Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1898/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030"

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch; Tài chính; Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, CT, KH&CN; TN&MT; GTVT; Y tế;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Ban cán sự Đảng bộ;
- Hiệp hội Thương mại GCT, Hiệp hội lương thực Việt Nam; Hội GCT Việt Nam;
- Sợ NN & PTNT các tỉnh/TP trực thuộc TƯ;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TT(110)

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

I. TẦM NHÌN, MỤC TIÊU

1. Tầm nhìn đến năm 2030

Ngành lúa gạo tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, duy trì vị thế chiến lược trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam sản xuất lúa gạo để đáp ứng đa Mục tiêu: kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa. Bên cạnh việc đáp ứng thị trường trong nước, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo theo hướng tăng giá trị và phát triển vững bền. Sản xuất lúa gạo không chỉ đảm bảo an ninh lương thực về mặt lượng mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu.

b) Một số chỉ tiêu cụ thể

(i) Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020

- Đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên.

- Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80 kg/ha.

- Diện tích áp dụng IPM đạt trên 75%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững (3G3T, 1P5G, nông lộ phơi, SRI, VietGAP, GAP khác, tiêu chuẩn hữu cơ) từ 50% diện gieo trồng trở lên; giảm từ 30% lượng phân bón, thuốc BVTV so với hiện nay.

- Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%.

- Giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính 10% so với hiện nay.

- Tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên.

- Đạt 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.

(ii) Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 100% diện tích tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long.

- Diện tích áp dụng IPM đạt trên 90%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững (3G3T, 1P5G, nông lộ phơi, SRI, VietGAP, GAP khác, tiêu chuẩn hữu cơ) trên 75%.

- Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 6%.

- Giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính 20% so với hiện nay.

- Tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 50% trở lên.

- Đạt 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam trong đó 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.

II. GIẢI PHÁP TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO

1. Tái cơ cấu sản xuất lúa

a) Quản lý, sử dụng đất lúa và chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa

- Đến năm 2020, duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đến năm 2020 cả nước duy trì Khoảng 7 triệu ha gieo trồng lúa; chuyển 700-800 nghìn ha ở những vùng, vụ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn và giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo.

b) Định hướng sản xuất lúa theo vùng

- Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng Điểm của cả nước, đây là vùng có lợi thế nhất trong sản xuất lúa ở nước ta, đóng góp trên 50% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa ở phân khúc gạo chất lượng cao. Ở các vùng phù sa ngọt, phát huy thế mạnh hai vụ lúa/năm và có thể luân canh 2 lúa - màu ở nơi có Điều kiện. Vùng còn nhiều tiềm năng là vùng ven biển phù hợp cho sản xuất lúa chất lượng cao hoặc lúa hữu cơ trong cơ cấu tôm - lúa. Chuyển đổi diện tích sản xuất lúa ở các nơi có hiệu quả thấp sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích lúa xuân hè và lúa vụ ba (thu đông) ở nơi không đủ Điều kiện. Hình thành vùng sản xuất lúa thơm phục vụ xuất khẩu ở các vùng phù sa ngọt và vùng ven biển.

- Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa phía Bắc, tuy đất không rộng nhưng đây là vùng sản xuất lúa có trình độ thâm canh cao. Cơ cấu hai vụ lúa (vụ Xuân - vụ Mùa) ổn định, với các trà lúa chủ lực là Xuân muộn và Mùa sớm. Sản xuất lúa ở ĐBSH hướng đến thị trường nội địa, bao gồm thị trường lớn là thủ đô Hà Nội và các đô thị trong vùng, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng. Vì vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ chuyển hướng mạnh sang sản xuất lúa chất lượng cao và quy hoạch các vùng sản xuất lúa đặc sản địa phương, lúa nếp, lúa japonica.

- Các đồng bằng ven biển miền Trung (Bắc Trung bộ - Nam Trung bộ), ổn định sản xuất lúa 2 vụ ở các vùng chủ động được nguồn nước tưới và chuyển đổi diện tích lúa ở các nơi khó khăn về nguồn nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng khác (ngô, đậu, mè, cỏ chăn nuôi...). Sản xuất lúa chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội tỉnh.

- Các vùng Trung du miền núi, giữ diện tích lúa ở mức tối thiểu cho nhu cầu lương thực tại chỗ, sử dụng giống năng suất cao, chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác, nhất là ngô, đậu tương, cỏ chăn nuôi. Quy hoạch sản xuất các giống đặc sản địa phương.

c) Cơ cấu giống

- Tập trung nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm, có giá bán cao, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; chống chịu được với sâu bệnh hại chính; ưu tiên giống có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc giống trung ngày có chất lượng cao, thơm. Các giống lúa mới được tạo chọn ngoài tính chống chịu sâu bệnh cần có tính thích nghi trong Điều kiện biến đổi khí hậu như chịu mặn, hạn, ngập úng và nóng. Các giống lúa địa phương đặc sản được bảo tồn, chọn lọc dòng thuần để cung ứng giống sản xuất gạo đặc sản phục vụ thị trường nội địa hoặc xuất khẩu diện hẹp, chuyên biệt.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới thị trường xuất khẩu là chính, đồng thời quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa; sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao (gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ hoặc không thơm) chiếm Khoảng 50%; giống lúa thơm chiếm Khoảng 25%; giống Nếp, đặc sản địa phương Khoảng 15%, giống chất lượng trung bình Khoảng 10% diện tích gieo trồng.

- Vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa hàng hóa còn lại hướng tới thị trường trong nước là chính; chủ yếu sử dụng các giống lúa có chất lượng gạo, cơm ngon, có giá bán cao phù hợp người tiêu dùng trong nước; tỷ lệ diện tích giống chất lượng cao, bao gồm cả nếp, japonica chiếm Khoảng 60%, giống năng suất cao Khoảng 40% diện tích gieo trồng.

- Tỷ lệ giống lúa lai chiếm Khoảng 10% diện tích lúa cả nước, ưu tiên ở vùng cần đảm bảo an ninh lương thực (miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ), vùng đất thấp ven biển, vùng lúa - tôm...

d) Áp dụng gói kỹ thuật canh tác bền vững phù hợp cho từng vùng sản xuất

(i) Các biện pháp chung

- Làm đất: Dồn điền, đổi thửa, tạo vùng sản xuất lớn tập trung có hạ tầng đồng bộ cho sản xuất lúa hàng hóa.

- Tưới nước: Nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, điện nội đồng để thay thế bơm dầu bằng bơm điện, áp dụng tưới nông lộ phơi tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung chủ động tưới tiêu.

- Hạt giống: Sử dụng hạt cấp giống xác nhận (xác nhận 1 hoặc xác nhận 2), đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên cả nước đạt trên 75%.

- Ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón tổng hợp NPK chuyên dùng cho lúa; bón phân theo dinh dưỡng đất và nhu cầu của cây lúa; giảm lượng phân bón xuống ít nhất 30% so với hiện nay.

- Bảo vệ thực vật: Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên toàn bộ diện tích gieo trồng lúa; tổ chức dịch vụ BVTV chuyên trách tại cơ sở; sử dụng hợp lý thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết và phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng; giảm lượng thuốc BVTV xuống ít nhất 30% so với hiện nay.

- Áp dụng các quy trình sản xuất lúa bền vững 3 giảm-3 tăng, 1 phải-5 giảm, SRI phù hợp với từng vùng; áp dụng VietGAP, GAP khác hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo yêu cầu thị trường.

(ii) Các biện pháp đặc thù cho từng vùng sản xuất

- Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ: Áp dụng rộng rãi kỹ thuật che phủ nilon cho mạ; tăng diện tích lúa gieo thẳng, cấy bằng máy.

- Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc: Ưu tiên sản xuất lúa tại chân đất, vụ chủ động tưới tiêu; ưu tiên sử dụng giống lúa lai để đảm bảo an ninh lương thực; lúa Japonica, lúa nếp để nâng cao giá trị hàng hóa.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Ứng dụng thiết bị laser để san phẳng mặt ruộng; giảm lượng hạt giống xuống bình quân 80 kg/ha; sử dụng hạt giống có màng bọc; sản xuất lúa lai, lúa đặc sản ở vùng tôm-lúa.

- Vùng Duyên hải nam Trung bộ: Ưu tiên sản xuất lúa tại vùng, vụ chủ động tưới tiêu; tăng sử dụng giống xác nhận, giảm lượng hạt giống xuống bình quân 80 kg/ha; ứng dụng rộng rãi biện pháp kỹ thuật Tiết kiệm nước (làm đất, gieo sạ tập trung theo vùng…)

đ) Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất

- Đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa để tiến đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành lúa gạo nước ta, tạo ra sự chuyển dịch lao động (giảm lao động trong sản xuất lúa, thu hút lao động trẻ), tăng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập cho nông dân.

- Đối với vùng sản xuất lúa trọng Điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, tiến đến cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất lúa; đối với các vùng khác đảm bảo 70% diện tích được cơ giới hóa đồng bộ. Những khâu cơ giới hóa còn yếu như chăm sóc lúa (bón phân, phun thuốc), cấy, sạ bằng máy cần được quan tâm đẩy mạnh ứng dụng, trong khi các khâu đã có bước phát triển khá trong thời gian qua như làm đất, bơm điện, cần tiếp tục cải tiến và tăng nhanh tỷ lệ áp dụng.

- Nhà nước tiếp tục bổ sung các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển và ứng dụng cơ giới hóa với các trọng tâm: hỗ trợ vốn vay cho nông dân để kiến thiết đồng ruộng, mua máy móc thiết bị, tập huấn cho nông dân và công nhân kỹ thuật lành nghề, phát triển dịch vụ làm thuê cơ giới và sửa chữa máy móc ở nông thôn và hỗ trợ doanh nghiệp vốn để kinh doanh, chế tạo máy nông nghiệp và đổi mới công nghệ.

2. Tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế

a) Tổ chức lại sản xuất theo vùng

- Việc tổ chức sản xuất nên chia theo vùng: vùng chuyên canh và vùng khác. Đối với vùng chuyên canh thì cần tập trung vào:

- Chuyên môn hóa nông dân trồng lúa: khuyến khích tích tụ đất đai cho sản xuất, phát triển cánh đồng mẫu lớn, áp dụng khoa học công nghệ, cho họ vay vốn sản xuất, mua đầu vào và hướng dẫn sử dụng kỹ thuật biện pháp canh tác;

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, bảo hiểm;

- Phát triển kinh tế hợp tác: hỗ trợ các HTX trong vùng chuyên canh thông qua hỗ trợ về đào tạo, hỗ trợ về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, kho tàng, máy sấy, mua sắm thiết bị làm đất (máy san phẳng mặt ruộng, máy làm đất,...); hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp (cả doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra và cung cấp vật tư đầu vào);

- Phát triển doanh nghiệp trong vùng chuyên canh để tiêu thụ sản phẩm. Với các doanh nghiệp liên kết với nông dân được hỗ trợ đất, vốn, cơ sở hạ tầng, thuế - phí, hỗ trợ các hoạt động tiếp thị, xây dựng thương hiệu, đào tạo khuyến nông.

- Với các vùng không chuyên canh thì cần tập trung tăng quy mô, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng HTX và liên kết với doanh nghiệp.

b) Phát triển kinh tế hợp tác

- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới sản xuất kinh doanh lúa gạo nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo qui mô lớn. HTX đóng vai trò đại diện cho nông dân ký hợp đồng, liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các dịch vụ chung như cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ BVTV, sấy, bảo quản, tạm trữ, tìm đầu ra cho sản phẩm... nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng thu nhập cho từng hộ nông dân.

- Hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn, gắn với các chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa.

- Để phù hợp với phương thức sản xuất mới, năng lực của nông dân trồng lúa được nâng cao thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước và doanh nghiệp như đào tạo nghề, khuyến nông,... để trở thành người sản xuất chuyên nghiệp.

c) Nâng cao năng lực doanh nghiệp và hiệp hội

- Thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào việc xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành liên kết và lâu dài giữa các tổ chức liên kết sản xuất của nông dân, hợp tác xã với các doanh nghiệp nòng cốt và tạo Điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu. Thu hút đầu tư, liên doanh liên kết lâu dài với doanh nghiệp từ các quốc gia khác có tiềm lực về vốn, công nghệ, thiết bị và kinh nghiệm kinh doanh để phát triển và hiện đại hóa ngành lúa gạo nước ta.

- Tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng kinh doanh, đầu tư vào ngành lúa gạo bằng các dự án hợp tác công tư (PPP), ưu đãi thuế, vốn vay...; đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu khoa học và khuyến nông, doanh nghiệp kinh doanh vật tư đầu vào có liên kết với nông dân.

- Đổi mới Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) theo hướng mở rộng thành viên của Hiệp hội để đại diện đầy đủ cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo (tổ chức đại diện nông dân hoặc hợp tác xã sản xuất lúa, đại diện của địa phương sản xuất lúa lớn, cơ quan quản lý nhà nước, các thành phần doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị từ thu mua lúa đến xay chà, chế biến gạo, phân phối và xuất khẩu, đại diện tổ chức khoa học và khuyến nông..Hoạt động của Hiệp hội theo cơ chế thị trường, cung cấp dịch vụ hỗ trợ và thông tin minh bạch để đảm bảo sự bình đẳng và hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo và đóng góp cho phát triển ngành lúa gạo hoạt động.

3. Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến

a) Quản lý sau thu hoạch, tồn trữ

- Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5% ở những vùng chuyên canh lúa lớn.

- Chuyển đổi hệ thống sấy lúa theo quy trình cải tiến từ sấy 2 bước sang 1 bước bằng sấy tầng sôi, sấy tháp. Sấy lúa tươi tới độ ẩm tiêu chuẩn 14-14,5% để chuyển từ bảo quản gạo khô như hiện nay sang bảo quản lúa khô.

- Rà soát hệ thống kho (chương trình 4 triệu tấn kho), cân đối nhu cầu trữ lúa-gạo tại các vùng chuyên canh để xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc có hệ thống sấy, làm sạch, cơ giới hóa, tự động hóa vận hành để nâng cao chất lượng bảo quản.

- Hỗ trợ mặt bằng, tín dụng, kết nối thị trường cho HTX, doanh nghiệp có liên kết tại các vùng chuyên canh chính xây dựng kho, tạm trữ lúa khô.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp mua công nghệ chế biến hiện đại, chế biến sâu. Xây dựng sàn giao dịch trực tiếp doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) để trao đổi công nghệ chế biến.

b) Chế biến sâu, chế biến phế, phụ phẩm

- Tăng chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ gạo phục vụ cho tiêu dùng như tinh bột, dầu ăn, bánh cao cấp, mỹ phẩm, các sản phẩm ăn liền (bánh phở, mỳ gạo...), các loại rượu đặc sản truyền thống làm từ gạo...

- Xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng công nghệ chế biến phế phụ phẩm từ lúa gạo (rơm rạ, trấu, cám) để tăng giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường.

- Hình thành các cụm chế biến công nghệ cao, khép kín tại các vùng chuyên canh chính, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả kết nối sản xuất - thị trường.

- Hình thành tổ chức dịch vụ để hỗ trợ các đối tượng (được hưởng chính sách về nghiên cứu và tiếp thu tiến bộ kỹ thuật trong chế biến sâu lúa gạo và phế phụ phẩm) tiếp cận được các nguồn lực chính sách.

c) Phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ thương mại gạo

Cải tiến dịch vụ logistics, áp dụng công nghệ hiện đại về kỹ thuật và quản lý để giảm thời gian lưu tàu tại cảng, giảm chi phí bốc dỡ.

4. Phát triển thị trường

- Tăng cường năng lực nghiên cứu phân tích, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường để các tác nhân trong ngành lúa gạo chủ động ra quyết định sản xuất - kinh doanh.

- Khuyến khích và tạo Điều kiện để các khách hàng nhập khẩu gạo lớn và ổn định, tham gia đầu tư sản xuất- chế biến gạo Việt Nam, góp phần đảm bảo đầu ra cho các vùng chuyên canh chính.

- Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam (chương trình này đã được xây dựng thành đề án riêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

- Hỗ trợ doanh nghiệp lớn, có liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính, xác định thị trường Mục tiêu, thu hút khách hàng lớn, xây dựng thương hiệu, kết nối trực tiếp với hệ thống bán lẻ.

- Hạn chế tối đa các biện pháp quản lý xuất khẩu làm méo mó, gián đoạn thị trường như tạm dừng xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu, trợ giá,...

- Phát triển thị trường trong nước: Tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm theo phân khúc thị trường: (i) Nhóm gạo đặc sản, (ii) Nhóm gạo chất lượng trung bình, (iii) Nhóm gạo phục vụ cho chế biến. Hình thành các trung tâm/chợ bán buôn/chuỗi bán lẻ tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, khu công nghiệp.

- Phát triển thị trường xuất khẩu: Tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm theo phân khúc thị trường sau: (i) Tăng tỷ trọng loại gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng loại gạo trên 15% tấm; (ii) tăng tỷ trọng các loại gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica; (iii) đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo.

- Xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gạo phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập. Hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp tới các hệ thống phân phối nước ngoài. Tiếp cận hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu gạo chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo đồ sang các thị trường châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu. Đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm gạo Việt Nam có thương hiệu trên cả thị trường nội địa và quốc tế. Xây dựng kho ngoại quan tại các thị trường chủ lực phù hợp với các cam kết hội nhập nhằm phát triển kênh phân phối cho gạo Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu.

5. Giảm tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh

a) Giảm tác động của biến đổi khí hậu

Tổ chức nghiên cứu và liên tục cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu đối với sản xuất lúa gạo Việt Nam; xây dựng các giải pháp ứng phó đồng bộ tương ứng từng kịch bản, tập trung vào các nhóm giải pháp sau đây:

- Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu: Điều chỉnh mùa vụ, Điều chỉnh địa bàn sản xuất, nghiên cứu và áp dụng các giống lúa có khả năng chống chịu, áp dụng các hệ thống canh tác phù hợp (luân canh, đa canh, xen canh,....) để giảm rủi ro, khai thác lợi thế tự nhiên;

- Nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm giảm phát thải, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu: Điều chỉnh hợp lý sử dụng nước theo hướng Tiết kiệm nước cho sản xuất lúa gạo, giảm lượng sử dụng vật tư nông nghiệp;

- Thực hiện qui hoạch sản xuất và sắp xếp lại các cụm dân cư theo các kịch bản biến đổi khí hậu ở vùng lúa;

- Đầu tư phát triển hệ thống rừng phòng hộ và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, đường xá, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

b) Quản lý rủi ro

- Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác cảnh báo chủ động, dự báo thời Tiết, phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

- Triển khai chương trình bảo hiểm sản xuất nông nghiệp cho lúa gạo (hỗ trợ và khuyến khích nông dân mua bảo hiểm, khuyến khích các công ty bảo hiểm tham gia thị trường).

- Hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hiện vật cho nông dân trồng lúa khôi phục sản xuất và ổn định sinh kế trong trường hợp có thiên tai lớn.

- Nghiên cứu giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh, các Điều kiện bất lợi. Áp dụng cơ cấu giống lúa phù hợp với sinh thái để hạn chế sâu bệnh và thiên tai. Đảm bảo hình thành hệ thống cung cấp giống kháng sâu, bệnh ổn định và có khả năng chống chịu thiên tai, đáng tin cậy cho từng vùng sản xuất.

- Áp dụng chính sách khuyến khích thực hiện quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), canh tác bền vững để đảm bảo môi trường sinh thái ổn định, ngăn chặn nguy cơ kháng thuốc của các đối tượng dịch hại.

6. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và di sản lúa gạo

a) Bảo vệ tài nguyên

(i) Các giải pháp về bảo vệ nguồn nước

- Huy động sức mạnh quốc tế và kết hợp ngoại giao nhân dân để đẩy mạnh hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mêkông để không gây tác hại đến dòng chảy tự nhiên của sông làm ảnh hưởng đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân các nước trong lưu vực sông. Vận động sự minh bạch thông tin về hoạt động sử dụng nguồn nước sông Mê Kông của các nước thượng nguồn. Nghiên cứu, chủ động đề xuất các kịch bản ứng phó, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa gạo và sinh sống của nhân dân trong mọi tình huống.

- Quy hoạch hợp lý và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi giữa các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn để Điều Tiết và tăng hiệu quả sử dụng nước một cách hài hòa, giảm chất thải từ sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.

- Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, cần hoàn thiện quy hoạch thủy lợi toàn vùng và áp dụng chính sách quản lý thủy lợi để Điều Tiết hợp lý việc sử dụng nguồn nước giữa các tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng và hài hòa giữa các Mục tiêu sử dụng nước, đặc biệt giữa sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản.

- Ở Đồng bằng sông Hồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hệ thống trạm bơm để đảm bảo tưới, tiêu chủ động; Điều Tiết hợp lý việc xả nước từ các công trình thủy điện phục vụ cho sản xuất lúa.

- Ở các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây nguyên và Trung du miền núi phía Bắc, tiến hành rà soát các vùng sản xuất thiếu nước và vùng cần dự trữ nước cho mùa khô. Tại các vùng này, trên cơ sở cân đối quỹ nước tưới lúa với các cây trồng khác, bố trí hợp lý diện tích gieo trồng lúa với các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác; ưu tiên nâng cấp, xây dựng mới hệ thống hồ đập để chứa ngọt trong mùa mưa; phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ ở các cánh đồng nhỏ, cánh đồng thung lũng, ruộng bậc thang.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng nước như thiết kế đồng ruộng gắn với hoàn thiện kênh mương nội đồng và hệ thống bơm điện, bằng mặt ruộng, tưới Tiết kiệm, mở rộng kích thước thửa ruộng, cải tiến hệ thống sản xuất trên đất lúa và mùa vụ sản xuất lúa.

- Nâng cao năng lực quản lý nước cộng đồng ở các cánh đồng lớn, hợp tác xã...

- Áp dụng phí sử dụng nước để tăng ý thức sử dụng nước; chuyển kinh phí hỗ trợ thủy lợi phí sang kinh phí xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi.

- Hạn chế không sử dụng phân bón thuốc trừ sâu có nguồn gốc hóa học, tiến tới sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh để giảm áp lực ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất lúa.

- Đảm bảo việc trồng và bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật để giữ nguồn nước.

(ii) Các giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên đất

Tài nguyên đất cần được bảo vệ để giữ và tôn tạo độ phì, ngăn chặn sự suy thoái độ phì, xói mòn rửa trôi đất.

- Khi chuyển đổi đất cho các Mục tiêu phi nông nghiệp, tránh lấy vào đất ở các vùng sản xuất lúa chuyên canh; khi phải chuyển đổi thì ngoài mức bồi hoàn thông thường, phải tính đủ để bù đắp chi phí hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác cho sản xuất lúa.

- Ở những vùng đất dốc, đồi núi, xây dựng quy định chặt chẽ để áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất (giữ rừng đầu nguồn, xây dựng ruộng bậc thang, xây dựng bờ chắn...), để giảm xói mòn đất và bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo yêu cầu cảnh quan.

- Xác định rõ những diện tích đất nước lợ ven biển giáp ranh với vùng rừng ngập mặn, thuận lợi để chuyển sang nuôi trồng thủy sản kể cả trong các kịch bản về biến đổi khí hậu. Ngăn chặn tình trạng gia tăng đất nhiễm mặn ở các vùng ven biển bằng trồng rừng ngập mặn, xây dựng hệ thống đê ngăn mặn, hệ thống cống Điều Tiết nước mặn, ngọt để phục vụ nuôi trồng thủy sản (tôm) trong mùa khô và sản xuất lúa trong mùa mưa. Cần có quy hoạch và giải pháp bảo vệ thiết thực để ngăn chặn tình trạng đưa nước mặn vào vùng trồng lúa đã được thủy lợi hóa hoàn chỉnh để nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

- Tuyên truyền phổ biến áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo vệ đất như trồng cây che đất, tăng sử dụng phân bón hữu cơ.

(iii) Các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học

- Bảo vệ tính đa dạng của nguồn gen giống lúa thông qua việc thu thập, đánh giá và bảo tồn quỹ gen giống lúa tại Ngân hàng gen cây trồng quốc gia để khai thác và sử dụng lâu dài và gia tăng tính đa dạng về di truyền của các giống lúa sử dụng trong sản xuất thông qua chọn tạo giống, chọn thuần và sản xuất các giống lúa đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao. Xây dựng một số vùng bảo tồn nguồn gen tự nhiên và hệ thống sinh cảnh ở một số địa bàn được coi là cái nôi của sản xuất lúa (Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi,...).

- Bảo vệ đa dạng sinh học trong hệ sinh thái lúa nước thông qua các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của thâm canh lúa đến các loài sinh vật có lợi trong mộng lúa, áp dụng các giải pháp thu hút tăng quần thể thiên địch ở ruộng lúa...

b) Bảo vệ môi trường

- Xây dựng và giám sát các quy định về hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa gạo.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng rộng rãi các quy trình thực hành tốt trong sản xuất lúa (3G3T, 1P5G, SRI, VietGAP...) nhằm giảm phát thải, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của gạo.

- Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng vật tư độc hại, không rõ nguồn gốc nằm ngoài danh Mục được phép.

- Ngăn chặn các chất thải công nghiệp xâm nhập vào ruộng lúa ở những vùng sản xuất gần đô thị, khu công nghiệp.

c) Bảo tồn di sản văn hóa lúa gạo

- Tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan của các vùng sản xuất lúa gạo mang tính đặc trưng riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và các vùng trồng lúa ở trung du, miền núi. Xây dựng các khu vực ruộng bậc thang, hình thành một số khu du lịch nông nghiệp đặc trưng, dựa trên cảnh quan và hoạt động sản xuất lúa ở các vùng này.

- Khai thác, phát triển các giá trị tinh thần trong sản xuất lúa gạo, gồm các giá trị vật thể gắn liền với sản xuất lúa như các công trình kiến trúc, công cụ lao động của người trồng lúa...; các giá trị phi vật thể như ẩm thực, âm nhạc, các hoạt động lễ hội...; và các hình thức du lịch trải nghiệm tham gia vào các hoạt động sản xuất lúa gạo; từ đó tạo ra sự gắn kết cộng đồng trong nước và quốc tế với những giá trị tinh thần của sản xuất lúa gạo.

- Quảng bá các sản phẩm lúa gạo gắn với bản sắc văn hóa vùng, miền nhằm tăng thêm thu nhập cho nông dân và cộng đồng địa phương để họ yên tâm sản xuất các sản phẩm lúa gạo truyền thống và bảo tồn, canh tác các giống lúa đặc sản địa phương có chỉ dẫn địa lý.

7. Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng

- Nghiên cứu để kết hợp các tính chất dinh dưỡng, giá trị chữa bệnh với các đặc tính nông học và khẩu vị được thị trường chấp nhận để nâng cao giá trị của lúa gạo.

- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm lúa gạo cho từng nhóm thị trường.

- Thanh tra, kiểm tra, để chấm dứt tình trạng giống, phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng trên thị trường. Đảm bảo chất lượng của vật tư đầu vào. Hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Để đảm bảo an ninh lương thực đối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc, cần đẩy mạnh phát triển sinh kế và hình thành hệ thống phân phối để tăng khả năng tiếp cận lúa gạo với giá hợp lý, đầy đủ. Sử dụng lúa gạo để trả chi phí cho các đối tượng đóng góp dịch vụ công ích như bảo vệ rừng, biên giới, xây dựng cơ sở hạ tầng,...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: cung cấp thông tin, đào tạo về kiến thức dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo.

8. Vấn đề giới trong sản xuất lúa

- Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa để giảm nhẹ lao động nặng nhọc cho nữ giới nhất là khâu cấy lúa, phơi lúa và thu hoạch.

- Tổ chức các chương trình đào tạo nghề riêng cho đối tượng nữ, nhằm tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập cho phụ nữ. Tổ chức các chương trình đào tạo về dinh dưỡng, kỹ năng chế biến, kinh doanh cho phụ nữ.

- Khuyến khích, hỗ trợ lao động nữ tham gia các mô hình thí Điểm, các cuộc họp mặt của những người nông dân.

9. Hợp tác quốc tế

- Hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mê Kông và sông Hồng để quản lý nguồn nước hợp lý, đảm bảo lâu dài cho phát triển bền vững của toàn khu vực, minh bạch hóa thông tin về tình hình sử dụng nước; đàm phán giải quyết tranh chấp trong khai thác, sử dụng nguồn nước.

- Tăng cường hợp tác Nam - Nam trong sản xuất và chuyển giao công nghệ về lúa gạo; phối hợp với các nước, tổ chức quốc tế trong nghiên cứu khoa học và trao đổi nguồn gen lúa.

- Phối hợp với các tổ chức nghiên cứu quốc tế, các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ cao để đào tạo nhân lực cho ngành lúa gạo.

- Hợp tác với các nước xuất khẩu gạo, các nước nhập khẩu gạo trong trao đổi thông tin về sản xuất và thị trường.

- Đóng góp xây dựng cơ chế hoạt động và dự trữ kho gạo khu vực ASEAN cho trường hợp các trường hợp thiên tai, cứu trợ khẩn cấp.

III. CÁC GIẢI PHÁP ƯU TIÊN

1. Đổi mới khoa học công nghệ, tăng đầu tư nghiên cứu phát triển

- Xây dựng chương trình nghiên cứu lúa gạo quốc gia giai đoạn 2016- 2030 để phục vụ cho tái cơ cấu ngành lúa gạo, trọng tâm là nghiên cứu phát triển các giống lúa chất lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó lúa thơm là chủ lực; nghiên cứu phát triển các giải pháp cải tiến công nghệ sau thu hoạch và sản xuất lúa bền vững, sử dụng tài nguyên Tiết kiệm; nghiên cứu về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng công nghệ viễn thám và công nghệ thông tin trong sản xuất lúa và quản lý tài nguyên; và nghiên cứu về thị trường và thương mại lúa gạo.

- Đổi mới chương trình khuyến nông lúa gạo theo chuỗi giá trị, khuyến nông về kỹ thuật sản xuất gắn liền với khuyến nông về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; đổi mới đào tạo từ khuyến nông theo chiều rộng sang chiều sâu để phát triển lớp nông dân chuyên nghiệp, có trình độ tay nghề cao.

- Triển khai chương trình sản phẩm quốc gia “Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao đến năm 2020”; hỗ trợ xây dựng một số chuỗi giá trị lúa gạo điển hình ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến sau thu hoạch và chế biến.

- Nhà nước đầu tư thích đáng cho (i) nâng cao năng lực các tổ chức khoa học công nghệ, trong đó nâng cấp Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long để đạt trình độ quốc tế, tương xứng với nhiệm vụ nghiên cứu lúa phục vụ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ii) thực hiện chương trình nghiên cứu lúa quốc gia ở các cơ sở nghiên cứu khoa học nhà nước (Viện và Trường Đại học) và các doanh nghiệp có tham gia nghiên cứu lúa gạo; hỗ trợ một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học về lúa gạo và (iii) hỗ trợ nông dân phát huy các sáng kiến của mình trong tạo ra các công nghệ phục vụ phát triển lúa gạo; phát huy kinh nghiệm bản địa trong sản xuất lúa bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Nhà nước đầu tư nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông và khuyến khích sự tham gia của xã hội, nhất là các doanh nghiệp vào hoạt động khuyến nông lúa gạo.

- Khuyến khích phát triển liên kết công tư, kể cả các tổ chức tư nhân nước ngoài trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ ngành lúa gạo.

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển lúa gạo với Viện Lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức khoa học quốc tế khác và các nước để nâng cao năng lực nghiên cứu quốc gia, bao gồm nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực khoa học có trình độ cao.

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng

- Ở Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển hệ thống đường thủy, đường bộ để tăng kết nối tới các vùng chuyên canh và cảng cần Thơ để có thể xuất khẩu gạo từ miền Tây. Áp dụng công nghệ hiện đại về kỹ thuật và quản lý để giảm thời gian tàu tại cảng, giảm chi phí bốc dỡ.

- Hỗ trợ xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất cho các vùng chuyên canh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và chế biến lúa gạo.

- Ở các vùng chuyên canh: Hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng. Ưu tiên hỗ trợ xây dựng đồng ruộng cho các vùng sản xuất lúa mang tính di sản văn hóa đặc thù (vùng ruộng bậc thang kết hợp du lịch).

- Xây dựng hệ thống đồng bộ thông tin thị trường, bệnh dịch, thời Tiết, kỹ thuật tại một số vùng chuyên canh thí Điểm.

- Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho lúa khô đảm bảo lúa lưu kho với tiêu chuẩn tốt tại một số vùng chuyên canh, xây dựng phát triển kho ngoại quan tại một số thị trường trọng Điểm.

3. Đổi mới chính sách và thể chế

a) Chính sách đất lúa

- Tiến hành rà soát, xác định các vùng trồng lúa có lợi thế nhất để Điều chỉnh quy hoạch cho từng vùng; tổ chức thực hiện Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.

- Ưu tiên kinh phí hỗ trợ địa phương trồng lúa hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - chế biến - kinh doanh lúa gạo tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn và vùng có liên kết trực tiếp với doanh nghiệp.

- Nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ cho địa phương và người trồng lúa khi khả năng ngân sách nhà nước cho phép.

b) Chính sách thu hút đầu tư

Chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư gồm:

- Hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế đối với các doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, doanh nghiệp chế biến sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia các dự án liên kết công tư;

- Ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân mua máy móc sản xuất, áp dụng giống mới;

- Rà soát lại các chính sách khuyến khích cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch tại Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đối với sự phù hợp của thực tế sản xuất và chế biến lúa gạo;

- Hỗ trợ thực hiện áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) đối với sản xuất lúa gạo theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

- Hỗ trợ thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tại Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/11/2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo hướng hỗ trợ phát triển hộ trồng lúa thành hộ sản xuất chuyên nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất thông qua đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, liên kết nhóm nông dân tại một số vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn để mở rộng quy mô sản xuất lúa của hộ, đạt đến quy mô có hiệu quả kinh tế tối ưu: tạo Điều kiện thuận lợi cho nông dân (thủ tục đơn giản, miễn thuế, cho vay vốn,...) tại các địa bàn này tích tụ, cho thuê, góp vốn;

- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng đến 2020 doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có hợp đồng gắn với vùng nguyên liệu ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu, đến 2030 là 100%; doanh nghiệp có vùng nguyên liệu được ưu tiên mua tạm trữ lúa gạo, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nhà nước và các hỗ trợ khác; nghiên cứu ban hành chính sách về quản lý thương lái theo hướng chuyên nghiệp, có đăng ký kinh doanh và phải liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu.

c) Chính sách tài chính

- Chính sách thuế: ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập (bên cạnh các ưu đãi khác về mặt bằng, tín dụng) với các doanh nghiệp tham gia các dự án liên kết công tư, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất liên kết với bà con nông dân, doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Chính sách tín dụng: mở rộng phạm vi chính sách cho vay theo chuỗi; ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân mua máy móc sản xuất, áp dụng giống mới.

- Nghiên cứu việc lập Quỹ hỗ trợ ngành lúa gạo bằng cách trích một phần nguồn thu xuất khẩu gạo để lập Quỹ hỗ trợ ngành lúa gạo và đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ trực tiếp nông dân trồng lúa trong trường hợp rủi ro do thị trường hoặc thiên tai, dịch bệnh.

d) Chính sách đảm bảo an ninh lương thực

- Thực hiện các chính sách ưu tiên hỗ trợ nông dân ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa yên tâm sản xuất.

- Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối gạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng chuyên canh lâm nghiệp để người dân có thể tiếp cận nguồn cung gạo vào mọi thời Điểm; phân bố kho dự trữ gạo quốc gia ở một số địa bàn nhạy cảm thiếu lương thực cục bộ. Trường hợp những vùng khó khăn vào thời Điểm giáp hạt hoặc gặp thiên tai, nhà nước hỗ trợ cung cấp gạo cứu đói kịp thời.

- Kiểm soát việc sử dụng đất lúa theo đúng quy định pháp luật để ngăn chặn tình trạng lạm dụng chuyển đất lúa sang Mục đích phi nông nghiệp.

- Khuyến khích đa dạng hóa sản xuất và nguồn thu nhập của nông dân để giảm lượng gạo tiêu thụ trên đầu người và tăng tiêu thụ nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

- Xây dựng hệ thống giám sát an ninh lương thực (bao gồm an ninh dinh dưỡng quốc gia).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Cục Trồng trọt

- Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các giải pháp triển khai Đề án từ 2016 đến 2020, định kỳ báo cáo Bộ về tiến độ và kết quả thực hiện hàng năm; đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết.

- Chủ trì và phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện liên quan xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phục vụ Đề án, trình cấp thẩm quyền ban hành.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy hoạch sản xuất lúa, chỉ đạo các địa phương rà soát, Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.

b) Tổng cục Thủy lợi

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa.

- Nghiên cứu và phổ biến các mô hình tưới Tiết kiệm trong sản xuất lúa.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách quản lý thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và hài hòa giữa các Mục tiêu sử dụng nước.

c) Vụ Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và lựa chọn danh Mục dự án đầu tư đến năm 2020 phục vụ Đề án; cân đối, bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án theo danh Mục được lựa chọn.

- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để thực hiện Đề án.

d) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực lúa gạo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

- Hướng dẫn các tổ chức cá nhân đề xuất danh Mục các đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo các giống lúa mới, các giải pháp về công nghệ nhằm tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo theo Đề án.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình sản phẩm quốc gia “Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao”.

đ) Các đơn vị khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

2. Các Bộ, Ngành Trung ương

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai Đề án.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.

4. Hiệp hội lương thực Việt Nam

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Đề án.

 

PHỤ LỤC 1

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO

TT

Nội dung công việc

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

1

Rà soát lại công tác quy hoạch

 

 

 

1.1

Rà soát lại quy hoạch đất lúa xác định diện tích đất chuyên trồng lúa, diện tích đất tôm lúa, đất lúa màu của cả nước và lúa thu đông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Cục Trồng trọt

- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

- Các địa phương

2017-2018

1.2

Rà soát lại quy hoạch diện tích lúa phục vụ xuất khẩu, lúa đặc sản và lúa phục vụ nội tiêu trên cơ sở căn cứ vào mức độ thích nghi đất đai từng vùng

Cục Trồng trọt

- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

- Các địa phương

2017-2018

1.3

Rà soát Điều chỉnh lại quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Quyết định 3367/QĐ-BNN-TT.

Cục Trồng trọt

- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

- Các địa phương

2017

2

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

 

 

 

2.1

Nghiên cứu chọn tạo bộ giống lúa chủ lực phù hợp với đặc Điểm sinh thái từng vùng có khả năng chống chịu các Điều kiện ngoại cảnh, chống chịu sâu bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cục Trồng trọt

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI)

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2017-2022

2.2

Xây dựng chương trình nghiên cứu lúa quốc gia tại các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập (Viện và Trường Đại học) và các cơ sở nghiên cứu khoa học tư nhân.

Cục Trồng trọt

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI)

- Các doanh nghiệp

2017

2.3

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ một số doanh nghiệp tư nhân có năng lực trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa.

Cục Trồng trọt

- Vụ Doanh nghiệp

- Các doanh nghiệp khoa học công nghệ

2017

2.4

Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ khoa học trong nghiên cứu chọn tạo giống, quản lý tổng hợp đất lúa, quản lý lúa thông minh (phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế)

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI)

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

Bắt đầu triển khai năm 2017

2.5

Đầu tư nâng cấp Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long thành Viện Nghiên cứu Lúa Quốc gia

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu long

Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI)

Bắt đầu triển khai năm 2018

2.6

Phối hợp với Viện lúa quốc tế IRRI nghiên cứu và khuyến cáo gói kỹ thuật canh tác lúa tổng hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu

- Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu long

- Viện KHKT NN Duyên hải Nam Trung bộ

- Viện Cây lương thực và CTP

- Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI)

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bắt đầu triển khai năm 2017- 2021

2.7

Xây dựng chương trình IPM cho sản xuất lúa cho giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020

Cục Bảo vệ thực vật

- Cục Trồng trọt

- Các địa phương

Bắt đầu từ năm 2016

2.8

Điều tra đánh giá dinh dưỡng tầng canh tác đất lúa ở ĐBSCL và ĐBSH làm cơ sở đề xuất sử dụng phân bón theo đất, giống hiệu quả, bền vững.

Cục Trồng trọt

- Viện Nông hóa thổ nhưỡng

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2017-2018

2.9

Xây dựng đề án vùng sản xuất lúa theo quy trình GAP và hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính

Cục trồng trọt

- Viện Môi trường nông nghiệp

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2017

2.10

Nghiên cứu áp dụng biện pháp tưới tiêu Tiết kiệm nước cho lúa đáp ứng yêu cầu canh tác bền vững hiệu quả.

Tổng Cục Thủy lợi

- Cục Trồng trọt

- Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

- Trường Đại học Thủy lợi

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bắt đầu thực hiện 2016

3

Tổ chức lại sản xuất

 

 

 

3.1

Xây dựng đề án đổi mới sản xuất lúa tại vùng chuyên canh ở ĐBSCL thông qua tập trung ruộng đất, phát triển cánh đồng liên kết, xây dựng đồng ruộng (san bằng và làm thủy lợi), áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, xây dựng các cụm chế biến và kho tàng tạm trữ lúa phù hợp và hệ thống sấy cho vụ lúa mùa mưa.

Cục Trồng trọt Tổng Cục Thủy lợi

- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

- Các địa phương

Bắt đầu thực hiện 2017

3.2

Xây dựng đề án ưu tiên phát triển các hình thức hợp tác (nhóm hợp tác, HTX) tại các vùng chuyên canh lúa thông qua cung cấp vốn, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng CSHT, thiết bị, liên kết với DN

Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn

Cục Trồng trọt

2016

3.3

Xây dựng đề án phát triển sản xuất lúa gắn với cảnh quan bền vững tại vùng miền núi phía Bắc

Cục Trồng trọt

Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch

Bắt đầu thực hiện 2017

4

Cơ khí hóa

 

 

 

4.1

Xây dựng dự án ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất máy móc cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến lúa.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Các địa phương

Bắt đầu thực hiện 2017

4.2

Tiếp tục triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ- TTg về cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc thông qua ưu đãi tín dụng, đào tạo sử dụng máy móc

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Cục Trồng trọt

Thực hiện 2016

4.3

Xây dựng dự án dụng công nghệ laser trong san phẳng đồng ruộng lúa ở vùng chuyên canh.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Cục Trồng trọt

- Các địa phương

Bắt đầu thực hiện 2017

5

Cải thiện công nghệ sau thu hoạch và chế biến

 

 

 

5.1

Cải thiện công tác sấy lúa:

- Xây dựng dự án ưu tiên hỗ trợ DN chuyển đổi hệ thống sấy lúa theo quy trình cải tiến từ sấy 2 bước sang 1 bước bằng sấy tầng sôi, sấy tháp. Sấy lúa tươi tới độ ẩm tiêu chuẩn 14-14,5% để chuyển từ bảo quản gạo sang bảo quản lúa khô.

- Hỗ trợ mặt bằng, vay vốn ưu đãi; khuyến khích các HTX, DN đầu tư vào hoạt động sấy lúa.

Vụ Quản lý Doanh nghiệp

- Cục Chế biến NLS và Nghề muối

- Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn

Bắt đầu thực hiện 2017

5.2

Cải thiện kho tàng:

- Điều tra nhu cầu, số lượng, chất lượng kho chứa lúa, gạo tại các vùng, nhất là những vùng chuyên canh để hỗ trợ xây dựng chương trình xây kho hiệu quả.

- Xây dựng các dự án Liên kết công tư (PPP) trong đầu tư xây kho sử dụng, cho thuê, kết hợp với dịch vụ sấy lúa.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Vụ Kế hoạch

Bắt đầu thực hiện 2017

5.3

Xây dựng dự án ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, phế phụ phẩm từ lúa gạo (rơm rạ, trấu, cám) để tăng giá trị và bảo vệ môi trường.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

Bắt đầu thực hiện 2017

5.4

Xây dựng dự án ưu tiên phát triển các cụm chế biến công nghệ cao, khép kín tại các vùng chuyên canh lúa chính, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần tốt.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công thương

Bắt đầu thực hiện 2017

5.5

Xây dựng đề án phát triển hệ thống phân phối gạo nội địa gắn với thương hiệu và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công thương

2017

6

Đầu tư cơ sở hạ tầng

 

 

 

6.1

Xây dựng dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở ĐBSCL, ĐBSH, DHNTB.

Tổng Cục Thủy lợi

Cục Trồng trọt

Bắt đầu thực hiện 2016

6.2

Đầu tư phát triển hệ thống đường thủy, đường bộ để tăng kết nối tới các vùng chuyên canh và cảng Cần Thơ để có thể xuất khẩu gạo từ miền Tây

Tổng Cục Thủy lợi

- Cục Trồng trọt

- Bộ Giao thông Vận tải

- Các địa phương

Bắt đầu thực hiện 2016

6.3

Xây dựng hệ thống thông tin thị trường, bệnh dịch, thời Tiết, kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL và ĐBSH

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

- Trung tâm Tin học thống kê

- Cục Bảo vệ thực vật

- Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi

Bắt đầu thực hiện 2016

6.4

Xây dựng dự án phát triển đối tác công tư PPP trong đầu tư xây dựng liên kết, cơ sở hạ tầng cho vùng chuyên canh lúa.

Vụ Kế hoạch

Cục Trồng trọt

Bắt đầu thực hiện 2016

6.5

Đầu tư xây dựng kho ngoại quan một số thị trường trọng Điểm

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công Thương

Bắt đầu thực hiện 2017

7

Phát triển thị trường

 

 

 

7.1

Tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công Thương

Đang triển khai

7.2

Xây dựng chương trình XTTM cho sản phẩm gạo: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo đồ sang các thị trường châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu. Đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm gạo Việt Nam có thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công Thương

Bắt đầu thực hiện 2017

7.3

Phối hợp với Bộ Công Thương hoàn thiện và thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công thương

Đang xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016

7.4

Xây dựng đề án Đổi mới Hiệp hội lương thực Việt Nam theo hướng mở rộng thành viên của hiệp hội đại diện đầy đủ cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, minh bạch thông tin và đảm bảo sự bình đẳng.

- Vụ Quản lý doanh nghiệp

- Vụ Tổ chức

- Cục Chế biến NLS và Nghề muối

- Bộ Công thương

2017

7.5

Xây dựng đề án thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất- chế biến gạo Việt Nam, góp phần đảm bảo đầu ra cho các vùng chuyên canh chính

Vụ Hợp tác quốc tế

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

Bắt đầu thực hiện 2017

7.6

Tăng cường năng lực nghiên cứu phân tích, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường để các tác nhân trong ngành lúa gạo chủ động ra quyết định sản xuất - kinh doanh.

Trung tâm Tin học Thống kê

- Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

- Trung tâm Tin học thống kê

Bắt đầu thực hiện 2016

8

Rà soát đánh giá hoàn thiện chính sách

 

 

 

8.1

Nghị định 109/2010/NĐ-CP về Kinh doanh Xuất khẩu gạo

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công thương

Tiếp tục triển khai trong năm 2016

8.2

Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn;

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Cục Trồng trọt

2016

8.3

Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch

Cục Chế biến NLS và Nghề muối

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

Tiếp tục triển khai trong năm 2016

8.4

Nghị định 210/2013/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Cục Chế biến NLS và Nghề muối

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2016

8.5

Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Cục Trồng trọt

Cục Bảo vệ thực vật

2016

8.6

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về một số chủng loại gạo phục vụ xuất khẩu và nội địa

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường

- Cục Trồng trọt

- Cục Bảo vệ thực vật

- Hiệp hội Lương thực Việt Nam

- Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo

- Các địa phương

2016-2017

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC ĐỀ TÀI DỰ ÁN CHƯƠNG TRÌNH ƯU TIÊN

TT

Tên đề tài/dự án/chương trình

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian thực hiện

Số tiền (tỷ đồng)

1

Rà soát lại quy hoạch đất lúa xác định diện tích đất chuyên trồng lúa, diện tích đất tôm lúa, đất lúa màu của cả nước và lúa thu đông cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Trồng trọt

- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

- Các địa phương

2016-2017

2

2

Rà soát Điều chỉnh lại quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Quyết định 3367/QĐ-BNN-TT.

Cục Trồng trọt

- Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp

- Các địa phương

2016-2017

2

3

Dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), Duyên hải nam Trung bộ (DHNTB).

Tổng Cục Thủy lợi

- Cục Trồng trọt

- Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

- Trường Đại học Thủy lợi

2017-2022

5000

4

Dự án Nghiên cứu chọn tạo bộ giống lúa chủ lực phù hợp với đặc Điểm sinh thái từng vùng có khả năng chống chịu các Điều kiện ngoại cảnh, chống chịu sâu bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Cục Trồng trọt

- Vụ KHCN và Môi trường

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

- Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

2017-2022

500

5

Chương trình nghiên cứu lúa quốc gia tại các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập (Viện và Trường Đại học) và các cơ sở nghiên cứu khoa học tư nhân.

- Cục Trồng trọt

- Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

- Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

- Các doanh nghiệp

2017-2022

100

6

Chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ khoa học trong nghiên cứu chọn tạo giống, quản lý tổng hợp đất lúa, quản lý lúa thông minh (phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI)

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

- Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

- Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

2017-2022

100

7

Dự án Đầu tư nâng cấp Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long thành Viện Nghiên cứu Lúa Quốc gia

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

2017-2022

100

8

Chương trình Hợp tác với Viện IRRI nghiên cứu và khuyến cáo gói kỹ thuật canh tác lúa tổng hợp và thích ứng với biến đổi khí hậu

- Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long

- Viện KHKTNN DHNTB

- Viện Cây lương thực và cây thực phẩm

- Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI)

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam

2017-2022

10

9

Dự án đổi mới sản xuất lúa tại vùng chuyên canh ở ĐBSCL thông qua tập trung ruộng đất, phát triển cánh đồng liên kết, xây dựng đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, xây dựng các cụm chế biến và kho tàng tạm trữ lúa phù hợp và hệ thống sấy cho vụ lúa mùa mưa.

- Cục Trồng trọt

- Tổng Cục Thủy lợi

- Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

- Các địa phương

2017-2022

500

10

Dự án phát triển các hình thức hợp tác (nhóm hợp tác, HTX) tại các vùng chuyên canh lúa thông qua cung cấp vốn, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị, liên kết với doanh nghiệp.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Cục Trồng trọt

2017-2022

50

11

Dự án phát triển cơ giới hóa trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Cục Trồng trọt

- Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

2017-2022

50

12

Chương trình giảm tổn thất trước và sau thu hoạch cho sản xuất kinh doanh lúa gạo.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Cục Trồng trọt

- Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

2017-2022

200

13

Chương trình Hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo và phụ phẩm từ lúa gạo (rơm rạ, trấu, cám) để tăng giá trị và bảo vệ môi trường.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Cục Trồng trọt

- Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch

2017-2022

200

14

Dự án phát triển hệ thống phân phối gạo nội địa và xuất khẩu gắn với thương hiệu và chuỗi liên kết.

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Bộ Công thương

2017-2018

100

15

Dự án Hệ thống thông tin thị trường, bệnh dịch, thời Tiết, kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL và ĐBSH

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

- Trung tâm Tin học thống kê

- Cục Bảo vệ thực vật

- Cục Trồng trọt

- Tổng cục Thủy lợi

2017-2018

20

16

Chương trình XTTM cho sản phẩm gạo: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo đồ sang các thị trường châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu. Đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm gạo Việt Nam có thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế

Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

Bộ Công Thương

2017-2022

10

17

Đề án Đổi mới Hiệp hội lương thực Việt Nam theo hướng mở rộng thành viên của hiệp hội đại diện đầy đủ cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, minh bạch thông tin và đảm bảo sự bình đẳng.

- Vụ Quản lý Doanh nghiệp

- Vụ Tổ chức

- Cục Chế biến NLTS và Nghề muối

- Bộ Công thương

2017-2018

2

18

Xây dựng đề án thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất- chế biến gạo Việt Nam, góp phần đảm bảo đầu ra cho các vùng chuyên canh chính.

Vụ Hợp tác Quốc tế

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

2017/2018

2

19

Dự án phát triển sản xuất lúa gắn với cảnh quan bền vững tại vùng miền núi phía Bắc

Cục Trồng trọt

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

2017-2022

5

20

Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu phân tích, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường để các tác nhân trong ngành lúa gạo chủ động ra quyết định sản xuất - kinh doanh.

Trung tâm Tin học thống kê

- Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

- Trung tâm Tin học thống kê

2017-2020

10

21

Điều tra đánh giá dinh dưỡng tầng canh tác đất lúa ở ĐBSCL và ĐBSH làm cơ sở đề xuất sử dụng phân bón theo đất, giống hiệu quả, bền vững.

Cục Trồng trọt

Viện Nông hóa thổ nhưỡng

2017-2018

2

22

Đề án vùng sản xuất lúa theo quy trình GAP và hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính

Cục Trồng trọt

Viện Môi trường nông nghiệp

2017-2022

10

23

Nghiên cứu áp dụng biện pháp tưới tiêu Tiết kiệm nước cho lúa đáp ứng yêu cầu canh tác bền vững hiệu quả.

Tổng cục Thủy lợi

Cục Trồng trọt

Bắt đầu thực hiện 2016

2

24

Đề tài nghiên cứu nhu cầu và thị hiếu tiêu thụ tại một số thị trường xuất khẩu trong Điểm

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

- Cục Chế biến NLTS và nghề muối

- Vụ Hợp tác quốc tế

2017

2

25

Đề tài rà soát đánh giá hoàn thiện chính sách sản xuất và kinh doanh lúa gạo

Các Cục, Vụ

Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

2017-2022

5

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT năm 2016 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1898/QĐ-BNN-TT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/05/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản