Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 161/2003/QĐ-UB

Quy Nhơn, ngày 09 tháng 8 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Công văn số 2148 TM/KHTK ngày 05/6/2002 của Bộ Thương mại về việc quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đến năm 2010;
- Theo đề nghị của Sở Thương mại và Du lịch Bình Định;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này. Đồng thời định kỳ tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề tồn tại có liên quan nhằm góp phần thực hiện tốt các nội dung của quy hoạch đã đề ra.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Thương mại và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3
- Bộ Thương mại (báo cáo)
- TT Tỉnh ủy
- TT.HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Lãnh đạo VP + CV
- Lưu VP, K6.

TM- ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
 KT - CHỦ TỊCH
 PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Bá

 

QUY HOẠCH

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG BÁN LẺ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 161/2003/QĐ-UB ngày 09/9/2003 của UBND tỉnh Bình Định)

MỞ ĐẦU

Trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, hoạt động thương mại có vai trò, vị trí rất quan trọng là chiếc cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, trong đó kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định của Nhà nước có tác động to lớn, quyết định đến yêu cầu phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, quốc phòng và an ninh. Do vậy vấn đề kiểm soát hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu là yêu cầu hết sức cần thiết, khách quan nhằm quản lý tốt thị trường xăng dầu góp phần ổn định, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Thực hiện Công văn số 2181/TM-KHTK ngày 05/6/2002 của Bộ Thương mại, UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu tỉnh Bình Định đến năm 2010.

Nhiệm vụ của quy hoạch là đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng tình hình cung – cầu thị trường xăng dầu để quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và xác định các mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch tập trung chủ yếu vào quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong mối quan hệ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Phạm vi về thời gian là tập trung đánh giá thực trạng từ năm 1998 đến năm 2002 và quy hoạch phát triển đến năm 2010.

Kết cấu của quy hoạch gồm 3 phần:

Phần thứ nhất: Thực trạng hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2002

Phần thứ hai: Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2010

Phần thứ ba: Các giải pháp và tổ chức thực hiện

 

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2002

I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tình hình thị trường và kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được những kết quả chủ yếu như sau:

1. Tổng doanh thu:

Tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (1998 – 2002) đạt: 1.434 tỷ đồng, bình quân 287 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2002, đạt 446 tỷ đồng, chiếm 8,5% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội toàn tỉnh, trong đó:

- Doanh thu bán lẻ xăng các loại đạt: 182,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41% trong tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu.

- Doanh thu bán lẻ dầu diezel, FO đạt: 250,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56,0% trong tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu

- Doanh thu bán lẻ dầu hỏa đạt: 10,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,3% trong tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu

- Doanh thu bán lẻ các loại dầu khác đạt: 3,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,7% trong tổng doanh thu bán lẻ xăng dầu.

2. Tốc độ tăng trưởng

Kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định thời kỳ 1998 – 2002 có tốc độ tăng trưởng bình quân là 24,6%/năm, trong đó:

- Xăng các loại bình quân tăng: 22,7%/năm

- Dầu diezel, FO bình quân tăng: 26,4%/năm

- Dầu hỏa bình quân tăng : 22,6 %/năm

- Các loại dầu khác bình quân tăng : 35,1 %/năm

(Xem phụ biểu số 01)

3. Thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu

Tính đến 31/12/2002, tỉnh Bình Định có 94 thương nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh xăng dầu với 154 điểm bán lẻ và 5 kho xăng dầu, trong đó:

- Kinh tế quốc doanh có 5 doanh nghiệp tham gia với 35 điểm bán lẻ, 144 cột bơm xăng dầu, vốn đầu tư kinh doanh là 33.746 triệu đồng. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu của loại hình kinh tế này được bố trí đều khắp ở các địa phương trong tỉnh, kể cả các huyện miền núi.

- Kinh tế tư nhân có 60 doanh nghiệp tham gia gồm 5 Công ty cổ phần, 3 Công ty TNHH và 52 DNTN với 90 điểm bán lẻ, 290 cột bơm xăng dầu, vốn đầu tư kinh doanh là 45.612 triệu đồng.

- Kinh tế tập thể có 7 HTX (5 HTX NN, 2 HTX VT) tham gia với 7 điểm bán lẻ, 22 cột bơm xăng dầu, vốn đầu tư kinh doanh là 3.205 triệu đồng.

- Kinh tế cá thể có 18 hộ tham gia với 18 điểm bán lẻ, 36 cột bơm xăng dầu, vốn đầu tư kinh doanh là 6.808 triệu đồng.

- Kinh tế khác có 4 đơn vị tham gia với 4 điểm bán lẻ, 12 cột bơm xăng dầu, vốn đầu tư kinh doanh là 1.416 triệu đồng.

(Xem phụ biểu số 2)

4. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu

Mạng lưới kinh doanh xăng dầu thuộc các thành phần kinh tế được phân bố tương đối đều khắp từ thành thị cho đến các vùng đồng bằng và miền núi. Toàn tỉnh Bình Định có 154 điểm bán xăng dầu, với 504 cột bơm, sử dụng 485 lao động, (trong đó: 388 nam, 97 nữ) với trình độ chuyên môn như sau: 47 đại học, 128 trung học, 213 công nhân kỹ thuật khác. Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật chủ yếu trong các doanh nghiệp Nhà nước.

(xem phụ biểu số 3)

Tuy nhiên, do nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng nên thực trạng mạng lưới kinh doanh xăng dầu chủ yếu tập trung ở thành phố Quy Nhơn, các thị trấn, thị tứ và các đầu mối giao thông trong tỉnh. Mức phục vụ bình quân tại thành phố Quy Nhơn khoảng 8.627 người/điểm bán lẻ xăng dầu, 2.316 người/cột bơm; Các huyện đồng bằng khoảng 9.681 người/điểm bán lẻ xăng dầu, 2.999 người/cột bơm; Các huyện trung du, miền núi khoảng 15.200 người/điểm bán lẻ xăng dầu, 5.971 người/cột bơm.

Bảng : Cơ cấu mạng lưới kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo vùng trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2002

CÁC VÙNG TRONG TỈNH

Dân số

(1000 người)

Số điểm bán lẻ

Số cột bơm

BQ dân số/điểm

Thành phố

250,2

29

108

8.627

Huyện đồng bằng

1.103,7

114

368

9.681

Huyện trung du, miền núi

167,2

11

28

15.200

Tổng cộng

1.521,1

154

504

9.941

5. Quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu

Công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Nhà nước tạo cơ chế và môi trường thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh nên thị trường kinh doanh xăng dầu ngày càng mở rộng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu bước đầu đã chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Nhà nước, các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ và Thông tư 14/1999/TT-BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại.

- Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận ĐKKD được phân cấp như sau:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho các doanh nghiệp (DN Nhà nước, DNTN, Công ty cổ phần, Công ty TNHH, DN có vốn đầu tư nước ngoài).

+ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho hộ kinh doanh cá thể, các HTX.

- Phân cấp quản lý các điều kiện về kinh doanh xăng dầu như sau:

+ Về cấp phép xây dựng: Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho các doanh nghiệp; UBND các huyện, thành phố cấp giấy phép xây dựng cho các hộ cá thể.

+ Về thiết kế công trình cửa hàng xăng dầu: Do các cơ quan chức năng chuyên môn thiết kế.

+ Về PCCC: Do Phòng Cảnh sát PCCC thuộc Công an tỉnh cấp.

+ Về môi trường: Thương nhân lập phương án BVMT gửi Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) thẩm định và cấp giấy chứng nhận về môi trường.

+ Sở Thương mại và Du lịch kiểm tra các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu

Đánh giá chung về những kết quả đã đạt được trên lĩnh vực kinh doanh xăng dầu (giai đoạn 1998 – 2002) trên địa bàn tỉnh như sau:

- Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phát triển với nhịp độ tăng trưởng ngày càng cao (tăng trưởng bình quân giai đoạn 1998 – 2002 là 24,6%/năm), không chỉ góp phần đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, mà còn vươn ra kinh doanh ở một số thị trường lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, các tỉnh Tây Nguyên ...

- Thị trường xăng dầu từng bước được mở rộng. Trong đó, thành phần kinh tế Nhà nước nắm giữ vai trò chi phối, kể cả khâu bán buôn và bán lẻ. Kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác tham gia đáng kể vào trong tổng mức lưu chuyển bán lẻ xăng dầu của tỉnh.

- Mạng lưới kinh doanh xăng dầu tổ chức rộng khắp từ thành thị cho đến các vùng đồng bằng, miền núi với nhiều thành phần kinh tế tham gia kinh doanh. Phương thức kinh doanh tương đối linh hoạt, thích ứng với cơ chế thị trường, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu được đầu tư xây dựng mới, khang trang có trang thiết bị, công nghệ hiện đại, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp.

- Đại bộ phận các cơ sở kinh doanh xăng dầu chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu, nhất là về an toàn PCCC, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, đo lường, chất lượng hàng hóa và nghĩa vụ nộp thuế Nhà nước.

- Quản lý nhà nước về thị trường và hoạt động kinh doanh xăng dầu có nhiều tiến bộ, nhất là trong tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sản xuất và tiêu dùng. Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu thường xuyên được chú trọng và tăng cường nên đã góp phần làm cho thị trường đặc biệt là giá cả xăng dầu luôn ổn định.

II- NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ:

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:

1. Hiệu quả kinh doanh

Phần lớn cơ sở bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ; trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu nên hiệu quả kinh doanh đạt được chưa cao. Nhiều cơ sở còn chạy theo lợi nhuận đơn thuần, nên đã xem nhẹ hiệu quả chính trị – xã hội, thậm chí có cơ sở còn có biểu hiện đầu cơ găm hàng, buôn bán hàng kém phẩm chất, thiếu số lượng..., làm thị trường có lúc thiếu ổn định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội.

2. Phân bố mạng lưới cửa hàng

- Do chưa có quy hoạch nên ở các khu vực trung tâm thành phố, thị trấn và dọc theo những tuyến giao thông chính, mật độ xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu khá dày đặc, trong khi ở vùng nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa lại không có, hoặc quá ít. Các cửa hàng trong khu vực thành phố, thị trấn phần lớn đều nằm gần khu dân cư, nên không đảm bảo an toàn PCCC, vi phạm chỉ giới xây dựng, không đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường, do đó không phù hợp với yêu cầu về điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.

- Mạng lưới kinh doanh xăng dầu, chưa được tổ chức một cách hợp lý giữa các vùng, đặc biệt là giữa thành thị, nông thôn và miền núi, chủ yếu tập trung dọc quốc lộ 1A, QL19, để phục vụ cho các phương tiện vận tải, còn phục vụ kinh tế nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy sản gần như chưa được quan tâm đúng mức.

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật của hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu

- Về quy mô cửa hàng, kho tàng: đa số các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều xây dựng từ trước năm 1999, quy mô nhỏ, lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn TCVN 4530 : 1998 , nên không đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, cảnh quan.

- Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh doanh xăng dầu còn nhiều yếu kém, thiếu những công trình phụ trợ nhưng chậm được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới để đảm bảo yêu cầu văn minh, hiện đại trong kinh doanh xăng dầu.

- Thiết bị kỹ thuật tại một số cửa hàng còn thô sơ, lạc hậu, nhất là thiết bị kiểm tra đo, đếm phần lớn đều thiếu chuẩn xác.

4. Điều kiện về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường

- An toàn lộ giới giao thông: một số cửa hàng xăng dầu ở các huyện và trên địa bàn thành phố Quy Nhơn do xây dựng trước năm 1999, nên không đảm bảo chỉ giới an toàn giao thông đường bộ theo quy định của quy chuẩn XDVN -1997.

- Trang thiết bị phòng chống cháy nổ: các thiết bị phòng chống cháy nổ tại các cửa hàng xăng dầu phần lớn chưa đảm bảo theo quy định hiện hành về công tác phòng chống cháy nổ.

- Hệ thống xử lý và thu gom chất thải xăng dầu: nhiều cửa hàng chưa thực hiện tốt phương án bảo vệ môi trường, chưa có hệ thống xử lý chất thải xăng dầu.

5. Chấp hành chính sách quản lý nhà nước

- Một số cơ sở kinh doanh xăng dầu chấp hành chính sách quản lý của Nhà nước chưa nghiêm túc, có biểu hiện gian lận thương mại, tiêu thụ xăng dầu ngoài luồng, chất lượng kém, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường chưa tốt.

- Quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu còn hạn chế, chưa có quy hoạch và định hướng phát triển mạng lươí cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tình trạng phát triển tràn lan cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở một số nơi không phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch phát triển của các ngành có liên quan.

- Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về thị trường và kinh doanh xăng dầu vừa yếu về trình độ, vừa thiếu các phương tiện cần thiết để phục vụ kiểm tra chất lượng xăng dầu.

Phần thứ hai

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI KINH DOANH XĂNG DẦU ĐẾN NĂM 2010

I- NHỮNG YẾU TỐ TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI TÁC ĐỘNG ĐẾN KHẢ NĂNG KINH DOANH VÀ NHU CẦU TIÊU THỤ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

1. Đặc điểm tự nhiên về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực của tỉnh cho phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu

1.1. Vị trí địa lý:

Bình Định là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ với diện tích tự nhiên 6.025km2, chiếm gần 1,81% diện tích cả nước lại nằm trên trục đường giao thông huyết mạch của cả nước với quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 19 nối liền Cảng biển quốc tế Quy Nhơn với các tỉnh Tây Nguyên, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Ngoài ra, Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km, có cảng Quy Nhơn và hệ thống hạ tầng khá đồng bộ nên Bình Định có nhiều thuận lợi trong phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ, giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, đủ điều kiện để hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa cho khu vực và quốc tế, là tiền đề cho Bình Định phát triển các dịch vụ hàng hải và phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.

1.2. Về tài nguyên thiên nhiên

Bình Định có tài nguyên, khoáng sản như đá các loại ước khoảng 700 triệu m3; quặn titan trữ lượng khoảng 2,5 triệu tấn; cao lanh, đất sét có trữ lượng khoảng 25 triệu m3; cát và cát trắng trữ lượng khoảng 900 ngàn m3; một số khoáng sản khác tuy không nhiều như các loại quặn vàng, chì,... hiện đang được khảo sát, thăm dò. Ngoài ra, Bình Định còn có tài nguyên rừng và tài nguyên thủy sản.

Bình Định có diện tích đất ven biển rất lớn chưa được sử dụng, là những khu vực rất thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp biển, hình thành các khu công nghiệp tập trung, khu dịch vụ và bố trí phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Về thủy sản, có tiềm năng lớn phát triển cả nuôi trồng và đánh bắt, tạo nguồn nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu. Ngoài ra, Bình Định có khả năng và lợi thế phát triển chế biến gỗ xuất khẩu.

1.3. Nguồn nhân lực

 - Dân số: Theo số liệu của Cục Thống kê tính đến năm 2002 dân số toàn tỉnh Bình Định là 1.521,1 nghìn người, trong đó thành thị chiếm 24,0% tổng số dân toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số hàng năm khoảng 1,4 – 1,45%, cơ cấu nam chiếm 48,6% và nữ chiếm 51,4%, mật độ dân số bình quân 246 người/km2, trong đó đô thị khoảng 1.000 người/km2, miền núi từ 27 – 37 người/km2. Sự phân bố dân cư không đều giữa các khu vực đã có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường kinh doanh xăng dầu của tỉnh.

- Lao động: Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 55,9% trong tổng dân số của tỉnh, trong đó số có khả năng lao động chiếm 94,95%; lao động tham gia hoạt động thương mại và dịch vụ thương mại chiếm khoảng 11,18%, lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 70,73% và lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng chiếm gần 7,67%. Chất lượng lao động còn thấp, tỷ lệ công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Nhìn chung, nguồn lao động cần được đào tạo lại để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Với những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội sẽ là những nhân tố tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

2. Dự báo phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2010

2.1. Định hướng chung:

Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI đã đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 như sau:

Giai đoạn 2001 - 2010 có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá của tỉnh. Vì vậy, cần tập trung sức lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng; cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tập trung đầu tư cho mục tiêu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất với tốc độ tăng trưởng cao. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân là 9,5%/năm, cao hơn 10 năm 1991 - 2000 để đến năm 2010 GDP tính theo đầu người đạt khoảng 490USD, bằng 2,3 lần năm 2000.

Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, đến năm 2010, GDP trong nông-lâm-ngư nghiệp chiếm khoảng 26-28%, công nghiệp- xây dựng 32-34% và dịch vụ 38-40%; cơ cấu lao động tương ứng là 65%-12% và 23%.

Xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật về kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ, trước hết là trong lĩnh vực thủy lợi, giao thông, khu công nghiệp và du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Phát huy năng lực các thành phần kinh tế, xây dựng kinh tế Nhà nước thực sự đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt; đổi mới và nâng cao hoạt động của kinh tế hợp tác; phát triển các loại hình kinh tế khác theo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Mở rộng lưu thông hàng hoá trên tất cả các vùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu đời sống; đưa tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ trên thị trường xã hội tăng bình quân 12 - 13%/năm.

2.2. Định hướng phát triển một số ngành kinh tế

2.2.1. Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp:

Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, phát triển nền sản xuất hàng hóa, lấy chỉ tiêu giá trị mới tạo ra trên một đơn vị diện tích làm thước đo hiệu quả. Trước hết chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái trong tỉnh. Tập trung khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng hàng năm GDP nông nghiệp giai đoạn 2001 – 2005 là 5,0 – 5,5% và giai đoạn 2006 – 2010 là 4,5 – 5,0%.

- Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng theo hướng nông lâm kết hợp. Phấn đấu mỗi năm trồng 4.000 ha rừng tập trung. Tận dụng lợi thế về điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp, cây lấy gỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh.

- Về ngư nghiệp: Phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Phấn đấu đưa giá trị nuôi trồng thủy hải sản chiếm 1/3 giá trị toàn ngành thủy sản và trở thành một ngành kinh tế có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn.

Nâng cao năng lực đánh bắt hải sản, chủ yếu là phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đưa phương tiện đánh bắt thủy hải sản công suất từ 220.000 CV hiện nay lên 250.000 CV năm 2010.

2.2.2. Phát triển công nghiệp

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa dạng, phù hợp với thế mạnh của tỉnh và nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và thị trường quốc tế trong quá trình hội nhập. Khai thác tốt nguồn lực của tỉnh và nguồn lực bên ngoài, tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Một số ngành công nghiệp chủ yếu như công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện tử và công nghiệp phần mềm. Phấn đấu đến năm 2010 GDP công nghiệp và xây dựng là 32 – 34% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 2001 – 2010 là 14 – 16%.

2.2.3. Phát triển giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng

Từ nay đến 2010, tập trung đầu tư cho giao thông, thủy lợi, hệ thống cảng biển đưa khối lượng hàng hóa thông qua cảng từ 1,75 triệu tấn hiện nay lên 4 triệu tấn năm 2010. Đến năm 2010 nhựa hóa toàn bộ đường đô thị, bê tông xi măng hoặc nhựa hóa tất cả các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã và trục chính của xã, xây dựng nâng cấp tuyến đường ven biển từ Tam Quan đến Quy Nhơn, đường từ hồ Phú Hòa đến phường Bùi Thị Xuân. Xây dựng đường Quy Nhơn - Nhơn Hội gắn với phát triển cảng biển về phía đông bắc. Cùng với việc xây dựng mở rộng cảng hàng hóa, xây dựng các cảng cá và cơ sở hạ tầng nghề cá ở Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi, Hà Ra, phục vụ đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu.

Xây dựng mở rộng khu công nghiệp Phú Tài về phía Long Mỹ, phát triển khu công nghiệp trong khu kinh tế Nhơn Hội, xây dựng khu công nghiệp phía bắc tỉnh, phát triển các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp dọc QL 19, thành phố Quy Nhơn và các thị trấn, thị tứ khác, để tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp và dịch vụ, du lịch.

2.3. Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ xã hội

Dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội trên thị trường tỉnh Bình Định thời kỳ 2001 –2010 là 12 – 13%/năm. Riêng trong 2 năm 2001 – 2002 tăng bình quân 9,05%/năm so với năm 2000. Vì vậy, trong thời gian đến phải đẩy mạnh phát triển thị trường, tổ chức tốt khai thác nguồn hàng, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh mới đạt được mục tiêu đề ra.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ xã hội đến năm2005 là 8.355 tỷ đồng và đến năm 2010 ước đạt 16.000 tỷ đồng, bình quân ước đạt 15,5 triệu/người/năm.

(xem phụ biểu số 4)

2.4. Dự báo tổng mức lưu chuyển bán lẻ xăng dầu

- Theo quy họach phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Định, phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2001 – 2010 là 9,5%/năm. Tình hình tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng, quyết định đến nhu cầu về năng lượng, thông thường trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng của nhu cầu năng lượng nói chung và nhu cầu xăng dầu nói riêng thường cao hơn tốc độ tăng trung bình của tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

- Thực tế tốc độ tăng trưởng xăng dầu thời kỳ 1998 – 2002, cứ tăng bình quân hàng năm của GDP 1% thì nhu cầu xăng dầu tăng trên 2% và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xăng dầu chiếm 8,5% tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội. Thời kỳ 2003 – 2010 là thời kỳ Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, do vậy nhu cầu xăng dầu sẽ tăng nhanh hơn tăng GDP và tổng mức lưu chuyển bán lẻ xăng dầu cũng chiếm tỷ trọng xấp xỉ 7 - 8% so tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội.

- Dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2003 - 2010 là 1.340.000 m3, tướng ứng 6.500 tỷ đồng, trong đó năm 2010 đạt 245.300 m3, tương ứng 1.177 tỷ đồng, chiếm 7,3% so với tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội, bình quân tốc độ tăng trưởng thời kỳ này là 12,3%. Nếu kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tổ chức khai thác tốt nguồn hàng, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, thì các chỉ tiêu này sẽ mang tính khả thi cao.

2.5 Tốc độ phát triển đô thị, các khu kinh tế và phân bố dân cư:

Phát huy vai trò đô thị thành phố Quy Nhơn, xây dựng các thị trấn Bồng Sơn, Bình Định, Phú Phong trở thành thị xã. Phát triển Quy Nhơn về phía đông bắc gắn phát triển cảng Quy Nhơn và xây dựng khu đô thị mới Nhơn Hội. Phát triển các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các tuyến đường quốc lộ, thành phố, thị trấn, thị tứ tạo sự chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp. Sự hình thành tuyến đường ven biển Quy Nhơn – Tam Quan, đường Phú Hòa – phường Bùi Thị Xuân, đường Điện Biên Phủ(Quy Nhơn)... sẽ tăng nhanh tốc độ về tỷ trọng dân cư đô thị từ 24% hiện nay lên 35% năm 2010.

II- DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU TRONG NƯỚC VÀ ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010

1. Tình hình cung cầu

Theo Quy hoạch phát triển Ngành năng lượng Việt Nam đến sau năm 2010, công nghiệp chế biến và sản xuất dầu khí nước ta mới có khả năng đáp ứng về cơ bản đủ nhu cầu xăng dầu cho tiêu dùng trong nước. Vì vậy, trong thời kỳ 2001 – 2010, nước ta vẫn còn dựa vào xăng dầu nhập khẩu nên nhu cầu xăng dầu của Việt Nam thời kỳ này vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn của tình hình cung – cầu và giá cả thị trường xăng dầu thế giới.

Theo dự báo của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, nhu cầu về năng lượng hiện tại của Việt Nam phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị hóa và xu hướng toàn cầu hóa thương mại đòi hỏi dịch vụ chất lượng tốt hơn để tăng tính cạnh tranh quốc tế. Do đó trên cơ sở dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,2%/năm trong thời kỳ 2001 – 2010 thì đến năm 2010 Việt Nam tiêu thụ khoảng 15,2 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ, cũng như theo dự báo của Viện chiến lược phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của Tổng Công ty dầu khí Việt Nam đến năm 2010 nhu cầu xăng dầu của Việt Nam từ 16,9 triệu tấn đến 17,5 triệu tấn.

(xem phụ biểu số 5)

Cơ cấu các loại sản phẩm xăng dầu phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng từng loại sản phẩm trong các lĩnh vực, các ngành nghề và sẽ có những diễn biến khác nhau:

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê và Bộ Thương mại, năm 2001 cả nước có 0,25 triệu ô tô, 10 triệu xe máy (năm 2001 nhu cầu xe máy cá nhân tăng thêm là 2,5 triệu chiếc và vào năm 2010 tăng thêm khoảng 10 triệu chiếc. Đến năm 2010 cả nước có khoảng 0,5 triệu chiếc ô tô, 20 triệu xe
gắn máy).

- Dầu hỏa chủ yếu dùng cho thắp sáng ở nông thôn sẽ tăng với tốc độ chậm (do mở rộng điện khí hóa nông thôn) và chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong tổng nhu cầu thời kỳ 2001 – 2010.

- Nhu cầu diezen và mazut trong sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải vẫn tiếp tục tăng; tuy nhiên, tiêu thụ diezen và mazut cho phát điện sẽ giảm do sử dụng khí đốt thay thế. Vì vậy, nhu cầu đối với hai mặt hàng này không tăng nhanh như những năm trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nhu cầu về xăng dầu.

2. Giá cả

Nhu cầu xăng dầu của nước ta vẫn còn dựa vào xăng dầu nhập khẩu, nên giá cả xăng dầu trong nước trong thời kỳ 2001 – 2010 vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn vào tình hình cung cầuvà giá cả thị trường xăng dầu thế giới, chủ yếu là các nước thuộc tổ chức dầu mỏ thế giới (OPEC), Nga, Nauy...

Theo dự báo giá cả xăng dầu thế giới trong thời kỳ 2001 – 2010 biến động không lớn nên tác động trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước không bị áp lực mạnh.

3. Về khả năng cung cấp xăng dầu của các nhà máy lọc dầu
trong nước

Theo kế hoạch, nhà máy lọc dầu số 1 tại Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2004 sẽ đi vào sản xuất. Nhà máy lọc dầu số 2 dự kiến vận hành sau năm 2008 có công suất lọc dầu đạt 12 – 13 triệu tấn/năm.

Theo số liệu tính toán với giả thiết có nhà máy lọc dầu số 2 có sản phẩm tương đương với sản lượng của nhà máy lọc dầu số 1, khả năng cung ứng xăng dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu tiêu dùng của quốc gia.

(xem phụ biểu số 6)

III- KHẢ NĂNG CUNG ỨNG VÀ DỰ BÁO NHU CẦU TIÊU THỤ XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2010

1. Khả năng cung ứng

Thời kỳ 2003 – 2010 tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định không ngoài việc phụ thuộc vào các nhân tố ảnh hưởng chung của thị trường xăng dầu trong nước và thế giới về cung cầu và giá cả.

Tuy nhiên, khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào sản xuất sẽ đáp ứng một phần nhu cầu thị trường xăng dầu miền Trung, trong đó có Bình Định. Mặc khác thế mạnh của ngành xăng dầu Bình Định là: với điều kiện thuận lợi của cảng biển để vận chuyển xăng dầu và kho chứa có quy mô lớn, cùng với mạng lưới xăng dầu phát triển theo các trục giao thông trong tỉnh, ngoài việc cung ứng xăng dầu tại chỗ, Bình Định còn có khả năng cung ứng xăng dầu cho các tỉnh lân cận.

Theo đó, dự báo của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định với quy mô, điều kiện, khả năng kinh doanh hiện có và được tổ chức, sắp xếp lại, nâng cấp, mở rộng sẽ đảm bảo khả năng cung ứng một lượng xăng dầu bình quân khoảng 150 – 200 ngàn m3/năm. Như vậy khả năng cung ứng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ về xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

2. Nhu cầu tiêu thụ

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn tỉnh phụ thuộc vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời căn cứ vào các tiềm năng có thể khai thác, các nguồn lực sẽ được đưa vào đầu tư. Theo đó tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2001 – 2010 cao hơn 10 năm 1991 – 2000, để đến năm 2010 GDP tính theo đầu người đạt 490 USD, bằng 2,3 lần năm 2000, quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người.

Theo dự kiến nhịp độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2001 – 2005 là 9,49%, giai đoạn 2006 – 2010 là 9,51%, trên cơ sở tính toán dự báo chung của Bộ Thương mại về tỷ lệ tốc độ tăng nhu cầu xăng dầu với tốc độ tăng GDP cùng với điều kiện thực tế về sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu thời kỳ 2003 – 2010 của tỉnh Bình Định là cứ tăng 1% GDP sẽ dẫn đến tăng 1,3% nhu cầu xăng dầu. Như vậy tốc độ tăng nhu cầu về xăng dầu thời kỳ 2003 – 2010 là 12,3%.

Cơ cấu các loại sản phẩm xăng dầu phụ thuộc vào xu hướng tiêu dùng từng loại sản phẩm trong các lĩnh vực, các ngành nghề khác nhau. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, hiện nay các loại phương tiện vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh có gần 4.200 ô tô, 220.000 xe máy, 153 tàu thuyền vận tải đường biển, đường sông, phương tiện đánh bắt thủy hải sản có công suất 220.000 CV, lưu lượng xe qua các tuyến đường quốc lộ ở Bình Định bình quân mỗi ngày từ 2.500 – 2.700 xe ô tô và gần 200.000 xe máy. Dự kiến đến năm 2010 toàn tỉnh ước có khoảng 7.000 ô tô, 400.000 xe gắn máy, phương tiện đánh bắt thủy hải sản có công suất khoảng 250.000 CV.

(xem phụ biểu số 7)

IV- QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2010

1. Quan điểm

1.1. Phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chiến lược phát triển hệ thống giao thông - vận tải, phù hợp với quy hoạch phát triển thương mại và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác có liên quan. Đồng thời, phải phù hợp với yêu cầu tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

1.2. Phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu với nhiều thành phần kinh tế tham gia, phát huy và sử dụng tích cực các nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chi phối thị trường bán buôn, bán lẻ và hướng dẫn các thành phần kinh tế khác kinh doanh đúng quy định của pháp luật.

1.3. Phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng xăng dầu để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu phải gắn với yêu cầu quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

1.4. Thị trường và hoạt động kinh doanh xăng dầu phải đặt dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Tổ chức thị trường và lưu thông xăng dầu đảm bảo hợp lý giữa các vùng, miền trong tỉnh.

2. Mục tiêu

Thời kỳ 2003 - 2010 có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, vì vậy việc quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải đạt được các mục tiêu cụ thể như sau:

2.1. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 đạt mức xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,3%/năm. Phấn đấu đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đối với các tầng lớp dân cư trên địa bàn tỉnh.

2.2. Mạng lưới bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để cung ứng, phục vụ thuận lợi cho dân cư, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá tỉnh nhà.

2.3. Đến năm 2006 tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại và bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

3. Phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010

Việc quy hoạch bố trí lại hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái giữa các vùng, miền trong tỉnh. Vì vậy bên cạnh việc thường xuyên chú trọng phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh một cách có khoa học nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, cần phải kịp thời tổ chức sắp xếp lại hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có để từng bước hiện đại hóa ngành xăng dầu trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại. Muốn vậy cần phải thực hiện các biện pháp mang tính nguyên tắc như sau:

- Thực hiện di dời, giải tỏa các cửa hàng xăng dầu không đảm bảo các quy định về kinh doanh, không phù hợp với yêu cầu quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương.

- Các cửa hàng đã xây dựng, tuy phù hợp về địa điểm quy hoạch nhưng để đáp ứng yêu cầu kinh doanh cần phải tiến hành cải tạo, nâng cấp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước đối với loại hình kinh doanh xăng dầu.

- Tổ chức xây dựng mới một số cửa hàng, điểm bán xăng dầu tại các vùng theo quy hoạch, chủ yếu trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ven đô thị... phù hợp theo thiết kế quy hoạch, hội đủ các điều kiện văn minh, hiện đại và cảnh quan môi trường.

3.1. Về cửa hàng bán lẻ xăng dầu

3.1.1. Số cửa hàng không phù hợp với quy hoạch:

Số cửa hàng hiện tại nằm trong khu vực đông dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, vi phạm lộ giới giao thông, gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp yêu cầu quy hoạch kinh tế – xã hội của địa phương cần phải di dời, giải tỏa, hoặc chấm dứt hoạt động, cụ thể:

- Đối với các cửa hàng vi phạm về lộ giới giao thông, nằm trong khu đông dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, gây ô nhiễm môi trường, quy định đến hết ngày 30/6/2004 phải di dời, giải tỏa hoặc chấm dứt hoạt động. Riêng tại thành phố Quy nhơn thực hiện đến hết ngày 31/12/2003.

- Đối với các cửa hàng không phù hợp với quy hoạch kinh tế – xã hội của địa phương phải di dời, giải tỏa hoặc chấm dứt hoạt động, do các địa phương quy định thời hạn cụ thể cho từng trường hợp nhưng tối đa là 31/12/2005.

3.1.2. Số cửa hàng đạt yêu cầu về địa điểm quy hoạch:

Số cửa hàng đạt yêu cầu về địa điểm quy hoạch nhưng chưa đạt một số yêu cầu quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu cần cải tạo, nâng cấp. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải có kế hoạch đầu tư, sửa chữa nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật cho phù hợp với quy định về thiết kế theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530 - 1998 được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và các điều kiện về trang thiết bị kỹ thuật được quy định tại Thông tư 14/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra còn phải đảm bảo về diện tích mặt bằng tổng thể phù hợp với dung tích chứa xăng dầu của cửa hàng (cấp cửa hàng), xem phụ biểu số 08.

- Đối với các cửa hàng đạt yêu cầu về địa điểm quy hoạch nhưng dụng cụ, trang thiết bị còn lạc hậu, thương nhân phải tiến hành đầu tư, nâng cấp thiết bị kỹ thuật theo công nghệ tiên tiến để phù hợp với yêu cầu chung. Thời hạn đầu tư, nâng cấp quy định đến hết năm 2005.

- Đối với cửa hàng đạt yêu cầu về địa điểm quy hoạch nhưng vi phạm về chỉ giới xây dựng, thương nhân phải có kế hoạch di dời đúng chỉ giới quy định, đồng thời tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, các trang thiết bị để phù hợp với yêu cầu chung. Thời hạn di dời đúng chỉ giới quy định đến hết tháng 6/2004.

* Chi tiết các cửa hàng xăng dầu cần phải di dời, tháo dỡ, đầu tư nâng cấp trang thiết bị... (xem phụ biểu số 9)

3.1.3. Số cửa hàng đầu tư xây dựng mới:

- Số cửa hàng đầu tư xây dựng mới được quy hoạch dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ven đô thị và các vùng kinh tế trọng điểm. Các cửa hàng xăng dầu đầu tư xây dựng mới phải đúng theo quy hoạch về địa điểm, có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mặt bằng thông thoáng, thiết kế xây dựng khang trang, sạch đẹp.

- Đối tượng được bố trí đầu tư xây dựng mới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các điểm nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ven đô thị và các vùng kinh tế trọng điểm theo quy hoạch chủ yếu là các doanh nghiệp, các cơ sở xăng dầu bị Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi công cộng...; các cơ sở vi phạm các điều kiện kinh doanh xăng dầu mà Nhà nước đã quy định phải tháo dỡ hoàn toàn và các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh xăng dầu thực sự do UBND tỉnh xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

3.2. Địa điểm bố trí cửa hàng xăng dầu

3.2.1. Tiêu chí lựa chọn địa điểm:

- Việc lựa chọn địa điểm kinh doanh xăng dầu phải dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và tính đặc thù của mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên phải có không gian phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản và sinh hoạt của các tầng lớp dân cư.

- Địa điểm kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, khoảng cách với khu dân cư, lộ giới giao thông, môi trường sinh thái và văn minh thương mại theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Địa điểm quy hoạch định hướng nằm ven các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu vực thuộc các vùng ven thành phố Quy Nhơn. Riêng các tuyến liên xã, do UBND các huyện lựa chọn địa điểm bố trí xây dựng cửa hàng xăng dầu sao cho phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển về số lượng cửa hàng ở từng địa phương .

3.2.2 Các địa điểm quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

* Tuyến quốc lộ: Các tuyến quốc lộ nằm trên địa bàn tỉnh có độ dài khoảng 200km (QL 1A: 110km; QL 19: 70km và QL 1D: 20km). Đây là tuyến giao thông quan trọng, lưu lượng các loại xe qua lại có khoảng trên 15.000 lượt ngày đêm, trong đó ô tô chiếm 40%. Số xe có nhu cầu nạp nhiên liệu chiếm 30%, tương đương 4.500 xe các loại. Định hướng quy hoạch trên các tuyến quốc lộ khoảng 76 điểm, bình quân mỗi điểm có 60 xe nạp nhiên liệu một ngày đêm.

Bảng: Quy hoạch điểm bán lẻ xăng dầu theo tuyến quốc lộ

TT

TUYẾN ĐƯỜNG

Tổng số điểm hiện có

Tổng số điểm được QH

Ghi chú

I

Tuyến QL 1A (từ đèo Cù Mông - đèo Bình Đê)

55

52

 

1

 Quy Nhơn

9

6

 

2

 Tuy Phước

8

7

 

3

 An Nhơn

6

7

 

4

 Phù Cát

8

8

 

5

 Phù Mỹ

9

10

 

6

 Hoài Nhơn

15

14

 

II

Tuyến QL 19 (Ngã 3 Ông Thọ - đèo An Khê)

17

19

 

1

 Quy Nhơn

0

1

 

2

 Tuy Phước

1

2

 

3

 An Nhơn

5

5

 

4

 Tây Sơn

11

11

 

III

Tuyến QL 1D (cầu Sông Ngang – Sông Cầu)

2

6

 

 

Tổng cộng

74

77

 

* Đối với tỉnh lộ: Các tuyến tỉnh lộ có tổng độ dài khoảng 405km, là trục giao thông nối liền giữa các huyện, các xã và các vùng dân cư trong tỉnh so với quốc lộ. Các tuyến tỉnh lộ có lưu lượng xe đi qua ít hơn, tuy nhiên do nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng nên cần phải quy hoạch các điểm một cách phù hợp để đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Ước lượng xe đi qua trên tuyến tỉnh lộ khoảng 10.000 lượt/ngày đêm, trong đó ô tô chiếm 20%. Nhu cầu nạp nhiên liệu chiếm 30%, tương ứng 3.000 xe các loại. Định hướng quy hoạch trên các tuyến tỉnh lộ khoảng 70 điểm, bình quân mỗi điểm có 40 xe nạp nhiên liệu một ngày đêm, cộng với nhu cầu nạp xăng dầu của các thiết bị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khác.

Bảng: Quy hoạch điểm bán lẻ xăng dầu theo tuyến tỉnh lộ

TT

TUYẾN ĐƯỜNG

Tổng số điểm hiện có

Tổng số điểm được QH

Ghi chú

I

Tuyến ven biển (từ Quy Nhơn -Tam Quan)

6

16

 

1

- Nhơn Hội – Cát Tiến

0

2

 

2

- Cát Hải – Cát Minh

0

3

 

3

- Mỹ Thành - Hà Ra, Phú Thứ

2

4

 

4

- Lộ Diêu – Tam Quan

4

7

 

II

Tuyến tỉnh lộ 640 (Ngã 3 ông Đô – Cát Tiến)

3

4

 

1

- Tuy Phước

3

3

 

2

- Phù Cát

0

1

 

III

Tuyến tỉnh lộ 638 (Diêu Trì – Vân Canh)

4

7

 

1

- Tuy Phước

3

3

 

2

- Vân Canh

1

4

 

IV

Tuyến tỉnh lộ 637 (Đồng Hào – Vĩnh Sơn)

3

6

 

1

- Tây Sơn

0

1

 

2

- Vĩnh Thạnh

3

5

 

V

Tuyến tỉnh lộ 636 (Gò Găng – Kiên Mỹ)

5

7

 

1

- An Nhơn

1

2

 

2

- Tây Sơn

4

5

 

VI

Tuyến tỉnh lộ 635 (bến xe Phù Cát – Cát Tiến)

5

5

 

VII

Tuyến tỉnh lộ 634 (chùa Vàng – Cát Sơn)

1

3

 

VIII

Tuyến tỉnh lộ 633 (chợ Gồm – Đức Phổ, Cát Minh)

1

2

 

IX

Tuyến tỉnh lộ 632 (TT PMỹ – Mỹ Thọ – TT Bình Dương)

3

6

 

X

Tuyến tỉnh lộ 630 (Cầu Dợi – Ân Nghĩa, Hoài Ân)

4

5

 

XI

Tuyến tỉnh lộ 629 (TT Bồng Sơn – An Lão)

2

4

 

1

 Hoài Nhơn

0

0

 

2

 Hoài Ân

1

2

 

3

 An Lão

1

2

 

 

Tổng cộng

37

65

 

* Các tuyến nội thành Quy Nhơn và liên huyện, liên xã: Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua các thị trấn, xã, phường thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh đã được quy hoạch tùy theo địa bàn, mật độ dân cư, khu vực sản xuất nông, lâm, thủy sản và sự phát triển hệ thống giao thông của các huyện, thành phố sẽ bố trí các điểm quy hoạch xây dựng cửa hàng xăng dầu thích hợp để đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu của nhân dân.

- Thành phố Quy Nhơn: Do có mật độ dân cư đông đúc, việc quy hoạch cửa hàng bán lẻ trong nội thành càng có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc tổ chức cung ứng thuận lợi, trật tự, an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của nhân dân, còn phải bảo đảm yêu cầu văn minh, hiện đại. Dự kiến quy hoạch tại thành phố Quy Nhơn khoảng 13 điểm bán lẻ xăng dầu theo các tuyến với địa điểm như sau:

Bảng: Quy hoạch điểm bán lẻ xăng dầu trên địa bànTP Quy Nhơn

TT

ĐỊA ĐIỂM, ĐƯỜNG

Số điểm hiện có

Tổng số điểm được QH

Ghi chú

1

Đường Q Nhơn - Nhơn Hội

0

2

 

2

Đường THĐạo - Hùng Vương

10

5

 

3

Đường Đống Đa

2

1

 

4

Đường Tây Sơn (đoạn Nguyễn Thái Học - An Dương Vương)

1

1

 

5

Đường Điện Biên Phủ

0

1

 

6

Cảng cá Quy Nhơn

0

1

 

7

Cảng cá Nhơn Châu

0

1

 

8

Xã Nhơn Lý

0

1

 

 

Tổng số

13

13

 

- Các huyện còn lại: ngoài các địa điểm được quy hoạch trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, tuỳ theo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của nhân dân, các huyện được phép quy hoạch thêm các điểm bán lẻ xăng dầu sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhưng không vượt quá quy định dưới đây:

Bảng: Định hướng quy hoạch điểm bán lẻ xăng dầu ở các huyện

TT

HUYỆN

Số điểm hiện có

Tổng số điểm được QH (nhưng không quá)

Ghi chú

1

Tuy Phước

1

5

 

2

An Nhơn

5

8

 

3

Tây Sơn

0

2

 

4

Phù Cát

1

3

Cảng cá Đề Gi: 1 điểm

5

Phù Mỹ

4

5

Cửa biển HRa-PThứ 1 điểm

6

Vĩnh Thạnh

0

1

 

7

Hoài Nhơn

9

6

Cảng cá Tam Quan: 3 điểm

8

Hoài Ân

1

3

 

9

An Lão

0

1

 

10

Vân Canh

0

1

 

 

Tổng số

20

35

 

3.3. Yêu cầu cấp độ kỹ thuật, công nghệ và quy định về đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu.

3.3.1. Yêu cầu kỹ thuật đối với cửa hàng xăng dầu.

Việc đầu tư xây dựng mới cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo các quy định về điều kiện an toàn PCCC, vệ sinh môi trường, yêu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4530:1998 tại Thông tư 14/1999/TT-BTM ngày 07/71999 của Bộ Thương mại quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu. Ngoài ra còn phải đảm bảo yêu cầu về diện tích mặt bằng tổng thể phù hợp với dung tích chứa xăng dầu của cửa hàng, các hạng mục công trình chính, phụ, các thiết bị phục vụ...

(xem phụ biểu số 8)

3.3.2. Quy định về đầu tư xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu:

- Về mặt bằng xây dựng: Thương nhân có điểm bán xăng dầu hoặc cửa hàng bán xăng dầu bị tháo dỡ hoàn toàn phải di dời, chủ động lựa chọn địa điểm mặt bằng phù hợp với Quy hoạch được duyệt, đồng thời làm đơn trình cấp thẩm quyền để quyết định cho thuê hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Về cấp phép xây dựng: Thương nhân tiến hành lập quy hoạch mặt bằng tổng thể, thiết kế xây dựng đúng quy định về tiêu chuẩn cửa hàng xăng dầu theo TCVN 4530 - 1998 (Thông tư 14/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại), Quy chuẩn XD-QCXDVN - 1997 của Bộ Xây dựng và Chỉ thị số 25/2003/CT-UB ngày 22/7/2003 của UBND tỉnh, trình cơ quan quản lý về xây dựng thẩm định và cấp phép xây dựng trước khi tiến hành thi công công trình theo quy định hiện hành.

- Về an toàn PCCN: trong quá trình thiết kế kỹ thuật, chủ đầu tư phải trình cơ quan PCCC để thẩm duyệt thiết kế phòng cháy và được cơ quan PCCC thỏa thuận bằng văn bản trước khi thi công công trình.

- Về bảo vệ môi trường: Sau khi hoàn tất thủ tục lựa chọn địa điểm xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chủ đầu tư tiến hành lập phương án bảo vệ môi trường, trình cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thẩm định và thỏa thuận bằng văn bản trước khi đầu tư xây dựng. Công trình sẽ được cấp phép về môi trường sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

3.4. Lộ trình phát triển mạng lưới xăng dầu:

Để phù hợp theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, quá trình quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2003 - 2010 thực hiện theo lộ trình sau:

- Giai đoạn từ năm 2003 - 2005: Chủ yếu tập trung thực hiện di dời các điểm bán xăng dầu không đủ điều kiện hoạt động, các điểm bán xăng dầu vi phạm chỉ giới phải tháo dỡ (phần vi phạm) và các điểm bán xăng dầu cần phải đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm yêu cầu văn minh thương mại. Hạn chế việc cấp phép xây dựng mới nhằm ổn định số lượng hoạt động trong khoảng từ 165 - 170 điểm bán xăng dầu.

- Giai đoạn từ năm 2006 - 2010: Giải quyết cấp mới khoảng 20 điểm bán xăng dầu để đạt số lượng ổn định theo quy hoạch của thời kỳ này là 190 điểm xăng dầu.

3.5. Vốn đầu tư thực hiện quy hoạch đến năm 2010

- Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh là: 140.000 triệu đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư xây dựng mới các cửa hàng, điểm bán xăng dầu khoảng: 90.000 triệu đồng, bình quân 1.000 triệu đồng/cửa hàng.

+ Vốn đầu tư cải tạo sửa chữa và nâng cấp thiết bị các cửa hàng xăng dầu đã đạt yêu cầu về địa điểm quy hoạch khoảng: 50.000 triệu đồng, bình quân 500 triệu đồng/cửa hàng.

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cửa hàng xăng dầu do chủ đầu tư tự huy động để phục vụ đầu tư đúng tiến độ và thời gian quy định.

3.6. Quản lý quy hoạch:

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra quy hoạch mặt bằng, đồng thời chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo đúng các quy định về tiêu chuẩn (TCVN:4530 - 1998), quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN - 1997) và Chỉ thị số 25//2003/CT-UB ngày 22/7/2003 của UBND tỉnh về quản lý bảo vệ công trình giao thông và hành lang đường bộ.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục thuê đất, cấp đất theo quy định của Luật Đất đai, đồng thời thẩm duyệt phương án bảo vệ môi trường và cấp phiếu nhận xét về môi trường đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) chịu trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy chữa cháy.

- UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm xem xét vị trí địa điểm xây dựng mới cửa hàng xăng dầu của các thương nhân trên địa bàn theo đúng Quy hoạch được duyệt trước khi quyết định, hoặc trình cấp thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đất đai. Đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức theo dõi quản lý các hoạt động có liên quan đến công tác kinh doanh xăng dầu trên địa bàn của mình.

- Sở Thương mại và Du lịch chịu trách nhiệm theo dõi quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh xăng dầu, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Phần thứ ba

CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I- CÁC GIẢI PHÁP

Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, cần tổ chức thực hiện một số giải pháp sau:

1. Phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu phù hợp với yêu cầu về tiêu chí, địa điểm, cấp độ kỹ thuật công nghệ theo hướng hiện đại.

Xuất phát từ đặc điểm, các điều kiện kinh doanh và thực trạng mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, việc phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu trong những năm đến phải thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt, nhất là những vùng nhạy cảm như các trục giao thông, các vùng kinh tế trọng điểm và các vùng ven đô thị, bán đô thị... yêu cầu về thiết kế xây dựng phải được thực hiện theo hướng khang trang hiện đại để đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại.

Tiến hành di dời, giải tỏa hoặc đình chỉ kinh doanh đối với những cửa hàng xăng dầu vi phạm hành lan an toàn giao thông, sát khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ. Thời gian triển khai thực hiện quy định trên chậm nhất đến hết ngày 30/6/2004. Riêng thành phố Quy Nhơn đến ngày 31/12/2003.

Đồng thời quy định đến hết ngày 31/12/2005 các cơ sở phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cửa hàng xăng dầu có địa điểm phù hợp theo quy hoạch, nhưng chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh, lạc hậu về kỹ thuật, công nghệ để từng bước hiện đại hóa các điểm bán xăng dầu theo hướng văn minh thương mại nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

2. Tiếp tục củng cố phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp Nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo, chi phối thị trường bán lẻ

Phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp Nhà nước một cách đều khắp tại các vùng, miền trong tỉnh, nhất là tại các tuyến giao thông, vùng kinh tế trọng điểm và vùng sâu, vùng xa để chi phối thị trường bán lẻ. Các Tổng công, công ty xăng dầu Nhà nước phải tự chủ trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hệ thống đại lý tiêu thụ trên địa bàn tỉnh với các hình thức phù hợp, để góp phần ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng của xã hội.

Các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh xăng dầu cần xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu kiểu mẫu ở các tuyến QL 1A, QL 19, QL 1D và những vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, đồng thời tổ chức phục vụ khách một cách văn minh, lịch sự để thể hiện vai trò chủ đạo và hướng dẫn các thành phần kinh tế khác tham gia kinh doanh xăng dầu đúng quy định.

3. Đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong ngành xăng dầu      

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong ngành xăng dầu, phấn đấu đến năm 2010 có 100% lao động trong ngành xăng dầu được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn thành thạo về lĩnh vực xăng dầu, kể cả phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và kiểm tra, quản lý chất lượng xăng dầu.

Trước mắt, Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với các Trung tâm đào tạo chuyên ngành trong nước để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ xăng dầu cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh tham gia học tập và nâng cao kiến thức nghiệp vụ để mỗi cơ sở kinh doanh xăng dầu có ít nhất 1 cán bộ, công nhân viên nắm bắt thông thạo các nghiệp vụ kỹ thuật kinh doanh xăng dầu.

4. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

Thường xuyên tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước để thiết lập trật tự kỷ cương trong kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật. Từng bước ổn định thị trường, chống nhập lậu, tiêu thụ các nguồn xăng dầu bất hợp pháp, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Kiên quyết xóa bỏ các điểm bán xăng dầu không có giấy chứng nhận và không đủ điều kiện kinh doanh. Không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các cửa hàng không đủ các điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường.

Tăng cường phối hợp và đề cao trách nhiệm giữa các sở, ngành chức năng và các địa phương trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu từ khâu chọn địa điểm, cấp đất, thiết kế, thẩm định, cấp phép xây dựng cửa hàng xăng dầu đến công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu thuộc các thành phần kinh tế. Trang bị các phương tiện kỹ thuật cần thiết cho lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra kinh doanh xăng dầu, nhất là kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu...

5. Nguồn vốn đầu tư phát triển các cửa hàng xăng dầu

Thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần, huy động mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển. Vốn đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu do các thương nhân kinh doanh xăng dầu tự đầu tư bằng các nguồn hợp pháp do Nhà nước
quy định.

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thương mại và Du lịch có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quy hoạch, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010.

2. Sở Thương mại và Du lịch phối hợp UBND các huyện, thành phố thông báo chủ trương di dời, giải tỏa những cửa hàng bán lẻ xăng dầu vi phạm các điều kiện kinh doanh xăng dầu như đã nêu trong quy hoạch này đến các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở, nhất là các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các trường hợp vi phạm nêu trên.

3. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu đã được UBND tỉnh phê duyệt, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai quy hoạch chi tiết mạng lưới xăng dầu trên địa bàn của mình nhưng không được vượt quá số điểm bán xăng dầu mà quy hoạch của tỉnh đã quy định, nhằm góp phần quản lý tốt mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại các địa phương nói riêng.

4. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh căn cứ vào nội dung Quy hoạch này để xây dựng kế hoạch di dời, cải tạo sửa chữa và đầu tư phát triển tại đơn vị mình một cách kịp thời, nghiêm túc, đúng tiến độ và đảm bảo theo yêu cầu quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các địa phương cần bám sát với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./-

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 161/2003/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 161/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/08/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Phạm Bá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản