Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 09 tháng 9 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP CHI CỤC QUẢN LÝ NƯỚC VÀ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Thông tư số 07/LB-TT ngày 24/4/1996 của Liên bộ Nông nghiệp và PTNT - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ, hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại công văn số 98/TT-TC ngày 15/7/1996 về việc thành lập Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi;

Theo đề nghị của ông Trưởng ban Ban tổ chức chính quyền tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Nay thành lập Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi thuộc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi, chịu sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của sở Nông nghiệp và PTNT, giúp Giám đốc sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về Tài nguyên nước (trữ nước nguyên liệu khoáng và nước địa nhiệt) chỉ đạo việc quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi, quản lý việc khai thác và phát triển tổng hợp các sông trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo việc thực hiện chương trình cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh do nguồn vốn UNICEF tài trợ và các tổ chức quốc tế khác.

- Chi cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi, có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ được giao, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp.

Trụ sở của Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi đặt tại: thị xã Lào Cai - tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Chi cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau:

1. Giúp Giám đốc sở: xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch khu vực, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm: về quản lý Tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi (kể cả kế hoạch đại tu sửa chữa công trình thuỷ lợi và kế hoạch giao khoán thu, chi cho các trạm quản lý công trình thuỷ lợi) để sở tổng hợp trình Tỉnh và Bộ xét duyệt.

- Tổ chức, quản lý, chỉ đạo và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch nói trên, sau khi được cấp có thẩm quyền (Bộ, Tỉnh) phê duyệt.

2. Giúp Giám đốc sở: Xây dựng hoặc tham gia xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành pháp luật về quản lý, khai thác về Tài nguyên nước và công trình thuỷ lợi ở địa phương theo phân cấp.

3. Thẩm định hoặc tham gia thẩm định các dự án quy hoạch thủy lợi: các dự án sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi của địa phương theo phân cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Là thường trực Hội đồng nghiệm thu bàn giao các Công trình thủy lợi thuộc nguồn vốn địa phương đầu tư: tham gia Hội đồng nghiệm thu các công trình thuỷ lợi do vốn Trung ương cấp.

4. Giúp Sở chỉ đạo việc vận hành, quản lý, khai thác các hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn thuộc địa phương quản lý theo đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật, chỉ đạo công tác phòng chống úng, hạn, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, chống ô nhiễm nguồn nước.

5. Giúp Sở tiếp nhận, thẩm tra và làm thủ tục cấp và thu hồi giấy phép sử dụng nước, khai thác công trình thủy lợi và thải các chất độc hại vào nguồn nước theo phân cấp và quy định của Nhà nước.

6. Giúp Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh: Tổ chức chỉ đạo, quản lý và thực hiện các chương trình dự án về nước sinh hoạt nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn, theo nguồn vốn tài trợ của UNICEF và các tổ chức quốc tế khác.

7. Chỉ đạo thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và khai thác các công trình thuỷ lợi trên phạm vi tỉnh. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, khai thác,bảo vệ các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và vệ sinh môi trường.

8. Phối hợp với Thanh tra sở tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách về xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thuỷ lợi, chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, tình hình thực hiện chế độ thu chi thủy lợi phí theo quy định của Tỉnh.

9. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản được giao và thực hiện chế độ kế toán tài chính theo đúng quy định của Nhà nước.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi:

a. Lãnh đạo Chi cục có:

- Chi cục trưởng.

- 1 Phó chi cục trưởng giúp việc cho Chi cục trưởng và được Chi cục trưởng phân công phụ trách một số công tác cụ thể.

Việc bổ nhiệm Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng theo sự phân công phân cấp về công tác tổ chức cán bộ của Tỉnh đã quy định.

b. Bộ môn chuyên môn nghiệp vụ giúp việc cho Chi cục trưởng gồm:

- Bộ phận hành chính quản trị

- Bộ phận kế toán – tổng hợp

- Bộ phận quản lý kỹ thuật

c. Các đơn vị trực thuộc Chi cục gồm:

- Trung tâm quản lý nước sinh hoạt và môi trường nông thôn ( tên cũ là Ban quản lý chương trình nước sinh hoạt nông thôn). Trung tâm này hoạt động theo kinh phí ngân sách Nhà nước cấp và kinh phí tài trợ theo dự án của UNICEF và các tổ chức quốc tế khác.

- Các Trạm quản lý các công trình thủy lợi: Các trạm này hoạt động theo chế độ gần thu bù chi (giao thu, khoán chi). Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm lập phương án thành lập các trạm này, trình UBND tỉnh quyết định. Giao cho Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi, quản lý hai trạm đã có là: Trạm quản lý công trình thủy lợi Võ Lao – Huyện Văn Bàn và Trạm quản lý công trình thủy lợi Nà Khẳm, huyện Than Uyên từ ngày 01/10/1996.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Văn Bàn, UBND huyện Than Uyên và các ngành hữu quan trong tỉnh, tiến hành tổ chức việc bàn giao hai trạm nêu trên cho Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi xong trước ngày 30/6/1996 theo đúng nguyên tắc đã quy định.

Điều 4. Về biên chế của Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi.

- Văn phòng chi cục (kể cả lãnh đạo): 10 biên chế.

- Trung tâm quản lý nước sinh hoạt và môi trường nông thôn: 4 biên chế

- Trạm quản lý công trình thủy lợi Võ Lao và Nà Khằm thực hiện theo đúng quy chế nhà nước và của UBND tỉnh quy định.

Điều 5. Các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nước và công trình thủy lợi căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quý Đăng