Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/2017/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 12 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRÍCH, KINH PHÍ DỰ PHÒNG, TỶ LỆ PHÂN CHIA VÀ MỨC CHI KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 56/TTr-STC ngày 19 tháng 5 năm 2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức trích và tỷ lệ kinh phí dự phòng bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

1. Kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trích 2% trên tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất của dự án, tiểu dự án. Mức trích tối thiểu là 10.000.000 đồng/phương án.

Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư; dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến, thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường được lập dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án theo khối lượng công việc thực tế trình cấp có thẩm quyền xem xét mức trích (không khống chế tỷ lệ 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án, tiểu dự án).

2. Kinh phí dự phòng tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất là 10% kinh phí quy định tại khoản 1 Điều này, để tổng hợp vào dự toán chung.

Điều 2. Tỷ lệ phân chia kinh phí sử dụng cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Số kinh phí được trích lại tại Khoản 1, Điều 1 Quyết định này được quy thành 100% và phân chia tỷ lệ sử dụng như sau:

1. Cơ quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được hưởng 5% để phục vụ công tác thẩm định và trình duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức trích tối đa 20.000.000 đồng/phương án và mức trích tối thiểu 1.500.000 đồng/phương án. Trong đó:

a) Trường hợp cơ quan thẩm định phương án (Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường) mà phương án không có bồi thường, hỗ trợ về đất thì cơ quan thẩm định hưởng 100% kinh phí được trích;

b) Trường hợp phương án có bồi thường, hỗ trợ về đất phải trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, thì Sở Tài nguyên và Môi trường hưởng 75%, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh hưởng 25% kinh phí được trích;

c) Trường hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định phương án, Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định giá bồi thường thì phân chia như sau: Phòng Tài nguyên và Môi trường hưởng 50%; Sở Tài nguyên và Môi trường hưởng 50% nếu phương án không có bồi thường, hỗ trợ về đất. Nếu phương án có bồi thường, hỗ trợ về đất phải trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh, thì Sở Tài nguyên và Môi trường hưởng 35%, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh hưởng 15% kinh phí được trích.

2. Cơ quan thẩm định dự toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố): 1% trên kinh phí được trích tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để phục vụ công tác thẩm định dự toán chi tiết nội dung và số tiền tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức trích tối thiểu 700.000 đồng/phương án.

3. Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Ban giải phóng mặt bằng tỉnh hoặc huyện, thành phố (nếu có): 1% trên kinh phí được trích tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, để phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức trích tối thiểu 700.000 đồng/phương án.

4. Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sử dụng phần kinh phí còn lại để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và quyết toán kinh phí theo quy định.

Điều 3. Nội dung và mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

1. Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất thực hiện theo Điều 4 Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính.

2. Mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

a) Đối với các khoản chi đã có chế độ, định mức do Trung ương và tỉnh quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Đối với những khoản chi chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện như sau:

- Họp thẩm định phương án bồi thường; họp giải quyết vướng mắc và xây dựng cơ chế, chính sách, đơn giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; các cuộc họp khác có liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 100.000 đồng/người/buổi.

- Bồi dưỡng công tác vận động, kê biên, điều tra khảo sát giá đất 100.000 đồng/người/ngày.

- Bồi dưỡng áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho một hộ gia đình hoặc tổ chức: mức khoán tối đa 50.000 đồng/hồ sơ.

3. Chi cho công tác cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất:

a) Chi bồi dưỡng đối với lực lượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước: 150.000 đồng/ngày. Riêng đối với lao động thuê ngoài, tùy theo công việc cưỡng chế, được chi trả theo mức thuê mướn lao động phổ thông theo từng thời điểm.

b) Đối với các nội dung chi còn lại theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính, thì tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lập dự toán riêng cho từng phương án (nếu có).

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2017, thay thế Quyết định số 19/2012/QĐ-UBND ngày 06/4/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - BTP;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 5;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Chiến

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 18/2017/QĐ-UBND quy định mức trích, kinh phí dự phòng, tỷ lệ phân chia và mức chi kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 18/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Trần Văn Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản