Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1758/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 8 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG AO, HỒ NHỎ PHỤC VỤ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung, sửa đổi một số tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ Bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT ngày 07/8/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 1457/QĐ-UBND ngày 05/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 175/TTr-KHĐT-KTN ngày 22/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Đối tượng, phạm vi áp dụng.

1. Đối tượng áp dụng: Các nhóm hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại (gọi chung là đối tượng hưởng lợi) thực hiện xây dựng ao, hồ nhỏ để cung cấp nước tưới cho cây trồng cạn, phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

2. Phạm vi áp dụng: Các xã trên địa bàn toàn tỉnh.

II. Mục tiêu.

1. Mục tiêu tổng quát:

a) Phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ nhằm chủ động công tác tưới, giải quyết tình trạng thiếu nước, khắc phục hạn hán, tăng năng suất cây trồng, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc tưới tiết kiệm, giữ gìn nguồn nước và bảo vệ công trình thủy lợi.

b) Huy động các nguồn lực đầu tư từ nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác và hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng mới, nạo vét, nâng cấp sửa chữa các ao, hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

c) Xây dựng hệ thống ao, hồ nhỏ trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa theo phương thức "nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ" có suất đầu tư thấp, hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2020, phát triển được 5.581 ao, hồ nhỏ tương ứng với 558,10 ha diện tích mặt nước, phục vụ tưới cho 8.371,50 ha/236.972 ha diện tích cần tưới toàn tỉnh, tỷ lệ tưới tăng thêm 3,53%.

b) Phấn đấu góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có trên 65% diện tích gieo trồng được tưới và hoàn thành tiêu chí về thủy lợi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

III. Phương thức, quy mô, tiêu chí và cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng.

Đào ao, hồ nhỏ là giải pháp thủy lợi để tích trữ nguồn nước về ao, hồ nhằm tạo nguồn và dùng động lực để bơm tưới cho cây trồng. Ao, hồ nhỏ là công trình thủy lợi đơn giản, dung tích và diện tích phục vụ tưới nhỏ không có khả năng điều tiết cũng như cắt giảm lũ, được xây dựng tại các vị trí có nguồn sinh thủy (mạch ngầm, lưu vực, thềm suối...) do nhân dân tự làm hoặc nhân dân làm nhà nước hỗ trợ công trình.

1. Phương thức thực hiện, quy mô, tiêu chí hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ:

a) Phương thức thực hiện “nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy”: Các đối tượng hưởng lợi đóng góp công sức, kinh phí, đất đai để đào ao, hồ (không tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng), tự duy tu, bảo dưỡng công trình trong quá trình khai thác sử dụng; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ca máy để thực hiện đào ao, hồ.

b) Quy mô ao, hồ:

- Mỗi ao, hồ nhỏ phải có diện tích tối thiểu 500 m2; dung tích tối thiểu 1.500m3; đảm bảo cung cấp nước phục vụ tưới, chống hạn cho tối thiểu 03 hộ dân hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại.

- Hệ số mái đào ao, hồ tùy thuộc vào địa chất; đối với địa chất tương đối tốt hệ số mái tối thiểu m = 0,5, tại khu vực có địa chất yếu hệ số mái có thể thay đổi cho phù hợp.

- Đối với ao, hồ có chiều sâu đào từ 3m đến 5m phải bố trí đường cơ để đảm bảo an toàn cho người và chống trượt mái.

c) Tiêu chí thực hiện đào ao, hồ nhỏ:

- Có quy mô đáp ứng quy định tại điểm b, khoản 1, mục III nêu trên.

- Ao, hồ phải được xây dựng tại nơi có mạch nước ngầm, khe lạch, nơi tụ thủy, có lưu vực để đảm bảo nguồn nước về ao, hồ.

- Ưu tiên đào ao, hồ ở những vùng không có công trình thủy lợi, cách xa sông suối lớn. Hình dạng ao, hồ tùy thuộc vào địa hình và khu đất để đào cho hợp lý, không quy định cụ thể nhưng phải đáp ứng được điều kiện về diện tích ao, hồ dung tích trữ nước theo quy định.

- Có giải pháp chống bồi lắng; hàng rào bảo vệ quanh hồ, biển báo độ sâu để cảnh báo nguy hiểm.

- Các đối tượng hưởng lợi tự tổ chức thi công công trình; tự quản lý vận hành công trình sau đầu tư; có phương án chia sẻ nguồn nước tưới trong các đối tượng hưởng lợi để phục vụ sản xuất.

d) Về quỹ đất đào ao, hồ:

- Các đối tượng hưởng lợi góp đất để đào ao, hồ (không tính toán đền bù, giải phóng mặt bằng).

- Đất công do UBND xã quản lý.

2. Cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng:

a) Đối với ao, hồ nhỏ thực hiện tại xã đặc biệt khó khăn, xã 30a, thôn nghèo, xã nghèo: ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% giá trị ca máy đào.

b) Đối với ao, hồ nhỏ thực hiện tại các xã, thôn còn lại (trừ các đối tượng điểm a, khoản 2, mục III nêu trên): ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% giá trị ca máy đào.

Giao UBND cấp huyện căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống và khả năng đóng góp của cộng đồng dân cư ở các khu vực trên địa bàn để quyết định mức hỗ trợ cụ thể, nhưng không quá mức hỗ trợ tối đa theo quy định nêu trên.

3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ:

a) Đơn xin phép đào ao, hồ (đại diện đối tượng hưởng lợi ký tên).

b) Biên bản cam kết sử dụng chung nguồn nước giữa các đối tượng hưởng lợi (được UBND cấp xã và Ban nhân dân thôn xác nhận).

c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản phô tô có chứng thực) kèm theo họa đồ xác định vị trí đào ao, hồ, có xác nhận vị trí của địa chính xã trên bản đồ giải thửa; trường hợp vị trí đào ao, hồ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc là đất công...thì phải có xác nhận của UBND xã về nguồn gốc đất và được sự đồng ý cho phép của đơn vị đang quản lý sử dụng.

d) Biên bản xác minh hiện trạng, vị trí ao, hồ dự kiến đào gồm có đại diện các đối tượng hưởng lợi, thôn, xã.

đ) Quy mô đào ao, hồ; dự kiến kinh phí xin hỗ trợ đào ao, hồ.

IV. Quy trình lập kế hoạch, quyết định đầu tư, thực hiện và duy tu bảo dưỡng công trình.

1. Quy trình lập kế hoạch đào ao, hồ nhỏ:

a) Nguyên tắc lập kế hoạch:

- Công tác lập kế hoạch phát triển hệ thống ao, hồ phải tiến hành theo trình tự cụ thể đi từ dưới lên trên; gắn đầu tư xây dựng mới với duy tu bảo dưỡng, nạo vét, nâng cấp hệ thống ao, hồ hiện có để tiết kiệm chi phí đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại từng địa phương.

- Việc lập kế hoạch đào ao, hồ được phải phù hợp với định hướng, cơ cấu cây trồng của từng địa phương, tránh trường hợp đầu tư không đúng mục đích, không mang lại hiệu quả.

b) Xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án:

- UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đầu tư phát triển đào ao, hồ nhỏ của tỉnh; tổ chức họp dân; công bố mức hỗ trợ của Nhà nước và mức đóng góp của nhân dân trong xã.

- UBND cấp huyện tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu đào ao, hồ nhỏ tại địa phương để xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ của địa phương đến năm 2020 làm cơ sở tổ chức thực hiện (việc xây dựng kế hoạch thực hiện phải lấy ý kiến của xã và ý kiến của nhân dân).

c) Các bước lập, phê duyệt kế hoạch hàng năm:

- Các đối tượng hưởng lợi căn cứ nhu cầu, khả năng đóng góp để thống nhất phương án đào ao hồ (có biên bản cam kết của cộng đồng dân cư hoặc các đối tượng hưởng lợi), lập hồ sơ, dự toán chi tiết công trình (thiết kế, dự toán mẫu do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn) gửi UBND xã.

- UBND xã tổng hợp kế hoạch thực hiện trên địa bàn toàn xã và dự toán chi tiết từng công trình, trình UBND cấp huyện trước ngày 30/6 hàng năm.

- UBND huyện thẩm định và phê duyệt kế hoạch hàng năm của toàn huyện, đồng thời gửi các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn.

2. Phân bổ nguồn vốn: Hàng năm, UBND tỉnh căn cứ nguồn vốn Trung ương giao, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác, phân bổ vốn thực hiện Đề án cho các địa phương; UBND cấp huyện cân đối nhu cầu, nguồn kinh phí được phân bổ để bố trí vốn thực hiện công trình theo thứ tự ưu tiên.

3. Quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện:

a) Cấp quyết định đầu tư: UBND xã là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán công trình (dự toán được lập theo hướng đơn giản hóa, theo mẫu thống nhất do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn).

UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ định cơ quan chuyên môn trực thuộc của huyện hỗ trợ UBND cấp xã trong công tác thẩm định.

b) Chủ đầu tư: Các đối tượng hưởng lợi từ công trình.

c) Thực hiện đầu tư xây dựng:

- Thi công công trình: Giao cho cộng đồng dân cư hoặc các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ công trình tự tổ chức thực hiện. Trường hợp cộng đồng dân cư hoặc các đối tượng hưởng lợi không có khả năng hoặc không có điều kiện thực hiện thì xem xét lựa chọn nhóm thợ hoặc cá nhân trong xã, thôn, xóm có đủ năng lực để thực hiện nhưng phải được sự thống nhất của cộng đồng dân cư.

- Thực hiện giám sát cộng đồng trong quá trình đầu tư xây dựng: UBND cấp xã thành lập Ban Giám sát cộng đồng với sự tham gia của đại diện HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, đại diện cộng đồng dân cư hưởng lợi. Ban giám sát cộng đồng thực hiện công việc theo quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04/12/2006 của liên bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 26/20011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2001 của liên bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

- Nghiệm thu, bàn giao công trình: Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng (thành phần nghiệm thu gồm chủ đầu tư và Ban giám sát cộng đồng).

- Thanh toán, quyết toán công trình hoàn thành: Chủ đầu tư lập hồ sơ thanh toán, quyết toán, bao gồm: Quyết định phê duyệt dự toán công trình, Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (có kèm theo ảnh chụp ao, hồ trước và sau khi hoàn thành), hợp đồng xây dựng (đối với trường hợp thuê các nhóm thợ, cá nhân, thuê máy móc thiết bị) và các hóa đơn, chứng từ có liên quan (nếu có) gửi về UBND xã để thanh toán, quyết toán theo hướng dẫn của Sở Tài chính.

4. Quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng: Sau khi nghiệm thu, UBND xã bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình cho các đối tượng hưởng lợi có trách nhiệm quản lý sử dụng và bảo trì; UBND xã có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đối tượng hưởng lợi huy động nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng công trình.

V. Tổng hợp nhu cầu và kinh phí thực hiện:

1. Nhu cầu thực hiện giai đoạn 2016-2020: Thực hiện đào 5.581 ao, hồ nhỏ; cụ thể:

- Năm 2016: 1.143 ao, hồ nhỏ;

- Năm 2017: 1.164 ao, hồ nhỏ;

- Năm 2018: 1.148 ao, hồ nhỏ;

- Năm 2019: 1.016 ao, hồ nhỏ;

- Năm 2020: 1.110 ao, hồ nhỏ.

2.  Kinh phí thực hiện: tổng nguồn vốn 125.572 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Nhà nước: 62.786 triệu đồng (chiếm 50%);

- Vốn huy động của nhân dân: 62.786 triệu đồng (chiếm 50%).

Chi tiết tại Phụ lục I, II đính kèm.

3. Nguồn vốn:

a) Ngân sách nhà nước: từ nguồn vốn đầu tư hàng năm để thực hiện chương nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 (ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác.

b) Huy động nhân dân: vốn đóng góp của các đối tượng hưởng lợi, đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng nơi, có các hình thức huy động phù hợp như: đóng góp bằng ngày công lao động; đóng góp bằng tiền; đóng góp đất để đào ao, hồ; việc đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai).

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực và điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương:

a) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung của Đề án.

b) Tổ chức tập huấn cho các địa phương về xác định quy mô kỹ thuật, các tiêu chuẩn thiết kế, quy trình quản lý chất lượng kỹ thuật, quản lý bảo trì đối với hệ thống ao, hồ nhỏ; hướng dẫn mẫu các loại hồ sơ theo hướng đơn giản hóa, bao gồm: Hướng dẫn hồ sơ đào ao, hồ, dự toán ca máy đào, tờ trình thẩm định, quyết định phê duyệt dự toán, hồ sơ nghiệm thu bàn giao công trình đưa vào sử dụng.

c) Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương; chủ động đề xuất điều chỉnh cơ cấu đầu tư, các cơ chế chính sách và giải pháp phù hợp điều kiện thực tiễn.

d) Định kỳ 06 tháng và trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện; đồng thời tham mưu UBND tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn để thực hiện Đề án.

b) Tham mưu UBND tỉnh lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện Đề án.

3. Sở Tài chính: Hướng dẫn các địa phương lập thủ tục thanh toán, quyết toán đối với việc thi công công trình theo quy định.

4. Hội Nông dân tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong hội viên nông dân về chủ trương, chính sách này; tích cực vận động và giúp nông dân hợp tác cùng tham gia xây dựng ao hồ nhỏ theo cơ chế nêu trên; phát động phong trào thi đua nông dân hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất nông nghiệp và nhân rộng những điển hình tiên tiến.

5. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án trên địa bàn tỉnh.

6. UBND cấp huyện:

a) Chỉ đạo UBND các xã tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu đào ao, hồ nhỏ, lập danh mục đầu tư công trình và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án tại địa phương.

b) Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND các xã trong quá trình tổ chức thực hiện.

c) Chủ động lồng ghép, bố trí vốn từ ngân sách huyện và các chương trình, dự án khác tại địa phương để thực hiện Đề án;

d) Huy động vốn đầu tư từ cộng đồng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn vốn hợp pháp từ nước ngoài tham gia thực hiện Đề án.

đ) Thực hiện kiểm tra, giám sát, có hình thức động viên khen thưởng kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia phát triển ao, hồ nhỏ tại địa phương.

e) Báo cáo UBND tỉnh tiến độ thực hiện Đề án thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất những khó khăn, vướng mắc, bất cập (nếu có) để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

7. UBND cấp xã:

a) Lập kế hoạch, tổng hợp số lượng đào ao, hồ nhỏ hàng năm tại xã, triển khai lấy ý kiến của cộng đồng dân cư để báo cáo UBND cấp huyện.

b) Phê duyệt dự toán đối với đào ao, hồ nhỏ thực hiện theo phương thức “nhân dân làm công trình, nhà nước hỗ trợ ca máy”.

c) Chỉ đạo Ban quản lý cấp xã, kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng đào ao, hồ nhỏ.

d) Hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng hương ước, quy ước của thôn xóm để thống nhất vận động nhân dân vùng hưởng lợi tự thực hiện việc giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, hiến đất hoặc đóng góp đất khi đầu tư xây dựng công trình.

đ) Định kỳ công khai kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư phát triển đào ao, hồ nhỏ trên địa bàn để nhân dân biết, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia quản lý, giám sát.

8. Cộng đồng dân cư hoặc các đối tượng hưởng lợi: Đề xuất nhu cầu, thỏa thuận phương án triển khai thực hiện, thực hiện giám sát cộng đồng; thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành và khai thác công trình đạt hiệu quả.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐVP;
- Lưu VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

PHỤ LỤC I:

TỔNG HỢP NHU CẦU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG AO, HỒ NHỎ TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016-2020.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1758/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 của UBND tỉnh)

TT

Địa phương

Thời gian thực hiện đầu tư

Tổng cộng

2016

2017

2018

2019

2020

Cái

Khối lượng (103m3)

Cái

Khối lượng (103m3)

Cái

Khối lượng (103 m3)

Cái

Khối lượng (103m3)

Cái

Khối lượng (103m3)

Cái

Khối lượng (103m3)

1

Đà Lạt

70

105

75

113

75

113

75

113

120

180

415

624

2

Đức Trọng

91

137

94

141

94

141

94

141

130

195

503

755

3

Đơn Dương

50

75

60

90

60

90

60

90

80

120

310

465

4

Lâm Hà

180

270

180

270

100

150

100

150

70

105

630

945

5

Đam Rông

160

240

150

225

155

233

145

218

120

180

730

1.096

6

Lạc Dương

25

38

26

39

23

35

23

35

24

36

121

183

7

Di Linh

150

225

160

240

170

255

190

285

180

270

850

1.275

8

Bảo Lâm

70

105

70

105

70

105

35

53

100

150

345

518

9

Bảo Lộc

50

75

50

75

50

75

50

75

50

75

250

375

10

Đạ Huoai

27

41

38

57

30

45

23

35

16

24

134

202

11

ĐạTẻh

60

90

71

107

71

107

71

107

60

90

333

501

12

Cát Tiên

210

315

190

285

250

375

150

225

160

240

960

1.440

 

Tổng

1.143

1.715

1.164

1.746

1.148

1.722

1.016

1.524

1.110

1.665

5.581

8.379

 

PHỤ LỤC II:

NGUỒN VỐN THỰC HIỆN VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Cộng

Ao, hồ (cái)

1.143

1.164

1.148

1.016

1.110

5.581

Nhà nước hỗ trợ (triệu đồng)

12.856

13.095

12.915

11.430

12.490

62.786

Nhân dân đóng góp (triệu đồng)

12.856

13.095

12.915

11.430

12.490

62.786

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1758/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

  • Số hiệu: 1758/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản