Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1762/QĐ-PCTN

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NHỮNG YÊU CẦU CỦA KỸ THUẬT CHUNGVÀ NHẬP KHẨU CÁC THIỆT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ và quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 752/TTg của Thủ tướng Chính phủ (Điều 5a)"giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường bàn với các Bộ quản lý sản xuất để quy định những tiêu chuẩn chung về kỹ thuật, làm cơ sở cho việc hướng dẫn việc nhập khẩu đối với công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị cũ để sản xuất tư liệu sản xuất và hàng hoá tiêu dùng...";
Sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ và Uỷ ban Nhà nước có liên quan;
Xét đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Phát triển công nghệ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định những yêu cầu kỹ thuật chung về nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng.

Điều 2: Quy định này áp dụng cho việc nhập khẩu, đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc, thiết bị cũ để sản xuất tư liêu sản xuất và hàng hoá tiêu dùng. Quy định này không áp dụng đối với các thiết bị được nhập dưới dạng quà biếu, viện trợ không hoàn lại. Đối với một số thiệt bị đặc chủng, các Bộ, ngành sản xuất căn cứ vào quyết dịnh này cụ thể hoá cho từng loại thiết bị chuyên dùng của ngành mình.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 1995.

Những quy định trước đây trái với quy định tại văn bản này đều không có giá trị.

 

 

Đặng Hữu

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

NHỮNG YÊU CẦU KỸ THUẬT CHUNG VỀ NHẬP KHẨU CÁC THIẾT BỊ ĐÃ QUA SỬ DỤNG (THIẾT BỊ TOÀN BỘ VÀ THIẾT BỊ LẺ)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1762/QĐ-PTCN ngày 17/10/1995 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

1- Đối tượng áp dụng:

Đối với doanh nghiệp Việt Nam việc nhập thiết bị, công vụ sản xuất đã qua sử dụng là một phần hoặc toàn bộ của quá trình đầu tư, việc đầu tư phải thực hiện theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định 177/CP ngày 24/10/1994 của Chính phủ). Quyết định số 91/TTg ngày 13/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ, theo các văn bản pháp lý khác có liên quan và theo các quy định tại văn bản này.

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài việc nhập thiết bị công cụ sản xuất đã qua sử dụng là một phần hoặc toàn bộ của quá trình đầu tư thực hiện theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các văn bản pháp lý có liên quan và theo các quy định tại văn bản này.

2- Nguyên tắc chung:

2.1. Bộ, ngành quản lý sản xuất và chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả sử dụng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường đối với việc nhập thiết bị công cụ sản xuất đã qua sử dụng để sản xuất tư liệu sản xuất, sản xuất hàng tiêu dùng, phương tiện vận tải hàng hoá, xe, máy phục vụ thi công xây dựng, cầu đường...

2.2. Trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật (LCKTKT), chủ đầu tư phải so sánh các phương án nhập khẩu công nghệ thiết bị (trong đó có phương án nhập công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng) với trình độ công nghệ, thiết bị của thế giới, khu vực và trong nước.

Đối với thiết bị đã qua sử dụng cần nêu rõ ký mã hiệu, thông số kỹ thuật chủ yếu, công suất, điện áp, năng suất, trình độ thiết bị (tự động, bán tự động, cơ khí...) năm chế tạo, năm thiết bị được đưa vào sử dụng, tên nước và hãng chế tạo, tính năng kỹ thuật chủ yếu của thiết bị, tình trạng chất lượng còn lại (so sánh lúc mới nguyên thuỷ và hiện tại), mức độ hao mòn, tình trạng thiết bị hiện tại (không sử dụng, đang sử dụng, đã tân trang, đã tháo dỡ...), giá thiết bị đã sử dụng và giá thiết bị mới cùng loại.

Đối với thiết bị tuy còn mới nhưng thuộc thế hệ công nghệ lạc hậu so với thế giới trong LCKTKT xin phê duyệt phải phân tích so sánh các phương án công nghệ thiết bị khác nhau, trong đó giải trình rõ lý do nhập loại thế hệ thiết bị này.

2.3. Đối với việc nhập khẩu dây chuyền thiết bị, công cụ sản xuất đã qua sử dụng (và thiết bị thuộc công nghệ lạc hậu) phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật được Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật phê duyệt hoặc cơ quan cấp giấy phép đầu tư phê duyệt, trong đó nêu rõ danh mục thiết bị đã sử dụng. Trong trường hợp văn bản phê duyệt không nêu rõ là thiết bị đã sử dụng thì dây chuyển thiết bị công cụ sản xuất xin nhập phải là thiết bị, công cụ sản xuất mới.

Chủ Đầu tư chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng thiết bị đã sử dụng theo hợp đồng nhập thiết bị và tiêu chuẩn chất lượng thiết bị đã ban hành.

2.4. Kiểm tra Nhà nước đối với việc thực hiện các tiêu chuẩn này được tiến hành theo quy định của Nhà nước.

Chủ Đầu tư có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành kiểm tra, giám định đối với thiết bị đã qua sử dụng.

3- Không được nhập thiết bị đã qua sử dụng đối với các loại thiết bị sau đây (bao gồm cả phụ tùng và linh kiện đã qua sử dụng):

- Thiết bị trong các ngành công nghiệp chế biến dầu khí, các ngành điện lực, dây chuyền sản xuất xi-măng, tuyển quặng, nấu luyện kim loại. Thiết bị trong các ngành sản xuất hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu.

- Thiết bị ở các công đoạn quyết định đến chất lượng sản phẩm trong công nghiệp, chế biến thực phẩm, sản xuất dược phẩm.

- Thiết bị trong các ngành sản xuất yêu cầu độ chính xác cao như các thiết bị đo lường, thí nghiệm, kiểm tra; các thiết bị sử dụng trên mạng lưới bưu chính - viễn thông.

- Các thiết bị yêu cầu độ an toàn cao như nồi hơi, thang máy, điều khiển phản ứng hạt nhân, các thiết bị kiểm tra, điều khiển các hệ thống an toàn.

- Các thiết bị có thể ảnh hưởng tới một khu vực rộng lớn của môi trường như các thiết bị xử lý chất thải, cửa đập nước, thiết bị trong dây chuyền sản xuất ở công đoạn dễ có sự cố gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường.

Tuy tình hình cụ thể, danh mục thiết bị đã qua sử dụng cho phép nhập khẩu có thể được Chính phủ sửa đổi vào kỳ công bố kế hoạch xuất nhập khẩu hàng năm.

4- Một số quy định cụ thể đối với việc nhập thiết bị đã qua sử dụng:

4.1. Năm chế tạo của thiết bị đã qua sử dụng:

Tính đến thời điểm xin nhập, không quá 10 năm đối với thiết bị được chế tạo bởi các nước công nghiệp phát triển (G7), không quá 8 năm đối với các nước công nghiệp mới và các nước khác. Đối với các thiết bị làm việc trong điều kiện nặng nhọc như các máy móc xây dựng, ôtô vận tải, các thiết bị làm việc trong môi trường chịu nhiệt, chịu ăn mòn, thời hạn nêu trên không quá 5 năm.

Năm chế tạo của thiết bị nêu trên có thể được từng Bộ quy định cụ thể cho từng loại thiết bị của ngành sản xuất do Bộ phụ trách, nhưng thời gian từ năm thiết bị được chế tạo đến năm xin nhập tối đa không quá 10 năm, trừ những trường hợp cụ thể, Chính phủ có quyết định khác.

4.2. Chất lượng của thiết bị đã qua sử dụng phải đồng thời đạt các yêu cầu sau đây:

- Tính năng kỹ thuật không thấp hơn 80% so với lúc nguyên thuỷ (công suất, năng suất, lưu lượng v.v...)

- Chất lượng sản phẩm do thiết bị đã sử dụng sản xuất ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hoặc phải thoả mãn tiêu chuẩn Việt Nam bắt buộc áp dụng.

- Chi phí về tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng, dầu bôi trơn không vượt quá 110% so với thiết bị mới cùng loại.

- Độ mài mòn (hoặc bị ăn mòn) của các bộ phận làm việc chủ yếu không quá 20% so với tổng giá trị mài mòn (hoặc bị ăn mòn) cho phép.

- Thiết bị phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn lao động và vệ sinh môi trường của Việt Nam.

- Thiết bị phải được tân trang, đảm bảo chất lượng và mỹ quan công nghiệp.

Trên cơ sở các yêu cầu như trên, các Bộ, ngành quản lý sản xuất sẽ quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu thuộc phạm vi mình phụ trách.

4.3. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hợp đồng hợp tác kinh doanh với nước ngoài (trừ trường hợp đầu tư vào các khu chế xuất) không được nhập dây chuyền thiết bị đã sử dụng được tháo dỡ từ các nước đang phát triển, các nước công nghiệp mới và các nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Việc nhập dây chuyền thiết bị đã sử dụng tại các nước công nghiệp phát triển phải tuân theo các quy định tại văn bản này.

4.4. Đối với một số dự án đầu tư nước ngoài: thiết bị cần vốn đầu tư lớn như máy bay, thiết bị có tuổi thọ dài như tàu vận tải biển và dự án giải quyết được nhiều việc làm, việc nhập thiết bị đã qua sử dụng sẽ được các cơ quan Nhà nước xem xét cụ thể theo các quy định của Nhà nước và quy định tại văn bản này.

5- Hợp đồng nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng.

Hợp đồng nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải tuân theo đúng quy định của Bộ Thương mại về việc ký kết và quản lý hợp đồng mua bán ngoại thương. Hợp đồng nhập thiết bị đã qua sử dụng phải được xây dựng trên cơ sở kết luật, đánh giá của chủ đầu tư và của Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra trong hợp đồng phải lưu ý nêu rõ phần thuyết minh kỹ thuật:

Tên thiết bị, công dụng, ký mã hiệu, tính năng kỹ thuật, nước sản xuất, năm chế tạo, các thông số kỹ thuật, tiêu hao nhiên liên, năng lượng, hiệu suất, năng suất, mức độ mài mòn của thiết bị, các chỉ tiêu cụ thể về tình trạng chất lượng của thiết bị. (Bao gồm các chỉ tiêu về an toàn, các chỉ tiêu về chất thải và vệ sinh công nghiệp, các tính năng về công dụng...) kèm theo lý lịch máy móc thiết bị có nêu rõ số lần sửa chữa lớn, chất lượng sau khi sửa chữa...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1762/QĐ-PCTN năm 1995 Quy định những yêu cầu kỹ thuật chung về nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng do Bộ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường ban hành

  • Số hiệu: 1762/QĐ-PCTN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/10/1995
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Người ký: Đặng Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản