Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 165/2005/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 30 tháng 12 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN ĐĂK PƠ, TỈNH GIA LAI GIAI ĐOẠN 2005-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

- Xét Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Pơ thời kỳ 2005-2015 do UBND huyện Đăk Pơ trình tại tờ trình số 62/TT-UB ngày 20/10/2005;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 670/TT-KH ngày 26 tháng 12 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai giai đoạn 2005 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau:

I/ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2015

1/ Mục tiêu tổng quát

- Phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng; phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đến năm 2010 và 2015.

- Phát triển bao gồm tăng trưởng kinh tế đi đôi với ổn định chính trị, công bằng xã hội và bền vững về môi trường.

- Phát triển kinh tế phải đảm bảo sự phát triển một cách hài hoà giữa các vùng, miền và các ngành. Trọng tâm của đầu tư phát triển là đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển một nền kinh tế đa ngành trong đó; trọng điểm là đầu tư về giao thông, thuỷ lợi, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá... đối với những vùng có lợi thế tạo ra bước đột phá của nền kinh tế.

- Lấy nông nghiệp làm cơ sở để ổn định kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, phát triển sản xuất hàng hoá, nhất là nông sản hàng hoá có lợi thế của huyện như: Lúa, ngô, rau, mía, bông, đậu đỗ, thuốc lá, thịt gia súc.

- Đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Chú trọng phát triển theo chiều sâu các ngành công nghiệp và dịch vụ và có lợi thế như: Chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tổng hợp, vận tải và bưu điện.

2/ Mục tiêu cụ thể:

a. Về kinh tế - xã hội:

- Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách về GDP bình quân đầu người so với trung bình của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006-2010 là 12,4%, giai đoạn 2011-2015 và 11,9%. GDP bình quân đầu người / năm đến 2010 đạt 6,2 triệu đồng, đến năm 2015 đạt 9,8 triệu đồng.

- Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Phấn đấu cơ cấu kinh tế đến 2015: Nông lâm nghiệp 41,7%; Công nghiệp - Xây dựng 27,2%; Thương mại- dịch vụ 31,1%.

- Sản phẩm và sản phẩm hàng hoá chủ lực của huyện đến 2015 đạt: Lương thực 28.623 tấn, rau các loại đạt: 59.400 tấn; mía 216.300 tấn; lạc đạt 554 tấn; thịt gia hơi các loại 4.376 tấn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với một số mặt hàng chính là; gạch ngói 55 triệu viên; chế biến súc sản 1.700 tấn, chế biến thức ăn gia súc 7.000 tấn, xay xát lương thực 15.000 tấn.

- Huy động mọi nguồn vốn: Vốn ngân sách, vốn của các doanh nghiệp, các đơn vị, vốn của các thành phần dân cư, trước hết ưu tiên cho: Xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là thuỷ lợi, giao thông, điện, hạ tầng xã hội, phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hoá tập trung có lợi thế và cạnh tranh cao như: bông, mía, ngô, đậu đỗ, bò thịt, vật liệu xây dựng.

- Có các biện pháp hữu hiệu để tăng thu ngân sách từ GDP cho huyện từ 4% như hiện nay lên 7% năm 2010 và 8% năm 2015. Đảm bảo các khoản chi thường xuyên và dành ra một tỷ lệ thích đáng để đầu tư phát triển.

b. Các mục tiêu về xã hội

- Chú trọng phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - xã hội, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động theo yêu cầu của công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

- Dân số trung bình đến năm 2015 đạt 49.300người. Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 2,11% hiện nay xuống 1,78% vào năm 2010 và 1,34% vào năm 2015.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình định canh định cư, hỗ trợ đồng bào dân tộc các xã đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng chênh lệch giữa các vùng. Xoá hộ đói, giảm hộ nghèo tới mức dưới 22,5% vào năm 2010, và dưới năm 2015.

- Phấn đấu đến năm 2010 phổ cập THCS đạt 75-80% số xã, đến 2015 đạt 100%, học sinh đi học PTTH đạt 70%. Lao động qua đào tạo đối với công nghiệp 30%, nông nghiệp 17%, dịch vụ 20 - 30%.

- Xây dựng và hoàn thiện trung tâm y tế huyện, các trạm xá ở các xã; Khống chế và đẩy lùi các bệnh xã hội. Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đạt tỷ lệ 90-95%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 22% vào năm 2010 và dưới 16% vào năm 2015.

- Xây dựng đồng bộ các Thiết chế Văn hoá - Thông tin cho cấp huyện vào năm 2010, cấp xã, thôn đạt 60% và hoàn thành 100% vào năm 2015.

c. Môi trường

Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nâng độ che phủ của rừng và cây lâu năm lên 54% năm 2010 và 56% năm 2015. Phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch cần phải có các biện pháp chống ô nhiễm môi trường tự nhiên và môi trường sống.

d. An ninh, quốc phòng

Xây dựng kinh tế kết hợp với đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

II - NHỮNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU

1/ Phát triển nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, lợi thế

- Phát triển nông lâm nghiệp bằng cả thâm canh và mở rộng diện tích, theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản phẩm hàng hoá trao đổi và xuất khẩu, phù hợp với lợi thế sản xuất và nhu cầu thị trường. Gắn với phân bố lại dân cư, nhằm khai thác có hiệu quả các vùng đất, chưa sử dụng. Bên cạnh đó tranh thủ các nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ để đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tăng diện tích tưới cho sản xuất nông nghiệp.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chú trọng phát triển sản xuất tập trung quy mô lớn các cây con hàng hoá lợi thế như: lúa nước, ngô, rau đậu, mía, đậu đỗ, bò thịt; đầu tư khoa học - kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, chất lượng và giá thành hạ; tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Quản lý, bảo vệ thật tốt diện tích rừng hiện có. Tăng cường các biện pháp khoanh nuôi, tái tạo thêm vốn rừng, bù đắp lại diện tích rừng phải chuyển đổi.

Tăng cường chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, nhất là về giống, chế biến nông sản. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và TTCN nông thôn, tạo việc làm và thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

a. Sản xuất lương thực: Phấn đấu đến 2010 bình quân lương thực đạt 553 kg/người; năm 2015 đạt 581kg.

- Cây lúa: Năm 2010 diện tích gieo trồng năm 2004 ha, sản lượng 8.860 tấn; năm 2015 diện tích 2.034 ha, sản lượng 9.722 tấn.

- Cây ngô: Năm 2010 diện tích 3.900 ha, sản lượng 15.045 tấn; năm 2015 diện tích 4.200 ha, sản lượng 18.900 tấn.

b. Cây công nghiệp hàng năm

- Cây mía: Năm 2010 diện tích 3.605 ha, sản lượng 187.460 tấn; năm 2015 diện tích 3.605 ha, sản lượng 216.300 tấn

- Cây bông: Năm 2010 diện tích 160 ha, sản lượng 160 tấn; năm 2015 diện tích 496 ha, sản lượng 520 tấn.

- Cây lạc: Năm 2010 diện tích 650 ha, sản lượng đạt 507 tấn; năm 2015 diện tích đạt 675 ha, sản lượng đạt 553 tấn.

- Cây thuốc lá: Năm 2010 diện tích đạt 95 ha, sản lượng đạt 142 tấn; năm 2015 diện tích đạt 150 ha, sản lượng đạt 496 tấn.

c) Cây thực phẩm: Cây rau đến năm 2010 có 3.800 ha, sản lượng đạt 47.500 tấn; năm 2015 có 4500 ha, sản lượng đạt 59.400 tấn; Cây đậu các loại: năm 2010 có1250 ha, sản lượng 975 tấn, năm 2015 có 1.450 ha, sản lượng đạt 1.232 tấn.

d. Cây ăn quả: Năm 2010 Diện tích 163 ha; năm 2015 diện tích 195 ha.

e. Chăn nuôi: Năm 2010 tổng đàn trâu bò 23.045 con, lợn 19.843 con, gia cầm 64.894 con dê 5.154 con. Năm 2015 tổng đàn trâu bò 30.714 con, lợn 23.704 con, gia cầm 99.874 con, dê 7.916 con.

g. Lâm nghiệp: Quản lý bảo vệ 23.019,8 ha, khoanh nuôi tái sinh 2.958,5 ha đất cây bụi, cây gỗ rải rác.

2/ Phát triển công nghiệp, TTCN

Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có nguồn nguyên liệu tại chỗ và thu hút nhiều lao động như: Chế biến nông lâm sản, khai thác đá cát, sản xuất vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp. Đầu tư theo chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị và công nghệ cho các cơ sở đã có. Xây dựng mới các cơ sở: Nhà máy gạch tuy nen, cơ sở chế biến thức ăn gia súc, các cơ sở xông sấy nông sản, xay xát lương thực, thủ công, mỹ nghệ tại các xã... Hình thành 3 điểm công nghiệp - TTCN trên địa bàn huyện. Phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2010 đạt 25,2% và năm trong tổng GDP của huyện.

3/ phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch

Đẩy mạnh phát triển nội, ngoại thương trên địa bàn. Thương nghiệp quốc doanh phải vươn lên làm chủ thị trường, bán buôn, gắn với hệ thống bán lẻ và thu mua của tư nhân, cá thể tại các chợ thị trấn, thị tứ và nông thôn. Phát triển toàn diện các dịch vụ công cộng và dịch vụ sản xuất. Tập trung đầu tư xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ thị trấn, làm hạt nhân phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ cụm xã và chợ xã, xây dựng cho đầu mối thu mua nông tại Tân An.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả thời kỳ 2006 - 2015 đạt 14 - 15%; không ngừng tăng tỷ trọng ngành Dịch vụ trong tổng GDP toàn huyện, phấn đấu đạt mức 28,1% năm 2010 và 31,1% năm 2015.

4/ phát triển cơ sở hạ tầng

a. Giao thông: Đến 2010 tất cả các đường tỉnh và đường huyện được thông tuyến và nâng cấp trải cấp phối, cầu cống vĩnh cửu, đoạn quan trọng trải nhựa, hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội thị.

b. Thủy lợi: Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng các trạm bơm điện dọc sông Ba và các nhánh suối lớn, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để mở rộng vùng tưới chủ động cho các xã trong huyện, ưu tiên các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, các xã có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình thuỷ lợi hiện có trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo khai thác trên 75% công suất thiết kế. Kiên cố hóa toàn bộ hệ thống kênh mương để tránh thất thoát nước trên kênh. Khảo sát xây dựng mới một số hồ đập nhỏ trong vùng để tăng cường nguồn nước tưới cho việc mở rộng diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên xây dựng công trình lấy nước tưới cho cây lương thực để đảm bảo an toàn lương thực, giữ vững an ninh chính trị vốn và ổn định xã hội.

c. Điện nước: Tiếp tục hoàn thiện lưới điện cung cấp cho các thôn bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, các hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn trong việc lắp đặt hệ thống điện cho sinh hoạt, đảm bảo đến năm 2010 có 99% số hộ trên địa bàn huyện có điện sinh hoạt, đến năm 2015 là 100% số hộ được dùng điện.

Xây dựng hệ thống nước máy cung cấp cho thị trấn Đăk Pơ. Khu vực nông thôn sử dụng nước giếng, đến năm 2010 có 90% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt.

d. Bưu chính viễn thông: Đến năm 2010 tất cả các trung tâm tiểu vùng có bưu cục, 100% số xã có bưu điện văn hoá. Bình quân 100 máy điện thoại/1.000 dân vào năm 2010 và 120 máy/ 1000 dân vào năm 2015.

5/ Phát triển các lĩnh vực xã hội

a. Dân số, lao động: Giảm tỷ lệ sinh từ 2,11% hiện nay xuống từ còn 1,58% năm 2010 và 1,34% năm 2015. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 68% năm 2010 và 60% năm 2015. Phấn đấu đến năm 2010 bình quân mỗi năm đào tạo được 150 lao động và đến năm 2015 đào tạo được 200 lao động.

b. Phát triển giáo dục: Phấn đấu đến năm 2009 hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ huy động mẫu giáo và tiểu học đạt 95- 98% năm 2015, trung học cơ sở đạt 90-95%, phổ thông trung học đạt 80%. Đến năm 2010 các thôn đều có lớp mẫu giáo và mỗi xã có tối thiểu 01 trường mẫu giáo.

c. Y tế: Đến năm 2010 toàn huyện có 01 Trung tâm y tế, 08 trạm xá xã, bình quân 20 giường/vạn dân. Đảm bảo 100% trạm xá có đủ trang thiết bị và cơ số thuốc cần thiết phục vụ khám chữa bệnh 30% số xã có xe máy phục vụ vận chuyển cấp cứu, 100% xã có quầy bán thuốc hoạt động. Đến năm 2015 quy mô giường bệnh lên 30 giường/vạn dân.

Tăng cường đội ngũ cán bộ y tế cho bệnh viện huyện và các bệnh xá, đến năm 2010 có 4 bác sĩ/10.000 dân và đến năm 2015 có 5 bác sĩ/10.000 dân. Đến năm 2010 mỗi xã có 5 định biên, đến năm 2015 mỗi xã có 6 định biên.

d. Phát triển văn hóa thông tin: Xây dựng mới trường văn hóa lành mạnh, thực hiện tốt phong trào. Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong khu dân cư. Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc và phát triển các giá trị văn hóa mới. Xây dựng đồng bộ hệ thống Thiết chế văn hóa thông tin từ cấp huyện đến cấp xã, thôn. Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa. Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành văn hóa thông tin, đặc biệt chú ý đến đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, có chính sách trợ cấp cho cán bộ văn hóa cơ sở.

III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1/ Huy động vốn đầu tư:

Tổng nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đến 2015 là 662 tỷ đồng. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư trên cần phải có biện pháp huy động vốn tích cực, tập trung vào những nguồn chủ yếu sau:

Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế khoảng 260 tỷ đồng, đáp ứng 39,2% nhu cầu đầu tư.

- Trợ cấp từ tỉnh, trung ương và nguồn khác khoảng 402 tỷ đồng, đáp ứng 60,8% nhu cầu. Trong nguồn này bao gồm từ: Ngân sách tỉnh, trung ương, từ liên doanh liên kết với các tỉnh bạn và từ nước ngoài thông qua cho vay ưu đãi, viện trợ, liên doanh đầu tư...

2/ Mở rộng thị trường:

Coi trọng thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, nhất là thị trường trong tỉnh, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Khu vực biên giới phía Tây. Tích cực chủ động và tìm kiếm thông tin, yêu cầu thị trường, nắm bắt giá cả, tiến bộ công nghệ để kịp thời điều chỉnh, đổi mới trang thiết bị, sản xuất hàng hóa lợi thế, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển.

3/ Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ

Coi khoa học công nghệ là mũi nhọn hàng đầu trong mọi lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nhất là khâu triển khai ứng dụng công nghệ. Sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý tại chỗ, đồng thời thu hút những chuyên gia giỏi ở tỉnh và các nơi khác về giải quyết giúp huyện một số vấn đề then chốt. Mở rộng liên kết với các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài tỉnh.

Từng bước hình thành các cơ sở sản xuất công nghệ cao về: chế biến, sản xuất giống cây con, sản xuất hàng hoá nông sản trọng điểm của huyện.

4/ Hạn chế tăng dân số, phát triển nhanh nguồn nhân lực

Giảm nhanh tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, từ 2,11% hiện nay xuống 1,58% vào năm 2010 và còn 1,34% và năm 2015. Nguồn nhân lực của huyện hiện nay đang bất cập so với yêu cầu phát triển, thừa lao động phổ thông, thiếu lao động kỹ thuật.

Để nâng cao dân trí có đủ điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải hoàn thành sớm trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật, đủ số lượng, chất lượng để đảm nhận được nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

5/ Chính sách phát triển

Triển khai thực hiện các chính sách hiện hành của Nhà nước thông qua các Quyết định, Thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể của tỉnh, nhất là các chính sách đất đai, tín dụng, định canh định cư, xóa đói giảm nghèo, sản xuất hàng hoá... Nghiên cứu đề nghị với tỉnh ban hành một số hướng dẫn thực hiện các chính sách như:

- Chính sách chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng ở các điểm du lịch, các tụ điểm dân cư mới, đất trong khu công nghiệp cho nhân dân có mặt bằng xây nhà xưởng, cửa hàng, khách sạn nhỏ, để phát triển TTCN, dịch vụ, thúc đẩy hình thành và phát triển đô thị và để tạo vốn đầu tư.

- Chính sách phát triển kinh tế trang trại, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa công nghiệp chế biến nông lâm sản.

- Xây dựng các cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến triển khai đầu tư các dự án trên địa bàn huyện.

Điều 2. Giao cho Uỷ ban nhân dân huyện Đăk Pơ chịu trách nhiệm quản lý lưu trữ tài liệu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Pơ giai đoạn 2005-2015 để khai thác sử dụng có hiệu quả. Công khai hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện cho các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn huyện biết và thực hiện. Cụ thể hóa quy hoạch bằng các quy hoạch chi tiết như: quy hoạch đất đai, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị và các khu dân cư; các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu để có những bổ sung, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với nhiệm vụ và tình hình mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội của huyện đúng định hướng, đạt hiệu quả cao.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc các sở, Ban ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 kể từ ngày ký./.

 

 

TM/ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thế Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 165/2005/QĐ-UBND về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai giai đoạn 2005-2015

  • Số hiệu: 165/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Phạm Thế Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản