Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1816/2009/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ỦY QUYỀN, PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Thực hiện Quyết định số 717-QĐ/TU ngày 18/3/2008 của Ban Thư­ờng vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ;

Xét Tờ trình số 695/TTr-SNV ngày 08/6/2009, số 1014/TTr-SNV ngày 7/8/2009 và Công văn số 1171/SNV-TCBM ngày 09/9/2009 của Sở Nội vụ; Báo cáo thẩm định số 41/STP-KTVB ngày 27/8/2009 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh:

1. Phạm vi: áp dụng đối với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Hội chữ thập đỏ, Hội Nhà báo, Hội Luật gia, Ban đại diện Hội người cao tuổi, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội liên hiệp thanh niên, các tổ chức phi Chính phủ, các Ban quản lý dự án xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập.

2. Đối tượng điều chỉnh: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 1, điều này.

Điều 2. Nội dung quản lý cán bộ, bao gồm các nội dung chính sau đây:

1. Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ.

2. Đánh giá cán bộ.

3. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

4. Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

5. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

6. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.

7. Quản lý hồ sơ cán bộ.

8. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại tố cáo về cán bộ.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý cán bộ

1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ.

Điều 4. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố:

1. Cùng Người đứng đầu các cơ quan liên quan chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố, là các chức danh lãnh đạo thuộc các tổ chức nhà nước ở địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa ra bầu cử tại địa phương.

2. Xét duyệt quy hoạch cán bộ đối với các chức danh được ủy quyền, phân cấp quản lý, quyết định.

3. Đề xuất về công tác cán bộ đối với các chức danh do cấp trên quyết định đang công tác tại tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; cho ý kiến về nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

4. Ra quyết định thể chế hóa về mặt nhà nước các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, về công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý đang công tác tại tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (bao gồm bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân quận, huyện khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện).

- Cho ý kiến và ký quyết định đối với cán bộ các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý đi công tác nước ngoài không sử dụng ngân sách thành phố.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp ký Quyết định về các nội dung quản lý cán bộ các chức danh thuộc Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý và các chức danh thuộc Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố quản lý sau đây:

- Phó Hiệu trưởng: Trường Đại học Hải Phòng, Trường Cao đẳng cộng đồng; Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp; Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản;

- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công lập; Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề công lập; Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất;

- Chủ tịch: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị;

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp khác thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước thuộc Sở, ngành; Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc các Sở, ngành (trừ Sở Giáo dục và Đào tạo), quận, huyện có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo cấp trưởng từ 0,7 (tương đương phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Phó giám đốc Sở) trở lên;

- Chủ tịch Hội đồng thành viên và các thành viên trong Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước; Tr­ưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên Công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước; Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị (nếu doanh nghiệp có Hội đồng quản trị), Giám đốc Công ty nhà nước đối với doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003;

- Quyết định cử ng­ười quản lý phần vốn nhà n­ước ở doanh nghiệp khác; giao nhiệm vụ thực hiện quyền cổ đông nhà nước tại công ty cổ phần, công ty nhà nư­­ớc, tổ chức sự nghiệp kinh tế của thành phố liên doanh với nư­­ớc ngoài có vốn pháp định dư­­ới 20 triệu USD, liên doanh trong nư­ớc có vốn pháp định dư­­ới 300 tỷ đồng Việt Nam;

- Người đứng đầu Ban quản lý các dự án xây dựng công trình, đơn vị sự nghiệp nhà nước khác (nếu có) trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;

- Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phân công các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với các chức danh sau đây:

- Cấp phó của Ngư­­ời đứng đầu, Kế toán trư­­ởng Ban quản lý dự án xây dựng công trình, đơn vị sự nghiệp nhà nước khác (nếu có) trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công lập; Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trưởng phòng công chứng nhà nước;

- Phó Chủ tịch, Tổng Thư­­ ký: Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư­­ ký các hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp: Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội Luật gia, Ban đại diện Hội ngư­­ời cao tuổi thành phố, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn thành phố.

- Thực hiện chính sách cán bộ đối với các đối t­­ượng cán bộ có học hàm, học vị, danh hiệu: giáo sư, phó giáo sư­, tiến sỹ; thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sỹ, nghệ nhân ­­ưu tú; thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sỹ, nghệ nhân nhân dân; các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành của thành phố đang công tác.

Điều 5. Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Giám đốc các Sở, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chánh thanh tra thành phố, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và tương đương (gọi chung là Người đứng đầu sở), thực hiện các nội dung quản lý cán bộ sau đây:

1. Giúp Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quản lý đối với các chức danh cán bộ cấp trên quyết định đang công tác, làm việc tại sở, theo thẩm quyền được phân cấp.

2. Tham gia nghiên cứu đề xuất với cấp trên các cán bộ kế cận, dự bị cấp trưởng, cấp phó của người đứng đầu sở; phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng quy hoạch cán bộ kế cận, dự bị cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc sở, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có ngành nghề hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của sở.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị đề xuất với cấp có thẩm quyền về phương án cán bộ cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc; doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp kinh tế liên doanh, doanh nghiệp cổ phần (có phần vốn nhà nước) có ngành nghề hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của sở. Khi có quyết định của cấp trên, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện.

4. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với trưởng, phó các cơ quan, đơn vị thuộc sở; trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định và tổ chức thực hiện. Chủ trì, phối hợp trao đổi ý kiến với Ủy ban nhân dân quận, huyện về các nội dung quản lý cán bộ đối với Người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc sở công tác và sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện.

5. Trực tiếp quản lý, quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với các chức danh sau đây:

- Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; Trư­­ởng phòng, Phó Trư­­ởng phòng chuyên môn nghiệp vụ; Phó Chánh thanh tra thuộc Sở; chức danh Chánh Thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra;

- Cấp Phó của Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước thuộc Sở; Cấp phó của Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Sở có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Người đứng đầu từ 0,7 trở lên;

- Người đứng đầu và cấp phó của Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp nhà nước có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Người đứng đầu dưới 0,7;

6. Quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với Người đứng đầu các Ban quản lý dự án xây dựng công trình thuộc sở sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.

7. Ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu cho cán bộ là cấp phó của Người đứng đầu sở, Người đứng đầu tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc sở (không phân biệt thuộc quyền quản lý cán bộ của cơ quan nào); đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ và phối hợp chuẩn bị người thay thế.

8. Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với cấp phó của Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn Hải Phòng.

9. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp thuộc sở có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,7 trở lên; riêng 06 đơn vị: Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, Trường Trung học phổ thông Thái Phiên, Trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng, Trường Trung cấp kỹ thuật và công nghệ Hải Phòng, Trường Trung cấp nghiệp vụ và công nghệ Hải Phòng, trước khi quyết định phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.

Điều 6. Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện (gọi chung là cấp quận) thực hiện các nội dung quản lý cán bộ sau đây:

1. Tham gia cùng cơ quan liên quan chuẩn bị nhân sự theo cơ cấu đại biểu Hội đồng nhân dân là các chức danh lãnh đạo nhà nước ở địa phương được đề cử bầu vào Hội đồng nhân dân cấp quận, trình cấp có thẩm quyền trước khi đưa ra bầu cử tại địa phương (nếu địa phương có tổ chức Hội đồng nhân dân).

2. Giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên đang công tác, làm việc tại cấp quận, theo phân cấp.

3. Nghiên cứu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng quy hoạch cán bộ kế cận, dự bị các chức danh cán bộ cấp trên quản lý đang công tác ở địa phương; tham gia việc bố trí cán bộ chủ chốt đối với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc cấp trên quản lý đóng tại địa phương, theo quy định.

4. Trực tiếp quản lý, ký quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với các chức danh sau đây:

- Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; Trư­­ởng phòng, Phó Trư­­ởng phòng chuyên môn; Phó Chánh thanh tra thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận; chức danh Chánh Thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra;

- Cấp phó của Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Người đứng đầu từ 0,7 trở lên (nếu có);

- Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân cấp quận có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Người đứng đầu dưới 0,7.

Điều 7. Ủy ban nhân dân thành phố phân cấp cho Ng­­ười đứng đầu đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Ngư­ời đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc sở, trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định các nội dung quản lý cán bộ đối với các chức danh trư­­ởng, phó phòng và bộ phận cấu thành; ra thông báo bằng văn bản thời điểm nghỉ hưu cho cán bộ là cấp phó của Người đứng đầu, đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ và phối hợp chuẩn bị người thay thế.

Người được ủy quyền quản lý Công ty nhà nước thực hiện các nội dung quản lý cán bộ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty và các quy định của pháp luật liên quan.

Điều 8. Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện các nội dung quản lý cán bộ sau đây:

1. Dự thảo Quyết định để thể chế hóa các quyết định về nội dung quản lý cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ký và kết hợp với các sở, ngành, quận, huyện liên quan triển khai thực hiện các quyết định đó.

2. Tổng hợp, thẩm định hồ sơ cán bộ đề nghị bổ nhiệm (hoặc nội dung quản lý cán bộ khác) của các sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đối với chức danh cán bộ nêu tại Khoản 5,6 Điều 4 và kết hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các quyết định đó.

3. Chủ trì đề xuất việc bổ nhiệm và thực hiện quy trình bổ nhiệm (hoặc nội dung quản lý cán bộ khác) đối với Người đứng đầu, cấp phó của Người đứng đầu Ban quản lý dự án xây dựng công trình, các đơn vị sự nghiệp nhà nước khác (nếu có) trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu cho cán bộ là Người đứng đầu Ban quản lý dự án xây dựng công trình, đơn vị sự nghiệp nhà nước khác (nếu có) trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; đồng thời giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, phối hợp với cơ quan liên quan chuẩn bị người thay thế.

4. Kết hợp với Người đứng đầu sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện đề xuất về nội dung quản lý cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý đang công tác tại các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước để Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5 Tổng hợp quy hoạch đội ngũ cán bộ diện Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quản lý; xây dựng kế hoạch, đề án đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ được cấp có thẩm quyền phân công, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

6. Tổng hợp phương án cán bộ cử sang tham gia liên doanh, doanh nghiệp cổ phần hóa (có phần vốn nhà nước), doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo phân cấp; hoặc giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trình và thể chế hóa các quyết định của cấp có thẩm quyền; phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.

7. Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan thực hiện chính sách cán bộ đối với các chức danh nêu tại điểm 4, Khoản 6, Điều 4, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định và tổ chức thực hiện.

8. Thực hiện các nội dung quản lý cán bộ khác được Ủy ban nhân dân thành phố giao.

9. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung quản lý cán bộ đó được ủy quyền, phân cấp theo Quyết định này.

Điều 9. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế nội dung quản lý cán bộ tại các Quyết định số 468/QĐ-UB ngày 26/3/1999, số 276/2006/QĐ-UBND ngày 08/2/2006, số 2057/2007/QĐ-UBND ngày 22/10/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 10. Giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Người đứng đầu sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.

Đối với các nội dung quản lý cán bộ ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định, sau 01 năm thực hiện, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ sơ kết, đánh giá báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 11. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước trực thuộc Sở; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; Người đứng đầu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Người đứng đầu tổ chức, đơn vị khác liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp (Cục KTVB);
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- TTTU, TTHĐND TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- CT và các PCT UBND TP;
- VPTU, Ban TCTU;
- VP BCSĐ UBND TP;
- Như điều 11;
- CVPUBNDTP;
- Lưu VPUBND TP, SNV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trịnh Quang Sử

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1816/2009/QĐ-UBND về ủy quyền, phân cấp quản lý cán bộ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

  • Số hiệu: 1816/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/09/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Trịnh Quang Sử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản