Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1899/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ TRONG LÃNH ĐẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 2989/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 8 năm 2012 về việc ban hành kèm theo Quy chế làm việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng và các Thứ trưởng

1. Bộ trưởng là Thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

2. Ngoài những công việc trực tiếp chỉ đạo, Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng theo dõi, chỉ đạo, xử lý một số công việc thuộc thẩm quyền của Bộ.

3. Bộ trưởng và các Thứ trưởng họp giao ban hàng tuần để báo cáo, thảo luận và thống nhất chỉ đạo triển khai các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách, các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Thứ trưởng không giải quyết các công việc Bộ trưởng không phân công và thực hiện các quyết định của Bộ trưởng.

5. Khi vắng mặt, nếu xét thấy cần thiết, Bộ trưởng ủy nhiệm một Thứ trưởng lãnh đạo công tác, giải quyết công việc của Bộ theo quy định.

6. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, hoặc khi Thứ trưởng vắng mặt thì Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo xử lý hoặc phân công Thứ trưởng khác chỉ đạo xử lý công việc đã phân công cho Thứ trưởng.

7. Phân công nhiệm vụ của Bộ trưởng và các Thứ trưởng có thể thay đổi tùy theo tình hình công việc, nhiệm vụ chính trị của Bộ, do Bộ trưởng quyết định.

8. Bộ trưởng và các Thứ trưởng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và theo Quy chế làm việc của Bộ.

Điều 2. Trách nhiệm và quyền hạn của Thứ trưởng

Thứ trưởng được sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng để giải quyết các công việc được phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, Thứ trưởng có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Chỉ đạo các Tổng cục, Vụ, Cục chức năng, các đơn vị trực thuộc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế chính sách và các dự án luật, pháp lệnh, các đề án liên quan đến lĩnh vực được phân công để Bộ duyệt hoặc trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Kiểm tra, đôn đốc các Tổng cục, Vụ, Cục chức năng, các cơ quan đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các quyết định của Chính phủ và của Bộ; các chủ trương, chính sách, pháp luật; phát hiện và đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

3. Thứ trưởng trực tiếp theo dõi ngành, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo thường xuyên các công việc liên quan đến phạm vi, trách nhiệm của Bộ tại ngành, đơn vị đó; đối với những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, những lĩnh vực công tác hoặc những công việc do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, Thứ trưởng phải báo cáo, xin ý kiến Bộ trưởng trước và sau khi giải quyết.

4. Thứ trưởng được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực công tác chuyên môn nào có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo chung toàn ngành về lĩnh vực công tác chuyên môn được phân công theo quy định. Trong trường hợp, có vấn đề liên quan đến nhiệm vụ do Thứ trưởng khác phụ trách, các Thứ trưởng chủ động phối hợp giải quyết; nếu có ý kiến không thống nhất, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

5. Chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình chỉ đạo, triển khai công việc.

6. Tham gia các Ban chỉ đạo Trung ương theo yêu cầu công việc.

7. Ngoài các nhiệm vụ cụ thể được phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm theo dõi hoạt động chung của Bộ để có thể đảm nhận các nhiệm vụ khác khi Bộ trưởng giao nhiệm vụ.

Điều 3. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với Bộ trưởng và các Thứ trưởng

1. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện

1.1. Lãnh đạo, quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ được Chính phủ quy định tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

1.2. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác sau:

- Chiến lược, quy hoạch, đầu tư phát triển ngành văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch;

- Tổ chức cán bộ;

- Kế hoạch, Tài chính;

- Hợp tác quốc tế;

- Du lịch;

- Xây dựng Đảng; bảo vệ chính trị nội bộ; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

1.3. Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các đơn vị sau: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Cục Hợp tác quốc tế; Tổng cục Du lịch; Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; các Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong nước và ngoài nước.

1.4. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Các Thứ trưởng

2.1. Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái

a) Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau:

- Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam;

- Văn hóa cơ sở;

- Thư viện;

- Pháp chế;

- Văn hóa dân tộc;

- Đổi mới và phát triển doanh nghiệp;

- Xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch;

- Dự án Trung tâm Triển lãm quốc gia;

- Hội nhập quốc tế về kinh tế;

- Công tác cơ chế, chính sách.

b) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị sau: Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Cục Văn hóa cơ sở; Vụ Thư viện; Vụ Pháp chế; Vụ Văn hóa dân tộc; các doanh nghiệp.

c) Là đầu mối phối hợp với Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể.

d) Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

2.2. Thứ trưởng Lê Khánh Hải

a) Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau:

- Thể dục thể thao;

- Thanh tra;

- Văn phòng;

- Thi đua, khen thưởng;

- Cải cách hành chính;

- Đảng, Đoàn thể.

- Quốc phòng - An ninh của Bộ.

b) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị sau: Tổng cục Thể dục thể thao; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Cục Công tác phía Nam; Báo Văn hóa; Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; Khu Liên hợp thể thao quốc gia.

c) Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

2.3. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên

a) Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau:

- Di sản văn hóa, bảo tàng;

- Đào tạo;

- Gia đình;

- Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

- Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

b) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị sau: Cục Di sản văn hóa; Vụ Đào tạo; Vụ Gia đình; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Viện Bảo tồn di tích; Trung tâm Công nghệ Thông tin; khối các bảo tàng, học viện; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường nghề; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ.

c) Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

2.4. Thứ trưởng Vương Duy Biên

a) Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau:

- Nghệ thuật biểu diễn;

- Điện ảnh;

- Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm;

- Bản quyền tác giả;

- Quản lý Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

- Công nghiệp văn hóa;

b) Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị sau: Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Bản quyền tác giả; khối triển lãm; khối các nhà hát, các hãng phim.

c) Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3636/QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương, Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VPBCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Thanh tra Chính phủ;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các tổ chức chính trị - xã hội cơ quan Bộ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để biết);
- Lưu: VT, Vụ TCCB(2), LTP350.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1899/QĐ-BVHTTDL năm 2016 về phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

  • Số hiệu: 1899/QĐ-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/05/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 02/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản