Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1699/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 25 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT LẠI ĐỀ ÁN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI CHI CỤC THỦY SẢN THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Bình Thuận;

Căn cứ Quyết định số 71/QĐ-UBND ngày 07/01/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chức năng, nghiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của Chi cục Thủy sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt lại Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gồm các nội dung sau:

I. Các lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa tại Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Các lĩnh vực về đăng ký tàu cá và thuyền viên;

2. Cấp Giấy phép đóng mới, cải hoán tàu cá;

3. Cấp mới, cấp đổi, cấp lại, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản;

4. Cấp mới, gia hạn Giấy phép lặn hải đặc sản.

II. Thành phần hồ sơ, thủ tục và thời hạn giải quyết:

1. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tàu cá và thuyền viên

1.1. Đối tượng tàu cá phải đăng ký:

a) Tàu cá trong quy định này là tàu thuyền, bè cá và các cấu trúc nổi khác chuyên dùng cho: khai thác, chế biến, nuôi trồng, thu gom, vận chuyển thủy sản, hậu cần phục vụ cho nghề cá.

b) Tàu cá thuộc diện phải đăng ký theo quy định này bao gồm:

- Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa (cv) trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế (LTK) từ 15 m trở lên;

- Bè cá và các cấu trúc nổi khác phục vụ hoạt động thủy sản có tổng dung tích từ 50 m3 trở lên.

c) Đối với tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 20 sức ngựa hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế dưới 15 m do UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp tổ chức đăng ký, quản lý thực hiện theo quy định của UBND tỉnh.

1.2. Đối tượng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá :

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp cho chủ tàu là tổ chức hoặc cá nhân trong nước sở hữu tàu cá, có trụ sở hoặc hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

- Sau khi đăng ký mỗi tàu cá chỉ được cấp một giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cùng biển số đăng ký theo quy định hiện hành.

1.3. Tàu cá được đăng ký khi đủ các điều kiện sau:

- Phù họp với chủ trương phát triển tàu cá của ngành Nông nghiệp & PTNT;

- Không mang số đăng ký tàu cá nào khác.

- Đã hoàn tất việc đăng kiểm.

- Chủ tàu phải cam kết không sử dụng tàu cá vào mục đích khác trái với pháp luật

- Nếu tàu cá nhập khẩu thì không được quá 8 tuổi đối với tàu vỏ gỗ và 15 tuổi đối với tàu vỏ bằng vật liệu khác.

- Tàu cá thuộc tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có trụ sở thường trú tại Việt Nam và phải được Chính phủ Việt Nam cho phép.

1.4. Quy định về hồ sơ đăng ký tàu cá (bè cá):

Hồ sơ nộp, mỗi loại 01 bản chính, bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký tàu cá (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

b) Giấy tờ chứng minh nguồn gốc của tàu.

c) Biên lai nộp thuế trước bạ (vỏ tàu, máy tàu).

* Đối với tàu cá đóng mới, cải hoán:

- Văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán do Sở Nông nghiệp &PTNT Bình Thuận cấp;

- Hợp đồng đóng mới, cải hoán tàu hoặc giấy chứng nhận xuất xưởng do cơ sở đóng tàu cấp;

- Hoá đơn bán hàng của cơ sở đóng sửa tàu thuyền cấp cho chủ tàu (hóa đơn đỏ do Bộ Tài Chính phát hành);

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu do đăng kiểm viên tàu cá lập;

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ (đối với tàu cải hoán).

* Đối với tàu cá chuyển nhượng quyền sở hữu (mua, bán, cho, thừa kế):

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ;

- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sở hữu tàu cá theo quy định của Nhà nước (có chứng thực của UBND cấp huyện bên chuyển sở hữu tài sản hoặc của cơ quan công chứng Nhà nước);

- Giấy chứng nhận xóa đăng ký kèm theo hồ sơ gốc của tàu cá do cơ quan đăng ký tàu cá cũ cấp; (trường hợp mua từ ngoài tỉnh)

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu do đăng kiểm viên tàu cá lập.

* Giấy tờ phải xuất trình (bản chính):

a) Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp;

b) Khi cấp giấy chứng nhận đăng ký bè cá ngoài quy định như trên, chủ bè phải xuất trình giấy chứng nhận sử dụng mặt nước hoặc đề án sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

1.5. Quy định về hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời:

a) Đối tượng tàu cá được cấp:

Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời được cấp cho tàu cá đóng mới tại Bình Thuận để di chuyển về nơi đăng ký chính thức ở tỉnh khác.

b) Hồ sơ đăng ký tạm thời, gồm:

- Tờ khai đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời nêu rõ lý do;

- Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp;

- Hợp đồng đóng tàu, hoặc giấy xuất xưởng.

Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời được cấp cho chủ tàu chỉ có giá trị trong 90 ngày.

1.6. Quy định về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá được cấp lại trong các trường hợp sau:

- Bị mất, bị rách nát, hư hỏng;

- Thay đổi tên tàu, số hiệu (nếu có) hoặc các thông số kỹ thuật của tàu.

b) Hồ sơ, gồm có:

- Tờ khai đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ (nếu bị rách, nát hư hỏng hoặc thay đổi tên tàu – bản chính) hoặc giấy khai báo bị mất “Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá” có xác nhận của UBND cấp xã hoặc đồn công an, biên phòng nơi bị mất (nếu bị mất).

1.7. Quy định về hồ sơ cấp giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá:

a) Đối tượng tàu cá được cấp:

- Tàu bị giải bản hoặc bị chìm đắm mất khả năng hoạt động nghề cá;

- Tàu bị mất tích (sau 6 tháng, kể từ khi mất liên lạc với tàu);

- Tàu bị hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả kinh tế;

- Tàu chuyển dịch quyền sở hữu ra khỏi địa bàn tỉnh.

b) Hồ sơ gồm có:

- Tờ khai xóa đăng ký tàu cá (có xác nhận của UBND xã nơi cư trú);

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá;

- Hồ sơ an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp.

1.8. Quy định về hồ sơ đăng ký thuyền viên và cấp sổ danh bạ thuyền viên:

a) Đối tượng :

Chủ tàu có công suất từ 90 cv trở lên phải thực hiện việc đăng ký thuyền viên làm việc trên tàu để được cấp sổ danh bạ thuyền viên. Sổ danh bạ thuyền viên được cấp lần đầu cùng với việc đăng ký tàu cá.

b) Hồ sơ đăng ký thuyền viên và cấp sổ danh bạn thuyền viên, gồm có:

- Tờ khai đăng ký thuyền viên của chủ tàu;

- Bản sao sổ thuyền viên tàu cá của từng thuyền viên xin đăng ký làm việc trên tàu hoặc chứng chỉ nghiệp vụ khác, phù hợp với các chức danh quy định trên tàu cá (đối với tàu có công suất từ 90 cv trở lên).

1.9. Quy định về hồ sơ cấp sổ thuyền viên:

a) Đối tượng và điều kiện:

- Thuyền viên làm việc trên các tàu cá có công suất máy chính từ 90 CV trở lên phải có sổ thuyền viên tàu cá;

- Người đề nghị cấp sổ thuyền viên tàu cá phải có đủ các điều kiện sau:

+ Đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động (đủ 18 tuổi trở lên);

+ Có đủ sức khỏe và biết bơi, có kiến thức cơ bản về hành nghề trên biển.

b) Hồ sơ cấp sổ thuyền viên, gồm có:

- Tờ khai cấp sổ thuyền viên tàu cá, kèm theo 02 ảnh màu cỡ 3 x 4;

- Chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với các chức danh quy định trên tàu cá hoặc giấy chứng nhận đào tạo nghiệp vụ đi biển làm nghề cá do cơ quan có thẩm quyền cấp, theo quy định hiện hành.

2. Hồ sơ, thủ tục đóng mới, cải hoán tàu cá.

2.1. Đối tượng, điều kiện:

- Mọi tổ chức, cá nhân muốn đóng mới, cải hoán tàu cá lắp máy chính từ 30CV trở lên phải được Sở Nông nghiệp &PTNT chấp thuận bằng văn bản;

- Cấm đóng mới tàu cá dưới 90 CV làm nghề lưới kéo (giã cào) và cấm đóng mới tàu cá dưới 30 CV làm các nghề khác.

2.2. Thủ tục, hồ sơ đóng mới, cải hoán tàu cá:

- Tờ khai đóng mới, cải hoán tàu cá (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá cũ (đối với tàu cá cải hoán).

3. Quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, cấp đổi giấy phép khai thác thủy sản.

3.1. Đối tượng cấp Giấy phép khai thác thủy sản

- Giấy phép khai thác thủy sản được cấp mới, cấp lại, cấp đổi hoặc gia hạn cho tổ chức, cá nhân có hộ khẩu thường trú hoặc trụ sở tại Bình Thuận, có tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển và vùng nước tự nhiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Mỗi tàu cá chỉ được cấp một Giấy phép khai thác thủy sản và có giá trị sử dụng cho tàu cá đó.

3.2. Quy định về hồ sơ cấp mới Giấy phép khai thác thủy sản:

a) Trường hợp tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp Giấy phép khai thác thủy sản (có xác nhận của UBND cấp xã);

- Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tương ứng theo quy định của Bộ Nông nghiệp &PTNT (bản phô tô– kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (xuất trình);

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá (bản phô tô- kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Sổ danh bạ thuyền viên (xuất trình);

b) Trường hợp chủ tàu làm thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác cùng lúc với làm thủ tục đăng ký tàu cá thì ngoài hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá nói trên, chỉ cần nộp thêm các loại giấy tờ sau:

- Đơn xin cấp Giấy phép khai thác thủy sản (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp &PTNT (bản phôtô – kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu do đăng kiểm viên lập (bản phô tô).

3.3 Quy định về hồ sơ gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản:

- Đơn xin gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (bản phô tô- kèm theo bản chính để đối chiếu ).

3.4. Quy định về hồ sơ cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản:

a) Giấy phép khai thác thủy sản được cấp lại trong các trường hợp sau:

- Bị mất, bị rách nát, hư hỏng;

b) Hồ sơ cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản gồm có:

- Đơn xin cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp (bị rách nát, hư hỏng)

- Giấy xác nhận của chính quyền, hoặc công an nơi cư trú, hoặc nơi bị mất (trường hợp giấy phép bị mất, hoặc rách nát, hư hỏng).

3.5. Quy định về hồ sơ đổi lại Giấy phép khai thác thủy sản:

a) Giấy phép khai thác thủy sản được đổi lại trong các trường hợp sau:

- Có sự thay đổi về tàu cá, ngư cụ, nghề, khu vực khai thác

- Giấy phép khai thác thủy sản đã được gia hạn 3 lần

b) Hồ sơ đổi lại lại Giấy phép khai thác thủy sản gồm có:

- Đơn xin đổi lại Giấy phép khai thác thủy sản (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Giấy phép khai thác thủy sản đã được cấp

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (xuất trình);

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu cá (bản phô tô- kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Bằng thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá theo quy định của Bộ Nông nghiệp &PTNT (bản phôtô – kèm theo bản chính để đối chiếu);

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu do đăng kiểm viên lập (bản phô tô, kèm theo bản chính để đối chiếu).

4. Hồ sơ, thủ tục cấp mới, gia hạn Giấy phép lặn hải đặc sản:

4.1. Quy định về hồ sơ cấp mới Giấy phép lặn hải đặc sản

- Đơn xin cấp Giấy phép lặn hải đặc sản (có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú);

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (xuất trình);

- Giấy phép khai thác thủy sản (xuất trình);

- Giấy phép sử dụng thiết bị lặn (xuất trình).

Trường hợp tàu cá chưa có Giấy phép sử dụng thiết bị lặn thì Chi cục Thủy sản tiến hành kiểm tra thiết bị lặn và cấp Giấy phép sử dụng thiết bị lặn đồng thời cấp Giấy phép lặn hải đặc sản.

Trong quá trình hoạt động khai thác hải đặc sản bằng nghề lặn, chủ tàu cá có Giấy phép lặn chỉ được sử dụng các thợ lặn đã đảm bảo đầy đủ điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận đã qua lớp tập huấn kỹ thuật lặn;

- Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe hành nghề lặn do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm con người;

Ba loại giấy tờ nêu trên ( giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản và giấy phép sử dụng thiết bị lặn) phải được mang theo trên tàu cá trong quá trình hành nghề lặn để xuất trình khi cơ quan có chức năng kiểm tra.

4.2. Quy định về hồ sơ gia hạn Giấy phép lặn hải đặc sản

- Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép lặn Hải đặc sản.;

- Giấy phép lặn Hải đặc sản đã được cấp;

- Giấy phép sử dụng thiết bị lặn (xuất trình).

5. Thời gian giải quyết

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá: 05 ngày làm việc, kể từ lúc nhận đủ hồ sơ hợp lệ; cấp sổ danh bạ thuyền viên, sổ thuyền viên : 03 ngày làm việc, kể từ lúc nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu cấp ba loại giấy tờ này cùng một lúc: 07 ngày làm việc, kể từ lúc nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Cấp chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá : 05 ngày làm việc, kể từ lúc nhận đủ hồ sơ hợp lệ .

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tạm thời; cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký tàu; cấp mới, cấp đổi, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản, cấp Giấy phép lặn hải đặc sản, cấp Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá : mỗi loại 03 ngày làm việc, kể từ lúc nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

- Đối với hồ sơ nhận và trả kết quả tại huyện Đảo Phú Quý trong điều kiện thời tiết bình thường : 18 ngày, trong đó 15 ngày hồ sơ đến Phòng Kinh tế huyện, 03 ngày trả cho tổ chức, công dân.

- Đối với các loại thủ tục nhận và trả kết quả: (Cấp,đổi, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản) tại các phường, xã, thị trấn của các huyện, thị; phường Hàm Tiến, Mũi Né thuộc thành phố Phan Thiết trong các đợt đăng kiểm tàu cá thường kỳ : 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

III. Quy trình tiếp nhận và giải quyết:

- Khi có yêu cầu giải quyết hồ sơ hành chính liên quan đến các lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa nói trên, tổ chức, cá nhân liên hệ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục và nộp hồ sơ .

- Nếu hồ sơ chưa hoàn chỉnh thì công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hướng dẫn cho chủ hồ sơ bổ sung, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh;

- Nếu hồ sơ đủ, hoàn chỉnh thì công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả ghi phiếu tiếp nhận, thu phí theo quy định (nếu có); chuyển hồ sơ đến cho phòng chuyên môn giải quyết;

- Sau khi tiếp nhận, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả chuyển hồ sơ đến các phòng chuyên môn để thẩm định, xử lý và đề xuất lãnh đạo Chi cục Thủy sản hoặc tham mưu lãnh đạo Chi cục ký văn bản đề nghị Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký duyệt;

- Trong quá trình thẩm định, nếu phòng chuyên môn phát hiện hồ sơ không hợp lệ hoặc cần điều chỉnh, bổ sung thì không quá một phần hai (1/2) thời gian quy định giải quyết hồ sơ, phòng chuyên môn có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo Chi cục ban hành văn bản yêu cầu chủ hồ sơ bổ sung hoặc điều chỉnh. Sau khi chủ hồ sơ đã hoàn chỉnh hồ sơ thì thời gian khi nộp lại hồ sơ sẽ được tính như nộp lần đầu.

- Sau khi Lãnh đạo Chi cục hoặc Sở ký duyệt, phòng chuyên môn chuyển cho công chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả để trả cho tổ chức, cá nhân.

- Riêng huyện Đảo Phú Quý trong đợt đăng kiểm thường kỳ hàng năm Chi cục cử công chức của Bộ phận một cửa trực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính thông qua Phòng Kinh tế huyện Phú Quý (nếu nhận hồ sơ tại huyện Phú Quý);

- Chi cục cử công chức của Bộ phận một cửa phối hợp với đoàn công tác đăng kiểm trong thời gian đăng kiểm tàu cá thường kỳ tại các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã và các phường Hàm Tiến, Mũi Né thuộc Thành phố Phan Thiết để nhận và trả kết quả đối với các loại thủ tục “ Cấp, đổi, gia hạn Giấy phép khai thác thủy sản”.

IV. Phí và lệ phí:

Thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tổ chức thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực đã được phê duyệt lại.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2733/QĐ-UBND ngày 02/11/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc ban hành quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo cơ chế một cửa tại Chi cục Quản lý Thủy sản và Quyết định số 859/QĐ-UBND ngày 26/3/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bổ sung quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa tại Chi cục quản lý thủy sản.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Như Điều 4;
- Tổ Kiểm tra 1128;
- Chi cục Thủy sản;
- Lưu: VT, NC, SNV.Nhan(10b)

CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1699/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt lại Đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 1699/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản