Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2007/QĐ-UBND | Đông Hà, ngày 13 tháng 09 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;
Căn cứ Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2002 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội miền Tây đến năm 2010;
Căn cứ Kết luận số 223 -KL/TU ngày 02 tháng 7 năm 2007 của Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền biển và vùng cát” và Nghị quyết 05-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Quảng Trị từ nay đến năm 2010 và những năm tiếp theo;
Căn cứ Chương trình hành động số 2348/UB-CTHĐ ngày 27 tháng 12 năm 2002 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01 tháng 7 năm 2002 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội miền Tây đến năm 2010;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 35/TTr-SKH-VX ngày 18 tháng 5 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Miền Tây tỉnh Quảng Trị được xác định bao gồm 2 tiểu vùng là vùng gò đồi và vùng miền núi thuộc phạm vi ranh giới hành chính 72 xã, thị trấn của 07 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa.
- Vùng gò đồi có 25 xã: Bao gồm huyện Vĩnh Linh 04 xã: Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ; huyện Gio Linh 08 xã: Gio Châu, Gio Phong, Gio An, Gio Bình, Gio Sơn, Linh Hải, Gio Hoà, Trung Sơn; huyện Triệu Phong 03 xã: Triệu Giang, Triệu Ái, Triệu Thượng; huyện Hải Lăng 06 xã: Hải Lâm, Hải Lệ, Hải Phú, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường; huyện Cam Lộ 04 xã: Cam Hiếu, Cam Thanh, Cam An, Cam Thuỷ.
- Vùng miền núi có 47 xã: Bao gồm huyện Vĩnh Linh 03 xã và 01 thị trấn: Xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và thị trấn Bến Quan; huyện Gio Linh 03 xã: Linh Thượng, Vĩnh Trường, Hải Thái; huyện Cam Lộ 04 xã: Cam Chính, Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Nghĩa; huyện Đakrông toàn bộ 13 xã và 01 thị trấn; huyện Hướng Hóa toàn bộ 20 xã và 02 thị trấn.
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm phát triển:
- Vùng miền Tây Quảng Trị là một bộ phận hợp thành nền kinh tế- xã hội của tỉnh, có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển. Việc phát triển kinh tế- xã hội vùng miền Tây phải gắn bó và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội toàn tỉnh đến năm 2010 cũng như những năm tiếp theo; chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng miền núi của quốc gia, của tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội các huyện, các ngành, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.
- Phát triển kinh tế- xã hội vùng miền Tây toàn diện, kết hợp hài hoà mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ưu tiên phát triển các lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng và có lợi thế so sánh như: thương mại, dịch vụ, sản xuất cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng, các mô hình kinh tế trang trại nông, lâm kết hợp và công nghiệp chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa.
- Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với việc phát triển và hình thành các trung tâm, đô thị có vai trò là trung tâm thu hút, thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế - văn hóa, đời sống trong vùng, đặc biệt là khu vực kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và các đô thị trên tuyến hành lang kinh tế Đông -Tây để tạo động lực cho nền kinh tế toàn tỉnh.
- Thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng miền Tây. Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí và nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế, văn hóa, các chính sách xã hội đối với các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn.
- Huy động sức mạnh tổng hợp của Nhà nước, nhân dân và các tổ chức trong và ngoài nước trong đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh nhà.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2010, tầm nhìn đến 2015 xây dựng cơ cấu kinh tế nông - lâm, công nghiệp và thương mại dịch vụ một cách hợp lý, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ; phát triển nông nghiệp đa dạng, mở rộng sản xuất cây công nghiệp gắn với chế biến. Không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể của đồng bào trong vùng vật thể, phi vật thể; đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách xã hội, định canh định cư, chính sách dân tộc.
2.2. Những mục tiêu cụ thể đến năm 2010, có tính đến 2015
- Về cơ cấu kinh tế: Nông-lâm nghiệp chiếm 47-49%, công nghiệp-xây dựng chiếm 22-24%, dịch vụ-thương mại du lịch chiếm 28-30% và đến năm 2015 tỷ lệ này là 40%, 26% và 34%.
- Mở rộng và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiêp, tiểu thủ công nghiệp trong vùng, nhất là khu vực kinh tế động lực (Lao Bảo, Khe Sanh); phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch để khai thác tiềm năng thế mạnh trong vùng và lợi thế so sánh của trục hàng lang kinh tế Đông-Tây, cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.
- Đến năm 2010: Diện tích gieo trồng cây lương thực (lúa, ngô) 19.000-20.000ha, trong đó diện tích lúa khoảng 16.920 ha; cây sắn nguyên liệu 8.000 ha. Cây công nghiệp lâu năm: cao su 13.000 - 15.000 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn (đến năm 2015 tăng lên 17.000-19.000 ha); cà phê 4.500 ha, sản lượng đạt 8.000 - 9000 tấn và ổn định đến năm 2015; hồ tiêu ổn định ở mức 2.000- 2.500 ha; cây ăn quả ổn định ở mức 3.000 ha.
- Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý tài nguyên; phấn đấu mỗi năm trồng mới 4.000-4.500 ha rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh bình quân mỗi năm 3.000 ha rừng tự nhiên. Đến năm 2010 đưa diện tích đất có rừng lên 204.000 ha, độ che phủ rừng 45,6%, trong đó: Rừng phòng hộ 56.810 ha, rừng sản xuất 86.060 ha, rừng đặc dụng 61.130 ha. Đến năm 2015 diện tích đất có rừng khoảng 240.000 ha, độ che phủ rừng 50%.
- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa, phấn đấu đến năm 2010 đưa giá trị chăn nuôi chiếm 30% cơ cấu giá trị nông nghiệp.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 25% (tiêu chí 2006-2010), tăng hộ khá, hộ giàu; hoàn thành mục tiêu ổn định định canh, định cư; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,6% đến năm 2010 và 1,3% vào năm 2015; 100% số hộ được dùng điện lưới; 80% số xã có bác sỹ; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 22%; giảm tỷ lệ mẹ chết do thai nhi xuống còn 0,4%o; Hạn chế đến mức thấp nhất và từng bước loại trừ dịch bệnh, tệ nạn xã hội.
- Phát triển giáo dục phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, phấn đấu thu hút 75-80% số cháu 5 tuổi vào mẫu giáo, 16-18% số cháu vào nhà trẻ; đến năm 2010 phấn đấu 100% số xã hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, từng bước triển khai phổ cập giáo dục THPT; 100% số xã có trường THCS hoặc trường PTCS. Đẩy mạnh việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học.
- Chú trọng ứng dụng và nhân rộng các mô hình tiến bộ khoa học-công nghệ trong hoạt động sản xuất, đời sống trên địa bàn; Tăng phương tiện nghe nhìn, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ có ti vi đạt 60-70%; có 70% số hộ gia đình, làng, bản được công nhận là gia đình, làng, bản văn hóa; tăng cường cơ sở vật chất hạ tầng cho các hoạt động thể dục-thể thao, phấn đấu các xã có quy hoạch, kế hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao.
- Giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn trong vùng lên 75-80%. Đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2010 đạt 23% và qua đào tạo nghề đạt 16%; đến năm 2015 tỷ lệ này là 30% và 23%.
- Phấn đấu đến sau năm 2010 đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo thành đô thị loại III tạo động lực cho sự phát triển chung của cả vùng.
- Đến năm 2010 hoàn thiện một số trục chính giao thông miền núi trong hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - quốc phòng kết hợp. Chú trọng các trục đường giao thông đến các cửa khẩu phụ, đường tuần tra biên giới.
- Nhanh chóng hình thành các trục, hành lang kinh tế dọc đường 9 và đường Hồ Chí Minh tạo nên các trung tâm kinh tế, các khu thị trấn thị tứ, phát huy tiềm năng vốn có, tạo động lực cho quá trình phát triển.
II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH
1. Quy hoạch sử dụng đất: Đến năm 2010 quỹ đất nông nghiệp sử dụng là 246.290 ha (tăng 27.198,16 ha so với năm 2005, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp tăng 9.898,17 ha (đất trồng lúa giảm 701,27 ha do chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang canh tác các cây trồng khác, đất dùng vào chăn nuôi giảm 156,95 ha, đất trồng cây hàng năm khác tăng 6.106,62 ha; đất trồng cây lâu năm tăng 4.649,77 ha); đất lâm nghiệp tăng 17.280.95 ha; Đất nuôi trồng thuỷ sản tăng 10,58 ha; đất nông nghiệp khác tăng 8,46 ha. Đến năm 2015 quỹ đấy nông nghiệp sử dụng là 280.400 ha, tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày; đất lâm nghiệp tăng 25.000 ha (quỹ đất sử dụng nông, lâm nghiệp tăng chủ yếu là khai thác đất chưa sử dụng), đất khai hoang mở rộng do xây dựng các hồ đập thuỷ lợi nhỏ ở miền núi của các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.
2. Phát triển Nông - Lâm nghiệp
2.1. Nông nghiệp
a) Định hướng phát triển trồng trọt:
* Cây lương thực: Ổn định diện tích gieo trồng khoảng 20.000 ha (trong đó diện tích lúa khoảng 16.900 ha). Tích cực khai hoang mở rộng diện tích lúa nước ở một số khu vực thuận lợi có điều kiện nước tưới để bù đắp một số diện tích lúa nước kém hiệu quả chuyển đổi mục đích sử dụng. Tập trung thâm canh, ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt chú trọng công tác khảo nghiệm, tuyển chọn các bộ giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chọn dòng, phục tráng một số giống lúa đang sản xuất có hiệu quả; xây dựng một số công trình thuỷ lợi nhỏ ở Hướng Hóa và Đakrông để tăng vụ và tăng diện tích lúa nước. Mở rộng diện tích trồng ngô, đưa các giống ngô có năng suất cao đã được trồng thử nghiệm như LVN10, Bioseed, LVN-4, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng đạt 31 tạ/ha. Phấn đấu đến năm 2010 sản lượng lương thực của vùng đạt 75 - 80 ngàn tấn trong đó lúa 70 - 70,5 ngàn tấn, đưa lương thực bình quân đầu người 288 kg/người/năm, tăng 34 kg so với năm 2005.
* Cây chất bột có củ: Ưu tiên quy hoạch một số vùng trồng cây sắn công nghiệp tập trung ở khu vực Lìa và một số nơi có điều kiện ở Hướng Hóa, Đakrông; đồng thời mở rộng diện tích trồng sắn, nhất là khu vực quy hoạch sản xuất tập trung, kết hợp thâm canh vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất của người nông dân vừa đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho cả 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn Hải Lăng và Hướng Hóa. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích sắn đạt 8.000 ha, năng suất bình quân 180 tạ/ha.
* Cây công nghiệp và cây thực phẩm:
- Cây công nghiệp ngắn ngày: Hướng phát triển chủ yếu là cây lạc, mở rộng diện tích trồng lạc lên 2.500 ha (trong đó các xã vùng núi 1.700 ha, chiếm khoảng 68%) trên cơ sở chuyển đổi đất lúa, màu năng suất thấp, xen canh, luân canh với một số cây trồng khác. Đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác và giống có năng suất như: L18, L14, L20, MD7, đưa năng suất lạc bình quân lên 22-23 tạ/ha, sản lượng khoảng 5,5-6,0 ngàn tấn.
- Cây công nghiệp lâu năm: Hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng quy mô hàng xuất khẩu.
+ Cây cao su: Định hướng chính là tập trung thâm canh diện tích cao su đã có để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Mở rộng diện tích hợp lý ở những nơi có điều kiện và đã được quy hoạch phát triển cây cao su theo mô hình trồng cao su tiểu điền. Phấn đấu đến năm 2010 diện tích cao su toàn vùng đạt 14.500-16.000 ha sản lượng trên 10.000 tấn mủ khô và 18.000- 19.000 ha vào năm 2015. Có kế hoạch phát triển cây cao su ở Lào theo chương trình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Lào.
+ Cây cà phê: Mở rộng diện tích vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh công tác quy hoạch bố trí dân cư, giao đất cho hộ gia đình, kết hợp các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật vốn, tiêu thụ; tích cực thực hiện thâm canh tăng năng suất và mở rộng diện tích giống cà phê chè. Phấn đấu đến năm 2010, diện tích cây cà phê trong vùng đạt 4.500 ha.
+ Cây hồ tiêu: Hướng chính là thâm canh tăng năng suất, mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện. Dự kiến đến năm 2010, diện tích hồ tiêu khoảng 2.500 ha, tập trung chủ yếu là huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh. Chú trọng biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại tiêu.
+ Cây ăn quả: Ổn định diện tích cây ăn quả là 3.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa. Phương thức phát triển cây ăn quả chủ yếu hộ gia đình theo mô hình vườn nhà, vườn đồi, nông lâm kết hợp và trồng tập trung theo mô hình trang trại một số nơi có điều kiện. Chú trọng khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân.
+ Cây thực phẩm: Hình thành một số vùng sản xuất rau ở Cam Lộ, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa để cung cấp cho các khu công nghiệp nhỏ, khu du lịch và nội tiêu trong vùng. Tích cực đưa các giống rau, đậu có năng suất cao, chú trọng phát triển theo hướng sạch, cao cấp theo yêu cầu thị trường. Dự kiến đến năm 2010, diện tích cây thực phẩm của vùng khoảng 4.000 ha, sản lượng 26-28 ngàn tấn.
b) Định hướng phát triển chăn nuôi:
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với biện pháp chính là cải tiến và nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm với quy mô hợp lý, chú trọng khả năng đa dạng về giống nuôi; Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, đặc biệt lai, tạo giống; Đổi mới phương thức nuôi theo hướng thâm canh, bán công nghiệp, hình thức nuôi chủ yếu vẫn là hộ gia đình, khuyến khích phát triển hình thức trang trại. Tăng cường công tác thú y, kiểm dịch động vật, đặc biệt là đàn gia cầm. Ngoài các loại gia súc, gia cầm truyền thống, tuỳ theo điều kiện đặc thù của mỗi huyện ở trong vùng để phát triển thêm một số vật nuôi khác như: Nuôi ong lấy mật, hươu nai lấy nhung và một số loài đặc sản khác để tăng nhanh giá trị hàng hóa và tạo việc làm cho người lao động. Đến năm 2010 tỷ lệ giá trị chăn nuôi chiếm 30% và đến 2015 chiếm 35% trong cơ cấu giá trị nông nghiệp.
2.2. Lâm nghiệp:
Bảo vệ tốt vốn rừng tự nhiên hiện có, đầu tư tôn tạo các khu rừng cảnh quan sinh thái độc đáo của 02 Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa, khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại; phát triển mạnh trồng rừng, chú trọng rừng kinh tế. Thực hiện tốt công tác giao đất, khóan bảo vệ rừng gắn với quy hoạch bố trí lại dân cư. Phấn đấu mỗi năm trồng mới thêm khoảng trên 4000 ha rừng tập trung; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 3000 ha, đưa diện tích đất có rừng đến năm 2010 khoảng 204.000 ha, trong đó: Rừng phòng hộ 56.810 ha, rừng sản xuất 86.060 ha, rừng đặc dụng 61.130 ha. Tích cực thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp, đảm bảo tài nguyên rừng và đất rừng trong vùng thực sự có chủ.
2.3. Thuỷ sản nước ngọt:
Nâng cao hiệu quả sử dụng diện tích nuôi trồng hiện có, tận dụng thêm một số hồ đập, khe suối để nuôi cá; hồ Rào Quán hoàn thành với diện tích mặt nước gần 900 ha có thể kết hợp để nuôi cá các loại. Ngoài việc phát triển nuôi ba ba và ếch như hiện nay cần chú trọng vào nuôi cá truyền thống như rô phi, cá chình theo hướng sản xuất hàng xuất khẩu. Đến năm 2015 đưa vào sử dụng các hồ thuỷ lợi - thuỷ điện nhỏ, tăng diện tích nuôi cá nước ngọt lên 1.500 ha.
3. Phát triển ngành Thương mại - Dịch vụ và du lịch:
Từng bước đưa ngành thương mại-dịch vụ thành mũi nhọn và tạo đột phá cho thời kỳ sau năm 2010.
- Tăng cường phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động thương mại-dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển và khai thác có hiệu quả Trung tâm thương mại đặc biệt Lao Bảo và các cụm trung tâm thương mại trên tuyến đường quốc lộ 9, trục đường Hồ Chí Minh. Củng cố và xây dựng thêm một số chợ chức năng kinh doanh tổng hợp ở trong vùng theo quy hoạch hệ thống chợ của tỉnh đã được phê duyệt. Khuyến khích phát triển các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ nhằm bảo đảm thu mua, lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa.
- Đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch, khai thác thác thế mạnh của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa, lịch sử..., gắn với tổng thể du lịch của Quảng Trị, miền Trung, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế-văn hóa trong nước và quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây. Thực hiện chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh, cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch gắn với việc tôn tạo, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa phi vật thể, hình thành các làng du lịch sinh thái.
4. Phát triển Công nghiệp - TTCN và ngành nghề nông thôn:
- Phát triển các ngành công nghiệp-TTCN: Chủ yếu phát triển các nhóm ngành như: Công nghệp chế biến nông-lâm sản và thực phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, khai khóang, gia công kim loại, cơ khí. Chú trọng đầu tư các cơ sở chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu, một số dây chuyền khai thác đá, cát, sạn và nhà máy gạch block, sản xuất xi măng Cam Lộ, Hướng Hóa.
- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức bố trí sản xuất của các khu công nghiệp trong khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu công nghiệp đường 9. Tiến hành quy hoạch phân bố sản xuất một số cụm kinh tế kỹ thuật và dịch vụ để đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng như: Cụm Khe Sanh, Bến Quan, Tà Rụt, Tân Thành, KrôngKlang.....
- Chú trọng phát triển các cụm cơ khí nhỏ lẻ, khuyến khích đầu tư xây dựng một số cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, gia công các sản phẩm từ kim loại, đồ gia dụng, sửa chữa điện tử, điện lạnh ở các thị tứ, thị trấn trong vùng.
- Phát triển công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại hóa công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu mang tính đặc thù của vùng hướng tới thị trường xuất khẩu, đảm bảo hiệu qủa đầu tư cao và ổn định, khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống. Phát triển sản xuất công nghiệp phải gắn với quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường.
5. Tăng cường kết cấu cơ sở hạ tầng.
5.1. Giao thông - Vận tải -Thông tin liên lạc
- Giao thông -vận tải: Phát triển hệ thống giao thông nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa giữa các địa bàn trong vùng, giữa vùng với các trung tâm lớn của tỉnh. Đến năm 2010, ưu tiên phát triển một số tuyến đường chính gồm: Hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông; đường thị trấn Ái Tử - Trừ Lấu (Triệu Phong); nâng cấp đường 75 Tây nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; đường vào xã Vĩnh Ô nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Vĩnh Linh); đường vào xã Hướng Sơn, xã Hướng Lộc (Hướng Hóa); nâng cấp đường Tà Rụt - La Lay; đường vào khu tái định cư Hoong Cóc; đường vào xã Pa Tầng; đường tuần tra biên giới, đường đến các cặp cửa khẩu phụ: Thanh, Tà Rùng, Cheeng. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn ở những nơi có điều kiện nhằm cải thiện bộ mặt nông thôn, đảm bảo đến năm 2010 có 100% số xã có đường giao thông về trung tâm.
- Thông tin liên lạc: Đến năm 2010 có 100% số xã có bưu điện văn hóa, các điểm dân cư tập trung có mạng lưới điện thoại cố định, các khu vực thị trấn thị tứ, khu kinh tế tập trung phủ sóng điện thoại di động. Đến năm 2015 đạt 10 máy điện thoại/100 dân và 20 máy/100 dân đối với khu vực thị trấn, thị tứ.
5.2. Phát triển hệ thống điện:
Tiếp tục xây dựng và cải tao hệ thống lưới điện theo chương trình điện khí hóa nông thôn; chú trọng phát triển công trình thuỷ điện nhỏ theo quy hoạch; nghiên cứu và triển khai dự án cấp điện bằng năng lượng gió như ở Tây Gio Linh, Hướng Hóa, Đakrông.
5.3. Các cơ sở hạ tầng khác:
Củng cố và từng bước hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi ở các vùng: Bắc sông Bến Hải, Nam sông Bến Hải-Bắc sông Thạch Hãn, Nam sông Thạch Hãn, vùng Miền núi Hướng Hóa và Đakrông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông, lâm nghiệp. Tích cực thực hiện chương trình nước sạch vùng nông thôn để cấp nước sạch sinh hoạt cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; từng bước hình thành một số trạm trại kỹ thuật phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp.
1. Giáo dục- Đào tạo:
Phát triển Giáo dục - Đào tạo theo hướng toàn diện: Mở rộng quy mô gắn với nâng cao chất lượng dạy và học, gắn giữa giáo dục phổ thông với hướng nghiệp đào tạo nghề; thực hiện đa dạng hóa các loại hình giáo dục-đào tạo. Tăng cường cơ sở vật chất cho dạy và học. Từ nay đến năm 2010: Hoàn thành việc thành lập và xây dựng cơ sở vật chất 3 trường THPT Tà Rụt (Đakrông), THPT Hướng Phùng, THPT Lìa (Hướng Hóa); Tỷ lệ kiên cố và cao tầng hóa các trường tiểu học và THCS toàn vùng đạt 80-85%. Củng cố, chuẩn hóa và nâng cao trình độ giáo viên, khuyến khích và có cơ chế đãi ngộ đối với cán bộ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; bổ sung đội ngũ giáo viên các bộ môn cho các trường THCS, tiếp tục thực hiện chính sách luân chuyển giáo viên và nhà ở cho giáo viên vùng khó, chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Y tế - Dân số - Kế hoạch hóa gia đình:
Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; nâng cấp, mở rộng phòng khám đa khoa khu vực hiện có, chú trọng tăng cường trang thiết bị; tạo sự chuyển biến về chất trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Phấn đấu đến 2010, có 80% trạm y tế có bác sỹ, 100% xã có nhân viên y tế cộng đồng, 20 giường/10.000 dân; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn dưới 23%; Đến năm 2015, 85% trạm y tế xã có bác sỹ, 27 giường bệnh/10.000 dân và giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 20%; thực hiện có hiệu quả chương trình khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Thực hiện tốt chương trình quân dân y kết hợp, chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tốt công tác y tế dự phòng.
Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,6% vào năm 2010, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản đến tận thôn bản; giáo dục truyền thông dân số, thực hiện các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.
3. Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, đưa hệ thống truyền thanh, phát thanh đến tận cơ sở thôn, bản. Khôi phục, bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa. Phấn đấu đến năm 2010, có 70% làng, bản, hộ gia đình đạt làng, bản, gia đình văn hóa; trên 70% hộ gia đình có ti vi (đến năm 2015 trên 90% hộ). Xây dựng các thiết chế, điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội, vui chơi giải trí lành mạnh tại cấp xã, thôn. Đầu tư xây dựng các di tích lịch sử, danh thắng, trong đó chú trọng các công trình: Sân bay Tà Cơn giai đoạn 2, Nhà đày Lao Bảo, Nghĩa trang Trường Sơn, Di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Làng Vây, khu du lịch suối nước nóng Đakrông, Khe Gió ở Cam Lộ, khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, động Voi mẹp...
Thúc đẩy phát triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao, thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng, trong đó chú trọng lực lượng thanh niên, học sinh. Phấn đấu các xã có sân bóng đá, các thôn có sân bóng chuyền, cầu lông..
4. Khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:
- Đẩy mạnh hoạt động phổ biến và nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung vào những tiến bộ về các lĩnh vực mũi nhọn như giống, kỹ thuật canh tác, cải tạo đất, kỹ thuật nuôi, chế biến nông - lâm sản. Chú trọng các hoạt động điều tra cơ bản về tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với những điều kiện thực tiễn, nâng cao hiệu quả đầu tư.
- Tăng cường hoạt động quản lý hệ tài nguyên - môi trường và phát triển bền vững hệ môi trường sinh thái; chú trọng gắn đầu tư khai thác sử dụng với cải tạo, bảo vệ tài nguyên đất. Phát triển tài nguyên rừng với cơ cấu đa dạng hệ sinh thái rừng trồng, bảo vệ sinh thái rừng tự nhiên. Tổ chức quản lý và khai thác hợp lý, hiệu quả các mỏ khóang sản và nguồn tài nguyên nước, ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ môi trường ở những khu vực khai thác khóang sản, các khu công nghiệp tập trung, khu du lịch.
Tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của dân cư về vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2010, có trên 75% số hộ dân trong vùng được sử dụng nước sạch và trên 90% vào năm 2015, có trên 90% số hộ trong vùng sử dụng hố xí hợp vệ sinh, đẩy mạnh áp dụng chương trình khí sinh học cho chăn nuôi, từng bước xây dựng tập quán thu gom, xử lý rác thải tập trung tại các khu dân cư nông thôn; khuyến khích xã hội hóa hoạt động vệ sinh môi trường.
5. Thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo và chính sách xã hội
Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, Chương trình 134, 135, định canh định cư; có chính sách hỗ trợ miền núi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời kết hợp thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo về: Trợ giá, trợ cước, y tế, giáo dục, dân số-kế hoạch hóa gia đình, vốn vay tín dụng, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình bình đẳng giới, trước mắt ưu tiên tập trung cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi. Phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đến năm 2010, còn 25% (theo chuẩn giai đoạn 2006-2010).
6. Định hướng phát triển kinh tế-xã hội gắn với an ninh quốc phòng
Hướng phát triển là: Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương. Lấy phát triển kinh tế, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao điều kiện sống cho dân cư làm cơ sở vững chắc để củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; xây dựng cơ sở vững mạnh "cụm tuyến an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu". Xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các huyện, xã vùng biên giới, kể cả phương án phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Tăng cường nâng cấp và xây dựng các tuyến giao thông, thông tin liên lạc biên giới, kết hợp bố trí dân cư hợp lý; hoàn thiện hệ thống đồn, trạm và các phương tiện cần thiết cho các lực lượng vũ trang. Xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với các tỉnh của nước bạn Lào nhằm giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
III. BỐ TRÍ PHÁT TRIỂN THEO VÙNG LÃNH THỔ.
1. Phát triển các tiểu vùng, các trục kinh tế, các trung tâm dân cư theo hướng đô thị hóa
1.1. Phát triển các tiểu vùng kinh tế
a) Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi
Đối với khu vực kinh tế Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo:
+ Phát triển kinh tế Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế và khu vực làm động lực phát triển cho toàn vùng và cả tỉnh. Thực hiện tốt quy hoạch chi tiết các khu tập trung; tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thóat nước, xử lý môi trường, tạo mặt bằng; khai thác thế mạnh du lịch của hệ thống công trình thuỷ lợi thuỷ điện Rào Quán và các di tích lịch sử, cảnh quan trong vùng...để đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, kinh doanh xuất nhập khẩu, kho ngoại quan, du lịch. Xây dựng và phát triển khu công nghiệp tập trung và bố trí các cơ sở sản xuất hợp lý, ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến nông -lâm sản, sản xuất hàng tiêu dùng. Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị để thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo trở thành đô thị loại 3 trước năm 2015.
Đối với các xã còn lại trong vùng miền núi:
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn; tiến hành quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung cây cà phê, hồ tiêu, sắn nguyên liệu, đẩy mạnh trồng rừng tập trung, phát triển các mô hình kinh tế trang trại để phát triển mạnh sản xuất hàng hóa. Thực hiện các chính sách đầu tư và phát triển sản xuất gắn với giải quyết mục tiêu xoá đói giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội.
+ Củng cố và tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội, phủ điện lưới tất cả các thôn, bản, nâng cấp và xây dựng trường học, trạm xá, xây dựng cơ sở ban đầu để hình thành các thị trấn, thị tứ và các điểm dân cư tập trung. Bảo tồn và khai thác cảnh quan thiên nhiên, các di tích văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch.
+ Hoàn thành và xây dựng thêm một số trung tâm cụm xã để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của từng khu vực.
Phát triển kinh tế-xã hội vùng gò đồi:
+ Chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung về cây lương thực (chủ yếu là lúa) ở các xã thuộc huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Hải Lăng. Phát triển cao su tiểu điền ở Vĩnh Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm và phương thức nuôi.
+ Phát triển công nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gồm chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, nhất là ở tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Mở rộng các hoạt động dịch vụ thương mại và đời sống đi đôi với phát triển ngành nghề.
+ Thúc đẩy phát triển các trung tâm kinh tế kỹ thuật, các thị tứ trên địa bàn với mạng lưới các cơ sở thương mại dịch vụ đời sống, các trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống, văn hóa tinh thần cho cư dân các khu vực trên địa bàn vùng.
+ Quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái tạo rừng, trồng rừng, nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ đất, tái tạo nguồn nước cũng như cung cấp nguyên liệu cho cơ sở chế biến gỗ công nghiệp tại khu công nghiệp Nam Đông Hà và toàn tỉnh.
+ Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, hệ thống thuỷ lợi cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt.
b) Phát triển các trục kinh tế:
- Trục kinh tế hành lang đường 9: Phát triển theo hướng dịch vụ quá cảnh, thương mại, du lịch, vận tải gắn kết với sự phát triển về công nghiệp chế biến, sửa chữa, gia công xuất khẩu, lắp ráp và nông nghiệp hàng hóa. Các hạt nhân của trục kinh tế này là: Thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo, KrôngKlang, Cam Lộ, thị xã Đông Hà, thị trấn Cửa Việt và các cụm công nghiệp nằm trong hành lang này. Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, khôi phục một số làng nghề truyền thống, trồng cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc.
- Trục kinh tế hành lang đường Hồ Chí Minh: phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng. Gắn kết với khu thương mại Lao Bảo để phát triển thương mại du lịch nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hồi tưởng. Ưu tiên đầu tư khu kinh tế đường biên La Lay-Tà Rụt ở nhánh Tây, các cụm công nghiệp ở nhánh Đông để làm động lực phát triển.
- Trục kinh tế Lao Bảo-Lìa: Phát triển theo hướng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển sắn nguyên liệu và cây ăn quả; kết hợp với thương mại-dịch vụ với hành lang đường 9 và cửa khẩu xã Thanh.
c) Phát triển các trung tâm dân cư theo hướng đô thị hóa
Phát triển các đô thị có vai trò trung tâm của tiểu vùng:
Ngoài các đô thị nằm trên tuyến hành lang đường 9, cần phát triển một số khu trung tâm tiểu vùng sau:
- Cùng với việc đẩy mạnh phát triển thị trấn Bến Quan, thị trấn Tà Rụt, cần tập trung phát triển khu vực xã A Túc thành trung tâm kinh tế-văn hóa của các xã vùng Lìa; khu vực trung tâm xã Hướng Phùng thành trung tâm kinh tế-văn hóa của tiểu vùng phía Bắc huyện Hướng Hóa. Phấn đấu đến năm 2015, cả hai khu vực này đủ điều kiện để trở thành thị trấn, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển tiểu vùng. Tổ chức không gian kiến trúc của bốn trung tâm này đảm bảo hài hoà giữa hiện đại và truyền thống, đồng thời thể hiện được bản sắc của đô thị vùng miền núi. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị: Giao thông nội vùng, cấp nước tập trung, hệ thống chiếu sáng, các thiết chế văn hóa, thể thao, công viên, cây xanh.
- Phát triển các thị tứ trên địa bàn miền Tây: Dự kiến đến năm 2010, hình thành một số thị tứ như: Thuận, Pa Tầng (Hướng Hóa), Cầu Đakrông, Ba Lòng (Đakrông), Cùa, Tân Lâm-Mỏ Đá (Cam Lộ), Ngã Ba Sa Lung, Tiên An, Tiên Mỹ (Vĩnh Linh), Nam Đông, Vĩnh Trường (Gio Linh), Mỹ Chánh (Hải Lăng) và một số trung tâm cụm xã như: Vĩnh Ô, Tà Long, A Bung, Hướng Lập, Cam Tuyền, Triệu Nguyên, Linh Thượng, Mò Ó, Vĩnh Hà, đây là những trung tâm kinh tế- văn hóa có sức thu hút rộng, làm động lực cho quá trình phát triển của toàn vùng miền Tây.
IV. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM THỜI KỲ 2006-2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2015.
- Dự án xây dựng xi măng lò quay Cam Lộ, công suất 35 vạn tấn/năm
- Nhà máy chế biến cà phê tại Hướng Hóa.
- Dự án đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn.
- Xây dựng cơ sở chế biến cao su tại Bến Quan, công suất 6.000 tấn/năm.
- Dự án trồng rừng nguyên liệu
- Dự án xây dựng hồ Đá Mài - Tân Kim, công suất tưới trên 1.200 ha.
- Dự án xây dựng hồ Mè Tré, công suất tưới 300 ha.
- Dự án xây dựng các hồ: Tân Hào- Hướng Hóa, tưới 70 ha; Hiếu Nam-Cam Lộ, tưới 50 ha; Khe Rò-Hải Lăng, tưới 100 ha.
- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn giai đoạn III
- Dự án nâng cấp đường tỉnh lộ 7 dài 25 km
- Dự án đường vào xã Vĩnh Ô, dài 36 km
- Dự án xây dựng đường Ái Tử - Trừ Lấu nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 15 km
- Dự án đường 75 Tây nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 12 km
- Dự án đường vào khu tái định cư Hoong Cooc dài 20 km
- Dự án đường vào các xã Hướng Sơn, Hướng Lộc dài 25km
- Dự án nâng cấp đường Tà Rụt - La Lay dài 13 km
- Dự án phục hồi di tích sân bay Tà Cơn
- Dự án Làng du lịch sinh thái và nghề truyền thống Cát Sơn - Gio Linh
- Dự án hạ tầng khu du lịch sinh thái rừng, Khe Sanh, Rào Quán, Đakrông
- Dự án khu du lịch lâm viên hồ Bảo Đài (30 ha)
- Dự án khu du lịch lâm sinh thái Khe Gió (20 ha)
- Dự án xây dựng công viên hồi tưởng nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn
- Dự án xây dựng thuỷ điện nhỏ Khe Nghi: 5MW, La La: 3MW, Đakrông 1: 15,4MW, Đakrông 2: 14,5 MW và A Cho 10MW
V. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH
Nhu cầu vốn đầu tư cần thiết để thực hiện Quy hoạch là 6.000 tỷ đồng, trong đó:
- Đầu tư cho Công nghiệp, xây dựng: 1.928 tỷ đồng
- Đầu tư cho Nông, lâm, ngư nghiệp: 933 tỷ đồng
- Đầu tư kết cấu hạ tầng và dịch vụ: 3.143 tỷ đồng.
· Nguồn vốn đầu tư:
- Ngân sách tỉnh, vốn dân, vốn doanh nghiệp: 2.400 tỷ đồng (chiếm 40%)
- Vốn tín dụng: 900 tỷ đồng (chiếm 15%)
- Vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và mục tiêu: 1.200 tỷ đồng (chiếm 20%)
- Vốn nước ngoài: 1.500 tỷ đồng (chiếm 25%).
VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Giải pháp về vốn: Phát huy mọi nguồn lực:
+ Vốn trong nước:
- Ngân sách địa phương (thông qua các chương trình, dự án đầu tư và lồng ghép các dự án; huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp và vốn tự có của dân (thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất).
- Tranh thủ vốn từ ngân sách Trung ương: Tranh thủ vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; vốn đầu qua các Bộ, ngành đầu tư trên địa bàn.
- Vốn tín dụng (cho các chương trình phát triển sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ; sản xuất công nghiệp, sản xuất nguyên liệu...)
+ Vốn đầu tư nước ngoài: đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại nhằm thu hút các nguồn vốn ODA, FDI, NGO, vốn viện trợ khác.
2. Giải pháp về khoa học, công nghệ
- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt chú trọng công nghệ sinh học đối với công tác giống cây trồng - vật nuôi, xử lý chất thải và công nghệ sau thu hoạch, các tiến bộ về kỹ thuật canh tác, cải tạo đất. Coi trọng đúc kết các mô hình khảo nghiệm có kết quả trên địa bàn để nhân rộng.
- Tích cực ứng dụng công nghệ mới hiện đại trong sản xuất công nghiệp, đổi mới công nghệ trong công nghiệp chế biến cà phê, cao su nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa.
- Tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây.
- Tăng cường năng lực hoạt động của mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nhằm chuyển giao nhanh, rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
3. Nâng cao năng lực cán bộ, trình độ dân trí và tay nghề người lao động:
Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cán bộ, thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: học tập trung, gửi đi đào tạo, đào tạo tại chỗ. Củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại các trung tâm, các trường dạy nghề và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho nhân dân trong vùng. Triển khai xây dựng và thực hiện đề án đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây đến năm 2010, có tính đến năm 2015 gắn đào tạo với sử dụng, tích cực đào tạo và sử dụng cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
4. Giải pháp về tổ chức thực hiện:
- Uỷ ban nhân dân 07 huyện vùng miền Tây chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển vùng miền Tây đến năm 2010; công bố rộng rãi quy hoạch để toàn thể nhân dân, đặc biệt nhân dân vùng miền Tây được biết; Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các huyện đến năm 2010 cho phù hợp với mục tiêu, định hướng của Quy hoạch này và của Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01/7/2002 của Tỉnh uỷ; cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết cho các tiểu vùng; Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho vùng miền Tây phát triển. Hàng năm lựa chọn từng địa phương, từng lĩnh vực điển hình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng để tiến hành đánh giá làm cơ sở thực hiện những năm tiếp theo có hiệu quả nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu quy hoạch.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây đến năm 2010 đã được thành lập. Xây dựng chương trình công tác và phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên Ban chỉ đạo.
- Các Sở, Ban, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để chủ trì hoặc phối hợp thực hiện những công việc có liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây.
Trong quá trình thực hiện, quy hoạch này sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ. Đến năm 2010 có tổng kết để làm cơ sở đánh giá cho các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp, Thương mại và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Thuỷ sản, Giao thông - Vận tải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Thông tư 01/2007/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội do Bộ kế hoạch và đầu tư ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
Quyết định 18/2007/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Quảng Trị đến năm 2010, có tính đến năm 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành
- Số hiệu: 18/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/09/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Lê Hữu Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra