Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 192/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 9 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ VIỆC MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC HỆ B

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
- Căn cứ vào chỉ thị số 16/CT ngày 01 tháng 8 năm 1987 của Bộ Giáo dục về phương hướng nhiệm vụ phát triển giáo dục 3 năm 1987 – 1990;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục;

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1.- Nay ban hành “Quy chế tạm thời về việc mở trường phổ thông trung học hệ B” tại thành phố Hồ Chí Minh.

ĐIỀU 2.- Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Giáo dục cùng với Ủy ban nhân dân quận, huyện và các sở, ban, ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt quy chế nói trên ngay từ niên học 1987 – 1988, kết hợp với chỉ đạo điểm và kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt ban hành quy chế chính thức.

ĐIỀU 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban tổ chức chánh quyền, Giám đốc Sở Giáo dục, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Duy Liên

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRUNG HỌC HỆ B
(Ban hành kèm theo Quyết định số 192/QĐ-UB ngày 28-9-1987 của Ủy ban nhân dân TP)

Chương I

NGUYÊN TẮC CHUNG

ĐIỀU 1.- Trường phổ thông trung học hệ B được mở căn cứ vào chỉ thị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển giáo dục 3 năm 1987-1990 của Bộ Giáo dục (chỉ thị số 16/CT ngày 01-8-1987) nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở chưa được nhận vào học trường phổ thông trung học hệ A hiện nay của thành phố. Trường thực hiện mục tiêu giáo dục như các trường phổ thông trung học khác.

ĐIỀU 2.- Trường phổ thông trung học hệ B do Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức và quản lý qua Phòng giáo dục quận, huyện và chịu sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của Sở giáo dục. Trường có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.

Chương II

VỀ VIỆC MỞ TRƯỜNG

ĐIỀU 3.- Từ năm học 1987 – 1988, quận, huyện nào có điều kiện thì được mở trường, có thể sử dụng một buổi không học của các trường phổ thông trung học hệ A hoặc cơ sở sẵn có tại các địa điểm khác nhau trong quận, huyện do Ủy ban nhân dân quận, huyện lựa chọn và quyết định.

ĐIỀU 4.- Khi hội đủ các điều kiện tối thiểu để mở trường thì Ủy ban nhân dân quận, huyện qua Phòng giáo dục báo cáo cho Sở giáo dục, Sở giáo dục trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập.

ĐIỀU 5.- Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch xây dựng trường lớp và các cơ sở vật chất khác với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để dần dần hình thành những cơ sở vật chất riêng cho từng loại trường này.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC

ĐIỀU 6.- Trường có 1 Hiệu trưởng, 1 đến 2 Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng do Ủy ban nhân dân quận, huyện lựa chon và đề nghị Sở giáo dục bổ nhiệm. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phải là người đã hoặc đang làm công tác giáo dục, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng đều có thể là cán bộ đương chức kiêm nhiệm.

ĐIỀU 7.- Trường có 1 bộ phận làm công tác hành chánh, giáo vụ, kế toán, thủ quỹ v.v… làm theo chế độ hợp đồng tự nguyện không nằm trong biên chế Nhà nước.

ĐIỀU 8.- Giáo viên của trường:

a) Các giáo viên, cán bộ giáo dục, chính trị, kỹ thuật, trong biên chế Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, thôi việc có lý do chính đáng nhưng còn sức khỏe, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn được Sở giáo dục chấp thuận đều có thể tham gia giảng dạy.

b) Giáo viên giảng dạy tại trường theo chế độ hợp đồng, tiền thù lao cho giáo viên theo giá thỏa thuận trong hợp đồng nhưng tối thiểu là giá 1,5kg gạo 1 tiết dạy tính theo giá kinh doanh của công ty lương thực thành phố.

c) Giáo viên phải đảm bảo hợp đồng đã ký với trường. Thời gian ký hợp đồng là 1 năm. Muốn nghỉ phải báo cho nhà trường trước 2 tháng.

d) Giáo viên phải thực hiện nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy, thực hiện các quy chế về chuyên môn do Bộ giáo dục quy định và chịu sự kiểm tra về chuyên môn của Sở giáo dục.

ĐIỀU 9.- Học sinh

a) Tất cả các em học sinh đã tốt nghiệp phổ thông cơ sở trong độ tuổi học phổ thông trung học đều được phép ghi tên học ở bất kỳ trường phổ thông trung học hệ B nào trong thành phố. Thể thức nhận học sinh vào trường do Sở giáo dục thành phố.

b) Mỗi lớp học không được quá 50 em.

c) Học sinh đóng học phí 9 tháng/1 năm học. Những học sinh thuộc diện chính sách, học sinh nghèo, học giỏi sẽ được xét miễn, giảm học phí. Mức học phí hàng tháng tương đương với 4kg gạo tính theo giá kinh doanh của Công ty lương thực thành phố.

d) Học sinh có nhiệm vụ như học sinh các trường phổ thông trung học hệ A và được hưởng các quy chế về lên lớp, thi tốt nghiệp như quy định hiện hành đối với học sinh các trường phổ thông trung học hệ A.

Chương IV

KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH KINH PHÍ

ĐIỀU 10.- Trường thực hiện kế hoạch giảng dạy và chương trình các môn học như các trường phổ thông trung học hệ A theo hướng dẫn hàng năm của Bộ giáo dục và Sở giáo dục.

ĐIỀU 11.- Trường hoạt động bằng kinh phí do học sinh đóng học phí, sự đóng góp của các đơn vị kinh tế và nhân dân v.v… trên nguyên tắc không chi ngân sách Nhà nước. Trường nộp 2% tổng số thu cho Sở giáo dục để làm kinh phí cho công tác chỉ đạo nghiệp vụ đối với các trường.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 12.- Từ năm học 1987 – 1988 trường tuyển sinh vào lớp 10.

ĐIỀU 13.- Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở giáo dục và Ủy ban nhân dân các quận, huyện ra các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện bản quy chế tạm thời này.

ĐIỀU 14.- Việc sửa đổi, bổ sung các điều quy định trong bản quy chế này do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 192/QĐ-UB năm 1987 ban hành Quy chế tạm thời về việc mở trường phổ thông trung học hệ B tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 192/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/09/1987
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Đỗ Duy Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/09/1987
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản