Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1853/2001/QĐ-UB

Bến Tre, ngày 18 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VỮNG MẠNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21/6/1994;

- Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức Chính quyền,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chuẩn và quy trình xét duyệt công nhận chính quyền xã, phường, thị trấn (gọi chung là cơ sở) vững mạnh.

Điều 2. Giao cho Trưởng ban Tổ chức Chính quyền có nhiệm vụ giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Chính quyền, Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan hữu quan, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tâm

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (GỌI CHUNG LÀ CƠ SỞ) VỮNG MẠNH
(Ban hành kèm theo QĐ số 1853/QĐ-UB ngày 18/4/2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

I- TIÊU CHUẨN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH.

A- Tiêu chuẩn một:

Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Đảng và văn bản pháp quy của Nhà nước cấp trên; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quản lý theo pháp luật và thẩm quyền. (10 điểm)

1- Triển khai và chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng; pháp luật, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, không có văn bản trái pháp luật, vượt thẩm quyền (điểm tối đa: 5 điểm).

2- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước ở cơ sở một cách chủ động, sáng tạo, có hiệu lực hiệu quả (điểm tối đa: 5 điểm).

B- Tiêu chuẩn hai:

Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên (35 điểm).

1- Hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch Nhà nước giao trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng (điểm tối đa: 10 điểm).

2- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cơ sở tăng hơn năm trước, giảm hộ nghèo, không có hộ đói (điểm tối đa: 10 điểm).

3- Kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…) đa số đã được xây dựng cơ bản, thực hiện đúng quy định về thủ tục xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, công khai dân chủ (điểm tối đa: 5 điểm).

4- Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, ấp văn hoá được giữ vững và phát triển. Bảo vệ tốt trật tự an toàn xã hội (hạn chế thấp nhất các tệ nạn xã hội) (điểm tối đa: 5 điểm).

5- Giải quyết đúng thời hạn, đúng thẩm quyền theo luật định từ 90% trở lên các đơn thư khiếu tố, không để tồn đọng kéo dài hoặc đùn đẩy lên cấp trên. Trong xã, phường, thị trấn không có khiếu kiện tập thể (điểm tối đa: 5 điểm).

C- Tiêu chuẩn ba:

Tích cực thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và hoạt động của bộ máy chính quyền, cải cách hành chính Nhà nước (25 điểm).

1- HĐND, UBND có quy chế làm việc và hoạt động theo quy chế, thực hiện quản lý điều hành đúng pháp luật, đúng thẩm quyền (điểm tối đa 5 điểm).

2- Giải quyết các thủ tục hành chính công khai, nhanh gọn, không gây phiền hà cho tổ chức và công dân (điểm tối đa: 5 điểm).

3- HĐND, UBND đoàn kết thống nhất thực hiện nhiệm vụ chung, được nhân dân tín nhiệm, hoạt động hàng năm đạt từ loại khá trở lên (điểm tối đa: 5 điểm).

4- Các Đại biểu Hội đồng nhân dân, thành viên UBND, cán bộ và Trưởng ấp đều hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao, hàng năm phân loại đều đạt từ loại khá trở lên (điểm tối đa: 5 điểm).

5- Thực hiện tốt quy hoạch cán bộ, bố trí đúng các chức danh theo quy định. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng cơ quan văn hoá, trụ sở khang trang, sạch đẹp (điểm tối đa: 5 điểm).

D- Tiêu chuẩn bốn:

Tổ chức triển khai và thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở xã (phường, thị trấn), tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân để góp phần vào việc xây dựng cơ sở phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng (20 điểm).

1- Tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch, hướng dẫn của các cấp về thực hiện quy chế dân chủ ở xã (phường, thị trấn). Duy trì và thực hiện thường xuyên quy chế trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là ngân sách, xây dựng kết cấu hạ tầng ở địa phương (điểm tối đa: 10 điểm).

2- Phát huy quyền làm chủ nhân dân góp phần vào việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Thực hiện đạt kết quả nội dung “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Xây dựng tốt các phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm (điểm tối đa: 5 điểm).

3- Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện quy chế dân chủ. Sơ, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời (điểm tối đa: 5 điểm).

E- Tiêu chuẩn năm:

Xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa chính quyền với cấp uỷ Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Trưởng ấp để phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương (10 điểm).

1- Xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa chính quyền với cấp uỷ Đảng, quy chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc quản lý Nhà nước ở địa phương đạt hiệu quả (điểm tối đa: 5 điểm).

2- Xây dựng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với Trưởng ấp, giữa Trưởng ấp với Bí thư chi bộ, thường xuyên hướng dẫn kiểm tra để các Trưởng ấp thực hiện đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (điểm tối đa: 5 điểm).

II- QUY TRÌNH XÉT DUYỆT CÔNG NHẬN CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VỮNG MẠNH.

1- Thời gian và trình tự đăng ký:

Trong quý I đầu năm tập hợp xong các đơn vị đăng ký xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh:

- Cấp xã nộp bản đăng ký lên UBND cấp huyện (qua Phòng Tổ chức – Lao động – Xã hội) trong đó có ghi rõ mức phấn đấu.

- Cấp huyện tổng hợp danh sách cấp xã đăng ký xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh gởi đến Ban Tổ chức Chính quyền.

2- Phương pháp cho điểm, đánh giá phân loại chính quyền cơ sở:

a) Cho điểm theo từng tiêu chuẩn:

Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 12 hàng năm cấp xã căn cứ vào kết quả đạt được tự cho điểm từng tiêu chuẩn và phân loại.

Tổ tư vấn cấp huyện xem xét và trình UBND cấp huyện về kết quả cho điểm và phân loại của cấp xã.

b) Phân loại chính quyền cơ sở theo 5 tiêu chuẩn:

Sau khi cho điểm từng tiêu chuẩn, tổng hợp điểm của 5 tiêu chuẩn và tiến hành phân thành 4 loại:

- Chính quyền cơ sở vững mạnh: Tổng số điểm đạt từ 85 điểm trở lên.

- Chính quyền cơ sở khá: Tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 85 điểm.

- Chính quyền cơ sở trung bình: Tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm.

- Chính quyền cơ sở yếu: Tổng số điểm đạt dưới 50 điểm.

UBND cấp huyện căn cứ vào số điểm và kết quả phân loại do Tổ tư vấn trình để xem xét, phân loại chính quyền cơ sở theo 4 loại như trên.

3- Trình tự xét duyệt công nhận chính quyền cơ sở vững mạnh:

a) Hồ sơ đề nghị (do cấp trưởng ký):

- Công văn đề nghị của UBND cấp xã và cấp huyện.

- Bản tự chấm điểm phân loại chính quyền cơ sở.

b)Ttrình tự xét duyệt và thẩm quyền công nhận:

UBND cấp huyện căn cứ vào danh sách phân loại chính quyền cơ sở đạt vững mạnh trình UBND tỉnh (qua Tổ tư vấn – Ban Tổ chức Chính quyền là thường trực) trước ngày 30 tháng 12 hàng năm.

UBND tỉnh quyết định công nhận chính quyền cơ sở vững mạnh. Các loại còn lại do UBND cấp huyện quyết định công nhận.

Đối với chính quyền cơ sở đạt vững mạnh nhiều năm liền sẽ được xét khen thưởng theo quy định.

4- Tổ tư vấn xét duyệt:

UBND tỉnh, UBND cấp huyện ra quyết định thành lập tổ tư vấn xét duyệt chính quyền cơ sở của cấp mình do Thủ trưởng cơ quan Tổ chức Chính quyền làm Tổ trưởng và lãnh đạo một số cơ quan hữu quan làm thành viên.

Tổ tư vấn làm việc theo nguyên tắc tập thể, chấm điểm bỏ phiếu kín.

Tổ tư vấn trình kết quả xét duyệt lên UBND cùng cấp để quyết định./.