Hệ thống pháp luật

CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1954/1997/CAAV-KV

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM SỐ 1954/CAAV-KV NGÀY 29 THÁNG 10 NĂM 1997 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY CHẾ KIỂM TRA ĐỂ CẤP, GIA HẠN CHỨNG CHỈ VÀ NĂNG ĐỊNH CHO NHÂN VIÊN KHÔNG LƯU HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM"

CỤC TRƯỞNG CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 04/1/1992 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 20 tháng 04 năm 1995;
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 20/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam;
Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức cán - Lao động, Trưởng ban Không tải- Không vận, Trưởng ban An toàn Hàng không;
Để không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức kiểm tra để cấp, gia hạn chứng chỉ và năng định nhân viên không lưu hàng năm.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế kiểm tra để cấp, gia hạn chứng chỉ và năng định cho nhân viên không lưu hàng không dân dụng Việt Nam".

Điều 2. Quy chế này được áp dụng thống nhất trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định ban hành. Huỷ bỏ tất cả những quy định trước đây trái với quy định này.

Điều 3. Ông Chủ tịch Hội đồng kiểm tra để cấp, gia hạn chứng chỉ và năng định, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Hồng Nhị

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

KIỂM TRA ĐỂ CẤP, GIA HẠN CHỨNG CHỈ VÀ NĂNG ĐỊNH CHO NHÂN VIÊN KHÔNG LƯU HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1954/CAAV-KVngày 29 tháng 10 năm 1997)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tất cả nhân viên làm công tác không lưu thuộc ngành hàng không dân dụng Việt Nam phải có chứng chỉ và năng định do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cấp hoặc gia hạn, sửa đổi, bổ sung thì mới được phép trực tiếp làm công tác không lưu trong ngành hàng không dân dụng Việt Nam.

- Đối tượng và phạm vi áp dụng được quy định tại Điều 3, Chương II của Quy chế này.

- Nghiêm cấm người trực tiếp làm công tác không lưu mà không có chứng chỉ và năng định hoặc chứng chỉ và năng định không còn hiệu lực hoặc không phù hợp với công việc chuyên môn.

Điều 2. Chứng chỉ và năng định trong Quy chế này được hiểu là:

1. Chứng chỉ (License) là giấy phép hành nghề do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cấp cho nhân viên trực tiếp làm công tác không lưu.

2. Năng định (Rating) là sự xác nhận có đủ điều kiện hành nghề tại vị trí cụ thể theo các quy định, tiêu chuẩn của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

- Năng định được cấp là cơ sở pháp lý để xác định khả năng làm việc tại vị trí cụ thể của nhân viên kiểm soát không lưu Việt Nam.

- Thời hạn hiệu lực của năng định được ghi trong chứng chỉ. Căn cứ vào yêu cầu công tác, trình độ năng lực của người được cấp có thể bổ sung, thay đổi, cấp lại hoặc bị thu hồi chứng chỉ và năng định.

3. Người cấp chứng chỉ và năng định phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản; phải mang theo chứng chỉ được cấp khi làm việc và chịu sự kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất của Thủ trưởng đơn vị hoặc thanh tra an toàn hàng không. Trường hợp bị mất, phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng đơn vị để xử lý hoặc làm thủ tục cấp lại. Trường hợp không đạt kết quả kiểm tra năng định, bị vi phạm an toàn bay, kỷ luật lao động, phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn về sức khỏe, Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi lại chứng chỉ và giao cho Ban An toàn Cục Hàng không dân dụng Việt Nam xử lý.

4. Chứng chỉ và năng định được lập theo mẫu thống nhất do Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định.

5. Nghiêm cấm việc cho mượn chứng chỉ hoặc sử dụng chứng chỉ không đúng mục đích được quy định.

Chương 2

ĐỐI TƯỢNG - PHẠM VI ÁP DỤNG

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Tất cả các nhân viên làm nhiệm vụ tại các vị trí trực tiếp cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn ngành hàng không dân dụng Việt Nam, bao gồm các vị trí sau:

1. Nhân viên thủ tục bay (Flight Information Officer)

2. Nhân viên kiểm soát hoạt động trong khu vực sân bay (Ground Control)

3. Kiểm soát viên không lưu đường dài (Area Controller)

4. Kiểm soát viên không lưu tiếp cận (Approach Controller)

5. Kiểm soát viên không lưu tại sân (Tower Controller)

6. Kiểm soát viên Ra đa (Radar Controller)

7. Kíp trưởng không lưu (Supevior)

8. Huấn luyện viên không lưu (Instructor)

9 Nhân viên đánh tín hiệu hướng dẫn cho tầu bay vào vị trí đỗ hoặc rời khỏi vị trí đỗ (Sighnal Man)

Điều 4. Phân loại đối tượng

1. Đối tượng cấp chứng chỉ và năng định lần đầu: là đối tượng chưa được cấp chứng chỉ và năng định. Yêu cầu phải tham gia huấn luyện, thực tập tại vị trí đề nghị cấp chứng chỉ và năng định ít nhất 6 tháng dưới sự kiểm tra hướng dẫn của người được cấp chứng chỉ và năng định phù hợp.

2. Đối tượng gia hạn chứng chỉ và năng định: là đối tượng đã được cấp chứng chỉ và năng định nhưng thời gian đã hết hiệu lực và có đề nghị gia hạn của thủ trường đơn vị. Riêng trường hợp bị giãn cách công việc (năng định) trên 6 tháng thì phải tiến hành các thủ tục để xin cấp chứng chỉ và năng định như tại mục 1 của Điều 4 với thời gian ôn tập tối thiểu là 3 tháng.

3. Đối tượng cấp thêm năng định: là đối tượng đã được cấp 1 năng định nhưng có nguyện vọng và được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đề nghị hoặc do nhu cầu công tác phải đảm nhiệm thêm vị trí khác. Yêu cầu phải qua thời gian thực tập, huấn luyện tại vị trí mới và đề nghị lên Hội đồng kiểm tra xét đề nghị Cục trưởng phê chuẩn bổ sung hoặc cấp thêm năng định mới.

4. Đối tượng thay đổi năng định: là đối tượng được cấp năng định nhưng phải chuyển đổi vị trí khác vị trí năng định ũu thì nhất thiết phải qua thời gian thực tập, huấn luyện tại vị trí mới và đề nghị Hội đồng kiểm tra xét đề nghị cấp năng định mới.

5. Các đối tượng khác: là đối tượng không thuộc các loại trên; tuỳ từng trường hợp cụ thể Hội đồng kiểm tra xác định và báo cáo Cục trưởng quyết định.

Điều 5. Điều kiện tham dự kiểm tra

Kiểm tra năng định là cơ sở, biện pháp đáng giá để Cục trưởng quyết định cấp chứng chỉ và năng định. Người tham dự kiểm tra phải có đầy đủ các điều kiện sau:

1. Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức XHCN, tự nguyện tham gia kiểm tra và tuổi từ 21 trở lên.

2. Đã tốt nghiệp khoá đào tạo cơ bản về không lưu.

3. Đủ thời gian thực tập, huấn luyện tại chỗ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 6 của Quy chế này.

4. Đáp ứng tiêu chuẩn sức khoẻ đối với nhân viên không lưu.

5. Không có tiền án, tiền sự hoặc đang bị thi hành án.

6. Được thủ trưởng đơn vị đề nghị.

Điều 6. Điều kiện để cấp chứng chỉ và năng định

Nhân viên đủ điều kiện sau đây sẽ được Chủ tịch Hội đồng kiểm tra xem xét đề nghị Cục trưởng ra quyết định phê chuẩn cấp chứng chỉ và năng định:

1. Đủ điều kiện tham dự kiểm tra;

2. Không vi phạm Quy chế kiểm tra;

3. Kết quả kiểm tra lý thuyết và thực hành phải đạt mức yêu cầu trở lên như quy định tại Điều 13.

Chương 3

NỘI DUNG KIỂM TRA NĂNG ĐỊNH

Điều 7. Nội dung kiểm tra

1. Nội dung kiểm tra bao gồm 2 phần lý thuyết và thực hành, được Hội đồng kiểm tra quy định đối với từng vị trí năng định cụ thể; là cơ sở quan trọng cho việc huấn luyện, ôn tập, đánh giá chất lượng. Nội dung kiểm tra phù hợp với thực tế nhưng không được giảm tiêu chuẩn tối thiểu phải được huấn luyện và kiểm tra.

2. Hội đồng kiểm tra chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị cơ sở để xây dựng, bổ sung, sửa đổi nội dung kiểm tra phù hợp trình Cục trưởng phê duyệt.

3. Nội dung cụ thể:

a. Lý thuyết chung:

- Bao gồm các nội dung trong các tài liệu chuyên ngành về không lưu và các văn bản, tài liệu hướng dẫn liên quan;

- Quy tắc bay;

- Các phương thức thực hành bay và tiêu chuẩn khai thác tối thiểu của sân bay;

- Công tác hiệp đồng;

- Tính năng của các trang thiết bị thông tin - dẫn đường - giám sát (CNS) hiện tại;

- Các điện văn, mã luật NOTAM, mã luật khí tượng phục vụ cho các hoạt động bay và công tác không lưu;

- Tính năng máy bay, các kiểu loại tầu bay hiện có của Việt Nam và của quốc tế có bay đến Việt Nam;

- Các khái niệm cơ bản về dẫn đường theo quán tính (INS/IRS), dẫn đường khu vực (RNAV) với các đặc tính dẫn đường yêu cầu (RNP);

- Các khái niệm cơ bản về hệ thống CNS/ATM mới;

- Nguyên lý dẫn đường, điều hành bay theo đường bay mới trong FIR/HCM;

- Thuật ngữ và nguyên tắc xử lý các tình huống khẩn cấp trên không, mặt đất;

- Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có các điều khoản quy định về công tác quản lý bay.

b. Lý thuyết cơ sở:

- Vùng trời, vùng trách nhiệm, vùng cấm, vùng hạn chế, vùng nguy hiểm trong khu vực sân bay hoặc khu vực kiểm soát đường dài;

- Đặc điểm địa hình và thời tiết của khu vực kiểm soát;

- Cơ cấu vùng FIR và hệ thống đường bay FIR Hà Nội, FIR Hồ Chí Minh;

- Quy chế bay trong khu vực các sân bay, quy chế sân bay;

- Hệ thống các đường bay ATS;

- Các bản thoả hiệp thư giữa ACC và ACC, ACC và APP, ACC và TWR, APP và TWR liên quan. Hiệp đồng giữa các cơ quan điều hành bay hàng không dân dụng và quân sự trong khu vực liên quan;

- Hiệp đồng giữa các cơ quan điều hành với cơ quan khí tượng và các cơ quan cung cấp đảm bảo thông tin/dẫn đường và giám sát;

- Công tác bảo đảm khí tượng, khẩn nguy sân bay, tìm kiếm cứu nạn trong khu vực liên quan: tổ chức, phương tiện và lực lượng, các phương thức và biện pháp tiến hành.

c. Thực hành:

- Thao tác khi nhận ca trực;

- Khả năng đánh giá tình trạng nền không lưu trong khu vực trách nhiệm;

- Kỹ năng điều hành;

- Sử dụng thuật ngữ liên lạc;

- Điều hoà các hoạt động bay;

- Khả năng và sự thành thạo thao tác sử dụng trang thiết bị điều hành/kiểm soát;

- Khả năng giải quyết các tình huống khẩn cấp;

- Sự bình tĩnh, tự tin, kinh nghiệm và phản xạ;

- Tác phong, thái độ khi làm việc;

- Bình giảng sau ca trực.

Chương 4

TỔ CHỨC, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG KIỂM TRA, CÁC ĐƠN VỊ VÀ NHÂN VIÊN

Điều 8. Hội đồng kiểm tra

1. Hội đồng kiểm tra năng định nhân viên không lưu do Cục tưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quyết định thành lập, giải thể; các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng kiểm tra có một Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Uỷ viên.

2. Cơ cấu tổ chức, phân công trách nhiệm trong Hội đồng kiểm tra do Chủ tịch quyết; trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị trưng dụng thêm cán bộ của các đơn vị để giúp Hội đồng kiểm tra, nhiệm vụ cụ thể do Hội đồng giao.

Điều 9. Quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng kiểm tra

1. Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và thực hiện kiểm tra năng định nhân viên không lưu, lập danh sách dự thi trình Cục trưởng phê duyệt, báo cáo kết quả lên Cục trưởng. Cung cấp đầy đủ tài liệu phục vụ kiểm tra theo yêu cầu của đơn vị.

2. Hội đồng kiểm tra chịu trách nhiệm trước Cục trưởng về việc tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, đánh giá kết quả kiểm tra.

Điều 10. Quyền hạn và trách nhiệm các đơn vị

1. Đề nghị nhân viên tham dự kiểm tra theo đúng quy chế và chịu trách nhiệm về việc đề nghị của mình.

2. Đề nghị Hội đồng kiểm tra hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan tới công tác kiểm tra năng định đồng thời có trách nhiệm tạo điều kiện cho nhân viên của mình ôn tập, kiểm tra đạt kết quả cao nhất.

3. Các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc tổ chức kiểm tra tại đơn vị mình theo kế hoạch do Hội đồng kiểm tra giao.

4. Thủ trưởng đơn vị nơi tổ chức kiểm tra có trách nhiệm triển khai kế hoạch kiểm tra và tạo điều kiện cho Hội đồng kiểm tra tổ chức tốt các đợt kiểm tra.

Điều 11. Quyền hạn và trách nhiệm của người dự kiểm tra

1. Người có tên trong danh sách được Cục trưởng phê duyệt có trách nhiệm tham dự kiểm tra đầy đủ, thực hiện nghiêm chỉnh quy chế kiểm tra.

2. Trường hợp không tham dự được kiểm tra, phải làm đơn trình bày rõ lý do, được thủ trưởng đơn vị đề nghị lên Hội đồng kiểm tra xem xét và báo cáo Cục trưởng quyết định. Tràng hợp không thực hiện đúng quy định trên, được coi như bị điểm "0", Hội đồng kiểm tra báo cáo Cục trưởng quyết định xử lý kỷ luật.

3. Người tham dự kiểm tra được tạo điều kiện đảm bảo công tác ôn tập, kiểm tra tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị; có quyền kiến nghị lên cấp có thẩm quyền về các vấn đề liên quan tới kiểm tra năng định.

Điều 12. Đảm bảo kinh phí

Hội đồng kiểm tra sử dụng kinh phí để đảm bảo hoạt động theo quy định của pháp luật về tài chính do Bộ Tài chính và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam ban hành. Trong thời gian chưa có các quy định về nguồn kinh phí này thì các đơn vị có người tham dự kiểm tra phải chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho công tác kiểm tra tại đơn vị mình.

Chương 5

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Công tác ra đề

1. Để kiểm tra năng định do Hội đồng kiểm tra lập gồm 2 phần lý thuyết (Lý thuyết chung và Lý thuyết cơ sở) và thực hành, có tỷ trọng đánh giá kết quả ngang nhau, được xây dựng trên cơ sở nội dung kiểm tra. Mỗi vị trí năng định có một đề chính thức và 1 đề dự bị. Để kiểm tra phải kèm theo đáp án, thang điểm, hoàn tất và làm thủ tục niêm phong trước khi kiểm tra.

2. Thang điểm lý thuyết quy định là 100 điểm trong đó: Lý thuyết chung 50 điểm, lý thuyết cơ sở 50 điểm (trong đó loại giỏi đạt từ 90-100 điểm, khá từ 80 - 89 điểm, đạt yêu cầu 70 - 79 điểm và dưới 70 điểm là không đạt yêu cầu). Thực hành đánh giá theo các mức: Giỏi, khá, đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu.

3. Trong 2 nội dung kiểm tra (lý thuyết và thực hành) nếu có một nội dung kiểm tra không đạt yêu cầu thì không xét cấp chứng chỉ và năng định nhân viên không lưu.

4. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra chỉ đạo và có quyền quyết định mọi công tác liên quan tới đề kiểm tra, chịu trách nhiệm phê duyệt và quản lý đề kiểm tra đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật, đúng thủ tục.

Điều 14. Công tác chấm bài

1. Phần lý thuyết: Bài kiểm tra lý thuyết được kiểm tra đúng thủ tục trước khi bàn giao cho bộ phận chấm bài. Việc chấm bài căn cứ trên cơ sở đáp án, thang điểm đã được duyệt theo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập do các cán bộ được phân công thực hiện; kết quả là điểm trung bình cộng của 2 vòng chấm.

2. Phần thực hành: Bài kiểm tra thực hành được đánh giá kết quả ngay sau khi kiểm tra theo nguyên tắc chấm độc lập; Kết quả cuối cùng được thống nhất trong nhóm các cán bộ trực tiếp kiểm tra.

3. Kết quả kiểm tra sau khi được Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng phê duyệt được thông báo công khai tới các đơn vị và người dự kiểm tra biết.

4. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và có quyền quyết định mọi công tác liên quan tới chấm bài đảm bảo công khai, khách quan, đúng thủ tục, đánh giá chính xác trình độ người tham dự kiểm tra.

Điều 15. Công tác tổ chức kiểm tra

1. Chủ tịch Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các thành viên trong Hội đồng tham gia công tác tổ chức kiểm tra đồng thời thông báo kịp thời kế hoạch, các yêu cầu cụ thể về tổ chức kiểm tra cho các đơn vị. Phần lý thuyết được tổ chức bằng hình thức kiểm tra viết/trắc nghiệm. Phần thực hành được tiến hành kiểm tra tại các vị trí giả định (Simulator) hoặc trực tiếp tại các vị trí làm việc. Những người tham dự kiểm tra còn phải trả lời trực tiếp tại các vị trí làm việc. Những người tham dự kiểm tra còn phải trả lời trực tiếp bằng lời hoặc xử lý bằng thao tác các tình huống giả định do người kiểm tra đề ra.

2. Thủ trưởng quản lý trực tiếp các đơn vị có người tham dự kiểm tra chịu trách nhiệm bố trí thời gian kiểm tra cho nhân viên theo kế hoạch, chịu trách nhiệm chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực (nếu cần) theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng kiểm tra.

3. Công tác tổ chức kiểm tra phải được thực hiện nghiêm túc. Thủ tục kiểm tra phải được tiến hành và duy trì đúng theo Quy chế kiểm tra: Sắp xếp phòng kiểm tra và thực hiện mọi thủ tục liên quan về bóc đề, giám sát, thu bài, bàn giao bảo quản đúng nguyên tắc, đảm bảo an toàn, chính xác.

Chương 6

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KHEN THƯỞNG

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Hình thức xử lý vi phạm đối với cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra và người dự kiểm tra do tập thể Hội đồng kiểm tra quyết định bằng đa số phiếu. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Cục trưởng quyết định.

2. Hình thức xử lý vi phạm đối với người dự kiểm tra: Vi phạm các quy chế, quy định của kỳ kiểm tra năng định đều được lập biên bản "Biên bản vi phạm" tại phòng kiểm tra và tuỳ mức độ nặng, nhẹ để xử lý vi phạm theo các hình thức sau:

a. Cảnh cáo và hạ kết quả kiểm tra xuống một mức trong các trường hợp:

- Mang tài liệu vào phòng kiểm tra;

- Trao đổi bài trong khi kiểm tra;

- Không tuân thủ quy trình thao tác thiết bị, vi phạm quy tắc an toàn nhưng chưa đến mức gây sự cố hay hỏng hóc thiết bị trong khi thực hành.

b. Đình chỉ, huỷ kết quả kiểm tra đối với một trong các trường hợp:

- Đã sử dụng tài liệu không được phép trong phòng kiểm tra;

- Trao đổi bài trong khi kiểm tra đã bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình vi phạm;

- Hành động và phát ngôn có tính chất phá rối làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra hoặc xúc phạm cán bộ kiểm tra.

- Trong thực hành kiểm tra có dấu hiệu cố tình vi phạm an toàn, gây mất an toàn.

3. Hình thức xử lý vi phạm đối với cán bộ làm nhiệm vụ kiểm tra bằng các hình thức sau:

a. Cảnh cáo đối với trường hợp:

- Chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra nhưng không phát hiện hoặc cố tình cho phép người dự kiểm tra mang tài liệu vào phòng kiểm tra;

- Làm thất lạc, mất mát bài kiểm tra trong tất cả các công đoạn thu bài, bàn giao, vận chuyển, rọc phách, chấm bài, lưu trữ;

- Cộng sai điểm kiểm tra.

b. Đình chỉ nhiệm vụ trong trường hợp:

- Làm lộ đề; hoặc

- Đánh tráo bài; hoặc

- Có hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng lớn đến chất lượng kiểm tra;

- Không thực hiện đúng đề kiểm tra hoặc có dấu hiệu gây mất an toàn trong kì kiểm tra.

Điều 17. Phúc tra, giải quyết khiếu nại

Mọi cá nhân đã tham dự kiểm tra có quyền yêu cầu phúc tra kết quả của mình và các khiếu nại khác, được lập thành văn bản gửi về Hội đồng kiểm tra. Thời gian tiếp nhận đơn phúc tra, khiếu nại không quá 7 ngày kể từ khi công bố kết quả chính thức.

Hội đồng kiểm tra có trách nhiệm giải quyết đơn phúc tra, khiếu nại và thông báo kết quả phúc tra cho người đâm đơn biết. Nếu chưa nhất trí thì kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Điều 18. Khen thưởng

1. Những người dự kiểm tra nếu có thành tích xuất sắc trong kiểm tra, phát hiện tố cáo những hành động tiêu cực trong tổ chức và cá nhân làm nhiệm vụ kiểm tra sẽ được xét khen thưởng thích đáng.

2. Những người làm nhiệm vụ kiểm tra nếu có thành tích xuất sắc trong tổ chức và thực hiện kịp thời những tiêu cực trong việc kiểm tra, đảm bảo chất lượng và an toàn trong công tác kiểm tra sẽ được xét khen thưởng xứng đáng.

Chương 7

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 19. Chế độ lưu trữ

Tất cả tài liệu, biên bản, bài kiểm tra có liên quan được lưu trữ, bảo quản tại Hội đồng kiểm tra tối thiểu 1 năm.

Điều 20. Điều khoản thi hành

Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định ban hành, mọi văn bản trước đây trái với Quy chế này đều bãi bỏ. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung các đơn vị kiến nghị bằng văn bản gửi về Hội đồng kiểm tra năng định để tổng hợp báo cáo Cục Trưởng quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1954/1997/CAAV-KV về Quy chế kiểm tra để cấp, gia hạn chứng chỉ và năng định cho nhân viên không lưu hàng không dân dụng Việt Nam do Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1954/1997/CAAV-KV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/1997
  • Nơi ban hành: Cục Hàng không dân dụng Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Hồng Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản