Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1830/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 08 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH THAY THẾ LÒ NUNG GẠCH THỦ CÔNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020;

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung;

Căn cứ Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;

Thực hiện Công văn số 896/BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1683/BXD-VLXD ngày 13/8/2013 của Bộ Xây dựng về việc thẩm định lộ trình hạn chế, xoá bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 935/TTr-SXD ngày 28/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của Kế hoạch này triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền cho phép. Sở Xây dựng phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Anh Vũ

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ LỘ TRÌNH THAY THẾ LÒ NUNG GẠCH THỦ CÔNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1830/QĐ-UBND, ngày 08/11/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. THỰC TRẠNG VỀ SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG GẠCH NGÓI ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG:

1. Tình hình sản xuất gạch, ngói nung trên địa bàn tỉnh:

Nghề sản xuất gốm, gạch, ngói từ đất sét nung trên địa bàn tỉnh phát triển tập trung ở khu vực Nam sông Cổ Chiên, do nguồn nguyên liệu sét phục vụ cho sản xuất được đánh giá là có tiềm năng khai thác với trữ lượng lớn và chất lượng tốt, nên các cơ sở sản xuất gạch, ngói trên địa bàn tỉnh được phân bố khắp 8 huyện, thị xã và thành phố Vĩnh Long, sản xuất tập trung nhiều nhất tại huyện: Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm và thành phố Vĩnh Long. Phần lớn là lò thủ công, truyền thống;

Nhiên liệu sử dụng cho sản xuất là trấu, đây là phụ phẩm từ nông nghiệp nên có thể cung ứng ổn định cho các cơ sở sản xuất với số lượng lớn. Sản phẩm gạch, ngói của tỉnh, ngoài việc đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh còn cung cấp cho các tỉnh lân cận trong khu vực.

Nghề sản xuất gạch ngói của tỉnh gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đã giải quyết tốt việc làm cho lao động lúc nông nhàn, tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Theo Niên giám thống kê giai đoạn 2005 - 2010, giá trị sản lượng của ngành nghề sản xuất gạch ngói chiếm 37,19% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn của tỉnh và chiếm 56,88% giá trị sản lượng nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng, qua đó cho thấy nghề sản xuất gạch ngói là một trong những thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh phần lớn là các lò thủ công, có công nghệ lạc hậu. Nhiều cơ sở sản xuất nằm xen lẫn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, vùng nguyên liệu không tập trung, xa nơi sản xuất. Từ đó, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2012 trên địa bàn tỉnh hiện có:

- Tổng số cơ sở sản xuất gạch ngói: 1.082 cơ sở (2.284 miệng lò). Trong đó: Trong cụm, tuyến QH: 807 cơ sở (1.799 miệng lò), ngoài cụm, tuyến QH: 275 cơ sở (485 miệng lò).

+ Đang hoạt động: Trong cụm, tuyến QH: 240 cơ sở (561 miệng lò), ngoài cụm, tuyến QH: 94 cơ sở (176 miệng lò);

+ Tạm ngưng hoạt động: Trong cụm, tuyến QH: 567 cơ sở (1.238 miệng lò), ngoài cụm, tuyến QH: 181 cơ sở (309 miệng lò).

Các cơ sở sản xuất gạch, ngói theo thống kê nêu trên, phần lớn là lò thủ công (lò tròn), có 01 lò Tuynel, công suất 5-7 triệu viên/năm và 04 lò vòng (lò Hoffman) sử dụng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp (trấu). Tổng sản lượng gạch ngói năm 2011: 741,561 triệu viên.

Về vật liệu xây không nung: Hiện tại, đã có 02 đơn vị được cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXKN. Trong đó, 01 Công ty tại KCN Hoà Phú hiện đang triển khai xây dựng, dự kiến cung cấp sản phẩm VLXKN ra thị trường vào cuối năm 2013 với công xuất 12 triệu viên (QTC)/năm và 01 cơ sở sản xuất VLXKN tại KCN Bình Minh công suất giai đoạn 1 là 30 triệu viên (QTC)/năm, dự kiến có sản phẩm vào năm 2014, khi sản xuất ổn định công suất giai đoạn II là 70 triệu viên (QTC)/năm và giai đoạn III có thể đạt tới công suất 100 triệu viên (QTC)/năm.

2. Thuận lợi và khó khăn sản xuất gạch, ngói:

2.1. Thuận lợi:

- Nguồn nguyên liệu sét có tiềm năng khai thác với trữ lượng lớn, chất lượng tốt.

- Nhiên liệu sử dụng cho sản xuất gạch, ngói là trấu, đây là loại phụ phẩm từ nông nghiệp, nên có thể cung ứng ổn định cho các cơ sở sản xuất với số lượng lớn.

- Tận dụng được lực lượng lao động phần lớn là lao động phổ thông, người nông dân địa phương sử dụng thời gian nông nhàn.

2.2. Khó khăn:

- Chính sách của Nhà nước thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ VLXKN ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ gạch, ngói nung;

- Các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung hiện nay chủ yếu là sử dụng lò thủ công, với công nghệ lạc hậu gây ảnh hưởng môi trường, có một số lò nằm trong khu vực quy hoạch đô thị và khu dân cư;

- Nguồn vốn để các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh đầu tư chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến hoặc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXKN gặp nhiều khó khăn;

- Lực lượng lao động chưa đủ năng lực để vận hành, quản lý cơ sở sản xuất theo quy mô công nghiệp và dây chuyền công nghệ tiên tiến.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG ĐẾN NĂM 2020:

1. Dự báo sản lượng và nhu cầu sử dụng vật liệu xây đến năm 2020: Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020:

- Dự kiến sản lượng sản xuất vật liệu xây trên địa bàn tỉnh:

+ Năm 2011 là 750 triệu viên (QTC);

+ Đến năm 2015 là 850 triệu viên (QTC);

+ Đến năm 2020 là 950 triệu viên(QTC).

- Trong đó, nhu cầu vật liệu xây sử dụng trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng từ 55% đến 60% sản lượng:

+ Năm 2011 là 400 triệu viên (QTC);

+ Đến năm 2015 là 450 triệu viên (QTC);

+ Đến năm 2020 là 500 triệu viên(QTC).

2. Mục tiêu:

- Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN theo lộ trình, để từng bước thay thế một phần gạch đất sét nung cho phù hợp với định hướng của Trung ương;

- Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020.

- Phấn đấu sản xuất vật liệu xây không nung ở từng giai đoạn:

+ Đến năm 2015 là 90 - 120 triệu viên (QTC); đảm bảo thay thế gạch đất sét nung từ 20 - 25%;

+ Đến năm 2020 là 150 - 200 triệu viên (QTC); đảm bảo thay thế gạch đất sét nung từ 30 - 40%.

3. Kế hoạch phát triển sản xuất VLXKN:

Việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung truyền thống là một xu hướng phát triển tất yếu, do loại sản phẩm này có nhiều ưu điểm: Nhẹ, có tỷ trọng thấp qua đó giảm tải trọng công trình và tiết kiệm chi phí xây dựng, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chịu nhiệt tốt, bền, tiết kiệm thời gian thi công, có thể tận dụng phế thải công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu.

Tiếp tục xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng và phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXKN, chủ yếu là gạch không nung theo dây chuyền công nghệ tiên tiến, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu là tiềm năng tài nguyên khoáng sản sẵn có tại địa phương, theo hướng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương.

Về chủng loại sản phẩm: Phát triển sản xuất gạch xi măng cốt liệu, gạch nhẹ (Bê tông bọt + Chưng khí áp AAC) và các gạch xây không nung khác. Đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây không nung tại địa phương.

III. LỘ TRÌNH THAY THẾ LÒ NUNG GẠCH THỦ CÔNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG:

1. Dự báo nhu cầu sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020: (Theo tỷ lệ còn lại so với nhu cầu vật liệu xây tỉnh Vĩnh Long):

- Đến năm 2015 là 360 - 330 triệu viên (QTC);

- Đến năm 2020 là 350 - 300 triệu viên (QTC).

2. Mục tiêu:

- Giảm dần các lò thủ công có công nghệ lạc hậu để thay thế bằng các kiểu lò cải tiến, kiểu lò mới với công nghệ thích hợp với điều kiện thực tế của địa phương, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

- Mục tiêu khai thác tài nguyên khoáng sản sét theo phương thức cải tạo mặt bằng, phù hợp quy hoạch, nhằm đảm bảo tưới tiêu nước cho cây hằng năm;

- Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phế thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

3. Lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường: Đến 2020, thay thế hoàn toàn các lò thủ công có công nghệ lạc hậu bằng các lò cải tiến, đảm bảo môi trường theo quy chuẩn Việt Nam, cụ thể theo lộ trình như sau:

+ Từ nay đến 30/6/2014: Ngưng hoạt động các lò thủ công thuộc cơ sở sản xuất tại khu vực thành phố, thị trấn; gồm 14 cơ sở (26 miệng lò):

TT

Đơn vị

Số lượng cơ sở sản xuất và miệng lò tương ứng

Đang hoạt động

Ngưng hoạt động

Tổng số theo đơn vị

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

01

Tp. Vĩnh Long

9

17

5

9

14

26

+ Từ nay đến 30/6/2018: Ngưng hoạt động các lò thủ công thuộc cơ sở sản xuất ngoài cụm tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện; gồm 261 cơ sở (459 miệng lò):

TT

Đơn vị

Số lượng cơ sở sản xuất và miệng lò tương ứng

Đang hoạt động

Ngưng hoạt động

Tổng số theo đơn vị

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

01

H. Long Hồ

3

12

0

0

3

12

02

H. Mang Thít

76

131

174

298

250

429

03

H. Trà Ôn

1

3

0

0

1

3

04

H. Bình Tân

5

13

2

2

7

15

 

Cộng toàn tỉnh

85

159

176

300

261

459

+ Đến 30/6/2020: Ngưng hoạt động các lò thủ công gây ô nhiễm môi trường thuộc các cơ sở sản xuất trong cụm tuyến quy hoạch của tỉnh, huyện; gồm 807 cơ sở (1.799 miệng lò):

TT

Đơn vị

Số lượng cơ sở sản xuất và miệng lò tương ứng

Đang hoạt động

Ngưng hoạt động

Tổng số theo đơn vị

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

Cơ sở

Miệng lò

01

H. Long Hồ

3

12

8

36

11

48

02

H. Mang Thít

229

509

558

1194

787

1703

03

H. Tam Bình

2

4

0

0

2

4

04

H. Vũng Liêm

6

36

1

8

7

44

 

Cộng toàn tỉnh

240

561

567

1238

807

1799

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Nhiệm vụ:

1.1. Đối với VLXKN:

- Xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng và phát triển VLXKN trên địa bàn tỉnh;

- Nhu cầu dây chuyền sản xuất gạch không nung, mỗi dây chuyền có công suất 20 triệu viên (QTC)/năm: Từ nay đến năm 2015 là 5 - 6 dây chuyền và đến năm 2020 là 9 - 10 dây chuyền.

Nguồn vốn đầu tư cho một dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung theo công suất triệu viên (QTC)/năm:

ĐVT: Triệu đồng

STT

Loại dây chuyền

Chi phí đầu tư cho 01 dây chuyền

Máy móc

Nhà xưởng

Vốn lưu động

Tổng vốn

1

Loại dây chuyền 5 triệu viên/năm

1.700

800

1.200

3.700

2

Loại dây chuyền 10 triệu viên/năm

3.500

1.500

2.400

7.400

3

Loại dây chuyền 20 triệu viên/năm

6.500

2.500

4.800

13.800

Nguồn vốn đầu tư cần thiết cho 01 dây chuyền sản xuất VLXKN có công suất 20 triệu viên (QTC)/ năm: Khoảng 14 tỷ đồng.

+ Từ nay đến năm 2015, dự kiến đầu tư 06 dây chuyền sản xuất VLXKN thì cần 84 tỷ đồng; (trước mắt cần đầu tư 50% là 42 tỷ đồng, nguồn vốn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; phần sản lượng VLXKN còn thiếu theo nhu cầu dự kiến khuyến khích mua tại các tỉnh lân cận có sản phẩm).

+ Đến năm 2020, dự kiến toàn tỉnh có 10 dây chuyền sản xuất VLXKN thì cần thêm 56 tỷ đồng; (trước mắt cần đầu tư 50% là 28 tỷ đồng, nguồn vốn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; phần sản lượng VLXKN còn thiếu theo nhu cầu dự kiến khuyến khích mua tại các tỉnh lân cận có sản phẩm).

Tổng nguồn vốn đầu tư cần thiết cho sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 dự kiến là 70 tỷ đồng.

1.2. Đối với vật liệu xây là gạch đất sét nung:

- Rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công hiện nay trong cụm tuyến quy hoạch thực hiện việc cải tạo, cải tiến chuyển sang công nghệ tiên tiến bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

- Ngưng hoạt động các lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo lộ trình đã xây dựng;

- Đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất gạch Tuynen quy mô lớn, tập trung ở những mỏ sét lớn, đủ tiêu chuẩn chất lượng.

2. Giải pháp thực hiện:

2.1. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thông tin để cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể trong hoạt động xây dựng và mọi người dân nhận rõ những ưu điểm, lợi thế trong việc sản xuất, sử dụng VLXKN, đồng thời thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại, bền vững.

2.2. Có chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở sản xuất với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến; đa dạng hoá về kích thước sản phẩm phù hợp với thực tế thi công công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, khuyến khích sử dụng VLXKN vào công trình.

2.3. Có chính sách hỗ trợ về vốn và đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, giúp cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói từ đất sét nung chuyển đổi sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

2.4. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản sét của tỉnh để sản xuất gạch, ngói phải thực hiện theo quy hoạch. Tăng thuế tài nguyên đất sét làm vật liệu xây dựng.

2.5. Đối với VLXKN: Xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất VLXKN, chủ yếu là gạch không nung theo dây chuyền công nghệ tiên tiến, ưu tiên sử dụng các nguyên liệu có tiềm năng sẵn có tại địa phương, phù hợp với điều kiện địa phương. Về chủng loại sản phẩm: Phát triển sản xuất gạch xi măng cốt liệu, gạch nhẹ (Bê tông bọt + Chưng khí áp AAC) và các gạch xây không nung khác.

- Các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng VLXNK, đặc biệt là gạch không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000kg/m3) phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây.

- Các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng VLXKN theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định.

2.6. Đối với gạch ngói đất sét nung:

- Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường.

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trong vùng quy hoạch và đã sử dụng hoặc chuyển đổi sử dụng công nghệ tiên tiến ít ảnh hưởng đến môi trường.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Xây dựng:

- Hoàn thành việc lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; đồng thời tăng cường công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXKN. Đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách xúc tiến mời gọi đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, các hướng dẫn thi công và nghiệm thu VLXKN để các đơn vị có liên quan biết, thực hiện.

- Hàng tháng, phối hợp với Sở Tài chính để đưa giá các loại VLXKN vào bảng công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình quy định tại Kế hoạch này.

- Tham mưu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc sử dụng vật liệu xây không nung đối với công trình xây dựng theo đúng các quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng theo quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ.

- Định kỳ 06 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói, gốm.

- Kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công để đánh giá mức độ ô nhiễm và kịp thời xử lý theo quy định.

- Phối hợp với Sở Tài chính rà soát trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gốm, gạch, ngói nung.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương trong việc chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình quy định tại Kế hoạch này.

3. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất gạch, ngói, gốm trong tỉnh các quy định, quy trình đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng hàng hoá theo quy định.

- Thông tin, phổ biến, giới thiệu các công nghệ mới trong sản xuất gạch ngói đất sét nung và VLXKN thông qua hội thảo, tập huấn, thông tin khoa học công nghệ.

- Tổ chức nghiên cứu đề tài cải tiến những lò thủ công, sản xuất gạch đất sét nung hiện có (kể cả các loại gạch khác, gốm) đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường quy định (QCVN), trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về ứng dụng công nghệ mới, cải tiến công nghệ trong sản xuất gạch, gốm.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có các cơ sở sản xuất thủ công, phải căn cứ theo đúng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án sản xuất VLXKN.

5. Sở Công thương:

- Phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng hướng dẫn nhà đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn lựa chọn dây chuyền, công nghệ tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý các vi phạm kinh doanh, mua bán vật liệu xây dựng không phù hợp quy định.

- Xây dựng lộ trình thay thế, xoá bỏ các cơ sở sản xuất gốm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu đề tài cải tiến những lò thủ công sản xuất gốm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường quy định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh trong năm 2014.

6. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Xây dựng và thủ trưởng các đơn vị liên quan tổ chức quản lý về giá các loại VLXKN trên thị trường, không để tình trạng các sản phẩm này trở thành độc quyền của một số nhà cung cấp, đẩy giá tăng cao bất hợp lý.

- Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư, sản xuất VLXKN trên địa bàn tỉnh.

- Cân đối, bố trí nguồn kinh phí hàng năm và từng giai đoạn theo kế hoạch để hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét bằng lò thủ công chuyển đổi công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lực lượng lao động và đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ, giúp cho các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung chuyển đổi công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

8. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Giao thông, Thanh tra Xây dựng kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định hiện hành.

9. Sở Thông tin Truyền thông: Tích cực tuyên truyền các nội dung về khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXKN, đặc biệt là các công trình bắt buộc sử dụng VLXKN theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch này, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất VLXKN trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và phương án tổ chức thực hiện thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo Kế hoạch này. Kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế giải toả lò gạch thủ công theo đúng lộ trình đã quy định.

- Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí chuyển đổi công nghệ cho các cơ sở sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn, thông qua các ngành chuyên môn thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí trong dự toán hàng năm và theo lộ trình.

- Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể trong sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, phải căn cứ theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động xây dựng theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP , ngày 27/02/2009 của Chính phủ.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có VLXKN thay thế vật liệu xây bằng gạch đất sét nung, đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.

- Tăng cường công tác quản lý về môi trường đối với hoạt động sản xuất gạch ngói bằng lò thủ công trên địa bàn.

- Định kỳ 06 tháng, 01 năm yêu cầu các cơ sở sản xuất phải gửi báo cáo về Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Sở Xây dựng về tình hình triển khai kế hoạch tiến độ.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Kế hoạch này, Giám đốc các sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vĩnh Long xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện. Định kỳ 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng./.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1830/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

  • Số hiệu: 1830/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Phan Anh Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản