Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 19/2007/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG KHOA HỌC TỰ NHIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 81/2002/ NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/1/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/ 5/2003;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Công báo;
- Cục KTVB (Bộ TP);
- Lưu VT, XHTN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Tiến

 

QUY ĐỊNH

ĐÁNH GIÁ NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG KHOA HỌC TỰ NHIÊN

(Kèm theo Quyết định số 19 /2007/ QĐ-BKHCN ngày 18 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản (sau đây gọi tắt là đề tài) thuộc các lĩnh vực Toán học, Tin học, Cơ học, Vật lý, Hoá học, Khoa học Sự sống và Các Khoa học Trái đất trong Khoa học Tự nhiên kết thúc thời hạn thực hiện.

Đánh giá nghiệm thu đề tài (sau đây gọi tắt là đánh giá đề tài) là việc đánh giá kết quả thực hiện của đề tài đã kết thúc thời hạn thực hiện.

Điều 2. Nguyên tắc đánh giá

1. Việc đánh giá đề tài được thực hiện thông qua xem xét Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài (theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ ) và đối chiếu với Thuyết minh đề tài.

2. Việc đánh giá đề tài được thực hiện bởi các Hội đồng Khoa học theo các lĩnh vực khoa học tự nhiên hoặc các Hội đồng Khoa học chuyên ngành thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên (sau đây gọi tắt là Hội đồng) và các chuyên gia phản biện theo các quy định về tiêu chí đánh giá đề tài và các quy định về Hội đồng khoa học của Quy định này.

Chương II.

ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI

Điều 3. Hồ sơ đánh giá

1. Hồ sơ đánh giá bao gồm:

a) Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của đề tài (Phụ lục 1);

b) Bản sao thuyết minh đề tài.

2. Chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm nộp hồ sơ đánh giá theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 4. Tiêu chí đánh giá

Các đề tài được đánh giá thông qua các tiêu chí sau:

1. Kết quả nghiên cứu;

2. Kết quả tham gia đào tạo trên đại học;

3. Tiến độ thực hiện đề tài;

4. Tình hình sử dụng kinh phí.

Điều 5. Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện bằng các công trình (bài báo, báo cáo khoa học, v.v..) đã công bố hoặc đã được nhận đăng (có giấy nhận đăng của Ban biên tập tạp chí, của Ban tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, của nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật) trên các ấn phẩm khoa học sau đây:

1. Tạp chí khoa học quốc tế, gồm các tạp chí có tên trong danh sách chỉ số trích dẫn khoa học (danh sách SCI và SCI Expanded) do Viện thông tin khoa học (ISI) công bố và các tạp chí chuyên ngành uy tín khác do Hội đồng xác định.

2. Tạp chí khoa học quốc gia, gồm các tạp chí hàng đầu do Hội đồng xác định dựa trên cơ sở danh sách tạp chí khoa học quốc gia được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước quy định để xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

3. Kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có phản biện do Hội đồng xác định.

4. Kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia có phản biện và có giấy phép xuất bản do Hội đồng xác định.

5. Sách chuyên khảo từ kết quả nghiên cứu được xuất bản tại một nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật và có nộp lưu chiểu do Hội đồng xác định.

Điều 6. Kết quả tham gia đào tạo trên đại học

Đóng góp cho đào tạo trên đại học của đề tài được thể hiện ở số nghiên cứu sinh và số tiến sỹ đã bảo vệ thành công luận án mà đề tài tham gia đào tạo.

Điều 7. Tiến độ thực hiện đề tài

1. Đề tài không vi phạm tiến độ thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Chủ nhiệm đề tài nộp Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài đúng hạn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

b) Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài nộp chậm theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng có lý do hợp lý và được cơ quan chủ trì xác nhận bằng văn bản, và Báo cáo này nộp trước ngày họp phiên 1 của Hội đồng Khoa học.

2. Đề tài vi phạm tiến độ trong trường hợp Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài nộp chậm như trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này nhưng không được cơ quan chủ trì xác nhận có lý do hợp lý bằng văn bản.

3. Chủ nhiệm Đề tài không hoàn thành nhiệm vụ nếu tính đến ngày họp Phiên 1 của Hội đồng khoa học không nộp Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài. Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ trì về đề tài “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Điều 8. Tình hình sử dụng kinh phí

1. Đề tài không vi phạm quy định về sử dụng kinh phí nếu sử dụng kinh phí đúng mục đích và theo quy định tài chính hiện hành (cơ quan chủ trì xác nhận trong Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của đề tài).

2. Đề tài vi phạm quy định về sử dụng kinh phí nếu không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này (được cơ quan chủ trì xác nhận trong Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện của đề tài).

3. Cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm về việc xác nhận tình hình sử dụng kinh phí của Đề tài.

Điều 9. Phân loại kết quả đánh giá đề tài về nội dung khoa học

Các đề tài được đánh giá về nội dung khoa học ở 2 mức “Đạt” và “Không đạt”.

1. Đề tài được đánh giá ở mức “Đạt” khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

a) Có ít nhất một trong các công trình nghiên cứu quy định tại Điều 5 của Quy định này;

Các đề tài trọng điểm phải có ít nhất một công trình quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 5 của Quy định này. Hội đồng Khoa học căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế quyết định mức cụ thể số lượng công trình của từng chuyên ngành.

b) Có kết quả đào tạo (nếu có đăng ký trong thuyết minh) quy định tại Điều 6 của Quy định này.

c) Được chuyên gia phản biện và Hội đồng khoa học đánh giá các công trình quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này đáp ứng được yêu cầu về chất lượng khoa học.

2. Đề tài được đánh giá ở mức “Không đạt” nếu không đáp ứng đồng thời các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 10. Phân loại kết quả đánh giá đề tài về tổ chức thực hiện

Đề tài được đánh giá về tổ chức thực hiện ở 2 mức “Đạt” và “Không đạt”.

1. Đề tài được đánh giá ở mức “Đạt” nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 8 của Quy định này.

2. Đề tài được đánh giá ở mức “Không đạt” nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 7 hoặc Khoản 2 Điều 8 của Quy định này.

Chương III

PHƯƠNG THỨC VÀ QUY TRÌNH LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC

Điều 11. Hội đồng khoa học

1. Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập cho từng lĩnh vực hoặc chuyên ngành khoa học quy định tại Điều 2 của Quy định này.

2. Hội đồng có từ 9 đến 13 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác; số thành viên Hội đồng khoa học chuyên ngành, có thể ít hơn nhưng không dưới 5 người.

3. Thành viên Hội đồng là nhà khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp (từ tiến sỹ trở lên), có công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế trong khoảng thời gian 10 năm tính đến thời điểm thành lập Hội đồng.

Điều 12. Nguyên tắc làm việc, trách nhiệm của Hội đồng

1. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp của Hội đồng, trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt thì Phó chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Bộ Khoa học và Công nghệ cử các chuyên viên làm thư ký hành chính giúp việc cho Hội đồng.

2. Mỗi đề tài có 02 chuyên gia làm phản biện. Chuyên gia phản biện là người am hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn. Chuyên gia phản biện là thành viên Hội đồng hoặc chuyên gia bên ngoài Hội đồng trong trường hợp cần thiết. Chuyên gia phản biện có nhiệm vụ nhận xét độc lập về đề tài được phân công.

3. Các phiên họp của Hội đồng là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự, trong đó phải có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng (trường hợp Chủ tịch vắng mặt); trường hợp Hội đồng có 5 người thì các phiên họp phải có đủ tất cả các thành viên Hội đồng. Kết luận của Hội đồng phải được trên 50% số thành viên Hội đồng tham dự họp biểu quyết thông qua và lập thành biên bản.

4. Thành viên Hội đồng không tham gia đánh giá kết quả đề tài (nhận xét, thảo luận, chấm điểm) do mình làm chủ nhiệm hoặc tham gia thực hiện.

5. Thành viên Hội đồng, chuyên gia phản biện có trách nhiệm đánh giá công bằng, khách quan, giữ bí mật thông tin về đánh giá đề tài tại các phiên họp của Hội đồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố và tuân thủ các quy định khác của Quy định này. Thành viên Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của Hội đồng.

Điều 13. Quy trình làm việc của Hội đồng

Hội đồng họp 02 phiên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt).

1. Phiên họp 1: Hội đồng thảo luận thống nhất nội dung, yêu cầu, phương thức làm việc, cử thư ký khoa học và phân công các thành viên Hội đồng chuẩn bị các công việc cần thiết cho phiên họp sau. Trình tự tiến hành phiên họp như sau:

a) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nêu những nội dung, yêu cầu chủ yếu đối với việc đánh giá kết quả thực hiện các đề tài, về quy trình làm việc của Hội đồng.

b) Hội đồng cử thư ký khoa học; phân công thành viên Hội đồng thống kê, phân loại từ các Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của các đề tài về các tạp chí khoa học chuyên ngành, các loại hội nghị, hội thảo, sách chuyên khảo theo các tiêu chí đánh giá quy định tại Điều 5 của Quy định này (Phụ lục 2).

c) Thư ký khoa học tổng hợp danh sách thống kê phân loại tạp chí khoa học, hội nghị, hội thảo của các thành viên Hội đồng để Hội đồng thảo luận và thống nhất danh sách phân loại theo quy định tại Điều 5 của Quy định này (Phụ lục 3).

d) Căn cứ danh mục đề tài, Hội đồng phân công hai thành viên Hội đồng làm chuyên gia phản biện đối với từng đề tài. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thảo luận và thống nhất mời chuyên gia phản biện ngoài Hội đồng. Hội đồng thông qua danh sách phản biện đối với từng đề tài (kèm theo Biên bản của phiên họp 1). Chủ tịch Hội đồng (hoặc Phó Chủ tịch) gửi giấy mời tới các chuyên gia phản biện ngoài Hội đồng.

đ) Chuyên gia phản biện nhận hồ sơ đánh giá, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng đề tài về nội dung khoa học, kết quả tham gia đào tạo, tiến độ thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí theo Phiếu đánh giá (Phụ lục 4) và gửi cho Thư ký hành chính trước phiên họp 2 của Hội đồng.

Thư ký hành chính của Hội đồng có trách nhiệm gửi hồ sơ đánh giá đề tài đến các chuyên gia phản biện.

e) Hội đồng biểu quyết thông qua Biên bản phiên họp 1 (Phụ lục 5) và thống nhất thời gian, địa điểm phiên họp 2.

2. Phiên họp 2. Hội đồng đánh giá từng đề tài. Trình tự phiên họp như sau:

a) Hội đồng nghe trình bày nhận xét, đánh giá của các chuyên gia phản biện, thảo luận những vấn đề còn chưa rõ về kết quả chung của đề tài, về chất lượng khoa học của sản phẩm chính (bài báo, báo cáo, sách chuyên khảo, v.v…).

b) Thành viên Hội đồng đánh giá độc lập đối với từng đề tài về nội dung khoa học thông qua bỏ phiếu đề nghị “Đạt” hoặc “Không đạt”. Đề tài được đánh giá ở mức “Đạt” nếu được cả 02 chuyên gia phản biện đánh giá ở mức “ Đạt” và trên 50% số thành viên Hội đồng bỏ phiếu cho đề tài ở mức “Đạt”.

c) Hội đồng đánh giá về tổ chức thực hiện đề tài trên cơ sở ý kiến đánh giá của chuyên gia phản biện theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

d) Thư ký khoa học, thư ký hành chính rà soát, tổng hợp kết quả đánh giá của các thành viên Hội đồng để đưa vào Bảng tổng hợp kết quả bỏ phiếu (Phụ lục 6), lập biên bản phiên họp của Hội đồng (Phụ lục 7).

đ) Hội đồng thông qua biên bản phiên họp và kết quả đánh giá tổng hợp của Hội đồng.

e) Chủ tịch Hội đồng, thư ký khoa học, thư ký hành chính ký các biên bản về kết quả đánh giá các đề tài để trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định.

Chương IV

XỬ LÝ VÀ GHI NHẬN KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ ĐỀ TÀI

Điều 14. Xử lý và ghi nhận kết quả đánh giá, quyết toán đề tài

1. Trên cơ sở kết quả tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài của các Hội đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định ghi nhận kết quả thực hiện của đề tài và thông báo đến cơ quan chủ trì, cơ quan chủ quản đề tài.

Sau khi có thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả đánh giá đề tài, các đề tài (kể cả các đề tài có kết quả đánh giá là “Không đạt”, “Không hoàn thành nhiệm vụ”) được thực hiện việc quyết toán kinh phí thực hiện đề tài theo các quy định hiện hành đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

2. Chủ nhiệm đề tài có kết quả đánh giá về nội dung khoa học hoặc về tiến độ thực hiện ở mức “Không đạt” và “Không hoàn thành nhiệm vụ” thì không được đăng ký chủ trì đề tài nghiên cứu cơ bản mới trong thời hạn nhất định theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chủ nhiệm đề tài có kết quả công bố theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quy định này, trừ trường hợp có kết quả đánh giá là “Không đạt” về tổ chức thực hiện, tuỳ theo chất lượng khoa học, sẽ được ưu tiên khi xét chọn đề tài mới theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2007/QĐ-BKHCN Quy định đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 19/2007/QĐ-BKHCN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/09/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Lê Đình Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 700 đến số 701
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản