Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 18/2010/QĐ-UBND

Vinh, ngày 09 tháng 02 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÙNG NUÔI VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Giống vật nuôi ngày 24/03/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/05/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10/4/2006 của Bộ Thủy sản về việc Ban hành Quy chế quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn;
Căn cứ Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng;
Căn cứ Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 6/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thủy sản;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 66/SNN-NTTS ngày 11/01/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vùng nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÙNG NUÔI VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2010 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Quy chế này quy định về quản lý các vùng nuôi, trại sản xuất và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An là đối tượng áp dụng của Quy chế này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

Các thuật ngữ trong quy định này được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất giống thủy sản: Là nơi thực hiện chức năng cho giống bố mẹ sinh sản nhân tạo, sinh sản tự nhiên, ương và kinh doanh giống thủy sản.

2. Cơ sở kinh doanh giống thủy sản: Là nơi thực hiện chức năng ương,

thuần dưỡng và kinh doanh giống thủy sản.

3. Thủy sản để làm giống: Là các đối tượng sử dụng để sản xuất giống cho nuôi thương phẩm, nuôi làm cảnh hoặc tái tạo nguồn lợi thủy sản (bao gồm giống bố mẹ, con giống, trứng, ấu trùng).

4. Cơ sở nuôi thủy sản: Là nơi diễn ra hoạt động nuôi trồng thủy sản do cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ.

5. Vùng nuôi thủy sản: Là vùng đất để nuôi trồng thủy sản, có từ 2 cơ sở nuôi trồng thủy sản trở lên, không phân biệt địa giới hành chính và hình thức nuôi, cùng sử dụng chung nguồn nước cấp và hệ thống nước thải.

6. Ao nuôi: Là diện tích mặt nước dùng để nuôi trồng thủy sản, có bờ ngăn cách với khu vực xung quanh.

7. Quản lý vùng và cơ sở nuôi thủy sản an toàn: Là những hoạt động hướng dẫn xây dựng, duy trì vùng, cơ sở nuôi an toàn và các hoạt động kiểm tra, công nhận vùng và cơ sở nuôi an toàn.

8. Cơ sở nuôi thủy sản an toàn: Là cơ sở nuôi thủy sản áp dụng GAP hoặc CoC và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn GAP hoặc CoC (sau đậy gọi chung là Giấy Chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản an toàn).

9. Vùng nuôi thủy sản an toàn: Là vùng nuôi thủy sản có 100% số cơ sở nuôi thủy sản trong vùng áp dụng GAP hoặc CoC, trong đó có ít nhất 80% số cơ sở đã được cấp Giấy Chứng nhận cơ sở nuôi thủy sản an toàn và được cơ quan có thẩm quyền cấp Gíây Chứng nhận vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn GAP hoặc CoC (gọi chung là Giấy chứng nhận vùng nuôi thủy sản an toàn).

Chương II

SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỐNG THỦY SẢN

Điều 3. Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả dịch vụ lưu giữ) giống thủy sản phải có đủ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản.

Điều 4. Thực hiện quy trình kỹ thuật bắt buộc áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải thực hiện quy trình kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 4

Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản.

Điều 5. Sử dụng đàn bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản khi sử dụng đàn giống bố mẹ để sản xuất giống thương phẩm phải thực hiện đúng quy định tại Điều 5 Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản.

Điều 6. Công bố chất lượng giống thủy sản, Ghi nhãn hàng hóa:

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống thủy sản, ghi nhãn hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ngày 06/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy chế quản lý sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản.

Điều 7. Tiêu chuẩn, điều kiện giống thủy sản khi xuất bán:

1. Tổ chức, cá nhân khi xuất bán giống thủy sản ra ngoại tỉnh phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Thú y) ít nhất 3 ngày trước khi xuất bán. Chi cục Thú y có trách nhiệm kiểm dịch giống thủy sản và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho từng lô hàng.

2. Tổ chức cá nhân khi xuất bán giống thủy sản trong tỉnh phải báo cáo với

Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Nuôi trồng thủy sản) ít nhất 3 ngày trước khi xuất bán, Chi cục Nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm kiểm tra, kiểm định chất lượng giống thủy sản và cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cho từng lô hàng khi đạt yêu cầu.

3. Tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh giống thủy sản định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh giống cho Phòng Nông nghiệp huyện.

4. Một số đối tượng nuôi chủ lực như: giống tôm sú, giống tôm chân trắng khi kiểm định chất lượng bắt buộc phải kiểm tra các mầm bệnh nguy hiểm, cụ thể:

- Đối với giống tôm sú kiểm tra bệnh đốm trắng, MBV.

- Đối với giống tôm chân trắng kiểm tra bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng.

5. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản chỉ được phép xuất bán giống thủy sản đã qua kiểm định chất lượng và đạt tiêu chuẩn.

Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện giống thủy sản nhập tỉnh:

1. Các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển giống thủy sản vào tỉnh Nghệ An phải báo cáo với Sở Nông nghiệp & PTNT (trực tiếp là Chi cục Thú y) và xuất trình các giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản nơi xuất hàng.

- Hợp đồng, hoá đơn mua bán từng chuyến hàng cụ thể.

2. Chi cục Thú y có trách nhiệm xem xét giấy tờ và kiểm tra chất lượng từng chuyến hàng cụ thể. Trong các trường hợp sau: Không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ; có sự đánh tráo hoặc lấy thêm thủy sản khi chưa được phép của cơ quan kiểm dịch động vật; để lẫn hàng được kiểm dịch với hàng chưa được kiểm dịch; phát hiện hoặc nghi ngờ thủy sản mắc bệnh thì Chi cục Thú y sẽ tiến hành kiểm dịch lại lô hàng.

3. Các loại tôm giống nhập vào tỉnh Nghệ An phải thả lưu giữ từ 2 ngày trở lên và kích cỡ đạt tôm cỡ P15 trở lên mới được thả vào các ao đầm để ương nuôi.

4. Nghiêm cấm lưu hành, mua bán giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An khi chưa có giấy kiểm dịch giống thủy sản của cơ quan chuyên ngành.

Điều 9. Phòng ngừa dịch bệnh:

1. Tất cả giống thủy sản nhập vào tỉnh Nghệ An phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất bán theo quy định. Ngoài ra phải kiểm tra các loại bệnh cụ thể như sau:

- Đối tôm sú giống: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, MBV.

- Đối tôm chân trắng: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng.

2. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, thuần dưỡng giống thủy sản luôn luôn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thủy sản theo quy định. Khi phát hiện giống thủy sản bị bệnh phải kịp thời báo cáo UBND xã, Phòng Nông nghiệp huyện, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản biết để kịp thời xử lý.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản chỉ được xả nước thải ra môi trường khi đã xử lý theo quy định. Không được tự ý tiêu huỷ hoặc xả chất thải, xác giống thủy sản bị nhiễm bệnh khi chưa được xử lý hết mầm bệnh, quá trình xử lý hoặc tiêu hủy phải có sự chứng kiến, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản.

4. Tổ chức, cá nhân không được dùng động vật thủy sản đã nhiễm bệnh vào mục đích sản xuất giống, nuôi và làm thức ăn cho động vật thủy sản.

Chương III

KIỂM DỊCH, KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIỐNG THỦY SẢN

Điều 10. Kiểm dịch giống thủy sản:

Thực hiện theo quy định hiện hành về kiểm dịch giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 11. Kiểm định giống thủy sản:

1. Chi cục Nuôi trồng thủy sản của tỉnh tổ chức kiểm định chất lượng giống thủy sản lưu thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trước khi đưa đàn giống bố mẹ vào sinh sản phải báo cáo với Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An để kiểm định chất lượng giống thủy sản (trừ trường hợp khi đã có cơ quan chức năng kiểm tra đạt yêu cầu), cụ thể như sau:

- Đối với tôm Sú: Kiểm tra theo tiêu chuẩn ngành; kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng.

- Đối với tôm chân trắng: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng và các chỉ tiêu khác được quy định tại Điều 3 Quyết định số 456/QĐ-BNN- NTTS ngày 04/02/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất, nuôi tôm chân trắng.

Nếu kết quả kiểm tra tôm bị nhiễm vi rút đốm trắng, taura, đầu vàng thì xử lý hủy bỏ (Trường hợp tôm đã sinh sản bị nhiễm vi rút đốm trắng, taura, đầu vàng thì hủy diệt cả tôm bố mẹ và tôm con do chính tôm bố mẹ bị nhiễm vi rút sinh ra).

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản khi xuất bán giống thủy sản trên địa bàn phải báo cáo Sở Nông nghiệp &PTNT (trực tiếp Chi cục Nuôi trồng thủy sản) kiểm định chất lượng con giống, cụ thể như sau:

- Đối với tôm sú giống: Kiểm tra theo tiêu chuẩn mà cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản đã công bố chất lượng.

- Đối với tôm chân trắng: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng và các chỉ tiêu khác được quy định tại Điều 4 Quyết định số 456/QĐ-BNN- NTTS ngày 04/02/2008 về việc Ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng.

4. Các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ, mua bán giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Nuôi trồng thủy sản) để kiểm tra chất lượng con giống thủy sản trước lúc thả giống ra ao để nuôi, cụ thể:

- Đối với tôm sú giống: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, MBV và các chỉ tiêu khác theo tiêu chuẩn chất lượng con giống mà cơ sở đã công bố.

- Đối tôm chân trắng: Kiểm tra vi rút gây bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng và các chỉ tiêu khác được quy định tại Điều 4 Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 4 tháng 2 năm 2008 về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng.

5. Nếu tôm giống bị nhiễm vi rút gây bệnh đốm trắng, taura, đầu vàng sẽ bị xử lý tiêu hủy.

Chương IV

QUẢN LÝ VÙNG VÀ CƠ SỞ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 12. Quản lý quy hoạch vùng nuôi:

1. Việc phát triển vùng nuôi thủy sản an toàn chỉ được thực hiện trong phạm vi đất nuôi trồng thủy sản đã được quy hoạch dành cho nuôi trồng thủy sản và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản an toàn phải đảm bảo đủ hệ thống cấp, thoát nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tránh lây nhiễm giữa các ao trong vùng nuôi hoặc từ vùng này sang vùng khác, đảm bảo có các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu nuôi an toàn.

3. Những vùng nuôi tôm sú không hiệu quả được phép chuyển đổi sang nuôi tôm chân trắng.

4. Đối những vùng được quy hoạch cho nuôi tôm cần quy hoạch chi tiết cho đối tượng tôm sú và tôm chân trắng riêng biệt.

Điều 13. Quy định đối với hoạt động nuôi tôm:

1. Thời vụ nuôi:

Thời gian thả giống phải bảo đảm theo lịch thời vụ hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với đối tượng tôm Sú chỉ nuôi 1 vụ/năm; Tôm chân trắng chỉ nuôi 2 vụ/năm.

2. Tôm giống:

a) Việc sản xuất, ương, kinh doanh, vận chuyển tôm giống phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

b) Tôm giống trước khi đưa vào nuôi phải được thuần dưỡng và kiểm định chất lượng. Chất lượng tôm giống phải bảo đảm quy định theo tiêu chuẩn Ngành (28TCN 124:1998 đối với tôm sú giống; Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng) và có giấy kiểm dịch hoặc giấy kiểm định chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Mật độ tôm giống thả:

Mật độ tôm giống thả phải theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

4. Thức ăn:

Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng đảm bảo, có công bố chất lượng hàng hoá đầy đủ, không sử dụng thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn tươi, sống.

5. Thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi tôm:

Các loại thuốc, hóa chất đưa vào sử dụng và kinh doanh trong nuôi tôm không nằm trong danh mục hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản kèm theo Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và Danh mục bổ sung hàng năm của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Chỉ được phép sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản theo danh mục công bố hàng năm của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất, khi cần thiết phải sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất phải theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất 15 ngày trước khi thu hoạch tôm thương phẩm.

Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc các chất xử lý, cải thiện môi trường trong quá trình nuôi.

Điều 14. Quản lý môi trường vùng nuôi:

1. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải giữ vệ sinh chung trong và ngoài vùng nuôi tập trung; rác thải, bùn hữu cơ trong quá trình cải tạo, làm vệ sinh sau khi thu hoạch thủy sản thương phẩm phải đưa đi xa vùng nuôi và đổ tại nơi quy định. Quá trình vận chuyển chất thải phải không để rơi vãi. Tuyệt đối không vứt các chất thải, hóa chất độc hại (Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,…) ở trong vùng nuôi.

2. Khi phát hiện thủy sản nuôi có hiện tượng nhiễm bệnh, chủ cơ sở nuôi phải báo cho UBND xã, Phòng Nông nghiệp huyện, Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Chủ cơ sở nuôi phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc xử lý bệnh thủy sản như sau:

a) Phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản khi có quyết định công bố dịch;

b) Không đưa vào hoặc mang ra khỏi vùng có dịch thủy sản và sản phẩm thủy sản dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố;

c) Không mang ra khỏi vùng có dịch các loại thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, chất thải động vật thủy sản có khả năng làm lây lan dịch bệnh đã công bố;

d) Không vận chuyển động vật thủy sản dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố qua vùng có dịch không được phép của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Phải cách ly động vật thủy sản mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

e) Phải chấp hành quy định xử lý động vật thủy sản mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

g) Phải chấp hành quy định lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh định kỳ của cơ quan thú y thủy sản;

h) Không được đổ, thải thức ăn chăn nuôi, nước rửa, xác các loại thủy sản đã nhiễm bệnh vào các vùng nước tự nhiên, vùng nước nuôi thủy sản khác;

i) Không được xả nước hoặc các chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn quy định từ nơi có dịch bệnh thủy sản sang vùng nước nuôi thủy sản khác.

3. Trước khi thu hoạch thuỷ sản chủ cơ sở phải báo cáo cho Ban Quản lý vùng nuôi hoặc Phòng Nông nghiệp huyện biết để xác định thủy sản khỏe hay bị dịch bệnh để có biện pháp xử lý.

Điều 15. Tổ chức và hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi:

1. Để đảm bảo nuôi thủy sản an toàn, địa phương có vùng nuôi thủy sản trong đó có từ 2 (hai) cơ sở nuôi thủy sản trở lên muốn đăng ký vùng nuôi thủy sản an toàn phải thành lập Ban Quản lý vùng nuôi thủy sản (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý).

2. Ban Quản lý là đại diện các cơ sở nuôi tham gia thành lập Ban Quản lý và có nhiệm vụ thống nhất quản lý trong vùng nuôi về việc áp dụng BMP, GAP hoặc CoC theo quy định về BMP, GAP và CoC.

3. Chủ cơ sở nuôi tôm tham gia thành lập Ban quản lý phải chịu sự chỉ đạo của Ban Quản lý về nội dung và phương pháp áp dụng GAP hoặc CoC trong vùng nuôi.

4. Quyền của Ban Quản lý vùng nuôi tôm an toàn và chủ cơ sở nuôi tôm an toàn được quy định tại Điều 8 Quyết định số 06/2006/QĐ-BTS ngày 10/4/2006 của Bộ Thuỷ sản nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy chế Quản lý vùng và cơ sở nuôi tôm an toàn.

5. Ban Quản lý được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ban quản lý vùng nuôi thủy sản.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC CƠ SỞ NUÔI THỦY SẢN

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT:

1. Thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nuôi trồng thủy sản; sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

2. Triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản an toàn tại địa phương; quản lý cơ sở, vùng nuôi thủy sản an toàn theo chức năng, nhiệm vụ của Sở.

3. Tham mưu cho UBND tỉnh các chương trình phát triển giống, chương trình nuôi thủy sản; thành lập quỹ phòng, chống dịch bệnh cho động vật thuỷ sản tại địa phương và trong trường hợp công bố dịch, công bố hết dịch.

4. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm định chất lượng giống thủy sản theo quy định.

5. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn quy trình, quy phạm đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn cho người nuôi áp dụng các chương trình nuôi bền vững (BMP,GAP, CoC), đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường vùng nuôi.

6. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện việc phòng bệnh, chữa bệnh và chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh.Theo dõi tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi, sản xuất giống thuỷ sản; Thực hiện lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh và đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc bãi bỏ công bố vùng có dịch.

7. Thực hiện công bố và theo dõi quản lý danh mục giống thủy sản được phép sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu, các danh mục khác về giống thủy sản theo quy định.

8. Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản. Cấp và thu hồi giấy chứng nhận về điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản theo quy định.

9. Thông báo cho người nuôi về Danh mục thức ăn, chế phẩm sinh học được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Danh mục hoá chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; Danh mục các loại hoá chất, kháng sinh được phép dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.

10. Hướng dẫn cho người nuôi áp dụng các biện pháp quản lý môi trường vùng nuôi; triển khai thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi, thông báo kết quả quan trắc cho người nuôi theo chế độ định kỳ.

11. Phối hợp với cơ quan quản lý chất lượng vùng triển khai chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản.

12. Xây dựng và thông báo lịch thời vụ thả giống hàng năm đến từng người nuôi.

Điều 17. Trách nhiệm của UBND các đơn vị cấp huyện:

1. Chủ trì, tổ chức quán triệt thực hiện quy chế này; phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế của các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các xã trong quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản của các vùng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi thủy sản tập trung đúng yêu cầu kỹ thuật.

3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao, ổn định và bền vững.

4. Hướng dẫn lịch thời vụ thả giống hàng năm của Sở Nông nghiệp và PTNT.

5. Có kế hoạch và kinh phí hàng năm cho công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ sản trình UBND tỉnh phê duyệt.

6. Thông báo kịp thời cho cơ quan thú y tỉnh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và cùng phối hợp để triển khai phòng chống dịch.

Điều 18. Trách nhiệm của UBND các xã, phường:

1. Tổ chức và hướng dẫn hoạt động các tổ cộng đồng ở vùng nuôi thủy sản bảo đảm việc thực hiện quy chế quản lý vùng nuôi trên địa bàn.

2. Tuyên truyền ý thức tự giác, trách nhiệm của người nuôi trong bảo vệ vùng nuôi nhằm quản lý vùng nuôi một cách có hiệu quả.

3. Thông báo cho UBND các đơn vị cấp huyện, Chi cục Thú y tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn và phối hợp để triển khai phòng chống dịch.

4. Khuyến khích các Tổ cộng đồng vận động hoặc có Quy ước việc người nuôi thủy sản có trách nhiệm xây dựng Quỹ bảo vệ vùng nuôi thủy sản để kịp thời xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra, giảm rủi ro và hạn chế thiệt hại cho cộng đồng vùng nuôi, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người nuôi trong bảo vệ vùng nuôi.

Điều 19. Trách nhiệm của các Tổ cộng đồng nuôi thủy sản:

1. Phổ biến quy chế này đến từng cơ sở nuôi trong vùng nuôi. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của quy chế này.

2. Xây dựng quy ước cụ thể về quản lý vùng nuôi của đơn vị.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong việc mở rộng vùng nuôi theo quy hoạch được duyệt.

4. Báo cáo kịp thời và đề xuất hình thức xử lý các hành vi vi phạm trên địa bàn.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ sở nuôi thủy sản:

1. Tự quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung của quy chế này và quy định cụ thể của Tổ cộng đồng về quản lý vùng nuôi thuỷ sản tập trung trên địa bàn.

2. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về môi trường, dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

3. Kịp thời ngăn chặn và phản ánh với cơ quan chức năng, khi phát hiện hành vi vi phạm.

4. Phối hợp và tạo điều kiện cho cán bộ cơ quan quản lý lấy mẫu kiểm tra dịch bệnh, môi trường; lấy mẫu kiểm tra dư lượng các chất độc hại trong động vật thủy sản nuôi.

5. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải thông báo cho UBND xã, UBND các đơn vị cấp huyện, cơ quan thú y tỉnh để tìm biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Điều 21. Trách nhiệm của các tổ chức/cá nhân dịch vụ liên quan đến nuôi thủy sản:

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến vùng nuôi thủy sản chỉ được phép lưu hành, cung ứng các mặt hàng đã được nhà nước kiểm định, kiểm dịch. Không lưu hành, mua bán các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất, thuốc thú y thủy sản nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản tổ chức tập huấn cho người nuôi phải đăng ký với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Chi cục Nuôi trồng thủy sản để xem xét nội dung và chỉ được phép triển khai sau khi có xác nhận đồng ý.

3. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ nêu ở khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật các hậu quả do mình gây ra.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các đơn vị cấp huyện; UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức; cá nhân hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh thủy sản có trách nhiệm thực hiện các nội dung của bản quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc kiến nghị về Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 18/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý vùng nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 18/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đình Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 09/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản