Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1689/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP TRUNG TÂM ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ CỨU NẠN ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM THUỘC TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương;

Căn cứ Quyết định số 973/QĐ-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thành công TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu;

Căn cứ Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 31/3/2011 của Thủ tướng Chính phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Đường sắt Việt Nam;

Căn cứ Công văn số 4033/VPCP-NC ngày 05/6/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc Đề án thành lập Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt;

Xét đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Công văn số 39/ĐS-TCCB ngày 10/01/2012, Công văn số 1585/ĐS-TCCB ngày 16/7/2012, Đề án thành lập Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt);

Theo đề nghị của Vụ trưởng - Trưởng ban Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp giao thông vận tải và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam, đơn vị sự nghiệp thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam,

- Tên giao dịch quốc tế: VIETNAM RAILWAY RESCUE AND NATURAL CALAMITY RESPONSE CENTRE

- Tên viết tắt: VNRRRC

- Trụ sở chính: số 107 Phố Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Trung tâm Ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão; ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt theo quy định.

Điều 2. Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Trung tâm có các đơn vị phụ thuộc là các trung tâm khu vực, gồm:

1. Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Khu vực I: Trụ sở đặt tại số 120 Phố Lê Duẩn, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

2. Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Khu vực II: Trụ sở đặt tại số 83 Đường Trần Cao Vân, Thành phố Đà Nẵng.

3. Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Khu vực III: Trụ sở đặt tại số 136 Đường Hàm Nghi, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn đường sắt khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm:

1. Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam.

2. Quyết định thành lập và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động các Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt khu vực; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, điều hành của Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam và các Trung tâm khu vực.

3. Điều động, tuyển chọn, sử dụng cán bộ kỹ thuật và người lao động tại Trung tâm trên nguyên tắc đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tận dụng nguồn nhân lực hiện có và không ảnh hưởng đến nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty và các đơn vị thành viên của Tổng công ty.

Điều 4. Kinh phí hoạt động của Trung tâm:

Kinh phí hoạt động của Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước (nằm trong nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt hàng năm) và của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTT Hoàng Trung Hải (để b/c);
- PTT Vũ Văn Ninh (để b/c);
- Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- Văn phòng Chính phủ;
- UB Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn;
- UB An toàn giao thông Quốc gia;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão TW;
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, LĐ-TB & XH, Nội vụ;
- Kho bạc Nhà nước Việt Nam;
- UBND Tp Hà Nội, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Lưu: VT, QLDN (Thm 5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1689/QĐ-BGTVT năm 2012 thành lập Trung tâm ứng phó sự cố, thiên tai và cứu nạn đường sắt Việt Nam thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1689/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản