Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2002/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 09 tháng 4 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 19/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 09 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY CHẾ TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lí Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Sau đại học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế Tuyển sinh sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 02/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 29 tháng 01 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo như sau:

1. Khoản 1 Điều 5 được sửa đổi như sau:

1. Về văn bằng: người dự thi cần thoả mãn một trong các điều kiện sau đây (trừ các ngành đào tạo nêu ở khoản 3 Điều này):

a) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng hoặc phù hợp với ngành đăng ký dự thi.

Riêng đối với ngành ngoại ngữ, nếu người dự thi đăng ký thi theo ngành ngoại ngữ của bằng tốt nghiệp đại học hệ không chính quy thì cần có thêm bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy thuộc ngành ngoại ngữ khác.

b) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành gần với ngành đăng ký dự thi, đã học bổ sung kiến thức các môn học hay các học phần để có trình độ tương đương với bằng tốt nghiệp đại học ngành đúng. Nội dung, khối lượng (số tiết) các môn học bổ sung do các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo cao học các ngành này quy định.

2. Bỏ cụm từ "hệ chính quy các trường công lập," trong điểm a khoản 2 Điều 5.

3. Bỏ cụm từ "của một trường đại học công lập" trong điểm a khoản 3 Điều 5.

4. Đoạn thứ ba của điểm b khoản 3 Điều 5 quy định về đối tượng dự thi chuyên ngành Quản lý hành chính được sửa đổi như sau:

- Quản lý hành chính: những người làm công tác quản lý hành chính trong cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, doanh nghiệp.

5. Điều 6 được sửa đổi như sau:

Công dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây được dự thi vào chương trình đào tạo tiến sĩ:

1. Điều kiện văn bằng và công trình đã công bố:

Người dự thi cần thoả mãn một trong các điều kiện sau:

a) Có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành phù hợp hoặc chuyên ngành gần và đã có ít nhất một bài báo công bố trên tạp chí khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

b) Có bằng thạc sĩ chuyên ngành khác và có bằng tốt nghiệp đại học chính quy đúng ngành hoặc ngành phù hợp với ngành đăng ký dự thi. Trường hợp này thí sinh phải dự thi như người chưa có bằng thạc sĩ và phải có ít nhất hai bài báo công bố trên tạp chí khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

c) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đúng ngành, loại giỏi trở lên và có ít nhất hai bài báo công bố trên tạp chí khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

d) Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy đúng ngành, loại khá và có ít nhất ba bài báo công bố trên tạp chí khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi.

Nội dung các bài báo phải phù hợp với hướng nghiên cứu đăng ký dự thi.

2. Điều kiện thâm niên công tác: người dự thi vào chương trình đào tạo tiến sĩ cần có ít nhất hai năm làm việc chuyên môn trong lĩnh vực đăng kí dự thi (kể từ khi tốt nghiệp đại học, tính từ ngày Hiệu trưởng kí quyết định công nhận tốt nghiệp, đến ngày đăng kí dự thi), trừ trường hợp được chuyển tiếp sinh.

3. Đạt các điều kiện như quy định tại khoản 4, 5 Điều 5 Quy chế này và có văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lí cho phép dự thi.

6. Bỏ cụm từ "các trường công lập" trong khoản 1 Điều 8.

7. Khoản 2 Điều 9 được sửa đổi như sau:

2. Trong mỗi kỳ thi, thí sinh chỉ được đăng ký dự thi vào một cơ sở đào tạo và một chuyên ngành đào tạo.

8. Đoạn thứ ba của điểm b khoản 1 Điều 16 quy định về đối tượng được miễn thi ngoại ngữ được sửa đổi như sau:

Miễn thi ngoại ngữ cho những thí sinh có bằng đại học, thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở nước ngoài mà ngôn ngữ đã sử dụng trong học tập là một trong năm thứ tiếng nêu trên; hoặc có chứng chỉ IELTS 6.0, TOEFL quốc tế 550 điểm trở lên, trong thời hạn một năm kể từ ngày dự thi lấy chứng chỉ đến ngày dự thi sau đại học; hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành ngoại ngữ một trong các thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung.

9. Bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 18 như sau:

Người ra đề thi ngoại ngữ có thể là người có học vị thạc sĩ nhưng phải là giảng viên chính và có kinh nghiệm ra đề thi.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, Thủ trưởng các cơ sở đào tạo sau đại học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 Trần Văn Nhung

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/2002/QĐ-BGD&ĐT sửa đổi một số điều trong Quy chế tuyển sinh sau đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 19/2002/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/04/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Văn Nhung
  • Ngày công báo: 30/06/2002
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản