Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 165/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 165/2003/QĐ-TTG NGÀY 08 THÁNG 08 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ NGƯỜI PHÁT NGÔN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 23/2003/NĐ-CP , ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ Ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 18/2003/NĐ-CP , ngày 20 tháng 2 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức thực hiện Quy chế này.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

VỀ NGƯỜI PHÁT NGÔN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 165/2003/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 08 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là Người phát ngôn) là người được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phát ngôn với báo chí về các chủ trương, chính sách, quyết định quan trọng của Chính phủ và công việc chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng để thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ và về các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Hoạt động của Người phát ngôn tuân theo các quy định của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực công tác tư tưởng, thông tin báo chí và theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP , ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ và theo quy định tại Quy chế này.

Chương 2:

NỘI DUNG PHÁT NGÔN VỚI BÁO CHÍ CỦA NGƯỜI PHÁT NGÔN

Điều 3. Nội dung phát ngôn với báo chí của Người phát ngôn bao gồm những thông tin được phép công bố về:

1. Hoạt động và quyết định của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ.

2. Chương trình công tác và chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

3. Các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

4. Nội dung các phiên họp của Chính phủ.

5. Kiểm điểm của Chính phủ về sự chỉ đạo, điều hành và việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.

6. Quan điểm và ý kiến giải quyết của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các sự kiện trong nước và quốc tế, đối với các vấn đề quan trọng, đột xuất được dư luận báo chí và xã hội quan tâm.

7. Hoạt động khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng cần công bố với báo chí, do Thủ tướng quyết định.

Điều 4. Nội dung phát ngôn với báo chí của Người phát ngôn là thông tin chính thức, có thẩm quyền về hoạt động và quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung phát ngôn với báo chí của Người phát ngôn được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chương 3:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI PHÁT NGÔN

Điều 5. Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ là chuyên viên của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề cử và được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 6. Người phát ngôn có các nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện nhiệm vụ phát ngôn với báo chí theo các nội dung quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

2. Tổ chức họp báo để thông tin cho báo chí về các nội dung quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

3. Giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét việc trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài về tình hình Việt Nam.

Điều 7. Người phát ngôn được quyền từ chối trả lời những vấn đề về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không thuộc thẩm quyền phát ngôn; được quyền cải chính những thông tin không đúng sự thật liên quan đến quan điểm và hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chương 4:

QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA NGƯỜI PHÁT NGÔN VỚI VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ VÀ VỚI CÁC CƠ QUAN KHÁC

Điều 8. Người phát ngôn chịu sự quản lý trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Điều 9. Người phát ngôn phối hợp công tác với lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ phát ngôn theo quy định tại Quy chế này.

Chương 5:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Người phát ngôn phối hợp với Trung tâm Thông tin báo chí của Văn phòng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ phát ngôn theo quy định tại Quy chế này.

Điều 11. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng tháng báo cáo việc thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 165/2003/QĐ-TTg Quy chế Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 165/2003/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/08/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 18/08/2003
  • Số công báo: Số 132
  • Ngày hiệu lực: 02/09/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản