Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1906/PC | Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG VÀ THỦ TỤC CẤP PHÉP LƯU HÀNH PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Bản quy định này quy định về điều kiện, nội dung và thủ tục cấp phép lưu hành cho phương tiện cơ giới đường bộ.
Điều 2: Các loại phương tiện cơ giới đường bộ sau đây bắt buộc phải có Giấy phép lưu hành khi tự di chuyển trên đường bộ và đô thị:
- Ô tô các loại, kể cả ô tô kéo moóc, bán moóc, moóc sàn.
- Máy kéo và các loại xe chuyên dùng (bao gồm cả các xe đặc chủng, xe có kích thước, tải trọng vượt quá mức giới hạn cho phép thông thường, xe bông sen các loại).
- Xe lam và các loại tương tự kiểu xe lam.
- Xe xích và các loại tương tự kiểu xe xích.
- Xe xích lô máy các loại.
Điều 3: Có hai loại Giấy phép lưu hành:
- Giấy phép lưu hành cấp cho các phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông (tự di chuyển trên đường bộ và đô thị), không đòi hỏi các biện pháp tăng cường gia cố công trình giao thông hoặc tổ chức điều khiển giao thông đặc biệt.
- Giấy phép lưu hành đặc biệt cấp cho các phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông với điều kiện phải có các biện pháp tổ chức điều khiển đảm bảo giao thông và bảo vệ công trình giao thông đặc biệt. Giấy phép lưu hành đặc biệt chủ yếu xét cấp cho xe xích và các kiểu tương tự xe xích, xe đặc chủng, xe có kích thước, tải trọng vượt quá mức giới hạn và xe chất xếp hàng quá khổ, quá tải.
Điều 4: Thời hạn của Giấy phép lưu hành quy định như sau:
- Giấy phép lưu hành có thời hạn phù hợp với chu kỳ kiểm định kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải ban hành kèm theo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ theo quyết định số 3321/QĐ-KHKT ngày 29 tháng 6 năm 1995 của Bộ Giao thông Vận tải.
- Giấy phép lưu hành đặc biệt có thời hạn từng chuyến phù hợp với thời gian hành trình từng chuyến của phương tiện, nhưng không quá 30 ngày.
II. ĐIỀU KIỆN CẤP PHÉP LƯU HÀNH
Điều 5: Phương tiện cơ giới đường bộ (ghi ở Điều 2) có đủ điều kiện sau đây sẽ được cấp Giấy phép lưu hành:
1. Trường hợp cấp Giấy phép lưu hành:
a. Chứng chỉ kết quả kiểm định kỹ thuật của các trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ hợp pháp và chưa quá 7 ngày kể từ khi kiểm định kỹ thuật đến khi xin cấp Phép lưu hành.
b. Chứng nhận tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện có thời hạn bảo hiểm.
c. Đối với xe đã lưu hành phải có Giấy phép lưu hành của kỳ trước kề liền, còn thời hạn hiệu lực. Nếu quá hạn ghi trên Giấy phép lưu hành phải chứng minh được lý do hợp lý về việc quá hạn.
d. Xuất trình giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Nếu xin cấp lần đầu hoặc sau khi sang tên, đổi chủ thì phải nộp bản sao giấy chứng nhận đăng ký phương tiện.
2. Trường hợp xin cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt phải có:
- Giấy phép lưu hành còn hiệu lực.
- Đơn xin cấp Giấy phép lưu hành đặc biệt theo mẫu quy định của Cục Đường bộ Việt Nam.
Điều 6:
1. Trường hợp phương tiện bị tai nạn phải lập biên bản mà cơ quan xử lý yêu cầu phải kiểm định kỹ thuật sau tai nạn thì Giấy phép lưu hành đương nhiên mất hiệu lực.
2. Đối với phương tiện phải sửa chữa không thực hiện được việc kiểm định kỹ thuật và cấp phép lưu hành đúng thời hạn thì phải báo cho cơ quan đã cấp phép lưu hành của kỳ trước mặc dù đã hết thời hạn.
III. NỘI DUNG GIẤY PHÉP LƯU HÀNH
Điều 7: Mẫu Giấy phép lưu hành phải có các nội dung sau đây:
1. Họ và tên, địa chỉ nơi cư trú của chủ phương tiện.
2. Số đăng ký phương tiện và số thứ tự của Giấy phép lưu hành.
3. Loại phương tiện, tự trọng phương tiện, trọng tải, số lượng hành khách (thiết kế và cho phép).
4. Phạm vi lưu hành (theo khu vực tuyến đường).
5. Mục đích sử dụng phương tiện.
6. Thời gian được lưu hành.
7. Chữ ký, họ tên, chức vụ của người cấp phép.
8. Dấu của cơ quan cấp phép.
9. Số khung, số máy, màu sơn của phương tiện.
10. Chỉ dẫn sử dụng giấy phép.
Điều 7: Riêng mẫu Giấy phép lưu hành đặc biệt, còn có thêm các yêu cầu chỉ dẫn bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo giao thông và bảo vệ công trình giao thông.
Điều 8:
1. Giấy phép lưu hành có 2 loại theo mầu sắc khác nhau để phân biệt mục đích sử dụng của phương tiện:
- Xe kinh doanh vận tải.
- Xe sử dụng vào mục đích khác.
2. Các Giấy phép lưu hành sau đây không có giá trị:
a. Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền.
b. Giấy phép bị tẩy, xoá, sửa, nhầu nát không đọc được.
c. Khi số đăng ký biển số phương tiện, tên chủ phương tiện ở Giấy phép lưu hành và giấy chứng nhận đăng ký không khớp nhau.
Điều 9: Cơ quan cấp Giấy phép lưu hành sau khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 thì chậm nhất là 4 giờ phải có Giấy phép lưu hành cho phương tiện. Chủ phương tiện (người lái) phải ký đã nhận giấy phép.
Điều 10: Khi cấp Giấy phép lưu hành cơ quan cấp phép phải vào sổ và bản kê cấp giấy phép.
Điều 11: Khi phương tiện thay đổi chủ sở hữu, thay đổi địa phương đăng ký cấp biển số, đều phải đổi giấy phép lưu hành cho phù hợp với các thay đổi đó.
Khi thay đổi địa phương đăng ký cấp biển số thì chủ phương tiện phải làm thủ tục khai báo di chuyển tại cơ quan đã cấp phép lưu hành, nộp lại giấy phép lưu hành và nhận giấy di chuyển quản lý cấp phép lưu hành để đến nơi ở mới xin cấp Giấy phép lưu hành mới.
Điều 12: Trường hợp Giấy phép lưu hành bị tước hoặc bị thu hồi thì cơ quan thu hồi phải báo ngay cho cơ quan đã cấp phép lưu hành để xoá sổ.
Điều 13: Khi phương tiện có yêu cầu hoạt động không trở lại được nơi đã cấp phép lưu hành thì xin cơ quan đã cấp phép lưu hành cho phép tạm di chuyển để xin cấp phép lưu hành ở nơi phương tiện đang hoạt động khi Giấy phép lưu hành cũ đã hết hạn.
Điều 14: Cơ quan cấp phép lưu hành được thu và sử dụng lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15: Định kỳ hàng tháng từ ngày 3 đến ngày 5 các Sở GTVT (GTCC) phải gửi báo cáo về cấp phép lưu hành (kèm bản kê cấp giấy phép) về Cục đường bộ Việt Nam đồng thời gửi thông báo cho công an tỉnh, thành phố về danh sách đã cấp phép lưu hành.
Khi đã thực hiện việc nối mạng vi tính của Sở GTVT (GTCC) với Cục Đường bộ Việt Nam thì việc báo cáo sẽ thực hiện thường xuyên.
Điều 16: Các ông chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở GTVT, Sở GTCC có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn thi hành quyết định này.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-8-1995. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc các Sở GTVT (GTCC) và Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo để trình Bộ bổ sung sửa đổi.
| Lã Ngọc Khuê (Đã ký) |
Quyết định 1906/PC năm 1995 về điều kiện, nội dung và thủ tục cấp phép lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 1906/PC
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/07/1995
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Lã Ngọc Khuê
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra