THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2020/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2020 |
VỀ VIỆC THU PHÍ DỊCH VỤ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ THEO HÌNH THỨC ĐIỆN TỬ KHÔNG DỪNG.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Giá ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Quyết định này quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng đối với phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng phải thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên phạm vi toàn quốc.
Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phương tiện giao thông đường bộ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng thuộc đối tượng phải thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
2. Chủ phương tiện là chủ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ hoặc người khác được chủ sở hữu phương tiện giao thông đường bộ giao quyền chiếm hữu, sử dụng phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng phải thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
3. Thẻ đầu cuối là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện giao thông đường bộ để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
4. Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là thu phí điện tử không dừng) là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (sau đây gọi tắt là hệ thống thu phí điện tử không dừng).
5. Mã số định danh là mã số do nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cấp cho một phương tiện giao thông đường bộ khi gắn thẻ đầu cuối.
6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong Quyết định này được hiểu là Bộ Giao thông vận tải đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu phí do Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu phí do địa phương quản lý.
7. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là nhà cung cấp dịch vụ thu phí) là đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn để đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng nhằm cung cấp dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
8. Tài khoản thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (sau đây gọi tắt là tài khoản thu phí) là tài khoản của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
9. Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư dự án xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Điều 4. Nguyên tắc thu phí điện tử không dừng
1. Tăng cường hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
2. Đảm bảo quyền thu phí của nhà đầu tư theo hợp đồng dự án đã được ký kết với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng, giữa hệ thống thu phí một dừng với hệ thống thu phí điện tử không dừng tại từng trạm và toàn bộ hệ thống; mỗi phương tiện chỉ dán 01 thẻ đầu cuối để sử dụng tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc; việc quản lý, vận hành và công tác thu phí tại trạm (bao gồm cả làn thu phí hỗn hợp) sau khi áp dụng thu phí điện tử không dừng do một đơn vị thực hiện.
4. Bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, trừ trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm việc tích hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để phục vụ các mục tiêu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
6. Tăng tốc độ lưu thông qua trạm thu phí, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí xã hội, hạn chế sử dụng tiền mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.
Điều 5. Thực hiện việc thu phí điện tử không dừng
1. Tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng
a) Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng.
b) Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
c) Đối với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
2. Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
3. Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định:
a) Việc duy trì mỗi trạm thu phí có 01 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông.
b) Thời điểm chuyển làn hỗn hợp nêu tại điểm a khoản này sang thu phí điện tử không dừng và thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức điện tử không dừng.
c) Tạm dừng và thời gian tạm dừng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các trạm thu phí chưa thực hiện việc thu phí điện tử không dừng theo điểm a, b, khoản 1 Điều này và
d) Việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 03 năm đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch.
Điều 6. Hệ thống thu phí điện tử không dừng
1. Hệ thống thu phí điện tử không dừng bao gồm các cấu thành sau:
a) Hệ thống điều hành trung tâm.
b) Trung tâm giám sát, bảo trì, chăm sóc khách hàng.
c) Trung tâm dịch vụ thẻ đầu cuối.
d) Trung tâm dữ liệu.
đ) Hệ thống đường truyền dữ liệu.
e) Hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
g) Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện giao thông đường bộ.
h) Các hệ thống, thiết bị, hạng mục khác bảo đảm hoạt động của hệ thống thu phí điện tử không dừng; bảo đảm kết nối liên thông giữa các hệ thống thu phí điện tử không dừng, giữa hệ thống một dừng với hệ thống điện tử không dừng tại từng trạm và toàn bộ hệ thống.
2. Hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, lắp đặt, xây dựng đồng bộ trên toàn quốc, bảo đảm vận hành liên tục, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và an toàn.
1. Hệ thống thu phí điện tử không dừng phải được thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì theo Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật có liên quan.
2. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư thu phí điện tử không dừng hoặc dự án có hạng mục thu phí điện tử không dừng; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán bước sau Thiết kế cơ sở được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
3. Việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng được thực hiện bởi nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Trường hợp nhà đầu tư tự thiết kế, đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng tại trạm để kết nối với trung tâm dữ liệu do nhà cung cấp dịch vụ thu phí đầu tư thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng của nhà cung cấp dịch vụ thu phí đang triển khai.
Điều 8. Quản lý, bảo trì trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm vận hành, bảo trì đối với những hạng mục công trình, thiết bị phục vụ công tác thu phí do mình quản lý. Chi phí quản lý, vận hành, bảo trì được tính trong phương án tài chính của dự án thu phí điện tử không dừng.
2. Nhà đầu tư có trách nhiệm vận hành, bảo trì đối với những hạng mục công trình, thiết bị trừ các hạng mục công trình, thiết bị quy định tại khoản 1 Điều này của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Chi phí quản lý, vận hành, bảo trì được tính trong phương án tài chính của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu phí.
3. Trường hợp phát sinh vướng mắc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì phân giao trách nhiệm việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý, vận hành, bảo trì các hạng mục công trình, thiết bị của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Điều 9. Thẻ đầu cuối gắn trên các phương tiện giao thông đường bộ
1. Phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc”) phải được gắn thẻ đầu cuối.
2. Việc gắn thẻ đầu cuối được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
3. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31 tháng 12 năm 2021. Từ ngày 31 tháng 12 năm 2021 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
1. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí mở tài khoản thu phí cho chủ phương tiện trên hệ thống thu phí điện tử không dừng ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.
2. Mỗi tài khoản thu phí có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông đường bộ; mỗi phương tiện giao thông đường bộ chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản thu phí.
3. Tài khoản thu phí được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của hệ thống thu phí điện tử không dừng, bao gồm các thông tin sau:
a) Thông tin liên hệ của chủ phương tiện: Số chứng minh nhân dân, hoặc số thẻ căn cước công dân, hoặc số hộ chiếu; mã số doanh nghiệp, địa chỉ nơi cư trú hoặc địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại liên lạc và địa chỉ hộp thư điện tử tiếp nhận chứng từ thu phí điện tử không dừng.
b) Mã số định danh của phương tiện giao thông đường bộ được nhận chi trả từ tài khoản thu phí.
c) Tải trọng phương tiện, số chỗ ngồi, loại xe, biển kiểm soát xe.
d) Số tiền trong tài khoản, lịch sử giao dịch của tài khoản.
4. Trong thời hạn tối đa 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông tin thay đổi theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 3 Điều này, chủ phương tiện phải thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để cập nhật trên hệ thống thu phí điện tử không dừng.
5. Trong thời gian tối đa 5 ngày kể từ khi nhận được thông tin thay đổi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải cập nhật trên hệ thống đăng kiểm và nhà cung cấp dịch vụ thu phí phải cập nhật trên hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Điều 11. Sử dụng tài khoản thu phí
1. Chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản thu phí (thông qua các hình thức nộp trực tiếp, liên thông tài khoản ngân hàng và các hình thức khác) để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo quy định.
2. Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ được gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn thu phí điện tử không dừng thì phương tiện phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp.
3. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí tiến hành mở tài khoản trên hệ thống ngân hàng thương mại để tiếp nhận phí dịch vụ sử dụng đường bộ của chủ phương tiện khi lưu hành qua các trạm thu phí điện tử không dừng.
4. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm quản lý đối với toàn bộ số tiền của các chủ phương tiện nộp vào tài khoản thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật.
1. Các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo quy định của pháp luật có gắn thẻ đầu cuối, khi lưu thông qua làn thu phí điện tử không dừng sẽ được nhận diện tự động và cho phép lưu thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ khác sử dụng làn thu phí hỗn hợp để lưu thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
2. Thu theo tháng, theo quý, theo năm
a) Trường hợp chủ phương tiện có nhu cầu thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng, theo quý hoặc theo năm cho một hoặc một số trạm thu phí điện tử không dừng cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện tại thời điểm đăng ký thanh toán theo tháng, quý, năm.
b) Phương tiện giao thông đường bộ đã đăng ký thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo tháng, quý, năm đi qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã đăng ký, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không trừ tiền trong tài khoản thu phí của chủ phương tiện. Ngoài việc trả theo tháng, quý, năm cho trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cụ thể được đăng ký, chủ phương tiện phải duy trì đủ số dư tài khoản thu phí để đi qua các trạm thu phí điện tử không dừng khác trong trường hợp có nhu cầu sử dụng.
Điều 13. Chí phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng
1. Chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí là nguồn thu cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để hoàn vốn đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì dự án thu phí điện tử không dừng. Chi phí này được trích trực tiếp từ doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí. Trường hợp doanh thu hoàn vốn của dự án thu phí điện tử không dừng không đảm bảo tính khả thi so với phương án tài chính được duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án thu phí điện tử không dừng.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu phí điện tử không dừng phù hợp với phương án đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì tại mỗi trạm thu phí. Chi phí này được xác định chính thức theo Hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà cung cấp dịch vụ thu phí và được cập nhật trong phương án tài chính của dự án đầu tư xây dựng đường bộ có thu phí.
Điều 14. Thụ hưởng phí dịch vụ sử dụng đường bộ
1. Toàn bộ số tiền thu được tại mỗi trạm thu phí điện tử không dừng sẽ được nhà cung cấp dịch vụ thu phí hoàn trả cho nhà đầu tư để đảm bảo hoàn vốn theo quy định tại hợp đồng dự án sau khi trừ đi chi phí dịch vụ thu phí điện tử không dừng. Thời gian và hình thức chuyển tiền do nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thống nhất nhưng đảm bảo việc chuyển tiền cho nhà đầu tư không quá 24 giờ kể từ lần chuyển tiền trước đó, trừ các trường hợp đặc biệt đã được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ thu phí.
2. Nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật.
3. Nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho nhà đầu tư các khoản thất thu do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Điều 15. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí
1. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí là toàn bộ chi phí để nhà đầu tư thực hiện công tác tổ chức, quản lý, giám sát thu phí (bao gồm cả việc thu phí điện tử không dừng và một dừng).
2. Chi phí tổ chức, quản lý, giám sát thu phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với nhà đầu tư trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp quy định của pháp luật.
Điều 16. Chứng từ thu phí điện tử không dừng
1. Chứng từ thu phí điện tử không dừng được phát hành dưới dạng chứng từ điện tử. Chứng từ thu phí điện tử không dừng phải có chữ ký điện tử của đơn vị phát hành theo quy định của pháp luật.
2. Không sử dụng chứng từ giấy cho việc thu phí điện tử không dừng. Trường hợp cần thiết có thể in chứng từ điện tử để phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu của cơ quan nhà nước.
Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí điện tử không dừng, bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch.
2. Kiểm soát hoạt động của hệ thống thu phí điện tử không dừng theo quy định của pháp luật.
3. Hướng dẫn về công tác tổ chức giao thông (tổ chức phân làn, đặt biển báo hiệu chỉ dẫn từ xa, biển báo hiệu quy định về tốc độ, khoảng cách phương tiện khi đi vào làn thu phí điện tử không dừng, sơn kẻ vạch đường,...) để thống nhất chung cho các trạm thu phí.
4. Rà soát Báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án thu phí điện tử không dừng (bao gồm cả nội dung và hình thức hợp đồng) để quyết định điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nội dung Quyết định này.
5. Đôn đốc, chỉ đạo nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ ký kết Hợp đồng dịch vụ đảm bảo tiến độ triển khai dự án.
6. Chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu phương tiện cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để đảm bảo đồng bộ về dữ liệu phương tiện giao thông.
7. Phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi triển khai công tác thu phí hoàn vốn các dự án đường bộ có thu phí.
Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng
1. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia giao thông.
2. Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phân làn, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí; xử phạt theo quy định của pháp luật đối với phương tiện vi phạm.
Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nhà cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật về hóa đơn trong hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng.
2. Hướng dẫn các nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.
Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Hướng dẫn việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho hệ thống thu phí điện tử không dừng; bảo vệ tần số của thiết bị thu phí điện tử không dừng và ứng phó khi có tình huống phát sinh gây mất an toàn thông tin.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thu phí điện tử không dừng theo quy định của pháp luật.
3. Kiểm tra, giám sát nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin có liên quan đến hoạt động thu phí điện tử không dừng.
4. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến lợi ích cũng như các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu phí theo hình thức điện tử không dừng
Điều 21. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Phối hợp, hướng dẫn nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến hoạt động thanh toán dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
2. Phối hợp, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến liên thông tài khoản và xử lý lãi phát sinh trên các tài khoản liên quan đến hoạt động thu phí điện tử không dừng theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Trách nhiệm của chủ phương tiện giao thông đường bộ
1. Thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho phương tiện giao thông đường bộ tại lần kiểm định gần nhất hoặc trước khi đến hạn kiểm định hoặc khi qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ lần đầu hoặc ngay khi thẻ đầu cuối bị mất, hỏng. Chi trả tiền gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo quy định tại
2. Không được phá hủy, làm giả, can thiệp vào nội dung thẻ đầu cuối, chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện giao thông đường bộ này sang phương tiện giao thông đường bộ khác.
3. Cung cấp thông tin để mở tài khoản thu phí, khai báo và sửa đổi thông tin tài khoản khi có thay đổi; cung cấp các thông tin cần thiết để nhà cung cấp dịch vụ thu phí hoàn trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ vào tài khoản thu phí khi cần thiết.
4. Thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định.
5. Chấp hành các hướng dẫn về giao thông khi lưu thông qua trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
6. Thông báo, kê khai khi phương tiện sử dụng loại vé phí dịch vụ sử dụng đường bộ toàn quốc cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc cập nhật trong toàn bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Điều 23. Trách nhiệm Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Xác định nguồn vốn triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý.
Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
1. Triển khai thực hiện đồng bộ việc thu phí điện tử không dừng, đảm bảo kết nối liên thông và đúng tiến độ.
2. Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải: Tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí điện tử không dừng đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
3. Đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Nếu việc tự tổ chức thực hiện hệ thống thu phí điện tử không dừng riêng không khả thi thì lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí đã được Bộ Giao thông vận tải lựa chọn để thực hiện việc thu phí điện tử không dừng cho các trạm thu phí do mình quản lý, đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ và kết nối liên thông trong toàn hệ thống thu phí điện tử không dừng.
4. Chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư điều chỉnh hợp đồng dự án để thực hiện thu phí điện tử không dừng.
5. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các nội dung phát sinh theo thẩm quyền.
6. Quyết định việc nhà đầu tư tự thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị thu phí điện tử không dừng tại trạm thu phí đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả, thống nhất, kết nối liên thông đồng bộ theo quy định.
7. Quyết định, thỏa thuận các chi phí tại
8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội khi triển khai công tác thu phí hoàn vốn các dự án đường bộ có thu phí trên địa bàn.
Điều 25. Trách nhiệm của nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có thu phí
1. Có trách nhiệm phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng tại trạm thu phí theo quy định.
2. Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi hợp đồng dự án nhằm bảo đảm thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi sang hình thức thu phí điện tử không dừng.
3. Ký hợp đồng dịch vụ thu phí với nhà cung cấp dịch vụ thu phí để triển khai thực hiện.
4. Ủy quyền cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí phát hành chứng từ thu phí điện tử không dừng cho chủ phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Giám sát hoạt động thu phí (bao gồm cả hình thức thu phí điện tử không dừng và một dừng) đối với dự án do nhà đầu tư quản lý, khai thác.
6. Thực hiện việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị thu phí điện tử không dừng tại trạm thu phí theo
Điều 26. Trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ thu phí
1. Đầu tư, xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống thu phí điện tử không dừng theo
2. Hướng dẫn sử dụng, bảo hành thẻ đầu cuối; mở và quản lý tài khoản thu phí, tài khoản tiếp nhận theo quy định của pháp luật; lưu trữ thông tin tài khoản chủ phương tiện; cung cấp thông tin về số dư và lịch sử giao dịch theo yêu cầu của chủ tài khoản.
3. Thống nhất với nhà đầu tư ký hợp đồng dịch vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, tiếp quản công tác thu phí điện tử không dừng kịp thời, đúng lộ trình; phát hành chứng từ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử không dừng cho các chủ phương tiện tham gia giao thông theo ủy quyền của nhà đầu tư.
4. Thông báo kết quả thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có trách nhiệm để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư kiểm tra, giám sát hoạt động thu phí điện tử không dừng.
5. Thông báo về các hành vi vi phạm pháp luật của chủ phương tiện cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình thực hiện thu phí điện tử không dừng định kỳ hàng tháng, quý, năm và khi có sự cố phát sinh.
7. Mở rộng hệ thống, kênh phát hành thẻ đầu cuối nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn thẻ đầu cuối đối với phương tiện giao thông đường bộ.
8. Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thu phí điện tử không dừng cho Bộ Giao thông vận tải và cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước.
9. Không chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng cho nhà đầu tư nước ngoài.
10. Đảm bảo thực hiện việc kết nối liên thông, đối soát dữ liệu chính xác với các hệ thống thu phí điện tử không dừng của các nhà cung cấp dịch vụ thu phí khác.
11. Trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, nhà cung cấp dịch vụ thu phí được phép đề xuất triển khai mở rộng thêm dịch vụ mới trên cơ sở đảm bảo lợi ích xã hội, hiệu quả dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
12. Triển khai lắp đặt, hoàn thành các trạm thu phí thuộc dự án trong vòng 06 tháng kể từ thời điểm hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ và tiếp nhận mặt bằng tại trạm.
1. Các công việc đã thực hiện trước ngày có hiệu lực thi hành của Quyết định này được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Các cơ quan, đơn vị liên quan điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án và các nội dung liên quan để phù hợp với Quyết định này.
3. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 và thay thế Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 10282/VPCP-CN năm 2019 về triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 10670/VPCP-CN năm 2019 về triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 8/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 9285/TCĐBVN-TC năm 2021 về gia hạn vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành
- 1Luật giao thông đường bộ 2008
- 2Luật giá 2012
- 3Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 4Công văn 10282/VPCP-CN năm 2019 về triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 10670/VPCP-CN năm 2019 về triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Thông báo 8/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 9285/TCĐBVN-TC năm 2021 về gia hạn vé tháng, vé quý tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 19/2020/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/06/2020
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trịnh Đình Dũng
- Ngày công báo: 28/06/2020
- Số công báo: Từ số 655 đến số 656
- Ngày hiệu lực: 01/08/2020
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực