Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1717/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CHỌN VÀ TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU VÌ NGƯỜI LAO ĐỘNG”

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Căn cứ Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

- Căn cứ Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp;

- Xét đề nghị của Ban Chính sách kinh tế - xã hội và Thi đua khen thưởng và Báo Lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành Quy chế xét chọn và trao tặng Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các cấp Công đoàn, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các doanh nghiệp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Các đơn vị phối hợp thực hiện;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
- Các CĐNTW và tương đương;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu VT, Báo LĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Khang

 

QUY CHẾ

XÉT CHỌN VÀ TRAO TẶNG GIẢI THƯỞNG “DOANH NGHIỆP TIÊU BIỂU VÌ NGƯỜI LAO ĐỘNG”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1717/QĐ-TLĐ ngày 25/11/2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” (sau đây viết tắt là “Giải thưởng”) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức, nhằm vinh danh các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, chăm lo tốt đời sống của người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động và lợi ích xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có đăng ký kinh doanh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có đủ điều kiện theo quy định đều được tham gia.

Điều 3. Nguyên tắc và thời điểm xét chọn, trao tặng Giải thưởng

1. Việc xét chọn phải công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng phải thật sự xứng đáng là điển hình xuất sắc tiêu biểu để phổ biến và nhân rộng trong phạm vi toàn quốc.

2. Việc xét chọn được thông qua kết quả Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” hàng năm và đánh giá, chấm điểm của Hội đồng xét chọn.

3. Việc xét chọn và trao tặng Giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 03 năm một lần. Thời điểm cụ thể do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.

Chương II

TIÊU CHUẨN, QUY TRÌNH XÉT CHỌN QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP THAM DỰ

Điều 4. Tiêu chuẩn xét chọn

Các doanh nghiệp có thời gian hoạt động liên tục tại Việt Nam từ 05 năm trở lên và đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo việc làm ổn định, chế độ tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phúc lợi khác cho người lao động;

2. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về vệ sinh, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;

3. Đã xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, hàng năm rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của pháp luật và nghị quyết Hội nghị người lao động (nếu có);

4. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, đã ban hành các quy chế và các văn bản khác liên quan trực tiếp đến người lao động;

5. Thường xuyên quan tâm đầu tư, cải thiện môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp;

6. Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả;

7. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

8. Chấp hành đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, thuế và các khoản thu, nộp khác theo quy định của pháp luật;

9. Tự nguyện lập và gửi hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng (theo mẫu).

Điều 5. Quy trình xét chọn và trao tặng Giải thưởng

1. Doanh nghiệp lập hồ sơ tham dự Giải thưởng và gửi về Ban Tổ chức Giải thưởng (sau đây viết tắt là “Ban Tổ chức”).

2. Ban Tổ chức thẩm định hồ sơ, đánh giá, chấm điểm (theo bộ tiêu chí).

3. Ban Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến hiệp y của các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương; các phương tiện truyền thông và các cơ quan liên quan khác (nếu cần).

4. Ban Tổ chức tổng hợp danh sách các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng (theo thứ tự từ điểm cao trở xuống).

5. Hội đồng xét chọn họp xem xét lựa chọn và đề xuất danh sách khen thưởng và trao tặng Giải thưởng.

6. Công khai kết quả xét chọn và đề xuất danh sách trao tặng Giải thưởng trên Báo Lao động.

7. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra Quyết định doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng trên .

8. Tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng.

Điều 6. Thủ tục, hồ sơ tham dự

1. Doanh nghiệp lập hồ sơ tham dự Giải thưởng và gửi về Ban Tổ chức gồm có:

- Phiếu đăng ký tham dự (theo mẫu).

- Bảng điểm tự đánh giá, chấm điểm (theo Bộ tiêu chí do Ban Tổ chức ban hành).

- Các hồ sơ chứng minh phần điểm tự đánh giá.

- Công văn giới thiệu của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương (nếu có).

- Doanh nghiệp gửi hồ sơ tham dự: Bản mềm (file*.PDF) qua địa chỉ email: bxhdoanhnghiep.laodong@gmail.com, đồng thời gửi bản cứng về Ban Tổ chức, theo thời gian quy định.

2. Ban Tổ chức thông báo công khai tại trang web của Giải thưởng các thông tin sau:

- Quy chế xét chọn và trao tặng Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”;

- Bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”;

- Mẫu đăng ký tham dự;

- Các thông tin doanh nghiệp cần biết khi tham dự Giải thưởng;

- Danh sách các doanh nghiệp được lựa chọn trao tặng Giải thưởng.

3. Khi doanh nghiệp được lựa chọn để trao tặng Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”, Doanh nghiệp sẽ nhận được Quyết định bằng văn bản của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhận được Giấy mời tham dự các sự kiện như: Họp báo, Tọa đàm, Giao lưu, Lễ trao tặng Giải thưởng ...

4. Ban Tổ chức không tiếp nhận hồ sơ gửi muộn hơn quy định. Hồ sơ đã cung cấp cho Ban Tổ chức sẽ không được hoàn lại.

Điều 7. Tiêu chí xét chọn

1. Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí do các chuyên gia về lao động và công đoàn xây dựng. Bộ tiêu chí đảm bảo phản ánh đúng thực tế tình hình sử dụng và đãi ngộ người lao động của doanh nghiệp về thu nhập, đào tạo, môi trường làm việc, các phúc lợi xã hội và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

2. Doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” được lựa chọn trong số các doanh nghiệp xuất sắc tiêu biểu xếp hạng trong Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” 03 năm gần nhất, trên cơ sở xem xét các đóng góp của doanh nghiệp trong công tác chăm lo đời sống người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp được xếp hạng 03 năm liên tục hoặc các doanh nghiệp có thành tích đặc biệt xuất sắc, nổi bật trong công tác chăm lo phúc lợi, lợi ích của người lao động; được Hội đồng xét chọn công nhận.

Điều 8. Quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp tham dự Giải thưởng

1. Doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng được nhận Bằng khen và Kỷ niệm chương của Ban Tổ chức.

2. Doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng sẽ được mời tham gia Câu lạc bộ “Doanh nghiệp vì người lao động” với các quyền lợi truyền thông, tọa đàm, tuyển dụng, trao đổi kinh nghiệm... trong 01 năm kể từ khi được trao tặng Giải thưởng.

3. Doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng được Ban Tổ chức quảng bá, truyền thông trên Báo Lao động (bản in/bản điện tử), mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Doanh nghiệp đăng ký tham dự Giải thưởng không phải nộp bất cứ một khoản phí/lệ phí nào cho Ban Tổ chức.

5. Doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ tham dự Giải thưởng.

6. Doanh nghiệp phải cam đoan đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các nghĩa vụ khác đối với người lao động và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với địa phương.

7. Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Giải thưởng trong tổ chức khảo sát việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp (nếu có).

Điều 9. Kinh phí

1. Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa (theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 của Thông tư số 01/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ).

2. Giải thưởng sử dụng nguồn thu từ vận động tài trợ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm thông qua chương trình; thu từ hoạt động của Câu lạc bộ “Doanh nghiệp vì người lao động” (thông qua tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu trực tuyến... giữa các thành viên).

3. Doanh nghiệp tham dự Giải thưởng không phải đóng góp bất cứ một khoản phí/lệ phí nào.

Chương III

THÀNH LẬP BAN TỔ CHỨC VÀ HỘI ĐỒNG XÉT CHỌN

Điều 10. Thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng

Ban Tổ chức Giải thưởng gồm:

1. Trưởng ban là 01 đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

2. Phó Trưởng ban là đồng chí Tổng Biên tập Báo Lao động;

3. Các thành viên khác gồm cán bộ, chuyên viên, phóng viên, viên chức một số ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội; Văn phòng giới chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam. Tổng số thành viên Ban Tổ chức không quá 15 người.

Ban Tổ chức có nhiệm vụ tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế này; trực tiếp thực hiện các hoạt động tổ chức Giải thưởng đạt kết quả tốt.

Điều 11. Thành lập Hội đồng xét chọn Giải thưởng

Thành lập Hội đồng xét chọn Giải thưởng gồm:

1. Đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phụ trách công tác chính sách pháp luật, quan hệ lao động và thi đua khen thưởng, Chủ tịch Hội đồng;

2. Đồng chí Tổng Biên tập Báo Lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng;

3. Đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Ủy viên;

4. Đồng chí Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên;

5. Đại diện lãnh đạo Ban chức năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên.

Hội đồng xét chọn có nhiệm vụ xem xét kết quả đánh giá, chấm điểm và lựa chọn danh sách các doanh nghiệp để đề xuất khen thưởng và trao tặng Giải thưởng.

Giúp việc cho Hội đồng xét chọn là Tổ giúp việc gồm: Các nhà quản lý, chuyên gia, chuyên viên của Ban chức năng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; viên chức, phóng viên Báo Lao động.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN, ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Chủ trì, thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký ban hành các văn bản hành chính liên quan đến công tác xét chọn và tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giới thiệu, cử nhân sự tham gia Ban Tổ chức, Hội đồng xét chọn và Tổ giúp việc.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức thực hiện tốt Quy chế này.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu, cử nhân sự tham gia Ban Tổ chức, Hội đồng xét chọn và Tổ giúp việc.

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thực hiện tốt Quy chế này.

3. Báo Lao Động

- Là Cơ quan Thường trực, giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện các hoạt động để tổ chức thành công Giải thưởng.

- Tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, ban hành các văn bản hành chính liên quan đến công tác xét chọn và tổ chức trao tặng Giải thưởng.

- Đề xuất thành lập và vận hành Tổ giúp việc. Tổ chức khảo sát, lấy ý kiến Hiệp y của các bên liên quan đối với các doanh nghiệp được xem xét trao tặng Giải thưởng.

- Huy động nguồn xã hội hóa để tổ chức chương trình,

Điều 13. Thu hồi và hủy bỏ Giải thưởng

Ban Tổ chức sẽ thu hồi Bằng khen/Phần thưởng/Kỷ niệm chương đối với các doanh nghiệp không trung thực trong lập hồ sơ tham dự hoặc vi phạm bản quyền.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Báo Lao động - Cơ quan Thường trực) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Ban Thi đua - Khen thưởng TW;
- Đoàn Chủ tịch TLĐ;
- Các đơn vị phối hợp thực hiện;
- Các LĐLĐ tỉnh, TP;
- Các CĐNTW và tương đương;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu VT, Báo LĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Khang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1717/QĐ-TLĐ năm 2019 về Quy chế xét chọn và trao tặng Giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1717/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/11/2019
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đình Khang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản