Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1776/2010/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 15 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHO PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU, CÔNG TRÌNH TẠM, ĐẤU NỐI ĐƯỜNG BỘ TRÊN PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI ĐƯỜNG TỈNH ĐANG KHAI THÁC THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ Qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Xét đề nghị của Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 1182/TTr-GTVT-KHKT ngày 26/5/2010, văn bản số 1348/SGTVT-KHKT ngày 08/6/2010 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp số 52/BC-STP-XD&TDTHPL ngày 26/5/2010.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục cho phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Thủ trưởng các ngành, đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- T.T Tỉnh ủy, T.T HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Các Sở: GTVT, TNMT; XD;
- V0, V1, V2, V3, V4;
- QLĐĐ1+2, XD1+2, QH1+2, GT1;
- Lưu VT, GT1.
 41 bản H-QĐ118

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thông

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHO PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU, CÔNG TRÌNH TẠM, ĐẤU NỐI ĐƯỜNG BỘ TRÊN PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI ĐƯỜNG TỈNH ĐANG KHAI THÁC THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành theo Quyết định số 1776/2010/QĐ-UBND ngày 15/6/2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

1. Bản quy định này, quy định trình tự, thủ tục cho phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các quy định pháp luật có liên quan, các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước.

2. Các đường huyện, xã, thôn khuyến khích áp dụng quy định này trên cơ sở tuân thủ quy hoạch ngành có liên quan.

3. Trường hợp Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có quy định cụ thể đến đường tỉnh khác quy định này thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; cơ quan quản lý đường bộ phải tuân theo quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

1. Phạm vi đất dành cho đường bộ: Gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ, được quy định trong Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ.

2. Công trình thiết yếu: Công trình phục vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng; công trình có yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường bộ.

3. Công trình tạm: Công trình nông nghiệp, công trình quảng cáo được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 28, Chương VI, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ.

4. Trình tự, thủ tục cho phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh gồm:

a) Thỏa thuận đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh (Chương II).

b) Chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh (Chương III).

c) Chấp thuận, cấp phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh (Chương IV).

Chương II

THỎA THUẬN ĐẤU NỐI ĐƯỜNG BỘ TRÊN PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ CỦA ĐƯỜNG TỈNH

Điều 4. Trình tự thoả thuận đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh.

1. Trước khi trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự án hoặc qui hoạch chi tiết tổng mặt bằng liên quan đến đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh, chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ gửi đến Sở Giao thông Vận tải xin thoả thuận. Hồ sơ xin thoả thuận gồm:

a) Quyết định hoặc văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

b) Hồ sơ thiết kế sơ bộ đường gom, đấu nối, nút giao...

c) Văn bản xin thoả thuận.

2. Trong trường hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản thu hồi/huỷ chủ trương đầu tư thì văn bản thoả thuận của Sở Giao thông Vận tải hết hiệu lực.

3. Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp chưa đủ điều kiện thoả thuận, Sở Giao thông Vận tải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân xin thoả thuận thực hiện.

Chương III

CHẤP THUẬN THIẾT KẾ KỸ THUẬT VÀ CẤP PHÉP ĐẤU NỐI ĐƯỜNG BỘ TRÊN PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ CỦA ĐƯỜNG TỈNH

Điều 5. Trình tự chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh.

1. Sau khi dự án hoặc qui hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt, chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ gửi đến Sở Giao thông Vận tải xin chấp thuận thiết kế kỹ thuật đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh. Thành phần hồ sơ chấp thuận gồm:

a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt tổng mặt bằng.

b) Văn bản thoả thuận (Khoản 1 Điều 4).

c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật: đường gom, đấu nối, nút giao...

d) Văn bản xin chấp thuận.

2. Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công lập hồ sơ gửi đến Sở Giao thông Vận tải xin cấp phép đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh. Thành phần hồ sơ xin cấp phép gồm:

a) Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật (Khoản 1 Điều 5).

b) Đơn xin phép thi công do chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công đề nghị, nêu rõ: Phạm vi đất dành cho đường bộ và lý trình đường bộ có liên quan; thời gian thi công; bản cam kết tự di chuyển công trình và không đòi bồi thường khi Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng.

c) Phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trong hành lang an toàn đường bộ.

d) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ thiết kế tổ chức thi công đã được cấp có thẩm quyền duyệt.

3. Trường hợp công trình quy mô nhỏ, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công chuẩn bị hồ sơ chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh (gộp một lần, Sở Giao thông Vận tải xem xét thiết kế kỹ thuật cùng với quá trình cấp phép thi công). Thành phần hồ sơ gồm:

a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc phê duyệt tổng mặt bằng.

b) Văn bản thoả thuận (Khoản 1 Điều 4).

c) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật: đường gom, đấu nối, nút giao...

d) Đơn xin phép thi công do chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công đề nghị, nêu rõ: Phạm vi đất dành cho đường bộ và lý trình đường bộ có liên quan; thời gian thi công; bản cam kết tự di chuyển công trình và không đòi bồi thường khi Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng.

e) Phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trong hành lang an toàn đường bộ, kèm theo phương án tổ chức thi công.

4. Thời hạn giải quyết: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với mỗi nội dung chấp thuận thiết kế kỹ thuật và cấp phép đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh. Trường hợp chưa đủ điều kiện chấp thuận thiết kế kỹ thuật hoặc cấp phép, Sở Giao thông Vận tải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân xin chấp thuận, cấp phép thực hiện.

Chương IV

CHẤP THUẬN, CẤP PHÉP XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU, CÔNG TRÌNH TẠM TRÊN PHẠM VI ĐẤT DÀNH CHO ĐƯỜNG BỘ CỦA ĐƯỜNG TỈNH

Điều 6. Trình tự chấp thuận, cấp phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm trên phạm vi đất dành cho đường bộ của đường tỉnh.

1. Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình thiết yếu phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

a) Thẩm quyền xem xét và ban hành văn bản chấp thuận:

- Ủy ban Nhân dân tỉnh: Các dự án nhóm A, nhóm B trên cơ sở Tờ trình (tham mưu, đề xuất) của Sở Giao thông Vận tải.

- Sở Giao thông Vận tải: Các dự án nhóm C và các công trình xây dựng mới, sửa chữa chưa đến mức phải lập dự án.

b) Thành phần hồ sơ gồm:

- Quyết định hoặc văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư.

- Hồ sơ thiết kế sơ bộ của dự án.

- Văn bản xin chấp thuận.

2. Trong trường hợp chủ trương đầu tư bị thu hồi/huỷ thì văn bản chấp thuận của Sở Giao thông Vận tải hết hiệu lực.

3. Trước khi thi công xây dựng, chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công phải lập hồ sơ xin cấp phép thi công gửi đến Sở Giao thông Vận tải.

Điều 7. Quy định về thành phần hồ sơ cấp phép thi công, thời hạn giải quyết.

1. Thành phần hồ sơ cấp giấy phép thi công các công trình thiết yếu gồm:

a) Văn bản chấp thuận (Khoản 1 Điều 6).

b) Đơn xin phép thi công do chủ đầu tư hoặc nhà thầu đề nghị, nêu rõ: Phạm vi đất dành cho đường bộ và lý trình đường bộ có liên quan; thời gian thi công; bản cam kết tự di chuyển công trình và không đòi bồi thường khi Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng.

c) Phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trong hành lang an toàn đường bộ.

d) Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và hồ sơ thiết kế tổ chức thi công đã được cấp có thẩm quyền duyệt.

2. Thành phần hồ sơ cấp phép thi công đối với công trình tạm gồm:

a) Đơn xin phép thi công do chủ đầu tư hoặc nhà thầu đề nghị, nêu rõ: Phạm vi đất dành cho đường bộ và lý trình đường bộ có liên quan; thời gian thi công; bản cam kết tự di chuyển công trình và không đòi bồi thường khi Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành đường bộ có yêu cầu sử dụng.

b) Phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trong hành lang an toàn đường bộ.

c) Các tài liệu liên quan đến công trình xây dựng: Chủ trương đầu tư, nguồn gốc đất đai, qui hoạch được duyệt, qui cách và qui mô công trình.

3. Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý đường có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và trực tiếp chấp thuận hoặc cấp giấy phép thi công. Trường hợp chưa đủ điều kiện chấp thuận hoặc cấp phép thi công, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Giao thông Vận tải (theo phân cấp trên) trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân xin chấp thuận, cấp phép thi công thực hiện.

Chương V

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 8. Quy định về lưu trữ và số lượng hồ sơ.

1. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ chi tiết liên quan đến các nội dung đề nghị cấp phép (kể cả các hồ sơ thuộc thẩm quyền chấp thuận của Ủy ban Nhân dân tỉnh), trường hợp xét thấy cần thiết, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cung cấp các hồ sơ chi tiết kèm theo Tờ trình của Sở.

2. Chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị 02 bộ hồ sơ về các nội dung nêu trên gửi Sở Giao thông Vận tải xem xét.

Điều 9. Quy định về lệ phí.

1. Không thu phí đối với các thoả thuận, chấp thuận liên quan đến việc xây dựng công trình thiết yếu, đấu nối đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh.

2. Lệ phí cấp giấy phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác: Giao Sở Giao thông Vận tải căn cứ các quy định hiện hành, xây dựng mức lệ phí trình Sở Tài chính thẩm định, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét Quyết định riêng.

Điều 10. Quy định về gia hạn cấp phép thi công trên đường tỉnh đang khai thác.

1. Khi thời hạn cấp phép thi công trên đường tỉnh đang khai thác hết hiệu lực mà công trình vẫn chưa hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ gia hạn thời gian thi công, gửi đến Sở Giao thông Vận tải để xem xét.

2. Hồ sơ gia hạn thời gian thi công bao gồm: Báo cáo quá trình thi công, lý do gia hạn, dự kiến thời gian hoàn thành và hồ sơ thiết kế kỹ thuật, tổ chức thi công điều chỉnh (nếu có).

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Hiệu lực thi hành.

1. Những quy định khác liên quan đến trình tự, thủ tục cho phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác được quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ mà không quy định tại quy định này thì thực hiện theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

2. Đối với những công trình, dự án sử dụng, xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đấu nối đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được thoả thuận, chấp thuận, cấp phép thi công thì thực hiện theo các thoả thuận, chấp thuận, cấp phép thi công trước.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành.

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu và thực hiện thoả thuận, chấp thuận, cấp phép theo quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1776/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định trình tự, thủ tục cho phép xây dựng công trình thiết yếu, công trình tạm, đấu nối đường bộ trên phạm vi đất dành cho đường bộ đối với đường tỉnh đang khai thác thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 1776/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/06/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Đỗ Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/06/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 16/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản