Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 175/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT QUẬN THANH XUÂN, TỶ LỆ: 1/2000 (PHẦN QUY HOẠCH HỆ THỐNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT).

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch Đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định lập các đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị;
Căn cứ Quyết định số 112/1999/QĐ-UB ngày 28/12/1999 của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân tỉ lệ 1/2000 (phần Quy hoạch sử dụng đất và qui hoạch giao thông).
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại tờ trình số 2326/TTr-QHKT, ngày 04 tháng 11 năm 2004.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân – tỷ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà nội lập với các nội dung chủ yếu như sau :

1. Vị trí và quy mô :

1.1- Vị trí :

+ Phía Bắc giáp quận Đống Đa và quận Cầu Giấy.

+ Phía Đông giáp quận Hai Bà Trưng.

+ Phía Nam giáp huyện Thanh Trì.

+ Phía Tây giáp huyện Từ Liêm và Thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây.

1.2- Quy mô :

+ Tổng diện tích : 913,2 ha.

+ Dân số theo quy hoạch đến năm 2020 : 135.000người.

2. Mục tiêu :

- Cụ thể hóa Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998.

- Xác lập quy hoạch chi tiết các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm: thoát nước mưa, cấp nước, thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường, cấp điện & thông tin bưu điện làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật  trên địa bàn.

- Xác định các dự án xây dựng đợt đầu để định hướng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý đất đai và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn.

3. Các chỉ tiêu tính toán :

3.1. Chuẩn bị kỹ thuật (San nền và thoát nước mưa)

- Hệ thống cống thoát nước mưa được thiết kế theo phương pháp cường độ giới hạn với P=2 năm đối với đường cống, P=5 năm đối với hệ thống mương.

- Nền được thiết kế đảm bảo việc tổ chức hệ thống thoát nước mưa phù hợp với qui hoạch chung về thoát nước, đáp ứng các tiêu chuẩn qui phạm, hoạt động có hiệu quả, khối lượng san đắp nền tối thiểu đồng thời đảm bảo khu vực thiết kế không bị úng ngập.

3.2. Cấp nước:

- Tiêu chuẩn nước cấp cho sinh hoạt: 200l/người ngày.

- Các nhu cầu khác tính theo quy hoạch chung.

3.3. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:

- Lượng nước bẩn cần xử lý được tính toán tương ứng theo tiêu chuẩn cấp nước.

- Hệ thống thoát nước bẩn cơ bản tách riêng khỏi hệ thống thoát nước mưa.

- Rác thải sinh hoạt dự tính đến năm 2020: khoảng 1,2 kg/ người ngày.

3.4. Cấp điện và Thông tin bưu điện

* Cấp điện:

- Chiếu sáng sinh hoạt: 700w/người

- Công cộng, cơ quan: 50w/m2sàn

* Thông tin bưu điện: 44 -50 máy/100 dân.

4. Nội dung quy hoạch chi tiết các hệ thống hạ tầng kỹ thuật :

4.1. Quy hoạch san nền và thoát nước mưa :

a- San nền:

Tại các khu vực xây dựng mới, nền được san, tạo mái dốc với độ dốc i= 0,004-0,005 ra các tuyến đường có bố trí hệ thống thoát nước mưa và phù hợp với cao độ khống chế tại tim đường.

Đối với các khu vực đã xây dựng, các làng xóm cũ không có điều kiện tôn nền sẽ cơ bản giữ nguyên cao độ nền hiện tại chỉ san đắp cục bộ cho các ô trũng trong khu vực.

Khắc phục tình trạng chênh cao độ giữa khu mới với khu cũ bằng các biện pháp :

+ Các khu xây dựng mới không được tổ chức mái dốc xuôi về phía các khu vực cũ.

+ Tạo khu vực chuyển tiếp cao độ và bố trí các tuyến thoát nước nằm tiếp giáp giữa khu mới và khu cũ tạo điều kiện để khu vực cũ  xây dựng cống thoát ra được thuận lợi.

+ Tại khu vực cũ có thể xây dựng cống hộp, rãnh đậy nắp đan thay thế cống tròn để giảm chiều cao lớp đất trên cống.

+ Trường hợp đặc biệt nền khu cũ quá thấp có thể xây dựng trạm bơm cục bộ.

 Cao độ nền thiết kế : - Thấp nhất : +5,90m

 - Cao nhất : ³+ 6,80m

 - Trung bình: + 6,30m

b- Thoát nước mưa:

Xây dựng hệ thống thoát nước mưa hoàn chỉnh phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hướng thoát chính ra sông Tô Lịch và sông Lừ (khoảng 76% diện tích lưu vực), ra  sông Nhuệ (khoảng 24% diện tích lưu vực).

Địa bàn quận Thanh Xuân được chia thành 3 lưu vực thoát nước chính như sau :

+ Lưu vực 1: Bao gồm phần phía Đông và phía Bắc địa bàn quận, diện tích khoảng 697 ha (chiếm khoảng 76% diện tích) thoát ra sông Tô Lịch và sông Lừ để chảy về hồ Yên Sở và được bơm ra sông Hồng, trường hợp mực nước sông Nhuệ thấp sẽ thoát tự chảy ra sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.

+ Lưu vực 2: Khu vực dọc 2 bên đường Láng Hạ- Thanh Xuân và khu vực giáp với huyện Từ Liêm với diện tích khoảng 158ha được thoát vào tuyến cống bản 3x(3,3mx 2,8m) dọc đường Láng Hạ- Thanh Xuân và hệ thống thoát nước khu vực hồ Mễ Trì (thuộc huyện Từ Liêm), thoát về trạm bơm Trung Văn và ra sông Nhuệ.

+ Lưu vực 3: Khu vực phía Nam đường Nguyễn Trãi và phía Tây đường vành đai 3 giáp ranh với huyện Thanh Trì có diện tích khoảng 58ha. Cống thoát nước mưa sẽ được đấu nối và thoát theo hệ thống thoát nước mưa của huyện Thanh Trì để về trạm bơm Cầu Bươu ra sông Nhuệ.

- Các trục tiêu thoát nước chính bao gồm:

+ Sông Tô Lịch: Bđáy=20m, Bmặt = 40 ¸ 45m, Hđáy = +1,50 ¸ +2,0m.

+ Sông Lừ: Bđáy = 6 ¸ 8m, Bmặt = 22¸ 28m, Hđáy = +1,50 ¸ +2,0m.

+ Cống Mễ Trì - Hoà Mục: cống bản 3x(3,3mx2,8m).

- Các hồ điều hoà thoát nước chính: hồ Đầm Hồng, hồ Nhân Chính, hồ Hạ Đình, Khương Hạ, Phương Liệt1, 2 được nạo vét và đào mới với tổng diện tích khoảng 36,5 ha. Từ hồ điều hoà có hệ thống cống và kênh thoát nước nối với sông tiêu thoát nước chính của Thành phố. Trong các làng xóm cũ tận dụng tối đa các ao, đầm hiện có (diện tích từ 1000m2 trở lên) nhằm tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thoát nước cho khu vực này.

-  Mạng lưới hệ thống cống, rãnh thoát nước:

+ Xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa D600¸ D2000 mm dọc theo đường qui hoạch và trong các khu vực xây dựng mới, hình thành các trục cống chính thoát nước mưa. Tại các khu vực đã có dự án, hệ thống thoát nước cũng như hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác sẽ thực hiện theo dự án riêng được duyệt.

+ Tại các khu vực đã xây dựng, làng xóm cũ tận dụng tối đa hệ thống hiện có và xây dựng bổ xung thêm để hoàn chỉnh hệ thống đáp ứng yêu cầu thoát nước. Xây dựng cống hộp hoặc rãnh xây đậy nắp đan với các kích thước B=0,30¸1,20m và H= 0,50¸1,20m, phù hợp với yêu cầu thực tế tại từng khu vực.

+ Ngoài các tuyến cống chính đặt dọc theo đường qui hoạch, trong từng khu vực sẽ đặt thêm hệ thống cống nhánh thoát ra, đảm bảo mặt độ cống bình quân khoảng 80m ¸ 90m/ ha.

4.2. Quy hoạch cấp nước :

Nhu cầu dùng nước:

Tổng lượng nước tính toán trung bình Qtrungbìnbngày = 51.088 m3/ngày

Tổng lượng nước tính toán cao nhất Qcao nhấtngày = 79.288 m3/ngày

Nguồn nước:

Nguồn nước cấp cho quận Thanh Xuân từ các nhà máy nước Hạ Đình, Mai Dịch, Pháp Vân và nguồn nước bổ xung từ nhà máy nước Sông Đà thông qua mạng lưới ống truyền dẫn của Thành phố.

Mạng lưới đường ống:

- Mạng ống truyền dẫn: Ngoài các đường ống D600mm, D400mm, D300mm dọc theo đường Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng … hiện có được giữ lại để sử dụng lâu dài, sẽ xây dựng thêm một số tuyến ống truyền dẫn D300¸800mm dọc theo đường Vành đai 3, Đường Láng Hạ -Thanh Xuân... Các đường ống truyền dẫn này được xây dựng theo Điều chỉnh quy hoạch chung và Qui hoạch hệ thống cấp nước thành phố Hà nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được bổ xung thêm trong qui hoạch chi tiết này, hình thành hệ thống hoàn chỉnh đảm bảo cung cấp nước cho toàn bộ khu vực quận.

- Mạng ống phân phối chính: Các tuyến ống phân phối chính có đường kính  D100¸200mm đặt theo hệ thống đường trên cơ sở nhu cầu dùng nước của khu vực (số lượng người và các công trình xây dựng của từng ô qui hoạch).

- Họng cấp nước chữa cháy: Trên đường ống truyền dẫn và phân phối chính có bố trí các họng cấp nước chữa cháy với khoảng cách theo các quy định hiện hành.

4.3. Quy hoạch Thoát nước bẩn và Vệ sinh môi trường:

a. Thoát nước bẩn:

- Xây dựng hệ thống thoát nước bẩn riêng phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở phân vùng thoát nước và mạng lưới chung của khu vực.

- Phần lớn diện tích quận Thanh Xuân (từ đường Láng Hạ- Thanh Xuân, Láng, Trường Chinh về phía Nam) có diện tích khoảng 818ha được thoát về trạm xử lý nước thải Yên Xá (công suất khoảng 148.000 m3/ng.đêm được xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì). Khu vực phía Tây Bắc quận (phía Tây Bắc đường Láng Hạ- Thanh Xuân) diện tích khoảng 62 ha được kết hợp với hệ thống thoát nước bẩn quận Cầu Giấy thoát về trạm xử lý Phú Đô. Khu vực phía Đông sông Lừ (thuộc phường Phương Liệt) diện tích khoảng 33ha được kết hợp với hệ thống thoát nước bẩn quận Hoàng Mai và thoát về trạm xử lý Yên Sở.

- Xây dựng hệ thống cống nước bẩn có đường kính D300¸1100mm đặt dọc theo hệ thống đường  đảm bảo việc thu và dẫn nước bẩn tới các trạm bơm chuyển bậc để được bơm về các trạm xử lý. Trên địa bàn quận bố trí 3 trạm bơm chuyển bậc tại các khu vực trồng cây xanh, đảm bảo chiều sâu đặt cống tối đa 5¸ 7m.

- Hệ thống cống thoát nước bẩn được thoát ra 3 trạm bơm chính xây dựng trên địa bàn quận (TB2, TB3, TB4) và các trạm bơm khác được xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, quận Cầu Giấy (TB1, TB5, TB8, TB6, TB10). Trong đó, trạm bơm TB2 giải quyết chủ yếu cho địa bàn quận Đống Đa và xây dựng tại vị trí dự kiến trong khu vực sân bay Bạch Mai (vị trí mà Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hà Nội do JICA nghiên cứu dự kiến xây dựng trạm xử lý nước thải).

* Hướng giải quyết thoát nước bẩn đối với từng khu vực :

- Khu vực xây dựng mới : Xây dựng hệ thống cống riêng về trạm xử lý phù hợp với hệ thống thoát nước bẩn của khu vực. Các khu vực có dự án riêng sẽ thực thi theo dự án được duyệt.

- Khu vực đã xây dựng : Trước mắt sử dụng hệ thống cống nửa chung, nửa riêng. Nước thải được xử lý qua bể bán tự hoại, tạm thoát vào hệ thống thoát nước mưa, sau này sẽ xây dựng cống tách nước bẩn đưa về trạm xử lý. 

b. Vệ sinh môi trường :

Thu gom rác sẽ do đơn vị chuyên ngành đảm nhiệm thông qua hợp đồng. Để thuận tiện trong thu gom, vận chuyển và tái sử dụng cần tiến hành phân loại rác ngay từ nơi thải ra.

- Đối với các nhà ở cao tầng xây dựng hệ thống thu gom rác từ trên cao xuống bể rác.

- Đối với  nhà ở thấp tầng giải quyết rác theo 2 phương thức:

+ Đặt các thùng rác tại các khu vực đất trống, bán kính phục vụ không quá 100m.

+ Xe của đơn vị thu gom rác theo giờ cố định, các hộ dân trực tiếp đổ rác vào xe.

- Đối khu vực làng xóm trước mắt vẫn sử dụng xe đẩy tay đi sâu vào các ngõ nhỏ để thu gom  rác thải, sau này sẽ cơ giới hóa từng bước việc thu gom theo điều kiện phát triển đường xá của khu vực.

- Đối với các trung tâm thương mại, dịch vụ, công cộng phải đặt các thùng rác theo quy định.

4.4. Quy hoạch cấp điện và thông tin bưu điện :

a. Cấp điện :

Dự báo phụ tải đến năm 2020 khoảng 155,86 MW.

Trong đó:

+ Sinh hoạt, chiếu sáng: khoảng 66,14 MW

+ Công cộng dịch vụ, thương mại: khoảng 38,72 MW

+ Công nghiệp: 51 MW

Nguồn cấp điện: Từ các trạm trung gian 110KV Thượng Đình, Thanh Xuân, Phương Liệt (trong đó trạm trung gian Thượng Đình cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu). Việc nâng công suất các trạm trung gian này sẽ được thực hiện theo qui hoạch cải tạo và phát triển lưới điện Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lưới trung thế tương lai sử dụng cấp điện áp 22 KV thống nhất với lưới điện chung của Thành phố.

- Đối với khu vực xây mới: Các tuyến trung thế xây mới sử dụng cáp ngầm 22KV (các đường cáp trục chính có tiết diện ³ 240mm2). Thiết kế mạch vòng vận hành hở đảm bảo các trạm 22/0,4KV hoạt động được ổn định.

Trạm hạ thế 22/0,4KV là trạm kín đặt riêng hoặc trong công trình, lưới hạ thế đi ngầm. Khu vực đã có dự án sẽ thực thi theo dự án được duyệt.

- Đối với khu vực đã xây dựng : Cải tạo, thay thế dần các tuyến dây nổi 35,10(6)KV hiện có sang sử dụng cáp ngầm 22KV theo kế hoạch cải tạo của ngành điện. Các trạm biến áp treo hiện có được thay dần sang trạm xây hoặc trạm kios. Các trạm hạ thế xây dựng mới sử dụng kiểu trạm xây, kios hoặc một cột. Lưới hạ thế dây trần được cải tạo thành  cáp nổi vặn xoắn hoặc cáp ngầm.

b. Thông tin - Bưu điện

Phục vụ các thuê bao của quận Thanh Xuân chủ yếu là tổng đài điều khiển Thượng Đình 89.000 số (cải tạo trên cơ sở tổng đài Thượng Đình hiện nay) và xây dựng thêm 9 tổng đài vệ tinh với dung lượng 5000 ¸ 7000 số/tổng đài.

Các tổng đài điều khiển và tổng đài vệ tinh được liên hệ với nhau bằng mạng cáp quang, hình thành mạng vòng truyền dẫn có tốc độ cao.

+  Từ tổng đài vệ tinh sẽ xây dựng mạng thông tin gồm mạng cáp gốc đi ngầm đến các tủ cáp của từng khu vực. Khu vực đã có dự án sẽ thực hiện theo dự án được duyệt. Toàn bộ mạng lưới bưu điện (cáp quang, cáp gốc, thuê bao) dự kiến hạ ngầm theo qui hoạch đảm bảo mỹ quan.

+ Đối với khu vực đã xây dựng, hệ thống thông tin sẽ được cải tạo phù hợp nhằm phục vụ tốt cho các thuê bao và đảm bảo mỹ quan.

+ Trong khu vực quận sẽ xây dựng các bưu cục, dịch vụ bưu điện kết hợp tại tổng đài và trong công trình công cộng của khu vực để đảm bảo bán kính phục vụ hợp lý.

4.5. Quy hoạch hệ thống hào và tuynel kỹ thuật :

- Trên các tuyến đường xây dựng mới, từ cấp phân khu vực trở lên, xây dựng các tuyến hào hoặc tuynel kỹ thuật dọc và ngang đường để bố trí các đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật. Các đường dây, đường ống bố trí trong hào, tuynel kỹ thuật bao gồm : các đường cáp điện, các đường cáp bưu điện và thông tin liên lạc, các đường ống phân phối cấp nước. Đối với các đường phố có bề rộng từ 50m trở lên có thể bố trí hào tuynel kỹ thuật 2 bên đường.

5. Quy hoạch xây dựng đợt đầu:

- Khu vực xây dựng đợt đầu là khu vực đã và đang phát triển và vùng phía Tây Bắc và phía Nam quận, có các dự án  khu đô thị mới đang và sẽ được thực hiện gồm : Khu đô thị mới Hạ Đình, Khương Đình, qui hoạch trục đường Láng Hạ- Thanh Xuân, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, vành đai 2,5 và vành đai 3. Cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực đã xây dựng và phát triển đô thị đồng thời với xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện cho việc phát triển mới đô thị ở khu vực này phù hợp với quy hoạch. Khi xây dựng các tuyến đường chính chạy qua địa bàn quận (Vành đai 3, vành đai 2,5: đoạn Đầm Hồng- Nguyễn Trãi- Nhân Chính, Láng Hạ - Thanh Xuân…) cần kết hợp xây dựng đồng bộ các tuyến trục của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi theo đường và thực hiện theo kế hoạch chung của Thành phố về xây dựng các công trình đầu mối (trạm bơm, trạm xử lý…) và tuyến trục của hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận có thể xây dựng đồng bộ với các khu đô thị mới và hoạt động có hiệu quả.

5.1- Chuẩn bị kỹ thuật :

- San đắp nền: tạo mặt bằng xây dựng dựa vào cao độ nền đã khống chế theo quy hoạch. Các khu vực có dự án sẽ thực thi theo dự án được duyệt.

- Thoát nước mưa:

+ Tiếp tục cải tạo hoàn chỉnh các tuyến sông thoát nước chính: sông Tô Lịch và sông Lừ theo dự án được duyệt.

+ Xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa D600¸1500mm (hoặc cống bản),  trong các khu vực đường Nguyễn Trãi, khu công nghiệp Thượng Đình, sân bay Bạch Mai, Phương Liệt, các khu đô thị mới theo qui hoạch

+ Xây dựng rãnh nắp đan trong khu vực làng xóm hiện có và giáp ranh với khu vực xây mới, B= 0,3¸1,2m ; H=0,5¸2,0m.

5.2. Hệ thống cấp nước :

- Đường ống truyền dẫn: xây dựng đường ống truyền dẫn tiết diện D400¸800mm dọc đường Vành đai 3, vành đai 2,5, đường Láng Hạ - Thanh Xuân, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng kéo dài… phù hợp với quy hoạch hệ thống cấp nước đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Xây dựng mạng lưới phân phối chính D100¸200mm trong các khu vực xây dựng  để đáp ứng việc cấp nước cho từng công trình và thực hiện việc cải tạo hệ thống cấp nước trên địa bàn quận theo dự án riêng.

5.3. Hệ thống thoát nước bẩn :

Mạng lưới đường cống thoát nước bẩn  và các trạm bơm chuyển bậc TB2, TB3, TB4 trên địa bàn quận được xây dựng theo kế hoạch chung của thành phố, kết hợp với các trạm bơm trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai, các trạm xử lý Yên Sở, Yên Xá, Phú Đô.

Trong khi các trạm xử lý này và hệ thống thoát nước bẩn chung của thành phố chưa được xây dựng thì giải quyết quá độ như sau:

Đối với các khu dân cư đã có, các dự án nhỏ: Nước thải của công trình được xử lý sơ bộ qua bể bán tự hoại, sau đó được thoát ra hệ thống cống thoát nước bẩn để tới trạm bơm chuyển bậc. Trong trường hợp này nước từ trạm bơm chuyển bậc sẽ được thoát tạm vào hệ thống thoát nước mưa.

- Đối với các dự án khu đô  thị mới qui mô lớn:  thực hiện theo dự án được duyệt trên cơ sở phù hợp với hệ thống thoát nước bẩn chung của khu vực theo qui hoạch, trước mắt xử lý phân tán trong phạm vi dự án hoặc liên dự án.

5.4. Hệ thống cấp điện và thông tin bưu điện :

a. Hệ thống cấp điện:

+ Nguồn cấp: Từ trạm trung gian 110Kv Thượng Đình, Thanh Xuân và Phương Liệt.

+ Mạng lưới: Phù hợp với quy hoạch lâu dài, xây dựng hệ thống cáp ngầm 22KV, các trạm biến áp 22/0,4KV và hệ thống cáp ngầm hạ thế tại các khu vực xây mới. Đối với khu vực cũ việc cải tạo hệ thống điện thực hiện theo kế hoạch của ngành điện.

b. Thông tin bưu điện:

Trên cơ sở quy hoạch lâu dài, giải quyết cho các thuê bao từ các tổng đài vệ tinh dự kiến xây dựng và tổng đài điều khiển Thượng Đình (cải tạo từ tổng đài hiện có).

Mạng lưới thông tin bưu điện được xây dựng đáp ứng yêu cầu của khu vực.

6. Tổng hợp khối lượng xây dựng hạ tầng kỹ thuật:

STT

NỘI DUNG XÂY DỰNG

KHỐI  LƯỢNG

I

Chuẩn bị kỹ thuật

* San đắp nền:

- Diện tích cần đắp nền:

- Khối lượng đắp nền

- Khối lượng đào hồ

* Hệ thống thoát nước mưa:

- Cống BTCT D800 ¸ 1500mm

- Cống bản BxH ³ 1mx1m

- Cải tạo sông Tô Lịch và sông Lừ (tiếp tục thực hiện theo dự án được duyệt)

- Hồ điều hòa  (cải tạo và đào mới)

 

 

65,77 ha

715.032 m3

- 505.000 m3

 

10,05 km

1,7 km

 

 

F= 36,50 ha

II

Hệ thống cấp nước:

- Tuyến ống truyền dẫn f³300mm

- Tuyến ống phân phối f100¸200mm

 

 

Thực hiện theo DA riêng được duyệt

61,0km

 

III

Hệ thống thoát nước bẩn:

- XD cống D300 - 1100mm

- XD Trạm bơm chuyển bậc

 

35,0km

3 trạm  - Tổng CS

129.760m3/ngàyđêm

IV

Hệ thống cấp điện và Thông tin bưu điện

* Cấp điện:

- Xây dựng trạm hạ thế

- Cáp ngầm 22KV

- Cáp ngầm hạ thế

 

* Thông tin bưu điện:

- Xâydựng tổng đài điều khiển

- Xây dựng và cải tạo tổng đài vệ tinh

- Xây dựng cáp quang

- Xây dựng cáp gốc

 

 

159/141.950 (trạm/kva)

100km

140km

 

 

1 tổng đài

9 tổng đài

17,5km

67 km

 

7. Các dự án phối hợp cần ưu tiên

Để phục vụ các công trình xây dựng, ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng trên địa bàn quận theo quy hoạch này, cần đầu tư xây dựng một số công trình đầu mối và trục chính nằm ngoài địa bàn quận. Một số dự án cần được ưu tiên sau :

+ Dự án xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước, hồ điều hoà nối tiếp hệ thống thoát nước của quận Thanh Xuân ra tới trạm bơm Trung Văn và trạm bơm Cầu Bươu để ra sông Nhuệ.

+ Dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại Yên Xá (kể cả trạm bơm chuyển bậc và đường ống đưa nước thải tới trạm xử lý).

Điều 2 :

- Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, ký xác nhận hồ sơ thiết kế theo quy hoạch chi tiết được duyệt trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày ký Quyết định này, phối hợp với UBND quận Thanh Xuân tổ chức công bố quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân - tỉ lệ 1/2000 (Phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật) được phê duyệt để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

- Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3 : Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở : Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông công chính, Xây dựng, Khoa học công nghệ, Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất, Tài chính; Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Chủ tịch UBND các phường thuộc quận Thanh Xuân; Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
 
 
 
 
NGUYỄN QUỐC TRIỆU

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 175/2004/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Thanh Xuân, tỷ lệ: 1/2000 (Phần quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật)do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 175/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/11/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản