Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC QUI HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN THANH TRÌ GIAI ĐOẠN 2001 - 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định qui hoạch kinh tế - xã hội huyện Thanh Trì giai đoạn 2001 - 2010 tại thông báo số 325/TB-KH&ĐT ngày 19/9/2001.
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì tại tờ trình số 1278/TTr-UB ngày 24/12/2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 142/TTr-KH&ĐT ngày 08 tháng 2 năm 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Thanh Trì giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây :

1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Thanh Xuân giai đoạn 2001 - 2010.

Phân đấu đến năm 2010 Thanh Trì trở thành Huyện phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội, xứng đáng là cửa ngõ phía nam của Thành phố, có cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, hình thành các khu công nghiệp tập trung và dịch vụ hiện đại. Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng đô thị, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn liền với giữ gìn tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ gắn với việc phát huy truyền thống lịch sử văn hoá địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của các tầng lớp dân cư trong Huyện.

2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 :

- Giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân thời kỳ 2001 - 2010 từ 10,7% - 11,8%/năm, riêng phần huyện trực tiếp quản lý tăng bình quân hàng năm từ 9,1% - 10,4%/năm.

- Qui mô giá trị sản xuất năm 2010 tăng gấp 2,8 - 3,0 lần năm 2000, riêng phần huyện trực tiếp quản lý tăng từ 2,4 đến 2,7 lần so với năm 2000.

- Cơ cấu kinh tế trên địa bàn có sự chuyển dịch theo hướng : Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp.

+ Tỷ trọng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2010 là : Công nghiệp khoảng 72%, dịch vụ khoảng 23%, nông nghiệp khoảng 5%.

+ Tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành kinh tế do huyện trực tiếp quản lý năm 2010 là : Công nghiệp khoảng 40,5%, nông nghiệp khoảng 34,5%, dịch vụ khoảng 25%.

- Đến năm 2010 có 70% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp, trong đó trẻ 5 tuổi đến lớp đạt 100%.

- Đến năm 2005 hoàn thành thách cấp tiểu học và trung học cơ sở, hoàn thành xoá phòng học cấp 4. Phấn đấu đến năm 2005 có 6 - 8 trường đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2010 có 30 - 35% số trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cấp phổ thông trung học và tương đương đạt 100%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50 - 60, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 4000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn dưới 5%.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến 2005 còn 1,1% và đến 2010 còn 0,95%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 5% vào năm 2005 và dưới 10% vào năm 2010.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% vào năm 2010.

- Phát triển mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao trong nhân dân, đến năm 2010 có 20 - 22% số người tập thể thao thường xuyên, 18% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao.

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hình thành hệ thống giao thông đô thị cửa ngõ phía Nam Thành phố theo đúng qui hoạch chi tiết đã được phê duyệt, bảo đảm 100% đường liên thôn được bê tông hoá hoặc dải nhựa; 100% dân cư được cung cấp nước sạch với tiêu chuẩn 150 lít/ người/ngày - đêm, tỷ lệ thất thoát nước sạch còn dưới 25%; đảm bảo 100% số hộ dân được cung cấp điện lưới ổn định, đủ cho nhu cầu sản xuất bvà sinh hoạt.

3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực chủ yếu :

3.1. Phát triển kinh tế :

a. Nông nghiệp :

- Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững để góp phần tạo cảnh quan và môi trường sinh thái của Thủ đô. Phấn đấu giữ nhịp độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt 4,24% - 4,74%. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2010 chiếm khoảng 5% trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, chiếm khoảng 34,5% trong cơ cấu kinh tế do Huyện quản lý. Tổng thu từ nông nghiệp bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 55,0 triệu năm 2005 và 70 triệu năm 2010.

- Phát triển toàn diện nông nghiệp cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản. Trong trồng trọt, phát triển sản xuất rau qủa, hoa và các cây có giá tị kinh tế cao. Trong chăn nuôi đẩy mạnh chăn nuôi thuỷ sản, lợn, gia cầm. Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất căn nuôi và thuỷ sản trong nông nghiệp lên khoảng 54% - 56% năm 2005 và 59% - 64% vào năm 2010.

- Đầu tư chiều sâu để phát triển các loại nông sản thực phẩm sạch có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thủ đô Hà Nội và vươn tới mở rộng sản xuất sản phẩm xuất khẩu.

- Đảm bảo 100% diện tích trồng trọt được tưới tiêu chủ động; 100% diện tích nuôi thả cá được thay đổi thường xuyên; 100% hệ thống kênh mương tại các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định được cứng hoá; các trạm bơm được nâng cấp cải tạo và xây dựng mới đảm bảo chủ động điều hoà nguồn nước cho các vùng sản xuất trên địa bàn Huyện.

b. Công nghiệp :

- Đến năm 2010, cơ bản xây dựng nền công nghiệp có công nghệ cao và hoạt động có hiệu quả ổn định. Phát triển tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng và đầu tư chiều sâu. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các doanh nghiệp công nghiệp. Phấn đấu giữ tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Huyện bình quân thời kỳ 2001 - 2010 đạt 11,37% - 13,24%/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng năm 2010 chiếm khoảng 72% trong cơ cấu kinh tế trên địa bàn, chiếm khoảng 40,5% trong cơ cấu kinh tế do Huyện quản lý.

 ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như dệt - may, hoá chất, chế biến nông sản và công nghiệp vật liệu xây dựng.

- Cải tạo và hoàn thiện các khu vực công nghiệp cũ, quan tâm vấn đề xử lý môi trường, nhất là các khu Vĩnh Tuy, Minh Khai, Văn Điển - Pháp Vân, Cầu Bươu. Xây dựng các khu công nghiệp vừa và nhỏ tại Vĩnh Tuy, Cầu Bươu, Ngọc Hồi.

- Tạo điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống như dệt Triều Khúc, mây tre đan Vạn Phúc, làm miến ở Hữu Hoà ...

c. Dịch vụ

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ trên địa bàn Huyện bình quân giai đoạn 2001 - 2010 khoảng 14,85% - 15,49%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất dịch vụ do Huyện quản lý bình quân 2001 - 2010 khoảng 15,47% - 16,47%/năm.

- Phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ trên địa bàn Huyện để thúc đẩy quá trình hình thành cơ cấu kinh tế : Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; chú trọng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch lễ hội. Quan tâm phát triển các hoạt động dịch vụ chất lượng cao.

- Cải tạo và xây dựng các trung tâm thương mại, một số siêu thị và hệ thống chợ nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua bán của nhân dân.

3.2. Phát triển các ngành, lĩnh vực văn hoá - xã hội :

a. Giáo dục đào tạo :

- Quan tâm phát triển giáo dục toàn diện : đức - trí - thể - mỹ. Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, coi trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi.

- Phấn đấu đến năm 2005 có trên 50% và đến 2010 có 100% số trẻ em 5 tuổi đến lớp, đến năm 2010 có 70% số trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến lớp. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông. Đẩy mạnh đào tạo nghề, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50 - 60% vào năm 2010.

- Đến năm 2005, hoàn thành việc tách cấp và xoá phòng học cấp 4, các trường trung học cơ sở và tiểu học có đủ phòng học để thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày; trang bị phòng máy vi tính phục vụ học tập của học sinh đạt 100% số trường trung học cơ sở vào năm 2003 và 100% trường tiểu học vào năm 2010. Đến 2005 có 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn hoá trung học sư phạm, 40% giáo viên tiểu học và 56% giáo viên trung học cơ sở có trình độ đại học. Phấn đấu đến 2005 có từ 6 - 8 trường đạt chuẩn quốc gia, đến 2010 có từ 30 - 35% số trường đạt chuẩn quốc gia.

b. Y tế :

- Mỗi xã đều có trạm y tế được xây dựng kiên cố, đủ phòng khám, có bác sĩ điều trị, được trang bị các phương tiện thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, làm tốt công tác dự phòng. Không để xẩy ra các bệnh dịch, giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao tuổi thọ người dân.

- Giảm tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm 0,05%/năm, tỷ lệ sinh bình quân hàng năm giảm 0,06%/năm. Phấn đấu đến năm 2005 tỷ lệ tăng tự nhiên dân số còn 1,1% đến năm 2010 xuống còn 0,95%/năm.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (0 - 5) xuống dưới 15% vào năm 2005 và xuống dưới 10% vào năm 2010. Gảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 0,5% vào năm 2010.

c. Văn hoá - thông tin.

- Phấn đấu đến năm 2005 xây dựng xong nhà văn hoá Huyện, có 50% xã có nhà văn hoá, câu lạc bộ, thư viện. Đến năm 2010 có 100% xã có nhà văn hoá, 100% số thôn có nhà văn hoá kết hợp với câu lạc bộ, thư viện cấp thôn xóm; 100% số xã có đội văn nghệ.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 80% - 85% làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá; tu tạo các di tích lịch sử văn hoá, phục hồi các lễ hội văn hoá truyền thống, tập trung tu tạo một số công trình văn hoá trọng điểm kỷ niệm 100 năm Thăng Long Hà Nội.

d. Thể dục thể thao :

- Phát triển mạnh các câu lạc bộ, các môn thể dục thể thao, mỗi xã có 1 hướng dẫn viên thể thao, Huyện có mạng lưới hướng dẫn viên thể thao cơ sở. Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao trong dân chúng, phấn đấu số người tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 20 - 22%, số gia đình thể thao đạt 18%.

e. Các vấn đề xã hội

- Thường xuyên quan tâm tới các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, chú trọng chương trình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnhđặc biệt.

- Phấn đấu mỗi năm tạo việc làm mới cho 3000 - 4000 lao động trong giai đoạn 2001 - 2005 và 4000 - 4500 lao động trong giai đoạn 2006 - 2010; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn quĩ quốc gia giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% vào năm 2010.

3.3. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.

a. Giao thông.

- Đảm bảo phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, cân đối, hài hoà giữa các tuyến Quốc lộ, đường thành phố, đường liên xã và liên thôn.

- Hình thành đầu mối giao thông cửa ngõ phía Nam và hệ thống đường vành đai Thành phố một cách đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn khu vực.

- Đường liên xã, liên thôn được cải tạo, nâng cấp và bê tông hoá 100%.

b. Điện

 Đảm bảo 100% các hộ dân và các tổ chức trên địa bàn Huyện đều có điện lưới và được cung cấp đủ điện phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng.

- Đảm bảo an toàn đối với các trang thiết bị điện;

- Nâng cấp các trạm biến áp, cải tạo mạng lưới điện theo mạng chuẩn 22KV.

c. Cấp thoát nước.

- Cấp nước : Đến năm 2003 hoàn thành chương trình cấp nước sạch nông thôn, các điểm đô thị, vùng giáp nội thành, các cơ quan, xí nghiệp đóng trên địa bàn Huyện được dùng nuớc sạch theo chương trình nước sạch đô thị, các vùng nông thôn được dùng nước sạch theo chương trình nước sạch nông thôn, đảm bảo 100% hộ dân được dùng nước sạch : tỷ lệ thất thoát nước dưới 25%.

- Thoát nước : Đảm bảo giải quyết cơ bản vấn đê ngập úng khi mùa mưa. Nước thải của khu vực phải được kiểm soát, nước thải công nghiệp phải được xử lý cục bộ tại chỗ.

4. Tổ chức không gian kinh tế xã hội.

- Vùng kinh tế Dịch vụ - Du lịch và khu dân cư đô thị : Thuộc khu vực các xã : Định Công, Đại Kim, Pháp Vân. Hoạt động kinh tế khu vực này tập trung vào phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch với sự hình thành và phát triển của khu nhà ở và dịch vụ tổng hợp hồ Linh Đàm, trường đua ngựa, khu thể thao Công an nhân dân.

- Vùng lúa - Cá - Cây ăn quả - Dịch vụ TTCN : Gồm các xã Tả Thanh Oai, Hữu Hoà, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh là vùng nông nghiệp tập trung. Cần tích cực chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang mô hình sản xuất lúa chất lượng cao - ao thả cá - cây ăn quả - dịch vụ du lịch sinh thái.

- Vùng Rau - Quả - Dịch vụ : Là toàn bộ vùng ngoài đê sông Hồng thuộc các xã Lĩnh Nam, Duyên Hà, Yên Mỹ, Vạn Phúc, một phần diện tích của Trần Phú, Yên Sở. Vùng này cần tập trung sản xuất rau an toàn và rau sạch của Thành phố, đồng thời phát triển chăn nuôi, phát triển một số cây hoa màu, nhất là các cây dược liệu, những diện tích đất bãi cao tập trung phát triển cây ăn quả; xúc tiến việc phát triển trồng hoa trên vùng đất bãi cao khu vực xã Lĩnh Nam.

- Ngoài 3 vùng kinh tế - xã hội đặc trưng trên, các hoạt động công nghiệp - dịch vụ được tập trung phát triển mạnh tại các khu vực : Vĩnh Tuy, Cầu Bươu, Ngọc Hồi, Văn Điển, Liên Ninh. Ở đây sẽ hình thành và phát triển trung tâm vùng Liên Ninh - Ngọc Hồi, các trung tâm khu vực gồm thị tứ Đông Mỹ, các trung tâm văn hoá thể thao Ngọc Hồi, Văn Điển.

5. Các dự án và trọng điểm đầu tư.

- Xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1B (Cầu Giẽ - Hà Nội đến Yên Sở), đường vành đai 3, cầu Thanh Trì cải tạo mở rộng Quốc lộ 70B, đường Lĩnh Nam - Giáp Bát - Định Công - Thượng Đình, đường đê sông Hồng từ vành đai 3 đến Vạn Phúc.

- Xây dựng hệ thống đường ống cấp nước từ mạng Thành phố và các trạm cấp nước cục bộ cho các khu vực dân cư nông thôn.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới Định Công, khu nhà ở Định Công - Đại Kim ; khu du lịch dịch vụ tổng hợp Linh Đàm, khu nhà ở Đồng Tầu Thịnh Liệt, khu nhà ở Cầu Bươu, xây dựng khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công viên hồ điều hoà Yên Sở; đầu tư xây dựng trường đua ngựa khu thể thao công an nhân dân.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu công nghiệp vừa và nhỏ Vĩnh Tuy, Cầu Bươu, Ngọc Hồi. Hỗ trợ phát triển làng nghề Tân Triều, Hữu Hoà. Khôi phục các làng nghề Vạn Phúc, Đại Kim, Đông Mỹ,.

- Xây dựng chợ đầu mối Liên Ninh, chợ đầu mối kết hợp bến xe Ngũ Hiệp; khu thể thao - văn hoá trung tâm Huyện và các khu thể thao khu vực. Xây dựng mới để tách riêng hệ thống trường tiểu học, xoá các phòng học cấp 4, cải tạo nâng cấp bệnh viện huyện.

Điều 2 : Tổ chức thực hiện qui hoạch.

 * UBND Huyện Thanh Trì có nhiệm vụ :

- Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.

- Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của Quận và Thành phố.

- Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, qui chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch.

- Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này.

- Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà Huyện có thế mạnh.

- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, đình tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể của Quận và Thành phố

* Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn huyện Thanh Trì trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn Quận có trách nhiệm cùng Quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch.

Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng HĐND và UBND thành phố, Chủ tịch UBND Huyện Thanh Trì, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TM ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phan Văn Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2002/QĐ-UB về việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Thanh Trì giai đoạn 2001 - 2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 19/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/02/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phan Văn Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản