Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1671/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY CHẾ VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔ CHỨC QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG QUỸ “MÁI ẤM CÔNG ĐOÀN”

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

- Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam

- Căn cứ Chương trình toàn khoá (khoá IX) của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

- Xét đề nghị của Ban Chính sách kinh tế- xã hội Tổng Liên đoàn.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động Quỹ “ Mái ấm công đoàn”.

Điều 2: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Các Ban của Tổng Liên đoàn, các Liên đoàn lao động tỉnh, Thành phố; Công đoàn ngành TW và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
CHỦ TỊCH




Cù Thị Hậu

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP, TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUỸ “ MÁI ẤM CÔNG ĐOÀN”
( Ban hành kèm theo Quyết định số 1671 /QĐ-TLĐ ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích thành lập quỹ

“Quỹ Mái ấm Công đoàn” được thành lập nhằm hỗ trợ đoàn viên và CNVC-LĐ nghèo, đang ở nhà tạm, nhà tranh vách đất, bị dột nát, nhà hư hỏng nặng; hoặc hỗ trợ gia đình đoàn viên, CNVC-LĐ bị thiệt tai, hỏa hoạn làm hư hỏng toàn bộ hoặc hư hỏng nặng một phần nhà ở.

Điều 2: Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động Quỹ.

2. Đối tượng thành lập Quỹ: LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc.

3. Đối tượng vận động ủng hộ Quỹ: Cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Đối tượng được hỗ trợ: Đoàn viên, CNVC-LĐ nghèo đang ở trong những căn nhà tạm, nhà tranh, vách đất, nhà bị dột nát, hư hỏng nặng hoặc hỗ trợ gia đình đoàn viên, CNVC lao động bị thiệt tai, hỏa hoạn làm hư hỏng toàn bộ hoặc hư hỏng nặng một phần nhà ở.

Điều 3: Nguyên tắc và tổ chức hoạt động Quỹ

1. Tự cân đối thu chi, công khai, dân chủ, minh bạch và phi lợi nhuận.

2. Tổ chức quản lý hoạt động của Quỹ theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Quỹ không có tư cách pháp nhân, nằm trong quỹ xã hội từ thiện của tổ chức công đoàn.

Điều 4: Nhiệm vụ và quyền hạn của quỹ

1. Chấp hành sự chỉ đạo của Ban thường vụ công đoàn cùng cấp.

2. Tổ chức quản lý quỹ và các tài sản được giao theo đúng quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

3. Tiếp nhận tiền và hiện vật của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ; sự đóng góp tự nguyện của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ.

4. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra quyết định hỗ trợ,

đôn đốc, kiểm tra, giám sát và bàn giao nhà ở cho đối tượng thụ hưởng đúng quy định.

5. Thực hiện chi theo các nội dung quy định tại Điều 6 quy chế này.

6. Hàng năm lập báo cáo quyết toán và kế hoạch thu, chi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chương II

NGUỒN THU VÀ NỘI DUNG CHI

Điều 5: Nguồn thu quỹ

1. Đóng góp tự nguyện của cán bộ đoàn viên, CNVC-LĐ

2. Hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Lãi tiền gửi của Quỹ trong tài khoản.

Điều 6: Nội dung chi

1. Hỗ trợ đối tượng quy định tại Điều 7 quy chế này.

2. Chi cho hoạt động phát triển Quỹ.

Chương III

ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN VÀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ.

Điều 7: Đối tượng được Quỹ hỗ trợ.

1. Đoàn viên, CNVC-LĐ nghèo, gặp khó khăn về nhà ở.

2. Đoàn viên, CNVC-LĐ bị thiên tai, hoả hoạn.

Điều 8: Điều kiện được hỗ trợ

Các đối tượng quy định tại Điều 7 gặp khó khăn về nhà ở, cụ thể:

1. Đoàn viên, CNVC-LĐ nghèo đang sống trong căn nhà tạm, nhà tranh vách đất, nhà bị dột nát, hư hỏng nặng.

2. Đoàn viên, CNVC-LĐ bị thiên tai, hoả hoạn làm hư hỏng toàn bộ hoặc hư hỏng nặng một phần nhà ở.

Điều 9: Phương thức hỗ trợ

Tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh của người được hỗ trợ, Quỹ xem xét quyết định phương thức và mức hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ bằng hoặc một phần tiền thông qua Công đoàn cơ sở để xây dựng, sửa chữa căn nhà nhưng tối đa không quá 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng)

2. Trực tiếp xây dựng, sửa chữa toàn bộ hoặc một phần căn nhà nhưng tối đa không quá 20.000.000 đồng ( Hai mươi triệu đồng )

3. Ngoài phần hỗ trợ của Quỹ, các cấp công đoàn có thể đề nghị chính quyền cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi người được hỗ trợ đang công tác hỗ trợ thêm vật liệu và huy động công lao động của CNVC-LĐ trong cơ quan để xây dựng, sửa chữa căn nhà hoặc có thể huy động thêm phần đóng góp của gia đình người được hỗ trợ.

Chương IV

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ QUỸ HỖ TRỢ

Điều 10: Trách nhiệm của BCH Công đoàn cơ sở:

1. Đoàn viên, CNVC-LĐ thuộc đối tượng và điều kiện hỗ trợ làm đơn gửi Ban chấp hành công đoàn cơ sở, có xác nhận của tổ công đoàn hoặc công đoàn bộ phận.

2. Ban chấp hành công đoàn cơ sở cử cán bộ thẩm định và lập danh sách toàn bộ đoàn viên, CNVC-LĐ đủ điều kiện hỗ trợ; Phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên trình Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét. Sau đó lập danh sách gửi về Công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp quản lý.

3. Sau khi được Quỹ quyết định phương thức và mức hỗ trợ thì phối hợp với đối tượng thụ hưởng tổ chức trực tiếp xây dựng, sửa chữa nhà ở.

4. Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và chất lượng công trình, nghiệm thu và hoàn chỉnh thủ tục bàn giao.

5. Phối hợp Ban quản lý Quỹ hoặc đơn vị trực tiếp hỗ trợ, Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức lễ bàn giao căn nhà cho đối tượng thụ hưởng.

Điều 11: Trách nhiệm của Công đoàn cấp trên cơ sở

1. Tổng hợp danh sách đối tượng thuộc diện hỗ trợ do công đoàn cơ sở gửi về, tiến hành phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên và lập danh sách gửi về Ban quản lý Quỹ.

2. Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở và đối tượng thụ hưởng tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng thụ hưởng.

3. Phối hợp với BCH công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và chất lượng công trình, nghiệm thu công trình và hoàn chỉnh thủ tục bàn giao.

4. Phối hợp với Ban quản lý Quỹ hoặc đơn vị trực tiếp hỗ trợ và Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức lễ bàn giao cho đối tượng thụ hưởng.

Điều 12: Trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc.

1. Căn cứ vào khả năng nguồn Quỹ và danh sách đối tượng đề nghị hỗ trợ từ các cấp công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc gửi về. Ban chính sách kinh tế- xã hội LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc tham mưu giúp Ban thường vụ phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên trình Ban thường vụ xem xét, quyết định phương thức và mức hỗ trợ.

2. Trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và đối tượng thụ hưởng tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà cho đối tượng thụ hưởng.

3. Trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Công đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc và Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và chất luợng công trình, nghiệm thu công trình và hoàn chỉnh thủ tục bàn giao.

4. Phối hợp với Công đoàn cấp trên và Công đoàn cơ sở tổ chức lễ bàn giao.

5. Đối với LĐLĐ các tỉnh có khó khăn về nguồn Quỹ hoặc nguồn Quỹ không đủ hỗ trợ thì liên hệ, phối hợp với quỹ xã hội từ thiện “Tấm lòng vàng” – Tổng Liên đoàn hoặc với Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc để đề nghị hỗ trợ.

Chương V

THÀNH LẬP, TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG QUỸ

Điều 13: Trình tự, thủ tục thành lập Quỹ

1. Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành TW và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc giao cho các phòng, ban nghiệp vụ chuẩn bị hồ sơ thành lập Quỹ. Hồ sơ thành lập Quỹ bao gồm:

a. Tờ trình về việc thành lập Quỹ bao gồm một số nội dung chính như sau:

Mục đích thành lập và nguyên tắc hoạt động của Quỹ, nguồn thu, nội dung chi, đối tượng thụ hưởng; cơ cấu tổ chức và bộ máy quản lý điều hành Quỹ.

b. Dự thảo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phải phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của ngành, địa phương và không trái với quy chế này.

c. Danh sách Ban quản lý Quỹ.

2. Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập Quỹ.

Điều 14: Giải thể Quỹ

Quỹ “ Mái ấm công đoàn” bị giải thể trong các trường hợp sau:

1. Hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ.

2. Vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

3. Hoạt động không mang lại hiệu quả.

Điều 15: Bộ máy quản lý điều hành Quỹ

Bộ máy quản lý điều hành gồm: Ban quản lý và văn phòng Quỹ.

1. Ban quản lý Quỹ: Do Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc ra quyết định bổ nhiệm, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, TP; CĐ ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Ban quản lý điều hành mọi hoạt động của Quỹ.

2. Ban quản lý có từ 3 đến 5 thành viên. Đồng chí phó Chủ tịch hoặc đồng chí phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc làm trưởng ban, Trưởng ban Tài chính làm phó ban, đại diện lãnh đạo các Ban Chính sách KT-XH, Ban Tuyên giáo, Văn phòng là thành viên.

3. Văn phòng Quỹ là bộ phận thường trực của Quỹ, tham mưu giúp việc cho Trưởng ban quản lý. Văn phòng Quỹ đặt tại Ban tài chính của LĐLĐ tỉnh; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc. Đồng chí Trưởng ban Tài chính kiêm phó Ban quản lý Quỹ đồng thời là Chánh Văn phòng Quỹ. Ban Tài chính cử 01 chuyên viên giúp việc phụ trách cho Chánh Văn phòng Quỹ.

4. Chế độ làm việc: Các thành viên Ban quản lý quỹ và Văn phòng Quỹ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

5. Quyền hạn, nhiệm vụ của Ban quản lý, Trưởng Ban quản lý, Chánh Văn phòng Quỹ và các thành viên được quy định trong Điều lệ Quỹ.

Điều 16: Quản lý nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát

1. Ban Tài chính (nơi có Quỹ) có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát việc thu, chi Quỹ; xem xét báo cáo quyết toán hàng năm.

2. Uỷ ban kiểm tra công đoàn (nơi có Quỹ) có trách nhiệm kiểm tra việc thu, chi, quản lý Quỹ theo đúng quy định.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17: Trách nhiệm của Tổng liên đoàn.

1. Đoàn chủ tịch có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thành lập Quỹ tại các LĐLĐ tỉnh, TP; Công đoàn ngành TW và Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc.

2. Ban Tài chính Tổng Liên đoàn tham mưu cho Đoàn chủ tịch hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra giám sát hoạt động của Quỹ. Mở tài khoản tạm gửi tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ thông qua Tổng Liên đoàn.

3. Ban Chính sách kinh tế xã hội tham mưu cho Đoàn chủ tịch hướng dẫn xây dựng Điều lệ tổ chức hoạt động của quỹ, tập hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế này.

4. Các Ban của Tổng Liên đoàn theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giúp Đoàn chủ tịch triển khai thực hiện quy chế này.

Điều 18: Trách nhiệm của các cấp công đoàn.

1. Tổ chức tuyên truyền, phố biến tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thuộc phạm vi quản lý về mục đích, ý nghĩa việc thành lập Quỹ và nội dung quy chế này để cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ hiểu, ủng hộ chủ trương và tham gia đóng góp xây dựng Quỹ.

2. Chuẩn bị hồ sơ và ra quyết định thành lập Quỹ theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

3. Tổ chức triển khai, đưa Quỹ vào hoạt động.

4. Chịu trách nhiệm trước Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn về mọi hoạt động của Quỹ.

5. Hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động Quỹ, kịp thời kiến nghị với Tổng Liên đoàn về những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Điều 19: Khen thưởng, kỷ luật.

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng Quỹ và thực hiện tốt Quy chế này, tuỳ theo mức độ đóng góp được LĐLĐ tỉnh; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc hoặc Tổng Liên đoàn tặng Bằng khen.

2. Tập thể, cá nhân vi phạm Quy chế này hoặc Điều lệ Quỹ, tuỳ từng trường hợp cụ thể và mức độ sẽ chịu các hình thức kỷ luật theo quy định của tổ chức công đoàn.

Điều 20: Hiệu lực thi hành.

1. Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

2. Các cấp Công đoàn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

Những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện báo cáo về Tổng Liên đoàn để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1671/QĐ-TLĐ năm 2006 về Quy chế thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động Quỹ “ Mái ấm công đoàn” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1671/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/11/2006
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Cù Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản