Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 185-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

 BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 16/CP ngày 27 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 62/CP ngày 22 tháng 9 năm 1993 về việc quản lý sử dụng con dấu;
Theo đề nghị của Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ chí Minh (tờ trình số 130/ĐHQG-HCM ngày 13 tháng 7 năm 1996).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành theo Quyết định số 185/TTg ngày 28 tháng 3 năm 1997của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bản Quy chế này quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là một Trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3.- Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng, biểu tượng riêng và con dấu riêng do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Điều 4. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị được Nhà nước ưu tiên đầu tư về cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu.

Chương 2:

NHIỆM VỤ ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Điều 5. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc đào tạo theo danh mục các ngành đào tạo và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc tất cả các loại hình đào tạo ở các cấp học:

+ Cao đẳng,

+ Đại học,

+ Cao học,

+ Tiến sĩ.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh còn đào tạo theo các chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ và cấp chứng chỉ tương ứng.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có thể mở thí điểm các ngành đào tạo mới hoặc thay đổi, sắp xếp lại các ngành đào tạo đã có, xây dựng nội dung chương trình đào tạo (theo cấu trúc, khối lượng kiến thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định).

Những ngành mới sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt sẽ được đưa vào danh mục chính thức.

Điều 6. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được quyền cấp văn bằng cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học tại các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng các trường trực thuộc chịu trách nhiệm về danh sách những người được đề nghị cấp bằng của trường mình và trình Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh quyết định.

Mọi chương trình đào tạo nhằm đạt các mức văn bằng của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đều phải được đăng ký ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiệu trưởng các Trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được cấp các chứng chỉ và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về danh sách những người được cấp chứng chỉ.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được phép cấp bằng Tiến sĩ danh dự hoặc danh hiệu Giáo sư danh dự cho những nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội trong và ngoài nước, sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 7. Ngôn ngữ giảng dạy ở Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là tiếng Việt. Trong những trường hợp mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, Giám đốc có quyền quyết định cho giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.

Điều 8. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành các nghiên cứu cơ bản, các vấn đề khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề do yêu cầu kinh tế - xã hội nước ta đặt ra, tham gia thẩm định về mặt khoa học và công nghệ các dự án, các công trình của Nhà nước và các thành phần kinh tế khi được yêu cầu.

Chương 3:

TỔ CHỨC NHÂN SỰ

Điều 9. Cơ cấu tổ chức của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh gồm các đơn vị:

a. Các trường Đại học, các Viện nghiên cứu khoa học.

b. Các khoa, các bộ môn, các Trung tâm, thư viện,...

c. Các đơn vị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học: tạp chí, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, xưởng in,...

d. Các Ban chức năng giúp việc Giám đốc, các Phòng chức năng giúp Hiệu trưởng, Viện trưởng.

Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập hoặc giải thể các Trường đại học, Viện nghiên cứu khoa học trong Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập hoặc giải thể các đơn vị ghi ở mục b, c, d.

Điều 10. Lãnh đạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là Giám đốc. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc có nhiệm kỳ 4 năm và không giữ quá 2 nhiệm kỳ liên tục.

Giúp việc Giám đốc là các Phó Giám đốc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc. Nhiệm kỳ của các Phó giám đốc theo nhiệm kỳ của Giám đốc.

Điều 11. Hội đồng khoa học và đào tạo của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức có chức năng tư vấn cho Giám đốc về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Thành viên của Hội đồng khoa học và đào tạo của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bao gồm:

1. Giám đốc và một số Phó giám đốc.

2. Hiệu trưởng các Trường Đại học trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

3. Viện trưởng các Viện nghiên cứu và một số Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

4. Một số cán bộ giảng dạy, nhà khoa học ở trong và ngoài nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ của Hội đồng là 4 năm. Quy chế hoạt động của Hội đồng do Giám đốc quy định.

Tuỳ theo yêu cầu của công việc, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có thể thành lập các Hội đồng tư vấn lâm thời khác.

Điều 12. Lãnh đạo một Trường Đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là Hiệu trưởng. Lãnh đạo một Viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là Viện trưởng.

Hiệu trưởng, Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm, theo đề nghị của Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Hiệu trưởng, Viện trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ được quy định cho đơn vị mình.

Hiệu trưởng, Viện trưởng có nhiệm kỳ là 4 năm và không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Giúp việc cho Hiệu trưởng, Viện trưởng là các Phó hiệu trưởng, Phó viện trưởng. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào đề nghị của Hiệu trưởng, Viện trưởng để lựa chọn Phó hiệu trưởng, Phó viện trưởng và báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước khi bổ nhiệm, miễn nhiệm. Phó hiệu trưởng, Phó viện trưởng, có cùng nhiệm kỳ công tác theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng, Viện trưởng.

Điều 13. Hiệu trưởng, Viện trưởng ra quyết định bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm các Trưởng khoa, Phó trưởng khoa, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, thuộc phạm vi đơn vị mình và báo cáo lên Giám đốc Đại học Quốc gia.

Điều 14. Mỗi Trường Đại học và mỗi Viện nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có một Hội đồng khoa học và đào tạo. Nhiệm kỳ Hội đồng là 4 năm.

Hội đồng khoa học và đào tạo làm nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng, Viện trưởng về các vấn đề đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hội đồng khoa học và đào tạo Trường bao gồm:

- Hiệu trưởng, một số Phó hiệu trưởng,

- Chủ nhiệm khoa,

- Một số Giám đốc Trung tâm,

- Một số cán bộ giảng dạy, một số nhà khoa học trong và ngoài Trường.

Hội đồng Khoa học và đào tạo Viện bao gồm:

- Viện trưởng, một số Phó viện trưởng,

- Các Trưởng phòng nghiên cứu khoa học,

- Một số nhà khoa học và cán bộ giảng dạy trong và ngoài Trường.

Hội đồng khoa học và đào tạo của Trường Đại học thành viên, Viện nghiên cứu do Hiệu trưởng, Viện trưởng làm Chủ tịch. Hiệu trưởng, Viện trưởng quyết định bổ nhiệm các Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên của Hội đồng.

Điều 15. Cán bộ nhân viên trong biên chế Đại học Quốc gia được sắp xếp theo các ngạch bậc, các chức danh tiêu chuẩn Nhà nước, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hàng năm Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm lập kế hoạch lao động và tiền lương, kế hoạch biên chế, báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cùng với Bộ bảo vệ và nhận chỉ tiêu trước Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá định kỳ và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ của mình cho phù hợp yêu cầu theo đúng ngạch bậc quy định của Nhà nước.

Điều 16. Đội ngũ cán bộ giảng dạy Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bao gồm những người trong biên chế và những người kiêm nhiệm, được mời từ các cơ quan khoa học trong và ngoài nước. Cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phải có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá định kỳ đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu thuộc tất cả các Trường Đại học và Viện nghiên cứu trực thuộc, bố trí lại công việc trong phạm vi toàn Đại học Quốc gia.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức đánh giá và công nhận các chức danh giảng viên chính, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính trở xuống đối với cán bộ trong đơn vị mình.

Điều 17. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn học sinh, sinh viên vào học tập trong các cơ sở của mình theo Quy chế và quy trình riêng do Giám đốc Đại học ban hành, sau khi được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Người Việt Nam và người nước ngoài nếu đủ điều kiện quy định đều có thể theo học tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Căn cứ vào những quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đề ra quy chế học tập, kiểm tra và thi phù hợp để đảm bảo chất lượng đào tạo. Sinh viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ và được đảm bảo những quyền lợi trong học tập và sinh hoạt theo quy định để phát huy tối đa tài năng và trí tuệ của mình.

Chương 4:

TÀI CHÍNH

Điều 18. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dự toán cấp 1, được quản lý tài chính độc lập, có tài khoản riêng, kể cả tài khoản ngoại tệ. Hàng năm, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm lập kế hoạch đào tạo và ngân sách, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo vệ và nhận kế hoạch, ngân sách trước Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm phân bổ và sử dụng kinh phí cho các hoạt động của đơn vị theo đúng chức năng, mục tiêu và kế hoạch phát triển, theo đúng chế độ tài chính và Pháp lệnh thống kê kế toán của Nhà nước.

Điều 19. Các nguồn kinh phí cung cấp cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh gồm:

- Ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương).

- Nguồn hỗ trợ nhận từ các Bộ.

- Nguồn thu từ học phí của sinh viên.

- Nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất và dịch vụ.

- Nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức và cá nhân hảo tâm.

- Nguồn tài trợ quốc tế.

Điều 20. Các Trường Đại học, Viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là những đơn vị dự toán cấp 2, chịu sự điều phối về kinh phí bởi Đại học Quốc gia theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương 5:

MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC CƠ QUAN, CÁC TỔ CHỨC TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Điều 21. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chịu sự quản lý Nhà nước trong phạm vi chức năng của các Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được trực tiếp quan hệ với các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết những vấn đề liên quan đến đơn vị mình.

Khi cần thiết, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của mình.

Điều 22. Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được quyền ký các thoả ước hợp tác với các Trường Đại học, các tổ chức nghiên cứu và đào tạo nước ngoài, mời các chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy trong phạm vi luật pháp và các quy định của Nhà nước.

Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được trực tiếp quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước để làm thủ tục xuất nhập cảnh cho cán bộ, nhân viên, sinh viên của mình cũng như khách mời từ nước ngoài.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Căn cứ vào Quy chế, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đề ra những quy định cụ thể về tổ chức và hoạt dộng trong nội bộ cho phù hợp. Sau từng giai đoạn Quy chế này có thể được xem xét lại và sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 185-TTg năm 1997 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 185-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/03/1997
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản