Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 07 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 07 tháng 06 năm 2002;

Căn cứ Nghị định 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 08 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Bưu chính;

Căn cứ Nghị định 160/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 09 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BBCVT-TC ngày 25 tháng 05 năm 2005 của Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Tài chính hướng dẫn về trách nhiệm, quan hệ phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với thư, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát thư;

Xét đề nghị của Sở Bưu chính viễn thông tại Tờ trình số 05/TT-BCVT ngày 13 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan Đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh uỷ;
- Văn phòng HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chánh, Phó VP/UBND tỉnh;
- Các phòng Kinh tế I, II, III, TH-NV, NC, VX;
- Công báo Website tỉnh;
- Lưu: VT, TH (ĐT120).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

QUY ĐỊNH

CÔNG TÁC PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17 /2007/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Sở Bưu chính viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại - Du lịch, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo quy định này trong việc tăng cường phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Mạng bưu chính công cộng" bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến đường thư.

Các bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được ưu tiên đặt tại các nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư và các địa điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

2. "Mạng chuyển phát" do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hoá.

3. Tội phạm trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin là hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gửi, nhận vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát.

Điều 3. Công tác phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc kịp thời, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên có liên quan.

Điều 4. Sở Bưu chính viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại- Du lịch, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về trộm cắp cước viễn thông quốc tế, gửi hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát và thông báo cho các đơn vị có liên quan để phối hợp xử lý.

Điều 5. Trong quá trình phối hợp, việc cung cấp thông tin, các dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản thể hiện trên giấy hoặc văn bản điện tử nhưng phải có chữ ký điện tử xác nhận của Thủ trưởng cơ quan cung cấp.

Điều 6. Sở Bưu chính viễn thông, Công an tỉnh, Sở Thương mại- Du lịch, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp phải cử người có trách nhiệm phụ trách việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp, giao nhận tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin, kịp thời báo cáo người có thẩm quyền trong việc xử lý thông tin, chỉ đạo công tác phối hợp.

Điều 7. Việc xử lý các vụ trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu của Cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện trên nguyên tắc: Vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì việc xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG VÀ TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP

Điều 8. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin;

2. Phối hợp thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này;

3. Phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý và khi phát hiện các dấu hiệu, hành vi vi phạm;

4. Phối hợp trong hoạt động điều tra, xác minh và làm rõ các hành vi vi phạm;

5. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp trong việc tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin.

Điều 9. Sở Bưu chính viễn thông:

1. Nắm tình hình, phát hiện, tiếp nhận các thông tin có liên quan đến hoạt động của tội phạm lợi dụng dịch vụ bưu chính viễn thông để xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Làm đầu mối tiếp nhận và giám định các dấu hiệu nghi vấn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, trộm cắp cước viễn thông quốc tế.

2. Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính hoặc lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định của Luật Thanh tra và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ của các đơn vị quản lý chuyên ngành (Cục Tần số, Cục Quản lý Chất lượng Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin) trong quá trình thanh tra, kiểm tra thì chủ trì đề nghị phối hợp.

3. Thông báo, phổ biến những phương thức, thủ đoạn mới của các loại đối tượng thực hiện hành vi vi phạm; hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin thực hiện công tác phòng ngừa và hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm.

Điều 10. Công an tỉnh:

1. Chủ trì và tổ chức công tác điều tra, xác minh hoặc bắt giữ đối tượng trộm cắp cước viễn thông quốc tế, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm (trong trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc trong trường hợp có thông báo của Sở Bưu chính viễn thông). Sau khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật qua dịch vụ bưu chính viễn thông, lực lượng Công an cần trao đổi, thông báo và yêu cầu bằng văn bản đối với Sở Bưu chính Viễn thông cũng như các đơn vị có liên quan trong việc phối hợp điều tra thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

2. Đối với các vụ việc khác do Công an tỉnh phát hiện, trường hợp cần có sự phối hợp thì kịp thời thông báo bằng văn bản cho Sở Bưu chính Viễn thông hoặc đơn vị liên quan. Đồng thời cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp theo đề nghị của đơn vị phối hợp. Trường hợp thông tin, tài liệu đang phục vụ cho quá trình điều tra, xác minh không cung cấp được thì trả lời đơn vị phối hợp bằng văn bản.

Qua công tác điều tra phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ dịch vụ bưu chính viễn thông thì lực lượng Công an cần có văn bản kiến nghị và yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục, bồi thường, xử lý.

3. Thông báo tình hình, âm mưu phương thức thủ đoạn của các loại đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 11. Sở Thương mại – Du lịch:

1. Chủ trì việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý hàng lậu, hàng cấm vận chuyển qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát.

2. Trường hợp nhận được tin báo về vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại- Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông trong việc kiểm tra, kiểm soát các túi bưu phẩm, bưu kiện, kiện hàng hóa, phương tiện vận chuyển. Nếu phát hiện thấy có hành vi vi phạm pháp luật thì phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Nếu phát hiện các vụ vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, Sở Thương mại- Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kịp thời thông báo và phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

1. Có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về trộm cắp cước viễn thông quốc tế, gửi hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu trên địa bàn và thông báo cho các đơn vị có liên quan để phối hợp xử lý.

2. Chủ trì hoặc tham gia thanh tra, kiểm tra và xử lý khi có đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Điều 13. Các Doanh nghiệp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin:

1. Trường hợp phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông quốc tế, việc kinh doanh trái phép dịch vụ điện thoại Internet, các loại thẻ điện thoại lậu, gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet; các doanh nghiệp phải kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho Sở Bưu chính Viễn thông và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ làm giảm thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm gây ra, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng xác minh đối tượng vi phạm.

3. Phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau và với các đơn vị khác nhằm kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm kịp thời phát hiện, thông báo cho các cơ quan chức năng về hành vi vi phạm pháp luật.

4. Kịp thời cung cấp số liệu liên quan đến hoạt động giám định theo yêu cầu của Cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Chế độ báo cáo.

1. Sở Bưu chính viễn thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan định kỳ 6 tháng một lần tổ chức họp đánh giá, trao đổi về: kết quả thực hiện, kinh nghiệm, các thông tin có liên quan và tổng hợp báo cáo, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh các cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin;

2. Công an tỉnh, Sở Thương mại – Du lịch, các Doanh nghiệp Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng một lần các nội dung về kết quả phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông và Công nghệ thông tin cho Sở Bưu chính viễn thông để tổng hợp. Tiến hành sơ kết hàng năm và tổng kết theo định kỳ 05 năm việc thực hiện Quy định này.

Điều 15. Kinh phí thực hiện.

1. Kinh phí đảm bảo cho công tác phối hợp được thực hiện theo quy định hiện hành;

2. Việc lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác phối hợp thực hiện trên nguyên tắc: Đơn vị nào chủ trì xử lý vụ việc thì lập dự toán kinh phí phục vụ cho công tác phối hợp.

Điều 16. Sở Bưu chính viễn thông là cơ quan thường trực giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy định này; Công an tỉnh, Sở Thương mại – Du lịch, các địa phương và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện tốt nội dung phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện quy định, nếu có vấn đề vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Bưu chính viễn thông để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2007/QĐ-UBND về Quy định công tác phối hợp phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin do Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình ban hành

  • Số hiệu: 17/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/09/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Tỉnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản