Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1681/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính trái với quy định tại văn bản này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Vụ HCSN;
- Các Vụ thuộc Bộ;
- Lưu VT, Vụ KHTC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Sỹ Danh

 

QUY CHẾ

LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM CHO CÔNG TÁC KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP THUỘC BỘ TÀI CHÍNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1681/QĐ-BTC ngày 04/07/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

2. Các cơ quan, tổ chức pháp chế thuộc Bộ Tài chính có chức năng, nhiệm vụ giúp cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản do cơ quan, tổ chức khác ban hành và thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá, tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật gồm:

a) Tổ chức pháp chế ở Bộ.

b) Tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ.

c) Các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu, kế hoạch.

Điều 2. Nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản

1. Kinh phí phục vụ hoạt động tự kiểm tra văn bản theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3982/QĐ-BTC ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kiểm tra và xử lý văn bản được sử dụng từ nguồn kinh phí chi hoạt động thường xuyên của cơ quan thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

2. Kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị.

3. Việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản phải đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ, định mức chi theo quy định hiện hành về các chế độ chi tiêu tài chính và các quy định cụ thể tại Quyết định này.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. NỘI DUNG VÀ ĐỊNH MỨC CHI

Điều 3. Nội dung chi bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản

1. Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu, kế hoạch (bao gồm cả xử lý văn bản tại cơ quan được kiểm tra); họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan kiểm tra.

2. Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực; kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

3. Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

4. Chi lấy ý kiến chuyên gia: Trong trường hợp văn bản được kiểm tra, rà soát thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp hoặc có dấu hiệu trái pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức pháp chế quyết định việc lấy ý kiến chuyên gia.

5. Chi báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản theo chuyên đề, theo địa bàn, theo lĩnh vực; báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính định kỳ hàng năm hoặc đột xuất về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật.

6. Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

7. Chi hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm tra văn bản khi phát hiện văn bản trái pháp luật. Trường hợp nếu có chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ kiểm tra văn bản thì không thực hiện chế độ chi hỗ trợ kiểm tra văn bản.

8. Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản:

a) Chi cho cộng tác viên kiểm tra văn bản theo hợp đồng có thời hạn; chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản theo hợp đồng khoán việc tính trên số lượng văn bản xin ý kiến.

b) Chi thanh toán công tác phí cho cộng tác viên tham gia đoàn kiểm tra theo chuyên đề, địa bàn hoặc theo ngành, lĩnh vực.

9. Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản:

a) Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản; chi rà soát, hệ thống hoá văn bản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ.

b) Chi tổ chức thu thập, phân loại, xử lý các thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản; trang bị sách, báo, tạp chí.

c) Chi tổ chức mạng lưới thông tin phục vụ cho việc xây dựng và quản lý hệ cơ sở dữ liệu; duy trì, bảo dưỡng và nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin (bao gồm cả việc chi mua sắm phần cứng, phần mềm, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, dịch vụ khác); chi ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn (bao gồm cả việc tin học hoá hệ cơ sở dữ liệu).

10. Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.

11. Các nội dung chi khác liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản: Chi tổ chức nghiên cứu khoa học về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên; chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm tra, xử lý văn bản; chi làm đêm, làm thêm giờ, chi văn phòng phẩm và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 4. Mức chi công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản

1. Các nội dung chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành. Cụ thể như sau:

a) Đối với các khoản chi để tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sơ kết, tổng kết; các khoản chi công tác phí cho những người đi công tác trong nước (bao gồm cả cộng tác viên, thành viên tham gia các đoàn kiểm tra văn bản và đoàn kiểm tra công tác kiểm tra, rà soát văn bản) được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3151/QĐ-BTC ngày 30/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính và quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ của từng đơn vị;

b) Đối với các khoản chi cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3086/QĐ-BTC ngày 25/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

c) Chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực, địa phương và toàn quốc về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Đối với các khoản chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2011/TT-BTC ngày 11/5/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê;

đ) Đối với các khoản chi mua sắm các trang thiết bị, lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hóa phục vụ cho công tác kiểm tra văn bản được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 của Bộ Thông tin & Truyền thông về việc công bố định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và Thông tư số 12/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

e) Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản được thực hiện theo quy định tại Nghị định 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng (có hiệu lực 20/6/2012).

g) Chi hợp đồng có thời hạn với cộng tác viên kiểm tra văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.

2. Các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật sử dụng kinh phí theo đúng các quy định nêu trên và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Ngoài ra Quyết định này hướng dẫn thêm một số khoản chi có tính chất đặc thù trong kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (theo Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này).

MỤC 2. LẬP DỰ TOÁN, PHÂN BỔ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện:

1. Nguồn kinh phí trong dự toán chi ngân sách nhà nước thường xuyên hàng năm của đơn vị, tổ chức được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.

2. Nguồn viện trợ, tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Lập dự toán cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật:

Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của đơn vị, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về kiểm tra và xử lý văn bản, về rà soát và hệ thống hoá văn bản; lập dự kiến cho năm sau: Chương trình công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản và lập dự toán kinh phí gửi Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 15/6 hàng năm.

Các Tổng cục và Kho bạc nhà nước lập dự kiến và tổng hợp dự kiến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Quy chế này do các đơn vị cấp dưới gửi lên, dự toán kinh phí thực hiện tổng hợp chung trong dự toán chi của toàn hệ thống.

Các Cục, các đơn vị còn lại thuộc Bộ căn cứ nhiệm vụ được giao, lập dự kiến Chương trình công tác gửi Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ và dự toán kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tổng hợp trong dự toán của đơn vị gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính thẩm định.

Trường hợp, các đơn vị không gửi chương trình và dự toán kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản thì không được xem xét phân bổ dự toán thực hiện.

Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ rà soát, thẩm định nội dung, sự cần thiết thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để tổng hợp danh mục các nội dung công việc cần triển khai trong năm sau gửi Vụ Kế hoạch Tài chính trước ngày 25/6 để lập dự toán và tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của Bộ Tài chính.

2. Đối với các tổ chức pháp chế không phải là đơn vị dự toán: Hàng năm, căn cứ vào các nội dung kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định tại Quyết định này và kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản gửi bộ phận tài chính của cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định.

Điều 7. Phân bổ dự toán:

Căn cứ dự toán chi ngân sách hàng năm được giao, Chương trình, kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, công tác phân bổ dự toán kinh phí như sau:

1. Dự toán được giao đầu năm:

a) Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (không phải đơn vị dự toán):

- Căn cứ Chương trình kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Bộ trưởng phê duyệt: Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện lập dự toán chi tiết (theo nội dung, mức chi quy định tại Quy chế này), gửi Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính trong vòng 15 ngày kể từ ngày Bộ trưởng phê duyệt (trường hợp đơn vị không lập dự toán hoặc gửi dự toán ngoài thời hạn nêu trên, coi như đơn vị không có nhu cầu).

- Vụ Kế hoạch - Tài chính: Căn cứ dự toán giao tự chủ hàng năm, chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế thực hiện rà soát, tổng hợp dự toán của các đơn vị báo cáo Bộ phê duyệt; thông báo danh mục dự toán công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật cho các đơn vị được giao nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện.

b) Các đơn vị dự toán thuộc Bộ Tài chính:

Căn cứ Chương trình công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được Bộ phê duyệt; dự toán chi thường xuyên, kinh phí thực hiện tự chủ được giao; quy định về nội dung, định mức chi; tính chất, quy mô từng nhiệm vụ, Tổng cục trưởng các Tổng cục, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước chủ động phân bổ dự toán cho các đơn vị trực thuộc; Thủ trưởng các đơn vị dự toán thông báo danh mục dự toán cho các bộ phận được giao nhiệm vụ để các đơn vị, bộ phận chủ động thực hiện theo quy định.

2. Điều chỉnh, bổ sung dự toán trong năm:

- Định kỳ hàng quý, Thủ trưởng các đơn vị thực hiện rà soát danh mục, nội dung Chương trình kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được giao, đề xuất điều chỉnh, bổ sung Chương trình gửi Vụ Pháp chế thẩm định, trình Bộ phê duyệt.

- Căn cứ Chương trình kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Bộ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung: Công tác tổng hợp, phê duyệt, thông báo danh mục dự toán cho các đơn vị, bộ phận được giao nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Quyết toán kinh phí:

- Hồ sơ quyết toán, gồm: Thông báo danh mục dự toán của đơn vị; Bảng tổng hợp quyết toán kinh phí do Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản ký phê duyệt, đính kèm văn bản đã kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá.

- Kinh phí kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, chi công tác phí, hội nghị phí, làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn... phục vụ công tác xử lý văn bản, thực chi cho nội dung nào thì hạch toán vào mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

- Đối với kinh phí kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật có các nội dung đang thực hiện dở dang, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng. Cùng với thời điểm thực hiện công tác khoá sổ kế toán cuối năm, các đơn vị dự toán phải báo cáo số kinh phí chưa sử dụng (chi tiết rõ kinh phí thực hiện dở dang và kinh phí chưa thực hiện, kinh phí không thực hiện, đề xuất hướng xử lý) về Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp gửi cơ quan tài chính và làm thủ tục chuyển số dư dự toán sang năm sau theo quy định.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức triển khai thực hiện:

1. Thủ trưởng đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phổ biến cho các đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị được biết và thực hiện.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ MỨC CHI ĐẶC THÙ BẢO ĐẢM CHO CÁC NỘI DUNG KIỂM TRA, XỬ LÝ, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Kèm theo Quyết định số 1681/QĐ-BTC ngày 4 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

TT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Mức chi (1.000 đồng)

Ghi chú

1

Chi cho các thành viên tham gia họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu, kế hoạch (bao gồm cả xử lý văn bản tại cơ quan được kiểm tra); họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan kiểm tra

 

 

 

a

Chủ trì cuộc họp

Người/buổi

150

 

b

Các thành viên tham dự

Người/buổi

100

 

2

Chi lấy ý kiến chuyên gia đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp

01 báo cáo/01 văn bản

Từ 300 đến 600

 

3

Chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra văn bản

01 văn bản

Từ 50 đến 100

 

4

Chi thù lao cộng tác viên kiểm tra văn bản

 

 

 

a

Mức chi chung

01 văn bản

Từ 70 đến 140

 

b

Đối với văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn phức tạp

01 văn bản

300

 

5

Chi soạn thảo, viết báo cáo

 

 

 

a

Báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật

01 báo cáo

200

 

b

Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản theo chuyên đề, địa bàn, theo ngành, lĩnh vực (bao gồm cả báo cáo liên ngành và báo cáo của Bộ Tài chính, của từng đơn vị)

01 báo cáo

từ 500 đến 1.000

 

Trường hợp phải thuê các chuyên gia bên ngoài cơ quan

01 báo cáo

Từ 1.000 đến 1.500

c

Báo cáo hàng năm, đột xuất về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của toàn ngành Tài chính

01 báo cáo

Từ 3.000 đến 5.000

 

6

Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng

 

 

Mức chi được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp

7

Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản

 

 

 

a

Chi rà soát, xác định văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản để lập hệ cơ sở dữ liệu, làm cơ sở pháp lý phục vụ công tác kiểm tra văn bản; rà soát, hệ thống hoá văn bản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 62 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ

01 văn bản

Từ 50 đến 100

 

b

Chi thu thập, phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, văn bản, trang bị sách, báo, tạp chí... phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

 

 

 

-

Đối với việc thu thập những thông tin, tư liệu, tài liệu, dữ liệu, sách báo, tạp chí

 

 

Được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp

-

Đối với việc phân loại, xử lý thông tin, tư liệu, tài liệu, văn bản mà không có mức giá xác định sẵn

01 tài liệu (01 văn bản)

Từ 30 đến 70

Khoản chi này không áp dụng đối với việc thu thập các văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật trong các hệ cơ sở dữ liệu điện tử của cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên Công báo

8

Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản

 

 

Được thực hiện theo chứng từ chi hợp pháp

9

Đối với các khoản chi khác: Làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm...

 

 

Căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1681/QĐ-BTC năm 2012 về Quy chế lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính

  • Số hiệu: 1681/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Sỹ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản