Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2004/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH DẦU THỰC VẬT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Công văn số 5810/VPCP-NN ngày 21 tháng 11 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thẩm định và phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển ngành Dầu thực vật Việt nam đến năm 2010;
Căn cứ các văn bản góp ý cho Dự án của các Bộ, ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu thực vật Việt Nam đến năm 2010 nội dung sau:
1. Quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển
a. Quan điểm phát triển ngành:
Đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước, gắn cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để phát triển ngành.
b. Định hướng chiến lược phát triển ngành:
Phát triển ngành theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, chủ động hội nhập thông qua áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển các loại cây có dầu có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh thành các vùng nguyên liệu lớn. Nghiên cứu tuyển chọn các cây có dầu chủ lực cho ngành. Thực hiện việc xây dựng một số cơ sở ép, trích ly dầu thô quy mô lớn, hiện đại tại các cảng, ban đầu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sau đó thay dần bằng nguyên liệu trong nước.
c. Các mục tiêu chủ yếu phát triển ngành thời kỳ 2001-2010:
Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng và phát triển ngành Dầu thực vật đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng. Tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để sản xuất dầu thô và cung cấp khô dầu cho ngành chế biến thức ăn gia súc. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngành để phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Mục tiêu cụ thể:
TT | Tên chỉ tiêu | Đơn vị | 2005 | 2010 |
A | B | C | 1 | 2 |
1 | Giá trị sản xuất công nghiệp (Giá cố định 1994) | Tỷ đồng | 4.000-4.500 | 6.000-6.500 |
2 | Tốc độ tăng trưởng GTSXCN | %/ năm | 13-14 | 7,5-8,5 |
3 | Sản lượng dầu tiêu thụ | 1000 tấn | 420-460 | 620-660 |
| - Trong đó: để xuất khẩu | 1000 tấn | 80-100 | 80-120 |
4 | Dầu thô sản xuất trong nước | 1000 tấn | 70-75 | 210-220 |
5 | Công suất tinh luyện dầu | 1000 tấn | 663 | 783 |
6 | Công suất ép, trích ly dầu thô | 1000 tấn ng. liệu | 628,6 | 933-1.306 |
7 | Sản lượng hạt ép, trích ly dầu | 1000 tấn ng. liệu | 253,1-261,9 | 526-675 |
8 | Tỷ trọng dầu thô trong nước | % | 14,3 - 15 | 18,3 - 33 |
2. Quy hoạch vùng nguyên liệu
a. Quan điểm và định hướng phát triển:
Tập trung khai thác diện tích trồng các loại cây có dầu năng suất cao, chất lượng tốt hiện có để nâng cao sản lượng nguyên liệu cho chế biến. Quy hoạch mở rộng diện tích các cây có dầu truyền thống thành các vùng nguyên liệu tập trung để đáp ứng một phần nguyên liệu cho chế biến Dầu thực vật. Đầu tư mở rộng và hình thành các vùng chuyên canh các loại cây có dầu theo hướng sản xuất hàng hoá để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Phát triển cây có dầu gắn liền với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xoá đói, giảm nghèo; gắn với chương trình trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ.
b. Quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu:
Các cây có dầu chủ yếu ở nước ta có thể lựa chọn là: đậu tương, lạc, vừng, dừa, sở, trẩu, bông và cám gạo. Riêng cây hướng dương cần trồng thử nghiệm đại trà mới có cơ sở để lập kế hoạch phát triển.
Quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu đến năm 2010 như sau:
Loại cây có dầu | 2005 | 2010 | ||
Diện tích gieo trồng (1.000 ha) | Khối lượng để chế biến dầu (1.000 tấn) | Diện tích gieo trồng (1.000 ha) | Khối lượng để chế biến dầu (1.000 tấn) | |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Đậu tương | 169,10 | 29,17 | 205,00-400,00 | 31,40-433,20 |
Lạc | 302,40 | 15,90-17,80 | 368,60 | 32,90-47,20 |
Vừng | 49,90 | 10,80-17,73 | 58,10 | 28,50-35,10 |
Dừa (copra) | 151,00 | 39,32 | 159,10 | 39,36-53,30 |
Sở | 20,00 | 0,90 | 100,00 | 18,00-72,00 |
Cám gạo | - | 150,00 | - | 300,00 |
Trẩu | - | 1,80 | 28,00 | 12,60 |
Bông | 60,00 | 30,00 | 150,00 | 90,00 |
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển các loại cây có dầu đến năm 2010:
- Vốn đầu tư trồng lạc, vừng, đậu tương: | 1.537,6 - 2.652,6 tỷ đồng |
- Vốn đầu tư trồng dừa: | 394,0 - 399,8 tỷ đồng |
- Vốn đầu tư trồng và chăm sóc cây sở, trẩu: | 680,8 tỷ đồng |
Tổng cộng: | 2.612,4 - 3.733,2 tỷ đồng |
3. Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến Dầu thực vật
a. Quy hoạch khâu tinh luyện dầu:
Để phù hợp với các mục tiêu phát triển ngành đã đề ra ở trên, dự kiến cân đối phát triển công suất tinh luyện dầu và nhu cầu Dầu thực vật đến năm 2010:
Năm | Tổng nhu cầu (tấn/năm) | Công suất tinh luyện (tấn/năm) |
2005 | 448.950 | 663.000 |
2010 | 638.600 | 783.000 |
Quy hoạch đến năm 2010:
- Đưa nhà máy tinh luyện dầu Bình Dương công suất 120.000 tấn/năm của công ty DASO vào hoạt động (năm 2004).
- VOCARIMEX đầu tư di chuyển Nhà máy dầu Tường An và kết hợp xây dựng mới nhà máy tinh luyện dầu tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công suất 180.000 tấn/năm. Vốn đầu tư ước khoảng 300 tỷ đồng.
- VOCARIMEX đầu tư xây dựng mới nhà máy tinh luyện dầu tại Cảng Dầu thực vật, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu công suất 180.000 tấn/năm, vốn đầu tư ước khoảng 300 tỷ đồng.
b. Quy hoạch khâu ép và trích ly:
Theo tính toán, đến năm 2005, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được từ 14,3-15% nhu cầu của ngành, năm 2010, có thể đáp ứng được từ 18,3-32,6% nhu cầu. Để các vùng nguyên liệu có điều kiện phát triển, các nhà máy ép, trích ly dầu thô cần đi trước một bước. Giai đoạn đầu có thể sử dụng nguyên liệu nhập (đậu tương), sau đó từng bước thay thế bằng nguyên liệu trong nước.
Quy hoạch công suất ép và trích ly dầu thô như sau:
Năm | Công suất trích ly (tấn ng.liệu/năm) | Công suất ép (tấn ng.liệu/năm) | Tổng công suất (tấn ng.liệu/năm) |
2005 | 420.000 | 208.600 | 628.600 |
2010 | 660.000 - 900.000 | 273.100 - 406.000 | 933.100 - 1.306.000 |
Đến năm 2005:
- Đầu tư phục hồi và nâng cấp thêm một số nhà máy và xưởng ép dầu sẵn có tại các địa phương (12 cơ sở), dự kiến vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
- Đưa nhà máy trích ly dầu cám và các loại hạt khác công suất 120.000 tấn/năm tại Cần Thơ vào hoạt động (trong năm 2003).
- Đầu tư xây dựng mới nhà máy trích ly đậu nành tại Cảng Dầu thực vật Nhà Bè, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, công suất 300.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
- Xây dựng xưởng phân loại và ép dầu vừng tại An Giang, công suất 10.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng.
Đến năm 2010:
- Đầu tư nâng cấp mở rộng 5 xưởng ép dầu tại các địa phương, vốn đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng.
- Đầu tư mở rộng Nhà máy trích ly dầu cám và hạt có dầu Cần Thơ lên gấp đôi, vốn đầu tư ước khoảng 60 tỷ đồng.
- Đầu tư xây mới một nhà máy trích ly dầu đậu nành tại Quảng Ninh, công suất 240.000 tấn/năm, vốn đầu tư ước khoảng 180 tỷ đồng.
- Đầu tư xây mới 2 nhà máy trích ly dầu đậu nành tại Thanh Hoá, Hà Tĩnh, công suất 120.000 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.
- Đầu tư xây mới thêm 3 xưởng ép dầu tại: Hà Giang, công suất 5.000 tấn/năm; Sơn La, công suất 30.000 tấn/năm, Bình Thuận, công suất 5.000 tấn/năm, vốn đầu tư ước khoảng 16 tỷ đồng.
- Đầu tư mở rộng các xưởng ép dầu tại: Bình Định (lên 60.000 tấn/năm), Đak Lak (lên 30.000 tấn/năm)); Đồng Nai (lên 20.000 tấn/năm), Bình Dương lên 60.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 62 tỷ đồng.
c. Nhu cầu vốn đầu tư chế biến Dầu thực vật đến năm 2010
Các hạng mục đầu tư | Đơn vị | 2005 | 2010 |
Khâu ép và trích ly: | Tỷ đồng | 214 | 200 - 438 |
- Đầu tư cải tạo, mở rộng | Tỷ đồng | 10 | 80 - 142 |
- Đầu tư mới | Tỷ đồng | 204 | 120 - 296 |
Khâu tinh luyện (đầu tư mới): | Tỷ đồng | 300 | 200 |
Tổng cộng | Tỷ đồng | 514 | 400 - 638 |
Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành đến năm 2010:
- Vốn đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu: | 2.612,4 - 3.733,2 tỷ đồng |
- Vốn đầu tư cho công nghiệp chế biến: | 1.014,0 - 1.252,0 tỷ đồng |
Tổng cộng: | 3.626,4 - 4.985,2 tỷ đồng |
Dự kiến cơ cấu huy động vốn đầu tư:
- Tranh thủ vốn ngân sách từ các chương trình của Nhà nước đầu tư trồng trẩu, sở để làm rừng đầu nguồn, phòng hộ: | 13,9% |
- Vốn vay ưu đãi tín dụng Nhà nước xây dựng các nhà máy chế biến và phát triển vùng nguyên liệu tập trung: | 29,8% |
- Vốn đầu tư nước ngoài ( FDI,ODA và các nguồn tại trợ khác): | 5,0% |
- Vốn của dân trồng lạc, vừng, dừa và ép dầu thô: | 51,3% |
Tổng cộng | 100,0% |
d. Định hướng phân vùng:
Đối với công đoạn tinh luyện, những dự án đầu tư mới sẽ được bố trí ở những nơi có thị trường tiêu thụ và hạ tầng phát triển. Đối với công đoạn ép và trích ly dầu thô, tuỳ từng trường hợp các Dự án đầu tư mới có thể được bố trí ở gần vùng trồng cây nguyên liệu tập trung lớn. Đầu tư kết hợp tận dụng những cơ sở vật chất sẵn có hiện nay, những xưởng ép và trích ly dầu thô đầu tư mới quy mô lớn sẽ bố trí vệ tinh gần các nhà máy chế biến, tinh luyện, gần cảng biển nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, giảm bớt chi phí ban đầu, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh với dầu thô nhập ngoại, đặc biệt có thể kết hợp sử dụng nguyên liệu trong nước lẫn nguyên liệu nhập khẩu.
Điều 2. Một số giải pháp và chính sách để hỗ trợ phát triển ngành Dầu thực vật và vùng nguyên liệu đến năm 2010:
Các chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
1. Về thị trường:
Các doanh nghiệp cần thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu, mẫu mã và chất lượng sản phẩm của mình theo quy định. Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ lợi ích hơn hẳn của Dầu thực vật để khuyến khích nhu cầu. Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Thương mại và các Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài giúp cung cấp thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Dầu thực vật.
2. Về đầu tư:
Các cơ sở ép, trích ly dầu thô bằng nguyên liệu trong nước đặt ở các vùng nguyên liệu được hưởng các chính sách ưu đãi theo luật khuyến khích đầu tư trong nước như : hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập trong những năm đầu mới đầu tư.
3. Về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ:
Xây dựng đề án nghiên cứu phát triển cây có dầu một cách tổng thể để phục vụ cho ngành Dầu thực vật, quan tâm đầu tư nghiên cứu chọn tạo ra các giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu chế biến, đồng thời triển khai ra sản xuất các giống đã được khu vực hoá và công nhận giống quốc gia phù hợp với điều kiện tự nhiên của Việt Nam.
Xây dựng chương trình xúc tiến, hỗ trợ nông dân sử dụng giống dừa mới để cải tạo vườn dừa của các vùng trọng điểm ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau, Bình Định, Phú Yên... Xây dựng chương trình nghiên cứu thử nghiệm cây Hướng dương ở Tây Nguyên để nhanh chóng nhân rộng thành vùng nguyên liệu tập trung ở các vùng đất phù hợp.
Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu ( Viện nghiên cứu dầu thực-Tinh dầu-hương liệu- Mỹ phẩm Việt Nam ) để có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và nhân giống mới các cây có dầu để bảo đảm việc phát triển nguyên liệu trong nước.
Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt nghiên cứu sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
4. Về phát triển nguồn nguyên liệu
Đối với cây trẩu, cây sở cần lồng ghép phát triển vùng nguyên liệu với với các chương trình trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và phủ xanh đất trống đồi núi trọc để tranh thủ vốn đầu tư từ ngân sách. Chương trình trồng sở với quy mô lớn đang triển khai tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh... cần nhân rộng ra các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ khác.
Khuyến khích nông dân đưa các giống cây có Dầu mới như : đậu tương, lạc, vừng vào sản xuất đại trà kết hợp với thâm canh, mở rộng diện tích gieo trồng phát triển thành các vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến Dầu tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng với các hộ nông dân theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Chính phủ để được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
5. Phát triển nguồn nhân lực:
Chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở các doanh nghiệp và các địa phương nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các đơn vị. Đào tạo công nhân có trình độ tay nghề cao, có đủ năng lực tiếp thu công nghệ mới,
Tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật và phổ biến kinh nghiệm cho bà con nông dân về gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản sản phẩm cây có dầu, thông qua hệ thống khuyến nông ở các địa phương.
6. Về huy động vốn:
Vốn ngân sách Nhà nước tập trung cho các dự án giao thông, thủy lợi ở những vùng nguyên liệu, hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy, trợ giá giống cây, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành kể cả bồi dưỡng kiến thức KHKT và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân, nghiên cứu khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại.
Tranh thủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn từ các chương trình của nhà nước để ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển chế biến dầu thực vật sử dụng nguyên liệu trong nước, khai hoang, phục hoá phát triển diện tích gieo trồng cây có dầu.
Thu hút các nguồn vốn trong dân cư, vốn cổ phần hoá, bán cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả vốn ODA và các nguồn tài trợ khác để đầu tư phát triển ngành.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1-Bộ Công nghiệp :
a) Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý phát triển ngành theo quy hoạch.
b) Tổ chức triển khai quy hoạch phát triển ngành Dầu thực vật theo nhóm sản phẩm và theo vùng lãnh thổ.
c) Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ban hành các văn bản liên quan đến hoạt đông sản xuất kinh doanh và việc triển khai quy hoạch của ngành Dầu thực vật.
d) Căn cứ vào mục tiêu và các chỉ tiêu trong quy hoạch, chỉ đạo thực hiện, tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch và đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội.
2- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : Chỉ đạo việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung thông qua hệ thống khuyến nông và các chương trình của nhà nước, chỉ đạo xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu tập trung thống nhất trong cả nước.
3- Các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Khoa và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương trong việc triển khai quy hoạch đã được phê duyệt.
4- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: thông qua hệ thống quỹ khuyến công và các chính sách của mình khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến dầu thực vật gắn liền với các vùng nguyên liệu ở địa phương. Chủ trì quy hoạch chi tiết và bố trí đất cho việc phát triển các vùng nguyên liệu tập trung và đất cho các nhà máy chế biến Dầu thực vật ở địa phương.
5- Công ty Dầu thực vật - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam : Là doanh nghiệp lớn của nhà nước có trách nhiệm phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện chiến lược đã được phê duyệt. Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hạt có dầu với nông dân ở các địa phương và các vùng trọng điểm.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp, Công ty Dầu thực vật - Hương liệu - Mỹ phẩm Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1Quyết định 3388/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 8257/QĐ-BCT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
- 1Quyết định 3388/QĐ-BCT năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành Dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2Quyết định 8257/QĐ-BCT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2013
Quyết định 17/2004/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Dầu thực vật Việt Nam đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành
- Số hiệu: 17/2004/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/03/2004
- Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 02/04/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra