ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 185-NQ-TVQH | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ CHUẨN ĐIỀU LỆ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN KHU TỰ TRỊ TÂY BẮC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ TÂY BẮC
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Căn cứ vào điều 95 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Căn cứ vào điều 2 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân.
Sau khi xét đề nghị của Ủy ban hành chính khu tự trị Tây Bắc.
Sau khi nghe Ủy ban dự án pháp luật và Ủy ban dân tộc của Quốc hội báo cáo.
QUYẾT ĐỊNH:
Phê chuẩn điều lệ ngày 09-4-1963 của Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc.
| ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
ĐIỀU LỆ
QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ TÂY BẮC
Căn cứ vào Điều 95 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định quyền của Hội đồng nhân dân các khu tự trị có thể chiều theo những đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc ở địa phương mà đặt ra điều lệ tự trị và những điều lệ về những vấn đề riêng biệt để thi hành ở địa phương.
Căn cứ vào Nghị quyết ngày 27-10-1962 của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II họp kỳ thứ 5 phê chuẩn việc đổi tên khu tự trị Thái – Mèo thành khu tự trị Tây Bắc và thành lập cấp tỉnh trong khu.
Căn cứ vào Luật ngày 14-7-1960 quy định về tổ chức Tòa án nhân dân và pháp lệnh ngày 23-3-1961 quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương.
Để cho tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc phù hợp với đặc điểm của tình hình địa phương.
Hội đồng nhân dân khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc như sau:
Điều 1. – Các Tòa án nhân dân trong khu tự trị Tây Bắc gồm có:
- Tòa án nhân dân khu.
- Các Tòa án nhân dân tỉnh.
- Các Tòa án nhân dân thị xã và huyện.
Điều 2. – Tòa án nhân dân khu có thẩm quyền:
a) Sơ thẩm những vụ án hình sự và dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp dưới, nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp, cần lấy lên để xử.
b) Phúc thẩm những bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Tòa án nhân dân tỉnh bị chống án hoặc bị kháng nghị.
c) Xử lại những vụ án do bản thân mình hoặc do Tòa án nhân dân cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Tòa án nhân dân tối cao giao cho xử lại.
Tòa án nhân dân khu có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp trong khu và tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Tòa án nhân dân khu mở lớp huấn luyện thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã, huyện và thư ký Tòa án để góp phần đào tạo cán bộ địa phương theo chính sách dân tộc của Nhà nước.
Điều 3. – Tòa án nhân dân tỉnh có thẩm quyền:
a) Sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của các Tòa án nhân dân thị xã và huyện, và những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của các Tòa án đó, nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp, cần lấy lên để xử.
b) Sơ thẩm những vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của các Tòa án nhân dân thị xã và huyện, nhưng xét thấy quan trọng hoặc phức tạp, cần lấy lên để xử.
c) Phúc thẩm những bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Tòa án nhân dân thị xã và huyện bị chống án hoặc bị kháng nghị.
d) Xử lại những vụ án do bản thân mình hoặc do các Tòa án nhân dân thị xã và huyện đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiện tượng pháp luật, nhưng Tòa án nhân dân tối cao giao cho xử lại.
Tòa án nhân dân tỉnh có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp ở địa phương, huấn luyện cán bộ tư pháp cho thị trấn và xã, và tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Điều 4. – Tòa án nhân dân thị xã và huyện có thẩm quyền:
a) Hòa giải những việc tranh chấp về dân sự.
b) Phân xử những việc hình sự nhỏ không phải mở phiên tòa.
c) Sơ thẩm những vụ án dân sự.
d) Sơ thẩm những vụ án hình sự có thể phạt từ hai năm tù trở xuống.
Tòa án nhân dân thị xã và huyện có nhiệm vụ xây dựng tổ chức tư pháp và hướng dẫn công tác hòa giải ở thị trấn và xã và tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân.
Điều 5. – Tòa án nhân dân khu và các Tòa án nhân dân tỉnh gồm có chánh án, một hoặc nhiều phó chánh án và các thẩm phán.
Tại Tòa án nhân dân khu và các Tòa án nhân dân tỉnh đều lập ra Ủy ban thẩm phán gồm có chánh án, phó chánh án và một số thẩm phán.
Tòa án nhân dân thị xã và huyện gồm có chánh án và thẩm phán, nếu cần thiết thì có phó chánh án.
Điều 6. – Khi sơ thẩm, Tòa án nhân dân các cấp trong khu gồm có một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, trong trường hợp xử những vụ án mà đương sự hoặc bị can thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, Tòa án nhân dân có thể gồm có một thẩm phán và bốn hội thẩm nhân dân.
Khi phúc thẩm những bản án, những quyết định bị chống án hoặc bị kháng nghị và khi xử lại những vụ án đã có bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm thì Tòa án nhân dân phải có ba thẩm phán, khi cần thiết thì có thể có thêm hai hoặc bốn hội thẩm nhân dân.
Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán. Tòa án nhân dân quyết định theo đa số.
Điều 7. – Chánh án, phó chánh án và thẩm phán Tòa án nhân dân khu và Tòa án nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của chánh án, phó chánh án và thẩm phán Tòa án nhân dân khu và Tòa án nhân dân tỉnh là bốn năm.
Ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân nói trên do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.
Điều 8. – Chánh án, phó chánh án và thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã và huyện do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của chánh án, phó chánh án và các thẩm phán Tòa án nhân dân thị xã và huyện là ba năm.
Điều 9. – Các hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân các cấp trong khu do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn. Nhiệm kỳ của các hội thẩm nhân dân là hai năm.
Điều 10. – Danh sách hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân trong khu cần phản ánh thích đáng các thành phần dân tộc trong quản hạt của Tòa án.
Điều 11. – Tòa án nhân dân các cấp trong khu phải bảo đảm cho công dân thuộc các thành phần dân tộc được dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án. Khi cần thiết, Tòa án nhân dân phải chỉ định người phiên dịch để bảo đảm thực hiện quyền đó.
Điều 12. – Khi xét xử, Tòa án nhân dân các cấp trong khu phải chú ý thích đáng đến những đặc điểm về kinh tế và văn hóa của các dân tộc.
Điều 13. – Ngoài việc xét xử tại trụ sở của Tòa án, Tòa án nhân dân các cấp trong khu cần chú ý tổ chức xét xử lưu động để cho việc tố tụng của nhân dân được thuận tiện và việc xét xử của Tòa án có tác dụng giáo dục sâu rộng trong nhân dân các dân tộc ở địa phương.
Điều 14. – Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc phải chấp hành những nguyên tắc chung về tổ chức Tòa án nhân dân đã được quy định trong Hiến pháp, Luật ngày 14-7-1960 và Pháp lệnh ngày 23-3-1961, và những quy định của bản điều lệ này.
Quyết định 185-NQ-TVQH năm 1963 phê chuẩn điều lệ của Hội đồng nhân dân Khu tự trị Tây Bắc quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân các cấp trong khu tự trị Tây Bắc do Ủy ban thường vụ Quốc Hội ban hành
- Số hiệu: 185-NQ-TVQH
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/07/1963
- Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Người ký: Trường Chinh
- Ngày công báo: 24/07/1963
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: 24/07/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định