Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2008/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 08 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÂN LOẠI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ ban hành quy chế về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 32/2005/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quy định về xếp loại đường để xác định cước vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Xét Tờ trình số 267/TTr-SGT ngày 05 tháng 3 năm 2008 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải về việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phân loại đường bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp quản lý, bảo vệ và phân loại đường bộ cho các đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với những nội dung cụ thể sau:

1. Tổ chức quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phân cấp quản lý:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý toàn bộ mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (không kể quốc lộ) theo quy định của pháp luật. Trực tiếp tổ chức quản lý hệ thống đường tỉnh, đường đô thị trên địa bàn tỉnh và các đoạn tuyến quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền.

Sở Giao thông vận tải là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp quản lý các hệ thống đường bộ nêu trên. Hệ thống đường bộ do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý được quy định chi tiết tại phụ lục số I kèm theo Quyết định này.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quản lý hệ thống đường huyện, đường đô thị trong phạm vi địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền. Hệ thống đường bộ do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý được quy định chi tiết tại phụ lục số II đến phụ lục số X kèm theo Quyết định này.

c) Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý hệ thống đường nội bộ trong khu công nghiệp, đường nối từ các đường giao thông công cộng đến khu công nghiệp xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho khu công nghiệp. Hệ thống đường bộ do Ban Quản lý các khu công nghiệp quản lý được quy định chi tiết tại phụ lục số XI kèm theo Quyết định này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý hệ thống đường xã.

Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và phân cấp hệ thống đường xã cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý theo quy định hiện hành.

e) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ. Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý được quy định chi tiết tại phụ lục kèm theo Quyết định này.

f) Cụ thể số lượng phân cấp quản lý cho các đơn vị như sau:

Tổng chiều dài của hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại đề án là: 3.670,17 km được phân cấp cho các đơn vị quản lý, bảo vệ như sau:

- Sở Giao thông vận tải                           : 897,70 km;

- Thành phố Vũng Tàu                            : 211,27 km;

- Thị xã Bà Rịa                                       : 100,53 km;

- Huyện Tân Thành                                 : 309,43 km;

- Huyện Châu Đức                                 : 739,57 km;

- Huyện Long Điền                                 : 99,38 km;

- Huyện Đất Đỏ                                      : 273,18 km;

- Huyện Xuyên Mộc                                : 577,16 km;

- Huyện Côn Đảo                                   : 27,79 km;

- Ban Quản lý các khu công nghiệp         : 24,98 km;

- Nông trường cao su Bình Ba                : 114,80 km;

- Nông trường cao su Xà Bang                : 78,55 km;

- Nông trường cao su Cù Bị                    : 147,25 km.

(Có phụ lục thống kê chi tiết kèm theo).

g) Các đơn vị quản lý có trách nhiệm thường xuyên cập nhật và bổ sung danh sách đối với các tuyến đường mở mới hoặc chưa được thống kê trong đề án gửi về Sở Giao thông vận tải tổng hợp bổ sung hàng năm theo quy định.

2. Trách nhiệm và nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: được quy định tại các Điều 42, 43, 45 của Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ.

3. Về nguồn vốn duy tu, sửa chữa:

Nguồn vốn duy tu, sửa chữa đường bộ hàng năm được bố trí từ các nguồn sau:

a) Hệ thống đường bộ do cấp tỉnh quản lý chủ yếu được bố trí từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và từ ngân sách trung ương cấp cho công trình được ủy quyền quản lý.

Sở Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và điều hành sử dụng nguồn vốn trên.

b) Hệ thống đường bộ do cấp huyện quản lý được bố trí từ nguồn vốn ngân sách huyện và một phần hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, huy động từ sự đóng góp tài lực của nhân dân địa phương và các nguồn vốn khác.

Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý và điều hành sử dụng nguồn vốn nói trên theo quy định.

c) Hệ thống đường bộ do cấp xã quản lý được bố trí từ nguồn vốn ngân sách xã và một phần hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, huy động sự đóng góp tài lực của nhân dân địa phương và các nguồn vốn khác.

Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm quản lý và điều hành sử dụng nguồn vốn nói trên theo quy định.

d) Hệ thống đường chuyên dùng do cơ quan, tồ chức, cá nhân quản lý thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó tự bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm điều hành sử dụng để duy tu, sửa chữa.

4. Phân loại đường bộ để tính cước vận chuyển:

Công bố loại đường bộ các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tính cước vận tải bằng ô tô theo quy định, cụ thể như sau:

a) Mục đích của việc phân loại đường bộ:

- Đánh giá kết quả của công tác quản lý, bảo trì đường bộ;

- Xác định cước vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước;

- Làm cơ sở để tham khảo trong quá trình thương thảo tính cước vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.

b) Căn cứ để xếp loại đường: để có cơ sở xếp loại đường phải căn cứ vào tình trạng cụ thể sau đây của đường:

- Tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường: có tính chất cố định, để thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cần phải được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo;

- Tình trạng mặt đường: có thể thay đổi do tác động của công tác bảo trì, thể hiện kết quả của công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất.

- Theo các quy định tại Quyết định số 32/2005/QĐ-BGTVT ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và số liệu điều tra thực tế hiện trạng, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh được phân loại như sau:

+ Đường loại 1  : 0,00 km;

+ Đường loại 2  : 345,80 km;

+ Đường loại 3  : 94,29 km;

+ Đường loại 4  : 462,20 km;

+ Đường loại 5  : 945,97 km;

+ Đường loại 6  : 1.482,67 km.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Đối với đường đô thị, Sở Giao thông vận tải chỉ quản lý lòng đường thuộc phạm vi khoảng cách giữa hai lưng bó vỉa hè ở hai bên. Các đường chưa có vỉa hè sẽ quản lý toàn bộ phạm vi nền đường. Các hạng mục cơ sở hạ tầng khác như vỉa hè, hệ thống cấp, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng do các cơ quan chức năng khác quản lý.

- Đối với các tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng, khi có chủ trương đầu tư xây dựng thì trong hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng phải kèm theo phương án phân cấp quản lý, bảo trì, bảo vệ đường bộ.

- Các tuyến đường đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo do các chủ đầu tư tiến hành tiếp tục hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thành và hết thời gian bảo hành sẽ bàn giao cho các cơ quan quản lý theo phân cấp.

- Các cơ quan quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thiết kế, hồ sơ hoàn công và các hồ sơ quản lý khác của từng tuyến đường để chuẩn bị bàn giao cho các đơn vị quản lý mới theo quy định tại Quyết định này.

- Các địa phương có trách nhiệm thường xuyên cập nhật và bổ sung danh sách đối với các tuyến đường mở mới hoặc chưa được thống kê trong đề án gửi về Sở Giao thông vận tải tổng hợp bổ sung hàng năm theo quy định.

- Thời gian bàn giao: 02 tháng kể từ ngày ký Quyết định này, công tác bàn giao phải bao gồm cả việc bàn giao hồ sơ và bàn giao hiện trường công trình.

- Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng lịch bàn giao trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đến từng đơn vị có liên quan.

- Việc bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng đường bộ: giao Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị quản lý về tỷ lệ bố trí vốn và nguồn vốn cho công tác này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Thới

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2008/QĐ-UBND phân cấp quản lý, bảo vệ và phân loại đường bộ cho đơn vị quản lý trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 17/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/04/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Ngọc Thới
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 04/08/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản