Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1834/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Vật liệu nổ công nghiệp, hoạt động có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp là hàng hóa, dịch vụ, kinh doanh đặc biệt, do Nhà nước thống nhất quản lý. Số lượng, phạm vi, quy mô các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Quy hoạch phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu về quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế quốc dân về vật liệu nổ công nghiệp;

- Xây dựng, phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, thân thiện với môi trường, có cơ cấu sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

a) Mục tiêu chung

- Đáp ứng đủ các loại vật liệu nổ công nghiệp truyền thống, tiến tới cung ứng một số loại vật liệu nổ công nghiệp mạnh, sử dụng cho một số lĩnh vực đặc thù, an toàn và thân thiện môi trường; phân bố hợp lý cơ cấu sản phẩm, lực lượng sản xuất và theo vùng lãnh thổ;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đối với ngành Vật liệu nổ công nghiệp theo hướng luật hóa các quy định hiện hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và có tính hệ thống cho quản lý và phát triển ngành.

b) Mục tiêu cụ thể

- Nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp có chứa TNT: Không phát triển thêm và không nâng công suất đối với những dây chuyền sản xuất thuốc nổ trong thành phần có TNT kể cả sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tái chế từ vật liệu nổ phế thải có chứa TNT. Đến năm 2020, thuốc nổ TNT chỉ sử dụng không quá 3% so với tổng lượng sản xuất và tiêu thụ trong nước;

- Nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí: Nghiên cứu đầu tư sản xuất một số chủng loại thuốc nổ và phụ kiện nổ phục vụ ngành dầu khí trên cơ sở nghiên cứu, phát triển từ những dây chuyền sẵn có như đạn bắn vỉa, dây nổ và kíp nổ, đến năm 2020 và 2030 đáp ứng được tương ứng 20% và 50% nhu cầu trong nước;

- Nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác lộ thiên: Đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, nhũ tương an toàn, chất lượng cao, tăng thời gian chịu nước, sức công phá mạnh, có thể thay thế hiệu quả các loại thuốc nổ có chứa TNT;

- Nhóm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ khai thác trong hầm lò: Phát triển các sản phẩm thuốc nổ công nghiệp theo hướng tăng sức công phá, giảm khói, khí bụi và sản phẩm có kích thước phi tiêu chuẩn phục vụ khai thác trong các mỏ có yêu cầu đặc biệt như mỏ vàng, kim loại. Các sản phẩm phụ kiện nổ công nghiệp đáp ứng yêu cầu đặc biệt như độ bền kéo, va đập, độ tin cậy khi các hầm lò khai thác ngày càng sâu, địa hình phức tạp;

- Nhóm nguyên liệu chính: Sản xuất ổn định dây chuyền nitrat amôn (NH4NO3) là nguyên liệu chủ yếu sản xuất thuốc nổ, chủ động cung ứng cho các cơ sở sản xuất thuốc nổ. Đến năm 2016, đáp ứng 100% nhu cầu nitrat amôn để sản xuất thuốc nổ trong nước và cung cấp đủ nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Đầu tư sản xuất một số loại tiền chất thuốc nổ khác là các hóa chất lưỡng dụng như natri nitrat (NaNO3), kali nitrat (KNO3) phục vụ ngành Vật liệu nổ công nghiệp;

- Nhóm thuốc nổ mạnh: Đến năm 2016, sản xuất được thuốc nổ Hecxozen cho mồi nổ công nghiệp và Hecxozen siêu mịn cho dây dẫn tín hiệu nổ. Đến năm 2020, sản xuất được thuốc nổ TEN thay thế hàng dự trữ quốc gia.

2. Nội dung Quy hoạch

a) Nhu cầu tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp

- Nhu cầu tiêu thụ thuốc nổ công nghiệp các loại: Năm 2015 khoảng 140.000 tấn; dự báo năm 2020 khoảng 180.000 tấn; từ năm 2020 đến năm 2030 tăng dần và ổn định từ 180.000 tấn thuốc nổ/năm đến khoảng 200.000 tấn thuốc nổ/năm;

- Nhu cầu tiêu thụ phụ kiện nổ công nghiệp: Năm 2015 khoảng 450 tấn mồi nổ, 60 triệu kíp nổ và 18 triệu mét dây nổ, dây cháy chậm các loại; dự báo năm 2020 khoảng 528 tấn mồi nổ, 90 triệu kíp nổ và 20 triệu mét dây nổ, dây cháy chậm các loại; từ năm 2020 đến năm 2030 tăng dần và ổn định từ 625 tấn mồi nổ, 100 triệu kíp nổ và 27 triệu mét dây nổ, dây cháy chậm các loại/năm.

b) Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

Đáp ứng đủ về số lượng và chủng loại vật liệu nổ công nghiệp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước với giá cả hợp lý và có một phần xuất khẩu.

- Giai đoạn 2015 - 2020: Ổn định sản xuất nitrat amôn; nâng cấp phòng thí nghiệm vật liệu nổ công nghiệp; đẩy nhanh việc đầu tư sản xuất thuốc nổ nhũ tương, thuốc nổ sạch, mồi nổ năng lượng cao và xe sản xuất, nạp thuốc nổ di động tại một số tỉnh có công suất khai thác phù hợp; đồng bộ hóa thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cấp chất lượng các loại thuốc nổ công nghiệp và phụ kiện nổ công nghiệp hiện có;

- Giai đoạn 2020 - 2030: Đầu tư mới một số dây chuyền sản xuất phụ kiện nổ công nghiệp và vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí; thay đổi công nghệ, nâng cấp chất lượng vật liệu nổ công nghiệp; quy mô và tiến độ đầu tư các dự án tùy theo tình hình thực tế của giai đoạn 2015 - 2020 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

c) Vốn đầu tư

- Tổng vốn đầu tư phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 2.650 tỷ đồng, trong đó:

+ Giai đoạn 2015 - 2020 khoảng 1.872 tỷ đồng.

+ Giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 778 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư

+ Vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay và các nguồn vốn khác để đầu tư thực hiện theo danh mục các dự án được duyệt;

+ Vốn ngân sách nhà nước cho công tác điều chỉnh Quy hoạch, các nhiệm vụ khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo thử nghiệm và dự trữ quốc gia vật liệu nổ công nghiệp.

3. Các giải pháp thực hiện Quy hoạch

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; kiện toàn đội ngũ quản lý, kỹ thuật, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị chuyên ngành đảm bảo đủ năng lực thiết yếu nhằm đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp từ Trung ương đến địa phương;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh, trật tự xã hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tiền chất thuốc nổ, sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới an toàn và thân môi trường, vật liệu nổ công nghiệp phục vụ ngành dầu khí, các dây chuyền sản xuất thuốc nổ di động;

d) Tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sản phẩm và năng lực sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thông qua các ưu đãi về thuế xuất khẩu, lãi suất vay đầu tư ra nước ngoài;

đ) Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước;

e) Tăng cường năng lực nghiên cứu cơ bản, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư chiều sâu, khai thác tối đa năng lực hiện có của các cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp và các Trung tâm nghiên cứu. Mở rộng hợp tác quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng và dịch vụ nổ công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy hoạch này; chỉ đạo, tổ chức đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách để phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân; chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu công nghệ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của các lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Bộ Công thương phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đáp ứng đủ cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân; nghiên cứu, tiếp thu công nghệ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phục vụ cho ngành Dầu khí.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước cho công tác điều chỉnh Quy hoạch, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo thử nghiệm và dự trữ quốc gia vật liệu nổ công nghiệp.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong ngành Vật liệu nổ công nghiệp, tiếp thu và tổ chức triển khai ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến của khu vực và thế giới để phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam.

4. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo việc đảm bảo về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp và chống buôn bán trái phép vật liệu nổ công nghiệp.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách cho phù hợp đối với người lao động trong ngành Vật liệu nổ công nghiệp.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ Quy hoạch tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện việc quản lý kinh doanh, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 150/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn: TKV, Dầu khí, Hóa chất;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (3b).Q240

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH NỔ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1834/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Tên dự án, chủ đầu tư

Chủ đầu tư(2)

Số lượng dây chuyền

Địa điểm

Công suất(3)

Đơn vị

Số lượng

A

GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

I

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

1

Đầu tư phát triển năng lực sản xuất mới

1.1

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ sạch, năng lượng cao

Z113

01

Tuyên Quang

Tấn/năm

6.000

1.2

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương

7121

01

Phú Thọ

Tấn/năm

5.000

1-3

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương

Z195

01

Vĩnh Phúc

Tấn/năm

6.000

1.4

Dây chuyền sản xuất mồi nổ năng lượng cao

Z195

01

Vĩnh Phúc

Tấn/năm

300

1.5

Dây chuyền thiết bị di động sản xuất, nạp thuốc nổ nhũ tương/ANFO và cơ sở vật chất phục vụ xe sản xuất, nạp thuốc nổ nhũ tương/ANFO

GAET liên doanh với đơn vị sản xuất VLNCN thuộc TC CNQP

04

Các tỉnh

Tấn/dây chuyền/năm

1.500

1.6

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ ANFO

Z114

01

Đồng Nai

Tấn/năm

3.000

1.7

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ TEN

Z121

01

Phú Thọ

Tấn/năm

500

1.8

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ Hecxogen

Z195

01

Vĩnh Phúc

Tấn/năm

500

1.9

Dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT

Z113

01

Tuyên Quang

Tấn/năm

3.000

1.10

Dây chuyền sản xuất bột kim loại wolfram phục vụ sản xuất phụ kiện nổ công nghiệp

Z121

01

Phú Thọ

Tấn/năm

10

1.11

Dây chuyền sản xuất phụ gia, nhũ tương nền cho sản xuất thuốc nổ công nghiệp

Liên danh GAET-METCO

02

Vĩnh Phúc/ Thái Nguyên

Tấn/năm

5.000

2

Đầu tư đồng bộ thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cơ sở hạ tầng

2.1

Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất thuốc nổ TFD-15

Z115

Trên cơ sở dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Thái Nguyên

Tấn/năm

5.000

2.2

Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất thuốc nổ ABS-15

Z115

Thái Nguyên

Tấn/năm

2.000

2.3

Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất dây dẫn tín hiệu nổ dùng cho sản xuất phụ kiện nổ công nghiệp

Z121

Trên cơ sở dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Phú Thọ

Triệu mét/năm

10

2.4

Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất kíp nổ các loại theo công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại - giai đoạn 1

Z121

Phú Thọ

Triệu kíp/năm

15

2.5

Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phòng thí nghiệm/thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp

Viện TPTN

01

Hòa Bình/Hà Nội

 

-

2.6

Di chuyển dây chuyền cũ từ Hà Nội về địa điểm mới tại Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình và đầu tư nâng cấp, tự động hóa dây chuyền sản xuất mồi nổ năng lượng cao VE-05 A

Viện TPTN

01

Hòa Bình

Tấn/năm

200

2.7

Di chuyển dây chuyền cũ từ Hà Nội về địa điểm mới tại Mỵ Hòa, Kim Bôi, Hòa Bình và đầu tư nâng cấp năng lực, mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNP-1 trên cơ sở dây chuyền cũ(1)

Viện TPTN

01

Hòa Bình

Tấn/năm

3.000

2.8

Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất mồi nổ năng lượng cao

Z131

Trên cơ sở dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Thái Nguyên

Tấn/năm

500

2.9

Xây dựng mới một số kho/cụm kho vật liệu nổ công nghiệp

GAET

7 ¸ 10

Các tỉnh

Kho/cụm kho

7 ¸ 10

II

Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin

1

Đầu tư phát triển năng lực sản xuất mới

1.1

Dây chuyền di động sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời dùng trong công trình ngầm

MICCO

04

Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

1.500

1.2

Dây chuyền di động sản xuất, nạp thuốc nổ nhũ tương rời/ANFO và cơ sở vật chất phục vụ xe sản xuất, nạp thuốc nổ nhũ tương/ANFO

MICCO

04

Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tĩnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tấn/dây chuyền/năm

4.500

2

Đầu tư đồng bộ thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, cơ sở hạ tầng

2.1

Đổi mới công nghệ, cải tạo dây chuyền, nâng cấp chất lượng sản phẩm thuốc nổ nhũ tương an toàn hầm lò, nhũ tương rời

MICCO

Trên cơ sở các dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

7.500

2.2

Đầu tư đồng bộ hóa thiết bị các dây chuyền di động sản xuất thuốc nổ nhũ tương: 4 xe vận chuyển, bồn chứa nhũ tương nền dung tải 80 ¸ 120 tấn/bồn .

MICCO

Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tĩnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tấn/dây chuyền/năm

7.500

2.3

Xây dựng xưởng nghiên cứu thực nghiệm vật liệu nổ công nghiệp - giai đoạn 1

MICCO

01

Quảng Ninh

 

-

2.4

Xây dựng cảng sông và kho trung chuyển vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tại cảng Bạch Thái Bưởi

MICCO

 

Quảng Ninh

Tấn/năm

100.000

2.5

Xây dựng cảng sông tiếp nhận nguyên liệu amoniac, trung chuyển tiền chất thuốc nổ và các mặt hàng hóa chất khác

MICCO

 

Thái Bình

Tấn/năm

400.000

2.6

Xây dựng mới một số kho/cụm kho vật liệu nổ công nghiệp

MICCO

5 ¸ 7

Các tỉnh

Kho/ cụm kho

5 ¸ 7

B

GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

I

Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

1

Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất sản xuất kíp nổ các loại - giai đoạn 2

Z121

Trên cơ sở các dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Phú Thọ

Triệu kíp/ năm

30

2

Đổi mới công nghệ, hiện đại hóa nâng cấp dây chuyền sản xuất mồi nổ năng lượng cao VE-05 A

Viện TPTN

Hòa Bình

Tấn/năm

500

3

Đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc nổ sạch, năng lượng cao thay thế dây chuyền sản xuất thuốc nổ AĐ-1(1)

Z114

01

Đồng Nai

Tấn/năm

3.000

4

Đầu tư dây chuyền sản xuất phụ kiện nổ (kíp nổ công suất 15 triệu kíp/năm, mồi nổ công suất 1 triệu quả/năm)

Z114

01

Đồng Nai

 

-

5

Đầu tư dây chuyền sản xuất dây nổ, phụ kiện nổ các loại dùng cho khai thác dầu khí (Dây nổ công suất 1 triệu mét/năm, phụ kiện nổ công suất 10 triệu sản phẩm/năm)

Z121

02

Phú Thọ

Tấn/năm

3.000

6

Đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất mồi nổ năng lượng cao

Z131

Trên cơ sở dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Thái Nguyên

Tấn/năm

500

7

Xây dựng mới một số kho/cụm kho vật liệu nổ công nghiệp

GAET

7 ¸ 10

Các tỉnh

Kho/cụm kho

7 ¸ 10

II

Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin

 

 

1

Dây chuyền thiết bị di động sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời/ANFO

MICCO

02

Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

4.500

2

Dây chuyền thiết bị di động sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời dùng trong công trình ngầm

MICCO

02

Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

1.500

3

Đầu tư đổi mới công nghệ, cải tạo thiết bị và nâng cấp chất lượng sản phẩm của các dây chuyền sản xuất thuốc nổ ANFO, nhũ tương rời và nhũ tương an toàn hầm lò

MICCO

Trên cơ sở các dây chuyền hiện có, đang sản xuất

Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

4.500

4

Đầu tư đồng bộ hóa thiết bị các dây chuyền thiết bị di động sản xuất thuốc nổ nhũ tương: 2 xe vận chuyển, bồn chứa nhũ tương nền dung tải 80 ¸ 120 tấn/bồn

MICCO

Lào Cai, Quảng Ninh

Tấn/dây chuyền/năm

4.500

5

Xây dựng xưởng nghiên cứu thực nghiệm vật liệu nổ công nghiệp - giai đoạn 2

MICCO

01

Quảng Ninh

-

-

6

Xây dựng mới một số kho/cụm kho vật liệu nổ công nghiệp

MICCO

7 ¸ 10

Các tỉnh

Kho/cụm kho

7 ¸ 10

Ghi chú:

(1) Trong thời gian quy hoạch, các dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp có chứa thành phần TNT hoặc thuốc phế thải quốc phòng (AD-1, TNP-1) được khuyến khích đầu tư thay thế bằng các dây chuyền thuốc nổ nhũ tương, thuốc nổ năng lượng cao trong thành phần không có TNT với công suất tương đương.

(2) Tên viết tắt của các đơn vị:

- Z113: Công ty TNHH 1 TV Cơ khí Hóa chất 13.

- Z114: Công ty Cơ khí Hóa chất 14.

- Z115: Công ty TNHH 1 TV Điện cơ Hóa chất 15.

- Z121: Công ty TNHH 1 TV Hóa chất 21.

- Z131: Công ty TNHH 1 TV Cơ điện và Vật liệu nổ 31.

- Z 195: Công ty TNHH Hóa chất 95.

- GAET: Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp quốc phòng.

- Viện TPTN: Viện Thuốc phóng thuốc nổ.

- TCCNQP: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

- MICCO: Tổng công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin.

(3) Công suất tính theo 1 ca sản xuất.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1834/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Vật liệu nổ công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1834/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1107 đến số 1108
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản