Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1833/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2016 - 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các Trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016 - 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quy hoạch mạng lưới Trung tâm dịch vụ việc làm theo hướng tăng cường tính tự chủ, gắn với sự phát triển của thị trường lao động, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

2. Đổi mới theo hướng gắn kết các hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm hướng tới hình thành một hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thống nhất.

3. Kiện toàn hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc cho người lao động.

4. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường kết nối giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm; giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với người lao động, người sử dụng lao động; giữa Trung tâm dịch vụ việc làm với các cơ quan nhà nước có liên quan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước, phân bố như sau: 24 Trung tâm ở vùng Trung du miền núi phía Bắc; 37 Trung tâm ở vùng Đồng bằng sông Hồng; 30 Trung tâm ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; 5 Trung tâm ở vùng Tây Nguyên; 14 Trung tâm ở vùng Đông Nam Bộ; 21 Trung tâm ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Từ nay đến năm 2025, không tăng số lượng các Trung tâm dịch vụ việc làm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoạt động tư vấn:

- Năm 2020 có trên 2.000.000 lượt người được tư vấn trực tiếp;

- Năm 2025 có trên 2.500.000 lượt người được tư vấn trực tiếp.

b) Hoạt động giới thiệu việc làm và cung ứng lao động:

- Năm 2020, 100% người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn việc làm và học nghề, trong đó 70% số người lao động được giới thiệu tìm việc làm có kết nối việc làm thành công; đồng thời đáp ứng được 50% nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động;

- Năm 2025, 100% người lao động đến các Trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn việc làm và học nghề, trong đó 75% số người lao động được giới thiệu tìm việc làm có kết nối việc làm thành công; đồng thời đáp ứng được 70% nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động.

c) Hoạt động thu thập, phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động:

- Năm 2020, 90% các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thu thập, xử lý, khai thác và phổ biến thông tin thị trường lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc, được kết nối trong toàn hệ thống và dự báo thị trường lao động của tỉnh, của vùng;

- Năm 2025, 100% các Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thu thập, xử lý, khai thác và phổ biến thông tin thị trường lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc, được kết nối trong toàn hệ thống và dự báo thị trường lao động của tỉnh, của vùng và của ngành.

d) Tổ chức kết nối đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng và năng lực tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định của pháp luật: Đến năm 2020 có khoảng 500.000 người và năm 2025 có khoảng 700.000 người được hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn.

đ) Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Từ năm 2020, 100% người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn về chính sách việc làm và học nghề; được hỗ trợ giới thiệu việc làm; được hỗ trợ học nghề nếu có nhu cầu và được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện.

e) Tổ chức có hiệu quả việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thực hiện các chương trình, dự án về việc làm, thị trường lao động theo quy định của pháp luật.

g) Thực hiện việc tuyển chọn, giới thiệu và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về tổ chức hệ thống, quản lý

a) Kiện toàn hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm để chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối cung - cầu lao động bảo đảm hỗ trợ tốt nhất người lao động và người sử dụng lao động, tăng cơ hội việc làm cho người lao động trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.

b) Hoàn thiện các quy định pháp luật về Trung tâm dịch vụ việc làm; các chính sách về tuyển dụng, sử dụng và điều kiện làm việc cho đội ngũ nhân lực làm công tác dịch vụ việc làm.

c) Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật; ngân sách nhà nước chi trả cho một số hoạt động dịch vụ việc làm không có thu theo quy định; sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

2. Về đầu tư và huy động vốn

Nhà nước đầu tư có trọng điểm các Trung tâm dịch vụ việc làm; ưu tiên các tỉnh nghèo không tự cân đối ngân sách; đồng thời huy động từ các nguồn thu khác để thực hiện đầu tư tập trung, đồng bộ đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và từng bước hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động.

3. Về nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực làm công tác dịch vụ việc làm

a) Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực làm công tác dịch vụ việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập khu vực, thế giới.

b) Chuẩn hóa đội ngũ nhân lực làm công tác dịch vụ việc làm thông qua việc thi để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

4. Về gắn kết giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo

a) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm sự gắn kết giữa Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo thông qua việc thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ.

b) Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp và tăng cường chia sẻ thông tin thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển lao động, tìm kiếm việc làm, dự báo và đào tạo nguồn nhân lực của thị trường lao động.

5. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các quốc gia trong Hiệp hội dịch vụ việc làm công thế giới mà Việt Nam là một thành viên; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức hoạt động dịch vụ việc làm nước ngoài để nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm, xây dựng một số Trung tâm dịch vụ việc làm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Quy hoạch;

b) Nghiên cứu, sửa đổi; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm;

c) Nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án về dịch vụ việc làm;

d) Giám sát, đánh giá, điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:

Tổng hợp, bố trí vốn, kinh phí để thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.

3. Các Bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy hoạch này.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Chỉ đạo, triển khai các nội dung, giải pháp thực hiện Quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố;

b) Quyết định các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cụ thể để Trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tính kết nối với Trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương khác;

c) Kiến nghị các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ việc làm để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TKBT, KTN, TH, PL; Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1833/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các Trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn 2016 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1833/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2015
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: 18/11/2015
  • Số công báo: Từ số 1127 đến số 1128
  • Ngày hiệu lực: 28/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản