Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1928/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 399/KH-BCĐ389 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 1130/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ kế hoạch số 399/KH-BCĐ389 ngày 10 tháng 10 năm 2020 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (để b/c);
- Bộ Tài chính (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu VT, Vtải (Ng10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 399/KH-BCĐ389 CỦA BAN CHỈ ĐẠO 389 QUỐC GIA VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1928/QĐ-BGTVT ngày 13tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

- Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cán bộ công chức, viên chức trong ngành Giao thông vận tải.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ; kịp thời phát hiện, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử của các thương nhân theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng; trong đó có nội dung phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện.

- Tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của ngành giao thông vận tải với các ngành chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại điện tử.

- Các lực lượng chức năng được phân công thực hiện kế hoạch phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo; không bao che, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

- Quá trình thực hiện Kế hoạch không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Triển khai thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các chuyên ngành vận tải; nắm vững diễn biến tình hình, để kịp thời giải quyết triệt để hiện tượng lợi dụng vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại điện tử.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động vận chuyển hàng hóa của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia

hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động vận chuyển hàng hóa thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động thương mại điện tử.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải và đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các lực lượng chức năng trong Ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các đầu mối giao thông, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và hàng không; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa mua bán bằng hình thức thương mại điện tử.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, cảng) và các trạm kiểm tra tải trọng phương tiện; kiên quyết từ chối vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng. Thủ trưởng bến xe, nhà ga, cảng và doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong bốc, xếp và vận chuyển tại đơn vị mình.

c) Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các cơ quan chức năng có liên quan khi có yêu cầu.

d) Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

đ) Rà soát bổ sung hoàn chỉnh quy trình kiểm soát việc xếp, dỡ, đưa hàng hóa lên tàu tại các ga; công tác phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này trên các tuyến đường sắt.

e) Phối hợp với các đơn vị chức năng khác tăng cường công tác trao đổi thông tin, tiếp nhận thông tin, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử.

g) Tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức tới các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật, chính sách không vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng.

i) Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng và đột xuất; báo cáo sơ kết thực hiện kế hoạch 01 năm, 02 năm và báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch 03 năm về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ Vận tải để tổng hợp).

2. Giao Vụ Vận tải là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ và các đơn vị có liên quan triển khai và tổng hợp báo cáo trong toàn ngành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1928/QĐ-BGTVT năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCĐ389 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1928/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/10/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản