Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1934/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BAN TIẾP DÂN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;
Được sự nhất trí của Thường trực Thành ủy, đại diện Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ về Đề án Ban tiếp dân của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án Ban tiếp dân của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội” kèm theo quyết định này.

Điều 2. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Thanh tra Thành phố, Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, Ủy ban nhân dân thành phố Sơn Tây, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố giao nhiệm vụ Đề án Ban tiếp dân của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố trực thuộc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP Hà Nội (để báo cáo);
- Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội (để báo cáo);
- Chủ tịch, các Đ/c PCT UBND TP;
- Chánh VP, các Đ/c Phó VP UBND TP;
- Các phòng thuộc VP UBND TP;
- Lưu VT, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

ĐỀ ÁN

BAN TIẾP DÂN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 24/4/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

A. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ NHỮNG MỤC TIÊU, PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

I. TÍNH CẤP THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Công tác tiếp công dân đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo, xác định đây là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Thành phố thời gian gần đây đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là ở cấp Thành phố. Đối với cấp quận, huyện, công tác này đã có chuyển biến nhất định nhưng chưa đồng đều. Ở cấp cơ sở, một số đơn vị còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, chưa tập trung, tăng cường cho công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo nên hiệu quả chưa cao.

Nhìn chung, trên toàn thành phố, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đã được xem xét, giải quyết đúng quy định; nhiều vụ việc nổi cộm đã được kịp thời, giải quyết thấu lý đạt tình, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Thời gian gần đây, tình trạng công dân tập trung khiếu kiện đông người tại trụ sở Thành ủy, UBND Thành phố, nhất là tại các kỳ họp HĐND Thành phố đã giảm hẳn. Những chuyển biến tích cực nói trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, công tác tiếp công dân của Thành phố và cơ sở cũng còn một số bất cập và hạn chế như sau:

- Theo mô hình hiện nay, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố đều tổ chức tiếp công dân. Cách thức tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn có nơi chưa nhất quán làm người dân phải đi lại vòng vèo, mất thời gian và gây bức xúc. Số lượng công dân có nhu cầu gặp trực tiếp lãnh đạo Thành phố lớn, nhưng thực tế lãnh đạo Thành phố chưa thể tiếp đầy đủ theo nguyện vọng của công dân.

- Nhiều nơi còn chưa gắn bó chặt chẽ công tác tiếp công dân với việc xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tế hiện nay chưa có cơ quan chuyên môn chuyên trách theo dõi, kiểm tra, đôn đốc kết quả tiếp công dân, xử lý đơn trong toàn thành phố và theo dõi kết quả thực hiện các yêu cầu của Trung ương và chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố còn bị hạn chế; Một số đơn vị cơ sở thực hiện chưa nghiêm túc, kịp thời, làm cho việc tiếp công dân, xử lý đơn có nơi, có lúc chỉ mang tính hình thức.

- Sau khi các cơ quan chuyên môn (Thanh tra Thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường …) kết luận đơn khiếu nại, tố cáo, không có đơn vị nào đóng vai trò đầu mối theo dõi, đôn đốc việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận đơn tố cáo nên có một số trường hợp việc ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận đơn tố cáo còn chậm.

- Hệ thống tiếp công dân ở cấp cơ sở chưa thống nhất theo quy định của Thành phố. Cơ chế phối hợp giữa bộ phận tiếp công dân với cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa rõ ràng. Thêm vào đó, số lượng công dân đến khiếu kiện ngày càng tăng trong khi bộ máy tiếp công dân chưa thật sự chuyên nghiệp, hoàn thiện, một số nơi còn yếu kém về trình độ năng lực chuyên môn nên thường xuyên trong tình trạng quá tải, không thể đáp ứng được yêu cầu của người dân cũng như đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội có đặc thù là diện tích lớn, dân cư đông, dân trí và dân chủ ngày càng nâng cao, đang và sẽ triển khai nhiều dự án lớn cần giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Dự báo trong thời gian tới số lượng các vụ khiếu nại, tố cáo sẽ tiếp tục tăng. Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan Trung ương, nên việc tiếp và xử lý đơn của công dân đòi hỏi phải thận trọng, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, mang tính nhạy cảm được công luận và báo chí quan tâm.

Thủ đô Hà Nội còn có trách nhiệm phối hợp với Trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức giữ gìn an ninh trật tự, phục vụ tiếp các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người của các tỉnh, thành phố khác. Một số vụ việc công dân các tỉnh tập trung đông người, có đơn đề nghị được biểu tình rất phức tạp (công dân thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng …), UBND Thành phố đã kịp thời chỉ đạo chính quyền cơ sở và Công an Thành phố phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn để xử lý dứt điểm, không để xảy ra việc tập trung đông người gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự tại Thủ đô.

Mô hình tiếp công dân hiện nay của Thành phố (Phòng tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố) còn hạn chế về cả số lượng cán bộ cũng như chức năng, quyền hạn; chưa đủ tầm để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng tăng trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Để khắc phục những bất cập và hạn chế nói trên đồng thời để đáp ứng nguyện vọng của người dân và những đòi hỏi của quá trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở nước ta, UBND Thành phố Hà Nội thống nhất xây dựng Đề án “Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội”. Đây là vấn đề vừa có tính thời sự cấp bách vừa có tính chiến lược cần được tập trung quan tâm chỉ đạo và thực hiện.

II. MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án

Mục tiêu của Đề án là nghiên cứu, đánh giá những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế của công tác tiếp công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua; đồng thời giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra đối với việc xây dựng Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội.

Việc đổi mới và ra mời Ban tiếp dân của thành phố Hà Nội giúp nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan trong việc tiếp công dân; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2. Phạm vi của Đề án

2.1. Đánh giá tổng quan về công tác tiếp công dân của thành phố Hà Nội trong thời gian qua; phân tích những mặt làm được, những hạn chế và chỉ ra những nguyên nhân tồn tại hạn chế.

2.2. Đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2.3. Đề xuất phương án cụ thể để xây dựng Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội.

B. THỰC TRẠNG VÀ ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

I. THỰC TRẠNG CHUNG

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Trong thời gian qua, thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp từ cơ sở đến thành phố quán triệt, triển khai nghiêm túc công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt và có những đổi mới tiến bộ để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo như: Ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo (Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31/8/2007 của Thành ủy, Chương trình hành động số 35-Ctr/TU ngày 13/6/2008 của Thành ủy; Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 03/9/2008 của UBND thành phố); quy định và thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ vào tuần thứ 3 hằng tháng. Mỗi ngày tiếp công dân theo định kỳ đều có từ 1 đến 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp chủ trì tiếp công dân; chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành tăng cường rà soát các vụ việc còn tồn đọng, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nhất là các vụ việc đông người, phức tạp; tăng cường tổ chức, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Thành phố và cấp cơ sở; triển khai thực hiện Đề án số 03 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố” …

2. Thực trạng công tác tiếp công dân ở cấp Thành phố:

Từng năm 2003 đến năm 2008, toàn thành phố Hà Nội đã tiếp 206.318 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan chính quyền các cấp (trong đó, tỷ lệ tiếp công dân cấp thành phố trên tổng số toàn thành phố tiếp là 34%).

Từ năm 2003 đến năm 2008, toàn thành phố Hà Nội đã xử lý 72.742 đơn; gồm: 24.005 đơn khiếu nại; 12.366 đơn tố cáo và 36.371 đơn kiến nghị, phản ánh, tư pháp …

Qua xử lý đơn, tổng hợp nội dung công dân khiếu nại chủ yếu liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Nội dung tố cáo đa số liên quan đến việc vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng vv….

Hiện nay, trụ sở tiếp công dân của UBND Thành phố, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội đặt tại 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và đường Lê Trọng Tấn, thành phố Hà Đông. Phòng Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND Thành phố (biên chế 10 người) có chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Thành phố và tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn dân nguyện, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trung bình hằng năm, Phòng tiếp công dân của Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội tiếp khoảng 5.000 lượt công dân; Phòng tiếp công dân của cơ quan Thanh tra Thành phố tiếp trung bình khoảng 3.200 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh … Trong đó, có rất nhiều vụ việc công dân khiếu kiện với số lượng đông, tính chất rất gay gắt, phức tạp, điển hình như: khiếu nại của công dân khu Ao Thước Thợ (quận Đống Đa), số 62-64 Trần Phú (quận Ba Đình); công dân các xã: Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Mễ Trì, huyện Từ Liêm và công dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ khi giải phóng mặt bằng để xây dựng khu đô thị Nam Thăng Long; công dân xã Yên Nghĩa, xã Dương Nội (thành phố Hà Đông), công dân xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công dân xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), công dân xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) khiếu nại về quyền sử dụng đất và khiếu nại của các hộ kinh doanh chợ Thượng Đình, chợ Hàng Da, chợ Mơ …. Ngoài ra, còn có một số vụ khiếu nại về sử dụng đất tôn giáo rất phức tạp, tạo thành “điểm nóng” đã được giải quyết như ở 42 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, 178 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa.

Một số vụ việc công dân khiếu nại đông người, vượt cấp lên Trung ương, tập trung đông trước trụ sở các cơ quan Trung ương hoặc tại nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Số lượng công dân tập trung đông chủ yếu ở các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Quốc hội, Đại hội Đảng. Có nơi công dân tập trung huy động thương binh, phụ nữ, người già, trẻ em bao quanh trụ sở chính quyền xã, huyện gây mất trật tự nếu không xử lý kịp thời sẽ diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chính quyền, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và lợi ích quốc gia.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng tiếp công dân của Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố thường bị quá tải và chưa đáp ứng được thực tế ngày càng gia tăng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay.

3. Thực trạng công tác tiếp dân ở các Sở, ngành và cơ sở.

Từ năm 2003 đến năm 2008, các quận, huyện, sở, ngành đã tiếp 53.643 lượt/206.318 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (chiếm tỷ lệ 26%); các xã, phường, thị trấn đã tiếp 82.527 lượt/206.318 lượt công dân (chiếm tỷ lệ 40%).

UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc đều thành lập Tổ tiếp công dân với số lượng từ 3 đến 4 cán bộ (do một đồng chí Phó Văn phòng UBND phụ trách hoặc giao cho cơ quan thanh tra phụ trách; các cán bộ khác của Tổ tiếp công dân là cán bộ các phòng chuyên môn của UBND quận, huyện như Thanh tra, Tài nguyên Môi trường …). Các xã, phường, thị trấn phân công một đồng chí cán bộ làm công tác tư pháp hoặc văn phòng kiêm nhiệm công tác tiếp công dân.

Đa số các đơn vị đã bố trí nơi tiếp công dân, có nội quy, quy chế, lịch tiếp và các điều kiện khác phục vụ tối công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Công tác tiếp công dân của các cơ quan chuyên trách đã được chú trọng củng cố cả về tổ chức và con người. Nhìn chung, các đơn vị từ Thành phố đến các quận, huyện đã bố trí những đồng chí cán bộ tiếp dân chuyên trách, có phẩm chất chính trị tốt, có hiểu biết trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đa số các đơn vị đã bố trí nơi tiếp công dân, có nội quy, quy chế, lịch tiếp … đảm bảo việc tiếp công dân được thuận tiện, chu đáo theo quy định.

Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo và duy trì tốt chế độ tiếp công dân theo định kỳ của lãnh đạo ủy ban nhân dân và chế độ tiếp dân thường xuyên của các bộ phận chuyên trách. Trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành được nâng cao, lịch tiếp dân của lãnh đạo các cấp (Thanh tra Thành phố, UBND các quận, huyện, thành phố) được niêm yết công khai và thực hiện theo quy định của luật.

Những vụ việc bức xúc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vụ khiếu kiện đông người đã được các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo Thành phố, các quận, huyện, sở, ngành quan tâm chỉ đạo, khi cần thiết đã trực tiếp tiếp công dân tại cơ sở để kiểm tra, xem xét vụ việc, tổ chức tiếp và đối thoại với công dân hoặc thành lập các tổ công tác, các đoàn thanh tra liên ngành để xem xét, giải quyết qua đó đã hạn chế phát sinh “điểm nóng”.

2. Hạn chế

Các cơ quan như: Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố tiếp công dân chưa tập trung vào một đầu mối và một địa điểm chung. Vì vậy, thiếu các thông tin về vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân nên việc xử lý đơn thư nhiều khi chưa thống nhất, chuyển đơn vòng vèo gây bức xúc cho công dân.

Lực lượng cán bộ của Phòng tiếp công dân Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội quá ít (10 người), chưa đủ sức theo dõi, tổng hợp đầy đủ kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo chung của toàn Thành phố.

Với chức năng, nhiệm vụ của Phòng tiếp công dân hiện nay, chưa có bộ phận đôn đốc, kiểm tra công tác tiếp công dân đối với quận, huyện, sở, ngành; kiểm tra, đôn đốc các vụ việc mà lãnh đạo UBND Thành phố đã chỉ đạo sau khi tiếp công dân hằng tháng; tổng hợp báo cáo kết quả đã giải quyết. Đồng thời hiện nay còn thiếu một bộ phận (đóng vai trò đầu mối) tham mưu giúp UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, thông báo giải quyết tố cáo của UBND Thành phố và của UBND quận, huyện.

Việc xử lý và quản lý đơn thư, các văn bản chỉ đạo của Thành phố, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, thông báo giải quyết tố cáo của một số đơn vị chưa thống nhất, chặt chẽ. Chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân, mạng lưới thông tin, các dữ liệu giải quyết vụ việc chưa được khớp nối giữa UBND Thành phố với các quận, huyện, sở, ngành có liên quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các cơ quan Đảng, đoàn thể chưa được chặt chẽ nên thường bị thiếu thông tin, xử lý các vụ việc trùng lặp dẫn đến số liệu tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không thống nhất, không đầy đủ.

C. NHỮNG ĐỀ XUẤT ĐỂ XÂY DỰNG BAN TIẾP DÂN CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ pháp lý:

- Căn cứ các điều 74, 75, 76, 77, 78, 79 Luật Khiếu nại, tố cáo.

- Khoản 2, Điều 51 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh bố trí địa điểm chung để HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các tổ chức chính trị tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo; cử 01 công chức có chức vụ phó chánh văn phòng hoặc tương đương phụ trách nơi tiếp công dân để tổ chức thực hiện chế độ tiếp công dân thường xuyên”.

I. MÔ HÌNH BAN TIẾP DÂN CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác tiếp công dân, sau khi xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, UBND Thành phố đã thống nhất xây dựng mô hình tiếp công dân của Thành phố như sau:

- Nâng cấp “Phòng tiếp công dân trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố” thành “Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội”. Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức và sinh hoạt; chịu sự chỉ đạo trực tiếp về công tác của lãnh đạo UBND Thành phố.

- UBND Thành phố bố trí địa điểm chung để lãnh đạo Thành phố, các cơ quan: Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, UBND Thành phố, các tổ chức chính trị tiếp công dân; gọi chung là “Trụ sở tiếp dân của Thành phố Hà Nội”.

1. Vị trí, chức năng của Ban tiếp dân Thành phố.

Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo UBND Thành phố tổ chức tiếp công dân thường xuyên để tiếp nhận các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội là đầu mối tiếp nhận, phân loại, đề xuất xử lý bước đầu đơn khiếu nại, tố cáo, dân nguyện, phản ảnh gửi đến lãnh đạo thành phố và chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết của các cơ quan tham mưu, báo cáo tiến độ giải quyết đế lãnh đạo và cơ quan chức năng của thành phố.

Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội trực thuộc Văn phòng UBND Thành phố về tổ chức và sinh hoạt, đồng thời chịu sự chỉ đạo trực tiếp về công tác của lãnh đạo UBND Thành phố; có tài khoản và con dấu riêng.

Trụ sở tiếp dân của Thành phố là địa điểm bố trí các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên gồm: đại diện Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Ban tiếp dân của UBND Thành phố. Việc tiếp công dân được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và theo sự phân công, chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan nói trên.

Trụ sở tiếp dân chính của Thành phố đặt tại số 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, các địa điểm khác do UBND Thành phố quyết định. Trụ sở tiếp dân của Thành phố do Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội quản lý; Ban tiếp dân có trách nhiệm chủ trì, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tiếp dân của Thành phố nêu trên thực hiện việc tiếp dân theo quy định tại Trụ sở tiếp dân của Thành phố.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban tiếp dân Thành phố.

2.1. Tham mưu và tổ chức tiếp công dân thường xuyên theo quy định để ghi nhận các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân; giải thích pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể và hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Tham mưu cho lãnh đạo UBND Thành phố yêu cầu hoặc trực tiếp yêu cầu cơ quan công an địa phương có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người có hành vi gây rối, mất trật tự hoặc tụ tập để kích động, xúi giục người khác khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật.

2.2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng phục vụ Lãnh đạo thành phố tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Thành phố; dự thảo nội dung kết luận của Lãnh đạo thành phố, thông báo truyền đạt nội dung kết luận hoặc chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố tại các buổi tiếp công dân để gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện.

2.3. Là cơ quan đầu mối xử lý bước đầu tất cả các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo luật định; đồng thời theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, tham mưu thẩm định các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo giải quyết tố cáo trình lãnh đạo UBND Thành phố ký ban hành; giúp Lãnh đạo thành phố theo dõi và quản lý quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Thành phố.

2.4. Kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, sở, ngành trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo, kết luận của lãnh đạo Thành phố đối với việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2.5. Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo, các nội dung kết luận, chỉ đạo của Trung ương và Lãnh đạo thành phố có liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2.6. Định kỳ, thực hiện chế độ báo cáo với Lãnh đạo thành phố về tình hình tiếp công dân, xử lý đơn; tiến độ thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, kết quả giải quyết và việc thực hiện thông báo giải quyết các đơn tố cáo, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo Thành phố.

Được tham dự các cuộc họp và Hội nghị của UBND Thành phố liên quan đến công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các cuộc họp giao ban tuần của UBND Thành phố.

2.7. Phối hợp tuyên truyền pháp luật liên quan đến quy định về công tác tiếp công dân và phối hợp trong công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các Tổ tiếp dân của các quận, huyện, sở, ngành.

2.8. Là đầu mối giúp UBND Thành phố trong việc phối hợp với Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, các đơn vị cơ sở thuộc thành phố Hà Nội để giải quyết đưa những đoàn khiếu kiện đông người của Hà Nội tại các cơ quan Trung ương trở về địa phương.

3. Tổ chức, bộ máy

Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội.

Ban tiếp dân thành phố làm việc theo chế độ thủ thưởng do một Phó chánh Văn phòng UBND Thành phố trực tiếp làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; có 02 Phó Trưởng ban kiêm Trưởng phòng và các Phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ giúp việc.

Trưởng ban tiếp dân của UBND Thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm. Các Phó trưởng ban tiếp dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban tiếp dân Thành phố.

Tổ chức, biên chế Ban tiếp dân của UBND Thành phố Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao. Dự kiến biên chế từ 20 đến 25 người (lấy bổ sung từ nguồn cán bộ của Thanh tra Thành phố, một số sở, ngành và các quận, huyện). Việc bố trí cán bộ, công chức phải căn cứ chức danh, tiêu chuẩn, ngạch công chức theo quy định của pháp luật.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Ban tiếp dân của UBND Thành phố có 02 phòng. Cụ thể như sau:

- Phòng tiếp dân và xử lý đơn có các nhiệm vụ sau:

+ Thường xuyên tiếp công dân hằng ngày tại 02 địa điểm: 34 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và đường Lê Trọng Tấn (thành phố Hà Đông).

+ Phục vụ việc tiếp công dân của lãnh đạo Thành phố định kỳ hằng tháng tại 04 địa điểm. Ngoài 02 địa điểm nêu trên sẽ bố trí thêm 02 địa điểm mới tại trụ sở tiếp công dân của UBND thành phố Sơn Tây và UBND huyện Đông Anh. Tham mưu giúp lãnh đạo Ban tiếp dân Thành phố và lãnh đạo UBND Thành phố trong việc thông báo kết quả tiếp công dân và xử lý các đơn thư sau tiếp dân theo quy định.

+ Xử lý, quản lý tất cả các đơn thư nhận trực tiếp khi tiếp công dân hoặc bằng đường bưu điện chuyển đến UBND Thành phố; xử lý đơn khi lãnh đạo UBND thành phố tiếp công dân và các văn bản chỉ đạo, đơn do cấp trên chuyển đến theo quy định.

- Phòng Tổng hợp có các nhiệm vụ sau:

+ Kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc và các đơn vị cơ sở trong việc tiếp công dân, thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, thực hiện thông báo giải quyết các đơn tố cáo.

+ Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung yêu cầu chỉ đạo của Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố, UBND Thành phố, các cơ quan Trung ương về các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các quận, huyện, sở, ngành, thành phố trực thuộc và các đơn vị cơ sở.

+ Nhận các kết luận đơn khiếu nại, tố cáo, các dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo để thẩm định hoặc phối hợp thẩm định tham mưu cho Ban tiếp dân trình lãnh đạo UBND Thành phố giải quyết theo thẩm quyền.

+ Tổng hợp chung, thực hiện chế độ báo cáo về công tác tiếp công dân và xử lý đơn của Thành phố.

+ Công tác hành chính, tổ chức của Ban tiếp dân Thành phố.

+ Là đầu mối giúp UBND Thành phố trong việc phối hợp với Trụ sở tiếp dân Trung ương Đảng và Nhà nước, các đơn vị cơ sở thuộc Thành phố Hà Nội để giải quyết đưa những đoàn khiếu kiện đông người về địa phương.

II. MỐI LIÊN HỆ GIỮA BAN TIẾP DÂN CỦA UBND THÀNH PHỐ VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHÁC

1. Đối với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố.

- Tiếp nhận các thông tin về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

- Phối hợp với Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố trong việc tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND Thành phố.

2. Đối với các sở, ngành, đơn vị trực thuộc và UBND quận, huyện thành phố trực thuộc

- Phối hợp chặt chẽ để trao đổi thông tin trong quá trình tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phối hợp xử lý để tránh báo cáo trùng lặp các vụ việc giải quyết.

- Phối hợp đôn đốc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trên địa bàn và thuộc lĩnh vực quản lý của các quận, huyện, sở, ngành, đơn vị trực thuộc UBND Thành phố.

- Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố trực thuộc căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình phối hợp hoạt động với Ban tiếp dân Thành phố bảo đảm phục vụ tốt nhất các yêu cầu, nhiệm vụ được giao và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định.

Tại mỗi sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc bố trí 01 Tổ tiếp dân do Phó Chánh Văn phòng trực tiếp làm Tổ trưởng. Tố tiếp dân này là cơ quan tham mưu, giúp lãnh đạo đơn vị tổ chức tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị, phản ảnh của công dân theo quy định của pháp luật; đồng thời là đầu mối tiếp nhận, phân loại, đề xuất xử lý đơn.

Giữa Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội với các Tổ tiếp dân của các quận, huyện, thị xã, sở, ngành có mối quan hệ dọc. Trong đó, Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc kết quả tiếp công dân và xử lý đơn cũng như hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Giữa các Tổ tiếp dân của các quận, huyện, thành phố, sở, ngành có mối quan hệ ngang, có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin và thực hiện công tác chuyên môn.

Các Tổ tiếp dân thực hiện phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin và họp đột xuất do Trưởng ban tiếp dân Thành phố chủ trì để thông tin, tổng hợp và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên cơ sở chỉ đạo, yêu cầu của lãnh đạo Thành phố về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trụ sở tiếp dân của Thành phố và các sở, ngành, quận, huyện, thành phố trực thuộc thực hiện tin học hóa và nối mạng dùng chung cơ sở dữ liệu.

3. Đối với Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tham mưu giúp Lãnh đạo thành phố giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra Thành phố và các cơ quan có liên quan xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án trong toàn hệ thống từ cấp Thành phố đến cơ sở. Cụ thể như sau:

1. Giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thành lập Ban tiếp dân của UBND thành phố Hà Nội; Quy định về tổ chức và hoạt động của Ban tiếp dân UBND thành phố Hà Nội và Quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chế độ báo cáo có liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của UBND thành phố Hà Nội (thời gian thực hiện: trong quý II năm 2009)

Giao Văn phòng UBND Thành phố nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho phù hợp.

2. Giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện việc bổ nhiệm, điều động theo quy định đối với Trưởng ban tiếp dân và các Phó trưởng ban; sắp xếp và bố trí đủ số lượng cán bộ làm việc theo biên chế được duyệt trong quý II năm 2009 (lấy từ nguồn cán bộ của Phòng Tiếp công dân Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra Thành phố, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng và một số quận, huyện).

3. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Thanh tra Thành phố xây dựng chế độ chính sách đối với cán bộ công chức Ban tiếp dân của UBND Thành phố; trình UBND Thành phố trong tháng 4/2009.

4. Giao Văn phòng UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đông Anh, UBND Thành phố Sơn Tây bố trí, sắp xếp trụ sở và trang bị đủ phương tiện làm việc tại 02 địa điểm tiếp công dân định kỳ hàng tháng của lãnh đạo Thành phố theo đúng quy định (trong quý II năm 2009).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1934/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Đề án Ban tiếp dân của Ủy ban nhân dân thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 1934/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/04/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thế Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản