Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1686/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 14 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN RỪNG SẢN XUẤT ĐẾN TỪNG ĐỊA BÀN CHỦ RỪNG TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

Căn cứ các Thông tư liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Tài chính: số 02/TTLB-BKH-NN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; số 70/2009/TTLB-BNN-KHĐT-TC ngày 04 tháng 11 năm 2009 bổ sung, chỉnh sửa một số điều của Thông tư 02/TTLB-BKH-NN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên: số 2385/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Phú Yên; số 908/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2008 về việc sử dụng vốn kết dư của Dự án 661 giai đoạn 1999-2005; số 527/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2010 về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định dự án Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên (theo Quyết định 621/QĐ- UBND ngày 09/4/2011 của UBND tỉnh) vào ngày 20/7/2011;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 188/TTr-SNN-LN ngày 13 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2011-2020, với các nội dung sau:

1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn và chủ rừng.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đại diện là Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên).

3. Thời gian quy hoạch: Giai đoạn 2011-2020.

4. Quan điểm quy hoạch

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

- Rừng sản xuất là rừng đa mục tiêu, trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ việc trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ, lâm sản; Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ban đầu nhằm khuyến khích phát triển rừng, đồng thời để chi trả một phần giá trị môi trường do rừng trồng mang lại và bù đắp lợi nhuận thấp do tính đặc thù của nghề rừng.

- Phát triển rừng sản xuất phải gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản để tạo được nghề rừng ổn định và phát triển bền vững.

- Ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp ở các xã này.

5. Mục tiêu quy hoạch

Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 129.729 ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; góp phần nâng độ che phủ của rừng trên toàn Tỉnh lên 39% vào năm 2015 và lên 45% vào năm 2020. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

6. Nhiệm vụ

a) Về kinh tế:

Quản lý và phát triển rừng sản xuất theo hướng đa mục tiêu, góp phần quản lý bảo vệ hiệu quả 97.403 ha rừng tự nhiên hiện có; phát triển mạnh trồng rừng, tiến đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung trên diện tích hơn 39.000 ha đất trống lâm nghiệp. Gia tăng diện tích, năng suất chất lượng rừng trồng, tăng cường các hoạt động nông lâm kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng phù hợp cho phát triển lâm nghiệp. Sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có tính cạnh tranh và bền vững để đáp ứng về cơ bản nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản khác.

b) Về xã hội:

Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, thông qua việc hỗ trợ giai đoạn đầu tư cơ bản, xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp. Tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân; đặc biệt chú ý đến đồng bào dân tộc thiểu số; các hộ nghèo, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa để từng bước tạo cho người dân làm nghề rừng có thể sống được bằng nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh quốc phòng.

c) Về môi trường:

Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực. Thông qua việc đầu tư hỗ trợ trồng rừng sản xuất, tăng thu nhập làm giảm sức ép đối với diện tích rừng hiện còn, tham gia việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhằm thực hiện kết hợp có hiệu quả giữa chức năng sản xuất và chức năng phòng hộ của ngành lâm nghiệp; giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống.

7. Nội dung quy hoạch

a) Định hướng quy hoạch:

- Quy hoạch vùng sản xuất lâm nghiệp trên diện tích đã được quy hoạch 3 loại rừng và diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng;

- Phát triển rừng sản xuất theo hướng đa mục tiêu: Kinh tế, xã hội, môi trường. Căn cứ vào điều kiện lập địa, thổ nhưỡng, hạ tầng kỹ thuật, tiềm lực kinh tế để xây dựng tập đoàn cây trồng phù hợp. Tăng cường trồng rừng khảo nghiệm trên các diện tích có điều kiện lập địa, thỗ nhưỡng không thuận lợi. Xây dựng và tiến đến từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng lâm nghiệp gắn với hạ tầng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa;

- Tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh làm chính sang nền lâm nghiệp nhân dân có nhiều thành phần kinh tế tham gia, điều chỉnh cơ cấu quyền sở hữu/quyền sử dụng rừng, trong đó ưu tiên tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp;

- Tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thiết lập lâm phận ổn định, từng bước thực hiện quản lý rừng theo nguyên tắc bền vững, xác lập hài hòa mối quan hệ giữa quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng, quyền kinh doanh rừng và quyền hưởng lợi từ rừng, đặc biệt là quyền tài sản đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất;

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo hướng các tiềm năng giá trị đa chức năng của rừng được chuyển thành giá trị có tính thương mại;

- Khuyến khích chủ doanh nghiệp kinh doanh và chế biến gỗ áp dụng hệ thống quản lý gỗ theo FSC và có chứng chỉ FSC COC. Khuyến khích các chủ rừng, nhất là các chủ rừng nhỏ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững theo các tiêu chí của FSC. Nâng cao hiệu quả tính cạnh tranh trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp, phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển hình thức đồng quản lý lâm nghiệp cộng đồng, tổ hợp tác, HTX dịch vụ, liên doanh, liên kết giữa các bên trong bảo vệ và phát triển rừng.

b) Quy hoạch sử dụng đất:

Tổng diện tích quy hoạch: 159.523,3 ha. Bao gồm:

- Đất có rừng: 120.406,7 ha chiếm tỷ lệ 75 % tổng diện tích quy hoạch.

+ Rừng tự nhiên: 71.862,6 ha;

+ Rừng trồng: 48.544,1 ha.

- Đất chưa có rừng: 39.116,6 ha, chiếm tỷ lệ 25% tổng diện tích quy hoạch.

Quy hoạch sử dụng đất phát triển rừng sản xuất cho các đối tượng là Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; hộ gia đình, các tổ chức kinh tế và địa phương quản lý tiếp tục giao và cho thuê phát triển rừng. Trong đó:

- Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã được phê duyệt cho các tổ chức kinh tế với diện tích 17.785,7 ha. Bao gồm: 2.790,8 ha rừng tự nhiên; 7.549,4 ha rừng trồng và 7.445,5 ha đất chưa có rừng;

- Quy hoạch sử dụng đất rừng sản xuất cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo phương án rà soát, điều chỉnh lại lâm phần của các dự án cơ sở trồng mới 5 triệu ha rừng đã được phê duyệt với diện tích 37.214,7 ha. Bao gồm:

21.859 ha rừng tự nhiên; 8.380,3 ha rừng trồng và 6.975,4 ha đất chưa có rừng;

- Quy hoạch sử dụng đất phát triển rừng sản xuất cho các hộ gia đình đã được giao, cấp quyền sử dụng với diện tích 41.549,1 ha. Bao gồm: 19.153,2 ha rừng tự nhiên; 14.354,4 ha rừng trồng và 8.041,5 ha đất chưa có rừng.

- Quy hoạch vùng phát triển rừng sản xuất do địa phương quản lý diện tích 62.973,9 ha. Bao gồm: 28.059,5 ha rừng tự nhiên; 18.260 ha rừng trồng và 16.654,3 ha đất chưa có rừng.

c) Về Quy hoạch tác nghiệp:

* Quy hoạch bảo vệ rừng:

Tổng diện tích rừng tự nhiên cần bảo vệ: 71.863 ha.

- Giao khoán quản lý bảo vệ rừng: 28.063 ha;

- Chủ rừng tự bảo vệ: 43.803 ha.

* Trồng rừng:

Tổng diện tích quy hoạch trồng rừng: 44.587 ha. Bình quân 4.450 ha/năm.

- Trồng mới rừng: 23.470 ha. Trong đó:

+ Quy hoạch trồng mới rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 4.185 ha;

+ Quy hoạch trồng mới cho các tổ chức kinh tế: 4.468 ha;

+ Quy hoạch trồng mới cho hộ gia đình, địa phương: 14.817 ha.

- Trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng khai thác: 21.117 ha, bình quân hàng năm trồng khoảng 2.100 ha trên diện tích rừng trồng được khai thác. Trong đó:

+ Quy hoạch cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 2.115 ha;

+ Quy hoạch cho các tổ chức kinh tế: 3.766 ha;

+ Quy hoạch cho hộ gia đình, địa phương: 15.236 ha.

* Khai thác rừng:

- Khai thác rừng tự nhiên sản xuất: Ổn định ở sản lượng bình quân 5.000 m3/năm, tương đương diện tích khai thác hàng năm khoảng 120 ha, tập trung chủ yếu ở trạng thái rừng giàu, rừng trung bình.

- Khai thác rừng trồng: Tổng diện tích khai thác rừng trồng đến năm 2020 là 35.435 ha, tương đương với tổng trữ lượng 1.328.196 m3, với trữ lượng bình quân 38m3/ha. Trong đó:

+ Diện tích khai thác từ Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: 2.988 ha;

+ Diện tích khai thác từ các tổ chức kinh tế: 6.984 ha;

+ Diện tích khai thác từ hộ gia đình: 11.025 ha;

+ Diện tích khai thác từ địa phương quản lý: 14.438 ha.

* Chế biến lâm sản:

- Hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hàng năm cung ứng khoảng trên 02 triệu m3 gỗ.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất khép kín, mở rộng sản xuất gỗ mỹ nghệ từ gỗ rừng trồng, nâng cao công suất dây chuyền công nghệ hiện có.

- Xây dựng một số nhà máy chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ.

* Các hoạt động khác:

- Xây dựng vườn ươm, rừng giống, vườn giống:

Chuyển hóa rừng giống: Từ rừng trồng Dầu rái, Keo tai tượng, Thanh Thất, Sao đen khoảng 40 ha; từ rừng tự nhiên Dầu rái, Gõ đỏ, Giáng hương... 13 ha.

- Xây dựng vườn ươm mới: 16 vườn, công suất đạt 500.000 cây/vườn.

- Xây dựng vườn cây đầu dòng: 8 ha.

- Trồng rừng khảo nghiệm: 100 ha.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Xây dựng ranh cản lửa trồng rừng: 516km (tính theo diện tích đông đặc).

+ Tận dụng bảo dưỡng 450km đường lâm nghiệp nội vùng trong vùng quy hoạch trồng rừng sản xuất để hình thành hệ thống băng cản lửa chính.

+ Xây dựng mới đường lâm nghiệp: 236km.

8. Khái toán vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư: 906.726 triệu đồng; trong đó:

a) Theo hạng mục đầu tư:

- Đầu tư cho trồng mới rừng: 612.389 triệu đồng;

- Đầu tư cho trồng lại rừng sau khai thác: 163.575 triệu đồng;

- Đầu tư xây dựng cơ bản: 98.032 triệu đồng;

- Chi phí khác: 32.729 triệu đồng. b) Phân theo nguồn:

- Hỗ trợ theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg: 229.132 triệu đồng;

- Vốn khác: 677.594 triệu đồng.

9. Các nội dung khác: Theo Báo cáo Quy hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá Quy hoạch

1. Tổ chức thực hiện:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố công khai Quy hoạch được duyệt theo quy định hiện hành. Chủ trì phối hợp các địa phương quản lý chặt chẽ việc thực hiện Quy hoạch này. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch hàng năm đảm bảo phù hợp Quy hoạch. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm nòng cốt trong việc tổ chức, thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư khác theo quy định để thực hiện các nội dung Quy hoạch.

- Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất; thực hiện giao, cho thuê đất lâm nghiệp đảm bảo đúng quy trình và tiến độ thời gian.

- Các sở, ban, ngành khác có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các nội dung của Quy hoạch có liên quan đến chức năng, thẩm quyền quản lý.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp để quản lý Quy hoạch theo luật định; chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án liên quan trên địa bàn theo đúng Quy hoạch được phê duyệt.

- Các chủ rừng, các tổ chức, doanh nghiệp về lĩnh vực lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tổ chức sản xuất kinh doanh, chế biến lâm sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

2. Giám sát, đánh giá:

Hàng năm, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tổ chức giám sát đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án để triển khai Quy hoạch. Đồng thời phối hợp, phục vụ các đợt giám sát của cơ quan thẩm quyền đối về nội dung liên quan. Trong đó tập trung giám sát, đánh giá:

- Kết quả đạt được so với chỉ tiêu kế hoạch; tồn tại cần khắc phục; các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị theo hướng tích cực, tiêu cực.

- Tình hình huy động nguồn lực, sử dụng vốn đầu tư.

- Tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, môi trường.

- Những đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế - xã hội của tỉnh, đến xoá đói giảm nghèo...

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Trúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1686/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng giai đoạn 2011-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 1686/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Văn Trúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản