Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 189/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 189/2003/QĐ-TTG NGÀY 15 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẠI TỔNG CÔNG TY CƠ KHÍ GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM, THÍ ĐIỂM HOẠT ĐỘNG THEO MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ - CÔNG TY CON

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 20 tháng 4 năm 1995;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ban Kinh tế Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức lại Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải thành Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, để từng bước hình thành Tập đoàn Công nghiệp ô tô Việt Nam.

1. Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Công ty mẹ) là doanh nghiệp nhà nước, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng; trực tiếp thực hiện các hoạt động sản xuất - kinh doanh và có vốn đầu tư vào các Công ty con; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại Công ty và vốn đầu tư vào các Công ty con.

Tên giao dịch quốc tế là Vietnam motors industry corporation

Viết tắt: vinamotoR.

Trụ sở chính: 120 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

- Công ty mẹ được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty Cơ khí ô tô 1/5, Công ty Cơ khí ô tô 3/2, Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, Công ty Cơ khí 120, Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư thiết bị giao thông vận tải, Công ty Cơ khí ô tô và Xe máy công trình, Công ty Sản xuất và Kinh doanh xe máy, Trung tâm Đào tạo cung ứng lao động ngoài nước và dịch vụ, Văn phòng Tổng công ty, Chi nhánh Tổng công ty tại thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đào tạo nghề cơ khí giao thông vận tải, Ban Quản lý các dự án phát triển cơ khí giao thông vận tải.

- Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty mẹ bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.

2. Công ty con có tư cách pháp nhân, có tài sản, tên gọi, bộ máy quản lý riêng, tự chịu trách nhiệm dân sự trong phạm vi số tài sản của doanh nghiệp; được tổ chức và hoạt động theo các quy định pháp luật tương ứng với hình thức pháp lý của Công ty con.

Công ty con là công ty trách nhiện hữu hạn 1 thành viên 100% vốn nhà nước và các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên mà Công ty mẹ giữ cổ phần hoặc vốn góp chi phối (trên 50% vốn điều lệ).

3. Cơ cấu vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh của Công ty mẹ và Công ty con; tổ chức, quản lý Công ty mẹ; quan hệ giữa Công ty mẹ với chủ sở hữu nhà nước và với các Công ty con được quy định trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ.

4. Công ty mẹ có trách nhiệm kế thừa các quyền và nghĩa vụ pháp lý của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải.

Điều 2. Lộ trình chuyển Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con như sau:

1. Năm 2003:

Hình thành Công ty mẹ và 3 Công ty con trên cơ sở cổ phần hoá Công ty Cơ khí 19/8, Công ty Môi giới thương mại và Đầu tư phát triển giao thông vận tải, Công ty Xây dựng và Cơ khí số 1.

2. Năm 2004:

Hình thành 5 Công ty con trên cơ sở:

- Chuyển Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải thành công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên,

- Cổ phần hoá Công ty Công trình và Thương mại giao thông vận tải, Công ty Cơ khí 30/4, Công ty Cơ khí vận tải và Xây dựng, Nhà máy Ô tô Hoà Bình.

Điều 3.

1. Giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án này.

b) Quyết định thành lập Công ty mẹ, Công ty con nói tại Điều 1 Quyết định này theo quy định hiện hành.

c) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ.

d) Chỉ đạo chặt chẽ, phù hợp việc tiếp nhận một số doanh nghiệp khác ngoài Tổng công ty để nâng cao năng lực hoạt động của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, tiến tới hình thành Tập đoàn Công nghiệp ô tô Việt Nam.

đ) Theo dõi tình hình hoạt động của mô hình thí điểm này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần uốn nắn.

2. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Quy chế tài chính thí điểm của Công ty mẹ và theo dõi việc thực hiện chế độ quản lý tài chính, hạch toán kinh doanh, công khai tài chính của Công ty mẹ.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)