Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1742/QĐ-BKHĐT | Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2011 |
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 116/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ văn bản số 532/VPCP-ĐP ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Tờ trình số 109/TTr-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2011 về việc đề nghị phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
- Phát triển Côn Đảo với bước đột phá ngay trong công tác quy hoạch, bố trí không gian các ngành, lĩnh vực kinh tế, với tầm nhìn dài hạn, hướng tới hiện đại, theo cơ chế của vùng lãnh thổ đặc biệt, trở thành khu kinh tế du lịch – dịch vụ chất lượng cao;
- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, giá trị thiên nhiên biển - rừng của Vườn quốc gia và Khu di tích lịch sử Côn Đảo theo hướng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn;
- Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa lịch sử. Các ngành sản xuất và các ngành dịch vụ khác chỉ phát triển đủ để phục vụ cho phát triển du lịch;
- Xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc, với cả nước và quốc tế.
2. Mục tiêu phát triển đến năm 2020:
* Mục tiêu tổng quát:
Hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, để Côn Đảo trở thành đô thị du lịch biển, du lịch văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đảm bảo quốc phòng an ninh ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc.
a) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất vật chất là chủ yếu sang phát triển du lịch dịch vụ chất lượng cao
Phát triển kết cấu hạ tầng, các khu du lịch đáp ứng nhu cầu khách du lịch đến Côn Đảo khoảng 64 ngàn lượt/năm vào năm 2015 và 150 ngàn lượt/năm vào năm 2020.
Thu nhập nội địa tăng trung bình thời kỳ 2011-2020 vào khoảng 18-22%/năm, trong đó du lịch, dịch vụ tăng 27%/năm.
b) Sắp xếp, cơ cấu lại dân số và lao động giữa các ngành kinh tế, phù hợp với định hướng phát triển khu du lịch - dịch vụ chất lượng cao
Tổng dân số đến 2020 khoảng 15 - 20 ngàn người, tỷ lệ dân số đô thị 70%. Phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt 98 - 100%
Đảm bảo sự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh làm cơ sở cho ổn định và phát triển kinh tế.
c) Bảo vệ đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý và làm tăng giá trị vườn Quốc gia, bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử.
Bảo đảm độ che phủ của cây rừng và cây trồng lâu năm trên 85%; đảm bảo xử lý chất thải rắn và nước thải đạt 90 - 100% vào năm 2020.
3. Định hướng đến năm 2030: Trong vòng 20 năm tới, Côn Đảo được định hướng là:
Một đô thị phát triển bền vững với quy mô dân số vào khoảng 30.000 người, trong đó có khoảng 10.000 người quy đổi từ khách du lịch, phát triển hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Côn Đảo là đô thị du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và ngoài nước. Dự báo đến năm 2030 có khoảng 250 - 300 ngàn lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 15-20%.
Côn Đảo là đô thị vườn, với 85% diện tích đất dành cho các vùng sinh thái tự nhiên, chỉ có 15% diện tích đất dành cho phát triển đô thị. Côn Đảo trở thành một hòn đảo sinh thái với cấu trúc đa trung tâm, mà mỗi khu đều gắn kết với hệ sinh thái rừng tự nhiên và mặt biển.
Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Trong thời kỳ 2021 - 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 8,5 - 9,0%, năm 2030 giá trị sản xuất tăng gấp 2,4 - 2,6 lần so với năm 2020, bình quân đầu người năm 2030 đạt 12.000 – 13.000 USD (giá thực tế năm 2030).
4. Định hướng phát triển ngành kinh tế chủ yếu:
4.1. Định hướng phát triển du lịch:
Phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử; Đổi mới tư duy về du lịch từ khai thác thiên nhiên sang bảo tồn, phát triển du lịch chất lượng cao đạt tiêu chuẩn chất lượng ngang tầm quốc tế. Hoạt động du lịch cần bảo đảm một số nguyên tắc;
a) Hoạt động du lịch ngoài Vườn Quốc gia Côn Đảo:
- Đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ lưu trú (khách sạn cao cấp, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng), các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ cho du khách tại các khu vực: bãi biển Đầm Tre, Suối Ớt, bãi An Hải, Lò Vôi và phần lớn diện tích khu Bến Đầm.
- Phát triển các tuyến, điểm tham quan du lịch tại các khu vực: đường vào bãi biển Đầm Tre; khu di tích nhà tù, các di tích lịch sử khác và các khu cộng đồng dân cư;
b) Hoạt động du lịch bên trong Vườn quốc gia Côn Đảo:
- Tổ chức các hoạt động du lịch tham quan, dã ngoại tại các khu vực: vịnh Đầm Tre, vịnh Ông Đụng và khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo quanh Bến Đầm; toàn bộ diện tích khu vực vịnh Đông Nam Bến Đầm, khu vực vịnh Côn Sơn, Hòn Tài và Hòn Trác; đường bộ tới vịnh Ông Đụng của Khu đất liền không thuộc Đầm Tre; Phần lớn diện tích hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau và Hòn Bà. Tại các khu vực này không xây dựng cơ sở lưu trú du lịch kiên cố, quy mô lớn, chỉ đầu tư xây dựng một số trạm dừng chân, nghỉ ngơi cho du khách.
- Hoạt động du lịch trong Vườn quốc gia cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về yêu cầu bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là tại các khu vực nhạy cảm như: vịnh Đầm Tre, vịnh Ông Đụng, khu vực Vườn quốc gia Côn Đảo quanh Bến Đầm và núi Thánh Giá; hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau; khu vực biển và ven biển Hòn Trọc, hòn Tre và hòn Tre Nhỏ…
4.2. Định hướng phát triển các ngành khác:
Xây dựng siêu thị và mở rộng dịch vụ bán lẻ; hình thành một trung tâm thương mại hiện đại kết hợp với du lịch đi bộ tham quan và mua sắm tại khu vực Cỏ Ống và khu Trung tâm. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán trong giao dịch mua bán; dịch vụ đổi tiền cho khách du lịch… Phát triển hạ tầng viễn thông ở cả ba bưu cục (Trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ống). Phát triển y tế đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trên đảo, người đến làm ăn trên vùng biển và khách du lịch. Trong giai đoạn 2016 - 2020 xem xét xây dựng tại Côn Đảo một bệnh viện đạt tiêu chuẩn cơ sở y tế quốc tế, đủ khả năng cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho khách du lịch và nhân dân trên đảo. Phát triển giáo dục phổ thông, tiến tới thực hiện chương trình giảng dạy song ngữ Anh - Việt theo tiêu chuẩn quốc tế. Kiên cố hóa trường, lớp học theo chuẩn quốc gia. Đào tạo và dạy nghề theo mô hình đào tạo từ xa.
5. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng:
- Nâng cấp và xây mới các tuyến đường giao thông xuyên đảo, hệ thống đường nội thị tại khu Trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ống và các tuyến đường kết nối đến các khu, điểm du lịch. Duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ; xây dựng mới đường bộ xung quanh đảo lớn; xây dựng đường du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia, trên đảo chính và các đảo khác, tạo ra các đường du lịch sinh thái trên các bình độ khác nhau vào các khu vực, các điểm địa hình khác biệt để hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Côn Đảo cần nghiên cứu để thích ứng với biển đổi khí hậu và mực nước biển dâng;
- Nâng cấp cảng Bến Đầm thành cảng tổng hợp, xây dựng một số cảng du lịch tại vịnh Côn Sơn, vịnh Ông Đụng. Phát triển tàu khách chất lượng cao trên các tuyến Côn Đảo – Vũng Tàu, Côn Đảo – Bạc Liêu và đến một số tỉnh khác phục vụ cho phát triển du lịch Côn Đảo;
- Xây dựng hoàn chỉnh khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá và Trung tâm tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ của khu vực để bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động;
- Tiếp tục nâng cấp hoàn chỉnh cảng hàng không Côn Sơn đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và phục hồi tuyến bay từ Vũng Tàu ra Côn Đảo. Tăng số chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Côn Đảo và ngược lại. Trong giai đoạn 2021-2030, mở rộng và nâng cấp nhà ga Côn Sơn đạt tiêu chuẩn 4C theo tiêu chuẩn ICAO, có thiết kế đặc sắc, ấn tượng;
- Hoàn thiện các hồ chứa nước ngọt hiện có và xây mới hồ chứa nước tại Khu trung tâm (hồ An Hải và Quang Trung 1,2); Khu Cỏ Ống (hồ Cỏ Ống 1 và 2, hồ Suối Ớt). Xây dựng các tuyến đường ống cấp nước cho nhu cầu phát triển của cụm cảng, khu Bến Đầm và khu vực sân bay Cỏ Ống và đến các điểm du lịch;
- Cải tạo hệ thống thoát nước tại khu Trung tâm Côn Đảo và xây dựng mới các hệ thống thoát nước cho khu Bến Đầm và khu Cỏ Ống. Cải tạo hệ thống thoát nước tại thị trấn Côn Đảo, đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải;
- Trước mắt, nâng cấp nhà máy phát điện Diezel, sớm đầu tư xây dựng các trạm điện mặt trời, phong điện và có thể phát triển điện thủy triều. Tăng cường phát triển nguồn điện dùng năng lượng mặt trời. Phát triển mạng lưới cung cấp điện, bắt đầu từ khu trung tâm đến khu Bến Đầm, khu Cỏ Ống; nối mạng điện dọc theo tuyến đường bộ du lịch trên Đảo;
- Xây dựng hệ thống thu gom và xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải y tế; thu gom, phân loại và vận chuyển 100% chất thải rắn. Xây dựng trạm quan trắc môi trường khu vực Côn Đảo;
- Lựa chọn một số di tích tiêu biểu để bảo tồn nguyên gốc, các di tích còn lại có thể sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Thường xuyên sửa chữa, chống xuống cấp các khu di tích;
- Đến năm 2020, về cơ bản xây mới và sửa chữa các Trường tiểu học và Trường phổ thông cơ sở tại Côn Đảo, đảm bảo 100% trường học đều đạt chuẩn giáo dục quốc gia;
- Nâng cấp Trung tâm Quân dân y, trạm y tế khu Cỏ Ống và xây dựng trạm y tế khu Bến Đầm. Trong giai đoạn 2016-2020, xem xét xây dựng bệnh viện 100 giường cao cấp;
- Xây dựng nhà văn hóa tại các khu dân cư; xây dựng trung tâm thông tin du lịch, truyền hình cáp; xây dựng quảng trường và xây dựng trung tâm theo dõi môi trường, cứu hộ, cứu nạn;
- Bảo tồn vĩnh cửu khu di tích - chứng tích Côn Đảo trong một không gian liên hoàn, tái hiện lại không gian sống của đảo trước đây và sử dụng đa số các công trình vào mục đích du lịch;
- Quản lý, bảo vệ tốt vườn quốc gia Côn Đảo và xây dựng khu bảo tồn biển tại vùng biển của đảo;
- Phát triển chợ tại thị trấn Côn Đảo, khu Bến Đầm và khu Cỏ Ống. Xây dựng các khu dự trữ lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm khác ở khu Bến Đầm và cửa hàng bán lẻ xăng dầu;
- Thực hiện chính phủ điện tử. Phát triển đa dạng các loại hình viễn thông, Internet không dây ở các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị vườn;
- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng. Đầu tư xây dựng và nâng cấp, kiên cố hóa các công trình hạ tầng phục vụ quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu kiểm soát, bảo vệ vùng biển và thềm lục địa phía Đông Nam của Tổ quốc.
6. Tổ chức không gian lãnh thổ của Côn Đảo:
- Khu trung tâm: Cơ quan hành chính, khu di tích, khu du lịch - dịch vụ, khu công viên cây xanh và khu dân cư;
- Khu Cỏ Ống: Dịch vụ sân bay, dịch vụ thương mại hàng không, dịch vụ tài chính ngân hàng; Khu du lịch trung tâm Cỏ Ống; Khu dân cư; Công viên và Quảng trường công cộng;
- Khu Bến Đầm, Hòn Bà, Hòn Trác…: dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng, hàng hải, cứu hộ, neo đậu tránh bão; khu cây xanh công cộng và đô thị; khu an ninh quốc phòng;
- Khu Đầm Tre và các đảo vệ tinh khác: Bố trí các khu du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí cao cấp, các hòn đảo nhỏ được duy trì trong điều kiện tự nhiên đảm bảo hoạt động du lịch ít tác động đến môi trường;
- Bố trí tượng đài ở khu di tích nghĩa trang Hàng Dương, đỉnh núi Thánh Giá và Ngọn lửa tự do ở vịnh Côn Sơn. Xây dựng ở khu vực Bến Đầm một biểu tượng ghi nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh khi vượt đảo. Nghiên cứu phương án xây dựng hình tượng một ngọn đuốc vĩnh cửu dựng trên một hòn đảo và tượng đài ở cầu tàu 914, trước vịnh Côn Sơn.
7. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: có phụ lục kèm theo.
8. Cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù: Thực hiện theo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung như sau:
- Tổ chức công bố công khai quy hoạch này sau khi được phê duyệt;
- Chỉ đạo việc lập mới, điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và các loại quy hoạch khác có liên quan đến huyện Côn Đảo;
- Nghiên cứu xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các loại quy hoạch và sự cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn một cách hợp lý. Đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các chương trình, dự án có quy mô, tính chất quan trọng theo thứ tự ưu tiên thuộc lĩnh vực quản lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo;
- Chủ trì tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch; tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn theo chức năng được phân công, phân cấp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Có giải pháp và xây dựng phương án huy động các nguồn vốn một cách cụ thể, hợp lý, có tính khả thi nhằm thu hút vốn đầu tư; giảm tỷ lệ huy động vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) phù hợp với khả năng cân đối vốn và có các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi của quy hoạch;
- Nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề vượt quá thẩm quyền) các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo.
Điều 3. Các Bộ, ngành liên quan với chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và huyện Côn Đảo nói riêng; phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, đề án, quy hoạch đã nêu tại
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
MỘT SỐ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1742/QĐ-BKHĐT ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
I. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG ĐẾN NĂM 2020
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | DANH MỤC DỰ ÁN | Giá trị công trình | Giai đoạn đầu tư | |
2010-2015 | 2016-2020 | |||
| TỔNG CỘNG | 3.650.000 | 2.110.000 | 1.540.000 |
1 | Mở rộng nâng cấp sân bay Côn Đảo (loại máy bay 150 hành khách) | 600.000 | 200.000 | 400.000 |
2 | Tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo (kết hợp đường thủy với đường bộ) | 940.000 | 440.000 | 500.000 |
3 | Nâng cấp đường từ Cỏ Ống - Bến Đầm | 150.000 | 150.000 |
|
4 | Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật 3 khu đô thị: Trung tâm, Bến Đầm, Cỏ Ống | 600.000 | 300.000 | 300.000 |
5 | Cảng Tàu khách Côn Đảo | 85.000 | 85.000 |
|
6 | Tàu khách công suất lớn (2 chiếc x loại 200 khách/tàu) | 130.000 | 60.000 | 70.000 |
7 | Khu neo đậu tránh bão tại Bến Đầm | 100.000 | 100.000 |
|
8 | Nhà máy điện điezen | 250.000 | 250.000 |
|
9 | Nhà máy cấp nước sinh hoạt công suất 6000 m3/ngày đêm | 170.000 | 100.000 | 70.000 |
10 | Hệ thống xử lý nước thải | 300.000 | 300.000 |
|
11 | Nhà máy xử lý rác thải | 70.000 | 70.000 |
|
12 | Xây dựng hệ thống hồ chứa nước ngọt | 100.000 |
| 100.000 |
13 | Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích nhà tù và các di tích Sở lao động khổ sai. | 100.000 |
| 100.000 |
14 | Trùng tu, tôn tạo chứng tích nghĩa trang Hàng Dương và các công trình phụ trợ | 50.000 | 50.000 |
|
15 | Dự án phát triển thông tin truyền thông | 5.000 | 5.000 |
|
16 | Các dự án đầu tư Vườn Quốc gia Côn Đảo | Dự án QH Tổng thể đầu tư phát triển VQG Côn Đảo giai đoạn đến năm 2020: 187,28 tỷ đồng. |
II. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NGÂN SÁCH TỈNH VÀ HUYỆN ĐẾN NĂM 2020
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | Tên dự án | Giá trị công trình | Giai đoạn đầu tư | |
2010-2015 | 2016-2020 | |||
| Tổng số | 210.000 | 160.000 | 50.000 |
1 | Mở rộng nâng cấp Cảng Côn Đảo tại Vũng Tàu | 30.000 | 30.000 |
|
2 | Xây dựng giai đoạn II: Trung tâm văn hóa và thể dục thể thao. | 30.000 | 30.000 |
|
3 | Xây dựng trung tâm quan trắc môi trường khu vực Côn Đảo | 20.000 | 20.000 |
|
4 | Xây dựng quảng trường trung tâm (2 ha) | 30.000 |
| 30.000 |
5 | Xây dựng trường tiểu học bán trú | 30.000 | 30.000 |
|
6 | Xây dựng hạ tầng làng nghề thủ công mỹ nghệ | 20.000 |
| 20.000 |
7 | Trạm y tế khu Bến Đầm | 10.000 | 10.000 |
|
8 | Xây dựng trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực Côn Đảo | 20.000 | 20.000 |
|
9 | Trung tâm tiếp sóng truyền hình cáp và mạng truyền dẫn | 20.000 | 20.000 |
|
III. CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ BẰNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC ĐẾN 2020
Đơn vị tính: Triệu đồng
STT | Tên dự án | Giá trị công trình | Giai đoạn đầu tư | |
2010-2015 | 2016-2020 | |||
| Tổng số | 10.049.700 | 2.369.700 | 7.680.000 |
I | Các dự án đã cấp giấy CN đầu tư | 1.119.700 | 1.119.700 |
|
1 | Khu du lịch nghỉ mát Việt Nga (đang xây dựng) | 90.000 | 90.000 |
|
2 | Xây dựng nhà máy phong điện (đang xây dựng) | 330.300 | 330.300 |
|
3 | Khu du lịch Bãi Nhát | 445.000 | 445.000 |
|
4 | Khu du lịch Bãi Dương | 204.000 | 204.000 |
|
5 | Nuôi cấy ngọc trai biển theo công nghệ mới (đang xây dựng) | 50.400 | 50.400 |
|
II | Các dự án đã có chủ trương đầu tư | 6.580.000 | 1.250.000 | 5.330.000 |
6 | Hotel Resort Regency Hyatt Côn Đảo (Đầm Trầu nhỏ) | 1.080.000 | 500.000 | 580.000 |
7 | Khu du lịch sinh thái Hòn Cau | 500.000 |
| 500.000 |
8 | Hạ tầng cụm công nghiệp Bến Đầm | 200.000 | 200.000 |
|
9 | Khu du lịch tại bán đảo Con Ngựa | 4.500.000 | 500.000 | 4.000.000 |
10 | Nhà máy điện thủy triều (sóng biển) | 300.000 | 50.000 | 250.000 |
III | Các dự án đề xuất mới | 2.350.000 | 0 | 2.350.000 |
11 | Khu du lịch Cỏ Ống | 450.000 |
| 450.000 |
12 | Khu du lịch Trung tâm | 450.000 |
| 450.000 |
13 | Khu du lịch Bến Đầm | 450.000 |
| 450.000 |
14 | Khu du lịch Đầm Tre | 500.000 |
| 500.000 |
15 | Khu thương mại trung tâm | 500.000 |
| 500.000 |
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 3Nghị định 116/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- 4Công văn 6847/VPCP-KGVX năm 2021 về kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 1742/QĐ-BKHĐT năm 2011 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- Số hiệu: 1742/QĐ-BKHĐT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/11/2011
- Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Người ký: Bùi Quang Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 607 đến số 608
- Ngày hiệu lực: 15/11/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra