệt hơn cả An Giang là quê hương của Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Khu Lưu niệm của Bác tọa lạc trên vùng cù lao Ông Hổ xanh ngát ở giữa dòng sông Hậu.

Nhận thấy những tiềm năng lợi thế trên, những năm qua được Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung cân đối nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông kết nối các khu, điểm du lịch như: 07 cầu trên tuyến Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên; Đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; Đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; Đường tỉnh lộ 941 đi Tri Tôn, 02 cầu đường tỉnh lộ 948 (cầu Bưng Tiền, cầu Tà Đéc); có 01 cầu tàu đón du khách được đầu tư tại thành phố Châu Đốc. Toàn tỉnh có gần 5.581 km đường giao thông và 1.586 cây cầu với chiều dài 58,09 km..., hạ tầng các khu du lịch được quan tâm đầu tư như: CSHT khu du lịch lòng hồ số 2, 3; Hệ thống cấp nước khu du lịch Núi Cấm; Cơ sở hạ tầng du lịch (Hệ thống thoát nước mưa, nước thải, bãi xử lý rác khu vực Núi Sam sử dụng vốn ADB); Dự án khu du lịch núi Cấm (Dự án Đường nối TT điều hành đến Cao Đài Tự, Dự án Bãi chôn lấp rác KDL Núi Cấm, Khu dịch vụ hành hương II, Bãi xe đường lên ấp Vồ Đầu, Hệ thống cấp nước khu du lịch Núi Cấm); Khu Di tích văn hóa Óc Eo; Nâng cấp đường vào khu di tích Óc Eo; Khu du lịch Núi Sập và hạ tầng viễn thông phát triển khá đồng bộ, chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn, từ đó đã tạo mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy thông suốt và các cơ sở hạ tầng các khu để phục vụ du khách tham quan.

Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đầu tư các dự án phát triển du lịch như: Khu nghỉ dưỡng Thiên Cảnh Sơn, Khu du lịch Núi Trà Sư (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai), Bến tàu du lịch Tân Châu (Công ty TNHH một thành viên Ven sông Việt Tân Châu), Dự án đầu tư khu công viên và trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch hành hương 3 – Resort, Công viên trò chơi (Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang), Cáp treo Núi Cấm (Công ty Cổ phần Phát triển Du lịch An Giang); Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam (Công ty TNHH MGA Việt Nam), Điểm dừng chân kết hợp dịch vụ du lịch và thương mại Thọ Tô Châu (Công ty TNHH Thọ Tô Châu); Khu dịch vụ thương mại kết hợp văn hóa Du lịch Núi Sam (Công ty Cổ phần Điện nước An Giang); Khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Công ty TNHH MTV Sang Như Ngọc).

2. Những tồn tại, khó khăn:

Tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn một số tồn tại như: Hệ thống giao thông cầu, đường được đầu tư mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông ngày càng tăng, nhất là vào các mùa cao điểm lễ hội của tỉnh (mùa lễ hội Miếu bà chúa Xứ).

Nguồn ngân sách của tỉnh khó khăn, nên cân đối đầu tư phát triển cho du lịch còn hạn chế; mức độ tham gia của các nhà đầu tư vào hoạt động du lịch còn thấp, chưa thu hút đầu tư được các nhà đầu tư tiềm năng, nên một số công trình do nhà đầu tư đầu tư như: nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có tính khác biệt cao trong vùng để thu hút du khách và “giữ chân du khách” khi đến An Giang.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Từ những kết quả đạt được, cũng như những tồn tại nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động nhằm kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 18 tháng 01 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chương trình số 59/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, để tiếp tục xác định kinh tế du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh. Vì vậy, An Giang đang tăng cường đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình phục vụ du lịch của tỉnh An Giang đảm bảo nguồn lực để thực hiện tạo đột phá theo hướng phát triển nhanh và bền vững, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ...; chú trọng khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế và của cộng đồng để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Quan điểm đầu tư hạ tầng:

Xây dựng hạ tầng du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa như đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng du lịch.

2. Mục tiêu:

Đến 2020, có ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 4 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô vừa; có các trung tâm mua sắm hiện đại; có hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại; có mạng wifi được phủ sóng tại các khu, điểm du lịch trung tâm để phục vụ du khách.

Đến 2025, có thêm ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

3. Định hướng công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch:

Thu hút vốn phát triển du lịch theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” kết hợp với du lịch sinh thái nông nghiệp để khai thác tối đa các tiềm năng của tỉnh, trong đó chú trọng thu hút đầu tư các dự án về đầu tư các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn… để “giữ chân du khách” khi đến An Giang.

Thu hút vốn phát triển du lịch một cách bền vững, có trọng tâm và nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhưng phải trên cơ sở gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội.

III. NHIỆM VỤ THỰC HIỆN

1. Tập trung lập quy hoạch xây dựng và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển du lịch

Các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động rà soát, điều chỉnh hoặc lập quy hoạch xây dựng mới đối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn và đầu tư kết cấu hạ tầng làm cơ sở để kêu gọi đầu tư, trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Lập quy hoạch xây dựng tổng thể phát triển du lịch Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, quy hoạch phát triển du lịch khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Lập quy hoạch xây dựng phân khu về du lịch tại khu Bắc Núi Sam - thành phố Châu Đốc, và quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 tuyến đường vòng Công viên văn hóa Núi Sam.

- Triển khai thực hiện các Quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt, cụ thể: Quy hoạch phát triển du lịch ba xã Cù Lao Giêng, huyện Chợ Mới; Quy hoạch phát triển du lịch Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên; Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Núi Sam giai đoạn đến năm 2020, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Lập Quy hoạch phát triển du lịch tại Khu du lịch Núi Sập, huyện Thoại Sơn; Quy hoạch phát triển du lịch lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất thiết yếu tại các khu di tích, điểm du lịch để kết nối hình thành các tuyến du lịch với nhau với địa phương khác:

Tiếp tục đầu tư hạ tầng thiết yếu của tỉnh, để kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ để hình thành một số tuyến du lịch địa phương như:

a) Đối với hạ tầng giao thông:

Trong giai đoạn 2016-2020, cần tập trung vốn ngân sách đầu tư các dự án lĩnh vực giao thông phục vụ phát triển du lịch (Đường tỉnh 941, 942, 943, 945, 948, 955A, 957, 02 tuyến đường đầu tư trên địa bàn thành phố Châu Đốc (bao gồm: Tuyến tránh quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, Nâng cấp cải tạo đường lên đỉnh Núi Sam) và 02 tuyến đường đầu tư trên địa bàn huyện Thoại Sơn (Nâng cấp mở rộng tuyến Thoại Giang – Xã Diễu (đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Xã Diễu), Nâng cấp tuyến tránh thị trấn Núi Sập).

Giai đoạn sau 2020 và định hướng đến năm 2025, ưu tiên đầu tư các dự án như: dự án xây dựng tuyến đường trục chính nối đường Tôn Đức Thắng với khu du lịch sinh thái bãi bồi Vĩnh Mỹ (đường số 14 A, B); Tuyến đường vòng Công viên Văn hóa Núi Sam; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường kênh E đạt chuẩn đường cấp 5 đồng bằng (lòng đường nhựa 5,5 m, mỗi lề 1 m) để nối với huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Tỉnh lộ 947 đạt chuẩn đường cấp 5 đồng bằng (lòng đường nhựa 5,5 m, mỗi lề 1 m) từ cầu Mướp Văn đến Sóc Xoài, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

b) Đối với hạ tầng các khu lịch: ngân sách đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa tại các khu di tích, khu, điểm du lịch gắn với các loại hình du lịch tâm linh, tham quan, tìm hiểu lịch sử (Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê).

c) Tiếp tục huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của An Giang… và gắn liền với những địa danh này là những lễ hội, làng nghề, du lịch sinh thái, ẩm thực đặc trưng và tâm linh, để kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch địa phương.

Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án trọng tâm của tỉnh như: xây dựng khu du lịch nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái vùng sông nước tại cù lao cồn Phó Ba và cù lao ông Hổ, dự án du lịch sinh thái bãi bồi cồn Vĩnh Mỹ, các dự án du lịch nghỉ dưỡng Bắc Miếu Bà, Khu du lich Soài So, Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái Búng Bình Thiên và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn)…, trong đó chú trọng khai thác khu nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu bằng thảo dược và điểm du lịch sinh thái kết hợp sân golf để khai thác lượt khách hành hương đến Núi Cấm; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, resort, chợ đặc sản, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại tại Châu Đốc để khai thác lượt khách đến cúng và trả lễ Bà Chúa Xứ hàng năm.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI GIAN TỚI

1. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện một trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp:

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020: phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày); thủ tục kết nối cấp, thoát nước xuống còn 7 ngày (giảm 7 ngày); thủ tục đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công xuống còn 20 ngày (giảm 10 ngày); tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 20 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 30 tháng.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, qua đó xác định rõ đầu mối chính của quy trình thực hiện giao dịch hành chính, là nơi tiếp nhận các thủ tục cần thiết cho việc giải quyết các quan hệ hành chính và là nơi cung cấp kết quả cuối cùng sau khi thực hiện các bước tác nghiệp theo quy định.

Ban Hỗ trợ Doanh nghiệp cấp tỉnh và huyện tiếp tục thường xuyên tiếp xúc doanh nghiệp, để xem xét xử lý những khó khăn, vướng mắc xử lý những nội dung kiến nghị của doanh nghiệp, hoặc giao cơ quan chuyên môn giải quyết theo thẩm quyền.

2. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư mang tính chất đặc thù của tỉnh

Tiếp tục rà soát sự không thống nhất giữa quy định của Luật Đầu tư với quy định của các luật có liên quan, để kiến nghị Chính phủ sửa đổi. Trước hết các ngành cần tập trung nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư như: “Chính sách thuế; Chính sách đất đai; Chính sách tín dụng”.

3. Về huy động nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch:

Tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các dự án theo hướng có trọng tâm, trọng điểm (các công trình kết nối các khu du lịch tỉnh, các khu điểm du lịch trọng điểm) làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch.

Tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch; thu hút nhiều hình thức đầu tư, chú trọng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó ưu tiên thu hút dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm, để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có khả năng cạnh tranh. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, có hiệu quả. Tăng cường công tác tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp mở rộng môi trường sản xuất, kinh doanh.

Lập danh mục một số dự án trọng điểm của tỉnh, đưa vào kêu gọi đầu tư; xã hội hóa đầu tư các dự án dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm.

4. Phát triển mạnh tinh thần khởi nghiệp của Tuổi trẻ An Giang trong việc tham gia đầu tư phát triển du lịch

Từng địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để Thanh niên khởi nghiệp được vay vốn sản xuất kinh doanh (chủ yếu các nghề truyền thống tại địa phương) để phục vụ du khách tham quan mua sắm đối với mô hình phát triển du lịch nông thôn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ sau:

(1) Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, Chương trình, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực du lịch.

(2) Tăng cường liên kết với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để phát triển du lịch; Tập trung liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thu hút khách du lịch đến An Giang.

(3) Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và danh mục dự án trọng điểm của tỉnh cần thu hút đầu tư tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài để huy động các nguồn lực xã hội cho công đầu tư hạ tầng du lịch, đồng thời quảng bá du lịch tỉnh.

(4) Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hội, đoàn thể tỉnh đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư; xã hội hóa đầu tư các dự án dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm…

(5) Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế đặc thù hỗ trợ vay vốn cho thanh niên khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch (chủ yếu đầu tư vào các làng nghề truyền thống phục vụ du khánh tham quan mua sắm và phát triển du lịch sinh thái).

(6) Trên cơ sở các Khu du, điểm du lịch hiện có, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn những khu du lịch có tiềm năng, xây dựng quy hoạch xây dựng tổng thể khu, điểm, trong đó có mô hình du lịch cảnh quan sinh thái và du lịch nông dân để du khách dễ dàng tham gia mọi hoạt động.

(7) Tham mưu UBND tỉnh lập dự án hạ tầng trạm dừng xe du lịch trên các tuyến đường chính kết nối các khu, điểm du lịch và các cầu tàu hoặc bến tàu đón khách du lịch, để kêu gọi đầu tư với hình thức đầu tư phù hợp.

(8) Thường thuyên cập nhập các chính về du lịch, để xem xét có những đề xuất kiến nghị điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tế địa phương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh những vấn đề sau:

(1) Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chỉnh phủ những bất cập trong các chính sách thu hút đầu tư đã ban hành, trong đó tập trung các chính sách về lĩnh vực du lịch.

(2) Tạo điều kiện nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời rà soát và kiên quyết thu hồi những dự án không triển khai để cấp cho nhà đầu tư khác có năng lực thực sự, có thị trường nguồn khách ổn định.

(3) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm để thực hiện các dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(4) Phối hợp các Sở ngành liên quan, đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, các tổ chức tín dụng, các Ngân hàng thương mại để tạo điều kiện các nhà đầu tư tiếp cận vay vốn, hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm để thực hiện các dự án, chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Xây dựng

Phối hợp với các Sở ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai và công bố thông tin các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ.

Thẩm định quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng công trình du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Sở Giao thông Vận tải

Trên cơ sở danh mục đầu tư công giai đoạn 2016-2020, xác định những dự án giao thông có khả năng thu hút đầu tư để tham mưu UBND tỉnh chuyển đổi hình thức đầu tư để kêu gọi đầu tư.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Kịp thời giải quyết và đề xuất UBND tỉnh giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư để xây dựng các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.

Triển khai Đề án tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư các trọng điểm tỉnh đang kêu gọi đầu tư, trong đó: cần dự kiến quỹ đất để ưu tiên thu hút đầu tư dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách đất đai đã ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch tiếp cận đất đai”, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cải thiện chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhà đầu tư về Chính sách đất đai.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tham mưu UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về rau màu và các loại cây ăn trái, đặc sản của địa phương vừa phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ nhu cầu cho khách du lịch tham quan.

Chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng một số mô hình làng nghề truyền thống phục vụ tham quan du lịch.

8. Cục thuế tỉnh

Trên cơ sở chính sách đã ban hành Cục thuế tỉnh, tiếp tục nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách ưu tiên, miễn giảm thuế có lợi nhất mang tính chất đặc thù của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh An Giang

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các Ngân hàng thương mại để tạo điều kiện các nhà đầu tư tiếp cận vay vốn, hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định khi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Khuyến kích các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với các dự án, phương án của doanh nghiệp khởi nghiệp, thanh niên khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch có ý tưởng sáng tạo, đột phá, tính bền vững cao, thân thiện với môi trường, đóng góp thiết thực vào công tác an sinh xã hội tỉnh.

10. Tỉnh đoàn An Giang

Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh niên khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Đưa kế hoạch khai thực hiện Chương trình hành động Ủy ban nhân dân tỉnh về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 vào Chương trình công tác năm để phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng Hội Doanh nhân trẻ An giang và đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh, nhất là thanh niên khởi nghiệp.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Trên cơ sở các dự án trọng điểm của tỉnh, Chủ động đề xuất dự án để kêu gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn.

Chủ động phối hợp với các sở, ngành kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch và các dịch vụ du lịch.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, liên quan tiến hành lập quy hoạch chi tiết phân khu chức năng, đầu tư hạ tầng giao thông, bãi đậu xe để thu hút đầu tư.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để Thanh niên khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

12. Chế độ báo cáo

Định kỳ vào ngày 20 tháng 11 hằng năm các đơn vị được phân công nhiệm vụ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh kế hoạch các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1954/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 1954/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản