Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 1611/2007/QĐ-BCA

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy của lực lượng Công an nhân dân”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 834/2000/QĐ-BCA(C11) ngày 06/10/2000 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật và quản lý phương tiện thủy của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm hướng dẫn theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
TRUNG TƯỚNG




Trần Đại Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
(ban hành kèm theo Quyết định số 1611/2007/QĐ-BCA-C11 ngày 17 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy của lực lượng Công an nhân dân (sau đây viết gọn là phương tiện thủy) làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

2. Phương tiện thủy kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp Công an nhân dân thực hiện đăng kiểm, đăng ký theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương được giao quản lý, sử dụng phương tiện thủy (trừ các phương tiện quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này).

Điều 3. Phương tiện thủy phải đăng kiểm, đăng ký

a) Phương tiện phải đăng kiểm

- Phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 mã lực trở lên hoặc có sức chở từ 5 người trở lên;

- Phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần từ 5 tấn trở lên hoặc có sức chở trên 12 người.

b) Phương tiện phải đăng ký

- Phương tiện có động cơ;

- Phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần từ một tấn trở lên hoặc có sức chở từ 5 người trở lên.

Điều 4. Điều kiện hoạt động của phương tiện thuỷ.

1. Phương tiện thủy trước khi đưa vào hoạt động phải được đăng kiểm, đăng ký theo Quy định này.

2. Phương tiện thủy khi lưu hành phải có đủ các giấy tờ sau:

a) Giấy đăng ký phương tiện thủy;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy;

c) Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy;

d) Lệnh điều động phương tiện.

3. Đối với tàu sông và tàu biển khi lưu hành, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này phải có thêm:

a) Nhật ký hành trình;

b) Nhật ký máy;

c) Sổ danh bạ thuyền viên.

4. Đối với phương tiện thủy không phải đăng kiểm, đăng ký khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm an toàn theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

Chương 2.

ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN THỦY

Điều 5. Thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy

1. Thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy là kiểm tra, đánh giá trạng thái kỹ thuật của phương tiện xem có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy; Số kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy.

2. Khi thực hiện kiểm tra an toàn kỷ thuật phương tiện thủy phải tuân theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 6. Tiêu chuẩn, trách nhiệm của đăng kiểm viên

1. Tiêu chuẩn đăng kiểm viên

a) Cán bộ, chiến sĩ làm công tác đăng kiểm phương tiện thủy phải có bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng kỹ thuật chuyên ngành máy, vỏ, điện tàu thủy, đã qua đào tạo về nghiệp vụ đăng kiểm;

b) Được Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm viên phương tiện thủy.

2. Trách nhiệm của đăng kiểm viên

a) Kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện thủy và chịu trách nhiệm về việc kiểm tra đó;

b) Ký các loại Biên bản kiểm tra phương tiện thủy.

Điều 7. Thủ tục đăng kiểm

Phương tiện thủy khi làm thủ tục đăng kiểm phải có đủ các giấy tờ sau:

1. Thủ tục chung

a) Công văn đề nghị đăng kiểm phương tiện thủy của đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện;

b) 02 ảnh màu kích thước 10cm x 15cm chụp toàn cảnh mạn phải phương tiện ở trạng thái nổi.

2. Thủ tục đăng kiểm lần đầu

- Ngoài thủ tục chung quy định tại khoản 1 Điều này, phương tiện thủy đăng kiểm lần đầu phải có thêm:

a) Hồ sơ kỹ thuật phương tiện thủy;

b) Biên bản nghiệm thu kỹ thuật xuất xưởng.

3. Thủ tục đăng kiểm các lần tiếp theo

Ngoài thủ tục chung quy định tại khoản 1 Điều này, phải có thêm:

a) Giấy đăng ký phương tiện thủy;

b) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy;

c) Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy;

d) Biên bản nghiệm thu kỹ thuật xuất xưởng (nếu phương tiện phải bảo dưỡng, sửa chữa).

Điều 8. Các loại giấy được cấp cho phương tiện thủy đủ điều kiện an toàn kỹ thuật sau khi đăng kiểm

1. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy.

2. Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy;

3. Các loại Biên bản kiểm tra kỹ thuật.

Điều 9. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy

1. Trường hợp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy bị mất thì phải có xác nhận của thủ trưởng cơ quan quản lý, sử dụng phương tiện.

2. Trường hợp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy của phương tiện bị rách, bị mờ hoặc vì lý do nào đó không thể sử dụng được thì cơ quan quản lý, sử dụng phương tiện phải có công văn đề nghị cơ quan đăng kiểm cấp lại và phải nộp lại giấy tờ đã được cấp đó cho cơ quan đăng kiểm.

Điều 10. Thời hạn của giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy.

1. Phương tiện đóng mới đăng kiểm lần đầu thì thời hạn của Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy là 12 tháng đối với phương tiện vỏ sắt; 06 tháng đối với phương tiện vỏ gỗ, vỏ nhựa.

2. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy hết hạn thì được cấp lại. Cơ quan đăng kiểm căn cứ vào tình hình thực tế của từng phương tiện để quy định thời hạn cấp lại cho phù hợp, nhưng tối đa không được quá thời hạn quy định đối với phương tiện đóng mới cùng chủng loại.

Chương 3.

ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY

Điều 11. Thủ tục chung

Các phương tiện thủy khi làm thủ tục đăng ký phải có đủ các giấy tờ sau:

1. Công văn đề nghị đăng ký của đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện;

2. 02 ảnh màu kích thước 10cm x 15cm chụp toàn cảnh mạng phải phương tiện ở trạng thái nổi;

3. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy, Biên bản kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy.

Điều 12. Thủ tục đăng ký đối với trường hợp cụ thể

Ngoài các loại giấy tờ được quy định tại Điều 11 Quy định này, đối với từng trường hợp cụ thể phải có thêm:

1. Đối với phương tiện đóng mới

Quyết định trang bị phương tiện của cấp có thẩm quyền hoặc hợp đồng đóng mới, giấy tờ mua bán hợp lệ.

2. Đối với phương tiện nhập khẩu

a) Quyết định trang bị phương tiện của cấp có thẩm quyền;

b) Các loại giấy tờ về nhập khẩu theo quy định.

3. Đối với phương tiện từ đơn vị, địa phương khác chuyển đến

a) Quyết định điều động phương tiện của cấp có thẩm quyền hoặc giấy tờ mua bán hợp lệ;

b) Giấy đăng ký cũ của phương tiện;

c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy;

d) Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy;

đ) Hồ sơ gốc hợp lệ.

4. Đối với phương tiện do các cơ quan và người có thẩm quyền tịch thu được bán hóa giá hoặc trang bị cho đơn vị

a) Quyết định tịch thu;

b) Hóa đơn kiêm phiếu xuất kho;

c) Biên bản của Hội đồng bán hóa giá (đối với phương tiện được bán hóa giá);

d) Quyết định trang bị phương tiện của cấp có thẩm quyền.

5. Đối với các phương tiện được cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tặng, cho

a) Giấy tặng, cho của tổ chức, cơ quan hoặc cá nhân;

b) Giấy đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy (nếu phương tiện đã đăng ký);

c) Chứng từ nhập khẩu (nếu phương tiện nhập khẩu).

6. Đối với phương tiện bị thất lạc hồ sơ gốc phải có Biên bản xác nhận Hồ sơ gốc bị thất lạc của Hội đồng kiểm tra. Hội đồng kiểm tra được thành lập tại Vụ, Cục, Bộ tư lệnh, Công an các tỉnh, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng đơn vị.

Điều 13. Thủ tục cấp lại Giấy đăng ký

1. Thủ tục chung

a) Công văn đề nghị cấp lại Giấy đăng ký của thủ trưởng đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện;

b) 02 ảnh màu kích thước 10cm x 15cm chụp toàn cảnh mạn phải phương tiện ở trạng thái nổi.

2. Ngoài các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, các trường hợp dưới đây khi đến làm thủ tục cấp lại Giấy đăng ký phải có thêm:

a) Đối với phương tiện thay đổi kết cấu, tính năng kỹ thuật

- Giấy đăng ký của phương tiện;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy;

- Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy.

b) Đối với trường hợp giấy đăng ký bị rách, hỏng hoặc mất

- Xác nhận của thủ trưởng đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy.

- Biên bản kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy.

Điều 14. Xóa tên trong Sổ đăng ký

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phương tiện thủy đã thanh lý, hết niên hạn sử dụng, bị phá hủy không còn khả năng phục hồi, bị mất hoặc chuyển nhượng ra ngoài ngành, đơn vị quản lý, sử dụng phương tiện phải báo cáo cho cơ quan đăng ký phương tiện đó biết và phải nộp lại các loại giấy tờ đã cấp cho phương tiện để xóa tên trong Sổ đăng ký.

Điều 15. Tên và biển số đăng ký phương tiện

1. Đơn vị sử dụng phương tiện muốn đặt tên cho phương tiện phải được cơ quan đăng ký chấp nhận. Tên của phương tiện được kẻ ở vị trí dễ nhìn, kích thước, màu sắc, nét chữ tương ứng kích thước, màu sắc, nét chữ của biển số.

2. Biển số đăng ký sơn trực tiếp lên vỏ phương tiện, nền biển số màu xanh, chữ và số màu trắng. Biển số đăng ký phải được kẻ tại 5 vị trí: bên phải, bên trái, phía trước ca bin lái, hai bên mạn mũi tàu phương tiện. Trường hợp phương tiện có kích thước đặt biệt thì bố trí kết cấu biển số cho phù hợp.

Kích thước nền biển số được kẻ cho phù hợp với chữ và số đăng ký của phương tiện.

Kích thước chữ và số của biển số quy định như sau:

a) Chiều cao chữ và số tối thiểu: 200 mm;

b) Chiều rộng chữ và số tối thiểu: 150 mm;

c) Chiều rộng nét chữ và số tối thiểu: 30 mm;

d) Khoảng cách giữa các chữ, số: 30 mm.

3. Kết cấu biển số đăng ký

CA ab – cd – ghk

a) Nhóm chữ cái in hoa CA: ký hiệu phương tiện thủy của Công an

b) Nhóm chữ cái in thường ab: ký hiệu tên đơn vị, địa phương đăng ký

Các phương tiện do Cục Cảnh sát giao thông đường thủy đăng ký có ký hiệu là 80; các phương tiện do Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh đăng ký thống nhất với ký hiệu đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của tỉnh, thành phố đó.

c) Nhóm chữ cd: ký hiệu chỉ chủng loại phương tiện thủy

- Tàu tuần tra kiểm soát ký hiệu là 51;

- Tàu, thuyền, sà lan vận tải phục vụ chiến đấu ký hiệu là 52;

- Xuồng máy các loại (lắp máy ngoài) ký hiệu là 53.

d) Nhóm chữ ghk: ký hiệu số thứ tự đăng ký, ghi đủ 3 số tự nhiên từ 001 đến 999.

Chương 4.

THẨM QUYỀN ĐĂNG KIỂM, ĐĂNG KÝ PHƯƠNG TIỆN THỦY

Điều 16. Thẩm quyền đăng kiểm

Cục Cảnh sát giao thông đường thủy đăng kiểm phương tiện thủy của toàn lực lượng Công an nhân dân; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy ký Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy.

Điều 17. Thẩm quyền đăng ký

a) Cục Cảnh sát giao thông đường thủy đăng ký các phương tiện thủy của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Công an; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy ký Giấy đăng ký phương tiện thủy;

b) Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy hoặc Phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký các phương tiện thủy do Công an địa phương quản lý, sử dụng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký Giấy đăng ký phương tiện thủy.

Điều 18. Thời hạn cấp các loại giấy tờ và quản lý hồ sơ

1. Thời hạn cấp Giấy đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy, Sổ kiểm tra kỹ thuật phương tiện thủy như sau:

a) Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với phương tiện đăng kiểm, đăng ký lần đầu, đăng ký lại hoặc cấp lại Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy;

b) Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp giấy tờ của phương tiện bị hư hỏng hoặc mất.

2. Cơ quan đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy có trách nhiệm lập Sổ theo dõi công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện, lưu trữ, quản lý hồ sơ phương tiện.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm của Tổng cục Cảnh sát

1. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này.

2. Tổ chức in ấn, quản lý, cấp phát giấy tờ, biểu mẫu phục vụ công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy của lực lượng Công an nhân dân (trừ những biểu mẫu phân cấp cho địa phương),

Điều 20. Trách nhiệm của Tổng cục Hậu cần

Chủ trì và phối hợp với Tổng cục Cảnh sát trong việc thiết kế đóng mới, lập kế hoạch mua sắm trang bị phương tiện cho Công an các đơn vị, địa phương; dự trù kinh phí sửa chữa, định mức xăng, dầu đối với từng loại phương tiện thủy để bảo đảm yêu cầu phục vụ công tác an ninh của lực lượng Công an nhân dân.

Điều 21. Trách nhiệm của Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân

Đảm bảo biên chế cán bộ, chiến sỹ cho Công an các đơn vị, địa phương và hướng dẫn việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ, chiến sỹ có bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật để thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 22. Trách nhiệm của các đơn vị được trang bị, quản lý và sử dụng phương tiện thủy

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy thuộc quyền quản lý của mình theo đúng Quy định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
TRUNG TƯỚNG




Trần Đại Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1611/2007/QĐ-BCA Quy định về đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy của lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 1611/2007/QĐ-BCA
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản