Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 19/2003/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 19 tháng 02 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề,
Căn cứ Thông tư số 01/2002/TT-BLĐTBXH ngày 04 tháng 01 năm 2002 của Bộ Lao động - thương binh và xã hội hướng dẫn việc thành lập, đăng ký hoạt động, chia, tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động giải thể cơ sở dạy nghề;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số: 82/LĐTBXH ngày 20 tháng 1 năm 2003;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 85/1999/QĐ-UB ngày 09 tháng 7 năm 1999 của UBND thành phố Đà Nẵng Ban hành Quy chế quản lý hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Trưởng các Hội, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi gửi:
- Như điều 3
- Bộ LĐTBXH
- TVTƯ
- TTHĐND thành phố
- CT và các PCT
- CPVP, CVVP
- Lưu VT, a.Phát

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Long

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2003/QĐ-UB ngày 19 tháng 2 năm 2003 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Cơ sở dạy nghề (bao gồm các Trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề, lớp dạy nghề) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải thực hiện theo quy định của quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Cơ sở dạy nghề bao gồm:

1. Cơ sở dạy nghề công lập do ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định thành lập hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, đầu tư, tổ chức bộ máy quản lý và điều hành;

2. Cơ sở dạy nghề bán công được thành lập trên cơ sở liên kết giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế hoặc do chuyển cơ sở dạy nghề lập thành cơ sở dạy nghề bán công do ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập, việc quản lý điều hành thực hiện theo quy định của pháp luật;

3. Cơ sở dạy nghề dân lập do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thành lập, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước; tự quản lý điều hành theo quy định pháp luật, phù hợp với mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của tổ chức mình.

4. Cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập để dạy nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất-kinh doanh, thay đổi cơ cấu sản xuất, công nghệ của doanh nghiệp, hợp tác xã và tạo điều kiện cho người lao động tìm việc làm, tự tạo việc làm;

5. Cơ sở dạy nghề tư thục do cá nhân hay một nhóm cá nhân có đủ điều kiện đầu tư thành lập và tự quản lý theo quy định của pháp luật;

6. Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ.

Điều 2: Sở Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề ở địa phương theo quy định tại Thông tư số 01/2002/TT-BLĐTBXH ngày 04/01/2002 của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thành lập, đăng ký hoạt động và chia, tách, sáp nhập, đình chỉ hoạt động, giải thể cơ sở dạy nghề và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 3: UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các cơ sở dạy nghề thuộc quận, huyện và quản lý hoạt động dạy nghề trên địa bàn quận, huyện.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4 : Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ muốn mở cơ sở dạy nghề phải lập hồ sơ thành lập cơ sở dạy nghề và đượ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định cho phép thành lập,

Điều 5: Điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề :

Cơ sở dạy nghề được thành lập phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Phải phù hợp với mạng lưới qui hoạch dạy nghề của thành phố,

2. Có qui mô dạy nghề tối thiểu 150 học sinh/ năm đối với trung tâm dạy nghề và 300 học sinh/năm đối với trường dạy nghề;

3. Đội ngũ giáo viên: Phải đủ số lượng và đảm bảo chất lượng giáo viên

Giáo viên dạy lý thuyết: tối đa 1 giáo viên/35 học sinh.

Giáo viên dạy thực hành : tối đa 1 giáo viên/ 18 học sinh.

Giáo viên phải đạt trình độ chuẩn theo Điều 1 và Điều 20 Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ.

4. Có số phòng học lý thuyết tối đa 35 học sinh/lớp; từ 4-6m2 diện tích nơi thực hành/ 1 học sinh, tối đa không quá 18 học sinh/ 1 lớp thực hành;

5. Trụ sở chính của cơ sở dạy nghề và hồ sơ sử dụng đất, nhà;

6. Phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề tương ứng;

7. Có chương trình, giáo trình giảng dạy theo đúng chương trình do Bộ Lao động-thương binh và Xã hội quy định.

Điều 6: Thủ tục hồ sơ thành lập cơ sở dạy nghề:

1.Đơn xin thành lập trường (trung tâm, lớp) dạy nghề (theo mẫu tại Thông tư 01/2002/TT-BLĐTBXH);

2. Đề án thành lập trường, trung tâm dạy nghề (theo mẫu tại TT số 01/2002/TT-BLĐTBXH;

3. Sơ yếu lý lịch của người dự kiến sẽ làm Hiệu trưởng trường dạy nghề hoặc Giám đốc trung tâm dạy nghề (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền);

4. Đối với trường, trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩmquyền về khả năng tài chính của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường hoặc trung tâm;

5. Trường hợp thành lập cơ sở dạy nghề công lập thuộc thành phố, phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Tổ chức chính quyền thành phố.

Điều 7: thẩm quyền thành lập cơ sở dạy nghề :

Đối với trường dạy nghề:

Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập trường dạy nghề thuộc thành phố quản lý, cho phép thành lập trường dạy nghề dân lập, tư thục, trường dạy nghề của các tổ chức khác đóng trên địa bàn thành phố sau khi có đề nghị của cá nhân hoặc người đứng đầu tổ chức đó và văn bản thỏa thuận của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội.

Đối với trung tâm dạy nghề.

Chủ tịch UBND thành phố quyết định thành lập trung tâm dạy nghề công lập, bán công thuộc thành phố quản lý, cho phép thành lập trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục, trên cơ sở thẩm định và đề nghị của Sở Lao động-thương binh và Xã hội.

Chủ tịch UBND các quận, huyện ra quyết định thành lập trung tâm dạy nghề công lập, bán công, cho phép thành lập trung tâm dạy nghề dân lập, tư thục, các lớp dạy nghề thuộc phạm vi quận huyện quản lý trên cơ sở đề nghị của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội và ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Lao động-thương binh và Xã hội.

Điều 8: Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ:

- Sở Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân thành phố tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập trường, trung tâm dạy nghề thuộc phạm vi thành phố quản lý.

- Phòng Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp UBND quận, huyện tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập trung tâm, lớp dạy nghề thuộc phạm vi quận, huyện quản lý.

Điều 9: Trong thời hạn 30 ngày làm việc đối với trường dạy nghề và 20 ngày đối với trung tâm, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin thành lập hợp lệ theo quy định, cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch. UBND thành phố hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện ra quyết định thành lập cơ sở dạy nghề.

Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ trong thời hạn 10 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ phải thông báo nội dung bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin thành lập cơ sở dạy nghề biết và đề nghị bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Điều 10: Trong thời hạn 9 tháng, kể từ ngày có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, cơ sở dạy nghề phải đăng ký hoạt động dạy nghề tại Sở Lao động-thương binh và Xã hội và chỉ được tuyển sinh sau khi có giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề.

Điều 11: Cơ sở dạy nghề sau khi tuyển sinh phải thực hiện hợp đồng học nghề theo quy định của Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ.

Điều 12: Thủ tục đăng ký hoạt động dạy nghề:

Các cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải đăng ký hoạt động dạy nghề tại Sở Lao động-thương binh và Xã hội. Thủ tục đăng ký như sau:

1. Đơn đăng ký hoạt động dạy nghề theo mẫu tại Thông tư 01/2002/TT-BLĐTBXH;

2. Điều lệ hoặc quy chế cơ sở dạy nghề đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

3. Quyết định bổ nhiệm hoặc công nhận là hiệu trưởng hoặc giám đốc của cơ sở dạy nghề;

4. Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở dạy nghề.

Điều 13: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động-thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo mẫu quy định của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội.

Kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Lao động-thương binh và Xã hội phải thông báo bằng văn bản cho cơ sở dạy nghề biết về nội dung cần sửa đổi và cách thức sửa đổi. Quá thời hạn 20 ngày làm việc mà cơ sở dạy nghề chưa nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề thì cơ sở dạy nghề có quyền hoạt động theo nội dung đã đăng ký.

Điều 14: Các tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố có mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, đột xuất trên 10 học sinh hoặc liên kết dạy nghề phải lập hồ sơ thủ tục đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Điều 12 của quy chế này.

Điều 15: Đăng ký bổ sung, thay đổi nghề đào tạo:

Sau khi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề, cơ sở dạy nghề cần bổ sung hoặc thay đổi nghề đào tạo phải làm đơn đăng ký (theo mẫu) sửa đổi, bổ sung, gởi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký dạy nghề bổ sung hoặc sửa đổi. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, sau khi nhận hồ sơ hợp lệ của cơ sở dạy nghề về việc thay đổi, bổ sung nghề đào tạo, Sở Lao động-thương binh và Xã hội thẩm định và cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề, nếu quá thời hạn trên, cơ sở dạy nghề được phép đào tạo nghề đã đăng ký bổ sung.

Điều 16: Cơ sở dạy nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề khi:

1. Bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động;

2. Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề hết thời hạn;

3. Hoạt động không đúng với mục tiêu, chương trình, nội dung đăng ký sau khi cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề;

4. Không hoạt động sau 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề;

5. Cơ sở dạy nghề bị giải thể, sáp nhập hoặc chia tách,

Sở Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề theo quy định Điều này.

Điều 17: Trường hợp thay đổi địa điểm dạy nghề:

Cơ sở dạy nghề phải có văn bản báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và được Sở phê duyệt đúng với qui hoạch mạng lưới dạy nghề của thành phố.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thay đổi địa điểm dạy nghề, Sở Lao động-thương binh và Xã hội ghi đăng ký chuyển địa điểm mới vào Giấy chứng nhận đăng ký hoạt đông dạy nghề.

Điều 18: Cơ sở dạy nghề được thu học phí theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng với người học nghề hoặc với đơn vị cử người đến học. Việc miễn hoặc giảm học phí cho người học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 02/2001/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2001 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 19: Việc sáp nhập, chia tách, cơ sở dạy nghề từ công lập sang bán công, hoặc ra khỏi mạng lưới cơ sở dạy nghề.

Đối với cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi thành phố quản lý, Sở Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu đề xuất, UBND thành phố quyết định trên cơ sở phù hợp với qui hoạch mạng lưới dạy nghề của thành phố.

Trường hợp trường dạy nghề tách khỏi mạng lưới dạy nghề, phải có văn bản thỏa thuận của Bộ Lao động-thương binh và Xã hội.

- Đối với cơ sở dạy nghề thuộc phạm vi quận, huyện quản lý, phòng Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu đề xuất, UBND các quận, huyện quyết định trên cơ sở có sự thỏa thuận bằng văn bản của Sở Lao động-thương binh và Xã Hội.

Điều 20: việc đình chỉ, giải thể cơ sở dạy nghề thuộc Bộ, Ngành, Tổng Công ty thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải thông báo bằng văn bản lý do đình chỉ, giải thể cơ sở dạy nghề cho Sở Lao động-thương binh và Xã hội biết để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo Điều 16 của Quy chế này.

Điều 21: Quyết định đình chỉ, giải thể cơ sở dạy nghề chỉ được thực hiện sau khi bảo đảm giải quyết quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Cán bộ, Công chức; quyền lợi của người học nghề được giải quyết theo hợp đồng học nghề; thực hiện đúng quy định của Điều lệ trường dạy nghề (Quyết định số 775/2001/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/9/2001 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 22: Hằng năm cơ sở dạy nghề phải đăng ký về số lượng Bằng, Chứng chỉ nghề tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để thực hiện kế hoạch cấp phát và quản lý Bằng nghề, Chứng chỉ nghề theo quy định của Quyết định số 1536/1998/QĐ-BLĐTBXH ngày 01 tháng 02 năm 1998 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các văn bản khác có liên quan của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23: Giám đốc Sở Lao động-thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện qui chế này.

Trong quá trình thực hiện qui chế, nếu có gì vướng mắc, đề nghị cơ sở dạy nghề phản ảnh bằng văn bản đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để xem xét, trình UBND thành phố sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2003/QĐ-UB ban hành Quy chế Quản lý hoạt động dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 19/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/02/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 08/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản