Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2020/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ quy định về chức danh số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Theo đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 2324/TTr-SNV ngày 14/8/2020 về việc quy định số lượng và một số nội dung về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Số lượng cán bộ, công chức phường; định hướng bố trí kiêm nhiệm cán bộ phường; cơ cấu công chức phường theo phân loại đơn vị hành chính

1. Số lượng

a) Phường loại 1: Bố trí tối đa 23 người, trong đó: cán bộ không quá 10 người, công chức không quá 13 người.

b) Phường loại 2: Bố trí tối đa 21 người, trong đó: cán bộ không quá 09 người, công chức không quá 12 người.

c) Phường loại 3: Bố trí tối đa 19 người, trong đó: cán bộ không quá 09 người, công chức không quá 10 người.

d) Phường thuộc thị xã Sơn Tây có chức danh Chủ tịch Hội Nông dân thì số lượng cán bộ bố trí tăng 01 người, số lượng công chức bố trí giảm đi 01 người so với quy định tại điểm a, b, c nêu trên.

2. Định hướng bố trí kiêm nhiệm cán bộ

Bố trí Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Trường hợp thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì bố trí Phó Bí thư Đảng ủy (thường trực) kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân

3. Cơ cấu công chức

a) Chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự: Mỗi phường bố trí 01 công chức.

b) Chức danh Tài chính - Kế toán: Mỗi phường bố trí 01 công chức.

c) Chức danh Văn phòng - Thống kê: Phường loại 1, loại 2 bố trí 03 công chức. Phường loại 3 bố trí 02 công chức.

d) Chức danh Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường: Bố trí mỗi phường 02 công chức, trong đó: 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ về lĩnh vực địa chính, 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ về lĩnh vực xây dựng - đô thị - môi trường.

đ) Chức danh Văn hóa - Xã hội: Bố trí mỗi phường 02 công chức, trong đó: 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Văn hóa thông tin, 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và xã hội;

e) Chức danh Tư pháp - Hộ tịch: Mỗi phường bố trí 02 công chức.

4. Phường đã bố trí theo định hướng cơ cấu công chức tại khoản 3 Điều này mà vẫn còn chỉ tiêu công chức thì UBND quận, thị xã có thể tiếp tục bố trí thêm vào các chức danh công chức theo mức độ yêu cầu nhiệm vụ được giao trên địa bàn nhưng không vượt quá số lượng công chức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Số lượng cán bộ, công chức xã, thị trấn; định hướng bố trí kiêm nhiệm cán bộ xã, thị trấn; cơ cấu công chức xã, thị trấn theo phân loại đơn vị hành chính

1. Số lượng

Các xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bố trí Trưởng Công an xã, thị trấn là công an chính quy, nên số lượng cán bộ, công chức tại các xã, thị trấn được bố trí như sau:

a) Xã, thị trấn loại 1: Bố trí tối đa 22 người, trong đó: cán bộ không quá 11 người, công chức không quá 11 người.

b) Xã, thị trấn loại 2: Bố trí tối đa 20 người, trong đó: cán bộ không quá 11 người, công chức không quá 09 người.

c) Xã, thị trấn loại 3: Bố trí tối đa 18 người, trong đó: cán bộ không quá 10 người, công chức không quá 08 người.

2. Định hướng bố trí kiêm nhiệm cán bộ

Bố trí Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Trường hợp thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì bố trí Phó Bí thư Đảng ủy (thường trực) kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

3. Cơ cấu công chức

a) Chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự: Mỗi xã, thị trấn bố trí 01 công chức.

b) Chức danh Tài chính - Kế toán: Mỗi xã, thị trấn bố trí 01 công chức.

c) Chức danh Văn phòng - Thống kê: Mỗi xã, thị trấn bố trí 02 công chức.

d) Chức danh Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với thị trấn), Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã): Mỗi xã, thị trấn bố trí 02 công chức, trong đó: 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ về lĩnh vực địa chính, 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ về lĩnh vực xây dựng - đô thị - môi trường (đối với thị trấn) hoặc lĩnh vực nông nghiệp - xây dựng - môi trường (đối với xã).

đ) Chức danh Văn hóa - Xã hội: Xã, thị trấn loại 1, loại 2: Bố trí 02 công chức, trong đó: 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Văn hóa thông tin, 01 công chức đảm nhận các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và xã hội; xã, thị trấn loại 3: bố trí 01 công chức Văn hóa Xã hội.

e) Chức danh Tư pháp - Hộ tịch: Xã, thị trấn loại 1 bố trí 02 công chức; Xã, thị trấn loại 2, loại 3 bố trí 01 công chức;

4. Xã, thị trấn đã bố trí theo định hướng cơ cấu công chức tại khoản 3 Điều này mà vẫn còn chỉ tiêu công chức thì UBND huyện, thị xã có thể tiếp tục bố trí thêm vào các chức danh công chức theo mức độ yêu cầu nhiệm vụ được giao trên địa bàn nhưng không vượt quá số lượng công chức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Tiêu chuẩn về ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chức danh công chức xã, phường, thị trấn.

1. Chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự: Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Chức danh Văn phòng - Thống kê: Ngành hoặc chuyên ngành: Hành chính, Quản lý Nhà nước, Luật, Quản trị Văn phòng, Văn thư - Lưu trữ, Công nghệ thông tin.

3. Chức danh Tài chính - Kế toán: Ngành hoặc chuyên ngành: Kế toán, Tài chính.

4. Chức danh Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường (đối với xã): Ngành hoặc chuyên ngành: Địa chính, Quản lý đất đai (đối với lĩnh vực Địa chính, Nông nghiệp hoặc đối với xã, phường, thị trấn được bố trí 01 công chức); Xây dựng, Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Môi trường (đối với lĩnh vực Xây dựng, Đô thị, Môi trường).

5. Chức danh Văn hóa - Xã hội: Ngành hoặc chuyên ngành: Quản lý Văn hóa, Văn hóa học, Việt Nam học, Bảo tồn bảo tàng, Văn hóa - Du lịch (đối với lĩnh vực Văn hóa thông tin hoặc đối với xã, phường, thị trấn được bố trí 01 công chức); Công tác xã hội, Quản trị nhân lực, Xã hội học, Quản lý nguồn nhân lực, Bảo trợ xã hội, Quản lý các vấn đề xã hội và chính sách xã hội (đối với lĩnh vực Lao động Thương binh và xã hội).

6. Chức danh Tư pháp - Hộ tịch: ngành hoặc chuyên ngành về Luật.

Điều 4. Trách nhiệm thực hiện

1. UBND quận, huyện, thị xã

a) Trình UBND Thành phố (thông qua Sở Nội vụ) quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã.

b) Căn cứ số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giao và định hướng bố trí số lượng cán bộ, cơ cấu bố trí công chức xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 1, Điều 2 nêu trên, bố trí số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã đúng quy định; Trường hợp dôi dư thì cân đối điều động công chức sang các xã, phường, thị trấn còn thiếu; bố trí, sắp xếp bầu vào các chức danh cán bộ đã quy hoạch hoặc giải quyết tinh giản biên chế...

c) Thực hiện tuyển dụng, phân công, điều động, luân chuyển và bố trí người đảm nhiệm các chức danh công chức cấp xã phù hợp với ngành, chuyên đào tạo và đáp ứng các yêu cầu của vị trí chức danh công chức.

2. Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã; Kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này.

3. Sở Tài chính đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo quy định hiện hành.

Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp

Xã, thị trấn loại 2 được bố trí tối đa 20 người (trong đó: cán bộ không quá 10 người, công chức không quá 10 người), cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thì thực hiện đúng định mức quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 Quyết định này.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 9 năm 2020.

2. Quyết định này thay thế Quyết định số 57/2010/QĐ-UBND ngày 17/12/2010 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định số lượng, chức vụ, chức danh, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội; Bãi bỏ Điều 4, khoản 1 Điều 6 Quy chế tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 20/2014/QĐ-UBND ngày 16/5/2014 của UBND thành phố Hà Nội.

Điều 7. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc: Sở Nội vụ, Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Bộ Tư lệnh Thủ đô;
- VPUBTP: CVP, các PCVP, TH, VX, NC;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu